Dù Chỉ Sống Thêm Một Ngày, Anh Vẫn Sẽ Chọn Em

Tính đến bây giờ, Hân đã sinh em bé được một tháng. Thằng bé được mẹ và dì gọi yêu bằng “Gấu”, vì nó rất kháu khỉnh và sổ sữa. Cô đã biết được thế nào là mang nặng đẻ đau. Khi tự tay chăm con nhỏ, cô biết thêm những khó nhọc của người mẹ, phải thức đêm hôm, lo lắng từng chút một cho “cục cưng” nhỏ xíu. Cô cảm nhận được bản thân mình lớn khôn như ngày hôm nay là cả một quá trình gian nan mà mẹ mình đã trải qua.
Bé Gấu ngủ rất nhiều. Mỗi ngày, thằng bé chỉ thức vài tiếng đồng hồ chơi đùa và nhõng nhẽo. Càng tiếp xúc với nó, cô càng cảm thấy yêu nó nhiều hơn. Cô không đành lòng đem bé cho người ta nuôi theo cái kế hoạch ban đầu mà bà Vân đã định. Cô chỉ muốn ở bên cạnh bé như lúc này, cho bé **, ru bé ngủ, dỗ dành khi bé khóc.
Buổi trưa, Hân đưa võng để bé Gấu ngủ yên giấc. Nhìn thằng bé đang ngủ say, lòng cô cảm thấy thật ấm áp. Cô nhẩm tính lại bé Gấu đã được một tháng có nghĩa là cái ngày mà cô xa bé đã đến gần.
Cô không biết làm gì để bảo vệ thiên sứ bé nhỏ của mình. Càng nghĩ đến điều này, cô càng đau lòng đến rơi nước mắt. Liệu cô còn có thể trông thấy bé thêm được bao nhiêu ngày nữa?
Bà Vân bước vào phòng bắt gặp Hân đang khóc. Bà là một người mẹ rất hiểu tâm sự của con gái. Nhưng cái bà lo lắng nhiều nhất vẫn chính là tương lai của cô.
- Mới sanh xong, con không được khóc đâu! Khóc sớm sẽ làm mắt con mau mờ đi đó.- Bà dịu dàng khuyên nhủ.
- Con không muốn xa bé Gấu mẹ à! – Cô lau vội nước mắt để mẹ không phải bận lòng, nhưng trong giọng nói vẫn có phần nghẹn ngào.
- Mẹ biết rồi! Dì con có bàn với mẹ. Dì cũng đơn chiếc nên muốn nhận nuôi thằng bé. Cho người lạ nuôi thì còn lo lắng, chứ dì của con thì mẹ rất an tâm.
- Thật vậy hả mẹ?- Nghe mẹ nói như vậy, cô cũng cảm thấy phần nào bớt lo lắng. Vì cô biết dì Ba rất thương yêu bé Gấu, sẽ xem bé như “núm ruột” của dì.
Bà Vân đang tính nói tiếp điều gì đó thì đột nhiên di động của bà reo vang. Vì thằng bé đang ngủ nên bà nhanh chóng ra khỏi phòng để tránh làm ồn. Không biết ai gọi đến mà bà có vẻ rất căng thẳng. Nói chuyện với người đó một hồi lâu, bà quay vào phòng, khuôn mặt mang theo một chút tư lự.
- Con biết ai vừa gọi cho mẹ không?- Bà đột ngột hỏi cô.
- Ai vậy mẹ?– Cô thực sự không đoán ra.

- Là ba con! – Bà nói.
- Có việc gì vậy mẹ? Ba vẫn còn tức giận về chuyện của con sao? – Cô tỏ vẻ ngạc nhiên. Trong suốt mấy mấy tháng qua, dù ba có gọi, mẹ cũng không có nói gì với cô. Nhưng lần này, mẹ lại gọi cô lại nói chuyện làm cô có chút lo sợ.
- Không, ngược lại là đằng khác! Ba con đang rất lo lắng cho tương lai của con. Và ba cũng quyết định đón bé Gấu về nhà mình.
- Thật vậy hả mẹ?- Cô mừng rỡ nắm chặt lấy tay bà.
- Nhưng với điều kiện thằng bé sẽ gọi ba con bằng ba, gọi mẹ con bằng mẹ. Con phải quên đi việc con từng sinh ra nó.
- Vậy có nghĩa là nó sẽ là em con sao?- Cô trợn to mắt vì quá đỗi kinh ngạc.
- Ba mẹ nghĩ điều đó là tốt nhất cho cả con và thằng bé. Ba con cũng đã tìm được trường cho con học tiếp. Chúng ta phải chuẩn bị thu xếp hành lý để còn về cho con kịp đi học.
Hân buông tay mẹ mình ra, trong lòng bất chợt dâng lên nhiều suy nghĩ. Cô biết vậy là ba đã tha thứ cho cô. Ba vẫn xem cô là đứa con gái duy nhất mà ông yêu thương.
Lòng cô tràn ngập niềm vui khôn xiết. Vừa được ở gần bé Gấu, vừa được được đi học là điều mà cô từng nghĩ là “mơ chẳng được, ước chẳng thấy”. Nhưng giờ, chính ba là người giúp cô thực hiện điều đó.
Hân nghĩ cô không xứng làm mẹ của bé Gấu, nhưng thằng bé xứng đáng có một gia đình hạnh phúc. Bé Gấu sẽ có cha, có mẹ, có một người chị chính là cô. Vai trò người chị sẽ thích hợp với cô hơn là người mẹ. Nhưng dù ở vai trò nào, cô cũng sẽ thương yêu thằng bé như thương yêu chính bản thân mình.
Giờ phút này, cô chỉ mong thật mau trở về mái nhà xưa. Cô sẽ được gặp lại người cha đáng kính của mình, gặp lại người bạn thân tên Chi. Hơn nữa, cô còn được tiếp tục việc học còn đang dang dở của mình.

Hai hôm sau, Hân, mẹ và bé Gấu rời nhà dì Ba trở về Sài Gòn. Cô rất bất ngờ vì ông Trí ra tận bến xe đón. Ông nở nụ cười hiền lành khi nhìn thấy mọi người. Lúc này, ông khác xa một hình ảnh người cha nghiêm khắc.
Trên xe taxi, ông cứ nhìn chằm chằm đứa bé mà bà Vân đang ẵm trên tay. Một hồi sau ông nói: “Nhìn thằng bé này mặt mũi phúc hậu lắm! Tên của nó sẽ là Nguyễn Đức vậy!” Bà Vân và Hân liền đồng thanh hưởng ứng: “Tên hay đó!” Rồi cả nhà cùng nhìn nhau cười vui vẻ.
Bao nhiêu lo toan, bao nhiêu mâu thuẫn của gia đình cô dường như tan biết hết. Chính thằng bé có sức mạnh đem từng người trong gia đình cô xích lại gần nhau hơn.
Sau khi bé Gấu về sống chung, càng ngày ông Trí càng tỏ ra thương yêu thằng bé hơn. Bà Vân biết vì nhà không có con trai nên ông đặc biệt cưng nó cũng phải. Bà rất vui mừng vì điều đó. Gia đình vui vẻ, hòa thuận đối với bà là một món quà quý giá hơn cả vàng bạc.
Trong một thời gian ngắn, mọi người đã thích ứng với sự có mặt của một thành viên nhí trong gia đình với “quy luật bất thành văn”: bé Gấu là con của ông Trí và bà Vân, Hân là chị của nó. Chỉ còn một điều bà và ông Trí đều lo sợ là sự phản đối từ bà nội của Hân.
Ngày đó rồi cũng đến. Bà nội Hân hay tin ông Trí nhận con nuôi liền “lửa giận bốc cao hơn đầu”, tức tốc một mình đón xe lên Sài Gòn xử lý. Hôm đó, bà xuất hiện mà không có sự hộ tống của bất cứ cô, chú nào. Tuy đã lớn tuổi nhưng cử chỉ của bà rất nhanh nhẹn. Sự xuất hiện của bà nội làm ai nấy đều hoảng hồn.
- Hai vợ chồng bây điên hết rồi à? Con ruột còn chưa lo xong đã đòi nhận đến con nuôi! Mẹ không chấp nhận trong dòng họ xuất hiện người không phải huyết thống đâu!- Vừa vào nhà, bà đã đùng đùng quát.
- Mẹ à, để từ từ con giải thích! – Giọng bà Vân nhỏ nhẹ.
- Giải thích cái gì, trả thằng bé về lại đúng chỗ của nó ngay! – Bà nội tiếp tục quát.
- Không phải vậy đâu mẹ! Hôm trước, con đi xem bói, chỗ ông thầy Tích mà mẹ hay mời cúng đó, mẹ nhớ không? – Biết mẹ chồng mình cố chấp nhưng rất mê tín, bà Vân hướng câu chuyện đến việc xem bói.

- Ừ, thầy Tích là người mẹ luôn kính trọng vì nhờ ông ấy mà gia đình ta ai cũng sức khỏe dồi dào. Nhưng ý cô là gì? – Bà nội bắt đầu hạ giọng.
- Đúng rồi. Con có nhờ thầy xem giúp vận mệnh năm sau của anh Trí. Thầy nói là không tốt, phải giải nguy bằng cách nhận con nuôi có ngày giờ sanh giống thằng bé này. – Bà Vân lý giải. Tất nhiên, trước đó, bà cũng đã có tốn không ít tiền gửi đến thầy Tích để mua chuộc.
- Thật vậy sao? Mà có thách tụi bây cũng không dám gạt bà già này! – Bà nội đắc ý.
- Đúng đó mẹ! Đó cũng là ý của con. Con vốn không có con trai, nhận thêm thằng bé cho có trai có gái, lại vui cửa vui nhà. – Ông Trí lên tiếng đồng tình với vợ.
- Phải đó bà nội, thằng bé cũng dễ thương lắm. Mình đừng trả nó về nha bà nội. – Hân cũng tham gia bằng giọng nũng nịu.
- Nếu thầy Tích và ba con cũng nói như vậy thì bà cho qua vậy. – Bà nội gật gù ra vẻ vừa ý.
Bà nội Hân nhìn thấy bé Gấu trong lòng cũng cảm thấy yêu mến nên không còn quan tâm đến chuyện con nuôi, con ruột nữa. Bà đến không báo trước, đi cũng không ai hay. Vài hôm sau, nhân lúc không có ai ở nhà, bà tự mình đón xe trở về quê. Bà luôn muốn chứng tỏ với con cháu bà vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh.
Về phần Hân, cô trở lại việc học ở một trường Dân lập với quyết tâm cao độ. Cô phải học lại lớp mười một đã bỏ dở trước đó. Không phụ lòng ba mẹ, cô nhanh chóng tốt nghiệp trung học và trúng tuyển vào Đại học Luật theo lời khuyên của ba mình.
Ông Trí không bắt buộc cô mà chỉ khuyên rằng công việc luật sư sẽ giúp cô thoát khỏi cái bóng mờ nhạt của chính mình. Ông muốn cô phải năng động hơn, không phải sống khép mình như vậy nữa.
Khi Hân học xong năm nhất Đại học thì bé Gấu cũng đã được ba tuổi. Thằng bé ngày càng lanh lợi nhưng luôn tỏ ra chống đối với cô. Thường ngày, nó hay dấu tập vở, bút viết của cô chọc cho cô phải nổi khùng với nó.
Còn đối với ông Trí, bé Gấu luôn ngoan ngoãn và nũng nịu lấy lòng. Lúc thì, thằng bé nhõng nhẽo: “Ba đi làm cực khổ nên con chỉ thương một mình ba thôi!” Lúc thì, nó nịnh hót: “Ở nhà này chỉ một mình ba là đẹp trai nhất!” Vì vậy, ông ngày càng cưng nó hơn. Những câu nói ngô nghê, những trò nghịch ngợm của nó vậy mà có tác dụng làm cho cả nhà luôn đầy ấp tiếng cười.
Một đêm nọ, nhà chỉ còn Hân và bé Gấu vì ba mẹ về quê thăm bà nội. Nhà vắng người nên hai chị em ngủ chung. Không may, bé Gấu lại đột ngột sốt cao.
Từ nhỏ đến lớn bé Gấu hay bị bệnh lắm, nhưng lần nào mẹ cũng là người chăm sóc. Mới đầu, cô cũng bối rối lắm vì chưa chăm sóc người bệnh bao giờ. Cô bình tĩnh nhớ lại mỗi lần mình bị sốt, mẹ cho uống thuốc hạ sốt, rồi đắp khăn ấm lên trán, lên người.

Hân lập tức lục tủ thuốc gia đình thì may quá vẫn còn mấy gói thuốc hạ sốt cho trẻ em. Cô nghĩ chắc là mẹ mua để sẵn để phòng hờ trường hợp bé Gấu bệnh. Cho thằng bé uống thuốc xong, cô làm giống y như mẹ, đắp khăn ấm, lau người cho nó
Nhìn mặt nó phờ phạc không giống như vẻ mặt láu cá mỗi khi chọc giận người khác, cô không khỏi phì cười:
- Sao rồi, siêu quậy đã đến lúc hết sức để quậy rồi phải không? Mau ngồi dậy mà lục lọi đồ của chị đi, hôm nay cho phép đó!
- Em đâu có quậy đâu. Em thương chị Hai nhất mà. – Thằng bé đáp lại bằng giọng yếu ớt.
- Trời, đã bệnh mà còn nịnh bợ hả Gấu con. Thương chị là chọc tức chị hoài phải không? – Cô dịu dàng mắng yêu thằng bé.
- Ai kêu chị Hai không chịu chơi với em. – Thằng bé dẫu môi nũng nịu.
Lời nói của bé Gấu làm Hân có chút giật mình. Suy nghĩ lại, ngày nào cũng vậy, cô từ trường về đến nhà thì cứ chui vào phòng học bài. Buổi tối, cô không đi học thêm ngoại ngữ thì cũng học tin học. Đã lâu lắm rồi, cô chưa có dịp gần gũi với thằng bé như lúc này.
Cô không ngờ thằng bé hay phá phách đồ đạc là muốn lôi kéo sự chú ý của cô. Cô chợt thấy sống mũi mình cay cay. Cầm lòng không được, cô vừa xoa xoa cái trán nóng như lửa của nó vừa nói:
- Khi nào chị Hai rảnh sẽ chơi với em chịu không? Còn từ giờ em không được phá đồ của chị nữa!
- Dạ! Em biết rồi. – Thằng bé đáp yếu ớt.
- Chị Hai cũng thương em nhất đó, biết không Gấu con? – Hân nói bằng giọng nghèn nghẹn, những giọt nước mắt đã chảy hết cả vào trong tim. Nếu lúc này có ai cho cô một điều ước, cô chỉ mong rằng bao nhiêu bệnh tật trên cơ thể của thằng bé truyền hết qua cho cô.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận