Và rồi, đâu đâu cũng thấy xác người chết! Đầu tiên chúng tôi liên tục gặp các nhóm xác chết, khuôn mặt cười nhăn nhúm, khiến chúng tôi rùng mình ghê sợ. Cái hình ảnh rõ ràng, thương tâm mà chúng thấy trên đường đồi, qua khung cửa kính nơi an toàn của chúng tôi, không thể xóa nhòa khỏi tâm trí. Cô bảo mẫu với hai đứa trẻ, con ngựa quỵ giữa hai càng xe, đầu gục xuống tận hai gối, người đánh xe vắt ngang thanh trước xe, cậu thanh niên trong xe, mở cửa như muốn nhảy xuống đường. Thấp hơn một chút, 6 người gặt lúa nằm ôm nhau thành một đống, mắt mở trừng trừng, ngước nhìn trời xanh. Tôi nhìn những cảnh này mà lòng trơ trơ, như nhìn một bức hình vì như thể có dự tính sẵn của thiên nhiên, hệ thần kinh của con người. Khi đã căng thẳng tột độ, nó không phản ứng với hiện thực nữa, và ta trở nên vô cảm. Cái cảnh ghê rợn khủng khiếp rộng lớn quá, sẽ không còn làm cá nhân chú ý nữa. Các cá. nhân tụ lại thành nhóm, những nhóm tụ thành các đám đông. Các đám đông trở thành cảnh chung, cuối cùng ta phải chấp nhận đó là chi tiết chung của mọi cảnh. Chỉ lâu lâu mới có một cảnh thật tàn nhẫn, hoặc một biến cố kỳ quái, chúng tôi mới chú ý tới một xác chết riêng lẻ, tâm hồn như bị một cú xốc, mới để ý tới ý nghĩa nhân tính của nó.
Trên hết là số phận của trẻ em, gây cho tột ý nghĩa trời đất thật bất công, có thể làm chúng tôi rơi nước mắt. Bà Challenger đã khóc thật sự. Một hàng dài học sinh, nằm dọc đường dẫn tới một trường tiểu học lớn. Các em được các thầy cô trong cơn hoảng hốt cho về. Đang trên đường về, các em bị ether độc chụp xuống. Nhà nào cũng có những người chết gục ở cửa sổ, vì họ mở ra khi bị ngộp. Không cửa sổ nào không có cái bộ mặt cười, mắt mở thao láo vắt ngang. Vào lúc thiếu oxy, mọi người đều nhào ra cửa sổ, nhưng chỉ có chúng tôi có oxy chuẩn bị trước. Trên các lối ra khỏi nhà cũng đầy xác người, nhiều người ngã trên đường xe. Cũng may là Đức ông John lái xe rất giỏi, vì không dễ gì qua được, mà không cán phải xác người. Qua các làng hay thị xã, chúng tôi chỉ có thể đi với tốc độ của người đi bộ. Tôi nhớ, hai ba lần trước cổng một trường học ở Tonbridge, chúng tôi đã phải xuống xe, khiêng xác người chắn đường lên hè nhà.
Một vài hình ảnh nhỏ, rõ nét in đậm trong tâm khảm tôi, trong toàn cảnh chết chóc rộng lớn trên xa lộ Sussex - Kent. Một trong những hình ảnh đó là một chiếc xe láng bóng đậu trước quán trọ làng Southborough có lẽ những người trong xe mới đi chơi ở Brighton hay Eastbourne về. Ba phụ nữ trẻ đẹp ăn mặc rất vui nhộn, nhưng thanh lịch. Một bà còn ôm con chó Bắc Kinh trong lòng. Cùng đi trong nhóm là một ông già quạu cọ và một thanh niên lịch lãm, đầu mẩu điếu thuốc tắt ngủm ở chỗ hai ngón tay đeo găng kẹp lại. Chắc họ đã chết tức thời, nên giữ nguyên dáng điệu phút chót của lúc sống. Chỉ ông già giựt cổ áo ra để thở, còn các người khác chết ở tư thế tự nhiên, như đang ngủ vậy. Một bên xe, cậu bồi bàn nằm co quắp trên các bậc thềm vào quán, cạnh cậu là một cái khay và những mảnh cốc vỡ. Ở bên khác của xe, là hai người ăn mày, quần áo rách rưới, nằm ở nơi ngã xuống. Người đàn ông vẫn xòe bàn tay ra ở tư thế xin tiền. Trong phút chốc, ether độc đã đặt những nhà quý phái, cậu bồi và vợ chồng người ăn mày ở tư thế bình đẳng cùng trở thành tiêu bản những xác người bất động.
Tột nhớ một cảnh độc đáo khác, cách Sevenoaks về phía London vài dặm. Có một tu viện lớn trên đồi, phía tay trái, lối lên đồi dốc, viền hai hàng cây xanh rợp bóng. Ở đầu trên của dốc, hàng trăm em bé đang quỳ trong hàng ở tư thế đọc kinh, hàng trên cùng là các nữ tu giáo viên. Trên cao nhất là một nữ tu quay mặt về phía họ, chúng tôi đoán là Mẹ Bề Trên. Khác với những người vừa đi chơi về ở trong xe, nhóm người này chắc chắn đã được báo trước tai họa, nên họ tổ chức chết đẹp, tập thể. Thầy, trò, hiệu trưởng tập hợp lại, cùng nhau học bài học cuối cùng.
Lúc này nghĩ lại cảnh uy nghiêm hãi hùng đó, tìm cách diễn tả cảm tưởng của chúng tôi lúc đó mà không ra, vì cứ nghĩ tới nó, đầu óc tôi lại bàng hoàng xúc động không nghĩ được gì. Nhưng có lẽ tốt hơn hết, là tôi chỉ mô tả lại những sự thực. Thấy cảnh đó, ngay cả Challengel và Summelee cũng chết lặng. Tôi chẳng nghe những người ở băng sau nói gì, lâu lâu chỉ nghe tiếng khóc thổn thức của bà Challenger.
Đức ông John phải tập trung lái xe ngoằn ngoèo giữa những đống xác chết trên xa lộ Lenvisham đi Old Kent. Tại đây, chúng tôi bị một cú xốc vừa bất thần vừa kinh ngạc. Trên cửa sổ một căn nhà ở góc ngã tư, một cánh tay dài khẳng khiu đưa ra, vẫy qua vẫy lại một cái khăn tay. Chẳng có cảnh chết chóc kỳ lạ nào làm chúng tôi đứng tim, rồi lại đập loạn xạ, cho bằng cái dấu hiệu của sự sống bất ngờ này. Đức ông John cho xe lên lề. Nhanh như chớp, chúng tôi xuyên qua tầng trệt, lên lầu hai, nơi có vẫy khăn. Một bà cụ ngồi trên ghế cạnh cửa sổ. Kế bên bà là chiếc ghế thứ hai có một chai oxy, nhỏ hơn, nhưng hình dáng giống hệt những chai oxy đã cứu chúng tôi. Bà cụ quay bộ mặt gầy gò, nhăn nheo, đeo kính lão, khi chúng tôi đang bu quanh cửa.
- Tôi sợ rằng người ta bỏ mặc mình tôi ở đây mãi mãi. Tôi bị phế tật, không cử động được.
Challenger trấn an bà:
- Thưa bà, rất may mà chúng tôi đi qua đây trông thấy.
- Tôi có một câu hỏi quan trọng muốn hỏi các ông xin các ông trả lời thành thật cho. Những biến cố này có ảnh hưởng gì đến cổ phần Hỏa Xa London - Tây Bắc không?
Nếu bà cụ không nghiêm trang đợi câu trả lời của chúng tôi, chúng tôi chắc đã phá ra cười rồi. Cụ Burston là một quả phụ, lợi tức của cụ chỉ gồm cổ tức của vài cổ phiếu mà cụ mua. Đời sống của cụ lên xuống theo giá cổ tức. Cụ cũng chẳng biết nhịp sống bên ngoài ra sao, trừ phi giá cổ phiếu của cụ tăng giảm mạnh. Chúng tôi cố gắng giải nghĩa cho cụ là tất cả tiền bạc trên thế gian này đều là của cụ, nhưng có lấy cũng chẳng dùng để làm gì được. Cụ không thể hiểu, đầu óc cụ không thể hấp thụ những tư tưởng mới, và cụ khóc sướt mướt vì cổ phiếu của cụ đã vô giá trị. Cụ rên rỉ: “Tôi chỉ có bấy nhiêu, nếu mất hết, tôi cũng sẽ chết mất thôi”.
Khi cụ còn đang than vãn, chúng tôi khám phá ra, tại sao một cây cỏ tàn tạ như cụ mà còn sống, trong khi những rừng cây cổ thụ lại chết - cụ là một phế nhân, lại bị bệnh suyễn. Bác sĩ cho cụ thở thường xuyên oxy qua bình. Chắc mỗi khi khó thở, cụ lại hít oxy thêm qua ống hít. Khi ether độc tràn đến, cụ hít thở trực tiếp oxy trong bình nên cụ sống sót. Chắc cụ đang ngủ thiếp đi và choàng thức dậy khi nghe còi xe của chúng tôi. Vì không thể chở cụ theo, và cụ có thể tự lực cánh sinh được vài ngày, nên chúng tôi hứa liên lạc thường xuyên với cụ. Chúng tôi từ giã cụ và cụ vẫn thương tiếc những cổ phiếu.
Chúng tôi đến bờ sông Thames, đường phố lại càng tắc nghẽn, những đống xác người càng kỳ cục, vất vả lắm chúng tôi mới qua được cầu London, lối lên cầu ở phía Midlesex bị kẹt xe, vì ai cũng muốn tiến lên trước. Một chiếc tàu thủy còn thắp đèn sáng choang, đậu dọc cầu cảng không khí đầy bụi khói, mùi cháy khét lẹt. Một cột khói dày đặc còn đang bốc lên ở phía tòa nhà Quốc Hội, nhưng từ đây, chúng tôi khó mà khẳng định là cơ sở nào cháy.
Thình lình, đức ông đậu xe lại và nêu nhận xét:
- Không biết các ông nghĩ sao, chứ tôi thấy đi về miền quê dễ chịu hơn ở trong thành phố. Cái thành phố London chết này ám ảnh tôi, khó chiu quá. Chúng ta đi vòng về Rotherfield đi.
Giáo sư Summelee cũng biểu đồng tình:
- Thú thật, tôi không hy vọng gặp được những gì ở đây.
Challenger cũng còn tiếng bằng một giọng oang oang lạ thường, trong khung cảnh thê lương tĩnh mịch này.
- Đồng thời, ta khó mà chấp nhận được, trong một thành phố 7 triệu dân như London, lại chỉ có một bà cụ, hoặc vì có thể có cấu tạo đặc biệt, hoặc vì ngẫu nhiên của nghề nghiệp, đã xoay sở được để sống còn.
- Nếu còn có người sống sót, làm cách nào liên lạc với họ, anh George? - Vợ ông hỏi rất nhiệt tình. - Và em sẽ không trở về nhà trước khi các ông thử liên lạc với họ.
Chúng tôi ra khỏi xe và bỏ nó trên lề đường, len chân đi bộ giữa những xác người dày đặc lên phố Kinh Wiiliam, bước vào một vân phòng rộng của hãng bảo hiểm. Vì nó ở góc phố, nên hy vọng chúng tôi quan sát được nhiều hướng.
Chúng tôi lên cầu thang, băng qua một phòng rộng, có lẽ là phòng họp, vì có tám người trong tuổi còn ngồi chết gục xung quanh một cái bàn dài. Các cửa sổ cao của phòng đều mở. Chúng tôi bước ra ban công. Từ đây, chúng tôi thấy đường phố rải rác đầy xác chết, tỏa đi 5, 7 hướng. Ngay dưới chúng tôi, một đầu đường đen từ lề bên này sang lề bên kia, vì những mui xe taxi đen, đậu bất động sát bên nhau. Mọi hành khách, hay hầu hết đều thò đầu ra cửa sổ xe, cho thấy, vào phút chót, dân chúng hoảng hốt ai cũng muốn về nhà sớm ở ngoại ô. Lác đác, trong dòng xe taxi và xe nhà rẻ tiền, nổi bật lên những xe sang trọng, bảng đồng trang trí bóng loáng của các tài phiệt, bi chặn lại trong bức tường thành xe cộ kẹt cứng. Ngay trước mặt chúng tôi, có một cái xe sang như thế. Ông chủ nhoài nửa người ra cửa sổ, tay phải đeo đầy nhẫn kim cương, tay trái như đang giang ra, cho lệnh tài xế tìm mọi cách bứt ra khỏi đòng xe kẹt.
Lác đác, những chiếc xe buýt hai tầng, vươn cao như những hòn đảo, nhô lên biển xe bất động. Những khách ở tầng trên, nằm chết ôm nhau thành từng đám hay nằm trong lòng nhau, như những hình người đồ chơi trẻ em trong nhà trẻ. Trên trụ đèn điều khiển giao thông, một cảnh sát to khỏe, đứng dựa vào trụ với dáng vẻ tự nhiên, đến nổi ta khó mà bảo là ông ta không còn sống. Dưới chân ông là một cậu bé bán báo, nằm co quắp với chồng báo bên cạnh. Một chiếc xe ngựa chở báo bị kẹt cứng sát lề đường, chúng tôi còn đọc được cái đầu đề, in chữ lớn đen trên nền vàng “Quang cảnh ở Lord, trận đấu liên quận bị gián đoạn”.
Đây có thể là những tờ báo in gần đây nhất, vì trên những bảng quảng cáo quanh xe, còn có những đầu đề: “phải chăng đã đến ngày tận thế”, “Lời cảnh báo của nhà bác học vĩ đại”, và đề khác: “Liệu ông Challenger có đúng không? Những tin đồn đen tối”.
Challenger chỉ cho bà vợ thấy cái tiêu đề này, vì nó ngang tầm mắt, như một tấm biểu ngữ, căng ngang trước mặt đám đông, tôi thấy ưỡn ngực ra và vuốt ve chòm râu, thích chí và tự mãn, cái đầu óc phức tạp của nhà khoa học này, có thể nghĩ rằng dân London chết, vẫn nghĩ đến tên ông và lời cảnh báo của ông. Cảm xúc ưng ý của ông rõ rệt đến nỗi, đồng nghiệp của ông phải ghen tức lên phê bình.
- Trong ánh hào quang đến phút cuối cùng, giáo sư Challenger.
- Vâng, có vẻ như vậy, - Challenger đắc ý trả lời. Nhìn những ngả đường đầy xác người, im lìm âm đạm, ông tiếp: - Nấn ná ở London thêm cũng chẳng ích gì, tôi đề nghị chúng ta trở về Rotherfield ngay. Chúng ta sẽ bàn chương trình hành động trong những năm trước mắt sao cho có lợi nhất.
Tôi thuật thêm một cảnh mủi lòng trong London thê lương này, vừa trở về trong ký ức tôi. Đi ngang nhà thờ St Mary’s, chúng tôi thoáng thấy cảnh bên trong. Cẩn thận bước tránh những xác phủ phục trên bậc tam cấp, đẩy hai cánh cửa bật, bước vào. Thật là một cảnh lạ! Nhà thờ đông nghẹt người chết, ở mọi tư thế quỳ khiêm nhường cầu khẩn. Và phút kinh hoàng cuối cùng, họ đã phải đối mặt với thực tế của kiếp nhân sinh, cái bất lực vào phút chót. Họ đã tìm vào cái nhà thờ cổ này, lâu nay đă không còn tổ chức lễ hay cầu nguyện gì. Họ quỳ sát vào nhau chặt như nêm cối. Có người hoảng hốt vẫn còn đội mũ. Trên bục giảng là một thanh niên, đứng đối diện với họ. Có lẽ anh đang động viên cộng đoàn hãy vững tin, giọng mình về với Chúa. Rồi cùng chiu chung số phận với mọi người. Anh ấy gục xuống mặt bục, hai tay ôm choàng hai thành bên, trông giống hệt một chai rượu ngâm trong xô đá. Thật là cơn ác mộng kinh hoàng, trong các nhà thờ cổ đá xám, hoang phế bụi bặm, những hàng người tinh thần đau khổ tột cùng, trong bóng tối mờ mờ, tĩnh lặng thinh không. Chúng tôi đi nhón gót lặng lẽ, lâu lâu chỉ dám thì thào với nhau.
Thình lình tôi nảy ra một ý nghĩ. Ở một góc cuối nhà thờ, phía sau chén đá đựng nước phép. Trong một hốc lôm sâu, tôi thấy lủng lẳng cái đầu dây chuông. Tại sao ta không kéo chuông để tập họp những người sống sót ở đây? Tôi bước vào, nắm cái đầu dây quấn vải và kéo. Ngạc nhiên quá! bây giờ tôi mới thấy kéo chuông không phải dễ! Đức ông John vào giúp tôi một tay. Ông hào hứng cởi áo ra, và nói:
- Trời ơi! ông bạn trẻ có một ý tuyệt quá! Để tôi nắm chắc đã, rồi chúng ta sẽ kéo được nó kêu thôi.
Với sức của hai chúng tôi, chuông chỉ hơi nhúc nhích. Mãi tới khi cả Challenger lẫn Summelee cùng đè cả thân mình lên dây với chúng tôi, chuông mới chịu đổ bing boong trên đầu. Bây giờ tôi mới cảm nhận được cái chuông đã lớn, cái lưỡi chuông còn nặng đáng nể hơn. Đó đập vào thành chuông những cú làm rung rinh cả mặt đất, không khí bị âm thanh khuấy động, đến nỗi tối cảm thấy được áp lực lên da.
Tiếng chuông đã vang vọng khắp nơi, như một thông điệp thình liên đới người với người, kêu gọi những người còn sống sót đến đây, cùng với tiếng chuông cầu nguyện cho những vong hồn đi trước. Tiếng chuông vàng rền vang như sấm, làm lòng chúng tôi rộn rã một niềm vui. Chúng tôi để toàn tâm toàn ý đến việc mình làm. Chúng tôi co hai chân lên mỗi khi chuông ở vị trí thẳng đứng, dây chuông được kéo lên cao nhất; ngay sau đó, cùng kéo xuống hết sức mình.
Challenger bám ở vị trí thấp nhất, dùng hết sức lực và toàn thể trọng lượng thân mình. Ông chồm lên, hụp xuống như một con cóc thần dị dạng. Mỗi lần kéo, ông đều hò uôm uôm. Nếu có một nghệ sĩ nhiếp ảnh, chụp giùm một bức 4 nhà thám hiểm này thì ý nghĩa quá. Bốn người đã cùng sát cánh trong biết bao tình huống nguy cấp, nay lại được số phận chọn lựa, để chứng kiến giờ phút nghiêm trọng này.
Sau nửa giờ kéo chuông, thân thể chúng tôi ướt đẫm mồ hôi. Hai cánh tay và lưng mỏi nhừ vì đã gắng sức quá. Chúng tôi bước ra cổng nhà thờ, trông ngóng nhìn cả hai đầu đường đông nghẹt nhưng im lìm, vì chỉ toàn là xác chết. Không một tiếng động, không một di chuyển, đáp ứng những hồi chuông triệu tập của chúng tôi.
Tôi buồn bã lên tiếng:
- Không hy vọng gì đâu. Chẳng còn ai sống cả.
- Chúng ta chẳng làm gì được nữa rồi. Anh George ơi, chúng ta về Rotherfield đi. Còn ở trong cái thành phố tĩnh mịch ma quái này một lúc nữa, chắc em điên lên mất.
Chúng tôi lẳng lặng vào xe, chẳng ai nói một lời. Đức ông John de xe lại, rồi quay đầu về hướng nam. Một chương lịch sử loài người đã gấp lại, chương kế tiếp sẽ mở ra, mà chúng tôi chẳng thể đoán được sẽ có những biến cố nào.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...