Vành Đai Khí Độc

 
CHƯƠNG 5 - THẾ GIỚI CHẾT
Chúng tôi ngồi ngỡ ngàng im lặng. Gió Tây Nam từ biển thổi vào trong lành, mát rượi, làm những bức màn sa tin uốn lượn phần phật. Những bộ mặt nóng bừng vì hồi hộp eủa chúng tôi đã dịu lại. Không biết chúng tôi ngồi như vậy trong bao lâu, và sau này cũng chẳng ai xác nhận được điểm này. Chúng tôi ngẩn ngơ, bàng hoàng, nửa tỉnh nửa mê.
Chúng tôi đã lấy hết can đảm để đón nhận cát chết, rốt trước một sự thực chớp nhoáng bất ngờ: chúng tôi là những người sống sót lạc loài, của toàn thể nhận loại. Sự kiện khủng khiếp này như một cú trời giáng, làm chúng tôi tê liệt. Rồi từ từ, cơ chế phục hoạt trong con người bắt đầu chuyển vận, ký ức chúng tôi bắt đầu sống dậy. Tư tưởng chúng tôi bắt đầu lóe ra và kết nối lại. Chúng tôi ý thức được rõ ràng, tương quan các sự kiện hiện tại, quá khứ và tương lai, giữa cuộc sống chúng tôi đã trải qua và lối sống chúng tôi phải sống trong tương lai. Chúng tôi im lặng đưa cặp mắt kinh hoàng nhìn nhau, và thấy câu trả lời trong mắt nhau. Thay vì vui mừng như người ta thường nghĩ, sau khi đã thoát được trong đường tơ kẽ tóc một cái chết trước mắt, chúng tôi lại chìm trong màn đen tuyệt vọng. Tất cả những gì chúng tôi yêu quí đều bị nhấn chìm trong một đại dương mênh mông vô định, và chúng tôi như bị trôi giạt vào hòn đảo thế giới hoang vu không có đồng loại, chẳng có hy vọng và nguyện vọng nào. Chỉ sau vài năm quanh quẩn kiếm ăn, trên cái tha ma mộ địa lớn này của loài người, như một bầy chó hoang, cái chết muộn màng và cô độc cũng sẽ đến.
- Khủng khiếp quá, anh George, thật là khủ ng khiếp! - Người phụ nữ nói qua tiếng nấc nghẹn ngào. - Phải chi chúng ta cùng được chết với mọi người. Ôi, tại sao anh lại cứu chúng ta sống. Em thấy, giá chúng ta chết và mọi người còn sống, có lẽ hạnh phúc hơn.
Cặp chân mày đen rậm của Challenger nhíu lại suy nghĩ, trong khi hai bàn tay lông lá, to bè của ông xiết tay vợ trấn an. Tôi thấy bà luôn đưa tay cho ông mỗi khi lo lắng, y như những em bé bám lấy mẹ tìm che chở.
- Tôi không như những người theo thuyết định mệnh, đến độ không có phản ứng gì trước thảm họa, nhưng tôi nghĩ khôn ngoan nhất là chấp nhận thực tế. - Ông nói chậm rãi, oang oang nhưng giọng cũng run run vì xúc động.
- Tôi không chấp nhận, - Summelee lại nói cứng.
Đức ông John nhận xét:
- Chấp nhận thực tế hay không thì có khác gì đâu. Chấp nhận bằng cách khoa chân múa tay kháng cự, hay nằm im mà chấp nhận thì có khác gì nhau. Vậy thì chấp nhận hay không cũng chẳng nghĩa lý gì. Tôi chẳng thấy ai trong chúng ta yêu cầu để cho chết trước khi tai họa xảy ra. Và giờ này chắc cũng chẳng ai yêu cầu để yên ình tự sát. Như thế, nghĩ đến chết hay không chết phỏng có ích gì?
- Chỉ có vấn đề là ta hạnh phúc hay đau khổ khi còn sống sót thôi. - Challenger lơ đãng nói, tay vẫn vỗ về vợ. - Ông có thể bơi theo dòng lũ mà thanh thản tâm hồn, hoặc vùng vẫy bơi ngược lại, với thân thể bầm dập, tâm hồn bất an. Hoàn cảnh này ở ngoài khả năng của chúng ta, ta phải nhìn thẳng vào sự thực. Không bàn cãi gì nữa.
- Nhưng chúng ta sẽ tổ chức cuộc sống thế nào đây? - Tôi hỏi mà như tuyệt vọng, cầu cứu với trời xanh. - Thí dụ, cụ thể như tôi phải làm gì? Chẳng còn báo chí, tôi làm gì để sống còn?
- Và cũng chẳng còn muông thú nào để săn bắn, chẳng còn lính tráng để tôi chỉ huy. Tôi cũng thất nghiệp. - Đức ông cũng rầu rĩ nối lời.
- Và cũng có sinh viên nào đâu, tôi sẽ làm gì? - Giáo sư Summelee cũng hốt hoảng la lớn.
Bà chủ nhà lại rất lạc quan:

- Tôi còn chồng và ngôi nhà, cám ơn trời, tôi vẫn không thất nghiệp.
Challenger cũng vẫn rất bình thản:
- Tôi cũng chẳng thất nghiệp, vì khoa học không chết. Chính tai họa này lại tạo cho tôi nhiều đề tài nghiên cứu sâu xa hơn.
Ông mở rộng hết các cửa sổ. Chúng tôi lẳng lặng nhìn ra cảnh vật im lìm, bất động bên ngoài.
- Để xem, - Giáo sư Challenger tiếp. - Khoảng 3 giờ hay hơn một chút, trái đất lọt hẳn vào dòng ether độc. Bây giờ là 9 giờ, vậy vào giờ nào ta ra khỏi vùng khí độc?
Tôi nói:
- Vào tảng sáng, không khí vẫn rất tệ.
- Trễ hơn nữa, - bà Challenger lên tiếng, - vào khoảng 8 giờ tôi cảm thấy rõ triệu chứng nghẹt thở, như lúc bắt đầu hôm qua.
- Vậy thì ta có thể nói trái đất hoàn toàn ra khỏi dải ether độc lúc 8 giờ sáng, cả thế giới đã chìm ngập trong khí độc trong 17 giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian ấy, nhà làm vườn vĩ đại đã sát trùng, tẩy những vi-khuẩn-người đang bám ngoài vỏ trái nho của ông ta. Có thể nào, việc tẩy trùng có sai sót, và còn những người khác sống sót, ngoài chúng ta không?
- Tôi cũng thắc mắc như vậy. - Đức ông John vột bắt vào ý nghĩ đó. - Tại sao chỉ còn mình chúng ta sống sót, như những viên cuội lẻ loi trên bãi biển?
Summelee quả quyết:
- Thật vô lý, nếu đoán có ai đó ngoài chúng ta còn sống sót. Cứ nghĩ tới người mạnh như bò mộng, vạm vỡ như Malone đây, mà bị ether độc quật ngất xỉu ngay, không kịp chạy lên thang. Khó có ai chịu đựng được trong 17 phút, còn nói chi đến 17 giờ.
- Trừ phi cũng có những người khác, giống như ông bạn già Challenger của chúng ta đây đoán trước được và chuẩn bị chu đáo.
- Khó có chuyện đó lắm. - Challenger nghi ngờ, hất râu về phía trước, lim dim đôi mắt. - Phải phối hợp quan sát, liên hệ và tiên đoán nhạy bén mới mong đoán trước được hiểm họa. Người làm được như vậy, ít có 2 người trong cùng một thế hệ .

- Vậy thì ông quả quyết là nhân loại đã bị tận diệt?
- Có rất ít nghi ngờ về chuyện này. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, ether độc từ dưới thấp bốc lên cao, nên rất có thể ngoài thượng tầng khí quyển ít độc hơn. Hiện tượng này kể cũng lạ nhưng dải khí độc đã cho ta thấy một trong những đặc tính của nó, nay mai sẽ là một lãnh vực nghiên cứu rất hấp dẫn. Bởi vậy, ta có thể mường tượng ra, nếu muốn tìm kiếm những người sống sót trên trái đất, ta phải ghé mắt vào những làng ở Tây Tạng, hoặc những nông trại trên dãy Aleps, ở độ cao trên 3000m, thì may ra còn có người sống sót.
Đức ông gạt ngang:
- Làm gì còn hỏa xa, tàu biển mà đến được đó, ông có thể nói đến người sống sót trên mặt trăng cũng chẳng ai phản bác được. Điều tôi còn thắc mắc là tai họa này đã qua hẳn chưa, hay nó mới đến giai đoạn nghỉ giải lao.
Summelee nghểnh cổ lên để nhìn tận chân trời, rồi phát biểu thiếu quả quyết.
- Trời trong sáng và đẹp. Hôm qua cũng vậy Tôi không thấy lý do nào, để quả quyết là tai họa đã qua hẳn.
Challenger nhún vai, rồi tiếp:
- Chúng ta trở lại ý niệm nhân quả một chút. Nếu trái đất trước đây đã có lần gặp tai họa này, không ngoài xác suất ngẫu nhiên, thì phải đã lâu lắm rồi. Vì thế, ta có thể hy vọng nếu thảm họa này có lặp lại chăng nữa cũng còn rất lâu.
- Nếu thế thì càng tốt, - đức ông John góp ý. - Nhưng ông nhớ rằng một trận động đất xảy ra, có thể bị ngay một trận liên tiếp. À mà tôi cho là khôn ngoan nhất, chúng ta nên ra ngoài bách bộ cho đỡ cuồng cẳng, và hít thở lấy một ít khí trời trong lành, khi chúng ta còn có dịp hưởng. Vì khi oxy của chúng ta đã hết, thì chết ngoài trời cũng như chết trong phòng.
Điều kỳ lạ là chúng tôi như hoàn toàn tê liệt, như thể phản ứng ngược lại với cơn xúc động mạnh trong 24 giờ qua. Tê liệt cả thể chất lẫn tinh thần, một cảm thức nằm sâu tận trong tiềm thức, chẳng còn gì quan trọng nữa, mọi thứ đã chán chường, cố gắng mà làm gì. Cả Challenger cũng rơi vào tâm trạng này. Ông ngồi đó một đống, cái đầu to gục trên hai bàn tay, suy nghĩ mông lung. Mãi tới khi Đức ông John và tôi, mỗi người một bên, xốc nách ông ta đứng dậy, ông nhìn chúng tôi tóe lửa hằn học, gầm gừ như một con chó ngao bị chọc phá. Nhưng khi chúng tôi đã ra khỏi cái hang an toàn chật hẹp, bước vào bầu không khí thoáng đãng hàng ngày, chúng tôi phấn chấn, khỏe khoắn dần lên.
Ta bắt đầu làm gì đây, trong cái thế giới nghĩa địa này? Từ thời tạo thiên lập địa đến giờ, con người có từng gặp vấn nạn như thế này không? Dĩ nhiên chúng tôi cần những sản phẩm vật chất, lương thực và các tiện nghi để sống. Nhưng còn tất cả những cửa tiệm bách hóa, cửa hàng lương thực, các kho tàng nghệ thuật, chúng tôi muốn lấy gì thì lấy. Nhưng chúng tôi bắt đầu bằng việc gì đây? Vài việc phải làm ngay, đang bày ra trước mắt chúng tôi. Chúng tôi vào bếp, khiêng hai xác gia nhân đặt lên giường của họ. Cái chết của họ có vẻ không đau đớn gì. Một người chết trên ghế cạnh bếp lửa, một người trên nền nhà phòng dụng cụ nhà bếp. Sau đó chúng tôi khiêng Austin từ vườn vào nhà. Xác ông co quắp, cứng đờ ở một tư thế kỳ quặc. Mặt ông co lại thành một nụ cười, ngạo nghễ.
Triệu chứng méo miệng rất đặc trưng ở những người ngộ độc. Bất cứ đi đến đâu, chúng tôi cũng đều gặp những xác chết với bộ mặt nhăn nhó cười, như đang tiếu ngạo cái hoàn cảnh dở khóc dở cười, hẩm hiu, của những kẻ sống sót của nhân loại.
- Nghe này, - đức ông John lên tiếng, trong khi đang bồn chồn đi tới đi lui trong phòng ăn, nơi chúng tôi đang dằn bụng một chút. - Không hiểu các ông nghĩ sao, tôi thấy ta phải làm cái gì chứ, sao lại cứ ngồi ở đây...
Challenger phụ họa

- Có lý, làm ơn cho biết chúng ta nên làm gì.
- Đi xem những gì đã xảy ra.
- Tôi cũng đồng ý như vậy.
- Nhưng không vào trong làng, từ cửa sổ này ta cũng đă thấy đủ rồi.
- Vậy ta nên đi đâu?
- Đi London!
- Không có gì trở ngại, - giáo sư Summelee nói mà như càu nhàu. - Các ông thì có thể đi bộ được 40 cây số, nhưng tôi không chắc cặp giò ngắn củn của Challenger có kham nổi không. Tôi thì dư sức lội rồi.
Challenger rất bực mình, nhắc khéo:
- Nếu ông đã biết giới hạn vào chuyện khoe thể lực của mình, ông cũng phải biết còn nhiều lãnh vực khác để phẩm bình chứ.
Ông bạn vô ý vô tứ vội vàng thanh minh:
- Thật tình tôi không cố ý xúc phạm ông, ông Challenger đáng kính. Ông đâu có đáng trách về thân thế mình. Bẩm sinh ông đã mập và lùn, thì làm sao mà ông tránh có cặp giò ngắn ngủn cho được.
Challenger tức nghẹn họng, chẳng nói nên lời, chỉ còn biết lẩm bẩm, nhìn căm tức, râu tóc dựng ngược. Đức ông John vội vàng can thiệp, trước khi cuộc cãi vã xảy ra.
- Nói đến đi bộ, tại sao ta lại phải đi bộ chứ?
Challenger vẫn còn sôi máu, hỏi ngạo:
- Vậy ông đề nghị đi xe lửa à?
- Cái xe của ông có trục trặc gì không? Tại sao ta không đi xe hơi?

- Tôi có là chuyên viên xe hơi đâu mà biết.
Challenger thoáng vui trở lại.
- Tuy nhiên tôi hoan nghênh quan điểm ẩn tàng trong đề nghị của ông về, đã là dân trí thức thì cũng có thể tùy thời làm được bất cứ cái gì. Tư tưởng của ông tuyệt đấy. Tôi sẽ lái xe đưa các ông đi London.
Summelee kêu toáng lên:
- Ông không làm chuyện như vậy được đâu?
Vợ giáo sư cũng đồng tình:
- Đúng đấy anh George ạ anh không lái xe được đâu? Anh còn nhớ anh mới thử tự lái xe có một lần, và anh đã tông vào cửa nhà xe như thế nào không.
Challenger vẫn nói ra vẻ tự mãn, mình có thể làm hết mọi thứ:
- Chỉ tại lúc đó anh sơ ý một chút thôi mà. Em có thể coi chuyện đó như chuyện quá khứ được rồi. Tôi sẽ lái xe đưa mọi người đến London .
Tình hình lại được Đức ông John cứu vãn:
- Xe của ông... hiệu gì?
- Humber, 20 mã lực.
- Vậy sao? Tôi cũng lái loại đó vài năm đấy. Chà chà, tôi không ngờ còn sống để có vinh dự, chở cả loài người trong một chuyến xe. Tôi nhớ là vừa đủ chỗ cho năm người. Mọi người chuẩn bị sấn sàng hành lý đi, tôi sê đánh xe lên cửa trong vòng 5 phút.
Đúng như lời, 5 phút sau, chiếc xe nổ rù rì trước cửa, với Đức ông John ở tay lái. Tôi ngồi ghế bên cạnh tài xế. Bà Challenger đóng vai quốc gia đệm giữa hai khối thù địch ở băng sau. Đức ông nhả thắng, đẩy cần sang số nhanh gọn từ 1 sang 3, chiếc xe lao đi, trên những khúc đường có quang cảnh lạ kỳ nhất từ khi có loại người đến giờ. Bạn có thử hình dung, quang cảnh đáng yêu của một buổi sáng thu, tháng tám. Trong khí ban mai tươi mát, dưới ánh mặt trời sớm, rực rỡ, màu xanh đậm đà của khu rừng Sussex, trên nền xanh mơn mởn thảo nguyên, trời thanh thanh không một gợn mây. Cứ phóng tầm mắt ra mênh mông, hùng vĩ chói lọi xung quanh, bạn cũng không thể nào quên được cái thảm họa cũng vĩ đại như thế, vì cái im lặng khủng khiếp cũng bủa chụp lên cảnh vật.
Trước đây vốn có những tiếng động tạp nham, trong cái vùng quê nhà cửa san sát này, nhưng chúng ta có bao giờ để ý tới đâu. Cũng như cư dân miền biển, có bao giờ ý thức là luôn có tiếng sóng rì rào vĩnh hằng đâu. Tiếng chim chíp chíp, tiếng côn trùng rù rì, tiếng sủa nhấm nhẳng của một con chó ở xa xa, tiếng rầm rập của đoàn xe hỏa, tiếng lọc cọc của xe bò xe ngựa. Các âm thanh sinh hoạt này, tổng hợp thành một dòng âm thanh trầm trầm rên rỉ, vang vọng đến tai ta. Bây giờ những âm thanh ấy không còn. Cái im lặng thê lương chết chóc làm chúng tôi kinh hoàng. Cái im lặng uy nghi, đe dọa, đến nổi tiếng nổ bong bong, tiếng rung lạch cạch của chiếc xe hơi, cũng không thể xâm nhập vào cái yên lặng mênh mông đó được. Cái im lặng dễ sợ, như tấm màn tang phủ lên đống hoang tàn của nhân loại. Chỉ có câm lặng lạnh lùng, và những cột khói đen, rải rác ngự trị trên khắp miền quê này, làm chúng tôi rùng mình phát sợ. Chúng tôi liếp nhìn quang cảnh huy hoàng khu rừng Weald quen thuộc như cầu cứu.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận