P5 - Chương 8
Do Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng giục Luân kí tên vào bảng danh sách gồm một trăm bốn mươi bảy người “can án chính trị” theo luật 10-59, phải chuyển sang Trung tâm cải huấn mà Luân quyết định trực tiếp kiểm tra trại tạm giam của Ty công an sáng nay. Trại nằm một góc trong chu vi ty, cách dinh tỉnh trưởng chừng trăm bước.
Luân bỏ trọn ngày đọc hồ sơ từng can phạm. Đại khái, có thể chia hồ sơ làm hai loại: một, can phạm tự khai - khá mạnh lạc - những tội trạng của mình. Trong loại thứ nhất, lời khai thường mơ hồ, bất nhất và nhiều điểm vô lí - Luân hiểu đó là vì mớm cung hoặc cưỡng cung. Loại thứ hai có thể gồm ba hạng: hạng non gan, chịu tra tấn kém, phun hết những gì cần để đỡ đòn, thường hay nói lố hoặc đổ trút trách nhiệm vào cấp cao hơn hoặc người chưa bị bắt; hàng trình bày quá trình tham gia phong trào Việt Cộng của bản thân hết sức chi tiết, thậm chí dám nhận những trách nhiệm quan trọng như du kích, tuyên truyền viên, đôi người còn vỗ ngực tự xưng là đảng viên, cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh… những thứ dẫn họ đến máy chém theo luật 10-59.
Gần như tất cả can phạm bị bắt từ tháng 9, tháng 10 năm 1959 đến giữa năm, lúc Luân lãnh nhiệm vụ, nghĩa là vào thời điểm phong trào bạo lực quần chúng rộ lên ở Bến Tre. Tại sao cựu tỉnh trưởng Lê Như Hùng không giải quyết? Câu hỏi của Luân được phó Ty công an Tống Văn Tình giải đáp: Trung tá Lê Như Hùng không tin vào hồ sơ, nhưng ông lại lảng tránh đụng độ với trưởng Ty công an - người có thế lực, được thiếu tướng Là, tổng giám đốc Tổng nha và Thiếu tướng Mai Hữu Xuân, phụ trách bình định ở Bộ tổng tham mưu tin cậy, có mối quan hệ chặt với James Casey… Khi được Luân hỏi ý riêng của Tống Văn Tình, viên công chức gần như suốt đời phục vụ ngành mật thám, một trong những đứa con còn sót lại của mật thám Pháp trong ngành công an hiện thời, đã thổ lộ: Gì thì gì, vẫn phải có một chút lí…
Sự đố kị của Tình - ai mà biết Tình đố kị Vọng vì đơn thuần nghề nghiệp hoặc cá nhân ganh ăn hay còn có nguyên nhân sâu xa nào nữa - giúp Luân rất nhiều. Chính Tình hé cho Luân một chi tiết: theo luật hiện hành, hễ can phạm không ra tòa thì phải qua cải huấn, mà đã qua cải huấn thì tỉnh trưởng không còn quyền đối với họ - các trung tâm cải huấn chịu hệ thống dọc, đứng đầu ở Trung ương là Đại tá Trần Vĩnh Đắt. Tống Văn Tình còn nói: Thiếu tá Lưu Kỳ Vọng ra khẩu lệnh - thà bắt lầm còn hơn thả lầm; đã bắt thì không thả; đã bắt thì người bị bắt phải có tội; không tội thì điều tra viên chịu tội thay! Vọng thường khoe đó là phương ngôn của ông cố vấn Ngô Đình Nhu.
Luân đọc rõ ý định của Tống Văn Tình. Thằng cha này nhất định còn dính líu với Phòng nhì Pháp, chơi trò “khích tướng” bẩy Luân tranh chấp với công an và với cả Ngô Đình Nhu. Không sao!
Luân bảo Tống Văn Tình nộp cho anh toàn bộ danh sách những người bị bắt, số đã thả, số “mất tích,” số còn giữ. Tống Văn Tình báo cáo: số bị đánh chết hoặc thủ tiêu không nhiều, song không ít - tổng cộng chín tháng chừng ba chục. Số thương tật vì bị tra tấn thì rất đông, tính hàng nghìn. Số được thả cũng hàng nghìn, trừ vài trường hợp nhờ thân thế, hầu như phải đút lót.
… Luân bước chậm rãi theo hành lang trại tạm giam. Nói chung, trại tạm giam có nơi nằm giữa những gian phòng thoáng sạch. Tất nhiên, Lưu Kỳ Vọng không thể lừa được Luân - do Luân quyết định kiểm tra trại giam mà gã phải bày bố như thế này. Qua mỗi phòng, Luân dừng lại khá lâu. Cái đập vào mắt Luân là giữa số đông còn xương với da, mỗi phòng còn vài người béo ị. Luân nghĩ liền đến những hồ sơ rành mạch… Luân qua một phòng danh cho nữ can phạm thì nghe trẻ sơ sinh khóc. Một chị, có lẽ xấp xỉ ba mươi đang cho con bú. Chú bé - chắc sinh độ một tuần trở lại - khóc ré và chẳng có gì khó hiểu: người mẹ không thể vắt cho con một giọt sữa.
Luân bảo nhân viên ty - anh ta ôm cả chồng hồ sơ theo Luân - tìm lai lịch người mẹ. Lê Thị Hai, dân làng Định Thủy, can tội “chứa chấp Việt Cộng.” Người Việt Cộng mà chị chứa chấp không ai khác hơn là chồng chị, cha của thằng bé còn đỏ hỏn.
- Anh nhà hiện đang ở đâu? - Luân hỏi chị Lê Thị Hai.
Luân cố gắng lắm mới không nghẹt thở khi nghe người phụ nữ trả lời:
- Mấy ông bắn chết rồi còn hỏi làm gì?
- Mở cửa! - Luân ra lệnh.
- Mời chị ra! Từ giờ này, chị được tự do… - Luân bảo, giữa sự ngỡ ngàng của cả phòng giam và luôn số đi theo anh, nhất là của Lưu Kỳ Vọng. Gã cau mày trước quyết định đột ngột này.
- Trình trung tá! - Gã nói - Tôi đề nghị trung tá không nên làm như vậy… Ở đây, toàn Việt Cộng nguy hiểm.
Luân chưa kịp phản ứng thì một bà - có lẽ tuổi phải trên sáu mươi, tóc bạc, gầy guộc - đã lớn tiếng:
- Ai là Việt Cộng nguy hiểm, ông chỉ coi? Tôi từng tuổi này, làm sao theo Việt Cộng nổi? Thủy quân lục chiến mấy ông kéo vô Bình Khánh, cứ nhè nhà nào nuôi heo thì đề án tử là Cộng sản để bắt heo. Tôi là Việt Cộng, bị tội nuôi con heo mà không chịu cho các ông giựt…
- Má tên gì? Ở đâu? - Luân hỏi. Anh nhớ trường hợp anh gặp trên Dầu Tiếng.
- Úy! - Bà già kêu lên thảng thốt - Ông chánh chủ tỉnh đừng xưng hô làm vậy… Tôi là Phạm Thị Lượm, ấp chợ làng Bình Khánh… Tôi chưa nói hết với ông chánh ty mật thám…
Luân tức cười quá: Bà già gọi chức tước của anh và Vọng y như hồi Tây… - mà gọi như vậy cũng đúng thôi.
- Ở khám nữ này, đố các ông kiếm cho ra một Việt Cộng… Còn mấy ông muốn bỏ tù tụi tôi thì các ông cứ ghi đại, ai cũng Việt Cộng! - Bà già vẫn sang sảng - Tôi nói thiệt, ông chánh ty mật thám mới đúng là Việt Cộng!
Càng nghe bà già nói, Luân càng thích. Bà già chắc chắn là nòng cốt của địa phương hoặc có con em đi cách mạng.
- Tôi là Việt Cộng? - Lưu Kỳ Vọng quắc mắt - Bà ăn nói ẩu tả…
- Vậy chớ nếu ông không làm Cộng sản sao ông bắt bừa, đánh đập ác đức bà con? Ông xúi bà con theo Việt Cộng! - Bà già không nao núng.
- Cho tôi xem hồ sơ má đây! - Luân bảo anh nhân viên. Đọc xong, hồ sơ gồm có mỗi tờ giấy lấy cung, không có chứng cứ gì.
- Thả má ra một lượt với chị Hai! - Luân ra lệnh.
- Tôi sẽ xét hết trường hợp từng người, ai vô tội sẽ được tự do. - Luân tuyên bố dõng dạc. Cả khám nữ nhìn anh lạ lùng.
- Ông Tống Văn Tình! - Luân chỉ thị cụ thể - Ông giải quyết mọi thủ tục, trả giấy tờ cho chị Hai, á Lượm, cấp tiền xe và tiền ăn đường cho chị và má… Chút nữa, tôi kí giấy, để hai người về tới nhà trước trời tối…
Luân lầm lũi bước tiếp. Nhưng được vài bước, anh quay ngoắt trở lại:
- Nếu trong người chị có thương tích, xin nói rõ, chúng tôi lo điều trị cho chị… Chị đừng nghi ngờ, không ai đụng đến chị… Anh ở nhà có được chôn cất tử tế chưa? Nếu chị muốn, cứ làm đơn thưa vụ anh nhà bị giết, chúng tôi sẽ xét… Hôm nay không tiện thì hôm khác, chị không cần mang đến mà gửi theo nhà dây thép, cũng được…
Hết dãy phòng giam, Luân chợt bảo Lưu Kỳ Vọng:
- Ông trưởng ty cho tôi thăm nơi giam số bị bắt sau khi tôi nhận nhiệm vụ…
Rõ ràng, Lưu Kỳ Vọng choáng váng, gã hoàn toàn không ngờ tình huống này. Thấy Vọng luống cuống, Luân gắt:
- Thiếu tá nghe tôi nói không?
Chẳng đặng đừng, Lưu Kỳ Vọng ra lệnh mở một cửa ngách. Vừa qua khỏi cửa, Luân đã ngửi thấy mùi tanh tưởi. Một khu nhà lợp tôn lụp xụp, ẩn sau chuồng xí. Phòng rộng không quá mười thước vuông nhốt ngót hai chục người - mình đầy máu. Luân quen mặt khá nhiều: dân Cồn Ốc. Anh sang phòng kế - nhỏ hơn. Và anh dường bị sét đánh: vợ Hai Sặc thoi thóp, hai người phụ nữ đang quạt cho bà.
Luân xông tới trước mặt Lưu Kỳ Vọng:
- Cái gì? Ông cắt nghĩa coi…
Lưu Kỳ Vọng lùi xa, mặt không còn chút máu.
- Ông trưởng ty, ông thật cả gan! Ông ngỡ rằng chức tỉnh trưởng của tôi để làm trò giỡn, phải không?
Theo lệnh của Luân, nhân viên mở cửa. Anh bước hẳn vào trong. Vợ Hai Sặc mở mắt lờ đờ.
- Cô em gái đâu rồi? - Luân lay vợ Hai Sặc.
- Bên kia! - Vợ Hai Sặc phều phào - Ở dưới hầm…
Luân quày quả ra.
- Chỗ nào? - Anh hỏi trỏng Lưu Kỳ Vọng.
Cô Rô bị còng cả tay chân trong xà lim rộng bằng chiếc quan tài âm xuống đất, dưới một bóng đèn điện cực sáng, cỡ hai trăm nến.
- Tôi bảo đưa cô gái vào bệnh viện chạy chữa, ông đem cô vào đây! - Luân nghiến răng - Ông sẽ phải trả lời trước tòa án đặc biệt về tội cố tình không chấp hành lệnh của cấp trên, cố tình gây bất mãn trong dân chúng… Bà già hồi nãy nói đúng!
- Thưa… - Lưu Kỳ Vọng lắp bắp.
- Tôi sẽ nghe ông sau! - Luân cắt ngang - Bây giờ, ông đưa cô gái, bà mẹ cô ấy, hai người đàn bà vào bệnh viện ngay. Ông cũng cho chuyển số người bị giam riêng ra ngoài, tôi sẽ đọc hồ sơ của họ và có ý kiến giải quyết nội hôm nay…
Luân đứng chờ mọi mệnh lệnh của anh được chấp hành xong mới rời khu trại giam. Ngỡ là tai qua nạn khỏi, Lưu Kỳ Vọng lấy lại đôi chút tinh thần và để chứng tỏ mình là người biết nhận lỗi, gã trực tiếp gọi điện cho bệnh viện mang xe cấp cứu đến chở mẹ con bà Hai Sặc. Nhưng Luân chưa buông tha gã. Anh bảo:
- Hôm ở Cồn Ốc, tôi quyết định bắt bốn nhân viên công an. Ông giam họ ở đâu? Tôi muốn gặp họ.
Lưu Kỳ Vọng chết lặng.
- Sao? Ông lại không thi hành lệnh của tôi! - Luân cau mày.
- Dạ, đã thi hành… - Vọng sợ quá, hối hả trả lời - Mời trung tá theo tôi…
Luân kịp thấy Vọng ra hiệu ột nhân viên công an và tên này rảo bước.
- Anh kia! - Luân gọi giật tên công an - Anh khỏi đi trước…
Thế là cả đoàn trở lại văn phòng ty. Luân đoán là có điều gì mờ ám đây nhưng nhất thời chưa đoán ra.
Họ lên bậc thang. Tầng trên ngôi nhà đặt văn phòng ty gồm ba phòng lớn. Một, nơi làm việc của trưởng ty - đồng thời là nơi họp mật. Một, chỗ ở của trưởng ty - gã sống một mình, vợ con vẫn còn tại Sài Gòn. Một, là nơi gã đưa Luân vào.
Cửa mở hoác. Tiếng cười ồn ào. Khi Vọng xuất hiện ngoài cửa, một người nào đó thét to: - Vọng, mày chơi không? Tao thua sạch túi rồi… Đ.m…, bị mấy con điếm này mà tao xui…
Vọng không kịp ra hiệu cho cả bọn. Trước mắt Luân, một sòng bạc đang hồi sát phạt, tiền ùn đống, mấy cô gái mặc hớ hênh ngồi vòng ngoài và một tốp khác thì ngất ngưởng quanh mâm rượu. Luân nhận ra ngay mấy tiên công an bị anh đấm sặc mũi hôm nọ.
Lập tức, gian phòng lắng xuống. Chẳng tên nào có thể ngờ tỉnh trưởng mò lên đây.
- Anh kia là ai? - Luân trỏ một người cao quá khổ, áo không cài nút.
- Dạ, trung úy Bình, trưởng đồn Thành Triệu… - Vọng trả lời.
- Ông ta bị bắt? - Luân hỏi tiếp.
- Thưa không… Ông ta có dịp đến ty, gặp vui nên sà vào…
- Còn đây? - Luân trỏ một người tác roi roi, mặc sơ mi lụa sọc.
- Dạ, đại úy Mẹo, trưởng phòng điều tra của ty… Ông ta cũng lên chơi thôi.
- Còn các cô này? - Luân hỏi và nói luôn - Gái điếm?
Nghe Luân nhắc tới mình, các cô co rút sau lưng những gã đàn ông, thật ra không thể che kín các cô nổi, bởi họ cũng cố làm cho bé nhỏ…
- Thật tôi không ngờ! - Luân ném một câu đánh giá chung, quay xuống lầu, chân nện mạnh bậc thang.
Chiều hôm đó, Luân mời số người bị biệt giam đến dinh tỉnh trưởng. Anh yêu cầu họ khai báo trường hợp bị bắt, tra tấn… và sau đó kí quyết định trả tự do cho tất cả. Mỗi nạn nhân nhận được tiền tàu xe. Cũng chiều hôm đó, trung úy Bình đồn trưởng Thành Triệu bị phạt một tuần trọng cấm và đại úy Mẹo bị ngưng chức, chờ cứu xét. Cả hai bị ghép vào tội “giao du với can phạm, cùng can phạm trụy lạc ngay nơi công sở.” Tốp công an bị bắt ở Cồn Ốc phải vào trại biệt giam.
Luân dành trọn ngày hôm sau giải quyết những người trong bảng danh sách cải huấn. Cuộc điểm danh đã giúp Luân kiểm tra lần nữa điều anh phát hiện qua hồ sơ. Như vậy, số đông nhất là dân thường - họ dính dáng đến phong trào nhưng không phải là người chỉ huy, cũng có mười trường hợp đáng nghi, song công an không phăng ra manh mối. Luân xếp tất cả vào phần “phóng thích.” Trong loại thứ hai, Luân chú ý những người tự khai như cán bộ Cộng sản chính cống - ai cũng da dẻ hồng hào. “Cho mấy đứa cò mồi này ra tòa.” Luân xếp chúng sang một bên. Nhưng vẫn còn quá ít. Gần một trăm năm mươi can phạm, chẳng lẻ chỉ chọn được có năm, bảy người? Luân tìm trong hạng mà anh đoán là non gan, mất khí tiết. Được thêm mười lăm người nữa. Tạm ổn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...