P9 - Chương 11
Bé Lý bị bắt cóc. Sự việc diễn ra khá ồn ào. Hết giờ học, Lý ra khỏi phòng, chị Sáu đã chực sẵn như mọi ngày, dẫn Lý qua cổng trường. Một xe taxi trờ tới, một phụ nữ như đợi từ lâu, giật bé Lý khỏi tay chị Sáu, ôm bé Lý chui vào xe đã mở cửa, một người đàn ông đón bé Lý. Bé Lý kêu thét. Chị Sáu cũng kêu thét. Xe lao vút...
Bà sơ hiệu trưởng trường mẫu giáo, khai với cảnh sát: vào ba giờ chiều, một người đàn bà mới trên bốn mươi, ăn mặc sang trọng, đến lớp xin lãnh bé Lý ra ngoài. Cô giáo không cho. Người đàn bà chìa danh thiếp – hình như tên Tuyết - nói là họ hàng với đại tá Luân, muốn đón cháu về sớm vì chiều nay nhà có giỗ chạp. Cô giáo vẫn không cho. Người đàn bà, vẻ mặt hiền lành, đến gặp hiệu trưởng. Hiệu trưởng nhã nhặn xin lỗi không thể làm theo ý bà ta vì quy định của nhà trường, chỉ có người sau đây mới được nhận cháu: chị Sáu, thiếu úy Thạch, vợ chồng đại tá Luân. Người đàn bà cũng nhã nhặn phân trần rồi về.
Dung nhận được điện của bà hiệu trưởng. Cô gần ngất xỉu. Sau khi báo cho Tổng Giám đốc biết tin này, Dung hối hả lái xe đến trường. Cùng lúc, Luân có mặt.
Theo các nhân chứng khai với cảnh sát, bà sơ xác nhận người đàn bà bắt có bé Lý chính là người xin lãnh bé Lý - cách ăn mặc thì thay đổi: không phải chiếc áo dài trang nhã mà chiếc áo bà ba màu sậm.
Chị Sáu còn nhớ ra: vài ngày trước, chiếc taxi hay đậu ở góc đường. Nhưng chị không lưu ý.
Dung khóc rất nhiều. Luân trầm ngâm. Sau cùng Luân an ủi Dung:
- Chắc chắn trước mắt không có điều gì nguy hiểm đối với con đâu... Thậm chí, chẳng bao lâu nữa ta sẽ được tin con.
Saroyan đến nhà Luân. Theo Saroyan, Jones Stepp đã biết tin này và đã ra lệnh hệ thống tình báo quân sự Mỹ kiểm tra các đầu mối, tìm dấu vết. Tất nhiên, Tổng nha cảnh sát, Nha cảnh sát đô thành lập tức tiến hành công việc truy lùng.
“Ai? Để làm gì?”
Luân theo đuổi lập luận qua khói thuốc, giữa lúc Saroyan và Dung nức nở. Loại trừ các nhóm, Luân nghĩ nhiều đến cánh Đại Việt, đến cá nhân Nguyễn Chánh Thi và John Hing. Khả năng tống tiền hoàn toàn bị gạt bỏ. Còn lại khả năng uy hiếp tinh thần Luân. Saroyan ra về. Vẫn chưa có tin. Suốt đêm, hai vợ chồng Luân không ngủ, chờ điện thoài reo. Không có. Sáng, Luân đi làm. Anh đoán là bọn bắt cóc không muốn nói chuyện với anh, một người đàn ông. Chúng sẽ đánh vào Dung.
- Em không nên đồng ý hoặc không đồng ý khi chúng nêu giá về con chúng ta... - Luân dặn vợ - Đây rõ ràng là một hành động vì mục đích chính trị. Hôm nay, em ở nhà... Anh tin là sẽ có người gọi lúc anh vắng mặt.
- Cần theo dõi các máy điện thoại không? – Dung hỏi.
- Không cần... Tuy chúng nhắm vào anh, nhưng nếu biện pháp của ta quá đáng, rất có thể ảnh hưởng đến con... Em phải bình tĩnh. Tất nhiên, em tỏ cho ai đó biết là em hết sức lo lắng về con... Một cái gì khá đặc biệt xuất hiện đây...
- Đêm hôm, con nó khóc... Tội nghiệp con tôi! – Dung vật vã, giàn giụa nước mắt.
- Em cố gắng làm chủ tình cảm. Thủ đoạn của chúng thật man rợ. Thời kì những cái gì man rợ nhất đã bắt đầu... Anh nghĩ rằng Jones Stepp biết, Saroyan bị lừa, nhưng không sao...
- Có nên giảm truy lùng không?
- Cứ tiếp tục truy lùng. Tổng nha không liên can đến vụ này. Tiếp tục truy lùng có nghĩa là thúc giục kẻ giấu mặt phải ra mặt sớm. Em nói chuyện với Tổng Giám đốc và Giám đốc đô thành yêu cầu thông báo trong nghành nhận dạng người bắt cóc, chiếc xe, ảnh của bé Lý... Thông báo nội bộ thôi. Thế nào bọn chúng cũng theo dõi hoạt động của cảnh sát. Nhất là khu vực quận Năm...
- Tại sao quận Năm?
- Em không thấy nơi giữ bé Lý tốt nhất là quận Năm sao? Vùng khó kiểm soát nhất...
Thực tế, Luân đã bố trí một phương án riêng. Anh cho Thạch rời khỏi nhà từ tờ mờ sáng, hóa trang làm một khách đi môtô mà xe hỏng, quan sát bên ngoài.
Luân hôn vợ, lên xe. Xe ra khỏi cổng. Thay chỗ Thạch là một tài xế khác, một quân nhân vóc vạc như Thạch. Vẫn người bảo vệ cũ – một sĩ quan an ninh – ngồi trước Luân.
Xe qua chỗ Thạch. Một cái hất hàm của Thạch cho Luân biết kết quả có kẻ đang chờ Luân ra khỏi nhà. Luân còn kịp thấy Thạch mở máy môtô, lao ngược hướng xe Luân...
Trong Bộ Tổng tham mưu, nhiều sĩ quan nghe tin con Luân bị bắt cóc, bao quanh anh chia buồn, phán đoán, chửi bới. Ngoài dự kiến của Luân, chính Nguyễn Chánh Thi lôi Luân vào góc hành lang miêng không ngớt văng tục:
- Tụi chó đẻ! Chơi gì mà nhè con nít! Tôi bắt được đứa nào làm trò khốn kiếp đó tôi róc xương... Tổ mẹ chúng nó! Loạn rồi...
Luân đủ nhạy cảm để hiểu rằng Thi vô can. Có thể hắn ta văng tục cốt lấy lòng Luân song phải loại hắn ra ngoài vụ này.
Nguyễn Khánh gọi Luân vào phòng làm việc của Tổng tư lệnh.
- Tôi đã nghe báo cáo về việc cháu bị bắt cóc... Thật quái đản. Chính phủ hứa với đại tá sẽ làm ra lẽ... Đất nước cần luật pháp. Ngày nào tôi còn trên vị trí mà quân đội và quốc dân giao thì ngày đó bọn phá hoại luật pháp phải bị dạt ngoài lề...
Nguyên Khánh hùng hổn như vậy rồi bỏ nhỏ:
- Đại tá có biết tụi nào bắt cháu không?
Luân lắc đầu:
- Đại tá nghi bọn nào?
Luân lắc đầu tiếp:
Rõ ràng Nguyễn Khánh lo sợ. Thoạt tiên, Luân ngờ ngợ về nỗi lo sợ vô căn cứ này, lần lần, anh hiểu. Nguyễn Khánh lo sợ một thế lực nào đó dùng bé Lý để khống chế Luân và Luân sẽ trở thành nhân vật đủ sức quật đổ Khánh. Là hạng người từng rơi vào tình trạng bị “mua” qua nhiều thời kì, Nguyễn Khánh ngán các cạm bẫy khó mà cưỡng lại. Bản thân anh ta leo lên sân khấu và đặt địa vị như hiện nay là theo một tính toán khít khao – anh ta nộp mạng sống của mình bởi các bức ảnh, các chữ kí nhận tiền, các bức thư do anh ta viết...
- Liệu chúng nó đỏi hỏi đại tá điều gì?
- Tôi không rõ...
- Chưa đứa nào liên lạc với đại tá? – Giọng Khánh hồi hộp.
- Chưa!
- Nếu... - Khánh ngập ngừng.
Luân chỉ mỉm cười. Ván bài càng lúc càng không tuân theo một quy tắc nào hết. Dẫu sao, cá nhân anh cũng còn giá, nghĩa là còn an toàn, một an toàn khá bấp bênh và thay đổi như chong chóng.
- Chúng ta luôn luôn là bạn! - Nguyễn Khánh bắt tay Luận thật chặt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn mời Luân đến văn phòng, tạm thời đặt trong Dinh Độc Lập. Luân sửa soạn tư thế ột cuộc chạm trán – một cuộc trả giá quanh bé Lý. Lãnh tụ Đảng Đại Việt hẳn nghĩ rằng ông ta đang nắm thóp Luân...
Hoàn đón Luân ngay cửa phòng và Luân nhận ra ngay anh đã lầm: Đại Việt không nhúng tay vào vụ bắt cóc. Hoàn hỏi Luân nhiều về khả năng dẫn đến vụ bắt cóc và suy tư một lúc. Hoàn không đóng kịch. Nét mặt ông ta cho Luân thấy ông ta cũng lo lắng giống Nguyễn Khánh. Sau đó, hai người quay sang chủ để mà Hoàn bận tâm – bình định Nam Việt.
- Tôi nghiền ngẫm khá kĩ tình hình của nước Cộng hòa chúng ta. Tôi đọc không phải một mà nhiều lần các sách, các bài của ông Ngô Đình Nhu, các bài và tài liệu của đại tá. Kết luận của tôi là các ông hoàn toàn đúng khi chú trọng đến một chủ thuyết làm cơ sở chính sách. Nhưng, các ông sai vì chủ thuyết pha hơi quá nhiều giáo điều đạo Thiên Chúa, rất không thích hợp với hoàn cảnh Nam Việt; hơn nữa, ông Diệm chưa gột sạch óc vua chúa, bộ máy mang tính gia đình và địa phương, chủ yếu dựa vào giáo dân đi cư đồng thời cả tin số sĩ quan cao cấp. Hệ thống tình báo kém hiệu lực. Nếu khắc phục các thiếu sót đó thì chúng ta đứng vững hơn. Tôi muốn cùng đại tá đánh giá lại toàn bộ chủ thuyết Cần lao Nhân vị dưới ánh sáng mới, nói cách khác, bổ sung giá trị thực hành cho nó... Bình định là phạm vi cực kì phức tạp. Bình định nghĩa là thế nào? Nếu chỉ là các cuộc hành quân thì sẽ thất bại. Ấp chiến lược hay đó, song cần cải thiện điều kiện sinh hoạt trong từng ấp, nên chăng dồn ấp ra gần các trung tâm, trục lộ? Trên tất cả, phải ổn định ở cấp xã. Nên chăng duy trì các vùng chiến thuật và dành cho các sĩ quan các quyền hạn như cũ? Nên chăng tập trung về Bộ Tổng tham mưu, chỉ thành lập các bộ tư lệnh hành quân khi cần thiết? Và, nên chăng cử một Bộ trưởng Quốc phòng Dân sự?
Nguyễn Tôn Hoàn nói một mạch. Chắc chắn Nguyễn Ngọc Huy đã chuẩn bị kĩ cho Hoàn.
Quan điểm của Hoàn, theo Luân nhận xét, phản ảnh sự phân vân của Washington. Từ năm 1960, một loại yếu tố mới xuất hiện và tác động hạ tầng của chế độ Nam Việt. Lớp tư sản Việt Nam không như thời Pháp, họ đã thành thế lực kinh tế và chính trị đáng kể, cố kết chặt với giới quân phiệt và giới quan lại, liên minh với tư sản người Hoa đã đổi quốc tịch, làm chủ một loạt ngành kinh tế sống còn: lúa gạo, xuất nhập cảng, ngân hàng... Cái “chủ thuyết” mà Nguyễn Tôn Hoàn mong hoàn thiện nhằm thỏa mãn bước phát triển mới này, nhất là khi các hình thức độc quyền của Diệm sụp đổ, Nguyễn Tôn Hoàn và Đảng Đại Việt của ông sửa soạn ngoi lên như chính đảng tư sản, rập khuôn Đảng Cộng hòa Mỹ.
- Tôi chủ trương tôn giáo đứng ngoài chính trị. - Hoàn nói tiếp – Trước kia, Thiên Chúa giáo thao túng, bây giờ tới phiên Phật giáo, không được... Tâm lí cân bằng giữa các tôn giáo trên bình diện lời quyền sẽ xâu xé đất nước: Đã có tuyên úy Công giáo, Phật giáo, tại sao không có tuyên úy Cao Đài, Hòa Hảo? Đã có trường đại học Thiên Chúa giáo, đại học Phật giáo, rồi sẽ có trường đại học các tôn giáo khác... Chẳng lẽ chúng ta quay lại thời kì thi trường học chưa tách khỏi nhà thờ? Tôi cũng chủ trương các tướng tuyệt đối không làm chính trị. Bên Mỹ, tướng tại chức không làm chính trị, muốn làm chính trị thì ra khỏi quân ngũ. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ là một sĩ quan chuyên nghiệp, thừa hành lệnh của Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng...
Luân tỏ ra không nồng nhiệt lắm trong cuộc trao đổi.
- Đại tá không thích lí luận nữa? – Hoàn hỏi.
Luân trả lời bằng cái mỉm cười.
- Phải chăng ông Nhu chết, đại tá mất hứng thú tranh luận vì không có đối thủ? – Giọng Hoàn pha chút khôi hài.
- Ông Nhu là một nhân vật lớn! – Luân nói gọn.
- Đại tá, ông sẽ không thất vọng đâu. Tôi rất thích lí luận, triết học.
- Tôi hiểu, song vấn đề là những cơ sở để chúng ta có thể gặp nhau...
- Tôi đã nói, ông đã nghe, nếu tôi không lầm, ông nghe chăm chú. Đó là những cơ sở... Hay, vì ông mang quân hàm đại tá mà ý sau cùng của tôi không khiến ông cởi mở?
- Thưa Phó Thủ tướng! Bộ quân phục không cản ngại gì cả. Khi tôi gặp ông Nhu, cách nay chín năm, với bộ áo thường dân...
- Vậy là hay lắm! Chắc hiện giờ, việc cháu bị bắt cóc đè nặng tâm tư ông. Ta hẹn hôm khác.
*
Tin báo cáo:
- Nạn dịch tả hoành hành. Sau Tết đã có gần năm trăm người chết.
- Sắc luật số 2/64 xác nhận quyền tự do ngôn luận đồng thời ghi các điều khoản trừng phạt báo chí phạm tội, cụ thể tuyên truyền cho Việt Cộng, trung lập...
- Nhà cháy ở hẻm Bạch Đằng, Gia Định, thiêu rụi hai trăm căn. Nhà cháy ở Phú Thọ, Bình Thới, đường Trần Bình Trọng, thiệt hại nặng...
- Hành quân “Phượng Hoàng” ở Định Tường, “Quyết Thắng” ở Kiến Phong, hành quân ở Kontum, Bình Định, Tây Ninh... Chạm súng ác liệt. Đặc biệt, cuộc hành quân Kiến Phong, Đại tá Cao Văn Viên được thăng thiếu tướng.
- Ngày 8-3-1964, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac Namara cùng đại tướng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ Maxwell Taylor sang Sài Gòn. Ngày hôm sau, bộ trưởng, tướng Taylor cùng tướng Nguyễn Khánh đi thị sát Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang.
Trước đó, tướng Nguyễn Khánh công bố chương trình hoạt động một năm của Chính phủ.
- Bộ Công dân vụ sát nhập vào Bộ Thông tin. Vụ Văn hóa sát nhập vào Bộ Giáo dục.
- Ngày mười ba, Bộ trưởng Mac Namara về nước. Tại phi cảng, ông tuyên bố hoàn toàn ủng hộ đường lối của Chính phủ Nguyễn Khánh và hô bằng tiếng Việt: Việt Nam muôn năm!
*
HOẠT CẢNH KHÔNG CÓ ĐOẠN KẾT
Helen Fanfani (Financial Affairs)
Sài Gòn, 22-3.
Vào thời gian này, cách nay mười năm, trận đánh tại lòng chảo Điện Biên Phủ bắt đầu ác liệt, các đồn ngoại vi Béatrice, Anne – Marie bị tràn ngập, viên đại tá tư lệnh tư lệnh quân trú phòng Pháp De Castries co rúm giữa cánh đồng dưới tầm hỏa lực của Việt Minh. Và, gần hai tháng sau, viên đại tá vừa được thăng lên thiếu tướng, đã giương mảnh vải trắng ngay hầm chỉ huy xin đầu hàng. Chiến cuộc Đông Dương mà người Pháp xướng xuất, đi vào ngõ kết thúc không mấy vinh dự với một trong tứ cường.
Nước Mỹ nhảy vào Nam Việt Nam, một phần tư còn lại của Đông Dương trong vòng tay phương Tây. Kế hoạch ổn định và bành trướng theo cung cách mới được thảo ra, lấy Ngô Đình Diệm làm vật thí nghiệm. Từ đó, cơn sóng gió tuy khác về hình thức song vẫn là cơn sóng gió được dấy lên, đầu tiên chỉ là những áp suất nhiệt đới, dần dần tụ hội đủ lực gió để gọi là trận bão. Vấn đề cực kì phức tạp. Bao nhiêu yếu tố đổ về đây mà mỗi phía buộc phải toan tính chi li trước khi hành động. Nếu vào năm 1950, Mỹ có thể giương ngọn cờ Liên Hiệp Quốc trong “sự trừng phạt” Bắc Cao Ly và Trung Cộng thì ngày nay, đồng minh của Mỹ tỏ ra dè dặt trước các yêu cầu của Mỹ. Đặc biệt, nước Pháp, người chủ cũ ở Đông Dương, chọn lối đi khác hẳn - trở ngại không nhỏ, nếu chúng ta không gọi là đối thủ của chúng ta.
Châu Á biến đổi, Trung Cộng đứng vững trên một Hoa Lục mênh mông, Ấn Độ muốn làm minh chủ một thế lực đang trỗi dậy thuộc thế giới thứ ba. Nhật Bản thích làm giàu hơn vấy vào các sự kiện chính trị. Và, người ta không thể không tính đến Nga Xô, một cường quốc nguyên tử.
Tự thân Đông Dương cũng biến động. Bắc Việt nghiễm nhiên là một quốc gia Cộng sản, không hề giấu giếm nguyện vọng thống nhất lãnh thổ, nghĩa là nhuộm đỏ cả Việt Nam, Lào, sau bao nhiêu va chạm, thế lực thiên tả chẳng những còn nguyên vẹn mà gần như là thế lực mạnh nhất trên đất nước ẩn dật này. Cambốt, với vị Quốc trưởng đầy thực dụng, khó mà xếp hàng theo tiếng còi của Mỹ, hơn nữa, luôn nhắc rằng phần cực Nam của Nam Việt phải được trả về cho vương quốc.
Đến lượt mình, Nam Việt cũng không đứng yên. Ở đây, cuộc tranh chấp gay gắt giữa các phía: Mỹ, đồng minh tại chỗ của Mỹ, Việt Cộng, Pháp và đồng minh Pháp. Đồng minh của Pháp yếu kém, song vẫn tồn tại. Đồng minh của Mỹ thì vừa chống Cộng, vừa chống lẫn nhau, vừa nhìn Mỹ với đôi mắt hoài nghi.
Tháng mười một năm ngoái, anh em ông Diệm bị thanh toán không một chút xót thương. Người Mỹ ngỡ rằng sự thủ tiêu thể xác những con người khó bảo ấy sẽ giúp cho đồng minh của họ tỉnh ngộ mà ngoan ngoãn hơn. Tướng Big Minh, không phải là nhà chính trị, không đáp ứng điều Mỹ muốn. Thế là cái tiền lệ hạ bệ Diệm được lập lại qua cuộc “chỉnh lí.” Tướng Khánh tỏ ra rất dễ bảo với Mỹ, song ông ta không đủ mạnh, không đủ uy tín.
Người Mỹ nóng ruột thanh toán càng nhanh càng tốt Việt Cộng. Tướng Taylor, tác giả kế hoạch bình định Nam Việt trong mười tám tháng, trở lại chiến trường khi mà thời gian hứa hẹn đã hơn gấp đôi, rất bực tức. Tướng Harkins, người long trọng thề thốt rằng Noel 1963, binh lính Mỹ sẽ đoàn tụ với gia đình, nay đang đòi thêm quân viễn chinh. Đại sứ Cabot Lodge, vị phù thủy phất tay áo xóa ông Diệm, phải phất tay áo lần nữa lật ông Minh. Chắc, đây không phải là động tác cuối cùng của ông.
Hoạt cảnh trên sân khấu chính trị Sài Gòn đánh lừa khán giả. Không ít người tin rằng lật ông Diệm là cao trào của vở diễn. Thế nhưng, vở diễn nối tiếp với vai trò tướng Khánh. Và đừng ai mong sớm được xem đoạn kết, bởi có khi đoạn kết sẽ đưa lên sân khấu toàn diễn viên Mỹ, người cao bồi Taxes bắn hai súng lục cùng một lúc.
Lịch sử thường hay tình cờ. Mười năm trước, lòng chảo Điện Biên Phủ nuốt chửng uy danh nước Pháp. Mười năm sau, một lòng chảo khổng lồ hơn, lòng chảo Nam Việt không đáy đang quyến rũ những kẻ tự nguyện lao xuống. Thật đáng buồn, chính nước Mỹ chính nước Mỹ mon men đến cái lòng chảo đáng sợ ấy.
*
- A lô! Tôi muốn nói chuyện với bà Hoàng Thị Thùy Dung...
- Tôi đây... Xin lỗi, ai ở đầu dây?
- Bà không cần biết... Tôi, báo cho bà hay con trai của bà...
- Con tôi ra sao rồi?
- Bà nhớ con lắm phải không? Con bà gọi bà luôn...
- Con tôi ra sao rồi?
- Suốt đêm nó gọi bà...
- Trời ơi, con trai của tôi...
- Không ai dỗ được nó... Bà đừng khóc... Cháu bình yên...
- Các ông muốn gì?
- Bà thông minh thật... Bà gọi “các ông” tức bà biết không phải một người hành động mà một tổ chức...
- Các ông muốn gì?
- Muốn điều tốt cho cả ông lẫn bà...
- Tôi không hiểu...
- Tạm thời, chúng tôi chưa nói đến ông. Ông là một nhà chính trị, một quân nhân cuồng tín. Chúng tôi thương lượng với bà...
- Các ông nói rõ đi...
- Không thể nói qua điện thoại. Bà sẽ nhận được một phong bì theo đường bưu điện. Trong đó, bà đọc các điều kiện của chúng tôi.
- Bao giờ thì con tôi được về nhà?
- Tùy cách bà đáp ứng các điều kiện của chúng tôi.
... Phong bì trên tay Dung. Cô và Luân cùng đọc. Một tờ giấy đánh máy với hàng chữ gạch dưới: Trả lời bằng viết tay và gởi theo đường bưu diện. Chớ phăng theo địa chỉ này, nó là địa chỉ giả. Hễ có triệu chứng phăng theo địa chỉ thì bà đến một đống rác nào đó nhận xác con, bởi bà tỏ ra không thành tâm.
Nội dung “điều kiện” rất gọn: Bà phải cung cấp cho chúng tôi theo cách mà chúng tôi sẽ báo lại cho bà từng lúc tất cả báo cáo của ông và của bà gởi cho V.C, kể cả báo cáo bằng điện và các thông báo, chỉ thị mà ông và bà nhận được từ nơi ấy hoặc từ nơi khác. Chúng tôi sẽ thù lao xứng đáng cho bà. Như vậy, bà đã hiểu chúng tôi không phải mù mờ về ông bà. Bà ghi dưới tờ giấy này dòng chữ: “Tôi đồng ý điều kiện của các ông” và kí tên lên, với ngày tháng. Trong vòng ba tiếng đồng hồ, khi bà bỏ phong bì vào thùng thư, con của bà sẽ có mặt ở một nơi để bà đến đón. Ngược lại, nghĩa là bà từ chối, bà dễ dàng đón nhận hậu quả. Sáng nay, cận vệ kiêm lái xe của chồng bà đuổi theo chúng tôi. Lẽ ra tôi khử anh ta, song nghĩ rằng chúng ta đang thương lượng ôn hòa, nên đã để anh ta sống sót. Chúng tôi nhắc bà: tướng Jones Stepp và phu nhân không giúp ích gì cho bà.
Thạch báo: Anh đuổi theo chiếc ôtô nhưng bị hai chiếc mô tô lạng kềm và đến bùng binh chợ Bến Thành thì mất dấu. Ôtô hiệu Austin, màu sôcôla. Hai mô tô Norton, phân khối lớn, người lái đội mũ bảo hiểm, khó nhìn rõ mặt...
... John Hing và Ly Kai trao đổi.
- Ta hẹn vợ Luân đến một điểm nào đó rồi đánh thuốc mê... - Ly Kai nêu ý kiến.
John Hing lắc đầu:
- Ông muốn dùng kiểu hạ cấp, phải không?
Ly Kai không trả lời.
- Ông sẽ chụp ảnh bà ta đang lõa lồ với một người đàn ông... Rất tiếc, tôi chọn ông, chọn cái đầu quá kém. Ông hẹn và chắc chắn bọn ông bị bắt, trước khi thực hiện trò lưu manh. Mà, dù ông dù ông thực hiện trót lọt, ông sẽ chẳng được cái gì cả, ngoài việc phải ra trường bắn. Tôi thích sòng phẳng. Ông theo kế hoạch của tôi. Đây, phong bì, ông bỏ ở bưu điện Trung ương. Sẽ có thư trả lời, tôi tin chắc như vậy.
- Thư trả lời? Theo địa chỉ nào?
- Đừng lo... Địa chỉ ngay nhà bưu điện Trung ương!
*
Thông báo của Chính phủ Hoa Kỳ:
Sau khi nghe Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara và Tướng Maxwell Taylor phúc trình tỉ mỉ chuyến công tác ở Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống L.B Johnson đã quyết định:
1) Ủng hộ hoàn toàn đường lối đối nội và đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Trung tướng Nguyễn Khánh đứng đầu.
2) Tăng viện khẩn cấp cho Quân lực Việt Nam Cộng hòangõ hầu đối phó hữu hiệu với các hoạt động phá hoại của Việt Cộng và sự xâm nhập của Cộng sản Bắc Việt. Cụ thể, Chính phủ Hoa Kỳ đảm bảo chi phí và trang bị cho thêm năm mươi nghìn quân và bảy nghìn năm trăm cán bộ bình định nông thôn, cung cấp cho Quân lực Việt Nam Cộng hòamáy bay chiến đấu và tàu tuần sông. Tổng số ngân khoản là 50 triệu dollar.
3) Bộ tư lệnh viện trợ Mỹ ở Sài Gòn hợp tác chặt chẽ với Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa thực hiện chương trình tái lập an ninh từng vùng do Chính phủ Nguyễn Khánh đề xuất.
Washington, ngày 17 tháng 3 năm 1964.
*
Thông cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa:
Để dàn xếp mọi hiểu lầm và xung đột biên giới giữa Việt Nam Cộng hòa và Cambốt, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cử thiếu tướng Huỳnh Văn Cao đến Nam Vang tiếp xúc với Thái tử Norod Sihanouk. Chuyến công vụ trước đó của đặc phái viên Trần Chánh Thành, biểu thị thiện chí của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Sài Gòn, ngày 19 tháng 3 năm1964
*
Thông cáo của Hội đồng Quân nhân Cách mạng:
Nhằm củng cố tiềm lực quốc gia, thống nhất lãnh đạo cuộc chiến tranh chống Cộng, ngày 21-3-1964, các tướng lãnh Việt Nam Cộng hòa đã họp và quyết định đổi tên Hội đồng Quân nhân Cách mạng thành Hội đồng Quân đội và bầu ra ban lãnh đạo mới.
Chủ tịch: Trung tướng Nguyễn Khánh
Đệ nhất Phó Chủ tịch: Trung tướng Trần Thiện Khiêm
Đệ nhị Phó Chủ tịch: Thiếu tướng Đỗ Mậu
Đệ tam Phó Chủ tịch: Trung tướng Phạm Xuân Chiểu
Cố vấn tối cao: Trung tướng Dương Văn Minh
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...