Ván bài lật ngửa

P9 - Chương 12
Tám tháng sau ngày lật đổ Ngô Đình Diệm, ngày 28-6-1964, Henry Cabot Lodge rời Sài Gòn, nhường chức ột người vốn rất quen thuộc ở Việt Nam, Tướng Maxwell Taylor. Một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Alexis Johnson được Washington cử làm phó đại sứ. Sự thay đổi nhân sự này nằm trong một dự kiến đồng bộ: Tướng William Westmoreland trở thành Tư lệnh quân đội Mỹ ở Viễn Đông, còn tướng Paul Harkins thì về hưu.
Bắt chước đại sứ tiền nhiệm Nolting, Cabot Lodge ra sân bay Tân Sơn Nhất trong bộ “quốc phục” Việt Nam: Áo dài chấm đen, khăn be. Lễ tiễn thật long trọng. Đô trưởng Sài Gòn huy động gần một vạn công chức và binh sĩ cầm cờ hai nước tụ tập từ cổng sân bay vào phòng khác. Trẻ con hiếu kì, khá đông. Dẫu sao, một ông Mỹ mặc áo dài chít khăn be cũng vui vui. Nguyễn Khánh cùng văn võ trong Hội đồng Quân đội, Chính phủ có mặt. Nhà sư Thích Tâm Châu cầm đầu một đoàn Phật giáo hùng hậu đứng ngay cửa ra vào phòng khách. Cabot Lodge hoan hỉ vẫy tay đáp lễ. Tất nhiên các nhà báo trong và ngoài nước rất nhạy – họ phát hiện Quốc trưởng Dương Văn Minh không có mặt và không nghe thông báo Đại sứ Cabot Lodge chào từ biệt quốc trưởng, dù theo nghi thức ngắn ngủi. Gần như không có đại biểu giới theo đạo Thiên Chúa tiễn đại sứ Mỹ. Và, Bộ trưởng Nội vụ Lâm Văn Phát, chẳng viện cớ gì cả, không ra sân bay.
Tại phòng khách, sâm banh nổ dòn. Nhưng, kẻ đi người ở chưa kịp chạm cốc thì một toán nhà báo quốc tế ùa vào, chủ yếu là nhà báo Mỹ. Cabot Lodge nhíu mày. Viên sĩ quan quân cảnh nhún vai, có vẻ phân bua: Tôi không thể ngăn họ. Dĩ nhiên, cảnh sát Việt càng bất lực hơn, bởi đấy là nhà báo phương Tây, nhà báo Mỹ.
Ánh magnesium lóe giống hệt một trận tiến công bằng các tia sáng giữa Cabot Lodge còn cau có. Những bức ảnh này thật bất lợi. Nhà ngoại giao Hoa Kỳ cỡ lớn, một ứng cử cỡ lớn, một ứng cử viên Tổng thống sẽ xuất hiện trên mặt báo với dáng vẻ thiếu khả ái, cái cớ cho trăm thứ bình luận cực kì nguy hiểm. Và, trước công chúng Mỹ, chiếc áo gấm, chiếc khăn be quả đặc biệt hài hước. Vị đại sứ quê Massasuchetts, còn đúng một tuần nữa là lễ sinh nhật lần thứ sáu mươi hai, vốn cũng hành nghề báo chí – viết bài cho những tờ sừng sỏ: Boston Evening Transeript, New York Herald Tribune... – thế mà mãi chọn không ra tư thế trước ống kính quái ác. Vào giờ phút đó, bà đại sứ Emily Sears cố gắng cứu chồng. Bà, vẫn mặc váy như mọi phụ nữ phương Tây, tươi cười nâng cốc sâm banh hướng về các nhà báo: “Xin chúc sức khỏe! Xin tạm biệt các bạn và mong các bạn được vui vẻ ở đất nước đáng yêu này!”
Đó là giây phút Cabot Lodge lấy lại tư thế.
- Tôi cảm ơn các bạn...
- Xin hỏi Ngài một câu ngắn: Ngài có hài lòng không khi rời công vụ tại đây, tại Sài Gòn? – Phóng viên News Week phát pháo.
- Tất nhiên, tôi rất hài lòng. Mọi việc đều tốt!
- Ngài có lạc quan quá chăng? – Phóng viên News Week dấn thêm một bước...
- Không phải tôi mà sự thật cho thấy những mặt đáng hài lòng đó... - Cabot Lodge bắt đầu cảnh giác – Tôi nói đúng không, Ngài chủ tịch Hội đồng Quân đội?
Nguyễn Khánh mau miệng: “Đúng, rất đúng, hoàn toàn đúng.” Tiếng cười ồ của các nhà báo chuyển không khí từ dễ chịu sang căng thẳng.

- Mọi việc đều tốt! – Fanfani chĩa máy quay vào mặt Nguyễn Khánh – Ba anh em họ Ngô bị bắn, nhiều cuộc biểu tình của giáo dân Thiên Chúa ở Huế, Sài Gòn, hàng không mẫu hạm Card trọng tải những hơn 16.000 tấn bị Việt Cộng đánh mìn ngay tại cảng Sài Gòn... Đã có hơn hai trăm lính Mỹ chết ở chiến trường. Tổng thống Johnson phải xin việc trợ thêm 125 triệu dollar cho Nam Việt. Tất cả đều tốt! Dư luận không thể hiểu. Tôi muốn hỏi Ngài cựu đại sứ và ứng cử viên Tổng thống tương lai Cabot Lodge một câu: Điều gì Ngài ân hận nhất trong thời gian làm việc tại Sài Gòn?
Chẳng rõ vô tình hay cố ý, thay vì trả lời câu hỏi hóc búa của Fanfani, Cabot Lodge lại ngó Nguyễn Khánh.
Phóng viên Washington Post rất nhạy bén:
- Ngài không hài lòng về những mẫu người kiểu ông Nguyễn Khánh?
Nguyễn Khánh nổi cáu:
- Ông nhà báo, ông có biết đây là đâu không?
Nhà báo Mỹ cười rất tươi:
- Thưa ông có biết ông là ai không?
Cabot Lodge không phủ nhận lối nhận xét rất thâm của nhà báo, ông ta nhìn ra cửa. Cô tiếp viên vào đúng lúc:
- Thưa, máy báy sắp cất cánh...
*

Bài của phóng viên News Week.
Bộ “quốc phục” Việt Nam không còn tôn vinh Cabot Lodge và đúng như các nhà báo đã tặng ông các câu hỏi giá trị ngang những quả cà chua và trứng thối, ông để lại một gia tài tại Nam Việt khốn nạn hơn nhiều so với lúc ông nhậm chức: nội tình rối bét, phe phái phân tranh, dân chúng nhìn nước Mỹ bằng đôi mắt hoài nghi, đàn ngựa sẵn sàng lừa dịp tặng nhau những cú đá chết người. Bài toán tuy của Kennedy song chính Cabot Lodge được toàn quyền đề xuất sáng kiến và thời gian tuy ngắn, đã chứng tỏ ông là một chính khách thành thạo các mưu mẹo vặt. Giết Diệm, Lodge bảo đảm với Chính phủ Mỹ rằng không cần thêm lính Mỹ nào nữa, Nam Việt sẽ ổn định, Việt Cộng sẽ rút dần và tan rã thành từng đám phỉ. Tình hình Nam Việt không nghe ông, nó rẽ vào cái ngả mà cuối cùng ông phải bảo vệ một quan điểm khác: không có thực binh Mỹ, Nam Việt rơi vào tay Cộng sản.
Paul Harkin luôn không tán thành Cabot Lodge về việc giết Diệm. Harkins chủ trương duy trì Diệm để thắng Việt Cộng, có thể chỉ tăng thêm khí tài chiến tranh và thu xếp cho em xuôi vụ xung đột Diệm và Phật giáo.
Về mặt này, cả Cabot Lodge và Harkins đều theo thuyết ứng dụng, trong khi đằng sau Nhà Trắng còn có cả một thế lực áp đảo – dứt khoát Mỹ phải đứng vững ở Việt Nam và không lệ thuộc vào hình thức: ôn hòa cũng tốt, đưa quân Mỹ ồ ạt tham chiến cũng không xấu. Chắc chắn Cabot Lodge đã hiểu ra sự thật ấy cho nên ông không mấy băn khoăn, Harkins thì bất mãn. Cabot Lodge còn đi nốt con đường danh vọng mà ông đam mê và chức đại sứ chỉ là chiếc cầu; Harkins trái lại, xin về hưu.
Phó tướng của Harkins thay ông. Đây gần như một xếp đặt sẵn. Viên tướng có đôi mắt sâu nhận thêm một sao khi ngồi vào ghế Tổng chỉ huy lực lượng Mỹ ở Viễn Đông. William C. Westmoreland sinh năm 1914 tại Sparenburg County, bang Nam Carolina, nhỏ hơn tướng tiền nhiệm Paul Donal Harkins mười tuổi, trong một gia đình không danh tiếng, thuộc dòng họ mà mãi đến ông mới có một sĩ quan cấp tướng – ông nhận quân hàm chuẩn tướng năm 1953 mặc dù nhập ngũ từ năm 1936, kinh qua Học viện Quân sự, từng bị cú đánh bất ngờ của Nhật ở Trân Châu Cảng... Tuy nhiên, chỉ cần tám năm, Westmoreland leo thật nhanh, những ngôi sao trên cầu vai thi nhau nẩy nở. Người ta nói trong lịch sử quân sự Mỹ chưa người nào thành đạt bằng ông và giữ kỉ lục khó phá vỡ nổi về tốc độ lên cấp – trung tướng vào tuổi năm mươi.
Vợ ông, Katherine S. Van Deusen, gốc Hà Lan, lai Đức, thỉnh thoảng dẫn con sang Sài Gòn thăm ông.
Có một cách giải thích về sự xuất hiện của Westmoreland ở chiến trường Nam Việt: ông từng chỉ huy pháo binh, quân dù, không quân, từng tham chiến ở Triều Tiên, từng phụ giảng ở Học viện West Point và Fort Bragg, nghĩa là một người hội đủ các điều kiện: Lí thuyết, thực hành, kinh nghiệm và cả thế lực.
Giới chính trị biết Westy – nhà quân sự Mỹ gọi ông một cách thân ái – nhưng ông tự giới thiệu mình qua các bức điện của ông đăng trên tờ “Những ngôi sao và sọc,” cơ quan lực lượng quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương trong ngày Tướng Mac Acthur từ trần, 5-4 năm nay. “Với tư cách là một sĩ quan cấp tá trong tập đoàn quân thứ tám dưới quyền của Ngài giữ lúc cuộc chiến Triều Tiên ở vào giai đoạn khốc liệt, tôi gởi điện phân ưu đến gia đình Ngài và đến những thân hữu của Ngài, từ một chiến trường sôi bỏng như ở Triều Tiên năm xưa. Tôi học được ở Ngài vị chỉ huy xuất sắc cả quân lực Hoa Kỳ, bậc thầy về chiến lược và chiến dịch, tính kiên định khi Ngài bất chấp các dư luận phản ứng của dư luận chính trị, cho đổ quân lên Fusan và vùng đất phân chia Nam và Bắc Triều Tiên, một quyết định vĩnh viễn đi vào lịch sử bởi nhờ nó mà Cộng hòa Đại Hàn được cứu thoát.
Giã từ cuộc sống trần thế vào tuổi tám mươi tư, Ngài để lại một bề dày đồ sộ về quá khứ binh nghiệp mà các đân tộc Thái Bình Dương không bao giờ quên công ơn, từ Borneo, Lucon, Okinawa... Tôi học ở Ngài vô vàn đức tính và cái đọng sâu sắc trong tôi là thái độ của một chiến binh chuyên nghiệp, chỉ phục tùng một mệnh lệnh, ấy là lương tâm quyết chiến thắng. Nỗi bất hạnh đối với Ngài(1) càng khoác lên Ngài ánh hào quang của trí tuệ. Nếu bấy giờ, người ta chịu nghe ý kiến của Ngài, có thể không hề xảy ra một sự lặp lại như nước Mỹ đang đối phó ở Nam Việt. tôi hi vọng bài học cũ đang nhắc nhỡ giới chức cầm quyền nước ta. Và, thưa cố Thống tướng, tôi hi vọng Ngài không phiền lòng về đứa học trò nhỏ của Ngài đang ôn lại những gì Ngài nói và thực hiện...”
(1) Ý nói sự tranh chấp giữa Mac Arthur và Eisenhower – Tổng thống Mỹ bấy giờ - chung quanh việc quân Mỹ vượt sông Áp Lục và ném bom lãnh thổ Trung Quốc, đã khiến Mac Arthur bị cách chức vì Eisenhower chủ trương khoanh chiến sự trên đất Triều Tiên.

Không có một phản ứng nào của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc về bức điện “tuyên ngôn” – như vài nhà báo bình luận – mang chữ kí của Westmoreland, một trung tướng trợ lí nơi vùng hẻo lánh của trái đất.
Lễ bàn giao chức vụ Tư lệnh Bộ Tư lệnh Mỹ ở Nam Việt và Thái Lan giữa Harkins và Westmoreland cử hành tại trụ sở Bộ chỉ huy, một ngôi nhà cổ đường Trần Hưng Đạo, gần nơi giáp giới thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Hơn hai trăm sĩ quan từ cấp trung tá trở lên có mặt, có mặt cả Đại sứ Cabot Lodge, Tướng Jones Stepp, Tướng Trần Thiện Khiêm.
Paul Harkins nói ngắn: “Tôi cố gắng và có thành công cũng như không thành công. Nam Việt mang quá nhiều đặc thù, vai trò chính trị chi phối đậm nét trong mọi hoạt động của giới quân nhân chúng ta. Dù sao, tôi phải nói rằng cái gánh mà tôi trao cho tướng Westmoreland – tiện đây, tôi xin thông báo, Tổng thống đã quyết định nâng quân hàm Westy của chúng ta lên cấp đại tướng – quả thật nặng. Tôi xin lỗi người kế nhiệm tôi, các chiến hữu. Tôi tin tưởng tướng Westmoreland sẽ hoàn thành các việc mà tôi không hoàn thành...”
Westmoreland nói còn ngắn hơn – ông không ca ngợi nửa lời vị chỉ huy cũ của mình: “Các sĩ quan, tướng lãnh! Chấp hành lệnh của Tổng thống, từ giờ này, tôi chỉ huy lực lượng Mỹ ở Nam Việt và Thái Lan. Tôi báo trước và nhờ những người có mặt tại đây báo với toàn quân: Tôi là một chỉ huy khó tính, thích đòi hỏi cấp dưới!”
Westmoreland lập lại gần như nguyên văn phát biểu đầu tiên của Tướng De Lattre de Tassigny khi được cử làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, năm 1950, tại lễ đón tiếp ông ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Hôm sau, nhân cuộc họp ở Bộ Tổng tham mưu, nghe Trần Thiện Khiêm thuật lại lời của Westmoreland, Nguyễn Thành Luân cười mỉm:
- Ông ta chưa nói như Napoléon trong chiến dịch Ai Cập: “Hỡi binh sĩ Pháp! Từ tầm cao lồng lộng của các Kim Tự Tháp, lịch sử đang quan chiêm chúng ta!”
*
Tình hình Nam Việt tiếp tục rối loạn. Ngô Đình Cẩn và Phan Quang Đông bị kết án tử hình và bị bắn, chẳng thêm gì cho Nguyễn Khánh. Tướng Big Minh thì lại mất thêm: ông là Quốc trưởng, ông bác đơn xin ân xá của Cẩn. Nguyễn Thành Luân hiểu rõ tâm trạng của vị Quốc trưởng hoàn toàn tượng trưng và vị trí bấp bênh đến từng ngày.
- Tôi nghĩ trung tướng nên ân xá cho Ngô Đình Cẩn...
Luân vào phòng tướng Minh và chính thức nêu ý kiến.
- Nếu tôi có quyền! – Tướng Minh trả lời kèm theo tiếng thở dài nặng nề.
- Tôi có thể kí đơn xin ân xá không?

- Vô ích! Áp lực đòi bắn Cẩn không từ giới Phật giáo mà từ đại sứ Mỹ. - Tướng Minh không giấu vẻ cay đắng.
- Người Mỹ sẽ được gì khi bắn Cẩn?
- Đại tá hiểu hơn tôi...
- Trung tướng Nguyễn Khánh có thể là một trọng lực vào trong vụ này?
Tướng Minh lắc đầu ngao ngán:
- Tôi là bù nhìn của ông Khánh, ông Khánh là bù nhìn của đại sứ Mỹ và đại sứ Mỹ rất có thể, là bù nhìn của ai đó...
Luân thảo một loạt đơn xin ân xá cho Cẩn và tất cả đều quay trở về với những nhận xét giống nhau: Tội của ông Cẩn quá nặng...
Tội của Cẩn nặng, đúng, song vụ án lại không vì những tội trạng thông thường – ý đồ chính trị giảm tội cho người này, cột tội thêm cho người khác... “Mỹ và các thế lực thân Mỹ ở Sài Gòn muốn lật một trang sử với thái độ bề ngoài dứt khoát!...” Luân hiểu chiều sâu của những phát súng thanh toán.
Mọi sự cố khác xôn xao dư luận: báo chí đưa tin hai Việt Cộng đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara, họ bị phát hiện và bị bắt. Ảnh trên báo thấy cả hai còn rất trẻ - một tên là Nguyễn Văn Trỗi, thợ điện.
Những diễn biến gần đây cho Luân và Dung một nhận định quan trọng: phong trào thành phố Sài Gòn và cả miền Nam đang chuyển mình. Về chính trị, lực lượng Phật giáo và học sinh, sinh viên vuột lần khỏi trên tay chi phối của tình báo Mỹ, các phái xấu, các phần tử cơ hội. Cuộc tranh chấp trong giáo hội Phật giáo khá gay gắt, mặc dù thượng tọa Tâm Châu và Trí Quang ra thông bạch “không hề có sự rạn nứt trong Phật giáo.” Vai trò của các bậc chân tu như Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Luật, Thích Đôn Hậu, Thích Đức Nhuận v.v... tất cả đều giữ vị trí cao quanh Tăng thống Thích Tịnh Khiết – ngày mỗi nổi bật như đại biểu cho đạo pháp, cho đức từ bi, cho những gắn bó với dân tộc. Trong lúc các vị giữ nếp thanh bạch, không coi vụ lật đổ Diệm là dịp phô trương Phật giáo thì một bộ phận khác tập trung sức lực quảng cáo Phật giáo. Ngày Phật đản đầu tiên sau pháp nạn biến thành cuộc biểu dương hình thức: một tượng Phật cao 8 thước, nặng 3 tấn đặt ngay trên đài cao ở bến Bạch Đằng và bốn mươi hai xe hoa diễu hành qua các phố. Nhiều tượng Phật từ chốn khiêm tốn âm thầm đột nhiên hiện ra ở những nơi dễ nhìn thấy nhất, từ Sài Gòn đến Vũng Tàu. Chùa chiền được sửa chữa, trang bị hiện đại. Nhà sư trẻ mặt đạo phục ủi phẳng phiu, phóng mô tô thậm chí lái ô tô, gảy đàn và hát... Cuộc cạnh tranh với đạo Thiên Chúa ráo riết. Chiến thắng được mô hình hóa kiểu đó khá rộng. Viện Hóa đạo mà Thích Tâm Châu là viện trưởng được Chính phủ cho phép quyên trong một năm số tiền 20 triệu đồng để lo “Phật sự.” Được biết giá vàng 6.500 đồng một lạng – số tiền quá lớn... Và, các bậc chân tu thở dài, lo lắng. Bởi chưa thể gọi là chiến thắng. Vận nước đang ở vào thời điểm thử thách ác liệt... Một số nhà sư, cư sĩ, một số hội đoàn Phật tử linh cảm với điều không hay này. Đã nảy ra luồng dư luận phản đối kiểu “hiện đại hóa Phật giáo” tầm thường.
Các cố vấn quân sự Mỹ bận tâm hướng khác. Quân đội Nam Việt, theo quyết định của họ, thống nhất thành ba loại: chủ lực quân, địa phương quân và nghĩa quân. Năm đại tá thành chuẩn tướng: Nguyễn Chánh Thi, Phạm Văn Đổng, Bùi Hữu Nghĩa, Cao Hảo Hớn và Ngô Dzu.
Ngày 29-5, Hội đồng Quân đội họp ở Đà Lạt để xử bốn tướng – cãi vã, chửi bới loạn ẩu. Cuối cùng Nguyễn Khánh kí một văn bản: bốn tướng bị phạt theo quân kỉ, loại khỏi hội đồng một thời gian và không được nắm cương vị chỉ huy. Cái màn “chỉnh lí” hạ khá tức cười và “tội trạng” của Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính không xuất hiện trong quyết định kỉ luật.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận