Tử Yên băng qua dãy hành lang được lát bằng sỏi trắng, thầm trầm trồ vì những họa tiết tinh tế dưới chân. Một gian phòng nữa lại mở ra trước mặt.
Bầu trời hừng đông là sự kết hợp tương phản giữa hai màu xám bạc và xanh trong. Nắng vẫn dùng dằng chưa lên, để vạn vật như chìm vào giấc ngủ, để cả chốn đây hòa lẫn trong sự im lìm, trầm kính và thâm nghiêm. Gió mang theo hương gỗ phảng phất khắp nơi, càng làm tăng vẻ mờ ảo đầy huyễn hoặc. Ngắm những bó đinh hương trắng tinh ủ mình trong sương sớm, Tử Yên nhận thấy một cảm giác bình yên bỗng hân hoan trỗi dậy, thanh khiết nhưng rất đỗi dịu dàng, ưu tư nhưng cũng không kém phần thuần mặc.
Bỗng, từ đâu đó vang lên tiếng ríu rít yếu ớt khiến Tử Yên chú ý. Nàng lập tức dừng bước, tò mò tìm kiếm.
Là một chú chim non bị rơi khỏi tổ .
- Xem nào… – Tử Yên quan sát chú chim nhỏ cùng khắp. – … Chú mày bị thương rồi. Phải đem về tổ ngay mới được.
Nàng nhìn quanh một lượt. Kia rồi, một chiếc tổ rơm xinh xắn đang cư ngụ trên nhành tùng bách. Nếu bình thường ở nhà, việc trèo lên cái cây ấy đối với Tử Yên không thành vấn đề, nhưng bây giờ đang váy áo lùm xùm, đừng nói đến chuyện đưa được con vật đáng thương này về tổ, không khéo nàng còn bị té “chỏng gọng” chứ chẳng chơi. Đang suy nghĩ tìm cách giải quyết, Tử Yên bỗng trông thấy một gia đinh vô tình đi ngang. Nàng mừng rỡ, vội kêu to:
- Này, anh…à không, huynh gì đó ơi!
Nam nhân trẻ ngó tới ngó lui rồi tự chỉ vào mình:
- Tiểu thư… kêu tôi?
- Trời ạ, ở đây chỉ có tôi với anh, à không với huynh, tôi không kêu huynh thì kêu ai. Đến đây tôi nhờ tí!
Y bước từng bước chậm rãi đến gần Tử Yên, ngần ngại hỏi:
- Tiểu thư có gì sai bảo?
- Huynh giúp tôi đem chú chim này về tổ được không? Ở trên kia kìa. – Nàng vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc tổ rơm.
Y ngớ người một lát vì ngạc nhiên, nhưng rồi cũng làm theo lời Tử Yên. Ngạc nhiên là bởi tiểu thư Lâm gia trước giờ vốn nổi tiếng lạnh lùng, ít nói. Ngoài hai cô a hoàn Thúy Nhi và Linh Nhi, nàng ấy hầu như không nói chuyện với bất cứ gia đinh nào. Nhưng hôm nay nàng nhiệt tình nhờ vả mình, lại còn quan tâm đến chú chim bé nhỏ đáng thương này, đây là việc vốn chưa từng xảy ra.
Thấy y hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lại “tiếp đất” an toàn, Tử Yên liền rối rít:
- Cảm ơn huynh, thật tốt quá!
Tử Yên quay bước đi, không quên gửi lại một nụ cười rực nắng, làm sáng bừng cả góc trời xám xịt, vì ông mặt trời hôm nay bỗng “giở chứng” ngủ quên.
…
Tử Yên đi ngang gian bếp, vừa hay bắt gặp Lâm Nhã. Trông thấy nàng, bà vội vàng hỏi:
- Yên Nhi, con ra ngoài làm gì? Đã khỏe hẳn chưa mà đi lại lung tung thế con?
- Mẹ đừng lo, con khỏi hẳn rồi.
Chợt nàng nghe đâu đó văng vẳng tiếng kêu lớn. Giọng nói khàn trầm, dõng dạc, vô cùng thân thương. Một người trung trong bộ áo gấm sậm màu đang hớt hải tiến về phía Tử Yên.
- Cha, đúng là cha rồi!
Nàng reo to như đứa trẻ được quà, rồi gấp gáp chạy đến, ôm chầm lấy Lâm Duệ vì sung sướng. Bị lạc về quá khứ, mà vẫn có cha mẹ bên cạnh, Tử Yên cảm thấy mình thật vô cùng may mắn.
Phản ứng cường điệu của Tử Yên khiến Lâm Duệ không khỏi thảng thốt. Tiểu nữ nhà ông vốn là người hay trầm tư, lặng lẽ. Cớ sao hôm nay lại thay đổi như vậy? Khẽ ném cho Lâm Nhã cái nhìn đầy phức tạp, nhưng Lâm lão gia cũng hiền từ ôm con vào lòng:
- Nào nào, con gái của ta, con thấy trong người sao rồi?
- Cha đừng lo, con đã hoàn toàn bình phục rồi.
Tử Yên mỉm cười đáp. Trong đáy mắt long lanh, niềm hạnh phúc vô bờ như vẫn còn hiện hữu.
…
Lâm Nhã thoáng chau mày tỏ ý không hài lòng. Bà vốn đã căn dặn Thúy Nhi và Linh Nhi rất kĩ, tiểu thư sắp thành thân, từ tác phong đến dáng vẻ bề ngoài cần phải chăm chút kĩ càng, tránh kẻ khác dòm ngó, đàm tiếu không hay. Nhưng Tử Yên lúc này thật khiến bà xốn mắt. Mặt mày nhợt nhạt, tóc tai chỉ được cột qua loa. Nếu đứng lẫn với đám nha hoàn trong nhà, hẳn người ngoài sẽ chẳng thể nhận ra ai là thiên kim của Lâm gia. Đoạn nhìn con, Lâm Nhã nói:
- Tử Yên, hôm nay Thúy Nhi, Linh Nhi không chải tóc và trang điểm cho con sao? Nhi nữ sắp xuất giá, không biết sửa soạn là không được đâu con.
Tử Yên đang tuổi ăn tuổi học. Trước kia đến trường cũng chẳng trang điểm bao giờ. Nói gì đến lúc này, ở nhà mà sửa soạn cũng chẳng có ai ngắm. Hà tất phải phiền phức như vậy. Nàng nhớ lại mớ chai lọ đủ màu lúc sáng. Nếu để Linh Nhi, Thúy Nhi bôi trét những thứ ấy lên mặt, không biết dung nhan mình sẽ khủng khiếp thế nào. Tử Yên cười hề hề, đáp qua loa:
- Mẹ à, con thấy ở nhà thì đâu cần trang điểm hay bới tóc làm gì, còn khi nào xuất… – Tử Yên chợt ngừng lại. Hình như có gì đó không ổn. Tựa hồ vừa nghiệm ra điều gì. Nàng chợt hét toáng lên. – HẢ!?! Mẹ! Mẹ vừa nói gì? Xuất giá! Xuất giá là sao? Ai sắp xuất giá?
- Thì con chứ ai. A đầu này, con xem con kìa! Khẩn trương đến như vậy. – Nhìn thấy phản ứng của tiểu nữ nhà mình, Lâm lão gia bỗng bật cười sảng khoái.
Thấy Lâm Duệ cười, Tử Yên cũng cười theo:
- Cha à, cha với mẹ đang đùa con phải không? Ha ha ha, vui thật đấy.
Lâm lão gia bỗng dưng nghiêm mặt, khiến Tử Yên bất giác chột dạ. Chẳng có phụ mẫu nào lại đem chuyện hôn nhân đại sự của con cái ra bỡn cợt bao giờ. Càng lúc Lâm Duệ càng cảm thấy không hài lòng với thái độ giả lả nơi Tử Yên. Chẳng lẽ trận bạo bệnh vừa rồi đã làm con ông thay đổi. Thay đổi đến mức ông chẳng thể nhận ra. Tử Yên lúc này cứ như một người có hai nhân cách đối lập nhau, khiến Lâm Duệ khó lòng chấp nhận nổi. Ông nhấn mạnh từng từ một:
- Ta đang nói chuyện - rất – nghiêm – túc.
Mặt Tử Yên đột nhiên nhăn nhúm. Nàng giở giọng nài nỉ:
- Mẹ à, hai người đang đùa con đúng không? Con tuổi còn nhỏ, làm sao gả đi được.
Lâm Duệ tỏ ra mất kiên nhẫn:
- Con đã mười bảy mười tám tuổi, nhỏ nhiếc gì nữa. Vả lại con trước đó cũng đã đồng ý. Sao bây giờ lại muốn khước từ?
- Đồng ý, con đồng ý khi nào? – Tử Yên cao giọng hỏi, lòng bắt đầu thấy sốt ruột, vì trông cha mẹ nàng lúc này thật vô cùng hình sự.
- Cách đây dăm hôm, chúng ta đã nói với con chuyện này, con đâu hề có ý kiến gì. Vì vậy hôn sự đã được sắp xếp đâu vào đấy, đúng một tháng nữa sẽ tiến hành như dự định. Con không được giở chứng, rõ chưa! -Lâm Duệ hậm hực đe dọa.
Trời ạ!
Ở thời đại Tử Yên, tuổi mười tám là tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, suốt ngày chỉ biết học đến cắm đầu cắm cổ. Chồng con hẳn là chuyện xa vời, nàng hiển nhiên chưa bao giờ nghĩ tới. Vậy mà, không biết trời xui đất khiến thế nào, Tử Yên lại lưu lạc về đây. Trong khi nàng còn “lạ nước lạ cái”, chưa kịp thích nghi với cuộc sống mới thì đùng một phát mẹ Tử Yên bảo, nàng sắp phải xuất giá. Một đứa con gái nghịch ngợm, lóc chóc, vốn chẳng biết gì về tề gia nội trợ như nàng, làm thế nào có thể gả đi được? Ấy là chưa kể Tử Yên còn chẳng biết mặt mũi chồng “tương lai” ra sao. Tính chuyện cưới xin? Thật hết sức hoang đường.
Việc hệ trọng cả đời mà bản thân chẳng cách nào làm chủ. Thế đời nàng thê thảm quá còn gì.
Không được. Tuyệt đối không được!
Tử Yên lay lay tay Lâm Nhã. Nàng thống thiết van lơn:
- Con là đứa con gái duy nhất của cha mẹ, hai người nỡ gả con đi sao? Cha mẹ nỡ lòng để con lấy một người mà con chưa từng gặp mặt sao?
Kì thực Lâm Nhã cũng không đành rời xa Tử Yên. Bà chỉ có một mụn con này, làm thế nào không yêu không quý. Bà cũng muốn cho Tử Yên một mái ấm vẹn toàn, muốn cho con được lấy người mình yêu. Nhưng trớ trêu thay, Lâm gia lúc này lại gặp cảnh khốn cùng. Nếu không phải vì bất đắc dĩ, bà cũng chẳng gượng lòng ép buộc con. Hôm trước, khi Lâm Duệ ngỏ lời với Tử Yên về chuyện thành thân, nhìn thấy con gật đầu chẳng nói gì, kì thực bà vô cùng đau lòng. Tiểu nữ của bà trước giờ vốn rất ngoan, dù cho có thập phần bất mãn điều gì, nó cũng chẳng cãi lại nửa lời, ngay cả chuyện hôn nhân đại sự. Nhưng hôm nay, khi nghe Tử Yên một mực phản đối, một mực nói ra những suy nghĩ của mình, Lâm Nhã cảm thấy đau đớn hơn bội phần. Suýt chút nữa người làm mẹ này đã quên mất, con gái mình vốn chỉ là một người bình thường. Nó cũng biết muộn phiền, cũng biết giận dữ, và cũng biết phản kháng. Từ bé đến giờ Tử Yên chẳng đòi hỏi thứ gì, nay nó mở miệng cầu xin, chỉ một điều duy nhất, bà cũng chẳng làm được. Lâm Nhã cố kìm nước mắt. Bà khó nhọc nói:
- Con đừng nói vậy, tướng công của con là nhị thiếu gia, con trai Dương đại nhân. Lấy được một người như vậy, con còn mong gì nữa? Chúng ta làm thế chỉ muốn tốt cho con.
Tử Yên hét lên đầy kích động:
- Con không biết! Con không cần biết! Dù đó có là ai đi nữa con cũng không cần! Con không muốn lấy một người mình không hề yêu thương. Con chỉ muốn ở nhà, phụng dưỡng cha mẹ. Con xin hai người đừng gả con đi, có được không?
- Tử Yên, phàm là người sao có thể “xuất ngôn phản ngữ”. Con đã đồng ý, hôn sự đã định đoạt, cư nhiên không cách nào vãn hồi. Chữ tín của Lâm gia chúng ta há lại để con đem ra đùa cợt. Ta cho con hay! Hôn sự này nhất định phải tiến hành! – Lâm lão gia gầm lên, vầng trán rộng chằng chịt nếp nhăn do nhíu lại hết cỡ.
- Con…con…không đồng ý! Tuyệt đối – không - đồng - ý!
Tử Yên buông một câu cương quyết, rồi chạy nhanh ra ngoài. Từng guồng chân loạn nhịp và vội vã. Đầu nàng lúc này dường như muốn nổ tung.
Cùng lúc đó, ở một nơi khác.
RẦM.
- Nghịch tử, ngươi vừa nói gì? – Người trung phu với bộ râu quai nón đập mạnh tay xuống bàn, ánh mắt kiên nghị ánh lên sự tức giận tột cùng.
Trước thái độ nóng nảy của thân phụ, bạch y nam tử vẫn không hề nao núng. Bằng chất giọng lạnh lùng, trêu ngươi. Chàng ngang ngạnh đáp lời:
- Con không chấp nhận hôn sự này.
- Ngươi…ngươi… suốt ngày chỉ biết lui tới chốn thanh lâu kỹ viện. Kinh thư thì xếp xó, việc nhà thì không lo. Ngươi đúng là một tên không ra gì. Dương Viên Trung ta thanh liêm một đời, sao lại có đứa con bỏ đi như ngươi chứ?
Trong lòng bạch y nam tử chợt cảm thấy lợn cợn. Mọi thứ như mông lung, chẳng có gì rõ ràng. Đây không phải lần đầu chàng nghe thấy những lời cay nghiệt ấy, từ cha mình. Hình như…đã nhiều lần lắm rồi, cha đứng trên đó, cao cao tại thượng, xa cách vô cùng. Cha… giận dữ quát tháo chàng. Nhiều đến mức khiến chàng chai sạn, nhiều đến mức khiến chàng thờ ơ. Không còn cảm thấy chối tai hay đau lòng. Đây chẳng phải là điều chàng mong muốn hay sao? Chàng lẽ ra phải cảm thấy hả hê mới đúng.
Nhận thấy không khí trong nhà đang căng như kẻ chỉ, Dương phu nhân liền lên tiếng can ngăn:
- Kìa lão gia, sao ông nỡ nặng lời với con, có gì từ từ nói, con nó còn trẻ dại. – Ninh Phúc dịu dàng khuyên chồng, rồi bước đến chỗ bạch y nam tử, đoạn từ tốn:
- Con à, cha mẹ làm vậy chỉ muốn tốt cho con. Người con sắp lấy là thiên kim Lâm gia – danh giá nức tiếng khắp Giang thành. Có được một thê tử như vậy, con lẽ ra nên vui mừng mới phải?
- Vui mừng? - Bạch y nam tử chợt cười khẩy. – Phần phúc ấy, Viễn Kỳ không dám nhận.
Đứa con này của mình, Viên Trung càng nhìn càng cảm thấy gai mắt. Ông đã tốn bao nhiêu tâm huyết nuôi dạy Viễn Kỳ, hy vọng chàng về sau sẽ trở thành một nam tử hán, văn võ song toàn, hiên ngang kiệt xuất. Nhưng bây giờ thì sao? Mọi tâm tư của Viên Trung dường như đã đổ sông đổ biển. Viễn Kỳ càng lớn, khí chất của một kẻ phong lưu, chơi bời càng lộ rõ. Vô tài lắm tật, như thể mọi thói xấu đều tập trung vào chàng, không cách nào cải tạo. Vì vậy, Viên Trung muốn Viễn Kỳ nhanh chóng thành thân. Ông hy vọng suy nghĩ chững chạc của một người đã nên gia lập thất sẽ giúp chàng trưởng thành, cải tà quy chính. Được biết nữ tử Lâm gia vốn đoan trang hiền thục, lại tinh thông lễ nghĩa, Viên Trung cảm thấy thập phần ưng ý. Sau khi đôi bên bàn bạc kĩ càng, hôn lễ cuối cùng đã được định đoạt. Nay Viễn Kỳ lại lần nữa tỏ ý cự tuyệt, khiến Viên Trung không khỏi nóng giận.
- Đó, bà thấy chưa, từ từ nói thì nó có nghe đâu, đúng là con hư tại mẹ! – Viên Trung gằn giọng. – Ngươi muốn nghĩ sao thì nghĩ, nói tóm lại, hôn sự này vẫn được tiến hành như đã định. Nếu không ngoan ngoãn nghe lời, đừng trách ta ra tay không khoan nhượng.
Bạch y nam tử im lặng hồi lâu, rồi thản nhiên đáp trả:
- Cha đã nói thế, hài nhi cũng chẳng thể cãi lời. Dù gì cũng chỉ là… – Chàng nhếch môi cười nhạo. – … một người con gái, cứ lấy quách về theo ý cha là được.
- Ngươi… - Viên Trung điên tiết nhìn hài tử. Bao giận dữ như nghẹn ứ ở cổ, không thể thốt thành lời.
- Thưa cha, liệu Viễn Kỳ đã có thể về phòng? –Bạch y nam tử dửng dưng lên tiếng, phá vỡ sự im lặng đè nén khắp sảnh đường.
-Cút đi cho khuất mắt ta!
Ngay lập tức, bạch y nam tử quay gót bỏ đi, để lại tiền sảnh với cái nóng hừng hực, không cách nào dập tắt.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...