Tình sử Angélique

Không khí hội hè lan khắp mọi nơi, trong nhà Angiêlic cũng như trong cả vương quốc.
Khắp nước Pháp lan truyền tin đồn: với một sự phô trương xa xỉ dễ làm cho thế giới khiếp vía, giáo chủ Madaranh cùng đoàn tùy tùng đang kéo về một cái đảo trên sông Bidaxoa trong xứ Baxcơ, để thương lượng hòa với người Tây Ban Nha. Như vậy, cuối cùng sẽ có thể chấm dứt cuộc chiến tranh liên miên đã bùng nổ nhiều năm cứ đến độ xuân về hoa nở. Và còn hơn thế nữa, một kế hoạch khó tin là có thật đang làm hồi hộp vui mừng cả đến những người thợ thủ công bình thường nhất của vương quốc này. Để tỏ thiện chí hòa bình, vương triều Tây Ban Nha kiêu hãnh đã thuận gả công chúa của họ cho đức vua trẻ tuổi của nước Pháp. Bất chấp những lời lẽ dè dặt và cả những cái lườm nguýt ghen tị, ở cả hai bên dãy núi Pirênê mọi người đều hể hả tự hào. Bởi vì ở khắp châu u thời bấy giờ, bao gồm một nước Anh đang có cuộc nổi loạn, với một loạt tiểu vương quốc bé xíu của người Đức và người Ý và những miền đất của những dân “đi biển” tầm thường người Phờlamăng và Hà Lan chỉ có hai vị vua chúa nhà nòi này là thật sự môn đăng hộ đối mà thôi.
Giới quý tộc các tỉnh lẻ sôi nổi bình luận những tin tức trên đây, và các phu nhân ở Tuludơ xì xào rằng Đức vua trẻ tuổi đã rút vào nơi kín đáo để khóc sướt mướt, bởi vì Ngài yêu say mê nàng Mari Manxini tóc đen, cháu gái của Giáo chủ Madaranh, người bạn gái nhỏ nhắn của Ngài từ thu
nhỏ. Nhưng lợi ích cấp thiết của Nhà nước là cao hơn hết! Giáo chủ tha thiết mong muốn đem lại hòa bình để kết thúc vẻ vang những chuỗi dài mưu đồ phức tạp mà đôi bàn tay Ý ấy đã dày công đan lưới trong suốt những năm qua. Lợi ích gia đình đã được giáo chủ thẳng tay gạt sang một bên: vua Luy 14 sẽ cưới công chúa Tây Ban Nha làm vợ.
Vậy là, với tám cỗ xe ngựa chở ngài giáo chủ và đoàn tùy tùng, mười cỗ xe chở hành lý cùng hai mươi bốn con la, một trăm năm mươi người hầu mặc đồng phục, một trăm lính kỵ mã và hai trăm lính đi hộ vệ, ngài giáo chủ đã lên đường đi về phía thành phố ven biển Xanh Giăng đờ Luy.
Trong lúc đó, từ phía bên kia dãy núi Pirênê, ngài Đôn Luy đờ Harô, đại diện của Đức vua, rất mộ đạo Tây Ban Nha, đang vượt qua vùng đồng bằng xứ Caxtiơ với một phong cách uy nghi nhưng giản dị, đối lập với sự phô trương rầm rộ của phía bên kia.
Thực hiện nghi lễ ngoại giao một cách tuyệt vời, giáo chủ người Italia và nhà quý tộc Tây Ban Nha đã đi tới bờ sông Bidaxoa cùng một ngày và cùng một giờ. Và một thời gian khá dài đã trôi qua giữa sự phân vân của dư luận: trong hai ngài đó, ai sẽ là bên đầu tiên xuống tàu đầu tiên để vượt sông đi tới đảo Chim trĩ nằm giữa dòng sông, nơi cuộc họp mặt sẽ diễn ra?
Cả thế giới bồn chồnờ việc kết thúc: hòa ước liệu có được ký kết không? Cuộc hôn nhân liệu có thành không?
Ở Tuludơ, Angiêlic cũng theo dõi chuyện này từ xa. Nhưng tâm trí đang dồn hết vào chuyện riêng tư của mình, mà đối với nàng còn quan trọng hơn nhiều so với chuyện hôn nhân của đức vua.
Vì tình yêu của nàng đối với chồng ngày càng tăng, nàng bắt đầu thiết tha mong muốn có con. Nàng đã hiểu được cái đức giàu tình cảm của con người táo bạo đó, đã đánh giá đúng lòng can đảm thể hiện qua việc ông Perắc đã chế ngự được hình hài xấu xí và tàn tật của bản thân. Nàng khâm phục chồng vì ông đã giành được chiến thắng trong cuộc đấu tranh đó. Nàng cảm thấy rằng nếu như chồng mình là một người đẹp trai và không tật nguyền, có lẽ nàng lại không yêu ông say mê đến như vậy. Nàng muốn cho chồng một đứa con để cho hạnh phúc của ông được trọn vẹn. Ngày tháng qua đi, và nàng bắt đầu lo sợ rằng nàng sẽ không thể có con.
Cuối cùng, vào đầu mùa đông năm 1658, nàng sinh con và khóc òa vì sung sướng.
Ông Perắc không che giấu niềm phấn khởi và tự hào của mình. Và mùa đông đó, trong không khí chung nô nức đón chờ cuộc hôn nhân còn chưa được loan báo trước của Đức vua, đời sống diễn ra rất yên tĩnh trong Lâu đài học vui. Dồn tâm sức cho việc nghiên cứu khoa học và săn sóc người vợ yêu, Bá tước Perắc đã ngừng nếp sống giao thiệp nhộn nhịp trong dinh thự riêng của vợ chồng mình.
Đế sống cách ly cho được yên tĩnh, Angiêlic chuyển về ở tại một lâu đài nhỏ của Bá tước ở Bêacnơ, dưới chân núi Pirênê, nơi này mát mẻ hơn ở trong thành phố. Hai vợ chồng đặt tên cho con trai là Phlôrimông.
Cậu bé có nước da sẫm màu với mớ tóc đen dày. Trong những giờ dài dằng dặc chờ đợi con ra đời trong cơn quằn quại, nàng cảm thấy như cô độc trên một con đường đi không có tình yêu hay tình bạn nào nâng đỡ, bị một đứa bé chưa quen thuộc chế ngự và chiếm đoạt mọi tình cảm, ý nghĩ của mình, các khuôn mặt ở chung quanh trở thành rất xa lạ với nàng và trong suốt hai mươi bốn giờ liền, chồng nàng lo ngại trước khuôn mặt tái xanh, sự im bặt và cái mỉm cười gượng gạo của nàng.
Rồi, buổi tối hôm thứ ba, khi nàng tò mò cúi xuống bên n của đứa con đang ngủ say, nàng nhận ra được những nét rất thanh tú mà nàng đã có lần phát hiện được trước đây ở nửa khuôn mặt còn nguyên vẹn của ông Perắc. Nàng tưởng tượng có một lưỡi gươm tàn bạo chém xuống khuôn mặt thần tiên của con mình, rồi cái thân hình xinh đẹp của nó bị quẳng qua cửa sổ, nằm bẹp dí trên tuyết với những mảng nhà bị đốt cháy rơi tới tấp xung quanh. Hình ảnh này hiện ra rõ rệt đến nỗi nàng khiếp sợ thét lên. Ôm vội lấy đứa con mới sinh, nàng hổn hển ghì chặt nó vào lòng. Hai vú nàng đau nhức do căng sữa và vì bà đỡ quấn ngực cho nàng chặt quá. Thường thường các phụ nữ quý tộc không cho con bú. Người ta đã chuẩn bị sẵn một chị vú nuôi trẻ và khỏe mạnh, sẽ nhận thằng bé Phlôrimông đem về quê mình ở miền núi để nuôi nó trong những năm đầu tiên của cuộc đời đứa bé.
Nhưng tối hôm đó, khi bước vào phòng Angiêlic, chị vú này đã hốt hoảng giơ hai tay lên kêu trời vì nhìn thấy bé Phlôrimông đang bú mẹ rất ngon lành.
- Thưa bà, bà lầm mất rồi. Bây giờ thì biết làm cách nào để cai sữa cho cháu bé được nữa? Bà sẽ lên cơn sốt và hai bên vú của bà sẽ cương lên đấy!

- Tự tôi sẽ cho con tôi bú đấy! - Angiêlic trả lời, vẻ dữ tợn - Tôi không muốn để rồi lại có kẻ ném con tôi qua cửa sổ đâu!
Lúc đầu, người ta đã xôn xao bình luận: một phu nhân quý tộc mà lại cho con bú y như một chị nông dân! Sau đó, đã đi đến thỏa thuận rằng dù sao chị vú nuôi vẫn được giữ lại trong đám gia nhân của bà Bá tước Perắc, chị ta sẽ cho cậu bé Phlôrimông bú thêm, vì cậu hết sức háu ăn!
Giữa lúc ấy, Hầu tước Angđigiô tới Bêacnơ một cách bất thần, vẻ khá hoảng hốt. Quẳng dây cương ngựa cho người hầu, ông ta vội nhảy bốn bậc một lên thềm và vào thẳng phòng Angiêlic. Nàng đang nằm trên giường nghỉ, trong lúc đó ông Perắc, tựa lưng vào khung cửa sổ, đang gảy đàn ghita và hát se sẽ.
- Đức vua đến! - Ông Angđigiô vừa nói vừa thở hổn hến.
- Đến đâu kia?
- Đến dinh thự của Ngài, Lâu đài học vui ở Tuludơ
Nói xong ông Angđigiô gieo mình xuống chiếc ghế bành và lau mồ hôi trán.
- Nào, nào! - Ông Perắc chơi tiếp một đoạn ngắn để cho ông khách mới đến kịp lấy lại hơi rồi mới nói - Ông bạn tôi đừng cuống quýt lên. Tôi nghe tin là Đức vua, Thái hậu cùng triều đình đã lên đường để đến chỗ ông giáo chủ ở Xanh Giăng đờ Luy, vậy thì tại sao các Ngài lại rẽ vào Tuludơ?
- Đây là cả một câu chuyện dài dòng. Ngài Đôn Luy đờ Harô cùng với ngài Madaranh nghe đâu đã phí quá nhiều thì giờ về các chuyện lễ tân đến nỗi chưa ngồi lại được với nhau để bàn chuyện hôn nhân. Hơn nữa có tin là quan hệ giữa hai vị đó đã trở thành căng thẳng: chuyện rắc rối là về hoàng thân Côngđê. Phía Tây Ban Nha muốn rằng hoàng thân sẽ được triều đình ta nồng nhiệt đón ngài quay về và bỏ qua những việc Ngài ta phản bội Đức vua trong cuộc nội chiến, và cả việc ông Hoàng này đã nhiều năm đóng vai một viên tướng đánh thuê cho vương triều Tây Ban Nha. Quả là ép đối phương nuốt một viên thuốc đắng. Trong những điều kiện đó, Đức vua mà đến thì sẽ không thích hợp. Vì thế Vua cùng triều đình đã lên đường. Hiện nay đang đi đến thành phố Achxơ, tại đây, việc Vua đến kinh lý nhất định sẽ dẹp yên được cuộc nổi dậy vừa bùng lên. Và tất cả các vị tai to mặt lớn của triều đình đều sẽ ghé lại Tuludơ. Vì thế ngài cần phải có mặt ở đó. Tôi thân hành đến đây cốt để mời ngài về Tuludơ, Bá tước ạ.
- Ôi! Em muốn về Tuludơ quá! - Angiêlic kêu lên và vùng dậy.
Nhưng nàng lại ngã xuống giường và nhăn nhó vì đau. Nàng còn quá yếu để có thể đi một chặng đường xấu qua núi và chịu đựng những mệt nhọc của việc tham dự một cuộc chiêu đãi của Nhà vua. Nàng ứa nước mắt vì thất vọng:
- Trời! Vua đến Tuludơ! Vua tới thăm Lâu đài học vui, vậy mà em lại không được gặp Đức vua!
- Thôi, đừng khóc, em yêu ạ - Ông Perắc dỗ dành - Anh hứa với em là anh sẽ tỏ ra hết sức tôn kính và trọng vọng Đức vua, khiến cho triều đình sẽ không có cách nào khác là mời cả hai vợ chồng chúng ta dự lễ cưới của Vua. Em sẽ được thấy Đức vua ở Xanh Giăng đờ Luy trong ánh hào quang rực rỡ chứ không phải trong hành trang đầy cát bụi
Khi Bá tước Perắc ra khỏi phòng để ra lệnh chuẩn bị cho ông lên đường về Tuludơ sáng sớm hôm sau, ông Angđigiô ở lại an ủi Angiêlic
Nhưng nàng kêu lên:
- Đối với ông thì không đâu được như Tuludơ với ánh nắng chan hòa! Nhưng tôi lại thèm được biết kinh đô Pari và được thấy mặt Vua, thèm đến chết đi được!
- Bà sẽ được thấy Vua trong lễ cưới của Người. Có lẽ cuộc lễ này sẽ mở đầu thời kỳ trưởng thành của Đức vua ta. Nhưng nếu khi nào bà lên kinh đô Pari thì nên ghé lại Vô, trên đường đi để chào ngài Phukê. Ngài ấy đích thực là ông vua hiện nay. Xa xỉ biết chừng nào, thưa phu nhân thân mến! Huy hoàng biết bao!

- Vậy ra chính ông, thưa Hầu tước, cũng đã đến đó để chào mừng nhà tài chính ít học và thủ đoạn ấy, phải không? - Bá tước vừa hỏi vừa đi vào phòng.
- Tôi buộc phải làm thế, ông bạn thân mến ạ. Không những điều đó là cần thiết nếu ta muốn được đón tiếp ở bất cứ đâu, tại Pari, bởi vì các ông hoàng đều tận tụy với ông ta. Mà tôi cũng thú thật rằng bản thân tôi còn nôn nóng tò mò được nhìn thấy ông trùm tài chính của Nhà vua ở ngay trên lãnh địa của mình, bởi vì chắc chắn ông ta là nhân vật quyền thế nhất trong cả vương quốc hiện nay, chỉ sau giáo chủ Madaranh mà thôi.
- Thật ra ông cũng có thể nói trắng ra là “trên cả giáo chủ Madaranh” đấy. Mọi người đều biết rõ rằng chính giáo chủ chẳng có uy tín gì đối với tài chính cho vay tiền, ngay cả khi phải vay tiền vì lợi ích của đất nước; ngược lại cái ông Phukê dân thường ấy lại được mọi người giàu tín nhiệm!
- Ngài giáo chủ Ý khôn ngoan đó dù sao cũng không tỏ vẻ gì ghen tị đối với ông Phukê. Ông Phukê kiếm được tiền cho Ngân khố Hoàng gia để tiến hành các cuộc chiến tranh, và đó là tất cả những gì mà triều đình đòi hỏi ở ông ta - ít nhất là hiện nay. Các ngài trong triều có bận tâm gì đâu về chuyện tiền mượn được của bọn tài phiệt cho vay cắt cổ với lãi suất tới hai mươi lăm hoặc thậm chí năm mươi phần trăm. Cả triều đình, trong đó có Đức vua và giáo chủ đềuống nhờ vào các thủ đoạn bất lương đó. Có trời biết được rằng đến khi nào họ mới chặn tay ông ta lại. Cho đến lúc đó, ông ta sẽ cứ việc tiếp tục phô trương ở khắp mọi nơi tấm biểu trưng của ông ta là con sóc, kèm theo biểu ngữ: “Quo non axăngdam”.
Hai ông Perắc và Angđigiô tiếp tục bình luận một lúc nữa về sự khoe khoang của cải khác thường của ông Phukê. Angiêlic trở nên đăm chiêu, vì mỗi khi nghe thấy ai nói đến tên ông Phukê, thì nàng lại nhớ đến chuyện cái hộp đựng thuốc độc; và câu chuyện đó bao giờ cũng gợi cho nàng một cảm giác khó chịu.
Hầu tước Angđigiô bỗng kêu lên:
- Ồ! Tôi vừa mới nhớ ra đã có một... cuộc gặp gỡ lạ lùng. Xin các ngài thử đoán xem tôi đã chạm trán người nào ở đó, khi đang dở câu chuyện với chính ngài Phukê.
- Thật là khó. Ngài Phukê quen biết bao nhiêu là người.
- Này nhé! Tôi bất ngờ gặp ngay người quản gia cũ của các vị, anh chàng Clêmăng Tonen mà các vị đã mượn để giúp việc trong nhà ở Tuludơ trong khoảng hai năm; anh ta đang trao đổi chuyện gì kín đáo với ngài Thống đốc tài chính Phukê.
- Có lẽ ông đã lầm chăng? Anh ta chỉ xin phép chúng tôi đi thăm Poatu thôi mà - Angiêlic trả lời ngay tức khắc - Và không có lý do gì để anh quản gia ấy tiếp xúc với những nhân vật quan trọng, trừ phi anh ta tìm cách xin việc làm ở lâu đài Vô của ông Phukê.
- Tôi cũng đã nghĩ như thế, khi nghe câu chuyện của hai người.
Angiêlic suy nghĩ:
“Mình phải nhớ ra bằng được. Chuyện ấy nằm ở đây này, trong đầu ta, chôn vùi sâu trong bao nhiêu kỷ niệm cũ. Và ta biết rằng điều đó rất quan trọng. Ta phải cố sức nhớ cho ra!”
Nàng ép chặt hai tay vào má, nhắm mắt lại để tập trung suy nghĩ. Câu chuyện diễn ra đã lâu, trở thành quá xa vời. Chuyện xảy ra tại điều này nàng nhớ thật chính xác. Còn ngoài ra mọi cái đều như bao bọc trong sương mù dày đặc.
Lửa trong lò sưởi làm nàng thấy ấm áp. Bên ngoài, trong đêm tối cơn giông bão đang hoành hành. Không sao ngủ được, Angiêlic ngồi trước lò sưởi. Lưng nàng hơi đau, khiến nàng bực mình với chính bản thân mình, vì đã không khôi phục sức mạnh của mình được mau chóng hơn.
Đêm hôm đó, nàng đang chờ chồng trở về. Ông Perắc đã cho người về báo trước, nhưng cơn bão đã khiến ông đi chậm lại, có lẽ ông không thể về tới nhà nội đêm nay được. Nghĩ như vậy, nàng bật khóc thất vọng, nàng nóng ruột mong chờ chồng về để kể lại chuyện chiêu đãi Đức vua như thế nào.

Bỗng nhiên nàng nghe thấy tiếng cánh cửa mở tung và nhiều tiếng ồn ào trong gian phòng rộng của lâu đài. Nàng đứng bật dậy và chạy ra ngoài: nàng đã nhận ra tiếng chồng. Nàng vội chạy gấp xuống thang gác. Ông Perắc giang rộng hai cánh tay đón lấy nàng.
Khi đám người hầu đã đi ra, Angiêlic nóng lòng hỏi ngay:
- Nào, anh kể chuyện cho em nghe đi!
- Cuộc chiêu đãi diễn ra rất tốt đẹp. - Ông Perắc kể - Cả thành phố đã đón tiếp Vua tưng bừng vượt cả dự kiến. Nhưng, chẳng phải là tự vỗ ngực, anh cho rằng chính cuộc chiêu đãi ở Lâu đài học vui của chúng ta mới là cái đinh của toàn bộ chương trình đón Vua hôm đó.
- Thế còn Đức Vua? Đức Vua thế nào?
- Đức vua ư? Đó là một thanh niên điển trai, có vẻ thích thú thấy mọi người làm rùm beng câu chuyện về bản thân mình. Ông có đôi má tròn, cặp mắt nửa êm dịu và phong thái uy nghi. Anh tin là ông đau buồn về một vết thương lòng: cô bé Măngxini đã để lại trong tim ông mối hận tình không dễ dàng hàn gắn được. Nhưng do ông có một ý thức cao cả về sứ mệnh ngai vàng của mình, ông đã chịu khuất phục trước lợi ích nhà nước. Anh đã thấy Thái hậu, bà đẹp, buồn bã và hơi câu nệ về cương vị của mình. Anh cũng gặp cả Công nương và Đức ông là những người em Đức vua luôn tranh chấp nhau về ngôi thứ - Anh còn có thể kể chuyện gì nữa cho em nhỉ? Anh gặp nhiều vị có những danh hiệu rất to nhưng bộ mặt thì chẳng đẹp đẽ gì.
- Nói chuyện về Vua kia! Đức vua có tỏ ra vừa ý về cách anh đón tiếp ngài không?
- Có chứ, Đức vua đã bày tỏ sự hài lòng của mình một cách rất nhã nhặn. Và ngài nhiều lần tỏ ý tiếc là em đã vắng mặt. Đúng đấy, Vua hài lòng... có lẽ quá hài lòng đấy.
- Sao vậy, quá hài lòng ư? Tại sao anh lại nói châm biếm như vậy?
- Bời vì có người thuật lại chuyện này với anh. Khi Vua lên cỗ xe của mình để ra đi, một vị quan trong triều đã bày tỏ với ngài lời nhận xét rằng cuộc đón tiếp của chúng ta ở Tuludơ có thể sánh ngang về mặt huy hoàng với các cuộc chiêu đãi của ngài Phukê. Và Đức vua đã trả lời: “Quả thật như vậy! Và ta tự hỏi liệu đã sắp đến lúc phải buộc những kẻ đó phải nhả ra một ít của cải chưa?”. Bà Thái hậu tốt bụng đã phải kêu lên: “Con nói gì mà lạ thế, giữa lúc người ta đang tổ chức bao nhiêu hội hè yến tiệc như thế này chỉ cốt để làm cho con hài lòng!”. Nghe mẹ nói như thế, Vua đã trả lời: “Con đã chán ngấy cái cảnh phải đứng nhìn bọn bầy tôi của con cứ thả sức phô trương của cải để đánh bại con mãi thế này”.
- Sao, thật thế ư? Lại có con người ghen tị đến thế ư? - Angiêlic công phẫn kêu lên - Em thật khó tin chuyện ấy. Anh có chắc chắn là vua đã nói đúng như thế không?
- Chính Anphôngxô, người hầu trung thành của anh, lúc ấy giữ cửa xe cho vua, đã thuật lại chuyện đó cho chính anh đấy mà.
Angiêlic đứng dậy và lại ngồi vào lòng chồng. Bên ngoài, cơn bão đang dữ dội. Nàng thì thầm:
- Cứ mỗi khi tên của ông Phukê đó được ai nhắc đến là em lại run lên. Em lại thấy hiện ra cái hộp thuốc độc mà suốt bao nhiêu năm qua em không hề nghĩ tới: nó quay về ám ảnh tâm trí em.
- Em đang mất bình tĩnh rồi, em yêu của anh ạ! Chả lẽ vợ anh mà lại run rẩy như chiếc lá dưới bất cứ làn gió máy
- Em phải nhớ lại một điều gì đó mới được. Người phụ nữ trẻ rên rỉ và nhắm mắt lại.
Nàng giụi hai má vào mớ tóc đen ấm áp và thoảng mùi thơm hoa viôlét.
- Em nhìn thấy căn phòng... - Angiêlic nói tiếp, mắt vẫn nhắm - hoàng thân Côngđê vừa nhảy ra khỏi giường vì có ai gõ cửa... nhưng em không nghe thấy tiếng gõ cửa. Ông hoàng đã mặc chiếc áo ngủ rộng vào người và nói to: “Ta đang tiếp bà công tước Bôpho”. Nhưng ở cuối phòng, tên người hầu đã mở cửa và dẫn một linh mục trùm kín đầu vào phòng... Linh mục đó tên là Êxili...
Nàng im bặt rồi bỗng mở tròn đôi mắt tình trừng trừng về phía trước, khiến Bá tước Perắc hoảng sợ:
- Angiêlic! Ông kêu lên.

- Bây giờ em nhớ ra rồi! - Nàng nói không ra hơi - Anh Perắc! Em nhớ ra rồi. Tên người hầu của ông hoàng Côngđê chính là... Clêmăng Tonen!
- Em nói lẩn thẩn rồi, em yêu ạ! Ông Perắc cười nói pha trò - Anh chàng ấy vào làm cho ta từ mấy năm nay rồi, vậy mà mãi đến bây giờ em mới nhận ra sự giống nhau ấy...
- Hồi đó em chỉ thoáng nhìn thấy anh ta trong phòng tối thôi mà. Nhưng khuôn mặt rỗ hoa, và dáng dấp xun xoe của hắn... Vâng đúng rồi, anh Perắc ạ, em tin chắc đúng là hắn rồi. Bây giờ em mới hiểu được vì sao trong suốt thời gian hắn làm cho chúng ta ở Tuludơ, em không bao giờ có thể nhìn thấy hắn mà không cảm thấy khó chịu. Anh có nhớ là một hôm anh đã nói với em: “Tên do thám nguy hiểm nhất đó là kẻ mà không ai ngờ tới ”. Và chính anh cũng bắt đầu cảm thấy rằng hắn ta đang lảng vảng khắp trong lâu đài của chúng ta. Tên do thám giấu mặt đó chính là hắn ta.
- Phải chăng em đang sốt nhẹ? Ông Perắc vuốt ve trán vợ và hỏi.
Nàng lắc
- Anh đừng chế giễu em. Có một ý nghĩ luôn luôn dày vò em: chính con người đó đã dò xét em từ bao năm nay rồi. Hắn ta đã làm thế theo lệnh của ai? Lệnh của ông hoàng Côngđê ư? Hay lệnh của ông Phukê?
- Em chưa bao giờ nói chuyện ấy với bất cứ ai chứ?
- Em chỉ nói với anh... có một lần thôi, và lần ấy hắn ta đã rình nghe chúng ta.
- Tất cả những cái đó đều là chuyện đã qua rồi. Em hãy bình tĩnh lại, em yêu ạ. Anh tin rằng chẳng có chuyện gì đáng để em phải tự giày vò như vậy.
Tháng năm sau đó, Bá tước Perắc và phu nhân ông ta được mời dự hôn lễ của Nhà vua, sẽ được tổ chức ở Xanh Giăng đờ Luy, trên bờ sông Bidaxoa. Vua Philip đệ tứ nước Tây Ban Nha sẽ đích thân đưa con gái yêu là công chúa Mari Têrêda về nhà chồng là vua Luy. Hòa ước đã được ký kết - hoặc đã gần ký kết xong. Các giới quý tộc Pháp đổ ra chật đường để đi về thành phố Baxcờ nhỏ bé.
Một buổi sáng sớm, trước khi trời bắt đầu nóng, hai vợ chồng Perắc và Angiêlic rời Tuludơ. Bé Phlôrimông cũng được đem đi theo cùng với chị vú nuôi và hai cậu nhỏ săn sóc. Em bé dù không mũm mĩm lắm nhưng khỏe khoắn, có đôi mắt đen láy và những mớ tóc quăn xinh đẹp.
Chị hầu Macgô - con người không thể thiếu được... đi áp tải các hòm quần áo của bà chủ trên một xe chở đồ. Anh chàng Cuaxi-Ba, vừa được chủ may cho ba bộ chế phục lộng lẫy, cưỡi một con ngựa ô lông đen không kém màu da của bản thân, trông oai vệ như ông tể tướng. Đi theo vợ chồng Bá tước còn có bốn nhạc công, ông thợ cạo râu và làm tóc giả tên là Binê mà đi đâu ông Perắc cũng đem theo. Ngoài ra còn một số đầy tớ trai và gái.
Bị thu hút vào những xúc động và chi tiết của cuộc hành trình, Angiêlic hầu như không để ý rằng vợ chồng mình đang rời xa vùng ngoại ô Tuludơ. Khi cỗ xe ngựa lăn bánh qua cầu trên sông Garon, nàng mới thốt lên khe khẽ và tì mũi vào ô kính của cửa xe.
- Có chuyện gì vậy, em yêu- Ông Perắc hỏi.
- Em muốn sau này được thăm lại Tuludơ - Nàng trả lời.
Nàng ngắm nhìn thành phố màu hồng trải dài hai bên bờ sông, với những đỉnh nhọn lớn của các tháp chuông nhà thờ và các tòa tháp dốc đứng của các lâu đài.
Một nỗi lo âu bỗng làm cho tim nàng se lại.
- Ôi, Tuludơ! - nàng thì thầm - Ôi, Lâu đài học vui!
Angiêlic có linh cảm rằng mình sẽ không bao giờ còn được thấy lại Tuludơ và lâu đài của vợ chồng nàng nữa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận