Chương 9: Sự hài hước của đầu lâu
Có những người tự nhận mình không có khiếu hài hước, nhưng cái sự hài hước, hóm hỉnh lại đều tìm đến với họ như một định mệnh, ví dụ như: “quỷ bủn xỉn, giả đạo học, chủ nghĩa Mã Ly lão thái thái… Những chiếc đầu lâu đáng thương ấy, tuy họ rất an phận nhưng không may lại có mối liên hệ với sự hài hước của con người.
Đầu lâu, cũng chính là hộp sọ của con người, ngay cả khi các vị độc giả chưa hề nhìn qua trong thực tế thì cũng có thể suy đoán được hình dạng đại khái của nó như thế nào. Tôi tin rằng chỉ cần nghĩ đến đã có không ít người nảy sinh cảm xúc vui mừng đối với nó. Nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến việc có một số người dùng nó để vẽ lên cờ, làm huy hiệu, hay những thứ đại loại như vậy, thậm chí là làm dấu hiệu cảnh báo trên những thứ bị cho là nguy hiểm. Mục đính chính là làm cho con người cảm thấy sợ hãi, nhìn thấy hình ảnh đó thì sẽ lập tức tránh xa. Trung Quốc thời cổ đại, việc dùng đầu lâu làm con người có cảm giác kinh hãi, sợ sệt đã có những hiệu quả tích cực. Đó là vào khoảng thời gian sau khi diễn ra những cuộc đại chiến, người ta đem đầu lâu của kẻ địch hoặc của bách tính vô tội chất lên thành hàng nghìn đến hàng vạn đống như những ngọn núi nhỏ, và gọi là “kinh quan”. Chỉ cần nhìn thấy vô số những đống “kinh quan” đó cũng đủ khiến cho kẻ thù hồn bay phách lạc, không có gan để tiếp tục chiến đấu nữa. Còn ở nước ngoài, nghe nói họ dùng đầu lâu làm thành thiên đường và còn trở thành kỳ quan nổi tiếng thế giới. Mục đích của việc làm ấy chính là dùng đầu lâu để kêu gọi, thức tỉnh trái tim thương xót, đồng cảm của con người. Nhưng dường như cũng không cần thiết phải dùng nhiều đầu lâu đến như vậy. Tóm lại, đầu lâu luôn gắn liền với những ý nghĩ và việc làm hài hước, hóm hỉnh của con người và khó có thể tách rời chúng ra được.
Bởi lẽ, hài hước luôn tự tìm đến cửa. Lý Cao Tác, họa sĩ thời Nam Tống có bức họa Đầu lâu hoan hí đồ, lấy một cái đầu lâu to đặt bên một cái đầu lâu nhỏ làm thành con rối, đến làm trò trẻ con ở chốn nhân gian. Ngô Lai Đình, người thời nhà Minh nói ông ta “chắc chắn sẽ có sự giác ngộ”. Nhưng giác ngộ mà ông ta nói tới đây là giác ngộ cái gì? Phải chăng là ngộ ra những con rối trên sân khấu chính trị và người điều khiển nó, cũng chỉ là những đầu lâu làm trò cười mua vui cho thiên hạ? Hoặc giả ngộ ra hành động người sống dùng đầu lâu làm trò chơi mà lại không nghĩ rằng đầu lâu cũng đang coi đời người như một màn kịch? Điều này có lẽ cần phải dẫn dắt bạn đọc đến với bức họa đầu lâu và để mỗi người xem mình giác ngộ được đến đâu.
Có lẽ bức họa Đầu lâu hoan hí đồ được xem là bức họa sớm nhất ở Trung Quốc. Ý nghĩa châm biếm và khuyên răn nhân thế phản ánh qua bức tranh là giá trị tuyệt đối không thể phủ nhận được. Phong nguyệt bảo giám lập ý của Tào Tuyết Cần cũng hàm chứa những ý nghĩa tương tự như vậy. Sống và chết, vinh và nhục, xưa và nay, trí tuệ và đần độn, giữa những cái thị phi và những cái chuyển đổi, con người đều đã gặp phải, đã trải qua[1]. Vậy nhưng tất cả những cái đó thực tế lại không đủ súc khái quát thành bài học cảnh báo bằng việc dùng hình tượng đầu lâu làm phát ngôn viên, nói lên tất cả mọi chuyện một cách ngắn ngọn, hình tượng mà lại vô cùng hài hước.
[1] Viện bảo tàng Cố cung có bức họa này, ngoài ra còn có Hoàng Công Vọng nói về bức họa này: “Không có chút da với thịt, có một sầu và khổ, con rối vẫn rút những sợi dây, làm một con rối giống như con thỏ đê mua vui cho người khác”.
Đương nhiên, tổ tiên của đầu lâu hài hước ấy chính là Trang Tử - Chí lạc biên, trong đó có dẫn ra một câu chuyện rất nổi tiếng. Trang Tử trên đường đi đến nước Sở, tình cờ trông thấy một cái đầu lâu ven đường, bỗng trào lên sự xúc động, xót thương nghẹn ngào, muốn mời Mệnh sứ đại tư làm cho sống lại. Nhưng chiếc đầu lâu đó liền vội vàng nói: “Ta đang ở trời Nam, cuộc sống vui vẻ vô lo, vô nghĩ, nếu sống lại làm người ở chốn nhân gian, như vậy chẳng phải sẽ vất vả lắm sao!” Lời từ chối của đầu lâu vô tình khiến cho việc thương xót, đồng cảm của Trang Tử trở thành chuyện nực cười, hài hước. Sau này, Trương Hoành thời Đông Hán lại bắt chước, tiếp tục làm theo phong cách đó, viết một bài Đầu lâu phú, ám chỉ chủ nhân của chiếc đầu lâu đó chính là Trang Tử. Trang Tử mượn đầu lâu để nói lời của chính mình, Trương Bình Tử phá vỡ điểm này, thậm chí có phần sáng tạo hơn. Trong Chí Lạc của Lỗ Tấn đã cải biên cuốn kịch nói tiểu thuyết Khởi tử, đem huyền đàm trong giấc mộng của Trang Tử để nói lên một phần thực tế trong đời sống của con người, khơi gợi một nỗi đau đớn trong sự hài hước, ai ai cũng biết chuyện này, vì vậy tôi sẽ không nhắc đến nó nữa. Nói tóm lại, đầu lâu trong các tác phẩm văn học của Trung Quốc tưởng như chỉ đóng những vở kịch thoải mái, nhẹ nhàng nhưng ngẫm lại, kỳ thực đó lại là một vai diễn vô cùng nặng nề và phức tạp. Nhưng đạo lý to lớn của Nam Tất chân nhân gửi gắm qua những câu chuyện đó đọng lại sau cùng chính là một chữ “huyền”, huyền hoặc, huyền hồ, huyền ảo… Sau khi đọc xong câu chuyện, gấp trang sách lại nó vẫn còn ám ảnh, dẫn dắt con người ta đi theo một hướng khác rồi rơi vào cái vòng quái quỷ của Hamlet. Không biết là có bao nhiêu “tâm đắc” để có thể hiểu hết ý nghĩ của nó mà cắt nghĩa được ý nghĩ đơn giản của cuộc sống. Sống hay chết? Đó là cả một vấn đề. Vì thế chương truyện này sẽ bắt đàu từ các câu chuyện về một loại đầu lâu hóm hỉnh mà thiền tục. Đã nhắc đến hai chữ thiền tục thì khó tránh khỏi những đoạn nói đùa ác ý sẽ nhiều hơn một chút, nhưng cũng không hẳn là không có lợi trong việc giáo dục nhân cách của con người. Trang Tử chẳng phải đã từng đưa ra mệnh đề “đạo và phân tiểu” hay sao? Vậy thì hãy nói chuyện về đầu lâu cà phân tiểu.
Tác phẩm sớm nhất nói tới vấn đề này là U minh lục của Lưu Tống, Lưu Nghĩa Khánh: Phổ đại tư, Mã Hoàn Ôn khi làm quan cai quản ở Giả Kỳ (nay thuộc tỉnh An Huy), dưới quyền có tham quân họ Hà, buổi sáng sớm đi ra ngoài, trong lúc đang điều tra, tự nhiên muốn đi vệ sinh gấp, mà gấp quá không còn thời gian để tìm vị trí thích hợp, liền xà ngay tại chỗ, làm rơi vãi vào một cái đầu lâu. Đến khi anh ta quay về chỗ ở, khi ngủ trưa liền nằm mộng, gặp một người phụ nữ nghiêm nghị, chửi thẳng vào mặt anh ta: “Đồ khốn nạn! Tôi vốn là một giai nhân, hà tất phải làm tôi chịu ô uế như vậy? Hãy đợi đến khi màn đêm buông xuống, ngươi sẽ tự hiểu ra sự minh bạch lợi hại như thế nào?” Lúc đó, ở khu vực này có rất nhiều mãnh hổ, ban ngày có ít người đi lại, đến ban đêm thì lại càng không có ai dám đi ra ngoài. Nhưng vị Hà tham quân có cái tật là phàm là việc gì chứ việc khó nói ấy thì không thể nhẫn nhịn được. Anh ta khoét một lỗ trên bức tường của khuôn viên, đêm đến muốn đi tiểu tiện, liền ra chỗ đó biến nó thành chỗ đi vệ sinh. Không may cho anh ta, đêm nay anh ta lại mắc tiểu, vội vã đi ra ngoài “huyệt đạo”, đang “dở việc”, đúng lúc có con hổ đi đến nơi này. Không biết đột nhiên có linh cảm từ đâu đó, con hổ quay đầu lại, hung dữ cắn một phát vào chỗ kín của anh ta. Và thế là cái mạng của Hà tham quân đã được “chu du” xuống nơi âm phủ. Đến âm phủ rồi, Hà tham quân mới thực sự hiểu được cái sự “minh bạch lợi hại” mà người phụ nữ trong giấc mộng nhắc tới. Bởi lẽ, theo quan niệm con người khi chết có hình dáng như thế nào, thì đến khi đến làm ma dưới địa phủ vẫn giữ cái dáng vẻ ban đầu đó. Điều đó cũng có nghĩa chỉ trong tích tắc Hà tham quân từ một người đàn ông mạnh mẽ bỗng chốc trở thành “yêm quỷ”.
Điều kỳ lạ trong câu chuyện này là làm sao cách một bức tường mà hổ vẫn có thể cắn được (có thể bức tường ấy chỉ là một bức tường làm bằng bùn đất?). Những tình tiết cụ thể thì không cần phải tìm hiểu sâu nữa, chỉ nói đến việc chủ nhân của chiếc đầu lâu đó có tâm địa tăm tối một chút. Hà tham quân chỉ là gấp quá, không thể giữ thể diện nên đành phải làm bừa, vì không để ý nên vô tình mà chuốc vạ vào thân. Nhưng cũng có thể cái đầu lâu vốn chôn một nửa dưới đất, một nửa lộ thiên, có như thế mới lĩnh đủ cái hành động vô tâm của tên quan họ Hà. Hơn nữa, chiếc đầu lâu đó, chắc chắn nếu không phải chuyên gia thì rất khó phân biệt là nam hay nữ. Nói tóm lại, Hà tiên sinh tuyệt đối không phải cố ý phạm phải ba điều đại kỵ đó. Nếu như cộng thêm hình phạt nữa, thì cũng thôi thôi, không thể để linh hồn nhập vào mãnh hổ rồi thiến đi của quý của người ta được! Người phụ nữ này có thủ đoạn rất độc ác, hành động ấy thật sự làm cho thiếu nữ khuê các cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ. Vì vậy, mặc dù câu nói “trồng cây nào ăn cây đấy” là không sai nhưng mà câu bình phẩm “bản thân là một giai nhân, hà tất phải đi cắn “của quý” người khác” thì phải trả lại cho vị nữ sĩ này.
Nhưng bất luận thế nào, “tiểu tiện bừa bãi” lên đầu lâu của người đã khuất là điều không đúng, cho dù đó là nơi hoang dã, quy tắc là không được để nó biến thành thùng rác đựng những thứ bỏ đi, mà phải coi đấy là di thể của người trưởng thành. Vẫn có người chưa được thực sự coi những thứ đó là đã thành “nhân”, mà lại cho rằng đó là kẻ yếu đuối, tùy tiện bắt nạt và đương nhiên người này chắc chắn sẽ bị báo thù. Quyển một, Đầu lâu báo thù trong Tử bất ngữ của Viên Mai có viết một câu chuyện có nội dung tương tự với câu chuyện liên quan tới Hà tham quân, nhưng nhân vật chính lại là một kẻ ác, làm cho người ta có cảm giác hoàn toàn không giống nhau.
Tôn Quân Thọ bản tính ngông cuồng, ác bá, luôn vô lễ với thần thánh và ngược đãi ma quỷ. Một hôm, hắn đi dạo trên núi cùng mọi người, bỗng đau bụng và muốn đi vệ sinh, tìm chỗ kín đáo một chút, thấy một cái đầu lâu gần đó, hắn liền đến và ngồi xổm lên, hắn lại dám đem miệng của người ta làm bồn cầu ình. Sau khi giải quyết xong, vị hán tử này còn chưa hết đắc ý, liền nói đùa với chiếc đầu lâu: “Nhà ngươi ăn có ngon không?” Không ngờ chiếc đầu mở to miệng nói: “Ngon!” Bản lĩnh của người này thực sự cũng rất tầm thường, lúc này hắn vội vàng kéo quần lên và bỏ chạy, còn chiếc đầu lâu kia thì giống như quả bóng lăn theo hắn ta, mãi đến chỗ cây cầu, vì chiếc đầu lâu này bị rơi xuống dưới nên đành phải quay về. Nhưng việc hắn bị báo ứng thì mới chỉ là bắt đầu mà thôi. Hắn quay về nhà, mặt mũi giống như người đã chết. Sau đó hắn mắc một loại bệnh kỳ quái, cứ đi đại tiểu tiện rồi bốc lên ăn, mà còn tự nói: “Nhà ngươi ăn có ngon không?”, đúng là ứng với câu “tự ăn hậu quả của mình”. Hắn cứ thế ăn ba ngày liền, nhưng mà cái “ba ngày” không phải là giới hạn trừng phạt của hắn, mà đó là ngày tận thế của hắn ta.
Làm người cũng nên có chút nhân tâm, bạn có thể không tin vào quỷ thần nhưng cũng không nhất định phải đi sỉ nhục quỷ thần. Giống như vị ác nhân vừa rồi, hắn sỉ nhục quỷ thần thực tế là phát sinh từ ngày bình thường quen áp bức người lương thiện, giống như kẻ thống trị khai quật mộ của người khác, sỉ nhục tiền bối của người khác là cách mà chúng chuyên dùng để khống chế muôn dân trăm họ vậy, đó không đơn giản là chuyện “không tin vào tà ma”. Vì vậy, nếu chỉ là tự ăn phân của của mình thì cũng có thể tính là “trị bệnh cứu người”, nhưng người này làm điều ác quen rồi, chết cũng không có gì đáng tiếc.
Nhưng quay trở lại sự việc, ngay cả khi chúng ta “không tin vào tà ma” thì cũng không cần phải thể hiện ra bằng cách dùng thái độ sỉ vả, làm nhục quỷ thần. Người dũng sĩ đối với thi thể của kẻ thù còn tỏ thái độ tôn trọng, những việc như đạp phá bài vị, đạp đổ tượng gỗ, khai quật mộ cổ, ngay cả khi làm người có bản lĩnh thì cũng vẫn có những người dùng ý chí mạnh mẽ của mình để chèn ép người khác. (Về việc đẩy tượng gỗ ra khỏi vị trí của nó là vì muốn dành chỗ ngồi cho bản thân mình, cái đó dường như là chuyện khác, nhưng thực tế đó là kết quả của việc “có nước chảy là thành mương”, làm việc ác nhiều lần liền trở thành quen tay, quen tính.) Đạo lý rất đơn giản, bởi vì người bạn làm tổn thương không phải là những người được bạn tôn trọng, bởi vốn dĩ bạn cho rằng thần quỷ là hư vô, hành động đó chính là bạn đã làm tổn thương đến con tim của những tín đồ tin vào thần quỷ. Ngay đến đầu lâu, bạn vẫn có thể thấy rằng, giữa trời đất này nó là vật bỏ đi, nhưng đối với con cháu của chiếc đầu lâu kia thì quyết không cam tâm ngồi xem đâu. Đến xem tên lưu manh vô đạo sống dưới gầm trời này cũng vậy, chắc chắn họ sẽ không lấy đầu lâu của tổ tiên mình làm bình đựng nước tiểu, nhưng họ lại đem tổ tiên nhà người khác ra làm trò chơi, lúc này họ cho rằng việc đó không vấn đề gì, thậm chí còn cảm thấy rất vui sướng. Nghĩ mình mà nhớ đến người, những hành động như vậy quả thực vô cùng thất đức.
Mà kết quả của những hành động thất đức là khó tránh khỏi việc đầu lâu của tổ tiên mình có thể bị người khác hành xử tương tụ, thậm chí còn vô tình làm bỉnh đựng nước tiểu của chính mình. Theo Kỳ Vân trong Việt vi thảo đường bút ký, quyển bốn, Bạch sắc u mặc dẫn ra một câu chuyện: “Một tiểu tử đi tiểu vào đầu lâu, cũng là một đầu lâu chết chìm, chiếc đầu lâu này tức giận kêu to, nhảy lên cao lớn như người. Tên tiểu tử hỗn láo này sợ quá, liền chạy một mạch về nhà, nhưng không ngờ rằng chiếc đầu lâu lại dẫn theo một đám cô hồn, dã quỷ đánh đến tận nhà. Hai bên cùng thỏa thuận để hòa giải, mới biết chủ nhân của chiếc đầu lâu bị chết chìm chính là cao tổ mẫu của tên tiểu tử hỗn láo này! Lão thái thái thương nhớ con cháu nên không tính toán với hắn nữa. Nhưng chuyện đã đồn đi khắp làng trên xóm dưới, chỉ cần nhắc đến gia đình này, mọi người đều nói: “Trương gia đi tiểu vào miệng của bà tổ mẫu.” Nếu không bị đồn thổi như vậy thì đã không bị Kỳ Hiểu Phong ghi vào dã thừa rồi.
Những thứ ô uế như vậy, nói nhiều sẽ làm người khác không vui, vậy thì thêm thắt những thứ khác vào chắc hẳn sẽ tạo cảm giác thú vị hơn nhiều. Mã Việt thời nhà Minh có viết bài Mã thị nhật sao, trong đó có đoạn nhắc đến việc đem củ tỏi to nhét vào miệng đầu lâu.
Đồ ngự phòng của Thái giám Lai Định, sáng tinh mơ đã đi ra khỏi thành, đến buổi trưa đã đến Dương Phòng, bọn họ ngồi dưới gốc cây liễu to, bỏ rượu thịt mang theo ra để ăn. Lai Định dùng tỏi băm nhỏ ăn kèm với thịt hun, đang ăn rất ngon lành, khi quay đầu lại, bỗng nhìn thấy có một chiếc đầu lâu ở bên cạnh mình, liền lấy hai miếng thịt kẹp với tỏi rồi nhét vào miệng đầu lâu. Nếu sự việc chỉ đến đây thôi thì cũng không cần phải nói thêm nữa, nhưng Lai Định lại nói đùa một câu, hỏi đầu lâu: “Cay không?” Không ngờ chiếc đầu lâu này liền đáp lời: “Cay!” Sau đó kêu liên tục không ngừng, ngay cả khi miếng thịt trong miệng đầu lâu đã được lấy ra rồi, nó vẫn không ngừng kêu. Lai Định không còn cách nào khác, liền đi nhanh đến Nam Hải Tử, nhưng tiếng kêu cay kia lúc nào cũng văng vẳng bên tai, mãi đến khi vào thành Bắc Kinh, lúc đó tiếng kêu mới dừng lại. Nhưng sự việc vẫn chưa kết thúc, Lai Định về đến nhà liền mắc bệnh, vài ngày sau thì chết.
Không thể đùa giỡn với chiếc đầu lâu côn đồ này được, nó không thích đùa, chỉ một câu nói đùa mà đã trở thành kẻ thù. Con người bất luận giàu, nghèo, thiện, ác, một khi đã mạo phạm đến đầu lâu thì dù sự việc diễn ra có khác nhau thế nào thì cũng sẽ chịu chung một hậu quả cuối cùng. Nhưng thực tế không hẳn vậy, vì cũng có những đầu lâu vẫn còn tồn tại bản tính khi làm người. Đối với một chiếc đầu lâu không quen biết, cũng giống như một người đi đến ngõ hẹp, gặp người hỏi chuyện, trước tiên phải quan sát một chút về đối phương, thân phận là gì, để tránh việc không cẩn thận lại đập vỡ đồ gốm, mạo phạm người ta. Ngày thường vị thái giám này có thói quen nói đùa với các vị “lão tiên sinh” trong triều đình, nhưng không ngờ lại giẫm phải đầu lâu của một tên lưu manh.
Dương Phụng Huy, người cuối đời Thanh, trong Nam cao bút ký của mình cũng có những câu chuyện tương tự như vậy. Ông dẫn ra hình ảnh đầu lâu của các dân tộc thiểu số gần ngôi chùa ở Cam Túc, so với đất ở ngoại thành Bắc Kinh thì dày hơn rất nhiều. Có một vị thương gia nhiều chuyện đã nhét vào miệng đầu lâu một quả ớt, rồi tiện miệng nói: “Khắc cánh nhất khắc cánh?” “Khắc cánh” trong tiếng dân tộc thiểu số có nghĩa là “cay”. Không ngờ đầu lâu đáp lại: “Khắc cánh! Khắc cánh!” Sau đó chiếc đầu lâu đi theo anh ta đến khắp nơi, và tiếng “Khắc cánh! Khắc cánh!” lúc nào cũng văng vẳng bên tai vị thương gia này. Thương gia thấy phiền muộn bèn kêu cứu: “Tôi chỉ là nói đùa vậy thôi, lão huynh đi theo tôi suốt như vậy đến bao giờ mới thôi đây?” Lúc này nghe thấy có tiếng người đáp lại: “Xương cốt của tôi bị lộ ra ngoài, linh hồn không thể quay trở về được, chịu cảnh phong hàn nơi hoang dã, cỏ hoang núi không, nếu là người quân tử nhìn thấy thì ít nhất cũng phải tỏ ý thương tiếc chứ, đằng này ông lại đem tôi ra làm trò đùa! Tôi sẽ “Khắc cánh” vĩnh viễn bên cạnh ông.” Vị thương gia này biết rõ ngọn nguồn, liền vội vàng quay lại nơi hoang dã vừa nãy, tìm thấy chiếc đầu lâu đó, chôn cất tử tế, và quả nhiên từ đó không còn nghe thấy tiếng “khắc cánh” nữa.
Chôn cất xương cốt là việc làm của người nhân từ, nhưng cũng có lúc lại gây phiền phức cho chính mình. Du Việt trong Hữu đài tiên quán bút ký, quyển năm có viết về một việc ở gần thị trấn Lâm Bình, Giang Tây: “Có một người nông dân đang cắt cỏ dại, gặp một chiếc đầu lâu, người nông dân cảm thương vì chiếc đầu lâu lộ ra bên ngoài, liền đào huyệt để chôn cất. Người nông dân này nghĩ rằng anh ta đã làm một việc thiện, nhưng không ngờ khi anh ta về đến nhà liền mắc bệnh sốt rét, có quỷ nhập vào người rồi nói rằng: “Tôi đang ở bên ngoài rất vui vẻ, hà cớ gì ông phải đem tôi chôn xuống đất, tôi thực sự cảm thấy rất khó chịu, phải giết chết ông!” Cuối cùng, gia đình người nông dân này phải cúng tế bằng rượu thịt, hóa vô số tiền vàng mới có thể đuổi được tên khốn kiếp đó đi.
Có vẻ như chúng ta đã quá lan man lạc đề mất rồi. Bây giờ quay lại vấn đề cũ, đó là việc tiểu tiện vung vãi khắp nơi như nói ở phần đầu. Cần phải biết rằng những câu chuyện như vậy xảy ra không chỉ ở một nơi mà khắp nơi, nhiều vùng trên đất nước Trung Hoa rộng lớn, từ phương Bắc chốn kinh kỳ đến vùng Giang Nam, từ nơi văn minh hưng thịnh đến những nơi xa xôi như Tây Chùy, không có khái niệm về khoảng cách gần xa, tất cả đều có thể là vạn lý đồng phong rồi. Nhưng trong cái đại đồng nhất cũng có cái dị nhất, làm cho người ta phải nhận ra sự khác biệt về tình cảm của con người và khám phá ra nhiều điều thú vị về ma (và đương nhiên những điều đó đều thuộc về những người sáng tạo ra các câu chuyện), vì thế sau khi tìm kiếm được chắc hẳn cũng có đóng góp chút ít giá trị cho ngành nghiên cứu dân tộc học. Xuất phát từ những tình cảm sâu sắc của mình đối với mảnh đất quê cha đất tổ, không ít người, trong đó có cả tôi đã từng lật đi lật lại từng trang sách để tìm ra những câu chuyện tương tự như vậy về quê hương mình. Song do việc đọc sách có giới hạn, kết quả là làm cho tôi vô cùng thất vọng, nhưng sự xấu hổ đó không bằng cảm giác lạc lõng của con người. Những câu chuyện như thế này so với những câu chuyện cùng loại được phát hiện ra, quả thực, một cách vô thức bản thân tôi cùng có chút ngưỡng mộ. Nhưng hy vọng những câu chuyện “vô duyên” kể ra ở đây một lúc nào đó lại gặp được những độc giả có cùng sở thích.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...