Tàn Dương Kiếm - Lãnh Nguyệt Đao


Tuyết phiêu phiêu, vũ dã tiêu tiêu
Song ngoại tùy phong đả ba tiêu
Dạ bán mộng hoàn, thụy bất trước
Ưu thương hoài bão, nhãn lệ điều
Dịch:
Tuyết lất phất, gió thổi vi vu
Ngoài song hờ hững gió đùa qua
Nửa đêm tỉnh mộng, không ngủ lại
Lòng ai đau xót, lệ ai rơi.
Vô Kỵ bất giác mở mắt, sờ tay lên má mình thấy ướt lạnh, mới hay trong giấc ngủ chập chờn người rơi lệ.

Đêm đã khuya rồi.

Nhìn bên ngoài lều thấy bếp lửa vẫn đang bập bùng cháy, gió đông vẫn nổi từng cơn lê thê, lùa qua đám lau lách đang sáng lên bàng bạc dưới ánh trăng rằm khiến chàng tự hỏi mình đã tỉnh hay vẫn đang trong cơn mơ trên đỉnh phù vân.

Vô Kỵ ngẩn người, vẫn thấy thoang thoảng đâu đây một mùi hương nhẹ nhưng lại có gì đó rất đằm, ngọt nhưng lại thoảng chút cay.

Nhìn về phía góc lều, Thượng Quan Ẩn vẫn đang vùi mình dưới lớp chăn cừu say ngủ, mái tóc người thiếu phụ đã qua nhiều năm vậy vẫn đen nhánh, bồng bềnh miên man khiến ai nhìn thấy cũng phải thoáng sững người lưu luyến.

Hương này chắc chắn không phải từ hương liệu mà các thiếu phụ thường đeo bên người.

Hương thơm đó vấn vương thoạt có thoạt không, làm Vô Kỵ tự nhiên nghi hoặc có khi nào mình đang mơ chăng? Nếu là mơ thì hẳn bóng Mẫn Mẫn ân cần ngồi cho chàng lười biếng gác đầu lên đùi kia hẳn là không thực.

Nếu là thực thì thứ hương kia khi nãy còn nồng đượm mà thoáng giờ lại đi đâu mất.

Nhìn ra ngoài thấy trăng đã lên cao, chắc cũng mới chỉ qua canh tí nhưng chàng đã không ngủ được, ngồi trong lều lại thấy có chút bất tiện, Vô Kỵ bèn nhẹ nhàng bước ra ngoài lều.

Chân vừa dợm bước ra ngoài đã thấy thoảng mủi rượu ngô ngòn ngọt mà nồng đượm.

Trời rét căm căm, bình rượu ngô hâm trong nước nóng lại càng dậy mùi hương của chí anh hùng.

Bôn ba trên giang hồ, có mấy hiệp khách cầm lòng được trước hương rượu ngô làng Quỳnh nức tiếng gần xa.

Tục truyền rằng rượu ngô làng Quỳnh chẳng có tên mỹ miều, trong vắt như nước suối Nhị Tuyền trong làng, nhưng chim bay qua ngửi mùi cũng phải đậu lại, cá dưới nước lỡ uống phải chút rượu rơi cũng thêm chí khí hóa rồng.

Ngô Lương Quỳnh Bản Tửu tuy vậy nhưng một năm chỉ cất có mười hai chum, không nhiều hơn, không ít hơn.

Không bán, không đổi, có duyên mới được thưởng thức.

Vô Kỵ nhìn bình rượu, lại liếc mắt sang Kim Doãn Phật đang gật gù ngồi canh ngay ngoài cửa lều, chưa kịp lên tiếng đã thấy Kim Doãn Phật cười nhẹ, nói:
- Trương giáo chủ quả đúng là anh hùng.

Trước nữ sắc không động lòng, nhưng chỉ chút hương của Ngô Lương Quỳnh Bản Tửu lại có thể kéo được ngươi khỏi giác nồng.
Vô Kỵ cũng cười, nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh một góc bếp lửa, lặng lẽ đưa tay sưởi.

Giữa đồng không thế này, tuy ba người đều là nhất lưu cao thủ nhưng cũng không thể không đề phòng bất trắc, đành cắt đặt nhau luân phiên canh gác.

Kim Doãn Phật rót một chén nhỏ, đưa cho Vô Kỵ, nói:
- Hảo tửu quý hiếm, khó khăn lắm mới lấy được một bình nhỏ, cũng đủ cho chúng ta thưởng hết đêm nay.

Tiếc là rượu này không thể uống cho thống khoái, đành uống chén nhỏ, vừa uống vừa thèm vậy.
Vô Kỵ đón chén rượu từ tay Kim Doãn Phật, không nỡ uống ngay mà đưa lên mũi ngửi.

Hương rượu đi đến đâu, người chàng ấm đến đấy.

Nhấp thử đầu môi, lại thấy rượu thoáng qua ngọt ngào như mật, qua hòng lại nồng nồng ấm ấm, đi qua rồi để lại trong lòng người uống chút nhớ nhung không dứt.

Vô Kỵ bất giác nói:
- Rượu này đặt tên là Ngô Lương Quỳnh Bản Tửu nghe thường quá.

Phải đặt tên là Tương Tư Tửu mới phải.
Kim Doãn Phật nhướng mày ngạc nhiên thích thú, lại nói:
- Trương giáo chủ xem ra cũng rất biết thưởng rượu.

Trời tuyết thế này mà uống chén rượu quý, thực là "Tuyết sầu độc ẩm tương tư tửu".
Vô Kỵ uống cạn chén rượu, thở dài một tiếng, ngâm nga đối lại:
- Gió lạnh căm căm, ta với huynh ngồi trước bếp lửa, thấy thân ấm mà lòng vẫn lạnh tê tái, mới là "Phong bi nhị kỷ đoạn trường tâm"
Kim Doãn Phật biết Vô Kỵ trong lòng thương nhớ gia đình không nguôi, mình lại một bề thê tử đề huề, không tiện an ủi, chỉ lẳng lặng rót rượu cho Vô Kỵ, không nói gì thêm.

Vô Kỵ cạn chén thứ hai, trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Cám ơn huynh.
Kim Doãn Phật ngạc nhiên hỏi:
- Huynh sao lại cám ơn ta?
Vô Kỵ nhìn đăm đăm vào bếp lửa, ném thêm mấy thanh củi cho lửa bùng lên hơn một chút, nói khẽ:
- Thứ ta cần bây giờ chính là sự tĩnh lặng.

Cám ơn huynh vì đã không hỏi thêm hay an ủi ta.

Quả thực thấy gia đình huynh đầm ấm như vậy, ta cũng có chút ghen tị.
Kim Doãn Phật tự rót cho mình một chén, nhấm nháp rồi nói:
- Ngươi có điều không biết.

Năm đó sau khi rời Hoàng Thành, ta và nương tử phải mai danh ẩn tích, phiêu bạt giang hồ nay đây mai đó, không có nơi nào có thể dừng chân được.

Kim Doãn Phụng, con gái ta cũng chính là sinh ngay trên đường đi Quý Châu.

Ta vẫn nhớ ngày sinh nó, trời mưa tầm tã.

Ta kéo xe lừa, phủ tạm mấy lớp tranh dày ụ lên rồi cho phu nhân nằm ở dưới cho ấm rồi chạy khắp thành Quý Châu tìm người đỡ đẻ.

Gió lúc đó cũng lạnh như thế này, nghe tiếng nương tử rên rỉ đau đớn mà quả thực lòng ta như trăm kiếm ngàn đao dày xéo.

Vợ ta sinh khó, nếu ngày đó không phải thiên thanh có mắt, cho ta gặp ân nhân thì có lẽ giờ ta đã phải quỳ trước mộ hai mẹ con rồi.
Vô Kỵ cảm khái, nói:
- Huynh ở hiền gặp lành, quả thực đã hái quả ngọt rồi.
Kim Doãn Phật lắc đầu, rót rượu cho Vô Kỵ, nói:
- Ta và nương tử đều trong Thập Nhị Hành Giả, xưa nay có chuyện ác nào chưa làm.

Người chết dưới tay đôi vợ chồng ta vô số.

Chỉ là kiếp này may có được mụn con nên mới hồi đầu thị ngạn, ra sức sống lương thiện để mong con cháu có thể giảm được chút tai kiếp do vợ chồng ta gây ra.
Vô Kỵ nâng chén rượu, ôm quyền nói:
- Kim Doãn huynh, lần này nếu không phải huynh ra tay tương trợ, tất ta đã mất mạng từ lâu.

Lần này dò tung tích đến Khởi Nguyên Đạo Quán, phu phụ gia đình huynh không quản khó khăn mà đồng hành, Vô Kỵ này thực sự vô cùng cảm kích.

Sau này ta sẽ coi con gái huynh như con gái ta, nhất định sẽ bảo trợ cho nó đến khi ta nhắm mắt xuôi tay.
Kim Doãn Phật cũng cảm động, cụng chén với Vô Kỵ mà nói:
- Giang hồ nói tấm lòng của Vô Kỵ huynh rộng lớn trùm thiên hạ, lại thiện lương không ai sánh bằng.

Năm xưa chúng ta là cựu thù, giờ huynh lại có lời bảo trợ cho con gái ta như vậy, ta nhất định không quên.

Hôm nay tuy không đèn không nến, rượu cũng chỉ có bình này, ta có lời muốn kết giao huynh đệ, huynh có bằng lòng chăng?
Vô Kỵ vui mừng, ôm vai Kim Doãn Phật mà nói:
- Anh hùng tứ hải giai huynh đệ.

Hôm nay Vô Kỵ này được kết bái với huynh chính là hạnh ngộ.

Huynh lớn tuổi hơn đệ, vậy xin nhận vai đại huynh.

Đêm nay tuy chẳng phải ngày lành, nhưng được đồng hành với huynh thì có ngày nào không tốt đẹp.

Đệ là Trương Vô Kỵ..
Kim Doãn Phật mỉm cười, nói tiếp:
- Ta là Kim Doãn Phật.

Hôm nay lão thiên chứng giám, có chén rượu nồng tỏ tình tương giao tri ngộ, ta và Trương Vô Kỵ kết làm huynh đệ.

Dẫu không sinh cùng ngày cùng tháng, nguyện được chết cùng tháng cùng năm.

Sau này có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, quyết không phản bội tình nghĩa huynh đệ.

Kẻ nào phạm điều phi nhân, bất nghĩa, tất thanh thiên có báo ứng, chịu kiếp lôi sát không toàn thây.
Nói rồi hai người cùng bái trời đất rồi cạn chén rượu, từ nay kết nghĩa anh em.

Thượng Quan Ẩn vui vẻ từ trong lều bước ra, kéo tấm chăn cừu khoác chặt cho ấm, cười nói:
- Ta và phu quân đã chẳng còn gia đình, đến được với nhau có mỗi một mụn con.

Nay có thêm một chú em thế này thực vui vẻ biết bao.

Thôi, đêm nay còn dài, chúng ta vào cả trong lều mà uống rượu cho thỏa.
Kim Doãn Phật và Vô Kỵ nhìn nhau, lại nhìn Thượng Quan Ẩn, đồng thanh hỏi:
- Rượu đâu ra mà uống cho thỏa thích?
Thượng Quan Ẩn cười lớn, tung người khinh công lướt đi.

Một lát sau đã quay lại, trong tay là hai chum rượu lớn.

Hai chum rượu nặng có đến hơn bốn mươi cân mà nàng hai tay xách nhẹ như bẫng, lại khinh công phiêu hốt như thể hai chum rượu đó làm bằng bông vậy.

Thượng Quan Ẩn đặt hai chum rượu xuống, vênh mặt nói:
- Đám nam nhân các huynh mang tiếng là lấy rượu làm bạn mà chẳng biết kiếm rượu ở đâu.

Ta đây lúc đi đường đã để ý có đoàn người áp tiêu, có đến mấy xe đầy rượu.

Vừa rồi ta đi ngang qua đó thuận tay lấy tạm hai chum về cho các huynh uống.

Nếu chưa đủ để ta lại đi lấy thêm.
Kim Doãn Phật nhíu mày nói:
- Có đoàn bảo tiêu sao? Chẳng lẽ chính là chuyến tiêu mà Đoàn sư phụ định nhắm đến? Ngay cả Đoàn sư phụ mà cũng phải tính trước liệu sau mới dám ra tay.

Muội quả thực gan lớn quá rồi mới thản nhiên xách cả hai chum rượu đi như vậy.

Thượng Quan Ẩn tuy thân là nữ nhi, tuổi tác cũng không còn trẻ nữa nhưng ngạo khí Đường Môn vẫn rất lớn, xưa nay làm chuyện gì chưa bao giờ phải nghĩ hai lần.

Nàng lườm nguýt Kim Doãn Phật một cái rồi nói:
- Huynh ở với ta đến nay có hơn hai chục năm rồi mà chưa biết thuật đạo trích của ta cũng không thua kém các hảo thủ như Trích Tinh Tử - Đoàn Trường Lạc đâu.

Huồng hồ đám bảo tiêu này chỉ nhăm nhe bảo trợ cho bốn xe hàng khác, xem ra là đồ rất quý.

Mấy xe rượu, đặc sản này chỉ có mấy tay bảo tiêu chưa sạch nước cản trông chừng thì làm sao gây khó dễ cho Thượng Quan Ẩn ta được.

Huynh đệ hai người cứ yên tâm mà dùng đi.
Hai người Kim Doãn Phật và Vô Kỵ nhìn nhau cười khổ.

Nhưng tính Kim Doãn Phật vốn hào sảng, mấy chuyện nhỏ này chàng có coi vào đâu, bèn nói:
- Vô Kỵ, mấy thứ của phi nghĩa này chúng ta có chiếm lấy một ít cũng là chẳng thiệt hại gì.

Lần này chúng ta đến Khởi Nguyên Đạo Quán cũng là để giúp cho bá tính không bị đám giả đạo sỹ lừa gạt, cũng chính là phù trợ cho dân lành.

Chút rượu này coi như tiền công vậy.
Nói rồi, chàng xé toạc lớp vải bịt chum rượu.

Thấy rượu tỏa ra ngào ngạt, đi đến đâu mang theo hương ngọc lan đến đó.

Kim Doãn Phật ồ lên một tiếng, cười lớn nói:
- Xem ra hôm nay chúng ta gặp may rồi! Minh Lan Lộ này là danh tửu Thiều Châu, chỉ có nhà họ Hoàng chưng cất được thứ rượu nức mùi ngọc lan, có để bao nhiêu năm thì mùi lan cũng chỉ nồng thêm mà không hề nhẹ đi.

Thứ rượu này nếu không phải trộm được thì nhất định là cướp được, Xem ra lão tri phủ này cũng là một tay hắc đạo không vừa.
Vô Kỵ nhìn thứ nước rượu sóng sánh dưới ánh trăng rằm, ánh màu xanh biêng biếc tựa Trúc Diệp Thanh như có phần sánh hơn và có ánh vàng như mật.

Ngửi hương ngọc lan thấy khoan khoái dễ chịu vô cùng, nói:
- Hôm nay là ngày lành, chúng ta nhất định phải uống thực say mới được.

Đại huynh, đại tỷ, tiểu đệ kính hai người một bát!
Vô Kỵ rót ra ba bát rượu đầy, cung kính mời đại huynh, đại tỷ.

Ba người chưa kịp nâng bát rượu thì một tiếng quát đanh thép vang lên:
- Đám đạo tặc kinh đã dám cướp rượu rồi lại còn dám ở lại đây chí thú đấu bôi! Mau để rượu lại, lão gia ta còn tha cho một mạng!
Ba người nhìn về phía tiếng nói thì thấy một nam nhân trẻ tuổi, vai vác đơn đao, nghênh ngang lớn tiếng.

Mái tóc lòa xòa che khuất đôi mắt tinh anh.

Trên môi nở nụ cười nửa miệng, nửa châm biếm, nửa ngạo nghễ nhưng lại dễ nhìn vô cùng.

Thượng Quan Ẩn mỉm cười, nói với phu quân và Vô Kỵ:
- Hai người cứ tự nhiên dùng rượu.

Để ta bắt thằng nhãi này về làm mồi nhắm.
Thượng Quan Ẩn nói rồi lững thững tiến lại gần người thanh niên kia, cười chế giễu:
- Này tiểu tử, ta xem ngươi mặt còn búng ra sữa, vắt mũi còn chưa sạch mà to gan lớn mật gớm nhỉ? Ngươi có tin Mẫu Dạ Xoa này sẽ bắt ngươi làm mồi nhắm rượu không?
Người thanh niên kia chẳng phải ai khác, chính là Tuệ Phong.

Đám bảo tiêu cho rằng cậu võ công kém cỏi nên cho gác mấy xe hàng, còn họ tập trung bảo hộ cho pho tượng phật cổ.

Khi nãy đang thiu thiu ngủ thì bỗng nghe có tiếng người đạp tuyết khẽ khàng đi tới, dù rất khẽ nhưng cũng đủ khiến cậu tỉnh giấc.

So với bộ pháp của lão Hồ thì tiếng chân này chẳng khác gì có chục người đang chạy ầm ầm đến cả.

Hé mắt nhìn thấy kẻ này vóc người nhỏ nhắn, trong lòng cậu bỗng có chút xao xuyến khi nhớ lại ánh mắt của nữ tặc, à không, của giai nhân tối qua chàng gặp.

Có khi nào cô ấy hôm nay lại quay lại, chưa từ bỏ ý đồ đoạt bảo chăng? Lại thấy người này chẳng mảy may tìm tượng cổ, lại chỉ tập trung vào xe rượu nơi cậu đang nằm, trong lòng cậu nửa vui, nửa hồi hộp xen chút lo lắng.

Nữ nhân như nàng chắc hẳn không ham thích gì rượu chè, vậy chắc chắn là đến đây tìm cậu rồi.

Mà tìm cậu thì để làm gì nhỉ? Có khi nào nàng ta ngưỡng mộ vẻ anh tuấn tiêu sái của cậu chăng? Nghĩ đến đây bất giác Tuệ Phong nhếch mép cười thích chí.

Nhưng rồi nghĩ lại chẳng hẳn nàng muốn quay lại trả mối hận bị chàng sỗ sàng nhìn trúng chỗ không cần nhìn thì đúng hơn.

Tuệ Phong thở dài nghĩ bụng:
- Đâu phải ta cố ý đâu.

Nếu biết nàng là một mỹ nhân như vậy thì chỉ cần nói một tiếng là ta tự mang tượng phật giao cho nàng, đâu cần nàng nhọc công.
Chưa bao giờ Tuệ Phong lại thấy hồi hộp đến mức này, thậm chí còn hồi hộp hơn cả lúc phải đối diện với đám sói và gấu ở Lưỡng Long Trại.

Cậu sợ ngồi dậy bây giờ thì lại không biết phải nói gì về nàng, nếu cứ im im lặng lặng mà nhìn nhau thì chẳng phải ngại lắm sao? Mà cứ nằm yên ở trên xe rượu thế này thì lưng như kiến cắn, bụng tựa sóng dồn, chỉ thèm quay sang ngắm đôi mắt to tròn, rạng ngời tựa ánh sao của nàng một lần.

Nhưng rồi cuối cùng cậu quyết định nằm im trên xe, mặc cho người kia tiến lại mỗi lúc một gần.

Thấy người kia đã đến xe rồi, lại không lên tiếng, chỉ lúi húi nơi cuối xe, thoáng chốc đã xách đi mất hai chum rượu, trong lòng Tuệ Phong quả thực không biết nên khóc hay cười.

Quả thực nàng không lên tiếng thì cậu không phải trả lời, cũng coi như là bớt chút ngượng ngùng, ái ngại.

Nhưng nàng lại không mảy may để ý đến, lại chỉ chủ tâm tìm rượu, không coi cậu bằng mấy cái thứ nước cay lè đó thì quả thực cậu đau lòng biết bao.

Càng nằm lâu lại càng không thể nuốt nổi cục tức, cậu quyết định âm thầm bám theo người này.

Đi được một đoạn, Tuệ Phong mới thấy người này không phải người con gái cậu gặp tối hôm qua.

Người này tuy vóc dáng cũng tương tự như bộ pháp tinh diệu.

Hai tay xách hai chum rượu lớn mà hơi thở không có chút nào nặng nhọc, bước chân trên tuyết cũng không sâu hơn chút nào như thể đang đi tay không vậy.

So với giai nhân trong lòng cậu tối qua thì người này võ công hẳn cao hơn nhiều.

Vừa bám theo vừa nghĩ thì đã thấy người kia mang rượu cho hai kẻ nữa cùng uống.

Bực vì mất rượu thì ít mà tức vì thất vọng thì nhiều, cậu mới cả gan chọc vào đám người Thượng Quan Ẩn lúc đó.

Thấy Thượng Quan Ẩn đe dọa, cậu chẳng những không sợ hãi mà còn mạnh dạn tiến thêm mấy bước, hất mặt nói:
- Mẫu Dạ Xoa ngươi nếu hôm nay ăn được cả thanh đao này của ta thì thịt của ta ngươi cũng cứ tự nhiên mà dùng.

Bằng không thì hôm nay ta quyết lấy lại cả rượu và mạng của ngươi!
Thượng Quan Ẩn thích thú cười lớn, gằn giọng nói:
- Khá lắm! Đã lâu lắm rồi Hoàng Ngưu này không được ra tay.

Hôm nay ta sẽ cho ngươi biết sự lợi hại của Thiên Phiên Toái Vũ Châm!
Tuệ Phong thoáng giật mình, nghĩ bụng:
- Thiên Phiên Toái Vũ Châm là thứ châm đặc trưng của Đường Môn chi Vân Nam.

Sư phụ có nói trong các chi phái của Đường Môn thì chi này sở hữu tuyệt học về ám khí.

Người này xem ra nhất định công phu ám khí kinh người, không thể không đề phòng.
Bụng nghĩ vậy nhưng ngoài mặt cậu vẫn không kém một tiếng, nói:
- Ta nghe danh Thiên Thiên Phiền Toái Châm đã lâu.

Hôm nay lại găp người dùng ở đây, quả thực sợ phiền toái đeo bám đến kinh người.

Chẳng phải thứ tiêu này không phi được mà phải lẽo đẽo đuổi theo người ta mà cắm lên sao? Ta nói thật là xem ra tuổi tác ngươi cũng chẳng còn trẻ nữa, mặt mũi lại đúng như tên gọi thế kia mà đuổi theo mỹ nam tử như ta, quả thực vô cùng phiền toán đó!
Thượng Quan Ẩn dù sao cũng là mỹ nhân hiếm gặp, nghe mấy lời này trong lòng hỏa khí xung thiên, không nói thêm chữ nào, chỉ thấy khẽ nhún người một cái đã thấy người lơ lửng giữa tầng không, tay tung ra Thiên Phiên Toái Vũ Châm ào ào như hoa lê tản mác trong gió lớn, chính là chiêu Bạo Vũ Lê Hoa Châm lừng danh của Đường Môn, trăm người gặp, may mắn chỉ có một kẻ sống sót.

Dù hôm nay có trăng rằm, nhưng Thiên Phiên Toái Vũ Châm vừa bé vừa mảnh như lông bò, bình thường giữa trời sáng nhìn còn khó, huống hồ trong đêm tối.

Hơn nữa châm phóng ra rào rào như mưa ngày hạ, bốn phương tám hướng đan lại với nhau, cái này nối tiếp cái khác, không cho địch nhân một đường thoát thân.

Tuệ Phong sớm đã biết lợi hại, vung tít đao theo lối Ám Nguyệt Tà Vân, đơn đao múa lên dưới trăng tựa như một màn trắng bạc lạnh lẽo, bao phủ lấy cậu.

Lối sử đao này không phải lấy kín kẽ của đường đao để thủ thế mà chính là dùng đao kình tạo nên một lớp tường gió bao quanh, đánh bay ám khí.

Thiên Phiên Toái Vũ Châm bay đến đều bị luồng đao kình đánh văng đi.

Thương Quan Ẩn thấy người này còn trẻ tuổi mà đao pháp cao minh, lại có thể dùng đao kình mà chống lại được Bạo Vũ Lê Hoa Châm, trong lòng có đôi phần nể phục.
Nhưng Đường Môn từ khi xuất thế đời Lý Thái Tông đâu phải chỉ có mỗi tuyệt chiêu Bạo Vũ Lê Hoa Châm.

Đường Môn nhị thập bát môn ám khí khiến nhân sỹ giang hồ thần xiêu phách tán, kính nhi viễn chi.

Nhớ lại ngày đó, trước khi Đường Môn chi Vân Nam gặp nạn, môn chủ Đường gia bảo là Đường Bá Chi rất mực quý mến cô nhỏ Thượng Quan Ẩn nên lén truyền cho khẩu quyết tu tập của nhị thập bát môn ám khí.

Thượng Quan Ẩn tư chất hơn người, tự mình tu tập được ba lộ ám khí đến công phu cao nhất thì chi phái bị người của Cẩm Tý theo lệnh của Chu Nguyên Chương đột nhập tàn phá, từ đó việc luyện tập công phu cũng bị gián đoạn.

Nên biết ngay của Đường Môn Tứ Lão cũng chỉ luyện được thành thục ba, bôn môn lộ.

Đường Bá Chi là kỳ tài võ học của Đường gia cũng chỉ thành thạo bảy môn lộ.
Tuệ Phong thấy thần khí của Thượng Quan Ẩn đổi khác, trong lòng đã có ngầm đề phòng.

Quả nhiên thấy nàng đã không còn xuất chiêu cuồng bạo nữa, chỉ thấy hình bóng của Thượng Quan Ẩn dần chìm vào bóng tối rồi vô hình vô tích biến mất.

Tuệ Phong căng mắt ra nhìn nhưng cũng không sao tìm thấy Thượng Quan Ẩn ở đâu, cứ như thể nàng ta đã bốc hơi vậy.

Cậu hắng giọng quát:
- Mẫu Dạ Xoa ngươi xấu xí thì xấu thật nhưng ta nhìn một lúc cũng đã quen mắt, không còn thấy buồn nôn nữa.

Không cần phải thương hại con mắt ta mà lẩn trốn.

Đang ở đâu thì mau..
Chưa dứt lời thì bỗng bả vai bị một vật gì bắn trúng đến tê dại.

Tuệ Phong sờ lên vai thì chỉ thấy chỗ đó lạnh hơn bình thường, tuyệt không thấy vết ám khí.

Chưa kịp định thần thì đã thấy hai đùi bị bắn trúng hai lần.

Nơi bị bắn trúng tê lạnh, từ từ khiến chân cậu mất cảm giác, lảo đảo ngã xuống.

Từ trong bóng đêm, Thượng Quan Ẩn lại phiêu hốt hiện ra, cười nhếch mép nói:

- Ngươi có phải không nghe thấy tiếng ám khí, không sờ thấy ám khí phải không? Ngươi không thấy gương mặt xấu xí của Mẫu Dạ Xoa này đúng không? Hôm nay ngươi may mắn đấy, không mấy ai trên giang hồ được nếm Băng Phách Thần Đạn của Đường Môn chúng ta đâu.
Dứt lời, tay của Thượng Quan Ẩn khẽ co lại, búng một búng.

Chỉ thấy hàn khí cuốn lại, gom những bông tuyết đang bay lất phất thành một viên đạn nhỏ, nhằm vào ngực của Tuệ Phong bắn đến.

Tuệ Phong toàn thân vô lực, lại bị thêm một Băng Phách Đạn trúng huyệt Đản Trung, thấy tim như ngừng đập, thần trí mê man bất tỉnh.

Thượng Quan Ẩn nhếch mép cười:
- Nếu là trước kia ta vẫn còn là Hoàng Ngưu thì hẳn ngươi đã về Tây Thiên từ lâu rồi.
Nói rồi nàng lững thững quay lại chỗ phu quân và Vô Kỵ, đùa mà nói:
- Thằng nhóc này toàn xương xẩu, làm đồ nhắm e không hợp nên muội đã cho nó ngủ một giấc sâu rồi.

Tên nhóc này còn trẻ tuổi mà đã vào nhóm bảo tiêu, cũng có chút thực lực.
Trong lúc nàng giao chiêu với Tuệ Phong thì Kim Doãn Phật đã tranh thủ uống đến nửa chum rượu rồi.

Vô Kỵ bồi tiếp đại ca nhưng trong lòng vẫn có chút lo lắng cho đại tỷ nên uống cầm chừng, nghe Thượng Quan Ẩn nói thanh niên kia có chút thực lực, cũng hiếu kỳ hỏi:
- Đại tỷ, cậu thanh niên đó..

Đại tỷ nói có chút thực lực thì xem ra võ công không phải như đám bảo tiêu bình thường rồi.
Thượng Quan Ẩn gật gù, nâng một bát rượu uống cạn thực thống khoái rồi nói:
- Tiểu tử đó còn trẻ mà đao pháp xem ra rất cao minh.

Chỉ dùng đao kình mà có thể cẩn mật bảo hộ bản thân thoát khỏi Bạo Vũ Lê Hoa Châm thì quả thực không tồi đâu.
Kim Doãn Phật xua xua tay, lè nhè nói:
- Không phải võ công của tiểu tử đó cao mà là thủ pháp của muội đã không còn như xưa rồi!
Thượng Quan Ẩn biết Kim Doãn Phật đã say, cũng không chấp nhất, lại còn hùa theo:
- Lão quỷ phu quân của ta nói phải! Thủ pháp dùng ám khí của ta đã kém đi nhiều rồi.

Vậy chàng nói xem ta sau bao nhiêu năm làm quý phu nhân của chàng thì có thủ pháp gì tăng tiến?
Kim Doãn Phật nắm lấy tay nàng, kề miệng nói khẽ chỉ cho nàng nghe thấy:
- Thủ pháp..

thủ pháp chiều chồng..

của nàng là vô địch thiên hạ!
Thượng Quan Ẩn đỏ mặt, chỉ khẽ phát vào má Kim Doãn Phật, nói nhỏ:
- Lão chồng quỷ này say rồi nói linh tinh cái gì đấy? Mới uống có nửa chum mà đã say rồi, mất công ta lấy hẳn hai chum về.

Vô Kỵ, đệ nếu không ngủ thì cứ thong thả uống tiếp.

Ta đưa phu quân vào lều nghỉ một chút.
Vô Kỵ cười, nhường đường cho hai vợ chồng vào lều.

Bản thân lại định ngồi uống thêm chút rượu thì nhớ ra ngoài kia cậu thanh niên vẫn đang nằm trên tuyết.

Trời lạnh thế này mà cứ để vậy đến sáng khéo đã thành các xác không hồn rồi.

Nghĩ vậy nên Vô Kỵ đặt bát rượu uống dở xuống, từ từ tiến lại gần chỗ Tuệ Phong bất tỉnh.

Chàng thấy người thanh niên này tuổi chắc cùng tầm tầm con trai chàng, lấy tay vén mái tóc lòa xòa để lộ gương mặt anh tuấn dưới ánh trăng lạnh mới thấy có nhiều nét giống Tuệ Phong ngày nhỏ.

Vô Kỵ run run khẽ vuốt ve má cậu, đôi mắt ầng ậc lệ chực rơi.

Chàng không kìm được mà nói, giọng run run xót xa:
- Tuệ..

Phong..
Tuệ Phong vẫn bất tỉnh im lìm, ngả người trong vòng tay cha mà không hay.

Vô Kỵ ôm chặt lấy Tuệ Phong mà cũng không dám chắc đây là con mình, chỉ tự thấy trong mình trào lên một cảm xúc mà bao nhiêu năm lang bạt tìm kiếm chàng đã không còn thấy nữa.

Đó là cảm xúc của một người cha ôm đứa con trong tay, với nhiêu sức lực để giữ cho con có thể vững vàng trước sóng gió cuộc đời, để cảm nhận được đứa con dù lớn bao nhiêu vẫn chỉ là đứa trẻ nép mình vào lòng cha, để biết được con chính là một phần giúp cha hoàn thiện.
Đang trong lúc êm đềm, bỗng có tiếng người, ánh đuốc lao xao tiến lại.

Đám bảo tiêu đến giờ đổi ca gác không thấy Tuệ Phong đâu bèn chia nhau đi tìm.

Thấy Tuệ Phong đang nằm ngất lịm trong tay một hán tử trung niên, bọn họ vội chạy lại, tới tấp hỏi:
- Làm sao mà tên tiểu tử này lại ngất ở đây? Chắc uống trộm rượu rồi say chứ gì? Ngươi! Ngươi làm gì mà hắn bất tỉnh thế kia?
May cho đám bảo tiêu là Vô Kỵ giờ đang lúc thần trí tỉnh táo, cố tránh tâm ma bộc phát nên mới không nhiều lời tranh cãi với chúng, chỉ nói:
- Ta là thợ săn trong rừng này, nay sáng trăng đang đi săn thì thấy cậu thanh niên này nằm ngủ nơi đây.

Ta sợ hắn chết vì lạnh nên lại xem thế nào.

Các ngươi là bạn của cậu ta?
Đám bảo tiêu thấy Vô Kỵ cũng không có vẻ gì có ác ý, bèn nói:
- Tên tiểu tử này là người trong đội bảo tiêu của chúng ta, được giao canh xe rượu mà lại lăn ra ngủ thế này.

Thực là vô tích sự.

Lý Hải! Ngươi vác tên tiểu tử này về mau!
Một thanh niên khác cũng trạc tuổi Tuệ Phong tiến đến rồi vác xốc cậu trên vai, mau mắn đi về phía đoàn xe chở sinh thần.

Vô Kỵ cũng không nói gì, chỉ im lặng nhìn theo bóng Tuệ Phong mỗi lúc một xa, tự thấy trong lòng có một cảm giác không đúng lắm..
Thanh vân, bình thủy, mai hoa nhược
Trà giang nhật tảo kiến song thành
Ngọc tiêu lãng lãng dữ tùy phong
Đáo đầu nhất tiếu niêm đích họa
Dịch:
Mây xanh, nước biếc, hoa mai rụng
Sáng dạo song Trà ngắm thành xưa
Tiêu ngọc lãng đãng như gió thoảng
Quay đầu cười nụ đẹp như tranh
Sông Trà vào đông, nước cũng như vì lạnh mà lười biếng, lững lờ đưa thuyền nan chầm chậm trôi trên sông vắng.

Tiết trời mùa đông, hiếm có khi nào trời lại xanh ngắt như hôm nay.

Những đám mây mỏng mảnh giăng đây đó khiến thi nhân nào năm xưa ví trời xanh tựa mái tóc người thiếu nữ khi còn xuân sắc được tôn lên bởi lớp voan trắng hững hờ.

Lão ngư đang tĩnh tại buông câu bên bờ bỗng thoáng nghe đâu đó tiếng tiêu vi vu thổi đến, như thực mà như ảo, ngỡ mình có khi đi câu sớm mà lại lạc cõi Liêu Trai đó chăng? Tiếng tiêu quả thực vang lên từ trên truyền, từ một người thiếu nữ đôi tám đang nhẩn nha thả từng nốt của tiêu khúc "Cao Sơn Lưu Thủy".

Mái tóc cô không tết buộc cầu kỳ mà thả xõa cho gió lùa qua nhè nhẹ.

Môi không điểm son mà tựa hoa đào, má không dặm phấn mà trắng hồng mịn màng hiếm gặp.

Cô tùy tiện mặc một cánh áo xanh của Nga My đã không còn mới nữa nhưng chẳng toát nên vẻ tầm thường.

Thoải mái khoanh chân mà thổi tiêu, người lắc lư theo từng nhịp khi nhanh khi chậm, khi cao khi thấp với vẻ phiêu dật lạ thường.

Vĩnh Niệm hôm nay dậy sớm, nhân lúc thuyền bè còn chưa qua lại tấp nập bèn lôi tiêu ra tập.

Khúc "Cao Sơn Lưu Thủy" này cô được nghe thái sư phụ thổi một lần cách đây đã lâu, nhưng để lại trong cô một ấn tượng sâu sắc khó mà quên được.

Cũng vì thế mà cô nằng nặc đòi thái sư phụ dạy thổi bài tiêu này.
Lại nói "Cao Sơn Lưu Thủy" vốn là một cầm khúc huyền thoại, nằm xưa Bá Nha đàn, chỉ có Tử Kỳ tâm ý tương thông mà hiểu ông nghĩ gì.

Khi Bá Nha đàn nghĩ về núi cao muôn trượng, Tử Kỳ liền bảo "Thiện tại hồ cổ cầm, nguy nguy hồ nhược Thái Sơn".

Lúc Bá Nha chuyển cung đàn nghe tiếng nước sâu, lại thấy Tử Kỳ nói "Đăng đăng hồ nhược lưu thủy".

Sau này Tử Kỳ lâm bệnh mà qua đời, Bá Nha tiếc thương người tri kỷ, cho rằng thế nhân không còn ai hiểu ta bằng Tỷ Kỳ nữa nên chỉ đàn một lần cuối rồi đập đàn vào đá, vĩnh viên không cầm lại.

Băng Tâm lần đầu được nghe Nam Cung Thiết Tâm đàn cầm khúc này, trong lòng thầm ngưỡng mộ mà tự phổ lại thành tiêu khúc.

Tiêu khúc mở đầu thâm trầm, hồn hậu, uyển chuyển, thanh âm sáng rõ.

Hơi tiêu đi nhẹ nhàng, chậm rãi, tựa như hồn ai miên man về một vùng núi cao lồng lộng.

Phóng tầm mắt mà nhìn dưới thung hoa nở từng mảng đủ màu, cỏ non xanh ngắt điểm xuyết, sông xanh nước chảy hiền hòa ôm vào lòng những núi mù sương.

"Cao sơn" là đây..

Dần dần nhịp tiêu nhanh dần, dàn trải không dứt, tựa như những giọt nước chảy trong khe suối hợp lại thành sông xanh.

Nhịp tiêu nhanh, réo rắt không ngừng, tưởng chừng như cả trái tim Vĩnh Niệm cũng rung lên với hơi thổi gấp gáp.

Lão ngư lắng tai nghe như thấy mình đang ở trong một khung cảnh sơn thủy hữu tình, kia ngọn núi xa xa, đây sông xanh cuồn cuộn, sau lưng đã là thác bạc trắng xóa.

"Lưu thủy" là đây..

Khúc tiêu kết lại vẫn bằng những âm điệu réo rắt nhưng nhỏ dần, nhỏ dần như ai vừa tỉnh mộng.

Những thanh âm thanh khiết, trong trẻo, không vướng bụi trần kia như rửa sạch hồn mình khỏi những oan trái của cuộc đời, khỏi nỗi cô đơn quặn thắt, để lại cho người nghe một dư âm thanh thản, nhẹ tênh.
Vĩnh Niệm say sửa thổi tiêu mà không hay thái sư phụ đã tỉnh từ lâu.

Ông lặng lẽ ngồi trong thuyền, tự tay pha một ấm trà ngon, chậm rãi thưởng thức tiêu khúc.

Nhiều năm qua, ông bôn ba khắp chốn giang hồ, xuôi ngược bắc nam hòng bảo vệ những người thân yêu nhất khỏi những âm mưu, thủ đoạn tàn độc của thế gian.

Vậy mà lực bất tòng tâm, đành nhìn huynh đệ như ruột thịt Thanh Long Trấn ngã xuống nơi sa trường, nhắm mắt để đệ tử của mình phải gánh lấy gánh nặng xã tắc, ly khai gia đình.

Giờ khi Trương gia gặp biến, ông chẳng phút nào nghỉ ngơi, luôn chăm chăm thăm dò tin tắc.

Dẫu thân đã luyện đến mức Cửu Âm Quy Nguyên, trường thọ hơn người, nhưng những tháng năm ròng rã trôi qua cũng khiến ông mỏi mệt không ít.


Vậy mà sáng nay nghe Vĩnh Niệm thổi khúc tiêu, lòng ông thấy như nhẹ đi, lại có thể thư thái mà thưởng một chén trà ngon, tự thấy dẫu có luyện đến mức Cửu Âm Quy Nguyên, Cửu Dương Tụ Đỉnh cũng không bằng.

Vĩnh Niệm đã kết tiêu khúc, lại nghe tiếng thái sư phụ pha trà liền rối rít đi vào, nói:
- Thái sư phụ không nghỉ thêm chút nữa.

Trời lạnh lắm.

Cũng còn lâu nữa mới đến thị trấn.

Để con rót trà cho thái sư phụ.

Thái sư phụ, người cũng dùng bánh điểm tâm đi.

Con thấy người nơi này bảo bánh hoa mai là đặc sản nơi này đấy.

Truyện Hài Hước
Băng Tâm gật gù, hải lòng khi có một đồ tôn hiếu thuận đến vậy.

Ông lặng lẽ nâng chén trà, nhấp một ngụm, cảm nhận hương chát thoảng qua với dư âm ngọt hậu đọng lại nơi cuống họng.

Ông nói:
- Vĩnh Niệm, con theo ta hành tẩu giang hồ cũng đã gần một năm rồi, có cực nhọc lắm không?
Vĩnh Niệm phụng phịu nói:
- Thái sư phụ rất yêu thương con nhưng công phu Cửu Âm Chân Kinh của người truyền đạt quả thực luyện cực nhọc vô cùng.

Người xem, chúng ta hành tẩu suốt bao nhiêu vùng thế rồi mà con còn không mua được bộ quần áo nào mới, vẫn mặc mấy bộ đồ của Nga My đây này.
Băng Tâm nhìn Vĩnh Niệm thấy quả là quần áo của cô cũng đã cũ quá rồi.

Ông là nam nhân, bản thân ăn mặc giản dị, không mấy khi để ý đến vẻ bên ngoài, cũng vì thế mà vô tâm không nhận ra đồ tôn của ông là một thiếu nữ đôi tám, đang kỳ hoa nở đẹp nhất mà phải mặc áo cũ, thực là thiệt thòi.

Ông ôn tồn bảo:
- Đến trấn rồi chúng ta lên bờ, ghé mua cho con mấy bộ quần áo mới được không?
Vĩnh Niệm mặt tươi hơn hoa, mắt sáng như sao, gật đầu lia lịa, nắm tay Băng Tâm thích thú nói:
- Vâng! Thái sư phụ, cũng sắp đến trấn rồi, hay người cứ từ từ thưởng trà, con lên bờ vào trấn thăm dò tung tích Trương bá bá trước có được không?
Băng Tâm nghe là biết cô muốn đi chơi, nhưng hôm nay trong lòng ông dễ chịu nên cũng bớt phần nghiêm khắc.

Ông dễ dãi gật đầu:
- Được, con cứ vào trấn trước.

Nhớ là không được gây chuyện đâu đấy.

Khi đến trấn ta sẽ thổi tiêu thì ra đầu trấn gặp ta.
Vĩnh Niệm ôm quyền, đa tạ thái sư phụ rồi lao người ra ngoài thuyền, đạp nước khinh công đi ngay.

Công phu Thủy Thượng Phiêu của Cừu Thiên Nhận năm nào nức tiếng giang hồ mà Vĩnh Niệm giờ đã có thể sử dụng thành thạo, một phần cũng do dày công rèn luyện theo bí kíp của Cửu Âm Chân Kinh.

Chân đạp nước chỉ để lại những gợn sóng nhỏ lăn tăn, tấm lưng nhỏ nhắn mỗi lúc một xa thuyền tiến vào bờ.

Vĩnh Niệm nhẹ bước khinh công, búng người trên những hàng cây ven đường để mau mau chóng chóng đến trấn.

Quý Châu là đất của nhiều dân tộc thiếu số hợp cùng sinh sống, văn hóa vì thế cũng rất đặc trưng.

Thị trấn nơi đây không ồn ào náo nhiệt như các thành Lạc Dương, Trùng Khánh mà có vẻ êm đềm kì lạ.

Những cô gái Miêu tộc đầu vấn khăn xanh, mặc trang phục thổ cẩm dệt đủ màu, gùi những gùi hàng đủ loại.

Vĩnh Niệm thích thú ngắm nhìn những dãy nhà gỗ dựng bên bờ kênh san sát, những trà quán nức mùi thảo mộc thơm lành, những sạp vải thổ cẩm đủ màu rực rỡ, những quầy bán vòng bạc sáng lấp loáng dưới ánh mặt trời.

Bước vào đầu chợ, Vĩnh Niệm còn đang là một nữ đệ tử Nga My.

Ra đến cuối chợ đã là một nữ nhân Miêu tộc xinh xắn lạ thường làm không ít chàng trai đi ngang qua phải ngoái nhìn khiến cô phát ngượng mà rảo bước vào một quán trà, định sẽ hỏi tung tích Trương bá bá trước khi sư phụ đến.

Cô gọi một bình trà, đoạn bảo tiểu nhị:
- Tiểu nhị huynh, huynh có thấy gần đây có một người đàn ông nào, bộ dạng điên khùng, hung dữ vào trong trấn này không?
Tiểu nhị nhanh tay lấy khăn lau bàn rồi rót trà cho Vĩnh Niệm, miệng liến thoắng:
- Quý Châu này nhiều người ra vào, tôi sao biết hết được.

Lại có mấy kẻ ở Lưỡng Long Trại xuống đây ăn uống có kẻ nào là không điên khùng, hung dữ cơ chứ.

Người cô nương hỏi có phải ở Lưỡng Long Trại không?
Vĩnh Niệm nhíu mày suy nghĩ, đoạn nói:
- Ta không nghĩ là người ta tìm có liên quan gì đến Lưỡng Long Trại đâu.

Nhưng ngươi nói là đám người này thường xuyên xuống đây gây chuyện hả?
Tiểu nhị thở dài, lén lén nhìn ra ngoài cửa xem có ai không rồi mới bức xúc nói:
- Bọn chúng lần nào từ trên núi xuống đây cũng gây vạ cho dân trong trấn.

Ăn uống thì không bao giờ trả tiền cũng thôi đi, lại còn suốt ngày cốc đầu, béo tai tiểu nhị ta đau muốn chết.

May mà đợt này bọn chúng phải làm một vố lớn nên không ở trong trấn chứ không xinh đẹp như cô nương đây mà đi một mình rất dễ bị chúng hãm hại.
Vĩnh Niệm hừ mũi, cười nhếch mép nói:
- Ta cũng muốn xem kẻ nào dám ra tay với bản cô nương.

Ngươi đừng lo, nếu bọn chúng dám đến đây gây chuyện, gặp bản cô nương ta quỳ xuống lạy còn không kịp nữa là.
Tiểu nhị thấy cô nương này vóc dáng nhỏ nhắn mà khẩu khí xem chừng lớn lắm, trong bụng nghĩ hoặc cô nương này bản lĩnh kinh người, hoặc chắc đầu óc có chút không bình thường.

Nhưng với trà quán thì có là hiệp khách võ công cái thế hay kẻ điên khùng cũng không quan trọng, miễn là trả đủ tiền đều được đối xử như nhau.

Vĩnh Niệm gọi qua loa vài món điểm tâm rồi bảo mang ra thêm một bộ bát đũa, ý chờ thái sư phụ tới rồi cùng dùng bữa.

Món vừa lên, bát vừa bày ra chưa lâu đã thấy một tay thảo khấu mặt mũi khả ố, đê tiện kéo ghế ngồi xuống, buông lời cợt nhả:
- Cô nương, hẳn cô nương mới từ nơi khác đến đây.

Ta nhìn không quen mặt.
Vĩnh Niệm chẳng thèm liếc mắt nhìn hắn lấy một cái mà nhìn ra cửa sổ, ra vẻ đang thích ngắm đường phố hơn cái bản mặt đáng ghét của hắn.

Cũng vì thế mà nàng không thấy tiểu nhị đứng sau lưng gã thảo khấu kia đang ra hiệu liên tục cho nàng đừng có gây chuyện.

Vĩnh Niệm vừa nhìn nước kênh xanh biếc, vừa buông lời lạnh nhạt:
- Quý Châu này đất rộng người đông.

Ngươi không biết ta cũng là bình thường.
Gã thảo khấu kia quả nhiên mặt dày, tiếp tục cợt nhả:
- Quý Châu này đất rộng thật, người thì đông nhưng có bao nhiêu cô nương xinh đẹp thì Dương đại hiệp ta đều biết cả.

Cô nương xinh đẹp thế này mà lạ mặt, hẳn từ xa đến, có thể cho Dương mỗ làm quen chút chăng?
Vĩnh Niệm cười nhếch mép, khinh khỉnh nói:
- Dương đại hiệp, không phải tiểu nữ làm cao nhưng Dương đại hiệp mở miệng ra đã thấy mùi khó ngửi.

Bản cô nương không dám leo cao cũng phải cố mà vươn mình cho đỡ mùi xú uế.

Ta đang chờ người quen, phiền Dương đại hiệp tránh ra chỗ khác được chăng?
Gã họ Dương kia thấy Vĩnh Niệm mồm mép chua cay, giọng thì nhẹ nhàng mà lời nói ra không chữ nào không đáng giận, nổi cơn nộ hỏa xung thiên, đập bàn đánh rầm một tiếng, quát lớn:
- Nhìn mặt Dương mỗ có chữ "đùa" không mà con tiện nữ này dám nhờn với ta! Để ta thử thân ngọc ngà của ngươi chịu được mấy quyền.
Nói đoạn gã vung đây định tung quyền đấm đến Vĩnh Niệm.

Vĩnh Niệm còn chưa kịp hoàn thủ thì thấy mặt gã đã bị ép chặt xuống mặt bàn.

Một cô nương tuổi xem ra cũng trạc bằng Vĩnh Niệm, đang dùng chân dí cổ gã họ Dương xuống bàn.

Cô nương này dung mạo cũng thật diễm lệ.

Mái tóc dày óng ả buộc đuôi ngựa gọn gàng thả ngang lưng.

Da trắng hồng nổi bật trên nền áo gấm đoạn đen vân đỏ.

Đôi môi mọng đỏ hững hờ như trái mọng đọng sương.

Nhưng đẹp nhất là đôi mắt tròn, trong vắt tựa hồ thu.

Nhìn phục trang và cước lực của cô nương này hẳn cũng là người bôn tẩu trong giang hồ.

Cô nương đó lên tiếng hỏi:
- Cô nương có sao không? Gã này định ức hiếp cô có phải không?
Vĩnh Niệm gật gật đầu, mắt vẫn không rời người đẹp trước mặt.

Thấy cô nương kia gằn giọng, nói vào tai gã họ Dương:
- Dương cẩu tử nhà ngươi mấy lần xuống đây gặp Kim Doãn cô nương ta bị nhừ người rồi mà vẫn không chừa thói bức hiếp con gái nhà lành.

Hôm nay ta sẽ bẻ tay ngươi để ngươi nhớ lấy mà không phạm nữa.
Không để gã van xin, cũng không kịp cho Vĩnh Niệm can ngăn, cô nương kia bẻ giật cánh khuỷu gã rồi ấn mạnh.

Chỉ nghe tiếng gã rú lên đau đớn, tay trái đã bị tháo khớp buông lõng thõng thả dọc theo người.

Gã gào lên:
- Kim Doãn Phụng cô nương tha mạng! Dương mỗ không dám nữa!
Kim Doãn Phụng lừ mắt, nói:
- Còn dám xưng Dương mỗ?
Gà họ Dương líu ríu, vừa nói vừa rên rỉ:
- Là Dương cẩu tử.
Kim Doãn Phụng gật gù nói:
- Nhớ đấy! Thôi giờ ngươi cút đi, tránh làm bẩn mất ta và cô nương này.
Tên thảo khấu kia nhăn nhó lết ra khỏi trà quán, lúc đó Kim Doãn Phụng mới định rời đi thì Vĩnh Niệm đã giữ lại, nói:
- Kim Doãn cô nương, ta lần đầu đến Quý Châu lạ nước lạ đất.

May có cô nương tương trợ nên mới không phải xuống tay với gã Dương cẩu tử kia.
Kim Doãn Phụng thấy Vĩnh Niệm nói định xuống tay với gã thảo khấu, bèn ngạc nhiên hỏi:
- Cô nương biết võ công sao?
Vĩnh Niệm mỉm cười nói:
- Ta là đệ tử của Nga My, tất nhiên cũng biết chút võ công.

Tuy không được tinh diệu như sư phụ nhưng cũng đủ dạy dỗ tên thảo khấu kia một bài học.
Vĩnh Niệm không dám nói mình học thêm Cửu Âm Chân Kinh của Băng Tâm.

Thái sư phụ có dặn việc cô luyện Cửu Âm Chân Kinh tuyệt đối không được nói cho người khác để tránh bị hãm hại hoặc bức bách lộ ra bí kíp võ công.

Giang hồ hiểm ác, không thể dễ dàng tin ai.

Vĩnh Niêm nhớ lời nên chỉ tự xưng là đệ tử của Nga My.

Kim Doãn Phụng mỉm cười, ngồi xuống nói:
- Ta nghe nói Chu chưởng môn của Nga My phái năm xưa hí lộng quần hùng, rất oai phong.

Đệ tử của Nga My hẳn bản lĩnh không nhỏ.

Cô nương hôm nay sao lại đến đây?
Vĩnh Niệm thấy Kim Doãn Phụng có vẻ là người ở địa phương này, bèn tranh thủ hỏi han tin tức của Trương Vô Kỵ:
- Kim Doãn cô nương hẳn là người ở đây, không biết thời gian gần đây có kẻ nào điên khùng, hung ác từ nơi khác đến không?
Kim Doãn Phụng nghe đến đây cũng lờ mờ đoán người Vĩnh Niệm muốn tìm là Trương thúc thúc, nhưng lại nghĩ Trương thúc thúc khi trước thần trí ma loạn, hẳn đã gây thù chuốc oán không ít trên giang hồ.

Cô nương này tìm thúc thúc không biết có ý tốt hay xấu, trước mắt không lộ ra vẫn hơn.

Nghĩ vậy nên Kim Doãn Phụng chỉ lắc đầu nói:
- Ta không gặp ai như vậy cả.

Không biết người nay với cô nương có quan hệ thế nào?

Vĩnh Niệm nhìn sâu vào mắt Kim Doãn Phụng, thấy trong đôi mắt đó dường như không có chút ác niệm nào, mới khẽ nói:
- Thái sư phụ dặn ta không được lộ danh tính của người đó.

Nhưng ta thấy cô nương không có ác ý nên mới nói.

Người đó là tế tử của thái sư phụ, lại là bá bá của ta.

Thái sư phụ nói, nhà bá bá gặp nạn, không rõ tung tích nơi nào nên suốt nhiều năm bôn ba dò la tin tức.

Ta và thái sư phụ dò được đến đây thì cũng mất không ít công lao.
Kim Doãn Phụng lúc đó mới hay Vĩnh Niệm là điệt nữ của Trương Vô Kỵ, bèn nói:
- Thực ra..
Chưa dứt lời thì ngoài cửa trà quán đã vang lên tiếng quát lác:
- Kim Doãn Phụng! Ngươi mau ra đây! Hôm nay ngươi đắc tội với Lưỡng Long Trại thì chớ có mong sống được.

Nếu ngươi không ra, chúng ta sẽ san bằng trấn này!
Kim Doãn Phụng nghe tiếng, nói với Vĩnh Niệm:
- Cô nương, bọn người Lưỡng Long Trại đến đây trả thù cho gã họ Dương kia.

Cô là người nơi khác đến, tốt nhất không nên can dự vào.

Để ta xuống xử lý mấy tên giặc quèn này.
Vĩnh Niệm túm tay Kim Doãn Phụng nói:
- Bọn họ chưa biết thế nào nhưng nghe tiếng chân ngựa có đến hơi hai chục người.

Mãnh hổ nan địch quần hồ.

Kim Doãn cô nương nếu bây giờ xuất hiện cũng không dễ đối phó gì
Kim Doãn Phụng cương quyết nói:
- Bọn người Lưỡng Long Trại này rất tàn ác.

Nếu không ra mặt nhất định chúng sẽ hại người dân nơi đây.

Cô nương không cần lo.

Ta sẽ có cách.
Nói đoạn, Kim Doãn Phụng đã tung người như phi yến từ tầng hai trà quán xuống phố, ngênh mặt nói:
- Kim Doãn Phụng ở đây! Các ngươi chớ có làm càn!
Chưa dứt lời thì đã thấy Vĩnh Niệm khinh công xuống ngay sau lưng, cũng vênh mặt nói:
- Dương Vĩnh Niệm, đệ tử Nga My ở đây, các ngươi khôn hồn thì mau xuống ngựa lạy hai cô nương chúng ta ba vái, thề không được đến đây gây sự nữa rồi cút đi.

Chúng ta nghe hợp tai sẽ tha mạng cho các ngươi.
Đám người thảo khấu kia cưỡi ngựa, màu giáp đỏ rực cả một đoạn phố, nhìn hai cô nương nhỏ nhắn trước mặt mà buông đại khẩu khí, ngạc nhiên mà cười ồ lên.

Một tên cưỡi ngựa đi đầu, xem ra là thủ lĩnh đám này, vừa cười vừa châm chọc:
- Hẳn là hai cô nương này là tiên nữ trên trời xuống, sau lưng có Thái Thượng Lão Quân phù trợ nên mới có khẩu khí vậy.

Nói các ngươi biết, dẫu có là ông trời đứng đằng sau các ngươi thì ta cũng không sợ.

Ta trước nay chưa được nếm mùi tiên nữ.

Để xem đêm nay nếm thử hai nàng có hương vị khác với đám gái quê hay không?
Gã nói đến đây bỗng thấy có một luồng khí lành lạnh sau gáy, chưa quay lại thì có tiếng người âm trầm vang lên:
- Đứng sau lưng hai cô nương đó chắc chắn không có ông trời.

Nhưng đứng sau lưng ngươi thì là quỷ đấy.

Ngươi cứ nói thêm đôi câu nữa đi.

Nói nhanh không chút nữa chết rồi lại không nói được.
Cả đám thảo khấu quay lại thì thấy một lão hán tử râu tóc trắng như cước, ánh mắt như có điện, dáng đứng vững vàng, hông đeo tiêu ngọc.

Băng Tâm vừa đến đầu trấn thì thấy đám người này phi ngựa lướt qua, linh tính có chuyện không hay liền âm thầm khinh công đuổi theo.

Quả nhiên đám người này đến gây sự với đồ tôn của ông.

Gã thủ lĩnh thấy chỉ có một mình Băng Tâm, trong tay lại không có vũ khí gì, dù vẫn có cảm giác rờn rợn nhưng cũng hắng giọng nói:
- Lão là ai? Sao lại xen vào chuyện của Lưỡng Long Trại?
Băng Tâm cười nhạt, nói:
- Ta chỉ là một lão hán qua đường thôi.

Thấy các ngươi gây chuyện với đồ tôn của ta nên ta cũng muốn xem thử bản lĩnh của đồ tôn ta thế nào.

Vĩnh Niệm con ra tay chớ có nặng quá, ta không mang đủ bạc bồi thường đâu.
Vĩnh Niệm cười tít mắt, nói:
- Thái sư phụ ở đây rồi thì con nên thủy đả, địa đả hay thiên đả mấy tên này bây giờ?
Băng Tâm liếc nhìn ra bờ kênh, nói:
- Thủy đả đi!
Vĩnh Niệm gật đầu rồi hiên ngang bước ra.

Đám khảo khấu thấy hai ông cháu đối đáp như thể bọn chúng là bụi trên đường, muốn quét hất xuống nước lúc nào cũng được, trong lòng bực tức cũng xô ngựa đến, vung đao chém loạn.

Chỉ thấy Vĩnh Niệm thi triển bộ pháp Hoành Không Na Di, chỉ di chuyển rất ít, cốt yếu là né tránh đường đao của đám thảo khấu kia trong sát na.

Thấy loạn đao chém qua mà không chạm nổi đến ngù mũ của cô nữa.

Vĩnh Niệm lại khuynh tay xuất chưởng, một chiêu Thủ Huy Ngũ Huyền điểm đến thân ngựa.

Chiêu này dùng khí tụ năm đầu ngón tay, điểm đến địch nhân khiến địch nhân đau đớn, tê buốt khó chịu.

Đám ngựa bị đánh trúng, lồng lên khiến bọn thảo khấu ngã lăn lộn.

Mấy kẻ thấy vó ngựa trong cơn cuồng dại định nện vào người, tự nhủ phen này chết chắc rồi thì thấy trên lưng ngựa có bóng lão hán bình thản lướt qua, tay khẽ phát một hồi Cuồng Phong Chấn Lộ, đánh bay lũ ngựa xuống kênh.

Vĩnh Niệm và Băng Tâm người điểm kẻ gạt, thoáng chốc đã chỉ còn lũ thảo khấu nằm lăn trên đường, mặt cắt không còn hột máu.

Đám ngựa dưới kênh thì lóp ngóp bơi dần dần vào bờ, đứng rũ nước tựa như không có gì xảy ra vậy.

Băng Tâm tiến lại gần tên thủ lĩnh, mỉm cười nói:
- Các ngươi còn không mau xuống kênh, chẳng lẽ chờ ta bế xuống chắc?
Tên thủ lĩnh tựa như đứng trước một con gấu đói, hốt hoảng hét lên rồi lao mình nhảy ùm xuống kênh.

Đám thuộc hạ cũng lóp ngóp lao theo, tất cả cuống cuồng xuôi theo dòng kênh mà bơi về trại.

Băng Tâm phủi tay, hỏi Vĩnh Niệm:
- Ta trước khi cho con vào trấn, có dặn thế nào?
Vĩnh Niệm lúng búng, ấp úng nói:
- Thái sư phụ dặn là vào trấn không được gây chuyện.
Băng Tâm nghiêm giọng:
- Vậy đám thảo khấu kia tìm con là sao? Có phải con chọc tức gì bọn chúng nên mới vậy không?
Kim Doãn Phụng đứng cạnh thấy vậy vội lên tiếng đỡ lời:
- Xin tiền bối bớt giận.

Chuyện này là do tiểu nữ cả.

Tiểu nữ thấy tên thảo khấu đó vô lễ với cô nương đây nên mới dạy dỗ hắn một chút.

Không ngờ lại gây chuyện phiền hà đến cho hai người.
Băng Tâm nhìn Kim Doãn Phụng hỏi:
- Cô nương đây là?
Kim Doãn Phụng ôm quyền thi lễ, kính cẩn thưa:
- Tiểu nữ Kim Doãn Phụng, là người dân ở Quý Châu này.

Hôm nay hân hạnh được yết kiến tiền bối.
Băng Tâm nhíu mày, hỏi:
- Có phải cô nương đây là con gái của Kim Doãn Phật và Thượng Quan Ẩn không?
Kim Doãn Phụng ngạc nhiên hỏi:
- Tiền bối biết phụ mẫu của tiểu nữ sao?
Băng Tâm gật đầu, nói:
- Năm xưa cha mẹ cô nương còn hành tẩu giang hồ cũng rất có tiếng tăm.

Ta cũng đã từng đôi lần gặp gỡ.

Gọi quen biết thì khó, nhưng cũng đã so chiêu một vài lần.
Kim Doãn Phụng hỏi:
- Vậy mạo muội hỏi, tiền bối tôn danh là gì?
Vĩnh Niệm nhanh mồm trả lời:
- Thái sư phụ của ta là người võ công đệ nhất thiên hạ, Băng Tâm đó.
Băng Tâm vươn tay cốc đầu Vĩnh Niệm một cái đau đớn, nạt:
- Không được nói linh tinh.

Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân.

Tự nhận mình là thiên hạ đệ nhất chả hóa là làm trò cười cho thế nhân sao?
Vĩnh Niệm ỉu xìu không nói nữa.

Nhưng cô chợt nhớ ra khi nãy ở quán trà Kim Doãn Phụng còn nói dở gì đó, bèn hỏi:
- Cô nương, khi nãy ở quán trà ta có hỏi về bá bá của ta.

Cô nương có biết bá bá của ta chăng?
Kim Doãn Phụng cắn môi, gật đầu nói:
- Trương thúc thúc thời gian trước qua đây, có tá túc ở nhà của cha mẹ tiểu nữ một thời gian.

Nhưng rồi thấy thúc thúc bảo phải tìm Khởi Nguyên Đạo Quán nên đã cùng cha mẹ tiểu nữ lên đường rồi.
Băng Tâm vội hỏi:
- Trương Vô Kỵ cùng cha mẹ cô nương lên đường từ khi nào?
Kim Doãn Phụng bấm ngón tay nhẩm tính, cũng có đã hơn một tuần.

Băng Tâm vui vẻ nói:
- Vậy cũng mới đi chưa xa lắm, phiền cô nương có thể chỉ ta hướng họ đi để ta đuổi theo chăng?
Kim Doãn Phụng chỉ tay theo con đường lộ hướng Đông Bắc, nói:
- Họ theo hướng đường lộ này đi.

Còn Khởi Nguyên Đạo Quán ở đâu thì tiểu nữ cũng không rõ.
Băng Tâm ôm quyền cảm tạ rồi bảo Vĩnh Niệm mau vào trả quán lấy đồ đạc rồi lên đường.

Vĩnh Niệm quyến luyến cầm tay Kim Doãn Phụng nói:
- Kim Doãn cô nương, hôm nay ta đến Quý Châu mà không kịp ở lại.

Sau này chẳng biết còn gặp lại được không.

Ta họ Dương, tên Vĩnh Niệm.

Mai sau có dịp lên Nga My Sơn chơi nhớ tìm ta nhé.
Kim Doãn Phụng cũng rất mến người bạn mới này, gật đầu nói:
- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

Ta cảm giác nhất định chúng ta sẽ có ngày tái ngộ.

Cô nương mau lên đường thôi không muộn.
Hai người tạm biệt nhau xong thì đã thấy bóng Băng Tâm đi xa lắm.

Vĩnh Niệm vội khinh công đuổi theo.

Hai cô nương gặp nhau hôm nay, nào ai biết sau này lại rơi vào một duyên kỳ ngộ...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui