Tàn Dương Kiếm - Lãnh Nguyệt Đao


Vong Nhân Cốc, đối với nhiều người đi lại trong giang hồ chỉ là một địa danh trong truyền thuyết, nơi những kẻ bị ruồng bỏ trú thân.

Địa danh đó ở đâu, ai không phải người trong Vong Nhân Cốc đều không dám chắc.

Chỉ đồn là đó là một vùng thung lũng quanh năm sương mù dày đặc, bao bọc bởi những cánh rừng "tà linh", cánh rừng già nguyên sơ đến nỗi mỗi cây cối trong rừng đều có linh tính.

Vong Nhân Cốc quanh năm đã âm u, vào mùa đông lại càng thêm rét mướt, linh dị đến lạ kì.

Kẻ nào đã vào, hoặc chết, hoặc sống, nhưng đều sẽ ở lại nơi đây đến khi đèn sinh mệnh tắt.

Cư dân trong rừng không phải những kẻ cùng hung cực ác thì cũng thập phần quái kiệt.

Cư dân nơi đây sống tách biệt, không tin ai ngoài bản thân mình, nhưng có một luật bất thành văn rằng nếu kẻ nào không phạm một trong thập đại tội thì không được tiến vào cốc.

Người vào trong cốc cũng không còn được trở ra.

Luật này được hết thảy mọi người trong cốc ngấm ngầm ủng hộ, và ba người chấp hình giới luật chính là Tam Vương: Thiên Vương, Địa Vương, Nhân Vương.

Ba người này chẳng ai biết về thân thế của họ, cũng chẳng biết họ võ công cao đến đâu nhưng chưa có ai gặp họ ra chiêu mà còn sống để kể lại.

Lại nói, Thương Tùng đang nhíu mày nhìn hai chữ Kiếm Ma mà kẻ câm kia khắc trên đá, thì bỗng thấy xung bỗng tịch mịch lạ thường như thể có ai vươn tay bịt lấy tai cậu vậy.

Không khí ngày đông đã lạnh nhưng vạn vật ít nhiều còn thở được.

Nhưng từ đâu, theo tiếng chân người đi khe khẽ, lồng ngực ai ai cũng như bị bóp nghẹt lại, phải mở mồm thật to mà cố hít lấy hít để những làn khí lạnh buốt.

Nhanh như cắt, kẻ điên kia lao đến bịt chặt mồm Thương Tùng rồi dúi cậu ép sát đất, ẩn dưới một bụi cây rậm rạp.

Bản thân lại tung người ra trảng cỏ, tiếp tục luyện kiếm.

Quả nhiên chỉ vài khắc sau, có hai người bước đến.

Một người vận bạch y, bịt mắt bằng một tấm lụa thiên thanh, toát ra khí chất vân đạm phong kinh, xem nét mặt có lẽ cũng đang vào độ trung niên.

Người kia lại vận hồng y, nai nịt gọn gàng, vai khoác phi phong đỏ thêu hình lửa vàng toát ra khí thế bức người, tuổi chừng độ ngoại ngũ tuần.

Thương Tùng nằm trong bụi rậm cảm thấy áp lực kinh người, thở không dám thở, chỉ lén lén ghé mắt nhìn ra.

Người mặc hồng y nói:
- Kiếm Ma, tìm ngươi thực không dễ.

Sao ngươi không mặc nhuyễn phục và mang mặt nạ?
Kiếm Ma lẳng lặng bứt một chiếc lá búng vèo lên tầng lá trên đầu.

Chiếc lá mảnh mai là vậy mà trong tay Kiếm Ma bắn đi tựa như một mũi cương tiêu, cắt ngọt qua đám dây leo chằng chịt trên đầu, để rơi xuống một bộ dạ y nhuyễn phục và một chiếc mặt nạ không có miệng.

Hắn nhặt áo và mặt nạ lên, đưa lại cho người mặc bạch y.

Người mặc bạch y đưa tay cầm lấy, gằn giọng nói:
- Ngươi thân là Nhân Vương mà lại ra tay giết liền một lúc hai mạng người trong cốc.

Ngươi chán sống rồi sao?
Kiếm Ma thoáng có chút ngại ngần, nhưng rồi cũng nhìn thẳng vào mặt người kia, lấy kiếm vạch xuống đất mấy chữ: "Bất Hối".

Thấy người mặc hồng y ghé tai nói thầm hai chữ này cho bạch y nhân mới hay gã áo trắng kia bị mù.

Nguyên lai Tam Vương tuy võ công cao thâm nhưng đều có khiếm khuyết, đại diện cho ba nỗi hận của cư dân Vong Nhân Cốc.

Thiên Vương bị mù, là hận thanh thiên không có mắt, dồn người vào đường cùng.

Địa Vương không nghe được, là hận đất dày không nghe được nỗi oán thán của người dân.

Nhân Vương bị câm, tức hận người có miệng mà lại không được nói, không thể minh oan, không thể phân phải trái, bị lưu lạc đến nơi này.

Lại nói Thiên Vương nghe Kiếm Ma tỏ ý bất hối liền nổi giận, nghiến răng nói:
- Ngươi thân là Nhân Vương, vốn là người chịu trách nhiệm chấp hành cốc luật, lại dám có ý phản nghịch! Hôm nay để ta xem bản lĩnh ngươi đến đâu mà dám chống lại di huấn của Vong Nhân Thần Lão!
Dứt lời, hai người Thiên Vương, Địa Vương chia nhau đứng trước sau Kiếm Ma hòng chặn đường lui.

Thiên Vương vung tay một cái, tà áo phất qua thu lại đã thấy trong tay một đôi truỷ thủ.

Đôi truỷ thủ này dài hơn Nga My Thích chừng bốn, năm tấc, lưỡi lại gấp khúc như tia sét.

Thanh truỷ thủ này vừa xuất, hàng trăm thanh kiếm từ dưới đất lao vút lên lơ lửng trong không trung, bao vây lấy Kiếm Ma như lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.

Đôi Vạn Kiếm Phục này năm xưa chính Vong Nhân Thần Lão dùng sắt trong thiên thạch mà rèn, dùng máu của mình để nhập hồn lại phong bế dưới đất Vong Nhân Cốc hơn ba mươi năm mới truyền lại cho Thiên Vương.

Tương truyền đôi truỷ thủ này có danh là "Nhất Kiếm Khởi, Vạn Kiếm Phục", một khi xuất ra, vạn kiếm trong thiên hạ đều phải cúi đầu.

Địa Vương lại từ tốn lấy ra một loại vũ khí khá kỳ lạ.

Dài tựa nhuyễn tiên nhưng thân là những lưỡi dao vừa mảnh vừa sắc nối lại.

Đầu roi ánh màu huyền lục vừa nguy hiểm, vừa ma mị.

Vũ khí này xuất thân không hiển hách như đôi Vạn Kiếm Phục nhưng cũng là chính tay Vong Nhân Thần Lão rèn nên.

Khi thử kiếm của đôi Vạn Kiếm Phục, hàng trăm thanh kiếm đã bị chém gãy, trong đó có không ít thanh bảo kiếm.

Vong Nhân Thần Lão thương tiếc những thanh bảo kiếm đó mà thu lại những mảnh kiếm gãy, lại dùng đó mà rèn nên thanh Ngô Công Xích Liên Đao.

Thanh liên đao này mang theo nỗi oán hận của bảo kiếm không còn nguyên vẹn, tự đầu đao xuất kịch độc xanh lè tựa nọc rết.

Vong Nhân Thần Lão thấy thanh đao này âm độc, vốn không định dùng nhưng nhị đệ tử Địa Vương bản tính âm trầm át được oán khí của thanh đao nên mới truyền lại cho.
Kiếm Ma cũng xuất kiếm, lại trở bao kiếm cầm chắc trong tay kia, thành thế song kiếm.

Tuy đối diện với hai cao thủ nhưng xem ra Kiếm Ma không có chút nao núng, chỉ đứng thả lỏng người, chỉ mũi kiếm vào Thiên Vương, lại quay đầu bao chĩa vào Địa Vương.

Hai người kia di chuyển đến đâu, mũi và đầu bao kiếm chỉ theo đến đó.

Không gian đang tĩnh lặng đột ngột ngân lên tiếng roi rung vang vọng.

Địa Vương khẽ lắc roi, thân roi vốn là những lưỡi đao nối lại như sợi xích tạo ra tiếng lắc rắc, lạo xạo như một con rắn hổ mang đang chuẩn bị tấn công.

Bất ngờ Thiên Vương sử chiêu Nhất Kiếm Thành Danh, chân không cử động nhưng người phiêu hốt lướt về phía trước, đôi truỷ thủ chĩa về phía trước.

Thương Tùng thấy chiêu thức tuy có chuẩn xác nhưng tốc độ không có gì đặc biệt, khoảng cách lại xa vậy thì không khó để né tránh.

Nhưng lại thấy trăm cây kiếm khi nãy đang bao vây quanh Kiếm Ma bỗng bay tụ lại về một hướng, theo mũi chỉ của đôi truỷ thủ kia ào ạt lao đến như một đàn chim loạn hình.

Tiếng kiếm xé gió lao đến tựa như một cơn bão, nhưng Kiếm Ma không nao núng, chỉ khẽ lắc người qua lại, tay vung kiếm đỡ gạt.

Kiếm của Kiếm Ma chỉ khẽ chạm vào mũi kiếm của loạn kiếm vũ, chân nhẹ nhàng di chuyển tựa như đang đi dạo trong cơn mưa xuân lất phất, vươn tay bắt cánh hoa đào rơi.

Kiếm vũ của Thiên Vương có đến trăm ngàn đường kiếm đánh tới cùng lúc mà mỗi kiếm chiêu đều bị Kiếm Ma né trong sát na hoặc điểm cho lệch đi một chút.


Thương Tùng trợn mắt nhìn, miệng không kìm được mà thốt lên:
- Tuyệt diệu!
May cho Thương Tùng là tiếng của cậu bị chìm trong tiếng kiếm đan nhau, và tiếng kiếm đan nhau đó cũng khỏa lấp đi tiếng xì xào của thanh Ngô Công Xích Liên Đao.

Địa Vương đứng phía sau âm thầm khiển đao lao vút đến, nhằm lưng Kiếm Ma mà đâm tới.

Kiếm Ma cảm thấy có luồng sát ý, tay trái hoành bao kiếm, gạt liên đao ra.

Nào ngờ liên đao vốn tính mềm dẻo, Địa Vương chỉ khẽ lắc nhẹ tay đã thấy đao đổi hướng, lại chéo xuống bắp đùi của Kiếm Ma mà chém tới.

Phía trước, vũ kiếm của Thiên Vương đã chuyển thế.

Thiên Vương bắt chéo hai thanh truỷ thủ, đưa lên đầu, lại thấy vạn kiếm tụ lại thành một thanh kiếm khổng lồ trên đầu Kiếm Ma, theo lệnh của đôi Vạn Kiếm Phục chém xuống.

Lưỡng đầu hung hiểm, Kiếm Ma quyết định búng người lao nhanh về phái Thiên Vương, luồn dưới đường chém của vạn kiếm mà trực diện tấn công.

Chiêu này tưởng là tự sát mà minh triết vô cùng.

Đứng giữa hai đầu thọ địch, nếu không tập trung xử lý một đầu nhanh gọn, càng dùng dằng lâu càng dễ vong mạng.

Trong sát na, liên đao của Nhân Vương chém hụt chân Kiếm Ma.

Kiếm trong tay Kiếm Ma đã xuất đến gần yết hầu Thiên Vương.

Kiếm đi nhanh không tưởng, không hình không bóng, không hoa mỹ, chỉ một chiêu tất sát.

Ngỡ phen này Thiên Vương đỏ máu mà không ngờ đôi truỷ thủ Vạn Kiếm Phục đã nhanh như chớp bắt chéo khóa kiếm chiêu của Kiếm Ma.

Thiên Vương ngạc nhiên, nói:
- Vạn Kiếm Phục xưa nay chém sắt như bùn, đến cả những thanh bảo kiếm như Minh Thắng, Trạm Lư, Ngự Tà đều không bằng.

Lẽ nào thanh kiếm cùn trong tay ngươi lại cứng hơn sao?
Kiếm Ma vẫn không dừng chiêu kiếm, vận lực rung lưỡi kiếm đang bị kiềm chặt giữa hai lưỡi truỷ thủ.

Kiếm rung mỗi lúc một mạnh, chỉ thoáng sau hai truỷ thủ đã bị bật tung.

Kiếm Ma chỉ cần tiến thêm một bước đã có thể đoạt mạng Thiên Vương.

Nhưng Ngô Công Xích Liên Đao đã nhanh chóng chém đến, giải nguy cho Thiên Vương.

Hai người Thiên Vương, Địa Vương đã luyện công với nhau nhiều năm, tâm ý tương thông, dù kẻ không nhìn, người không nghe thì kiếm chiêu vẫn liên tục bổ khuyết cho nhau, tuyệt không có chút sơ hở.

Kiếm Ma vào thế Ngự Thuỷ Bình Ba, xoay người trên không trung lia kiếm thành vòng tròn nhằm mắt Địa Vương chém tới, lấy công làm thủ, tay còn lại sử bao kiếm quét qua chân Thiên Vương theo lối Ô Long Lược Địa.

Hai người kia thấy kiếm pháp của Kiếm Ma quả thực tinh kỳ, nhưng lại không có đường lối chiêu thức nào cả.

Cả hai đâu hay rằng chính là vô kiếm thắng hữu kiếm, trong kiếm chiêu của Kiếm Ma là thuận theo chiêu thức của hai người bọn họ mà hình thành thế phản kích.

Di công vi thủ, vô kiếm địch hữu kiếm, chính là yếu lí của Độc Cô Cửu Kiếm vô địch thiên hạ năm xưa đó sao.

Độc Cô Cửu Kiếm đã thất truyền qua nhiều năm, đến nay cũng chẳng ai biết kiếm pháp đó thế nào.

Nay chỉ thấy Kiếm Ma vung kiếm tưởng loạn mà bất loạn, ung dung phá chiêu thức của hai người Thiên Vương và Địa Vương.

Nhưng cũng nên biết Vạn Kiếm Liên Đao Trận do Vong Nhân Thần Lão dày công nghĩ ra cũng vô cùng tinh diệu.

Liên đao hòa song kiếm, công thủ tuần hoàn, chiêu thức liên miên bất đoạn, lấy dài bù ngắn, lấy nhanh bù chậm, tựa như một vòng âm dương hợp thái cực vô cùng kín kẽ khiến Kiếm Ma nhất thời chưa tìm được cách hóa giải.

Ba người so chiêu đã qua trăm hiệp, không khí thì lạnh như băng mà nơi tam vương giao chiến nóng tựa lò nung.

Thương Tùng nín thở xem trận quyết đấu vô tiền khoáng hậu này mà không hay có một con rắn lục đã cheo leo trên đầu cậu từ khi nào.

Bất thình lình con rắn đó xà xuống cắn vào cổ cậu.

Nhưng người cậu đã được Kim Thân Thiết Cốt Hoàn luyện thành mình đồng da sắt, đao thương đâm còn không được nữa là răng rắn.

Tuy vậy cũng khiến cậu giật mình, chính là lúc đại họa lâm đầu vậy.

Thương Tùng vì bất ngờ mà tay đụng gãy một khúc cây mục.

Tiếng gãy rất nhỏ nhưng cũng không thoát được khỏi đôi tai tinh tường của Thiên Vương.

Chỉ khẽ gảy truỷ thủ đã phát động năm, sáu thanh kiếm nhằm nơi có tiếng động phi đến.

Kiếm Ma không hay Thương Tùng có Kim Thân Bất Hoại, sốt ruột mà tung người, đưa kiếm tương cứu, trong lúc mất tập trung mà lộ sơ hở.

Địa Vương không bỏ lỡ cơ hội, điểm liên đao lao vút tới.

Thương Tùng thấy Kiếm Ma vì mình mà gặp nguy, không đành lòng bèn nhặt ngay lấy một thanh củi, đoạn sử Thê Vân Tung lướt ngay đến, vung thanh củi theo bộ Lục Ngự Phục Ma của Võ Đang đánh tới.

Tiếc thay trong tay cậu không phải Võ Đang trường kiếm mà là một thanh củi mục, gặp liên đao của Địa Vương khác gì lấy trứng chọi đá, chẳng những không cản được chiêu, mà liên đao còn điểm thẳng đến ngực cậu.

Quỷ Y xem ra lần này đạt thành tựu lớn, con chuột lang của ông nhờ Kim Thân Thiết Cốt Hoàn mà năm lần bảy lượt thoát chết.

Lần này cũng vậy, liên đao điểm trúng ngực Thương Tùng chỉ làm cậu văng bắn ra xa năm sáu trượng mà trên người không có vết xây xước nào.

Địa Vương cả kinh, không biết từ khi nào trong rừng lại có kỳ nhân xuất hiện.

Vì sự cố này mà cuộc giao chiến chậm lại một chút.

Thiên Vương thấy Địa Vương chần chừ, bèn vung truỷ thủ, khiển kiếm hóa chữ hỏi:
- Sao vậy?
Địa Vương gằn giọng nói chậm rãi:
- Nhân Vương có kì nhân yểm trợ.

Đao thương bất nhập.
Thiên Vương cau mày, suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Nay ta tạm tha cho ngươi! Nhưng nếu trong vòng một tuần trăng nữa ngươi không đeo lại mặt nạ Nhân Vương, đừng nói ngươi chỉ có một kẻ yểm trợ mà có thiên binh vạn mã cũng không cứu được đâu.
Nói rồi Thiên Vương thu lại truỷ thủ.

Vạn kiếm đang lơ lửng trong không trung đều rơi cả xuống đất không khác gì một tử địa.

Địa Vương và Thiên Vương rời đi, Kiếm Ma cũng không đuổi theo.

Chỉ khi thấy không gian đã có phần ấm hơn một chút, chim muông đã thôi náu mình, lúc đó Kiếm Ma mới thở phào nhẹ nhõm.

Ông quay lại, nhìn Thương Tùng, lấy kiếm vạch xuống đất:
- Ngươi có phúc lớn.
Thương Tùng mỉm cười, nói:
- Tiền bối đã cứu vãn bối một mạng.

Vãn bối chỉ cố hết sức thôi.
Kiếm Ma gật đầu, tỏ ý hài lòng.

Thấy trời sắp tối, Kiếm Ma xua tay ra hiệu bảo Thương Tùng trở về đi.


Thương Tùng dù lưu luyến chưa muốn rời nhưng cũng đành cáo biệt.

Trước khi đi Thương Tùng có quay lại hỏi:
- Ngày mai vãn bối lại đến thăm tiền bối nhé?
Kiếm Ma lắc đầu, tỏ ý không bằng lòng.

Đoạn lấy kiếm chỉ về hướng hai người Thiên Vương và Nhân Vương vừa đi, lại đưa tay vạch một đường lên cổ, ý nói rất nguy hiểm nếu Thương Tùng quay lại.

Đoạn, Kiếm Ma tung người khinh công bỏ đi ngay.

Thấy thân pháp ông nhẹ nhàng như gió, ẩn hiện trong lớp sương mù quanh năm của Vong Nhân Cốc như một linh hồn.

Thương Tùng không làm cách nào, đành ôm mớ củi, trở lại động của Quỷ Y..
* * ********
Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
Tỉnh thủy vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả,
Thử tâm trung bất dao.
Túng bị nhân khiên xả,
Nhất dao hoàn phục chi.
Trạm trạm nhất phiến tâm,
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy
Dịch:
Trăng sáng soi giếng cổ,
Chẳng gợn sóng nước trong.
Nước không ai khua động,
Lòng này không xuyến xao.
Dù có người khuấy động,
Thoáng chốc lại yên bình.
Vằng vặc lòng một mảnh,
Giếng ngả đón trăng trong.
Ngả người trên thuyền neo bến Bạc Sa, Triệu Mẫn thấy trăng nơi đây sáng quá.

Sáng chẳng thua gì trăng nơi đại mạc quê nàng.

Nhớ ngày đó khi Vô Kỵ tìm thấy nàng nơi thảo nguyên Hoàng Hoa đó, nàng đã múa điệu múa cổ truyền dưới ánh trăng bạc cho chàng xem.

Trăng nơi mỏm đá đó cũng sáng như trăng đêm nay, chỉ là người bây giờ lẻ bóng mà khiến ánh trăng thêm lạnh.

Nhìn ánh trăng lao xao theo nhịp sóng nhẹ nơi bến thuyền, nàng lại thêm nhớ Vô Kỵ da diết.

Từ khi gia đình gặp nạn, nàng chẳng có chút tự do nào, càng không nói đến cơ hội đi tìm lại Vô Kỵ.

Hẳn giờ chàng cũng lo lắm.

Đã tám năm rồi chẳng biết chàng có còn tìm thiếp không? Hay chàng đã tuyệt vọng mà ngã gục nơi yên thanh nhược thuỷ nào hay chăng?
Nước mắt nàng vô thức chầm chậm rơi ướt má, chảy qua môi lại làm hoen chút son nồng.

Bỗng thấy bên cạnh có ai đưa cho nàng một chiếc khăn lụa, ngỡ là Tiểu Chiêu không ngủ được lên mạn thuyền chơi, quay đầu sang thì thấy Hỏa Thần đã đứng đó từ khi nào, trong tay vẫn giữ một chiếc khăn lụa xanh biếc.

Hỏa Thần nói:
- Tối nay ta thấy Triệu cô nương không qua, trong lòng lo lắng không biết có phải có chuyện bất trắc gì nên mạo muội đến thuyền tìm.

Lên thuyền không báo trước, mong cô nương lượng thứ.
Triệu Mẫn khách khí nói:
- Đa tạ giáo chủ đã quan tâm.

Tiểu nữ chỉ là lạ đất lạ nước, trong người có chút mỏi mệt, lại hơi khó ngủ nên tối nay ngồi đây vãn cảnh, không dám đến phiền giáo chủ.

Đêm cũng khuya rồi, mời giáo chủ hồi giáo, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Hỏa Thần gật đầu tỏ ý cáo từ rồi định rời đi, bỗng nhìn thấy ánh trăng bàng bạc sóng sánh nơi bến nước, bất giác thở dài nói:
- Nơi ta sinh ra cũng có một bến nước như vậy, nhưng rất ít thuyền bè neo đậu.

Khi còn rất nhỏ, ta thường trốn nhà ra bến ngắm trăng trên sóng nước, buông câu đến sáng mới về.
Triệu Mẫn có chút hiếu kỳ, hỏi:
- Giáo chủ không phải người ở đây?
Hỏa Thần gật đầu, nhìn về phía chân trời xa xôi, hít một hơi thật sâu để cảm nhận những cơn gió mặn mòi từ biển phà vào mặt mát lạnh, trầm giọng nói:
- Ta sinh ra ở một làng chài nghèo ở Ô Nhĩ Mân.

Làng ta tuy nhỏ nhưng rất yên bình.

Người trong làng chẳng biết gì là tham lam, vụ lợi, quanh năm chỉ lao thuyền ra biển kiếm chút cá tôm.

Nhưng rồi khi ta sáu tuổi, đám quân binh Bạc Sa càn qua làng.

Chúng bắt đàn ông đi lao dịch, xung binh.

Phụ nữ bị bắt làm kỹ nữ, nô lệ.

Đám trẻ con chúng ta, đứa thì bị đập chết tại chỗ, đứa lớn hơn tí thì cũng bị bán đi làm nô lệ.

Ta cũng không thoát khỏi kiếp nô lệ đó nên mới lưu lạc đến đất Bạc Sa này.
Ngoài kia cá thấy trăng lên cũng nổi đớp bóng quanh một vùng biển lặng.

Triệu Mẫn chợt thấy ánh mắt Hỏa Thần thư thái lạ thường.

Dường như hắn ta đã tận hưởng giây phút yên bình hiếm có này, chẳng có dáng vẻ gì của một kẻ đầy tâm cơ đã mưu chuyện đoạt thiên hạ cả.

Triệu Mẫn không kìm được, hỏi:
- Xem ra giáo chủ có vẻ thư thái khi ngắm cảnh trăng nơi biển vắng này.
Hỏa Thần gật gù, giọng hài lòng:
- Không hiểu sao khi ta lên thuyền này, trong lòng đã thấy thư thái lạ kỳ, chẳng còn vướng bận gì chuyện bản giáo hay thiên hạ nữa.

Có lẽ tại trăng đêm nay nên thơ, cũng có khi tại sóng nhẹ ru ta nghỉ, cũng có thể..
Đột nhiên Hỏa Thần quay đầu nhìn Triệu Mẫn, ánh mắt lộ rõ vẻ phức tạp, nói:
* * * Vì nàng..
Trong thoáng chốc Hỏa Thần đã chuyển gọi Triệu Mẫn từ cô nương sang nàng, người tinh ý như Triệu Mẫn sao không thể nhận ra.

Nhưng quả nhiên sự việc có chút đột ngột, ngay cả nàng cũng có chút bối rối không nhỏ.

Nhưng may thay Hỏa Thần đã nhanh chóng cáo từ:
- Thôi đêm đã khuya, ta ở đây không tiện, xin cáo từ.

Hẹn mai gặp cô nương ở bản giáo.
Nói rồi Hỏa Thần thong thả đi xuống thuyền.

Triệu Mẫn thấy chiếc khăn lụa xanh vẫn để lại nơi ghế nàng ngồi.

Nàng gọi Hỏa Thần:
- Giáo chủ, chiếc khăn này..

Hỏa Thần quay đầu lại, khẽ mỉm cười rồi khinh công đi ngay.

Quả nhiên khinh cao linh diệu, chớp mắt đã thấy người ngoài trăm thước, thoáng cái đã mất bóng hình.

Triệu Mẫn thở dài nhìn chiếc khăn còn lại trên ghế.

Định cầm lấy để mai trả lại cho hắn thì một cơn gió biển đã nhanh tay cuốn lấy chiếc khăn đưa ra ngoài biển xa.

Nàng nhìn theo chiếc khăn lơ lửng theo gió, chơi vơi dưới ánh trăng bạc, lẩm bẩm:
- Thiên ý..
* * *
Thừa tuyên bố chính sứ ty Quý Châu, Vương Từ Thạch năm nay đội ơn Tể tướng Hồ Duy Dung lưu tình cất nhắc, gần đến ngày sinh thần có chuẩn bị một xe lễ vật, giao cho Lưỡng Long Tiêu Cục áp tải về Nam Kinh, dâng lên bề trên tỏ lòng hiếu kính.

Ngoài vàng bạc các vạn, tơ lụa đầy xe, các loại thổ sản quý hiếm ra thì có một bức tượng phật cổ bằng ngọc thạch rất quý hiếm.

Lại nói bức tượng này bằng ngọc trắng muốt, nhưng khi gặp người có thiện tâm đủ lớn sẽ tỏa ánh hào quang, ngược lại gặp ác khí lại hóa đen như đồng cổ.

Pho tượng Quán Tâm Bồ Tát này đã ở trong Dương gia phủ nhiều năm, giúp cho bao đời con cháu Dương gia nhận biết kẻ hiền, người ác mà tránh được nhiều tai kiếp, giá trị liên thành.

Sau này khi Dương gia suy vong, bức tượng cũng thất lạc trôi nổi trong loạn thế, nay không ngờ lại lọt vào Vương Từ Thạch thành quà sinh thần cho tể tướng.

Đoàn Trường Lạc, thân là phú hộ nức tiếng Quý Châu, lần chuyển sinh thần này tất phải có góp chút lễ vật.

Nguyên toàn bộ ba xe lớn lụa Hàng Châu đều do ông góp.

Trước lúc chuyến xe khởi hành, tất nhiên ông cũng có mặt, phát hồng bao cho đám bảo tiêu tỏ ý may mắn.

Hồng bao phát đến tay một thanh niên trẻ, thấy người này nhìn bề ngoài bình thường mà khí chất không hề tầm thường.

Đơn đao đeo chéo sau lưng, tóc thả lòa xòa trước mặt cũng không che được ánh mắt nửa chán nửa buồn của cậu quét qua đoàn xe lễ vật.

Thờ ơ nhận hồng bao từ tay Đoàn Trường Lạc, cậu chỉ nói trống không:
- Đa tạ.
Đoàn Trường Lạc mỉm cười, trong bụng thầm nghĩ thằng nhóc này tất có điều đặc biệt, phải lưu tâm.

Nhưng ông không nói gì, chỉ lấy tay vỗ vỗ vai cậu rồi đi phát hồng bao tiếp.

Thân là cao thủ đệ nhất, qua một cái vỗ vai ông đã cảm nhận được luồng nội lực hùng hậu trong người cậu thanh niên này.

Luồng nội lực rất quen, nhất thời ông cũng chỉ nghĩ ra được một người có mùi nội lực như vậy.

Nhưng người đó tuyệt không nhận đệ tử, chắc hẳn có sự trùng hợp nào chăng.

Đoàn Trường Lạc phát hồng bao có đến nửa buổi sáng mới hết đám bảo tiêu.

Chuyến hàng này giá trị vô cùng lớn nên Vương Từ Thạch đặc biệt mạnh tay chi tiền mời nhiều hảo thủ của Lưỡng Long Tiêu Cục đến bảo tiêu.

Hơn năm mươi cao thủ chia ra tám hướng, cưỡi ngựa đi bảo tiêu, ngẫm rằng trừ khi một sơn trại lớn nhất loạt ra tay mới mong có cơ áp đảo.

Đoàn Trường Lạc âm thầm ghi nhớ vị trí bảo tiêu, lại nhớ luôn cả đặc điểm đám bảo tiêu này từng người một.

Danh tiếng Đạo Vương không phải tự nhiên mà có.

Võ công của ông thừa sức cướp bất kỳ chuyến tiêu nào nhưng ông chỉ thích trộm.

Cảm giác nhón tay trong tĩnh lặng, đoạt đi vật quý phi nghĩa mà thần không biết, quỷ không hay mới là thú vị.

Lần này xem ra Vương Từ Thạch rất cẩn thận, bố trí hẳn bốn xe giống nhau để vận chuyển pho Quán Tâm Bồ Tát.

Đừng nói đến ông, ngay cả người áp tiêu cũng không biết được xe nào chứa tượng.

Muốn trộm, chỉ có cách tìm từng xe thôi.

Dẫu vậy giờ đẹp đã đến, Vương Từ Thạch và Đoàn Trường Lạc vẫy tay tạm biệt, chúc chuyến tiêu an toàn.

Đoàn Trường Lạc vừa cáo từ Vương Từ Thạch rẽ qua một ngã tư đường thì đã có một bóng người âm thầm tiến đến, nói:
- Sư phụ! Người định lúc nào tiến hành vậy?
Đoàn Trường Lạc ra dấu cho Kim Doãn Phụng giữ yên lặng, theo ông ra một trà quán nhỏ, vắng vẻ góc trấn.

Hai sư đồ gọi một ấm trà Thiết Quan Âm.

Nhấp một ngụm trà hơi đắng nhưng khi xuống cổ họng lại có vị ngọt dịu rất tuyệt, Đoàn Trường Lạc nói:
- Chuyến này bảo tiêu rất cẩn mật, con không thể theo ta được.
Kim Doãn Phụng nghe vậy, bĩu môi nói:
- Cái đám bảo tiêu vô dụng đó có bản lĩnh gì chứ.

Cái danh Lưỡng Long Tiêu Cục chẳng qua là hư danh thôi.

Ai chẳng biết đám người ở Lưỡng Long Sơn Trại với tiêu cục này cấu kết với nhau khuếch trương thanh thế.
Đoàn Trường Lạc lắc đầu, nói:
- Dẫu bọn chúng không có thực lực mười phần nhưng cũng có ba phần cao thủ.

Lần này Vương Từ Thạch bỏ tiền ra không ít, hẳn đám người đi bảo tiêu này cũng lắm kẻ thực tài.

Lần này trộm rất nguy hiểm, ta không thể để con theo được.

Nghe ta, mau trở về với Trương Vô Kỵ đi.
Kim Doãn Phụng nhún vai nói:
- Trương thúc thúc từ sáng nay đã đi rồi.

Cha mẹ con cũng đi theo thúc thúc ấy, đề phòng thúc ấy nổi ma tính thì có thể dùng thuốc để tạm trấn áp.

Con giờ về nhà cũng chẳng có việc gì.

Sư phụ cho con đi cùng với!
Đoàn Trường Lạc nghiêm mặt, nói:
- Ta nói không là không! Con cãi lời sư phụ sao?
Kim Doãn Phụng ít khi thấy sư phụ nghiêm giọng, nhưng mỗi lần đều cảm thấy rất đáng sợ.

Cô ỉu xìu nói:
- Vậy thôi.

Con không theo sư phụ nữa.

Con đi luyện công đây.
Đoàn Trường Lạc gật gù, xua tay:
- Phải đấy.

Công phu Thiểm Điện Ngân Ty của con phải chịu khó rèn luyện mới có thể thành tài được.
Kim Doãn Phụng đi rồi, Đoàn Trường Lạc cầm chiếc chén xoay xoay trong tay, nghĩ lại về luồng nội lực của cậu thanh niên bảo tiêu lúc nãy.

Thứ nội lực sắc bén, lạnh lẽo như một thanh bảo đao được rèn dưới ánh trăng thu cô độc này ông chỉ gặp lần đầu khi so chiêu với Hồ Phi Thiên.

Chẳng lẽ lão Hồ đã tái xuất giang hồ, lại thu nhận đệ tử.

Năm đó sau trận Vong Nhân Bình Võ, bốn người bọn họ bất phân thắng bại.

Giao đấu suốt năm ngày đêm không ngừng nghỉ mà không ai hơn nhau được một chiêu, đành giao ước hai mươi năm sau sẽ quay lại tỷ thí.

Hồ Phi Thiên và Nam Cung Thiết Tâm trước đó tự phụ rằng mình võ công độc bộ thiên hạ, lần này bình võ lại đến nước bất phân thắng bại, trong lòng quả thực bất nhẫn mà quy ẩn giang hồ, từ đó không ai nghe thấy tiếng tăm gì hai người đó.

Từ giờ đến lúc tái đấu còn những ba năm, lẽ nào sớm không sớm, muộn không muộn lão Hồ lại xuất hiện.

Đoàn Trường Lạc nghĩ bụng:
- Nếu tối mai mà lại xuất hiện lão Hồ..
Bất chợt ông lấy ngón tay vạch một đường lên chiếc chén nhỏ, cắt ngang chiếc chén làm đôi, nói thành lời:
- Thì chẳng phải thú vị lắm sao!
Đêm hôm sau là chính rằm nhưng ám vân tỏa tinh tà nguyệt tận, ánh trăng chiếu qua mây mù chỉ còn lờ mờ thứ ánh sáng nhàn nhạt.

Đi đêm trong rừng Mạnh Bà, đoàn hộ tiêu năm mươi người ai nấy đều soi đuốc, cần trọng cho ngựa đi sát theo đoàn xe sinh thần, mắt quan sát bốn phướng tám hướng vô cùng cẩn thận.

Bỗng từ khắp nơi nghe tiếng sói tru lanh lảnh, rợn người.

Lăng Lập Đỉnh dẫn đầu đoàn tiêu giơ tay ra hiệu cho đoàn ngựa xe dừng lại.


Quả nhiên thoáng chốc khắp nơi đã xanh lè hung quang sói đói.

Lũ sói khi thường cũng không dám tụ tập đông mà lại tấn công một đoàn tiêu đông đến vậy.

Nhưng nhìn mắt đám sói hau háu nhìn đoàn người ngựa như một bữa ăn ngon lành, một tiêu trưởng kinh nghiệm như Viễn Chính Bình cũng không thể không thoáng rùng mình.

Hắn ra lệnh cho toàn đội tiêu binh xuống ngựa.

Ngựa gặp sói rất hay hoảng hốt, người trên ngựa cũng vì thế mà gặp bất lợi.

Đám ngựa gặp ánh hồ quang trong mắt soi chỉ biết run rẩy hí những tiếng nhỏ nhỏ hoặc thở phì phì kinh hãi, đứng quấn cả lấy nhau, chờ một lúc thuận tiện sẽ tung vó chạy.

Một tiếng sói tru cất lên báo hiệu cuộc săn bắt đầu.

Đám sói tuy đói nhưng săn mồi rất bài bản.

Có những con to khoẻ lao tới tưởng như xông vào cắn mà thực ra chỉ là hút sự chú ý của đám tiêu binh.

Trong khi những con nhỏ yếu hơn lại nhanh chóng tận dụng sơ hở, lao vào tấn công những con ngựa hay gã bảo tiêu đứng lẻ.

Tiếng ngựa hí rầm trời, tiếng la hét, chửi thề vang vọng khắp trảng rừng thưa.

Trong cảnh rối loạn đó, không ai để ý đến một bóng người mặc áo dạ hành, che mặt kín chỉ lộ đôi mắt.

Người này nhanh chóng nhân lúc hỗn loạn, lẳng lặng sục sạo mấy xe chở tượng Quán Tâm Bồ Tát.

Số kẻ này cũng thật may mắn, có bốn xe nhưng chỉ tìm đến xe thứ hai đã thấy pho tượng quý.

Giấu tượng vào người, người này âm thầm rời đi ngay mà không để ý có một nam nhân từ đầu đã không màng lũ sói, chỉ lặng lẽ ẩn mình trên tán cây gần đó quan sát mấy xe chở tượng.

Thấy người mặc đồ dạ hành lấy tượng rời đi, nam nhân này cũng âm thầm khinh công theo.

Người mặc đồ dạ hành kia khinh công như phi yến, lượn sang trái, vòng sang phải, nhanh lẹ vô cùng.

Nam nhân kia cũng không vừa, không thi triển khinh công mà chỉ gia tăng cước bộ di chuyển lắt léo qua các thân cây bên dưới đuổi theo.

Khi đã cách xa khỏi đám bảo tiêu, người mặc dạ hành kia mới nhẹ bước giảm tốc, tủm tỉm lấy pho tượng ra ngắm nghía thì có tiếng người bất chợt vang lên:
- Lão già! Mau trả lại bức tượng cho ta! Ngươi đừng tưởng mang mấy xe vải ra là có thể loè được hết người trong thiên hạ!
Nam nhân đó chính là Tuệ Phong.

Ngay từ sáng khi nhận hồng bao, cậu đã có một linh tính rằng vị phú hộ họ Đoàn này hẳn tâm địa không đơn giản.

Lần này tặng mấy xe vải, sáng lại đích thân qua đưa hồng bao.

Một đại phú hào đâu nhất thiết phải thân chinh lo mấy việc nhỏ này.

Cậu để ý ánh mắt Đoàn Trường Lạc quan sát đoàn người ngựa rất kỹ, hắn có toan tính riêng.

Vì vậy từ lúc lên đường, cậu bất luận thế nào cũng không rời xe chở tượng phật một bước.

Quả nhiên tối nay lão ấy ra tay.

Đám sói kia hẳn cũng một tay lão sắp xếp.

Người mặc đồ dạ hành kia không nói không rằng, đôi ngân châm trong tay âm thầm phát ra.

Công phu Thiểm Điện Ngân Ty của Đoàn Trường Lạc năm xưa lẫy lừng một dải Quý - Dương vì ám khí đi không thấy tiếng, lại chăng thành thiên la địa võng khiến địch nhân như rơi vào lưới nhện, không thể thoát thân.

Châm bay chưa đến nơi, không để Tuệ Phong xuất đao cản phá thì thêm hai châm nữa đã phóng nhanh hơn, chạm hai châm trước làm đổi hướng, làm ngân ti chăng ra thành hai dải sắc lẻm chuẩn bị cắt tới Tuệ Phong.

Chiêu này là Hoàn Phong Lạc Diệp, xưa nay có thể biến chiêu của ám khí chắc chỉ có Đoàn Trường Lạc mới có bản lĩnh này.

Nhưng Tuệ Phong cũng đâu còn là đao khách non nớt.

Cậu nhếch mép cười, xuất đao theo lối Phách Không, mượn kình phong mà làm ngân ty rung động, không còn độ căng để cắt người.

Đoạn lại nhanh tay túm lấy, giật mạnh định theo đà lôi cả người dạ hành kia lại gần để chiếm tiện nghi.

Nên biết ám khí ít loại sử dụng khi cận chiến.

Năm xưa chỉ có Tào Nguỵ sáng tạo ra Quỳ Hoa Bảo Điển có thể dùng kim thêu vừa là ám khí, vừa là vũ khí, lợi hại vô cùng.

Còn lại các trường phái ám khí khác đều mượn xa chế ngự gần, mượn ám phối minh.

Nay người mặc dạ hành kia bị một tay Tuệ Phong kéo giật lại, cậu lại gia tăng cước bộ, bước tới một bước khiến kẻ kia lại càng bị rơi vào cảnh hung hiểm.

Tuệ Phong đị vung đao chém xuống, sử chiêu Triền Thân Chích Tâm trong Lãnh Nguyệt Đao Pháp, dĩ khách phạm chủ, chiết đao đoạn hận, tưởng đã có thể đắc thủ.

Nào ngờ người kia vóc người nhỏ nhắn, lại buông ngân ty, xuống tấn, song thủ đánh ngược lên nhằm khuỷu tay Tuệ Phong.

Chiêu này là Ỷ Địa Lập Thạch, mượn thế vững vàng của đất mà dựng tay đoạt tiên cơ.

Tuệ Phong nếu tiếp tục xuống đao tất sẽ bị song thủ kia chấn gãy tay.

Đệ tử lão Hồ võ công không đơn giản, cũng buông đao rơi xuống, tay hóa trảo sử Ỷ Thiên Giáng Lôi đánh xuống.

Nhất trảo đọ song quyền tất bất lợi, nhưng đó chỉ là hư chiêu, thực chiêu chính là ở thanh đao được thả ra, Tuệ Phong lại vận lực vào chân đá bắn đao chéo lên trời, nhằm yết hầu kẻ kia phi đến.

Cũng may người kia thân pháp linh hoạt, giác quan mẫn tiệp nên ngay lập tức nghiêng đầu né.

Nhưng đao cũng kịp cắt đứt lớp áo nơi ngực, làm rơi pho tượng ra ngoài, lại xuyên qua nút buộc mạng che mặt và bịt đầu.

Một mái tóc thề óng ả xõa ra quét vào mặt Tuệ Phong mát rượi.

Hương thoang thoảng của lá bưởi và chanh man mát khiến cậu ngỡ ngàng lùi lại.

Mắt cậu bỗng gặp ánh mắt đen láy, to tròn của người kia.

Làn da trắng sứ dưới trăng lại càng thêm sáng mịn màng, đôi môi đỏ khẽ mím lại tăng thêm vẻ kiều mị đến chết người.

Tuệ Phong lắp bắp:
- Ta..

ta xin lỗi..

Ta không biết ngươi là một cô nương..

lại xinh đẹp đến vậy..

ta..

ta..
Ánh mắt cậu vô tình thoáng nhìn lướt qua lớp ngực áo bị rách, thấy thoáng dải yếm đào càng làm cậu bối rối khiếp, nhắm tịt mắt lại quay đi.

Cô nương kia chẳng phải ai khác chính là Kim Doãn Phụng.

Tối nay cô quyết định hớt tay trên của sư phụ, nào ngờ gặp phải thứ dữ.

Bắt gặp ánh mắt của Tuệ Phong ái ngại nhìn dải yếm đào nơi ngực mình, Kim Doãn Phụng mặt đỏ như gấc, kéo áo che ngực, chỉ hét lên hai chữ:
- Dâm tặc!
Tuệ Phong nghe thấy hai chữ này đã thấy tai lùng bùng, bèn bịt tay, quay mặt đi.

Đến khi quay lại thì thấy chỉ còn pho tượng nằm trơ nơi thảm cỏ.

Thì ra Kim Doãn Phụng cũng ngượng quá mà quên cả lấy tượng quý, chỉ chăm chăm che áo rồi chạy đi ngay, trong lòng nguyền rủa gã dâm tặc kia không để đâu cho hết.

Từ nay hắn thấy cả rồi, sau này cô còn gả được cho ai nữa chứ.

Lại nói Tuệ Phong chờ hồi lâu không thấy Kim Doãn Phụng quay lại, đành nhặt pho tượng cất đi rồi trở lại đoàn bảo tiêu.

Đứng trên ngọn cây gần đó, Đoàn Trường Lạc mỉm cười ý nhị, tự nói:
- Xem ra lần này đệ tử của ta không lấy được tượng quý mà lại lấy được trái tim của ai rồi...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận