Phán Quan - Mộc Tô Lí FULL


∴QUYỂN 1: CỐ NHÂN CÕI TRẦN∴
Anh Văn nói với tôi, anh ấy là một kẻ có chết thôi cũng không xong.

Mỗi khi nhắm mắt và đợi đến một ngày nào đó của vài năm sau, anh ấy vẫn sẽ bò ra khỏi cửa vô tướng.
Tiết Thanh minh năm 1921, tôi còn nhớ rõ hôm đó trời mưa rất lớn ở Thiên Tân Vệ.

Đó là lần thứ mười một anh ấy bước ra khỏi cửa vô tướng, máu me bê bết cả người.

Tôi chạy tới đỡ anh, thật sự không nhịn nổi phải hỏi một câu.
Tôi nói anh tội gì phải làm vậy, đi cũng đi rồi, sao cứ phải sống sót trở về, có phải có ai không chịu buông tay không?
Anh ấy không hề dễ thân như lời đồn.

Anh chưa để ý tới tôi lần nào mà đã xoay người đi mất, nửa buổi sau anh mới quay đầu hỏi tôi có gì để ăn không?
Sau này lật xem mấy quyển sách cũ tôi mới biết, cả dòng Phán Quan luôn phải giữ thân mình trong sạch và công bằng.

Tu là không vướng mắc, không ngăn trở, không chấp trở ngại.

Câu hỏi ngày ấy của tôi đúng như một giấc mơ giữa ban ngày, chắc do đọc nhiều truyện quá.
Tiết Cốc vũ năm nay, tôi vẫn tự tay đốt hai chậu giấy và thắp bảy nén nhang cho anh ấy.

Dáng vẻ của anh vẫn không hề thay đổi, giống hệt như lúc tôi đón anh năm đó.
Cây mai trắng sau núi đã nở được ba cành, không biết lần này anh ấy có thể ngủ yên thêm mấy năm nữa.
Ngày 25 tháng 4 năm 1995, mưa to tầm tã.
Thẩm Kiều ở Tây An.

“25 năm.”
“Cái gì?” Tài xế lớn giọng theo bản năng.
Tiết Thanh minh năm nay, Ninh Châu cũng mưa tả tơi.

Lúc xe taxi vòng ra khỏi núi Tướng Quân, trời đã tối sầm.

Chương trình phát thanh giao thông nhắc nhở ‘ngày mưa trơn trượt, xin quý vị hãy tập trung vào con đường phía trước’ lần thứ n, tài xế lại không nhịn được mà nhìn người ngồi sau xe.
Hắn đón được hai người khách kỳ quái, một già một trẻ.
Bé trai gầy nhom, lớn lắm cũng chừng sáu hoặc bảy tuổi, nhưng lại mặc một chiếc áo thun quá khổ.

Dường như nó vừa té lộn mèo hay gì mà ướt nhèm từ đầu đến chân, nửa nước mưa nửa bùn đất.

Trước khi lên xe, tài xế đưa cho nó một chiếc khăn lớn, nó vẫn chưa nói cảm ơn.
Nói đúng ra, nó chưa từng mở miệng, mãi cho đến vừa rồi mới tự dưng thốt lên một câu.

Giọng nói đó vừa trầm vừa lạnh, không có bất cứ hơi hám của một đứa trẻ, thật sự không giống một đứa con nít tí nào hết.
Tài xế đoán mình vừa nghe nhầm, nhịn không được phải hỏi lại lần nữa: “Bạn nhỏ, con mới lên tiếng đó hả?”
Bạn nhỏ không nói gì, chỉ nhìn chòng chọc vào hắn.

Đôi mắt ánh lên kính chiếu hậu, con ngươi vừa bự vừa đen.
Tài xế bổ sung: “Hồi nãy tiếng phát thanh ồn quá nên chú nghe không rõ, nghe thấy gì mà 25 năm hay 5 năm gì đó.”
Bạn nhỏ vẫn không hề lên tiếng.
Tài xế cười gượng hai tiếng: “Bạn nhỏ ơi?”

Có vẻ van hồn của bạn nhỏ đã bị ai đó rút đi mất.
Cuối cùng, cụ già ngồi kế bên cũng hết nhịn nổi, ông cười nói: “Nó mới trả lời tôi thôi.”
Tài xế nghe xong lại càng lẩm bẩm thêm, “Ngài cũng vừa nói chuyện đấy hả? Tôi thấy chuyến vào núi này làm như lỗ tai tôi bị gì rồi không biết.”
“Không phải.” Cụ già xoay chiếc nhẫn cũ trên ngón trỏ, ngón tay khô khốc vuốt lên hai chữ ‘Thẩm Kiều’ trên mặt nhẫn, ông nói: “Vừa nãy không nói gì, nhưng có hỏi trước đó.”
Tài xế ‘ồ’ một tiếng.
Hắn không biết ‘trước đó’ này là cách bây giờ bao lâu, nếu không chắc hắn chẳng thể ‘ồ’ nổi nữa.
Có rất nhiều lời đồn về vùng núi Tướng Quân.

Thông thường chẳng ai chịu tới nơi này.

Cũng do gần đây chuyện làm ăn khá kém, nên vừa nghe hai tiếng tít tít, hắn đã thuận tay nhận chuyến, nhận xong mới thấy hối hận.
Vùng này không có đèn đường, chỉ có ánh huỳnh quang yếu ớt phản chiếu từ vòng bảo hộ.

Thực sự là bây giờ mưa rất lớn, bóng cây hai bên đường đu đưa ngổn ngang như đầu tóc của người vừa đánh trận ra.
Đôi khi bất chợt nhìn lên kính chiếu hậu một cái, hắn lại cảm thấy mặt của hai người ngồi sau này tái nhợt như tờ giấy.
Tài xế vừa thầm niệm tịnh tâm, tịnh tâm, vừa không nhịn được mà hơi nổi da gà, chỉ có thể xoa dịu nỗi sợ bằng cách tám chuyện, ai dè càng nói càng hoảng…
Hắn hỏi cụ già ngồi phía sau: “Sao lại chạy vô núi trong thời tiết xấu như vầy thế ạ? Chỗ này khó gọi xe tới lắm.”
Gương mặt của cụ già trông rất hiền từ, ông nhìn cậu bé bên cạnh và nói: “Khó thì khó, nhưng không còn biện pháp nào nữa.

Tôi phải đi đón nó.”
Tài xế: “… Ồ.”
Hắn không dám hỏi tại sao một đứa nhỏ như thế lại chờ người tới đón mình trong núi, đành nói: “Mưa này lớn lắm, gần đây nhiệt độ cũng hạ nữa, đứa nhỏ mặc nhiêu đó có lạnh không? Không thôi tôi mở điều hòa lên cho nhé?”
Cụ già vẫn cười và lắc đầu bảo: “Nó sẽ không bị lạnh đâu.”
Tài xế: “… Ồ.”
Chắc chắn là ‘sẽ không bị lạnh’ này đồng nghĩa với ‘không lạnh’.

Hắn nghĩ vậy thôi chứ mồ hôi đã chảy xuống.
Hắn xấu hổ chùi tay lên quần, lại lén nhìn lên kính chiếu hậu, giả bộ hớn hở nói: “Đứa nhỏ nhà ngài bảnh trai quá, vừa nhìn đã biết là soái ca rồi, da cũng trắng nữa ——”
Trắng muốn ngả xanh luôn.
“—— Nhiêu tuổi rồi, chắc còn đi học nhỉ?”
Đứa nhỏ ngồi im lìm ở phía sau nãy giờ cuối cùng cũng không nghe nổi nữa.

Nó ngẩng đầu, nhìn chằm chằm vào khuôn mặt hiện lên trên kính chiếu hậu của tài xế vài giây, bụng lại kêu ọc ọc.
Giọt nước ướt rượt nhỏ dọc xuống theo cọng tóc đen nhánh.

Nó liếm lên khóe môi đang khô nứt và nói: “Chạy nhanh lên, tôi đói bụng rồi.”
Giọng nói sống động đó nên thuộc về một người thanh niên, vừa lạnh vừa trầm.
Không biết tài xế đang liên tưởng tới điều gì, giật mình muốn đái dầm tới nơi, kể từ đó không dám nói gì nữa.
Cuối cùng không ai biết xe chạy tới phủ Danh Hoa bằng cách nào.

Dù sao thì lần này, lộ trình bốn mươi lăm phút thông thường chỉ tốn không tới nửa tiếng đồng hồ.
Phủ Danh Hoa là khu biệt thự được xây dựng sớm nhất ở Ninh Châu.

Trước đây, nó rất được săn lùng, vì có công viên giải trí và công viên đầm lầy nằm kế bên.

Ai lại ngờ là thiên đường vui chơi chỉ mới xây được ba năm cũng như công viên đầm lầy đều mất hết mọi tin tức.

Theo chân tai họa này, phủ Danh Hoa từ một nơi vạn người giành mua biến thành một chỗ không ai ghé thăm.

Đắt thì đắt thật, hoang thì cũng hoang lắm.
Tiểu khu thường mở cửa Bắc cho xe vào, nhưng cụ già lại kêu dừng xe ở cửa Tây, bản thân thì bước xuống trước.
Chú tài xế ngồi trên ghế điều khiển không còn ổn nữa.

Hắn chỉ cần di chuyển chút xíu, ló đầu ra là sẽ phát hiện động tác của cụ già kỳ lắm.

Giơ tay nhấc chân gì cũng mang đến một cảm giác cứng ngắc, khuỷu tay luôn giơ cao như kiểu phải bị thứ nào đó móc lên mới cử động được.
Cụ già khó nhọc để dù lên vai, đưa tay vô túi áo, móc ra một miếng giấy bạc và bật lửa đốt nó.
Miếng giấy bạc lập tức co lại thành tro mỏng, đốm lửa hé ra, loáng thoáng nhìn ra dấu vết của hai chữ —— Văn Thời.
Lúc này, cụ già mới vẫy tay nói với người trong xe: “Tới cửa này là được.”
Khi bước xuống xe, Văn Thời đã không còn vóc người của một đứa nhỏ nữa, trông dáng vẻ là một chàng thiếu niên mười lăm, mười sáu tuổi gì đấy.

Bộ đồ quá khổ trước đó lại khá vừa người, chỉ có quần là còn hơi dài thôi.
Anh cũng chả để ý, giơ tay nhận lấy cây dù trên vai cụ già.

Cây dù đen nghiêng sang và chống đỡ cơn mưa lạnh vừa rơi xéo qua.

Anh hất cằm nói với cụ già: “Tôi không quen đường, đi theo cậu vậy.”
Đây là lần thứ mười hai mà anh bước ra khỏi cửa vô tướng, lần nào cũng phải có người dẫn đường.
Thẩm Kiều đã đón anh về hai lần.

Lần đầu, Thẩm Kiều chỉ mới mười tám tuổi, mặc sườn xám đội mũ quả dưa phẳng phiu.

Cậu bước tới và gọi anh một tiếng ‘anh Văn’, sau đó hỏi anh vài câu ngốc nghếch.
Lần này, Thẩm Kiều trông như ông của anh.

Lúc có mặt người ngoài, ông không còn gọi anh là ‘anh Văn’ nữa, cẩn thận nếu không dễ hù chết người khác lắm.
Nhưng dù đã cẩn thận, chú tài xế đó cũng đã thấy khá sợ.
Lúc chạy vô cổng, tiếng kèn inh ỏi đang vang dội trong tiểu khu góc Đông Bắc.
Người ta hay nói thế này, không có tiếng kèn xô-na thì người không đi.

Tài xế taxi bị đánh thức bởi hai tiếng kèn đó.

Hắn đạp mạnh lên chân ga, dáng xe vụt nhanh đi trong mưa như một bóng ma, chớp mắt chẳng thấy đâu nữa.
Lúc bấy giờ, Văn Thời mới dời tầm mắt khỏi hướng đó và lại liếm lên khóe miệng.

Chỉ trong vỏn vẹn vài phút như vậy, anh lại cao lên nhiều lắm, những nếp gấp của quần dài trên mắt cá chân thẳng hết ra.

Anh đã biến thành một thanh niên.
“Chắc anh đói bụng lắm phải không?” Thẩm Kiều hỏi.
“Cậu đoán xem?”
“Tiếc quá.” Cụ già lặng lẽ thở dài.
“Tiếc gì?”
“Lần này anh phải tự tìm thức ăn rồi.”
Văn Thời theo ông vòng qua hoa viên, đi trên con đường nhỏ thẳng về hướng Đông.


Còn chưa kịp hỏi ông tại sao lại nói thế, anh đã nghe thấy tiếng kèn xô-na và chiêng trống vang dội rần trời.
Mưa vẫn chưa bớt, hơi ẩm trong không khí rất nặng, nhưng vẫn có thể ngửi thấy mùi tro tiền giấy thoang thoảng.

Người bình thường không phân biệt được, nhưng Văn Thời thì có thể.

Cái mùi này rất quen thuộc, nó thuộc về Thẩm gia.
“Em dẫn một đứa nhỏ tới thay ca.” Thẩm Kiều liếc căn biệt thự trước mặt một cái rồi nói, “Em tự tay nuôi nó nên người, không khác gì em hồi trước đâu.

Năm nay nó mới mười tám, chỗ nào cũng không tệ ngoại trừ cái tính hơi nhát thôi.”
Văn Thời: “…”
Anh không nhịn được hỏi: “Cậu dẫn một đứa nhát gan về làm việc này?”
Thẩm Kiều cũng không kìm nổi: “Lúc nuôi nó em nào biết lá gan của nó nhỏ đến thế?”
Văn Thời: “Vậy cậu đúng là giỏi ghê đấy.”
Thẩm Kiều: “Quá khen.”
Văn Thời: “…”
Khổ cái là bây giờ Thẩm Kiều đã già, đánh thì kỳ cục quá.

Văn Thời xụ mặt nghĩ thầm.
Thẩm Kiều lại nhìn thoáng sang căn biệt thự, thấy một chàng nam sinh mặc áo tang bước ra khỏi nhà, cuối cùng cũng yên tâm.
Ông gập người một cái rất lâu với Văn Thời: “Anh Văn, Thẩm Kiều rất may mắn khi có cơ hội quen biết anh nhiều năm đến vậy.

Bây giờ em phải đi rồi, tạm biệt anh.”
Ông nghĩ rồi chèn thêm một câu: “Sớm ngày giải thoát ạ.”
Nói xong, cơ thể còng lưng già nua sụp đổ.

Cụ già đầu bạc đã mất bóng, trên mặt đất chỉ còn lại bộ đồ ông vừa mặc.

Vài cành hoa mai trắng dài bị buộc lại bằng chỉ trắng hé ra giữa cổ áo, nhưng cũng nhanh chóng ướt đẫm vì cơn mưa.
Xô-na vang một tiếng, cây hoang chẳng còn xuân.
Văn Thời lập tức hết hồn, chợt nhận ra mình đã ngủ một giấc qua rất nhiều năm…
Anh cầm dù để chắn cơn mưa nghiêng rơi trúng cành hoa mai, khom lưng cầm bộ đồ lên rồi đứng lặng ở đó một lúc.

Mãi đến khi nghe có tiếng bước chân đang tới gần, anh mới ngước mắt lên ——
Chàng nam sinh mặc áo tang đã đi tới.

Xem tuổi tác, chắc đây là người tới thay ca mà Thẩm Kiều đã đề cập.
Tính cách của Văn Thời không tốt cho lắm, đã nhiều năm làm chuyện này nhưng vẫn không thích tiếp xúc với người sống.

Anh cầm bộ đồ, rủ mắt nhìn cậu bạn nhỏ lùn hơn mình gần một cái đầu trước mặt.

Anh là một người lạnh nhạt, chết cũng không mở miệng, nhưng vẫn lén đặt một biệt danh ‘chú lùn’ cho cậu.
Chú lùn đó dừng bước trước mặt anh, hai người mắt to trừng mắt nhỏ suốt nửa ngày, cuối cùng cũng nhận ra nếu mình không nói lời nào, họ đứng tới mai luôn cũng được.
“Em biết anh.” Chú lùn nói.
“Ờ.”
“Ông nội nói sau này em phải thay ca, hai ta phải luôn ở bên nhau.” Chú lùn lại nói.
“Ừ.”
“Nhưng em không có tiền.”
Nghe tới đó, cuối cùng Văn Thời cũng phản ứng dữ dội.

Anh thấy hơi sợ rồi đấy.
Những năm vừa qua, anh để lại khá nhiều đồ tốt cho Thẩm Kiều.

Đương nhiên, mấy món đồ tốt này không phải là vàng bạc châu báu cổ xưa trong miệng người thường, mà là vài thứ khá độc đáo khác, chúng chỉ lưu hành giữa đám người bọn họ thôi.
Ví dụ như đốt giấy tiền vàng bạc cho linh quan, đốt đèn nhang thờ tiên quan, linh vật công đức cho thông phán ở trần gian.


Có rất nhiều loại, cao như linh khí đến từ công đường tiên phật đài, thấp tựa âm hồn bọn yêu ma quỷ quái mua lại, hữu hình hay vô hình, không thể nói rõ trong một chốc.
Tóm lại, Văn Thời chết đi sống lại nhiều năm như vậy cũng tích cóp được kha khá, mọi thứ đều để lại cho Thẩm Kiều, lấy đại một thứ tới chỗ chuyên môn để đổi chắc cũng có thể trở thành một kẻ giàu sang.

Sao lại hết tiền được chứ???
“Không thể nào.” Cuối cùng Văn Thời cũng nói một câu dài, “Thẩm Kiều không nói với cậu là tôi có để lại đồ?”
“Có nói, chất đầy dưới tầng hầm ngầm luôn, còn cải trang bằng những thứ khác nữa, sắp xếp cũng chỉnh tề lắm.” Chú lùn lặng thinh vài giây, “Nhưng giờ mất tiêu hết rồi.”
“Ý cậu là gì?”
Chú lùn lặng im một lát rồi nói: “Tại cái dòng này chẳng còn ai nữa.”
Thực ra đến bây giờ cậu vẫn không hiểu mình tới để thay ca gì cho lắm, chỉ biết Thẩm Kiều đã nuôi lớn mình, ông kêu cậu làm gì thì cậu làm nấy.
Để hiểu thêm, cậu lật tung đống sách cổ trong nhà, trong đó có một đoạn viết như thế này: chư hành vô thường, chư lậu giai khổ(*), chúng sinh hung sát như thế, ngẫu nhiên lại có một người trong sạch, người ấy được gọi là Phán Quan.
(*) chư hành vô thường: tất cả hiện tượng do duyên sinh luôn biến đổi; chư lậu giai khổ: tất cả những hiện tượng nhiễm ô là khổ đau.
w●ebtruy●enonlin●e●com
Nói cách khác, chúng sinh luôn khổ, lo lắng quá kể, trên người ít nhiều gì cũng có oán, ghét và ganh.

Nhìn từ đằng xa sẽ thấy sương mù dơ bẩn quấn quanh người, quấn càng nhiều thì thị phi càng hiện ra bất chợt hơn.
Phán Quan là người được mời tới tẩy trừ thị phi.

Đương nhiên, bản thân người như thế nhất định cũng phải trong sạch.
Thẩm Kiều hay nói mình sạch sẽ, nhưng ngoài sạch sẽ ra, ông chẳng còn gì hết, không xuất hiện nổi trong danh sách mà cũng không thể duy trì cái dòng này.
Thứ gọi là Phán Quan bắt đầu được truyền xuống từ thời Tổ sư gia.

Có quá nhiều người tài ba.

Năm tháng qua đi, họ chia rẽ thành đủ phe phái, quan hệ có gần có xa, dần dần chẳng còn liên quan gì đến nhau nữa.
Phe cánh nhà ta không thể tính thành nhà người khác.
Thế là…
“Ông vừa đi mất, cái dòng này cũng bị chặt đứt.” Chú lùn gục đầu xuống, trông cực kỳ nản lòng.
Châm ngôn nói: người đi thì trà nguội, điều này được thể hiện rõ nhất trên người Linh Quan, Tiên Quan và Phán Quan.

Huyết mạch vừa đứt đoạn, dòng này cũng sẽ dừng lại theo, tất cả linh vật và gia sản ta tích cóp cũng mất tiêu.
Văn Thời hiểu được ý của cậu, não bắt đầu nhức nhói.
Chú lùn không hề nhận ra, nản lòng nói thêm một câu: “Vậy anh còn tiền ở đâu nữa không?”
Mặt mày của Văn Thời trông lạnh lùng: “Không.”
Chết cũng mấy lần rồi, có cái rắm chứ có.
“Em cũng đoán là vậy.” Chú lùn thở dài, “Ngày tháng sau này của chúng ta chắc sẽ khổ lắm đây.”
Vừa nghe được câu này, Văn Thời lại thấy hơi bực.
Không nói đến chuyện khác, vấn đề không có tiền lại khiến anh lo âu, anh có phần không muốn sống nữa rồi đấy.
Có vẻ chú lùn đã hiểu ra tâm trạng của anh.

Cậu đắn đo các kiểu rồi nói bổ sung: “Hm… Em đã đăng tin hai căn phòng trống lên mạng để giảm bớt chút áp lực rồi ạ.”
Làm một người đã chết từ đời kiếp nào, Văn Thời không hiểu ‘đăng tin lên mạng’ có nghĩa là gì, nên ‘hửm’ một tiếng tỏ vẻ thắc mắc.
Chú lùn quơ điện thoại của mình qua lại, giải thích: “Quảng cáo cho thuê đó ạ.”
_______________________________
Tác giả tâm sự:
Đọc cùng tui nè: Văn Thời là thụ, chú lùn không phải công.
▓▒░(°◡°)░▒▓
Chú thích nhẹ:
(*) Quy nhân (tên chương): 1.

người trở về nhà; 2.

người chết có thể trở về từ cõi chết (theo baidu).
(*) Cửa vô tướng: cánh cửa thứ hai trong ba cánh cửa để đi vào thế giới của giải thoát; chúng ta thường nhận biết sự vật thông qua dấu hiệu và hình dáng của chúng, trong quá trình đó, chúng ta bám víu vào một khuôn khổ nhất định, nhưng lại không biết rằng tất cả các pháp không có tướng mạo nhất định, là vô tướng, mọi sự hiện hữu được biểu hiện qua tướng chỉ là giả tạm, luôn gợi lên cảm xúc tiêu cực cho chúng ta thôi (nguồn: Đạo Phật Ngày Nay)
HẾT CHƯƠNG 1 („• ֊ •„).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui