Mỗi Ngày Một Câu Chuyện Bí Ẩn

(Bài viết về vụ án này rất dài, quá trình cứu sống nạn nhân rất kì diệu, cảm động càng đọc mình càng bị cuốn vào, lẫn ức chế sự quan liêu của cảnh sát và bác sĩ bên đấy, nên thay vì dịch ngắn gọn đưa tin như mấy vụ trước mình sẽ dịch chi tiết và nguyên văn nên hơi dài một chút, có thể chia làm 3 phần. Hi vọng các bạn chịu khó đọc)

Vụ án Chu Linh trúng độc Thallium cùng với vụ án phanh thây Điêu Ái Thanh được xem là hai đại hung án trong khuôn viên trường Đại học ở Trung Quốc. Nhưng hai trường hợp lại khác biệt nhau rõ ràng. Ở vụ án Nam Kinh không hề có bất kì manh mối nào. Cảnh sát Nam Kinh dùng hơn 10 năm điều tra cũng không thể xác định được hung thủ là ai, thậm chí khoanh vùng đối tượng nghi phạm cũng không. Đây chính là nguyên nhân cơ bản vụ án Nam Kinh không thể phá được.

Còn vụ trúng độc của nữ sinh viên Thanh Hoa Chu Linh lại khác. Cảnh sát từ những cử chỉ bất thường đã có thể phán đoán, dường như đã sớm nhận định được hung thủ, chỉ là vì một số nguyên nhân mà vụ án này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ

Chu Linh sinh ra trong một gia đình trí thức bình thường ở Bắc Kinh. Là một cô gái đa tài đa nghệ xuất sắc về mọi mặt, từ nhỏ đã học piano, đàn cổ. Năm 1992 thi đậu đại học Thanh Hoa khoa hóa học, dựa vào thành tích đối với đàn cổ lúc nhỏ mà trở thành thành viên chủ lực của đội nhạc cụ dân tộc của trường.

Học giỏi, giỏi âm nhạc, Chu Linh còn chơi thể thao rất tốt, cô là vận động viên bơi lội cấp hai của thành phố Bắc Kinh, thân thể tương đối tráng kiện. Ngoại trừ có năng lực, Chu Linh còn là một cô gái xinh đẹp. Tuy không phải là kiểu người đẹp Giang Nam ôn nhu, mà có đặc điểm thông minh sáng sủa của mỹ nữ phương Bắc. Cô hiền lành, trong tính cách còn có chút ngây thơ cố chấp.

Chu Linh làm người khá chính trực trung hậu, lấy việc giúp người làm niềm vui, không kiêu căng làm dáng, cho nên nhân duyên không tệ. Rất nhiều người theo đuổi nhưng cô lại không để ý, chỉ lấy việc học tập và âm nhạc làm đầu. Ở trong lớp cô cũng có không ít bạn bè, trong đó có một người bạn thân, chính là nhân vật chủ chốt của vụ án sau này tên là Tôn Duy.


Tôn Duy tuy là bạn thân nhưng lại trái ngược hoàn toàn với Chu Linh. Gia thế của Tôn Duy hiển hách, dùng ngôn ngữ bây giờ để nói chính là con ông cháu cha, có ô dù che chở. Nhưng đáng tiếc chỉ có gia thế cô ta là hơn người, còn tất cả đều bình thường, không có sở trường, cũng không có gì nổi bật. Nếu bỏ qua gia đình mà so sánh thì Chu Linh và Tôn Duy chính là trên trời dưới đất, tất cả bạn học đều công nhận như thế.

Thế nhưng cuộc đời tươi đẹp của Chu Linh còn chưa có bắt đầu đã phải kết thúc

Tội ác bắt đầu từ tháng 12 năm 1994, từ lúc đó Chu Linh đột nhiên xuất hiện một bệnh lạ. Đầu tiên là ăn không ngon, đau bụng, tiếp đó là dạ dày không ổn, cuối cùng đến ngày 8 tháng 12 thì bắt đầu rụng tóc không thể giải thích được, hơn nữa cả người còn đau nhức không ngừng. Mấy tuần sau, tóc Chu Linh bị rụng sạch hoàn toàn, phải nằm viện theo dõi một tháng, trong thời gian nằm viện tuy không tìm ra nguyên nhân nhưng bệnh tình của Chu Linh đã có thuyên giảm, đau đớn cũng từng bước biến mất, tóc cũng dài ra. Sau khi nghe bác sĩ nói bệnh của cô đã chuyển biến tốt, Chu Linh vì sợ nghỉ học quá lâu ảnh hưởng đến việc học nên đã kiên quyết yêu cầu xuất viện. Vì thế ngày 23 tháng 1 năm 1995 Chu Linh xuất viện, về nhà.

Khi đó vẫn còn đang trong kì nghỉ đông, Chu Linh nghỉ ngơi ở nhà một thời gian đến ngày 20 tháng 2 năm 1995 mới trở về Thanh Hoa bắt đầu học kỳ mới.

Sau khi trở về Thanh Hoa, Chu Linh vẫn suy yếu vô cùng, dạ dày luôn đau đớn, tóc cũng chỉ hơi dài ra một chút, trở thành một hòa thượng trọc đầu. Vì thế phần lớn thời gian Chu Linh đều ở kí túc xá học. Ăn sáng xong thì uống thuốc chắc xương từ nhà mang vào, cơm trưa và cơm tối thì nhờ bạn cùng phòng mua từ căn tin mang lên. Trừ lúc đi vệ sinh, cơ bản không rời khỏi phòng! Một cô gái trẻ tuổi đi nhà vệ sinh thì mất bao nhiêu thời gian, chỉ 3 đến 5 phút mà thôi. Cho nên Chu Linh hầu như là không bước chân ra khỏi kí tức xá nửa bước, chi tiết này khiến cho nghi phạm trong vụ án phạm vi được thu hẹp lại.


Không ngờ học kỳ mới bắt đầu chưa tới nửa tháng, bệnh lạ của Chu Linh lại tái phát, hơn nữa còn phát tác cực kì nặng, uy hiếp đến tính mạng Chu Linh. Bố mẹ cô liền vội vàng đưa cô đến bệnh viện Bắc Kinh điều trị. Nhưng bệnh viện Bắc Kinh vẫn không thể tìm ra nguyên nhân bệnh tình của cô, bác sĩ chủ trị thẳng thắng nói cho ba mẹ Chu Linh biết họ nên đem cô đến bệnh viện tốt nhất tại Bắc Kinh, bệnh viện Hiệp Hòa để chẩn đoán. Bệnh viện Hiệp Hòa là nơi có rất nhiều chuyên gia nổi tiếng trong nước, có lẽ họ có thể xác định được vấn đề bệnh của cô

Ngày 9 tháng 3 năm 1995 bố mẹ Chu Linh mang cô đến bệnh viện Hiệp Hòa cho chuyên gia khoa thần kinh Lý Thuấn Vỹ chẩn đoán. Sau khi thăm khám, giáo sư Lý Thuấn Vỹ đã nói trường hợp của cô rất giống một "trường hợp trúng độc Thallium tại Thanh Hoa vào thập niên 60". Đáng lẽ nếu theo quan điểm của giáo sư Lý tiến hành chữa trị Chu Linh đã có thể được cứu, không để hậu di chứng sau này. Nhưng chế độ chữa trị công lập cùng với nhà trường quan liêu có ý đồ che giấu đùn đẩy trách nhiệm đã đẩy Chu Linh vào thảm cảnh.

Ban đầu bệnh viện Hiệp Hòa dựa vào quy trình hỏi Chu Linh xem cô có từng tiếp xúc qua Thallium chưa, tất nhiên Chu Linh phủ nhận có tiếp xúc với nó, như vậy bệnh viện liền đem khả năng Chu linh chủ động tiếp xúc Thallium mà trúng độc loại bỏ. Sau đó bệnh viện Hiệp Hòa cùng với bố mẹ Chu Linh đến trường Thanh Hoa hỏi họ có vô tình để lộ Thallium hay không, đại học Thanh Hoa lập tức bày tỏ quy trình thí nghiệm của họ là vô cùng hoàn mỹ, không thể có chuyện để lộ Thallium (thái độ này sau đó bị cho là nói bậy), như vậy cũng loại bỏ khả năng Chu Linh trong lúc vô ý mà tiếp xúc với Thallium.

Cứ như vậy bệnh viện đều chắc chắn nhận định Chu Linh không thể nào là bị trúng độc, bởi vì Chu Linh căn bản không có khả năng tiếp xúc với Thallium. Cộng thêm lúc đó bệnh viện không đủ điều kiện làm hóa nghiệm kiểm tra nên đã bỏ qua luôn khâu hóa nghiệm. Tác phong quan liêu này về sau bị lên án rất nhiều, đã có nghi ngờ tại sao lại không kiểm tra mà chỉ dựa vào lời người khác đảm bảo. Nếu nói như vậy, tội phạm giết người chỉ cần tự mình nói "Tôi không có giết" là cũng không truy cứu nữa sao?

Sau khi vô trách nhiệm loại bỏ ngộ độc Thallium, các chuyên gia Hiệp Hòa cùng nhau hội chẩn, cho ra nguyên nhân bệnh sai lầm. Họ đối xử với Chu Linh như người bị bệnh viêm hạch não cấp tính phổ biến, sự chẩn đoán sai lầm này đã khiến chu Linh trở thành người gần như mất đi tri giác sau đó. Trong lúc đó, các triệu chứng của trúng độc sâu lại ngày càng tăng lên nhanh chóng. Ngày 15 tháng 3 chỉ sau 6 ngày nhập viện, Chu Linh bắt đầu xuất hiện tê liệt cơ mặt, mắt dại đi, hô hấp không tự chủ được, người nhà liền vội vàng đưa Chu Linh vào phòng cấp cứu của khoa thần kinh.
Lại qua một tuần, ngày 23 tháng 3 Chu Linh đã gần như tử vong, hô hấp suy kiệt, không có cách nào tự thở được, bệnh viện buộc phải tiến hành phẫu thuật khí quản. Lúc này có lẽ một số chuyên gia và bác sĩ của bệnh viện Hiệp Hòa đã bắt đầu cân nhắc đến việc bị trúng độc, nhưng nếu lúc này mà công khai thay đổi phác đồ điều trị khác nào là tự thừa nhận sai lầm của mình, tự vả vào mặt. Thế là bọn họ âm thầm điều chỉnh phác đồ, tận lực cứu vãn chẩn đoán sai lầm lúc trước nhưng không để cho người nhà biết.


Ngày 24 tháng 3, bệnh viện bắt đầu biện pháp thay máu cho Chu Linh, tổng cộng 8 lần, mỗi lần 1000ml. Cách thức này đã có tác dụng duy trì được tính mạng Chu Linh lúc đó, đem độc trong máu dần dần loại bớt đi, nhưng đáng tiếc trong quá trình lại khiến cô bị nhiễm virus viêm gan C.

Ngày 26 tháng 3 Chu Linh chỉ cách cái chết trong gang tấc, cô được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt ICU, phải dùng máy thở để duy trì hô hấp. Sau đó cô rơi vào tình trạng hôn mê trong vòng 5 tháng, trong suốt thời gian đó cô luôn đứng ở ranh giới sự sống và cái chết, có thể ra đi bất kì lúc nào. Bệnh viện Hiệp Hòa cũng dần nhận biết được tính nghiêm trọng của sự việc, bắt đầu tiến hành hết thảy các biện pháp để tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Họ cho làm các xét nghiệm trên cơ thể Chu Linh bao gồm HIV, tủy sống, MRI, hệ thống miễn dịch..vv.. nhưng trừ bệnh Lyme ra tất cả đều cho kết quả âm tính. Không thể tìm ra nguyên nhân thực sự, xem ra việc Chu Linh chết là chắc chắn không thể nghi ngờ gì.

Tuy nhiên, điều kì diệu đã xảy ra
Sự kỳ diệu này xuất phát từ một số bạn học và thầy cô nhiệt tâm cùng với một nhóm bác sĩ nước ngoài với tinh thần nhân đạo.

Sau khi các bạn của Chu Linh biết cô bị bệnh nặng đã đến bệnh viện thăm cô ấy, trong đó có Bối Chí Thành một người bạn trai đã từng ái mộ Chu Linh
Cho dù đã nhiều năm sau, Bối Chí Thành lúc này đã là một nhà quản lý công ty phần mềm vẫn còn nhớ rõ: "Chúng tôi một nhóm bạn học đã hẹn nhau thứ 7 đi thăm cô ấy, lúc đó tôi 21 tuổi, đối với chuyện bạn học chết là một chuyện gì đó rất xa vời, Chu Linh im lặng nằm ở phòng ICU, thân thể trần nửa người cắm đầy các ống, bởi vì yêu cầu vệ sinh mà mỗi lần vào thăm chỉ được có một người. Khi đến phiên tôi vào đứng trước giường cô ấy, không biết nghĩ thế nào lại thấy giống như đang đứng từ giã trước người chết. Ý thức được đây là một bạn học cùng tuổi với mình sắp phải ra đi, đột nhiên tôi sinh ra một loại cảm giác sợ hãi mãnh liệt, muốn nhấc chân chạy trốn, nhưng cuối cùng vẫn không thể đi nổi"

Sau khi nói chuyện với bố của Chu Linh, bọn họ mới biết được bệnh của Chu Linh từ đầu đến cuối vẫn không thể tìm ra nguyên nhân nên không có cách nào trị liệu, xem ra là phải chết không còn nghi ngờ gì nữa.


Tâm tình nặng nề, đám người không học y Bối Chí Thành căn bản là không thể giúp đỡ được gì, nhưng bọn họ là người trẻ, có nhiệt huyết, nên đã quyết định dốc hết sức lực để cứu giúp Chu Linh.
Sau nhiều ngày bàn bạc, cuối cùng họ đã nghĩ ra cách lên mạng cầu cứu, không phải cầu cứu trong nước (bệnh viện Hiệp Hòa bấy giờ đã là bệnh viện tốt nhất trong nước) mà là kêu gọi sự giúp đỡ ở nước ngoài. Lúc này Internet mới vừa xuất hiện ở trong nước, chỉ mới được thử nghiệm ở một số trường, Bối Chí Thành dưới sự giúp đỡ rất nhiều của các thầy cô đã gửi email đến SCI của UNICEF và các tổ chức có liên quan tình hình của Chu Linh cầu xin sự giúp đỡ của toàn thế giới.

Bối Chí Thành nhớ lại nói: Về đến nhà tôi liền viết thư cầu cứu, lúc ấy tôi biết nước Mỹ thích nhất là nói về tự do dân chủ, tôi phải đem câu chuyện này liên hệ với bọn họ mới có thể được xem trọng. Vì vậy tôi viết "Nơi này là đại học Bắc Kinh Trung Quốc, một nơi tràn đầy tự do dân chủ, nhưng một cô gái trẻ tuổi đang chết dần đi, mặc dù bệnh viện tốt nhất Trung Quốc cùng bác sĩ đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không thể chẩn đoán cô ấy mắc bệnh gì", theo sau là hồ sơ bệnh lý.

Điều khiến bọn họ không thể ngờ tới chính là chỉ trong 1 tuần bọn họ nhận được 1635 bức thư từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (có người nói hơn 2.000, và Bối Chí Thành nói hơn 3.000), hơn 1/3 thư đều nói rằng đây là triệu chứng trúng độc Thallium điển hình. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Ðồng St. Jude trong thư trả lời rõ ràng là "là trúng độc Thallium, căn cứ vào triệu chứng rụng tóc, có vấn đề tiêu hóa, các vấn đề về thần kinh và các triệu chứng khác có thể gần như khẳng định là như vậy."

Do mạng Internet không phát triển tại Trung Quốc vào lúc đó, nên tiến sĩ Xin Li của UCLA (Đại học California, Los Angeles) và tiến sĩ John W. Aldis ở nước ngoài đã cùng nhau tạo nên mạng lưới chuẩn bệnh từ xa cho Chu Linh, mang thông tin bệnh tình của Chu Linh công bố và phối hợp chẩn bệnh điều trị. Mạng lưới này đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Đám người Bối Chí Thành phát động các sinh viên giỏi tiếng Anh có thể phiên dịch lại những bức email này, mọi người đều hết lòng giúp đỡ, trải qua mấy đêm cố gắng, sáng sớm ngày 8 tháng 4, Bối Chí Thành hào hứng cầm ý kiến chẩn đoán của các bác sĩ khắp nơi trên thế giới đến bệnh viện Hiệp Hòa, hi vọng các bác sĩ ở đó có thể tiếp thu.

Hết phần 1


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui