Cùng quân đàm đạo chuyện vân vũ


Chương 13: Ánh nến đỏ
 
Nam tử kia phong tư như gió xuân, dáng vẻ lại càng bất phàm. Khác với kiểu phóng khoáng không chịu bó buộc của Chu Trăn, toàn thân hắn toát ra khí chất thư sinh văn nhược. Chu Trăn tựa như lưỡi kiếm sắc đã tuốt khỏi vỏ, còn kẻ đối diện này vẫn là một viên ngọc thô ôn nhuận đang trong quá trình gia công mài dũa.
 
Tay trái cầm quạt xếp, đặt lên tay phải, bên hông mang theo một quyển họa trục, ôn nhu hỏi: “Có được không?”


 
Uyển Uyển do dự hồi lâu mới khẽ gật đầu. Ban ngày ban mặt, mà người này nom bộ cũng có dáng vẻ chính nhân quân tử, Uyển Uyển theo hắn đi vào phòng.
 
“Đây là cô nương vẽ ư?” Hắn lấy bức họa bên hông ra, trải lên bàn, dùng quạt khẽ điểm lên, “Tại hạ là Triệu Văn Quyên, nhân sĩ Giang Nam.”
 
Uyển Uyển ngạc nhiên, không hiểu sao tự nhiên đối phương lại khai tuốt gia môn ra như thế, “Ta là Thẩm Uyển.”
 
Nụ cười của Triệu Văn Quyên vẫn hòa nhã, gật đầu rồi tiếp tục ngắm bức tranh, là cảnh đại mạc Cô Yên. Từng cơn gió nóng mang theo bụi cát cuộn lên cao, mặt trời chực lặn tiêu điều xơ xác, mà điểm trên nền trời Cô Yên khô cằn như sắp nứt toác ra là đàn quạ thê lương.
 
Bớt đi mấy phần hoang sơ mà nhiều thêm vài nét kỳ ảo siêu thực.

 
Nàng chẳng qua là cô gái chốn phong trần, chắc hẳn cũng chỉ xuất thân tiểu hộ, có lẽ chưa từng ra ngoài, chưa từng thấy biên cương đại mạc, nhưng lại có thể tái hiện thành một bức họa sinh động nhường này? Triệu Văn Quyên không hiểu, hắn thường vẽ cảnh núi xanh nước biếc Giang Nam, giang sơn tú lệ mơn mởn dịu dàng đầy sức sống, nhưng sự phụ  lại nói tranh của hắn không có hồn.
 
Bức họa của vị cô nương này, không mang cảm giác bao la hùng vĩ mà mang khí khái nam nhi.

 

 
“Nếu tại hạ đoán không nhầm, cô nương chắn hẳn chưa từng tới đại mạc. Vậy xin hỏi sao có thể vẽ nên bức tranh này?”
 
“Có một vị đại nhân kể lại với tôi những cảnh vật này, từ đó cũng suy được một hai.” Uyển Uyển vén mấy sợi tóc ra sau tai, ánh mắt tràn ngập sự sùng bái.
 
Có thể vẽ được bức tranh thế này hẳn phải là bản lĩnh tu luyện nhiều năm.
 
Từ nhỏ Uyển Uyển đã thích vẽ tranh.
 
Khi nàng còn bé, gia cảnh Thẩm gia cũng coi như đủ ăn đủ mặc, không tới mức nhà cửa trống hoác chỉ còn bốn bức tường như bây giờ.Thẩm tú tài khi ấy còn hăng hái, đâu phải kẻ đánh mất tinh thần cả ngày chỉ biết ủ ê chán chướng.
 
Hồi ấy Thẩm tú tài còn bắt nàng đọc sách, nắm lấy bàn tay nhỏ bé càng nàng uốn nắn từng nét chữ. Sau khi đã nhận được mặt chữ thì nhốt nàng trong phòng cùng quyển nữ giới để nàng nghiền ngẫm.
 
Uyển Uyển tuổi nhỏ còn ham chơi, nếu giữa trưa mà đi theo đám trẻ con trong thôn rong ruổi thì buổi chiều sẽ bị giam trong phòng chép nữ giới. Làm sao mà chịu nổi? Nàng lười biếng, được một lúc là đôi tay nhỏ sẽ cầm cây bút còn sót chút mực của Thẩm tú tài, vẽ đủ thứ hình họa lên trang sách.
 
Tối, cha nàng từ thư viện về kiểm tra, tức giận đến mức lôi nàng ra đánh một trận.
 
Một thời gian sau, không biết nữ giới ngấm thêm được mấy điều nhưng khả năng vẽ vời lại tăng không ít.
 
Cha cũng không còn quan tâm đến việc giáo dục nàng nữa, mọi tâm huyết đều dồn hết lên người ca ca.
 
Khi đó chỉ có bút cũ, lông bút đã xác xơ, mực phải pha thêm nước cho loãng ra, màu đen tuyền cũng nhạt sắp thành màu trắng, không có giấy tuyên, Uyển Uyển thu thập những mẫu giấy cũ, Cha chê nàng học hành không ra sao, ca ca cười nhạo nàng, nhưng nàng chẳng quan tâm. Đây là niềm vui hiếm hoi trong chuỗi sinh hoạt tẻ nhạt nhàm chán của nàng.
 

Đến Tầm Phương các có bút lông cừu, màu vẽ đa dạng, giây tuyên trắng đẹp mới tinh, nàng càng nóng lòng thử nghề.
 
So với các chị em khác ở đây, Uyển Uyển không phải một cô gái huệ chất lan tâm thông minh giỏi giang, trong cầm kỳ thi họa, cũng chỉ có hội họa là điểm nổi trội nhất của nàng.
 
Trước đó do nàng tự tìm tòi, mỗi nét bút đều mang linh khí, không có bất kỳ quy tắc nào. Bây giờ được chỉ giáo một hai, sinh động lại thêm tinh tế mà không mất đi cái hồn vốn có.
 
Hôm sau Triệu Văn Quyên lại tới. Nhân sinh khó gặp tri âm, gặp rồi tự nhiên tâm đầu ý hợp, bàn luận về hội họa có cả ngày cũng chẳng hết chuyện.
 
Hai người nhanh chóng trở nên thân thiết.
 
Uyển Uyển cũng dần hiểu rõ con người Triệu Văn Quyên. Sư phụ của hắn xuất thân Ngô phái Cố Đãi Chiếc, là vị họa sĩ nổi tiếng số một số hai trong phái, vô số người đồng đạo hâm mộ ông, mà Uyển Uyển cũng không ngoại lệ.
 
Triệu Văn Quyên viết thư cho Cố Đãi Chiếu, muốn ông nhận Uyển Uyển làm đồ đệ.
 
“Uyển Uyển, muội không thể ở Tầm Phương Các cả đời được. Muội là một họa sĩ giỏi, hay là cùng đi với ta đi?” Triệu Văn Quyên hỏi nàng.
 
Uyển Uyển lắc đầu, nàng rất muốn đi, nhưng không thể. “Ta đang chờ một người...” nàng ngẩng đầu nhìn Triệu Văn Quyên, “Có lẽ ngài ấy cũng sắp trở về rồi.”
 
Triệu Văn Quyên nhíu mày, nói: “Uyển Uyển, năm ngày sau ta sẽ rời kinh về Giang Nam. Đây là chuyện đại sự, muội suy xét cho kỹ, năm ngày sau ta lại tới gặp muội. Có được không?”
 
Nàng vẫn cự tuyệt thẳng thừng. Triệu Văn Quyên do dự, xoa đầu nàng rồi đi khỏi.
 

Ngày thứ ba, tiền tuyến truyền về tin chiến thắng, đồng nghĩa với việc Chu Trăn sắp trở lại.
 
Nhưng cuối cùng, nàng vẫn không chờ được hắn.
 
Dương Tử Vân thần thần bí bí nới với nàng: “Uyển Uyển, cô biết gì chưa? Lần này Vĩnh Lạc vương hồi triều, muốn hỏi cưới Đoàn Nghi Thuần.”
 
“Ai nói vậy?” Trái tim Uyển Uyển chùng xuống. Nhưng nàng chợt nhận ra rằng, có gì sai đâu, có gì mà trách cứ, mọi chuyện vốn nên là như thế, không phải sao?
 
“Là Lễ bộ thượng thư Trần đại nhân! Ngài ấy nói là bộ Lễ đã bắt đầu chuẩn bị rồi, là ý của Thừa Ân hầu, mà Hoàng Thượng cũng không từ chối.”
 
Vậy là khẳng định chắc chắn rồi nhỉ? Vậy còn lời hứa sẽ đón mình về phủ bị vứt đi đâu rồi? Chẳng lẽ muốn nàng làm thiếp, đáp ứng nàng, đáp ứng cả Đoàn Nghi Thuần luôn ư?
 
Ngày thứ năm, Triệu Văn Quyên vẫn tới. Từ hôm trước Uyển Uyển đã lấy lại được văn tự bán thân, thu thập hành lý.
 
“Ta đi với huynh.”

 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận