Cái Áo Duyên ( Văn Ruộng, Sủng, Cổ Đại )

Trong những cuộc chè nước nơi hội đình, tôi nhớ ông huyện đã từng nhiều lần hỏi tôi, lần đầu tiên tôi chú ý đến em gái ông ta là khi nào.

Những lúc ấy, tôi chỉ mỉm cười đáp lấy lệ.

Song lần này, người hỏi tôi lại chính là em gái ông ta, bà bá hộ nhà tôi.

Thôi thì đầu cũng đã hai thứ tóc, sống với nhau cũng có gần mười mặt con, tôi còn có bí mật gì chẳng thể lộ bày với vợ mình nữa? Nghĩ thế, tôi lấy trong tủ ra một tráp gỗ, trước đôi mắt mở to kinh ngạc của con trâu già nhà mình, lôi một cái áo sờn cũ trải lên mặt giường, góc áo có thêu hình đôi bướm đỏ đang vờn nhau.

Câu chuyện, vốn là bắt đầu từ cái áo...

Hôm đó, tôi vâng lệnh thầy đi thu tiền thuê ruộng, qua ngang ao sen giữa làng thấy người đông bèn sinh tò mò, xuống võng bước đến gần xem việc. Biết chẳng qua có người té ao bèn toan quay về võng, chẳng ngờ bị bọn trai làng chen chúc đẩy luôn xuống nước.

Đang bơi lên bờ thì bị kẻ té ao kia ghì lại. Bất đắc dĩ, đành phải cứu thị.

Cứu lên bờ rồi mới nhận ra, lúc lôi kéo đã bị thị kéo vuột mất luôn cái áo ngoài.

Tâm trạng không thoải mái vì bị lạnh và ướt, tôi cay cú ra lệnh cho người hầu khênh võng về nhà, giữa đường còn gặp phải một thằng nhóc chăn trâu chẳng hiểu chuyện cứ hô hoán lên tôi tè dầm. Thẹn quá, tôi cho thằng hầu tát nó hai cái rồi tiếp tục lên đường.

Lại nói đến đứa con gái tôi "cứu," hay ho thay lại là con gái thứ ba của ông huyện. Nhà đó mượn dịp này sang kết giao với nhà tôi. U tôi thấy có dịp bắt quàng với quan bèn mừng lắm, ra lệnh cho tôi phải làm thân với cô ba nhà đó. Lệnh u khó cãi, lại thấy thị cũng xinh xắn dễ nhìn, tôi nghĩ dẫu gì cũng chỉ cưới về sinh con và quán xuyến gia đình, thôi thì cứ chiều theo ý u.

Vậy là từ đó, đầu làng cuối xóm đều nghĩ tôi và thị là một đôi.

Sự vốn có thể cứ theo nếp ấy mà thành, nếu không có buổi tối sáng trăng nọ, tôi đi thu tô về muộn, ngang qua ngõ một hộ nông dân, đột nhiên bắt gặp cái áo của mình.

Dù đã cũ sờn bạc màu do ngâm nước, tôi vẫn nhận ra nó nhờ đường thêu bằng chỉ xuyến nơi cổ. Lần đó chính tay tôi đã nhận được từ bọn con buôn xứ ngoài, quanh vùng này tuyệt đối không có cái thứ hai.

Nhìn ra vật xong, tôi mới trông đến người. Dưới ánh đèn hiu hắt trong không gian sẫm tối, sự chuyên chú miệt mài của thôn nữ kia bỗng bồi vào lòng tôi một nốt nhạc tình tang...

Vậy là từ đó trở đi, như một thói quen, đêm nào võng tôi ngang ngõ nhà em, tôi cũng cố liếc vào một cái. Giữa thế thời loạn lạc, nước mất nhà tan, dân chúng lầm than, sĩ tử chê chán này, em lại ngồi đó tẩn mẩn khâu áo cho tôi. Ánh mắt em, khi chạm đến cái áo, lại nhuộm chín một màu tình ý.

Thì ra, trong biết bao bộn bề trái ngang của cuộc đời này, còn có một người thầm thương tôi như vậy.

Bình an. Tôi chợt thấy thấm thía vô cùng.


Tôi biết em nổi danh là gái lỡ thì mang số khắc phu, cũng không vội cho người sang dạm hỏi. Dẫu gì nhà tôi vốn theo Nho giáo, chưa có cả mà đón lẽ về không hợp tình cho lắm. Tôi lại sợ thầy u vì mê tín sẽ không vừa mắt em, chưa có giải pháp mà đón em về sẽ gây cho em thêm phần tủi hổ. Về nhan sắc mà nói, em không phải hơn người, tôi không hề lo có một ngày em bị người khác đón đi, vì vậy gắng chờ cho đến khi đã xong chuyện cùng con gái quan huyện trước.

Nhưng rồi có một việc xảy ra đã làm đảo điên tất cả.

Thằng hầu tôi cho theo dõi nhà em chạy về báo, em đem áo của tôi tặng cho một thằng câm!

Hóa ra, em không yêu thầm tôi, cái áo mà hằng đêm em nâng niu ấp ủ, em lại cho rằng nó thuộc về thằng câm chết giẫm đầu xóm!

Lúc ấy tôi vừa tức vừa vỡ lẽ, lại vừa lo ngay ngáy trong dạ. Từ lúc sinh ra đến giờ, lần đầu tiên tôi mới cảm thấy như vậy. Tôi lờ mờ nhận ra, mình ghen tị với gã kia.

Nhận thức làm tôi tỉnh ngộ, hoặc nói cách khác – khiến tôi phát rồ. Mà kẻ tỉnh ngộ một cách điên rồ thường có xu hướng làm ra những điều xằng bậy.

Tôi ngấm ngầm lên một kế hoạch động trời. Một mặt hẹn cô ba huyện ra hóng gió đêm khiến thị sinh bệnh, mặt khác lại bỏ tiền mướn thầy tướng số về phán số khắc thê cho mình. Quả nhiên kết nối lại với nhau, tôi có được một lý do cưới vợ hoàn hảo. Thầy u tôi chẳng hề ưng lòng, tôi không muốn khiến họ nghi ngờ nên lại giả vờ bất mãn. Thời khắc u tôi lệnh xuống cho tôi phải cưới đứa con gái khắc phu dù tôi muốn hay không, tôi mừng đến rơi từ võng xuống.

Ban đêm, tôi kiềm không được nhớ nhung, lại âm thầm ghé ngang nhà em đứng ngoài ngõ nhìn vào. Trông em vừa khóc lóc vừa thì thầm tạ tội với thầy u, tôi thấy như bị ai nhéo ngay chỗ da non. Nhói lắm.

Đêm đó về, tôi ngầm cho thằng hầu đi chuẩn bị sính lễ khênh sang để trước cửa nhà em.

Hôm đón em về nhà, tôi đứng ngồi không yên. U tôi thấy thế liền sinh nghi dò hỏi. Tôi không thể để bà biết được tình ý của mình, kẻo không với tính của bà, sẽ khiến cuộc sống của em ở nhà càng thêm khắc khổ. Để không làm mọi sự đổ vỡ, tôi vờ vịt tuyên bố sẽ không chạm đến em, sau đó bỏ về phòng ngủ sớm.

Trăng lên làm nỗi nhớ dâng trào, tôi lên bè chèo ngang ao sen, thông qua cửa sổ chui vào phòng em. Dưới ánh trăng non chưa đủ tuổi, vẻ đẹp của em trong mắt tôi đột ngột giống như cây trái chín mùi, trĩu nặng tâm can. Thấy em khẽ run vì gió lùa vào cửa sổ, tôi chẳng vội đóng mà nằm xuống ôm em vào lòng.

Để tôi thay cửa chắn gió đông cho em, cũng tốt.

Hôm sau theo tục ông bà đặt ra, tôi đường đường chính chính đưa em về nhà lại mặt. Thấy em theo sau võng tôi toát cả mồ hôi, tôi ngầm làm rách võng để có cớ bước kề cận nhau. Dọc đường chẳng may lại đụng phải ngựa hoang xổng chuồng, tôi hơi phật ý. Song nghĩ lại đây chính là cơ hội giời cho, bèn dẫn con ngựa hoang đó đến chỗ lạnh lẽo để thị giãi bày tâm sự. Do vẫn còn khó chịu vì con vợ chẳng tỏ ra ghen tuông gì sất, tôi cũng không có tâm trạng lắng nghe câu chuyện của cô ba nhà ông huyện, chỉ thỉnh thoảng lọt vào tai vài từ "ta, ngươi" vô cùng xấc xược, muốn nhắc nhở thị như mọi lần, song lại lười nên thôi, tâm trạng theo thời tiết càng lúc càng tồi tệ...

Lúc sau, thấy con trâu nhỏ nhà mình luống cuống vì bị bắt quả tang nghe lén, tôi đột nhiên thấy vui vẻ hẳn lên. Phải chăng em đã bắt đầu để ý đến tôi...?

Suốt dọc đường về, tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của em mà trong tâm thấp thỏm, mồ hôi rịn ướt cả lưng, lòng thầm cảm ơn câu chuyện dở hơi về đám chó hoang nào đó...

Theo đúng như tôi dự tính, chuyện cô ba nhà huyện trốn nhà đi tìm tôi vừa đến tai thầy cô ta, ông ấy liền đùng đùng nổi giận kéo người sang nhà tôi hoạnh họe, khăng khăng cho rằng bệnh tình con gái ông nặng thêm là do tôi khắc.

Ừ thì, dù tôi không khắc, cũng do tôi mà ra thật.


Thấy thầy u tôi sắp dỗ được ông ta, tôi liền ra sức nói vài câu ghét bỏ vợ lẽ của mình, khiến cho ông ta càng thêm nghi hoặc, cho rằng số khắc thê của tôi vẫn chưa được giải trừ triệt để, báo hại đến con gái cưng nhà mình. U tôi sợ họa quan quyền, cuối cùng cũng bắt ép con trai vào ngủ cùng con dâu.

Bà đâu hề biết, tôi cũng chỉ chờ có thế.

Đêm đó, tôi được hưởng thụ cái gọi là mật, là đường, dường như muốn ngất đi trong hạnh phúc. Thì ra, chung chạ với người mình thương, chính là loại cảm giác điên cuồng này.

Em có một đôi mắt to, đen láy, lắm lúc nhìn lâu khiến cho tôi nhảy nhót trong lòng. Nhưng cũng bởi đôi mắt dễ dàng buồn thương đó ngày nào cũng nhìn chằm chằm tôi, trong khi môi lại ngọt ngào vâng dạ, tim tôi bỗng nảy nở một khát khao lạ: tôi muốn được gần gũi em hơn.

Không thỏa được hết ước mong qua chuyện gối chăn, tôi bắt đầu quan tâm đến tâm tư của em. Lúc nào cũng muốn biết em nghĩ gì, cần gì, muốn gì. Vì đâu đã da thịt áp kề như một thể, em vẫn còn dựng lên bao phòng vệ vây quanh?

Nó làm tôi cảm thấy bất an.

Đến lúc biết được nguyên do, tôi lại càng đâm ra hoang mang vô hạn.

Thì ra, đằng sau mỗi cái cúi đầu, em lại giấu nhiều cái đau như vậy.

Tôi được sinh ra trong giàu sang phú quý, từ nhỏ đã thấm nhuần tư tưởng quý – bần, chưa hề quan tâm đến những kẻ dưới mình suy nghĩ cái gì. Song chuyện lại khác đi khi một trong những kẻ đó lại là người mà tôi má áp tai kề, đầu ấp tay gối. Em đần như vậy, nếu cứ mãi nằm dưới kẻ khác, chỉ có nước ôm phiền muộn vào lòng. Đóa hoa tôi tự tay nuôi trồng, há có thể để người dập vùi cho héo hon như vậy? Bây giờ còn tôi bảo bọc, em có thể bình an mà sống. Nhưng đến ngày tôi cưỡi hạc về trời, nếu thân phận của em vẫn chỉ làm lẽ cho người, em liệu có thể ngẩng đầu mà cười hay không?

Biết bao lo lắng đột nhiên choáng ngợp đầu óc, tôi thấy bản thân sau một đêm đột nhiên già đi rất nhanh...

Âu cũng là chữ thương gây ra, chữ yêu cấu thành.

Thế nhưng, mỗi lần nhớ đến ánh mắt chuyên chú của em khi khâu áo cho mình, tôi bất chấp. Giang sơn của quân vương là ở trên lưng ngựa. Thế giới của con hát là bên dưới tiếng đàn.

Còn thiên hạ của tôi, là ở trong đôi mắt đó.

Thầy u là người sinh ta tôi, tôi không thể vì em mà ngỗ nghịch với họ, càng lại không vì họ mà rẻ rúng, bỏ rơi em. Xem chừng, tôi phải tìm ra một đường đi hòa chung hai lối. Điểm bắt đầu, có thể là gia cảnh bần hàn bên vợ...

Lo lắng này chưa qua, lo lắng kia đã tới. Thấy em não nề vì bị u phê phán không thể sinh con, tôi đâm ra tự trách bản thân ngàn vạn lần, vì lòng ích kỷ muốn giữ em cho riêng mình lâu thêm một chút, tôi đã vô tình ép vợ vào tội danh lỗi đạo. Tệ hơn nữa, cũng vì lần đó khiến tôi nhận ra, em vẫn chưa dứt tình với gã câm ngày nào.


Nhìn em vuốt ve áo của mình mà lòng lại hướng về kẻ khác, tim tôi cuồn cuộn dậy sóng. Đóa hoa mà tôi ấp ủ, nuôi trồng nay đã nở bung rực rỡ, kẻ nhìn vào kẻ thèm, người ngó lại người tiếc. Thằng câm đó hối hận vì ngày xưa đã chẳng thể vượt qua điều tiếng để dạm hỏi em về rồi sao? Nhưng vậy thì thế nào? Em nay đã là vợ tôi, nó còn có gan ngấp nghé?

Ở ngay thời khắc đó, nếu không có bàn tay mềm mại cởi hài cho mình, không có hơi thở âm ấm phả nhẹ lên trán đầy chiều chuộng, tôi đã nảy ra ý muốn giết quách thằng câm nọ đi.

Đêm đó tôi chỉ nhắm mắt mà không hề ngủ. Mấy mươi năm sống trên cõi đời, lần đầu tiên cậu cả Phù giàu sang hiểu thế nào là hoang mang vì sợ lo mất của.

Để dìm xuống nỗi bất an cứ không màng ngày đêm quấy phá, tôi bèn tìm việc cho em làm, khiến em không có thời gian ngồi nhớ nhung kẻ chẳng liên quan.

Lại vờ. Vờ rách áo.

Nghe thì dễ thế, thực hiện lại là cả một vấn đề. Nhà tôi là hào phú một phương, đồ phải rách một cách kín đáo họa may mới có đường giữ lại. Mà sứt mãi đường tà vợ tôi lại sinh nghi, thành ra đêm nào tôi cũng phải ngồi nghĩ ra một chỗ rách mới, vừa kín đáo, vừa mang tính ngẫu nhiên, vừa không quá dài hại em thức đêm khâu vá.

Hằng đêm, tôi thích ngồi nhìn em ôm cái bụng tròn trịa chứa con mình, chăm chú tỉ mỉ khâu từng đường kim mũi chỉ vì thầy nó, lắm lúc ngủ gật mơ về mối tình đơn phương thuở đứng ngoài ngõ trông trộm vào nhà em mà giật mình thảng thốt. Hóa ra, cả quá trình chẳng khác nào lừa trâu về nhà.

"Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu về trâu ở vui vầy với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta cày trâu cấy nghé ra một đàn..."

À, một đàn, có nàng, có ta, có ấm chè sen, an nhiên một kiếp.
...

Ngày con gái ra đời, ước nguyện "một đàn" của tôi lụi tàn như tro trấu. Mỗi lần sinh con là đẻ ra cái tình cảnh sinh tử ly biệt như vậy ư?!

Thế thì đừng bao giờ sinh nữa!

Ôm con gái vào lòng, tôi rủ rỉ quyết tâm cho con lớn lên nối dõi. Có lẽ sẽ rất khó, rất bất công cho con. Nhưng hãy cố con nhé, vì đây chính là cái tội của thầy, tội thầy không muốn sống thiếu u con...

Đến khi ngước lên, đã thấy trâu nhỏ nhà tôi òa ra nức nở.

"Cậu cả ơi, hóa ra... cậu thương em lắm phải không?"

Câu hỏi khiến cho tôi dở khóc dở cười.

"Cả cái vùng này, sợ chỉ còn mỗi em chưa hay chuyện đó."

Vậy là, con trâu đần nhà tôi, thoắt cái đã biến thành trâu nước...


Hoa có người chăm mới nở bung tươi thắm
Người có kẻ chiều mới khoe lắm mặn mà.

Bây giờ ngẫm lại, mới thấy lời đó vô cùng chí lý. Em của hôm nay chẳng còn là con trâu lỡ thì của cái ngày xưa cũ. Thì ra, đàn bà chỉ có thể đẹp ra trong sự cưng yêu chiều chuộng của chồng. Nếu được, tôi nguyện cả đời này biến em trở thành người vợ lộng lẫy nhất, để em có thể tự do mà ngông, vô lo mà sống, an tâm mà hống hách với đời.

Mùng ba Tết, tôi đi buôn từ làng trên về, gặp em hớt hải bế con chạy ra, má hồng lên vì phấn khích. Em tíu tít véo von gì đó tôi không còn nghe rõ, nhưng đôi mắt đen láy kia lại dường như có cơn bão ngầm. Vợ chồng gần gũi bấy lâu, lẽ nào tôi chẳng nhìn ra em vừa quyết định?

Quả nhiên, đêm đó, tôi thấy em lặng thầm gói lại vật gì đó, bỏ vào tráp gỗ ném xuống ao sen ngoài cửa sổ.

Ngày hôm sau tôi cùng thằng hầu lội xuống ao mò mãi mới thấy vật nọ. Lúc mở cái tráp ra, thằng hầu bỗng trố mắt nhìn tôi đầy hoảng hốt.

"Cậu cả, cậu có bị gì không? Mợ cả ném áo của cậu đi như vậy mà cậu còn cười đến tít mắt thế kia? Cậu đừng làm con sợ nhé!"

À, thì ra tôi đang mừng.

Không một ai trên đời này có thể hiểu được, tôi đã đợi ngày này từ lâu lắm, lâu lắm rồi...

Đã luôn là kẻ cầm cờ, tôi chỉ mơ có một ngày quay lại nhìn thấy con trâu kia đuổi kịp.

Lúc đó, có lẽ, tôi sẽ đủ an tâm để kể em nghe về câu chuyện sính lễ đêm hôm tự nhiên xuất hiện, về tấm áo dài cũ rách để quên, về cái mệnh khắc thê đã cuốn chặt em vào cậu cả nhà bá Phù.

Lúc đó, có lẽ, tôi sẽ có thể kê gối cao mà ngủ, hằng đêm không phải lo lắng em sẽ đột ngột cắt đứt duyên nợ đôi ta, một khi đã phát hiện ra con người thủ đoạn đa đoan bên dưới lớp áo choàng thư sinh nho nhã.

Lúc đó, có lẽ, tôi sẽ có thể cho em biết, em khâu áo, đã khâu cả máu thịt bản thân vào trái tim tôi.

À, cơ mà, lúc đó, chắc cũng phải là mấy mươi năm nữa...

Hết.

——————————–

Bạn trai trong đây hông bá đạo như các soái ca thường thấy, cứ yêu nữ chính thì cha mẹ cậu dì gì thẳng chân đạp hết. Vì viết về thời xưa, tui cũng cố theo kịp suy nghĩ của người thời xưa, bởi thế bạn trai này cũng không phải thuộc dạng tư tưởng thoáng được mấy em xuyên không đột ngột khai sáng, từ trai cổ hủ quay ngoắt cái thành người Mỹ lịch lãm tôn lady lên hàng đầu. :D Quá trình để bạn ý từ từ đặt nữ chính lên hàng đầu, phải từ thương, từ hiểu.

Ngoài ra, cũng do vậy mà bạn này mới biết kính mẹ kính cha, yêu nữ chính nhưng cũng không làm ra mấy chuyện bất hiếu. Thay vào đó, bạn này cứ tầm ngầm lèo lái mọi việc quanh mình, tìm cách cho cha mẹ mình từ từ thích nữ chính, lại giúp đỡ gia đình nữ chính để nữ chính có cái gốc mà ngẩn mặt với đời.

Tui nghĩ, đó mới xứng là một người đàn ông thật sự. :"D

Ye~ Ăn tết vui vẻ nha mọi người! ^^ (Chúc vầy là lặn lun đến Tết á :)))


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui