Các Loại Việt Phục

[NAM QUỐC QUAN CÂN MẠO] – PHÙ DUNG QUAN – 芙蓉冠

– – 0 – –

Raw: Nam Phong Viện – 南風院

●KHÁI NIỆM – NGUỒN GỐC
Phù Dung quan (芙蓉冠), có tên khác là Liên hoa quan (蓮花冠/蓮華冠),Phù dung mạo (芙蓉帽)……, là tên của một loại mũ có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại và lưu hành phổ biến trong vùng các nước văn hóa hán tự. Ghi chép sớm nhất về mũ Phù Dung đã có từ giai đoạn Nam bắc triều của Trung Quốc, tuy nhiên phải tới giai đoạn Đường – Tống, mũ mới bắt đầu phổ biến, thịnh dùng và thừa tập bởi các Triều đại Nguyên – Minh – Thanh, và các nước đồng văn sau này:
• Thái bình ngự lãm《太平御览》quyển 675 dẫn Kim chân ngọc quang kinh《金真玉光经》rằng:”Vương Tử Kiều đắc đạo núi Đồng Bá tuổi còn nhỏ, nhưng chỉnh đốn phi thường, kiến đội mũ Phù Dung, mặc chu y…” – Nguyên văn:《桐柏山真人王子喬年甚少,整頓非常, 建芙蓉 冠, 著朱衣…》。
• Chân cáo – Ác chân phụ đệ nhất《真誥·握真輔第一》quyển 17, chép: “Có một lão ông, bận y thường thêu, đội mũ Phù Dung, chống gậy xích cửu tiết…” – Nguyên văn:《有一老翁,著繡衣裳, 芙蓉冠, 掛赤九節杖而立…》。

Sở dĩ mũ có tên là mũ Phù Dung《芙蓉冠》vì hình mũ như hoa, chẻ ra nhiều cánh, chồng chồng lớp lớp, tựa như bông sen (蓮花)/ bông phù dung (芙蓉). Dáng mũ nhỏ nhắn, được xếp vào dạng Tiểu quan (小冠) hoặc Thúc phát quan(束髮冠). Khi đội, gắn mũ vào búi tóc, dùng trâm định dáng mũ.

Mũ Phù dung từng được sử dụng như lối y phục phổ biến trong nhiều phương diện thời Trung Quốc cổ đại (phổ biến nhất trong tôn giáo), một trong tam quan (Cửu cân tam quan/九巾三冠) của Đạo giáo, một trong các hình thái Hoa quan(花冠) của ca nữ…v.v.

● TẠI VIỆT NAM
Một vài ghi chép cổ đã cho thấy một hình thức mũ tên mũ Phù Dung(芙蓉冠) từng tồn tại trong hệ thống y phục Việt Nam, nhất là giai đoạn nhà Trần:

Cuốn An Nam chí lược《安南志略》thời Trần của Lê Tắc, chép: “quốc chủ có mũ Bình Thiên, mũ Quyển Vân, mũ Phù Dung, mặc áo Cổn…” – Nguyên văn:《國主之冠曰平天冠卷雲冠芙蓉冠服袞衣。…》。


Việt điện u linh tập – Lịch đại nhân quân – Trưng Thánh Vương《越甸幽靈集 • 歷代人君 • 徵聖王》. “hai người con gái đội mũ Phù Dung, mặc áo lục, thắt đai, cưỡi ngựa sắt, đuổi gió theo mây bay qua trước mặt” – Nguyên văn:《二女戴芙蓉冠,著綠衣束帶,駕鉄騎,追風隨雨而過》。

Đặc biệt trong đó phải nhắc đến chính là dạng thức mũ Phù Dung dành cho vua Trần được chép lại trong An Nam chí lược《安南志略》, đối chiếu với những loại mũ khác được liệt kê trong sách( Bình thiên, Quyển vân, Phù dung…) với suy đoán về quy chế riêng biệt của từng loại mũ của nhóm, chúng tôi phỏng đoán, mũ Phù dung được xếp vào hệ thống các Thường triều phục( hoặc tiện phục) dành cho vua Trần.

Tuy nhiên hiện nay, hầu như chẳng có ghi chép gì miêu tả về hình dáng của loại mũ tên Phù Dung được nhắc đến trong sách An Nam chí lược thời Trần, ngoại trừ sự tương đồng danh xưng với dạng thức mũ Phù Dung của Trung quốc. Sau thời Trần, giai đoạn Hồ – Lê – Nguyễn, những ghi chép hay hiện vật về mũ Phù Dung chỉ còn xoay quanh tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo.

Chúng tôi xin đặt ra 2 giả thuyết:

• Giả thuyết 1: mũ Phù Dung được nhắc đến trong sách chính là dạng thức mũ Phù Dung của Trung Hoa đương thời.

Quan điểm này khá phù hợp và có nhiều khả năng nhất, khi dựa trên các lập luận sau:

• Xét trên hoàn cảnh đương thời, giai đoạn Lý – Trần được xem là thời kì nở rộ của xã hội tín ngưỡng Việt Nam mang nặng xu hướng giao thoa văn hóa. Ngoài duy trì hệ thống xã hội – chính quyền Nho giáo và Lão giáo, mặt khác lại tiếp thu hệ thống tín ngưỡng Phật giáo từ vùng Đông Nam Á, tạo nên cục diện giao thoa Tam giáo đồng nguyên (Khổng – Phật – Lão). Tuy Phật giáo thường chiếm ưu thế bởi sự bảo trợ của triều đình và được xem là quốc giáo đương thời, các ghi chép cho thấy nhiều đời vua nhà Trần đã sùng tín Đạo giáo từ rất sớm, thường xuyên hành lễ lập đàn, thực hành tín ngưỡng Đạo giáo, thờ trời đất tổ tiên không khác Trung Nguyên:

+ Đại Việt sử kí toàn thư《大越史記全書》 chép: “Trọng Tử thường mời đạo sĩ làm phép trấn yểm, đạo sĩ vào chỗ ngồi, nhưng mọi việc đều do Trọng Tử làm, miệng không nói một lời” – Nguyên văn:《常請道士行安鎮法道士就位仲子皆行之而髙公不一開口》。

“Bấy giờ có đạo sĩ phương Bắc tên Hứa Tông Đạo theo thuyền buôn sang ta, cho ở bến sông Yên Hoa. Phép phù thuỷ, đàn chay bắt đầu thịnh hành từ đó.” – Nguyên văn:《時有北方道士許宗道隨商舶來居之安華江津》。


+ “Thượng hoàng tuổi nhỏ sinh bệnh, thường lệnh ông hành an bày đạo chấn phù pháp, khoác áo xưởng đội mũ, tựa như đạo sĩ” – Nguyên văn: 《上皇方幼孺,在閣有疾,常命行安鎮符法,其被氅加冠如道士状》。

=> Xét trên phương diện này, việc mũ Phù Dung được du nhập và sử dụng tại Việt Nam đương thời thông qua tín ngưỡng Đạo giáo và các đạo sĩ phương bắc khá dễ hiểu và có khả năng cao, từ đó dẫn đến khả năng triều đình nhà Trần biết và nắm được khái niệm, kết cấu mũ Phù dung của Đạo giáo khá cao.

• Hiện vật đầu tượng đất nung( phỏng đoán là tượng Phật giáo) thời Lý từ Tk 11-13, khai quật tại khu di tích Quần Ngựa, thành Thăng Long. Đỉnh đầu chạm nổi hình bông sen, vành mũ viền quanh cuốn tóc. (Xem hình)

• Một hình thức mũ Tiểu quan (小冠) tương đồng kết hợp với viên lĩnh bào của vua Trần Anh Tông, xuất hiện trong bức Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ《竹林大士出山圖》vẽ vào thời Trần thế kỉ 14. Dựa vào bố cục trang phục của các nhân vật và thời gian hoàn cảnh bức tranh miêu tả (năm 1295 – 1299, trùng thời gian cuốn ANCL được chép), có thể phỏng đoán hình thức trang phục của vua Anh Tông và đoàn tùy tùng thuộc dạng thức Thường triều phục sử dụng trong cung đình, một phần cho thấy hình thức tiểu quan/ thúc phát quan được sử dụng như một dạng mũ trong hệ thống y phục hoàng đế nhà Trần thời bấy giờ (không rõ quy chế mũ Phù Dung đã bị sửa đổi thành dạng tiểu quan khác trong tranh là do cải cách y phục của Trần Anh Tông năm 1300, trong thời gian Lê Tắc lưu vong tại nhà Nguyên hay do hậu nhân tự áp đặt ra bằng quy chế đương thời). (xem ảnh)

Ngoài ra, sự xuất hiện của đạo sĩ nhà Nguyên Lâm Thời Vũ《林时雨》càng cho thấy sự hiện diện đồng điệu của cả Phật giáo và Đạo giáo trong giai đoạn phát triển thời Trần này.

Dựa trên lập luận này, chúng ta có thể đối chiếu với kiểu thức mũ Phù Dung của Trung quốc, giai đoạn Tống – Nguyên đương thời, để phỏng dựng nên hình dáng cơ bản của mũ Phù Dung thời Trần.

• Giả thuyết 2: mũ Phù Dung được nhắc đến trong sách là một dạng mũ độc lập.

=> Chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng các tư liệu còn giữ được hiện nay rất thiếu thông tin về mũ Phù Dung, chính vì vậy không loại trừ khả năng loại mũ Phù Dung mà các hoàng đế nhà Trần đội là một sáng tạo đặc thù, độc lập với hình thái mũ Phù dung của Trung quốc.

Việc thực sự nhà Trần có thực sự chịu ảnh hưởng của đạo giáo khi đưa vào và sử dụng hình thức mũ Phù Dung trong quy chế trang phục hoàng đế hay không vẫn là vấn đề chưa thể khẳng định hoàn toàn được.
Một việc khá có khả năng khi không hiếm trường hợp các y phục Việt Nam “đồng danh dị vật” với y phục Trung quốc (vd: Đông Pha cân, Phong cân, Bình đính mạo, Giải trãi quan…).

Trên thực tế bản thân nguồn gốc bức tranh “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ” hiện vẫn đang là đề tài đang tranh cãi kịch liệt bởi việc khá rõ ràng khi hiện vật này đều được sáng tác và thuộc sở hữu bởi Trung Quốc từ thời nhà Nguyên đến nay.

+ Hiện nay chưa tác giả nào phản biện được các tư liệu từ bức tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” và quyển An Nam Chí Lược của Lê Tắc là không mang tính xác thực cao về trang phục thời kì ấy. Về tín ngưỡng Đạo giáo vào thời Trần rất thịnh cộng với việc chúng ta còn lưu giữ một số hiện vật giai đoạn Lý – Trần mang dáng vóc mũ hoa sen bằng đất nung.Như vậy, quan điểm chúng tôi nghiên về giả thuyết thứ 1 nhiều hơn và mang tính xác thực cao hơn giả thuyết thứ 2.

•Mạn đàm về kiểu dáng mũ phù dung thời Trần•

(Phần dưới đây là phân tích về hình dáng, kết cấu và chất liệu mũ Phù Dung dựa vào giả thuyết 1 ở trên)

•Dựa vào hình thái mũ Phù Dung giai đoạn Tống – Nguyên đương thời( Chỉ xét trong thời điểm bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ và cuốn An Nam chí lược ra đời đổ về trước) kết hợp với các hình thức, phong cách mũ cũng như búi tóc thời Lí – Trần và vài nước lân cận, chúng ta có thể phỏng đoán ra vài đặc điểm nổi bật của mũ Phù Dung nhà Trần, bao gồm:

+ Kết cấu mũ tiểu quan chẻ ra nhiều cánh, nhìn như bông sen, ôm chặt lấy búi tóc.

+ Mũ và búi tóc nằm ở vị trí đỉnh đầu, tóc được búi thành khối tương đối lớn.

+ Dùng trâm để cài cố định mũ và búi, theo kết cấu trâm Tý ngọ《子午簪》(hướng trâm nằm dọc, mũi trâm hướng theo chính diện mặt).

+Đầu mũ đôi lúc gia cố thêm kết cấu nhụy, trông như gậy như ý nếu dựa vào kết cấu mũ Phù Dung thường dùng của đạo giáo.

-Về chất liệu
• Tử tiêu ký《紫簫記》chép:”Có thể mang mũ ngọc Phù Dung và áo Cửu quang đến, mà đổi lấy sắc áo quả nhân” – Nguyên văn: (可將玉芙蓉冠九光衣來換了寡人服色)

Dựa vào các ghi chép, tranh vẽ và hiện vật còn sót lại giai đoạn Đường – Tống – Nguyên, thông thường chất liệu của mũ thường làm bằng Ngọc, gỗ, vàng, bạc, vải ô sa…., trên thường khảm thêm ngọc trai, mã não, sức vàng, đá quý ..v.v.


Trong đó xét về khả năng cơ bản phù hợp nhất, hiện vật mũ Phù Dung của các vua nhà Trần sẽ thiên về chất liệu chính gồm ngọc, ngà và vàng. Trong đó ngà và vàng được xem là nguyên liệu và sản vật vô cùng phong phú lúc bấy giờ của Đại Việt, thứ góp một phần gián tiếp cho sự thịnh vượng và phát triển cho thời kì Lý – Trần.
——————————————————————–
•Tạo hình: Thạc Nhân.
•Tranh vẽ: Minh Đăng, Gối Ôm.
•Design: Hữu Thành.
-Tài liệu tham khảo:
• Ngàn năm áo mũ – tác giả Trần Quang Đức
• Đại Việt sử kí toàn thư《大越史記全書》- Bản năm Chính Hòa thứ 18, do hình bộ thượng thư Lê Hy đứng dầu chủ biên
• An Nam chí lược《安南志略》- Tác giả Lê Tắc ( Hay Lê Trực)
• Trung quốc y quan phục sức đại từ điển《中國衣冠服飾大辭典》- tác giả Chu Tấn – Cao Xuân Minh
• Đại Tống y quan《大宋衣冠》- tác giả Bác Bách Tinh
• Trung Quốc cổ đại phục sức nghiên cứu《中國古代服飾研究》- tác giả Tạ Trung Nhứt – Nhậm Lệ Phong
——————————————————————
CHÚ Ý:
+ Những suy đoán, phân tích về hình dáng, chất liệu và kiểu thức mũ Phù Dung ở trên hoàn toàn là phỏng đoán mang tính cá nhân của chúng tôi về một giả thuyết của mũ Phù Dung. Chính vì vậy chúng tôi không khẳng định tính chắc chắn cũng như đầy đủ về nguồn tư liệu và các phỏng đoán trên. Nếu mọi người có thêm quan điểm hoặc ý kiến thêm về vấn đề trên, mong được cùng thảo luận và giải đáp
+ Chúng tôi không chịu trách nhiệm nếu có cá nhân hoặc tổ chức trích dẫn sai, thiếu và lệch khỏi nội dung, tư liệu hay ý nghĩa bài viết phân tích ban đầu.
+ Vui lòng đề rõ nguồn page, tên tác giả hoặc nguồn bài viết khi trích dẫn hoặc sử dụng hình ảnh của chúng tôi
+ Nếu bài viết có khúc mắc hoặc lỗi nhỏ, mong mọi người báo cáo và nêu ý kiến để chúng tôi nhanh chóng hồi đáp và sửa sai.

270119438_314219417230353_7510140329753875047_n


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận