Phần IX
Mười hai tuần lễ trôi qua cho đến khi tôi bắt đầu tích trữ quần áo hàng hiệu mà Runway gần như ấn vào tay. Mười hai tuần dài đằng đẵng với ngày làm việc kéo dài mười bốn tiếng và đêm ngủ lâu nhất là năm tiếng. Mười hai tuần dài lê thê mà hằng ngày tôi bị xét nét từ đầu đến chân, không được nghe lấy một lời khen ngợi hay ít nhất cũng khích lệ đã làm được việc. Mười hai tuần dài kinh hãi với cảm giác là mình ngu dốt, bất tài và ngô nghê đủ mọi mặt. Bắt đầu vào tháng thứ tư ở Runway ( may quá, chỉ còn chín tháng nữa thôi! ) thì tôi quyết định trở thành một cô gái mới và ăn mặc đúng lệ bộ.
Cho đến nay thì tôi khốn khổ nhất khi chọn quần mỗi sáng. Ngay một người như tôi cũng phải ngộ ra là mặc đồ " chính thống" đỡ phiền toái hơn nhiều. Sáng sớm nào cũng khó nhọc, nhưng khó nhọc nhất vẫn là chuyện quần áo. Đồng hồ báo thức réo chuông sớm đến mức tôi không dám kể chuyện ấy cho ai, tựa như nhắc đến thời điểm đó đã đủ đau hết mình mẩy. Sáng nào cũng đúng bảy giờ có mặt ở văn phòng đã là một thử thách lớn đến phát khóc. Tất nhiên là đã có lúc tôi trèo khỏi giường trước bảy giờ, ví dụ như để ra kịp chuyến máy bay nào đó hay cố ôn thi vào phút cuối cùng. Chứ ngoài ra tôi chỉ biết thời gian đó như điểm kết của một đêm dạ hội, không có gì đáng sợ khi người ta có cả một ngày hôm sau để được thoải mái ngủ bù. Nhưng bây giờ thì khác. Đây là một kiểu mất ngủ liên tục, đều đặn và vô nhân đạo mà tôi thì không sao lên giường được trước nửa đêm. Hai tuần vừa rồi mới thật là lắm stress, vì công việc chuẩn bị ra số báo mùa xuân đang đi vào giai đoạn quyết định và có hôm tôi ngồi đợi đến gần mười một giờ đêm ở ban biên tập để đợi lấy SÁCH. Về đến nhà thì thường là đã xong đâu, tôi còn phải ăn chút gì đó và cởi quần áo trước khi lăn ra ngủ như chết.
Đúng năm rưỡi, một tiếng chuông xé tai chấm dứt giấc ngủ - tiếng động duy nhất mà tôi không lờ đi nổi. Tôi cố thò một chân ra khỏi chăn và duỗi về hướng đồng hồ báo thức ( được bố trí một cách chiến lược để tôi phải chuyển động mới với tới). Tôi lọ mọ dùng ngón chân tìm nút tắt để sau vài lần ấn trượt thì rồi cũng ngắt được chuông. Cứ sau bảy phút nó lại kêu lần nữa, và đúng 6 giờ 04 tôi hoảng hốt vùng dậy để lao vào nhà tắm.
Tiếp theo là cuộc chiến với tủ quần áo, thông thường từ 6 giờ 30 đến 6 giờ 37. Lily vốn quen đồng phục thống nhất ở trường là quần Jeans, áo pull, dây chuyền sợi gai và dĩ nhiên không phải chuyên gia thời trang; cô luôn ngạc nhiên khi chúng tôi gặp nhau: " Tớ vẫn không rõ cậu mặc đồ gì đến chỗ làm việc? Quần áo của cậu thì okay, nhưng làm sao mặc đến Runway được?"
Tôi không tiết lộ với cô rằng từ mấy tháng nay tôi chủ tâm dậy sớm và lì lợm quyết định sửa đổi phong thái thể thao của mình theo hướng Runway. Sáng nào tôi cũng đứng nửa tiếng trước tủ quần áo, tay cầm tách cà phê lấy trong lò vi sóng ra, lưỡng lự giữa đống bốt và thắt lưng, len và sợi micro. Sau khi thay tất năm lần để chọn được tông màu thích hợp thì mới nhớ ra là không được đi tất. Gót giầy của tôi luôn lùn quá, rộng quá, to quá. Tôi không có lấy một thứ đồ nào bằng len cashmere. Do chưa hề biết khái niệm xi líp dây nên tôi bận rộn rất lâu để chọn cái quần lót nào không hằn vết ra ngoài - một trong những chuyện được ưa đem ra đàm tiếu nhất trong giờ giải lao. Và cho dù đã ngập ngừng nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa dám mặc áo không dây đến văn phòng.
Sau ba tháng thì tôi đầu hàng. Mệt mỏi quá. Việc chọn lựa trang phục hằng ngày đã làm tôi kiệt quệ về thể xác lẫn linh hồn. Sáng nào cũng thế, một tay tôi cầm tách cà phê đứng trước tủ, tay kia lục trong đống quần áo ưa thích ngày xưa. Sao phải khổ thế? Tôi tự hỏi. Đơn giản khoát hàng hiệu lên người không nhất thiết có nghĩa là tôi bán rẻ linh hồn mình. Sau khi bị nghe những câu góp ý ngày càng cay nghiệt hơn về vẻ bề ngoài của mình, tôi tự hỏi là liệu mình có vì vậy mà mất việc như chơi. Tôi ngắm mình trong tấm gương cao đến đầu và bật cười: cô gái trong chiếc áo nịt Maidenform ( tôi!) và xi líp vải bông Jockey kia ( cũng là tôi! ) định bước chân vào làng Runway hay sao? Cho vào thùng rác được rồi. Chả gì thì tôi cũng làm việc ở Runway, tạp chí thời trang có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Chỉ ăn mặc sạch sẽ và đứng đắn thôi chưa đủ. Tôi gạt mấy thứ đồ ngán ngẩm sang một bên, lấy ra chiếc váy đen tuýt Prada, áo cổ lọ đen Prada và đôi bốt thấp cổ Prada mà James đưa hôm buổi tối ngồi đợi lấy SÁCH.
" Gì thế?" Tôi hỏi khi mở bao đựng quần áo.
" Đồ để chị mặc. Andy ạ, nếu chị không muốn bị mất việc," anh mỉm cười nhưng tránh nhìn thẳng vào mắt tôi.
" Sao cơ?"
" Thế này nhé. Tôi nghĩ là chị cũng biết rằng kiểu... kiểu ăn mặc của chị không hẳn giống mọi người ở đây. Tôi hiểu, chơi hàng hiệu là thú vui đắt đỏ, nhưng đã có cách. Tôi có rất lắm đồ trong kho quần áo, sẽ chẳng ai nhận ra là chị thỉnh thoảng ... mượn vài thứ." Anh lấy ngón tay ra hiệu cho chữ mượn vào ngoặc kép. " Và đương nhiên là chị cũng nên gọi bên phòng quan hệ đại chúng để lấy thẻ giảm giá khi mua hàng hiệu. Tôi chỉ được giảm giá 30% thôi, nhưng chị làm việc cho Miranda nên tôi không tin là họ tính tiền với chị đâu. Chả có lý do gì để chị cố giữ phong cách... sinh viên của mình cả."
Tôi không muốn phải giải thích là mang đồ Nine West thay cho Manolo hay quần bò trẻ con ở hiệu Macy's chứ không mua ở tầng tám hiệu Barney sang trọng chính để chứng tỏ với mọi người xung quanh là tôi không bị lóa mắt bởi thế giới Runway. Ai xúi James làm việc này với tôi nhỉ? Emily? Hay chính Miranda? Nhưng ai giật dây cũng thế thôi. Nói cho cùng thì tôi đã sống sót qua ba tháng ở Runway, và nếu chiếc áo cổ lọ Prada chứ không phải đồ rẻ của Urban Outfitters giúp tôi vượt qua nốt chín tháng sắp tới thì cũng tốt thôi. Tôi quyết định kể từ hôm nay chỉ mang đồ mới tử tế hơn.
6 giờ 50 tôi ra khỏi nhà và cực kỳ hài lòng với bộ cánh của mình. Mấy gã ở quầy bán quà sáng cạnh nhà huýt sáo theo, và chưa đi tiếp lấy mười bước chân nữa thì một cô gái nói với tôi là cô vẫn băn khoăn từ ba tháng nay trước quyết định mua chính đôi bốt của tôi. Mi sẽ thích tình trạng này, tôi nghĩ bụng. Nói cho cùng thì chẳng ai trần truồng đi làm cả, cũng phải mặc thứ gì đó lên người, và mang đồ này tôi cảm thấy cao cấp hơn hẳn những quần áo ngày xưa của mình. Đến góc phố tôi lên taxi, lần này không phải vì trường hợp khẩn cấp nữa mà thành thói quen. Trong xe ấm áp dễ chịu nhưng tôi quá mệt mỏi để có sức mà vui mừng khi không phải chen chúc lên tàu điện ngầm với những người đi làm khác. Tôi nói khản đặc: " 640 Madison, nhanh lên nhé." Người lái xe nhìn tôi trong gương hậu - tôi thề là với ánh mắt đồng cảm - và hỏi: " Tòa nhà Elias Clark, đúng không?" Anh nhấn ga. Xe lao vun vút lên phố 97, rẽ qua Lex, bay xuyên qua hàng đèn của phố 59 về hướng Tây đến Madison. Sau đúng sáu phút - giờ này xe cộ thưa thớt - taxi phanh kít trước khối bê tông cao vút mảnh mai mà những người làm trong đó có vẻ muốn ganh đua thân hình với nó. Giá taxi hôm nào cũng 6,40 dollar, tôi đưa lái xe tờ 10 dollar và nói: " Cứ giữ chỗ tiền thừa." Và cũng như mọi hôm, tôi vui mừng nhìn bộ mặt ngạc nhiên và vui mừng của anh ta. " Runway cám ơn."
Cũng là chuyện thường. Sau tuần đầu tiên ở Runway tôi đã nhận ra thanh toán công tác phí không phải là mặt mạnh của Elias Clark. Ngày nào cũng 10 dollar tiền taxi? Không sao cả. Các công ty khác ắt sẽ kiểm tra xem tôi có được phép đi taxi đến chỗ làm không. Ở Elias Clark người ta chỉ ngạc nhiên tại sao tôi sử dụng mấy cái taxi vớ vẩn mà không gọi xe của công ty đến đón. Mỗi ngày xơi của Runway 10 dollar làm tôi cực kỳ khoái chí, cho dù công ty coi đó như muỗi đốt sắt. Người khác có thể cho là một dạng phản kháng ngầm, tôi gọi việc này là tái phân chia thu nhập.
Sung sướng vì ít nhất cũng làm cho một người vui vẻ bắt đầu ngày làm việc, tôi nhảy khỏi xe và đi về hướng 640 Madison. Tòa nhà tuy tên là Elias Clark Building nhưng phân nửa diện tích cho JS Bergmann, nhà băng danh tiếng nhất thành phố, thuê. Tuy hai bên không chung chạ gì, ngay cả thang máy cũng tách riêng, nhưng không tránh khỏi các nhân viên nhà băng phong lưu và người đẹp của làng thời trang cắt đường nhau ở tiền sảnh và để mắt nhòm ngó nhau.
Tôi đang thầm chuẩn bị cuộc trạm trán hằng ngày với Eduardo thì một giọng mệt mỏi và chán nản từ sau lưng làm tôi bất ngờ: " Ê, Andy! Khỏe không? Lâu ngày không gặp." Tôi quay lại thấy Benjamin, một trong vô số bạn trai ngày xưa của Lily ở trường đại học. Anh ngả người đánh phịch bên cạnh cửa vào tòa nhà, thậm chí có vẻ không phiền lòng là mình đang ngồi bệt trên vỉa hè. Anh chỉ là một trong nhiều bạn trai của Lily, nhưng là người đầu tiên mà Lily mến thực sự và chân thành. Tôi không hề tiếp xúc với Benji ( anh rất ghét bị gọi như thế ) từ khi Lily bắt quả tang anh ta với hai cô gái đang nằm ườn trong phòng ký túc xá. Hai cô này cùng hát với Lily ở dàn đồng ca accapella, một giọng cao và một giọng trầm, sau đó không dám nhìn thẳng vào mắt Lily nữa. Tôi cố giải thích cho Lily là họ chỉ định đùa ác, nhưng cô không tin và khóc ti tỉ mấy ngày liền, sau đó bắt tôi hứa không được kể cho ai chuyện mà cô phát hiện ra. Tôi giữ lời, bù lại thì Benji rêu rao khắp nơi thành tích đã " đóng đinh hai con bé xướng ca vô loài" trong khi "con bé thứ ba ngồi nhìn," cứ như là Lily tự nguyện chiêm ngưỡng màn diễn của sư phụ. Sau vụ này Lily thề không bao giờ thèm yêu nữa, và cho đến nay có vẻ như cô vẫn trung thành với lời thề đó. Cô lôi nhiều chàng lên giường, nhưng cũng tống tiễn họ ra cửa sớm vì sợ nhỡ đâu lại sa vào mê lộ của tình yêu.
Tôi nhìn xuống anh, cố tìm lại Benji ngày xưa trên khuôn mặt này. Anh ấy là người thể thao và lanh lợi như trăm nghìn người khác. Nhưng công việc ở Bergmann đã vắt kiệt anh. Bộ com lê của anh nhàu nhĩ và rộng thùng thình, anh rít điếu Marlboro một cách thèm khát như bị ma túy vật. Mặc dù mới bảy giờ nhưng trông anh đã mệt rũ, vẻ ngoài tàn tạ ấy làm tôi thấy trong người phấn chấn hơn. Vì nó cũng là một dạng trả đũa cho sự điểu cáng của anh đối với Lily và tôi không phải là đứa ngu xuẩn duy nhất phải đi làm vào lúc nhọ mặt người này. Chắc anh ta được trả mỗi năm 150.000 dollar để xuống dốc thê thảm như vậy, nhưng kệ xác.
Benji vẫy tôi với điếu thuốc trong tay, ra hiệu gọi tôi lại, đầu thuốc vẽ một vòng sáng trong bóng tối nhập nhoạng của buổi sớm mùa đông. Tôi ngập ngừng vì không muốn đến muộn, nhưng Eduardo đã phát tín hiệu " không lo, bà ấy chưa đi làm đâu, cứ bình tĩnh" và tôi đi ra chỗ Benji. Trông anh lờ đờ và tuyệt vọng. Rõ ràng anh cho là anh có một ông sếp hà khắc. Nếu như anh biết mọi chuyện! Tôi suýt phá ra cười.
" Này, tôi nhận thấy hằng ngày chị là người duy nhất đến làm việc sớm như vậy," anh lầm bầm nói trong khi tôi lục lọi túi xách tìm thỏi son môi trước khi đi tới thang máy. " Tại sao thế?"
Trông anh mệt mỏi và kiệt quệ làm lòng tôi trào lên chút thương cảm. Nhưng tôi cũng mệt chết đi được, và tôi nhớ lại vẻ mặt của Lily khi được một người trong số bạn thể thao của Benji hỏi là lúc xem mấy người kia làm tình có thích không hay cũng muốn tham gia, và chút thương cảm ấy cũng biến mất luôn.
" Tại sao à? Vì tôi làm việc cho một bà sếp có đòi hỏi rất khắc nghiệt nên phải đến sớm hơn tất cả mọi người ở tòa báo những hai tiếng rưỡi để chuẩn bị mọi việc," tôi đáp với giọng đầy cay nghiệt.
" Thôi, tôi chỉ hỏi thôi mà, xin lỗi chị. Nhưng nghe có vẻ tệ quá, chị làm cho báo nào vậy?"
" Tôi làm cho Miranda Priestly," tôi nói và cầu mong đừng thấy phản ứng gì. Tôi luôn thích thú khi gặp một người tương đối có đầu óc mà chẳng hề biết Miranda là ai cả, thích lắm. Cực kì thích là đằng khác. Và quả thật, lần này Benji không làm tôi thất vọng. Anh nhún vai, hít một hơi thuốc và nhìn tôi dò hỏi.
" Bà ấy là tổng biên tập tờ Runway," tôi hạ giọng và khoái trá kể tiếp, " và là mụ già ghê gớm nhất mà tôi từng gặp. Trước đó tôi không tưởng tượng ra có loại người như thế, thậm chí không phải là người nữa." Tôi chỉ muốn tuôn hết bài ca thán về bà ta cho Benji nghe, nhưng trước khi hăng hái vào cuộc thì cơ chế thụt vòi ở Runway đã lại thắng thế. Lập tức tôi luống cuống, thậm chí khiếp sợ rằng con người ngây ngô và lãnh đạm kia biết đâu là tay sai của Miranda hay cây bút của một tờ lá cải kiểu Observer và Page Six đến săn tin. Tôi biết đó là chuyện ngớ ngẩn và vô lý, vì tôi quen Benji từ nhiều năm nay và tin chắc rằng anh ta không làm việc cho Miranda ở bất kỳ tư cách nào. Nhưng sao mà tuyệt đối yên tâm được? Có thể ai đó sau lưng trong mấy giây vừa rồi đã nghe thấy những lời độc địa của tôi thì sao? Phải bắt tay vào hạn chế thiệt hại ngay mới được.
" Tất nhiên, bà ấy LÀ người phụ nữ có quyền lực nhất trong giới thời trang và xuất bản, và không ai suốt ngày dịu dàng phân phát bánh kẹo mà leo lên được đỉnh cao của hai lĩnh vực chính yếu ấy của New York City. Vào địa vị bà ấy thì tôi cũng làm thế. Thôi nhé, tôi phải đi đây. Tạm biệt." Thế là tôi biến luôn, hệt như khi nói chuyện với ai đó trong những tuần qua. Chỉ khi tán gẫu với Lily, Alex hay bố mẹ là tôi mới thoải mái chửi bới mụ phù thủy ấy.
" Đừng phiền muộn quá đáng như thế, Andy," Benji gọi với theo khi tôi đi về phía thang máy. " Tôi ngồi từ sáng thứ Năm ở đây rồi cơ," anh thả rơi mẫu thuốc xuống đất và hờ hững dí mũi giầy lên.
"Chào Eduardo," tôi nói và nhìn ông với cặp mắt mệt mỏi cố toát ra cảm xúc. "Sao mà tôi ghét những ngày thứ Hai thế."
"Kìa cục cưng, đừng bực bội thế. Ít nhất thì hôm nay chị cũng đến sớm hơn sếp," ông mỉm cười. Ông ám chỉ những buổi sớm chết tiệt mà Miranda xuất hiện từ năm giờ sáng và đòi có bảo vệ đưa lên tầng vì bà không bao giờ chịu đem thẻ thông hành theo người. Rồi bà lồng lộn đi lại trong văn phòng và nhấc điện thoại, liên tục tấn công tôi và Emily cho đến khi một trong hai chúng tôi vùng dậy mặc quần áo và phi đến chỗ làm việc, cứ như là vừa ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.
Tôi ấn vào cửa xoay, hy vọng vào ngày thứ Hai này được ông ta cho qua mà không cần rút thẻ. Nhầm to.
"Yo, tell me what you want, what you really, really want," ông hát với nụ cười toe toét và pha khẩu ngữ Tây Ban Nha. Thế là tiêu tan mọi niềm vui của tôi từng làm người lái taxi sung sướng và đến văn phòng sớm hơn Miranda. Như mọi hôm, tôi điên tiết đứng trước cửa xoay và chỉ muốn vặn cổ Eduardo. Nhưng vì tôi là người dễ tính và Eduardo thuộc vào nhúm bạn bè ít ỏi trong tòa nhà này nên tôi cắn răng phục tùng số phận: "I'll tell you what I want, what I really, really want, I wanna - I wanna - I wanna - I wanna - I really, really wanna zigga zig aaaaahhhh," tôi ngoan ngoãn tỏ lòng kính trọng với ca khúc đỉnh của Spice Girls hồi thập kỷ 90. Và Eduardo ngoác miệng cười, ấn nút cho tôi qua.
"Nhớ ngày mười sáu tháng Bảy đấy," ông gọi theo.
"Tôi biết rồi, mười sáu tháng Bảy..." tôi đáp lại, nhớ rằng đó là hôm chúng tôi cùng có sinh nhật. Không rõ bằng cách nào mà ông ta biết ngày sinh của tôi trùng với ông. Vì lý do nào đó, chuyện này trở thành một phần trong nghi lễ hàng ngày của riêng chúng tôi, thật ngớ ngẩn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...