Vân gọi điện báo với Phú, nhắn anh về trước, cô lỡ tay làm bị thương một người bạn, phải đưa anh ta tới bệnh viện. Tất nhiên là chả gã đàn ông nào lại dại dột lại thả cho kiều nữ đi chung với một thằng cha ất ơ từ trên trời tự dưng rơi xuống xen vào buổi gặp mặt đầu tiên của hai người. Hơn nữa, nguyên nhân của vụ tai nạn lại rất mập mờ. Vân cũng chỉ nói qua loa là bị kẹp tay. Còn vì sao lại kẹp, kẹp ở chỗ nào thì chưa được làm sáng tỏ. Thành ra cuối cùng cả ba người đều đi tới bệnh viện. Phú làm tài xế phóng xe như bay trên đường. Anh cố ý mở cửa để cho Vân ngồi trên ghế gần chỗ tay lái. Còn thằng cha Việt kiều kia, thì tống cho ngồi băng ghế sau là nhân đạo lắm rồi. Không khí trên xe im lặng một cách đáng ngại. Tuy nhiên, với tâm trạng lo lắng cho người bệnh bị thương, có người lo thật, có người lo giả vờ, vẻ im lặng khẩn trương lúc này lại thành ra hợp mốt. Chỉ có Vân thỉnh thoảng áy náy quay lại hỏi thăm trình trạng ngón tay bị kẹp của Hải.
Tới bệnh viện, đám người bọn họ làm cho những bệnh nhân nội trú, cũng như các y tá bác sĩ trực đêm một phen xôn xao. Thì cứ tưởng tượng cảnh một cô gái mặc váy đỏ, bị kẹp giữa hai anh chàng bảnh bao chải chuốt tháp tùng cùng đi vào bệnh viện thử xem? Cứ như họ đang đóng phim vậy.
Hải được bác sĩ đưa vào phòng khám. Vân với Phú ngồi đợi ở ngoài. Ngón tay của anh được xử lý, băng kín bằng gạc trắng toát. Nói chung cũng không có gì đáng ngại nhưng bác sĩ hẹn lần sau tới tái khám cho yên tâm. Lúc Hải từ phòng khám đi ra, vẻ mặt anh làm ra vẻ nghiêm trọng:
- Tuần sau phải đến khám lại!
Nhưng khi thấy Vân có vẻ hoảng hốt, anh trấn an cô:
- Thực ra không có chi. Tay bác sĩ đó cẩn thận quá!
Phú không bình luận gì. Anh lịch sự giục mọi người đi ra ngoài. Sau đó giằng co một hồi. Giằng co bởi vì Vân không muốn mới ngay buổi đầu gặp Phú đã phải phiền anh. Dẫu sao tội lỗi cũng là do mình cô gây ra. Phú thì khăng khăng chở Hải về trước, sau đó sẽ đưa Vân về. Hải thì tất nhiên muốn phiền Vân, nhưng tuyệt đối không thể để mang nợ tên Phú kia. Thành ra anh lại muốn về bằng taxi.
Cuối cùng, mọi người lên xe. Phú thả Vân xuống nhà cô trước, sau đó chở Hải về. Bởi xét ra thì hai địa điểm đó cũng là tiện trên đường đi về nhà anh. Khi chỉ còn hai người đàn ông trong xe, Phú hỏi:
- Anh quen Vân lâu chưa?
- Cũng mới. Còn anh?
- Cũng vừa mới.
Họ cùng cười. Cảm giác căng thẳng bị xóa đi không ít. Hai người cùng nhau nói chuyện về nghề nghiệp và vài bình luận chung chung khác. Tới quán cà phê – chính là nơi lần trước Hải hẹn Vân, cũng là nơi ở hiện tại của Hải, anh mời:
- Tôi mời anh một ly cà phê.
Tưởng Phú từ chối, ai dè anh ta lại đồng ý. Họ ngồi xuống một cái bàn nhỏ. Chủ quán là người quen của Hải, nhìn thấy anh về, lại nhìn thấy ngón tay quấn băng trắng toát, bèn chạy ra hỏi han:
- Ngón tay của anh sao vậy? Không phải anh đi với Phong à?
Nói xong mới quay sang Phú chào:
- Chào anh!
Hải giới thiệu ngắn gọn:
- Đây là anh Phú! – Chợt sực nhớ lúc anh nhìn thấy Vân và chạy theo cô vào toilet, sau đó rời khỏi quán cà phê, đã bỏ lại thằng bạn ngồi chơ vơ ở đó. Chắc nó đang giận anh đến phát điên vì tự nhiên biến mất không nhắn gửi gì. Đến cả điện thoại cũng vứt lại, không cầm theo. Anh bèn mượn chủ quán Lâm điện thoại gọi cho Phong. Đầu dây bên kia lập tức um sùm tiếng quát tháo @#XYZ…
Có Phú ngồi đó, anh cũng không tiện giải thích gì nhiều. Chủ quán hỏi han vài câu, đích thân mang cà phê đến, rồi rời đi để hai người nói chuyện. Phú châm một điếu thuốc. Nhưng anh hút rất ít. Mùi khói thuốc lá nồng nồng tan vào trong gió.
- Tại sao cậu lại về Việt Nam? Cậu không biết thanh niên Việt chỉ mong muốn có được cơ hội xuất ngoại như thế nào à? Chính tôi ngày xưa cũng từng khổ sở mất ăn mất ngủ vì lỡ một suất học bổng ở Boston.
- Tôi về Việt Nam là để tìm người, chứ không có ý định ở lại.
- Ra là thế! – Phú búng tàn thuốc lá vào trong gạt tàn. – Vậy cậu đã tìm được chưa?
- Được rồi! Chắc tầm cuối năm nay, tôi sẽ rời Việt Nam.
Để chuyển đề tài, Hải chỉ vào quán:
- Quán cà phê này do tôi thiết kế đấy!
- Ồ, thật sao? Nó rất đẹp!
- Cám ơn. Nhân tiện, cũng cám ơn anh đã đưa tôi về.
- Bạn của Vân cũng là bạn của tôi!
Câu chuyện nhạt dần. Phú dụi điếu thuốc cháy dở, chào Hải ra về. Theo thói quen, anh giơ tay phải ra bắt. Nhưng tay phải của Hải đang quấn băng. Vì thế, họ bắt tay nhau, dùng tay trái. Điều này là đại kị trong giao tiếp.
Còn về phía Vân, từ lúc cô xuống xe, tâm trạng của cô cứ bứt rứt không yên. Ngón tay của anh ta bị kẹp nặng như thế, chắc là đau lắm. Đầu ngón tay là nơi tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh. Ngày trước học thêu, cô bị kim châm vào tay, cảm giác đau thốn vào tim. Vì thế, cô hiểu Hải sẽ phải khổ sở như thế nào. Cầm cuốn sách ngoại văn nằm trên giường trằn trọc mãi không ngủ được, Vân quyết định sẽ gọi điện cho Hải.
- Alo?
Đầu dây bên này ngập ngừng một hồi, mới khẽ khàng nói:
- Tôi Vân đây!
Đầu bên kia cũng hô một tiếng:
- A!
Sau đó im bặt. Hải giận mình tự nhiên lại thốt lên một cách mừng rỡ như vậy. Anh hắng giọng hai cái rồi mới hỏi:
- Cô gọi tôi có chuyện gì vậy?
- Cũng không có gì. Tôi chỉ muốn hỏi thăm ngón tay của anh. Nó còn đau không? Nó có khiến anh mất ngủ không?
- Bị một cánh cửa bằng gỗ kẹp thì không thể không đau. Chuyện ngủ thì tôi không lo. Mà tôi lo là lo chuyện khác cơ.
- Chuyện gì?
- Chuyện rất tế nhị.
- Không nói được à?
- Thì chuyện ăn cơm này. Tôi chỉ thuận tay phải.
- Chuyện đó rất tế nhị. – Vân mỉm cười.
- Cô đang làm gì đấy?
- Đang đọc một cuốn sách tôi chuẩn bị dịch.
- Ồ, một việc rất thú vị. “Và hiện tôi biết cô đang quen giám đốc một công ty phát hành. Thật là biết lợi dụng cho công việc!”
Tất nhiên vế sau là Hải thầm nghĩ trong đầu.
- Khi nào anh tái khám? Tôi sẽ đưa anh đến bệnh viên. – Vân đề nghị.
Một đề nghị thật là hoàn hảo.
Vậy là hai ngày sau, y hẹn, Vân có mặt tại chỗ Hải ở. Căn phòng của anh nằm phía sau quán cà phê. Vân gõ cửa. Có tiếng lục đục trong phòng, nhưng lại không thấy ai ra mở cửa. Cô chờ một lát, vẫn không thấy động tĩnh gì, bèn gọi:
- Hải ơi?
- Ơ….ơi! – Một giọng nói khan khan đáp lại. Tiếng dép đi trong nhà. Rồi cửa xịch mở. Vân nhìn lên, thấy bộ dạng của Hải thì hết hồn:
- Ối, anh bị làm sao vậy?
- Tôi bị sốt.
Tối hôm đó Hải ôm cái tay đau đi ngủ. Sáng dậy, anh thấy trong người khó chịu, cổ họng khô đắng còn trán thì hâm hấp nóng. Mặc dù đã uống thuốc, nhưng cứ sáng ra thì nhìn người lại như miếng xốp bị vắt kiệt.
Hải mở rộng cánh cửa để Vân bước vào trong. Đồ đạc trong phòng không có nhiều. Ấn tượng nhất là các mô hình kiến trúc tinh xảo được đặt ở một góc phòng. Giá vẽ, bút thước nằm rải rác khắp nơi. Có tiếng nước sôi ở trong bếp. Hải đi về phía giường, khó khăn nằm xuống, nhờ Vân:
- Cô xuống nấu giúp tôi một gói mì được không? Tôi phải ăn trước khi uống thuốc.
- Anh bị bệnh như vậy mà còn ăn mì tôm?
Vân vừa trách khẽ vừa đi vào bếp. Cô mở tủ lạnh, thấy có một vỉ trứng ăn dở và một ít hành lá. Cô cũng tìm được một ít gạo nếp trên giá để đồ. Phải nấu cho anh ta một bát cháo thôi, chứ người ốm mà ăn mì ăn liền thì coi sao được. Cô đứng trong bếp nói vọng ra:
- Anh đợi một chút. Tôi nấu cháo cho anh. Nhanh thôi. Anh chờ được chứ?
- Ừ! – Hải đáp khẽ.
Vân vốn không hề biết nấu các món ăn, tuy nhiên món cháo thì lại thành thục vô cùng. Hồi cô ở với Sơn, do anh hay bị cảm vặt, nên cháo là món mà cô thường nấu. Nhưng sự thật thì không phải là do hay nấu cháo giải cảm cho Sơn mà bây giờ cô nấu cháo rất ngon.
Thực ra thì trước đây, món cháo của cô dở tệ. Khi cô vào bếp, thứ gì cũng không biết.
- Anh Sơn, gạo này cho vào trước hay cho vào sau khi nước sôi?
- Anh Sơn, thịt này xắt kiểu gì đây?
Nếu không thì:
- Anh ơi, trứng gà có phải ướp muối, mì chính không?
Lần khác thì:
- Anh Sơn, cháo cạn nước rồi. Sắp thành cơm rồi!
Sơn đang cảm người đã mệt muốn oải, lại còn phải bất đắc dĩ hướng dẫn cho cô đầu bếp tồi. Cuối cùng, anh mất hết kiên nhẫn:
- Tùy em. Nấu sao anh ăn vậy!
Cái chữ “tùy” của anh khiến cho Vân mặc sức sáng tạo. Cô dầm dề ở trong bếp đến khi anh đói meo đói mốc mới bê ra được một tô cháo. Mỗi lần anh ăn, cô đều ngồi bên cạnh, mắt rực sáng nhìn anh, hí hửng hỏi:
- Sao nào? Lần này có ngon hơn lần trước không hả anh?
- Ngon! Ngon! – Anh húp cháo rồn rột. Cô sung sướng cười rõ tươi. Vừa cười vừa lấy khăn chấm mồ hôi trên trán cho Sơn.
Mãi đến rất lâu sau này… Khi cô đã chuyển nhà, tìm việc tại nhà xuất bản, quen với Mùa Xuân…Khi Mùa Xuân bị ốm, cô tới nhà nấu cháo cho cô bé ăn. Nó nuốt một thìa cháo xong không khách khí phun ra nền nhà. Vân hoài nghi:
- Chẳng lẽ lại khó ăn đến thế?
Con bé trợn mắt nhìn Vân, nói thẳng toẹt:
- Em xin chị! Chị chưa bao giờ nếm cháo mình nấu à? Ăn cứ như ăn chè ấy.
Vậy mà có người đã lẳng lặng ăn hết những bát cháo khó nuốt này, không hề kêu ca một lời. Vân chợt nhớ lại một lần, anh ăn xong một thìa cháo, có ngước lên nhìn cô như muốn nói điều gì. Nhưng nhìn vẻ mặt hân hoan sung sướng vì hoàn thành xong một nồi cháo không khét không khê của cô, anh đã nén lại. Thì ra là món cháo cô nấu lại dở đến như vậy. Anh thật là ngốc!
Anh cứ hay nói cô ngốc nghếch. Nhưng thực ra anh mới là đại ngốc.
Tối hôm đó, từ chỗ của Mùa Xuân về, cô không ngủ mà lui cui trong bếp tập nấu cháo. Tập mãi, tập mãi. Cho đến khi có nhắm mắt cô cũng nấu được một tô cháo hoàn hảo.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...