Sớm nay thức dậy, tôi nhận được một phong thư từ Yên Trường Quốc. Tất nhiên là do Vân Ngọc – bạn thân chí cốt của tôi gửi đến. Đều đặn mỗi tháng một bức, đến nay đã bốn năm trời. Dù không được thường xuyên gặp gỡ, tình cảm vẫn được duy trì qua những cánh thư sẻ chia.
Chuyện tôi kể cho Vân Ngọc nghe thường là về Bảo Nhi hiếu động. Nó sắp bước vào cái tuổi, mà theo như tôi từng đọc trên báo khi còn ở thời hiện đại, gọi là “Khủng hoảng tuổi lên ba”. Tôi bảo thằng bé làm thế này, nó lại nhất định phải làm thế khác. Vân Ngọc không đồng tình với tôi thì chớ, lại còn khen Bảo nhi lém lỉnh, có chính kiến riêng. Cô ấy cũng mong có một tiểu bảo bối tinh nghịch như vậy cho vui cửa vui nhà. Nhưng mà cái duyên chưa tới…
Nói tới Vân Ngọc, cô ấy kết hôn cùng ngày với tôi cho tròn lời hứa. Chứ đại hôn thực sự, phải chờ về đến Yến Trường Quốc mới có thể tiến hành. Còn nhớ vào ngày thành thân, tôi đã hy vọng biết bao, được nhìn thấy bạn mình trong chiếc áo dài cưới do chính tay tôi thiết kế. Song cuối cùng, cô ấy lại không mặc. Vì chuyện đó, hôm sau tôi giận không thèm nói chuyện, khi cô ấy ghé qua Hoàng Liên cung chơi. Hỏi ra mới biết, Vân Ngọc không mặc là vì thái tử nói rằng: “Hoàng đế Đại Nam chắc chắn sẽ mặc hỷ phục màu vàng. Nàng mặc cái màu này đến đó, không khéo người ta còn tưởng nàng mới là thê tử của nam nhân kia thì sao”.
Tôi nghĩ một chút, hình như cũng có phần hợp lý. Rồi lại nhớ tới biểu hiện ghen tuông của Thừa Vĩ trước khi hôn sự diễn ra, cảm thấy có hơi hoài nghi. Biết đâu thái tử cũng giống như ông chồng mặt dày của mình, lấy lý do đó để ngăn trở thì sao. Cơ mà chuyện đã qua rồi, có trách cũng ích lợi gì đâu. Vì vậy, tôi dẹp luôn chuyện đó, bắt đầu chuyện thầm kín phòng the. Tôi thắc mắc vì sao cùng là động phòng mà Vân Ngọc vẫn tươi tỉnh như không có chuyện gì. Trong khi cả người tôi mệt rã rời, tưởng chừng như thể xe máy cày kéo qua. Cô ấy mới kể tôi nghe, bọn họ chưa thích hợp để động phòng. Tôi đoán rằng, thái tử muốn bạn mình bình phục hoàn toàn thì mới yên tâm. Vậy cũng tốt, đại hôn của Vân Ngọc cũng không nên sơ sài được. Về Yên Trường Quốc rồi, tin rằng thái tử sẽ dành cho cô ấy một hôn lễ thật hoàn hảo, thật khó quên.
Nếu như mọi chuyện đúng với suy nghĩ của tôi thì chẳng có gì để nói. Ngặt một nỗi, bản thân thái tử còn đang vướng bận tang kỳ. Phải qua hết ba năm mới được bàn đến hỷ sự. Cho nên, mãi đến hai năm sau hôn lễ của tôi, bọn họ mới chính thức được công nhận là vợ chồng.
Vân Ngọc thường kể trong thư, chồng cô ấy nâng niu chiều chuộng như trân bảo. Hai người có cuộc sống vô cùng hòa hợp. Vậy mà gần gũi cả hai năm trời vẫn chưa thấy tin vui. Không rõ là do thể chất, hay bị độc tính của Xích Tử Hoàng làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai. Những dòng thư chứa đựng khát khao làm mẹ của cô ấy khiến tôi chạnh lòng thương cảm. Dần như một thói quen, mỗi lần nhận được thư, tôi lại thầm hy vọng bên trong là tin mừng, là quả ngọt kết tinh từ tình yêu của họ.
Quả nhiên, trời không phụ lòng người. Lần này, điều tôi mong chờ cũng trở thành hiện thực. Vân Ngọc đã mang thai được khoảng hai tháng. Chờ thêm tám tháng nữa, tôi sẽ bảo Thừa Vĩ đưa tôi sang Yên Trường Quốc chơi, chúc mừng cô ấy mẹ tròn con vuông. Tôi càng mong đó là con gái, để chúng tôi định hôn ước cho Bảo nhi và bé con ấy. Từ bạn bè thành sui gia, thân lại càng thân.
Nghĩ chuyện mấy đứa nhỏ một lúc, tôi chợt nhớ ra Bảo nhi chẳng biết đi chơi chỗ nào mà mãi chưa thấy về. Tôi sai người đi tìm khắp nơi mới biết, Thừa Vĩ đã kéo nó đến Ngự thư phòng. Bắt nó từ giờ, mỗi ngày đều phải đến đó học viết chữ ở trắc điện. Tôi nghe xong, máu nóng bừng bừng.
Chẳng phải trước đó tôi đã nói, muốn cho con học thì phải chờ đến 6 tuổi hay sao? Thằng bé mới gần 3 tuổi đã muốn cướp mất tuổi thơ vô giá của nó. Là bởi vì tương lai nó sẽ là người kế vị phải không? Tôi rất muốn phóng đến Ngự thư phòng tranh luận với lão chồng nhà mình một phen. Rồi nhớ ra trước mặt trẻ con, ba mẹ không được biểu hiện sự xung đột. Vậy nên, tôi giận một cách tao nhã, đi vào viết vài dòng, gấp lại giao cho tên thái giám mang đến Ngự thư phòng. Áng chừng mười lăm phút sau, tôi đã thấy chàng ta lướt vào như một cơn gió. Chàng trầm giọng nói ba tiếng “Ra ngoài hết”, rồi chờ cho trong phòng chẳng còn ai, liền cầm tấm giấy lên, mặt chứa dấu chấm hỏi to đùng, hỏi tôi:
- Đây là chuyện gì. Vì sao đêm nay ta phải ôm chăn gối xuống đất mà ngủ?
- Ta thích như thế. Chàng có ý kiến gì?
- Làm người phải nói lý lẽ. Muốn phạt cũng phải để ta biết, ta làm sai cái gì mới được chứ.
- Được, vậy để ta nói. Huynh đã hứa không bắt ép Bảo nhi học sớm. Chờ đến 6 tuổi mới phải đến lớp. Vậy sao hôm nay lại kéo nó đi học.
- Tự Bảo nhi muốn như vậy mà. Nàng không tin thì hỏi con. Ta có bao giờ lừa nàng đâu chứ.
- Chàng còn dám nói. Không có lừa mà hôm bị trúng mị dược, ta vốn không hề thất thân, nhưng chàng ba lần bốn lượt nói, bị ta cướp mất thân xử nam. Nếu không phải sau đó ta phát hiện màu hồng hồng trên đệm thì làm sao biết chàng lừa ta lâu như vậy. Còn chuyện này, chàng nghĩ qua mắt ta được chắc. Bảo nhi ham chơi như vậy, nói nó tự nguyện muốn học, xem ta là con nít ba tuổi chắc.
Lão chồng đang muốn lên tiếng giải thích, Bảo nhi đã chạy vào, giọng như chim non véo von:
- Thưa mẫu hậu, Bảo nhi đã về!
- Nói cho mẫu hậu nghe, Bảo nhi có phải là bị phụ hoàng ép học không?
- Không phải đâu mẫu hậu.
Nghe con nói như vậy, tôi hơi ngạc nhiên, quay đầu nhìn lão chồng một chút. Bắt gặp chàng ta nhẹ thở phào, nhưng thấy tôi hướng mắt tìm tòi thì làm ra vẻ thản nhiên, nói:
- Thấy chưa, ta bị oan mà. Ta chẳng làm gì cả.
Tôi không trả lời chàng, tiếp tục hỏi Bảo nhi:
- Thế vì sao Bảo nhi lại muốn đi học
- Dạ, là con nghe phụ hoàng nói với Thường Phúc tổng quản: “Nam nhi phải đi học mới mau khôn lớn. Như vậy mới mạnh mẽ bảo vệ được người mình thương”. Bảo nhi muốn mau lớn để còn bảo vệ cho mẫu hậu.
Tôi nghe xong, vô cùng cảm động. Cũng không quên liếc xéo lão chồng một cái. Bảo nhi còn nhỏ không biết, chứ tôi sao lại không phát hiện trò mèo của chàng ấy được. Thường Phúc có chân chính là đàn ông đâu, nói chuyện đó để làm gì. Thực chất chỉ là diễn cho Bảo nhi mắc mưu mà thôi.
Cái người gì đâu mà ghen tỵ với cả con trai mình. Thường ngày, chàng rất hay than phiền rằng: thời gian của tôi chỉ dành cho Bảo nhi, chẳng quan tâm đến phu quân gì cả. Tôi nghe chàng lèm bèm cũng kệ, ai ngờ lại nảy ra chủ ý lừa Bảo nhi thế này. Tội đáng phạt, cho ngủ dưới đất một ngày luôn đi.
Nghĩ vậy, tôi phớt lờ lão chồng, ôm lấy tiểu bảo bối, hôn lấy hôn để. Thừa Vĩ ấm ức lên tiếng:
- Ta cũng muốn được hôn.
- Đọc lại mẩu giấy. Tối nay phải phạt.
- Bảo nhi, nói giúp phụ hoàng đi con. Chúng ta là đồng minh mà. Có biết hồi con bé tí, là phụ hoàng tự tay thay tã lót cho con hay không?
- Dạ không được, mẫu hậu mới là đồng minh của con. Chờ lớn một chút, con sẽ cưới mẫu hậu làm thê tử.
- Quỷ con, ngay cả thê tử của ta mà cũng giành được. Ta nói cho con biết, con cai sữa rồi, vậy là đã lớn. Bây giờ phải ngủ riêng đi.
- Con không chịu, không chịu. Con muốn ngủ với mẫu hậu thôi.
- Phụ hoàng không cho.
Hai người, một lớn một nhỏ nói qua nói lại ầm ĩ. Căn phòng lúc bấy giờ chẳng khác gì cái phường chèo. Tôi còn đang có ý muốn phạt lão chồng nên tất nhiên sẽ đứng về phe con trai, mới chen vào:
- Thôi đủ rồi. Chàng bị phạt, vì vậy ta sẽ ngủ cùng Bảo nhi.
- Có thê tử, nhi tử vô tình như vậy. Ta đúng là số khổ.
Nói xong, chàng liền quay lưng đi, dáng vẻ kia rõ ràng là đang giận hờn mẹ con tôi. Lúc chàng ta bước một chân nơi cửa cung, Bảo nhi lại ngây thơ nói: “Hôm nay, con ở Ngự thư phòng phát hiện chuyện xấu của phụ hoàng”. Nghe vậy, chàng tung chân đá luôn vào cửa, dứt khoát rời đi không thèm nghe, chẳng màng giải thích. Kiểu như đã bị phạt rồi, thêm một tội nữa thì cũng vậy thôi.
Thừa Vĩ đi khuất, tôi lập tức kéo con đến hỏi xem rốt cuộc là chuyện xấu gì. Có khi nào người kia mắt đưa mày lại với cung nữ hay không đây? Đang căng thẳng chờ đợi Bảo nhi kể, lại thấy bé con lôi ra trong tay áo một tấm giấy nhỏ được gấp tư và nói:
- Con thấy phụ hoàng viết cái này ở Ngự thư phòng, còn cười rất tươi, xong rồi gấp lại giấu đi. Ban nãy lúc phụ hoàng đến đây trước, con liền len lén lấy về cho mẫu hậu xem.
- Con ngoan!
Tôi vừa xoa đầu khen con, vừa hồi hộp lo sợ. Không biết chàng có chuyện gì mà phải giấu tôi. Chẳng lẽ mới vài năm, tin tưởng dành cho nhau đã dần phai nhạt? Lòng nặng nề, buồn bực bao nhiêu thì lúc mở ra, tôi chết sốc bấy nhiêu. Bên trong là hình trái tim cùng dòng chữ “Trà Ngân – người Thừa Vĩ yêu duy nhất”, được viết bằng tiếng Việt hẳn hoi. Đó là thành quả trong ba năm tôi dạy chàng ấy học bảng chữ cái, ráp vần. Nhìn nét chữ rất đẹp, tin chắc chàng đã rất siêng luyện chữ, lúc viết ra dòng này cũng đặt hết tâm tư tình cảm vào đó. Bất giác, khóe mắt tôi ươn ướt, trái tim rung lên từng nhịp hạnh phúc khi nhận được bất ngờ này. Sau đó tôi lại nhớ ra, mình vừa phạt chồng ban đêm ngủ dưới nền đất. Rồi cả chuyện chàng bực tức rời đi nữa. Xem ra, tối nay chàng sẽ không ghé qua Hoàng Liên cung đâu.
Nghĩ kỹ lại thì đúng là từ dạo có con, tôi hơi bỏ bê chàng. Chắc là như câu “Được đằng chân lân đằng đầu”, tôi được chàng chiều chuộng quá nhiều, nên đỏng đảnh lên phải không? Thôi thôi, cái gì cũng “tức nước vỡ bờ”, quá đáng là tự tay bóp nát hạnh phúc. Nghĩ vậy, tôi gọi Tần ma ma đưa Bảo nhi đi chơi. Còn mình thì tự thân xuống bếp, nấu cho chàng một phần chè sen, táo đỏ. Chờ khi nấu xong, tôi múc ra chén, mang ra ngoài cho nguội tí rồi đặt vào tráp, tự mang đến Ngự thư phòng.
Đến đó không thấy chàng, tôi lại rẽ sang tẩm cung dành cho đế vương. Quả nhiên, chàng đang nằm gác tay lên trán. Trước mặt tôi, người này giống như đứa trẻ to xác. Chỉ cần dỗ dành một chút là quên ngay thôi. Chàng đã vì tôi mà làm cái việc đáng yêu kia, sao tôi không thể vì chàng tốn chút công phu nói ngọt được. Thế là, tôi từ tốn mở tráp, mang chén chè đến trước mặt chàng, nhỏ giọng nói:
- Thiếp mới nấu chè cho chàng giải nhiệt. Ngồi dậy thưởng thức xem có ngon hay không đi nào!
- Nàng đến đây làm gì. Trong mắt nàng, ta như hòn sỏi, hạt cát chẳng quan trọng. Vậy thì cần gì nấu cho ta.
- Thôi mà, đừng giận. Chàng sao lại là sỏi, là cát được. Trong mắt ta, chàng chính là bầu trời.
- Đừng có nói cho lọt tai như vậy. Nàng thương Bảo nhi còn hơn ta.
Thiệt tình chứ, con mình mà cũng ghen, coi cái mặt xụ ra như con cún nhỏ, buồn cười chết đi được. Nhưng tôi vẫn phải cố gắng kiềm chế không được cười, nói tiếp:
- Đã bảo chàng là bầu trời mà. Bất quá, Bảo nhi chỉ là ngôi sao nhỏ thôi.
- Có thật hay không?
- Thật. Ta có lừa chàng bao giờ chưa?
- Ta muốn nàng chứng minh
- Chứng minh thế nào mới được. Hay là…
Sau câu lấp lửng, tôi chủ động dâng lên yêu thương, đưa môi chạm lên môi chàng. Thừa Vĩ bất ngờ, mắt mở to không tin được hành động bạo gan này của tôi. Tuy nhiên, chốc lát chàng đã cùng tôi hòa nhịp, bàn tay đưa lên che tầm mắt tôi lại. Tôi cũng thuận theo, cả hai chìm dần vào cảm xúc đê mê. Chuyện gì đến phải đến. Chúng tôi là phu thê mà, kể ra nữa thì ngại chết đi được. Thôi thì chỉ có thể tóm gọn rằng, đêm đó là một đêm mệt nhoài, nhưng lại ngọt ngào vô cùng tận.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...