Đích ấu tôn của Chu các lão Chu Minh Gia thành hôn, khiến cho không biết bao nhiêu thiên kim khuê tú tan nát cõi lòng, đồng thời bọn họ cũng hâm mộ vị biểu tiểu thư đã lưu lại Chu gia nhiều năm kia, không ít người còn ghen tỵ, nếu không có mối quan hệ thân thích với Chu phu nhân, hôn sự tốt như vậy làm gì có phần của nàng.
Ngày thành hôn, thân là thân sinh mẫu thân của Chu Minh Gia, Dương thị được giải trừ cấm túc, hưởng phúc tức phụ hành lễ kính trà. Biết chuyện mặc dù mình bị cấm túc, nhưng thê tử của nhị đệ là Ngô thị vẫn tận tâm tận lực[1] tác thành cho Vi Nhi và Minh Gia, liền vừa ý gật đầu, hơn nữa còn bởi vì địa vị của ấu tử Minh Gia ở Chu phủ mà cảm thấy kiêu ngạo, nàng tin tưởng Ngô thị sẽ không cầm quyền quản gia quá lâu, Minh Gia đã thành thân, sớm muộn gì Chu lão phu nhân cũng chủ động lên tiếng trả lại quyền quản gia cho nàng.
Ngô thị nhìn thấy dáng vẻ dương dương tự đắc[2] của Dương thị, nhịn không được giật giật khoé miệng, vị đại tẩu này của nàng bị cấm túc gần nửa tháng, vậy mà vẫn không biết thu liễm tính khí.
Tuy Ngô thị không quá yêu thích vị đại tẩu này, trong quá khứ cũng có một chút ghen tỵ với đại phòng, nhưng sau khi tác thành cho Chu Minh Gia và Dương Tư Vi xong, một chút ghen tỵ đó lập tức tan thành mây khói[3].
Nói cách khác, có thể tận mắt chứng kiến đại phòng bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một, nàng liền vui vẻ.
Nàng còn nghe phu quân kể lại, rằng hài tử Minh Lễ kia đang yên đang lành làm quan ở Ninh Châu, kết quả bị vị mẫu thân ngu xuẩn này liên luỵ, ba năm công tích hoá thành hư không. Đến bây giờ Chu Miên vẫn không khỏi thổn thức, phụ thân đã sớm an bài con đường làm quan cho Chu Minh Lễ, chỉ cần người được triệu hồi trở lại kinh thành là xong, hiện tại thì hay rồi, bao nhiêu tâm huyết đều trở nên vô nghĩa.
Ngô thị nghe xong cũng cảm thấy hai hài tử này quả thực rất xui xẻo, mới có một vị mẫu thân như vậy, trong lòng hạ quyết tâm sẽ không cưỡng ép nhi tử học tập Minh Gia và Minh Lễ, xuất đầu lộ diện[4] nữa, cố chấp hành động như thế, còn không bằng người làm mẫu thân là nàng an phận một chút, không rước thêm phiền toái cho nhi tử là quá đủ rồi.
Thời gian gần đây Chu Minh Khác và Chu Minh Thủ của nhị phòng vẫn luôn nghi hoặc, tại sao dạo này mẫu thân không có đốc thúc bọn họ học tập đại phòng, hay là cấm bọn họ ra ngoài vui chơi như trước nữa.
Các tiểu thư thứ xuất của đại phòng tận mắt chứng kiến hôn lễ long trọng của Chu Minh Gia và Dương Tư Vi, nội tâm không khỏi sinh ra vài phần hâm mộ, tuy gia đạo của biểu tiểu thư Dương gia nay không bằng xưa, nhưng nàng có một đại phu nhân dụng tâm lo liệu hôn sự cho nàng, đến của hồi môn[5] của nàng cũng là do đại phu nhân thu xếp, mặc dù các nàng mới là thiên kim chân chính của Chu gia, nhưng bởi vì không được chủ mẫu yêu thích, nên sau này các nàng chưa chắc có thể vẻ vang xuất giá như Dương cô nương.
Đích trưởng tôn của Chu gia, huynh trưởng của Chu Minh Gia, Chu Minh Lễ, thân là tri phủ Ninh Châu, vô pháp tham dự hôn lễ của ấu đệ, chỉ có thể chuẩn bị một phần lễ vật đưa đến Chu gia.
Chu các lão làm quan nhiều năm, có không ít bằng hữu môn khách, nhưng hôm nay cho dù là các đồng liêu đã từng rất thân thiết cũng chỉ phái hạ nhân tới đưa lễ vật, chứ không tự mình tham dự hôn lễ, ngẫm lại, hầu hết bọn họ đều là cáo già, làm gì có chuyện không phát hiện, bệ hạ đang làm lơ Chu gia chứ.
Trước đây khi đích trưởng tôn của Chu gia là Chu Minh Lễ thành thân, tuy bệ hạ mới đăng cơ, bận rộn chính vụ, nhưng vẫn tự tay viết một bức hoành phi bách niên hảo hợp[6] đưa đến Chu gia, thái độ thập phần thân cận. Hiện tại, bệ hạ lại không thèm hỏi thăm dù chỉ một câu, nên phần lớn mọi người gió chiều nào theo chiều ấy[7], chỉ phái người đưa lễ vật tới chứ không tham dự hôn lễ.
Dáng vẻ của Chu các lão bình tĩnh đạm nhiên, tựa như không hề để ý.
Người của tam phòng lại có tâm tư khác, đại phòng và nhị phòng đều là đích tử, chỉ có tam phòng là thứ tử, địa vị thấp kém, ích kỷ thực dụng, tuy Chu các lão đã hạ lệnh không ai được phép nhắc đến việc kia, nhưng càng giấu giếm, trong lòng bọn họ càng giống như trăm trảo cào tâm.
Huống chi một tháng trước, khi Lạc Hà công chúa khởi hành tới Thanh Duyên Quan để cầu phúc cho Đại Hi, bệ hạ trước tứ phong sau tế thiên, thập phần long trọng. Trân bảo tài vật của công chúa hoàng gia, thập lý hồng trang[8] của một cô ai nữ[9] nho nhỏ sao có thể so sánh chứ.
Kỳ thực nghi lễ long trọng như vậy là bởi vì Triệu Tấn và Hoàng Hậu đã sớm biết, việc Triệu Hâm dự định lưu lại Thanh Duyên Quan khoảng hai năm, vừa không thể gặp mặt, vừa lo lắng nàng sẽ chịu khổ ở nơi đó, kết hợp với chuyện Thanh Duyên Quan cách xa kinh thành, nên hai người liền đồng tâm nhất trí[10] ban thưởng nhiều một chút, dù sao thì Lạc Hà cũng không nghe thấy những nhàn ngôn toái ngữ[11] này.
Triệu Tấn và Hoàng Hậu trực tiếp đưa tiễn Lạc Hà, chứng thực nàng chính là vị công chúa được sủng ái nhất Đại Hi, khiến danh xưng Lạc Hà công chúa của nàng truyền khắp thiên hạ.
Toàn bộ kinh thành cơ hồ đều khiếp sợ trước từng hàng rương lễ vật liền mạch không dứt trong mấy ngày kia, tựa như muốn khuynh tẫn quốc khố để trùng tu Thanh Duyên Quan cho Lạc Hà công chúa vậy.
Tuy rằng thời gian trôi qua, những ký ức này đã dần dần phai nhạt, nhưng rất nhiều người của Chu gia vẫn nhớ kỹ về ngày hôm đó, Chu thị nhất tộc tồn tại qua nhiều thế hệ, gia nghiệp to lớn cành lá tốt tươi, tộc nhân hưng thịnh, loại người như tam phòng hiển nhiên không ít, nhất là sau khi tận mắt chứng kiến sự vinh hoa phú quý của hoàng gia, bọn họ càng thêm chướng mắt, thậm chí là oán hận Dương Tư Vi, cho rằng Dương Tư Vi hại bọn họ không được hưởng thụ vinh quang này.
Nếu Chu Minh Gia nghênh thú công chúa, bọn họ thân là người cùng tộc ít nhiều gì cũng có thể được người khác nể mặt vài phần.
Những phụ nhân trong tộc cũng không quá yêu thích Dương Tư Vi, khác với nam nhân, thứ các nàng để ý chính là nghênh thú công chúa có thể nâng cao dòng dõi của Chu gia, sau này lúc nữ nhi của các nàng xuất giá, nhờ vào tên tuổi của công chúa, nữ nhi của các nàng sẽ có cơ hội được gả cho những người sở hữu xuất thân hiển hách, hoặc là có vị thế cao hơn Chu gia.
Toàn bộ tính toán đều bị Dương thị và Dương Tư Vi tự tay phá hỏng.
Dương thị rốt cuộc là đại phu nhân của Chu phủ, thê tử của trưởng tử Chu gia, bọn họ không dám đắc tội, nhưng Dương Tư Vi, mẫu tộc vô lực, lại là tức phụ mới gả. Tuy phu quân của nàng là Chu Minh Gia vô cùng xuất chúng, nhưng chỉ là các loại nhàn ngôn toái ngữ trong chốn hậu trạch thôi cũng đủ khiến cho nàng chịu không nổi.
Đương nhiên, bọn họ không dám nhắc đến chuyện đó, rốt cuộc Chu các lão đã hạ lệnh như vậy. Chẳng qua không thể nhắc đến chuyện đó, bọn họ còn không biết bới lông tìm vết[12] chuyện khác sao, ví dụ như thân thể quá mức mảnh mai yếu ớt, khắc phụ khắc mẫu[13], gia thế thấp kém, bất kham trở thành tức phụ của thế gia đại tộc, không xứng với Chu Minh Gia, có rất nhiều chuyện để nói nha.
Một thời gian trôi qua, trong đám hạ nhân của Chu phủ bắt đầu lan truyền tin đồn Dương Tư Vi keo kiệt khắc nghiệt, tuy lời này nửa thật nửa giả, nhưng lại không ngừng lan rộng tựa như có người đang âm thầm thúc đẩy. Hơn nữa sở dĩ tin đồn có cơ hội lan truyền như thế, còn phải nói về việc Dương Tư Vi không biết quản lý hạ nhân, trong quá khứ vốn luôn là cô mẫu thay nàng làm chủ, nàng chỉ cần thở dài hoặc tỏ vẻ u sầu một chút, Chu phu nhân sẽ xử phạt hạ nhân không tận tâm ngay lập tức.
Dương thị nghe thấy tin đồn này cũng cực kỳ tức giận, tự mình đi tìm người đang cầm quyền quản gia là phu nhân của nhị phòng Ngô thị, trong tối ngoài sáng chỉ trích nàng trị gia không nghiêm. Ngô thị chỉ cười lạnh, Dương Tư Vi và Chu Minh Gia đã thành thân, sao nàng phải tiếp tục quản, chưa kể Dương Tư Vi vốn là tức phụ của Dương thị, không phải tức phụ của nàng, dựa vào cái gì nàng phải lo lắng bảo vệ thanh danh cho Dương Tư Vi.
Trong quá khứ Dương Tư Vi được lão gia và lão phu nhân che chở, bởi vì nàng là khách nhân, là biểu tiểu thư ăn nhờ ở đậu[14] Chu phủ, Chu các lão để ý thanh danh của Chu gia, không muốn người khác nghị luận phê phán Chu gia khi dễ một cô ai nữ nho nhỏ. Nhưng hiện tại Dương Tư Vi đã là thê tử của Chu Minh Gia, là tôn tức của Chu phủ, để tin đồn như vậy lan truyền, một nửa là do nàng không có bản lĩnh quản lý hạ nhân, dung túng bọn họ, khiến bọn họ được nước lấn tới.
Ngô thị thân là trưởng bối, còn lâu nàng mới vì thê tử của một chất nhi mà làm bẩn tay mình.
Nguyên nhân tại sao Ngô thị không có thiện cảm với Dương thị và Dương Tư Vi, còn phải nhắc đến việc Dương Tư Vi vừa gả cho Chu Minh Gia được mấy ngày, Dương thị liền tìm tới lão phu nhân, yêu cầu được trả lại quyền quản gia, lão phu nhân không muốn để nàng cầm quyền, nàng lập tức thay đổi chủ ý, nói Dương Tư Vi cần học cách quản gia.
Ngữ khí lúc ấy của Dương thị còn đặc biệt hợp tình hợp lý[15], phu quân của nàng vốn là đích trưởng tử[16] của Chu gia, trăm năm sau, ít nhất sáu phần gia sản của Chu gia sẽ thuộc về đại phòng bọn họ, chưa kể đại phòng quản gia, danh chính ngôn thuận[17], trước đây nàng bị cấm túc, thê tử của Minh Lễ lại đang bồi Minh Lễ ở Ninh Châu, nhưng mà Vi Nhi cũng là tức phụ của đại phòng, cầm quyền quản gia của Chu phủ là lẽ đương nhiên, hơn nữa có nàng ở bên cạnh, Vi Nhi tuyệt đối sẽ không mắc sai lầm gì.
Nàng ta tính toán rất hay, chẳng qua bởi vì có Chu lão phu nhân ở đây, nên chuyện đó không thành, nhưng không thành không có nghĩa là Ngô thị sẽ không oán hận Dương thị và Dương Tư Vi, vì vậy đừng có hy vọng nàng sẽ giúp hai cô chất này.
Dương thị bị Ngô thị chọc giận, không có quyền quản gia, nàng chỉ có thể xử phạt hạ nhân của mình, còn hạ nhân của người khác, nàng quản không được.
Tâm tư của Dương Tư Vi vốn mẫn cảm, kết hợp với việc gia đạo nay không bằng xưa, đặc biệt để ý đến ánh mắt của người khác, luôn cảm thấy người khác đang coi thường nàng.
Chu gia đối tốt với nàng chẳng qua chỉ là bố thí, ngoại trừ cô mẫu và biểu ca thật lòng suy xét cho nàng, có ai không cười nhạo sau lưng nàng đâu.
Nhưng nàng một chút cũng không muốn rời đi, thứ nhất là bởi vì ở đây có cô mẫu, thứ hai là khắp kinh thành không có vị phu quân nào tốt hơn biểu ca, nàng không phải thiên kim chân chính của Chu gia, cho dù là thứ nữ của đại phòng, thì có tên tuổi của Chu gia, cũng không cần lo lắng chuyện hôn sự.
Nàng chỉ là một cô ai nữ nho nhỏ mà thôi.
Nên kể cả khi phải đối địch công chúa, lợi dụng cô mẫu, nàng cũng muốn thành thân với biểu ca.
Nhưng cho dù đã trở thành nhị thiếu phu nhân của Chu gia, Dương Tư Vi cũng không thể thoát khỏi thân phận biểu tiểu thư, nghe nhàn ngôn toái ngữ của người khác, bản thân lại không thể phản bác, trong lòng nàng cực kỳ khó chịu.
Chu Minh Gia tham gia hội thơ, vừa trở về liền nhìn thấy thê tử đang khóc sướt mướt trong sương phòng, thị nữ thân cận của nàng là Yến Nhi nhanh chóng thêm mắm thêm muối kể lại chuyện phu nhân của tam phòng đến đây, mong chờ cô gia nghe xong sẽ đi giáo huấn người của tam phòng.
Chu Minh Gia bất đắc dĩ thở dài một hơi, nếu hôm nay hắn thật sự đi giáo huấn người của tam phòng, e rằng ngày mai sẽ lan truyền tin đồn hắn và Vi Nhi bất kính với trưởng bối, không biết hiếu đễ, mà Vi Nhi cũng sẽ bị tổ phụ tổ mẫu chỉ trích là ích kỷ hẹp hòi, mưu mô xảo quyệt.
Dù sao đối phương cũng là biểu muội thanh mai trúc mã[19] cùng nhau lớn lên, Chu Minh Gia ngồi xuống mép giường, nhẹ nhàng trấn an thê tử, "Người khác nói gì thì cứ mặc kệ bọn họ đi, cho dù là bệ hạ, cũng không thể lấp được miệng thiên hạ, huống chi là chúng ta."
Từ khi hắn thành danh đến nay, cũng từng nghe thấy không ít loại nhàn ngôn toái ngữ, nói nếu như hắn không phải đích ấu tôn của Chu các lão, không có xuất thân từ Chu gia, thì sao có thể thuận buồm xuôi gió[20], nổi danh kinh thành như bây giờ.
Chẳng qua nếu hắn thật sự để ý tới những lời đó, so đo với tiểu nhân, thì làm gì còn thời gian để học tập tu dưỡng chứ.
Hắn chỉ cần quang minh chính đại[21] mà sống, thanh giả tự thanh[22].
Ý tứ của Chu Minh Gia vốn là muốn khuyên giải an ủi thê tử đừng nghĩ nhiều, quá để ý đến những kẻ không liên quan, cuối cùng người mệt mỏi cũng chỉ có chính mình.
Không nghĩ tới Dương Tư Vi nghe xong, không những không thấu hiểu, mà còn nghĩ nhiều hơn.
Đối với nhàn ngôn toái ngữ của người khác, trong lòng nàng đã cực kỳ khó chịu, bây giờ đến biểu ca cũng khuyên nàng nhẫn nhịn, có phải là bởi vì dung mạo của nàng gia thế của nàng không bằng công chúa, không thể giúp đỡ cho biểu ca không.
Dương Tư Vi nhìn Chu Minh Gia, ánh mắt ai oán, "Nếu ngày đó ngươi thành thân với Lạc Hà công chúa thì tốt rồi."
Chu Minh Gia đại kinh thất sắc[23], lập tức dùng tay bịt miệng thê tử, ngữ khí nghiêm khắc, "Sau này không được nói mấy lời như thế nữa."
Những người nghe thấy lời này của Dương Tư Vi, ngoại trừ Chu Minh Gia và thị nữ Yến Nhi, còn có hai thị nữ khác, một người ở trong phòng, một người ở ngoài cửa.
Tuy Chu Minh Gia vẫn còn trẻ, nhưng hành động lại có thể nói là đủ sát phạt quyết đoán, sau khi xác định những người nghe thấy xong liền nhanh chóng tìm một lý do đánh chết.
Hắn không rõ Chu phủ có người của hoàng đế hay không, nhưng hắn biết một khi lời này bị người có tâm lan truyền, đó chính là tai hoạ.
Người biết chuyện hoàng đế muốn gả Lạc Hà công chúa cho hắn không nhiều lắm, tổ phụ hạ lệnh nghiêm cấm tất cả mọi người trong Chu phủ không được nhắc đến việc này, mục đích chân chính là để bình ổn lửa giận của bệ hạ.
Bệ hạ ngưỡng mộ Lạc Hà công chúa, nổi giận vì việc này, là nhân chi thường tình[24].
Nhưng nếu thời gian trôi qua, tất cả mọi người đều quên đi việc này, thì vô luận là công chúa hay bệ hạ đều không thể trách phạt bọn họ, tới lúc đó, dựa theo sự hiểu biết của Chu các lão về hoàng đế, có khả năng cao bệ hạ sẽ không tiếp tục so đo, ngược lại còn bởi vì tài năng của Chu Minh Gia mà trọng dụng hắn.
Chu Minh Gia cảm kích tổ phụ dụng tâm lương khổ[25], không nghĩ tới trước đây là mẫu thân mắc sai lầm, bây giờ lại là thê tử lỡ miệng.
Công chúa hoàng gia há là nhân vật bọn họ có thể tuỳ tiện vọng ngôn trêu đùa, đặc biệt là Lạc Hà công chúa còn chưa xuất các.
Nếu bệ hạ biết chuyện, đâu chỉ tiền đồ của một mình hắn nan kham, mà là toàn bộ Chu phủ đều sẽ bị liên luỵ.
Nhưng Dương Tư Vi lại không hiểu, thậm chí còn bởi vì tận mắt chứng kiến thị nữ thân cận là Yến Nhi bị đánh chết mà ngất xỉu tại chỗ, sau khi tỉnh lại liền tiếp tục khóc sướt mướt.
Vừa nghe nói chỗ của nhi tử xảy ra chuyện, chất nữ Vi Nhi hôn mê bất tỉnh, Dương thị lập tức chạy đến.
Lúc biết được nguyên nhân, sắc mặt của Dương thị cực kỳ không tốt, trừng mắt chỉ trích nhi tử, "Không phải chỉ là hạ nhân mắc sai lầm thôi sao, bán đi là được, Vi Nhi là người thiện tâm, ngươi cư nhiên đánh chết thị nữ thân cận của nàng trước mặt nàng."
Nói xong liền ngồi xuống mép giường, nhìn gương mặt xanh xao tái nhợt của Dương Tư Vi, ngữ khí đau lòng, "Vi Nhi đáng thương của ta, là lỗi của cô mẫu, để ngươi bị khi dễ."
Trong lòng Chu Minh Gia không biết mình đã thở dài lần thứ bao nhiêu, nhưng lại không thể giải thích nguyên nhân với mẫu thân, đành phải mặc kệ nàng răn dạy.
Chẳng qua Chu các lão và Chu lão phu nhân không có ngu xuẩn như thế, bọn họ tin tưởng tôn tử, tin tưởng Chu Minh Gia tuyệt đối sẽ không vô duyên vô cớ làm ra chuyện tàn nhẫn như vậy.
Huống chi hành động này càng có vẻ giống như giết người diệt khẩu.
Trong lòng Chu các lão lạnh lẽo, trực tiếp hạ lệnh phái trưởng tử Chu Duyên đưa thê tử của hắn là Dương thị đi, để nàng bớt nhúng tay vào việc của Minh Gia.
Tuy Chu Duyên không biết đã xảy ra chuyện gì, nhưng hắn vẫn làm theo lời phụ thân. Hơn nữa nếu không phải phụ thân ngăn cản, nói dù sao Dương thị cũng là thân sinh mẫu thân của Minh Lễ và Minh Gia, thì Chu Duyên đã sớm vì bày tỏ lòng trung thành với Thánh Thượng, mà hưu thê rồi.
Sau khi Dương Tư Vi tỉnh lại, nghe nói việc này, liền thức thời ngậm miệng, cho dù cô mẫu kiêm quân mẫu là Dương thị có đến thăm nàng, nàng cũng không dám kể lại chuyện của ngày hôm đó.
Nhận thức về biểu ca Chu Minh Gia cũng hoàn toàn thay đổi, phu quân của nàng không phải là vị biểu ca khiêm khiêm quân tử[26] tựa như cơn mưa mùa xuân kia, phu quân của nàng cũng có thể trở nên tàn nhẫn tới mức khiến cho người khác cảm thấy sợ hãi. Dương Tư Vi nhịn không được lo sợ, lo sợ biểu ca biết việc nàng từng lôi kéo cô mẫu mạo phạm Lạc Hà công chúa.
Người biết chuyện ấy không nhiều, Triệu Hâm không thèm để ý đến người của Chu gia, không có hôn sự thì nàng càng thêm tự do tự tại, nên sự việc không được lan truyền. Dương thị lại không biết tâm tư của chất nữ, nghe chất nữ khuyên giải hai câu liền đồng ý giữ bí mật.
Tuy rằng trong lòng Dương Tư Vi vô cùng áy náy với thị nữ thân cận Yến Nhi và hai thị nữ vô tội kia, không ngừng thuyết phục bản thân rằng nàng cũng là thân bất do kỷ[27].
Nhưng Chu Minh Gia vẫn rất thất vọng, hắn biết gia đạo của thê tử nay không bằng xưa, phụ mẫu song vong, không nghĩ tới đến điểm mấu chốt này nàng cũng không hiểu, mai sau ra ngoài giao tế nên làm như thế nào cho phải đây.
Hoạ từ miệng mà ra, đối với gia tộc như bọn họ càng là điều tối kỵ.
Hơn nữa Dương Tư Vi cũng không thể vĩnh viễn lưu lại trong phủ thêu thùa đọc sách, sớm hay muộn gì cũng phải học tập lễ nghi của tức phụ thế gia.
Chu Minh Gia trực tiếp bỏ qua mẫu thân của hắn, nếu mẫu thân của hắn có thể làm được, thì Dương Tư Vi tuyệt đối sẽ không trở nên như bây giờ. Hắn biết mẫu thân yêu thương biểu muội, bởi vì sợ nàng chịu uất ức nên không cho nàng học tập với các vị tiểu thư khác trong phủ, nhưng không nghĩ tới đến điểm mấu chốt này mẫu thân cũng không nhắc nhở nàng.
Chu Minh Gia hy vọng tổ mẫu có thể dạy dỗ lễ nghi cho thê tử, ít nhất đừng có gây hoạ cho Chu gia.
Dương Tư Vi không biết biểu ca dụng tâm lương khổ, tâm tư của nàng vừa mẫn cảm vừa yếu ớt, chỉ cho rằng biểu ca ghét bỏ gia đạo của nàng nay không bằng xưa, không thể so sánh với các quý nữ thế gia khác, kết hợp cùng nhàn ngôn toái ngữ của ba bà sáu cô, hoàn toàn không nghe lời khuyên của Chu Minh Gia.
Kết quả đương nhiên lại là rơi lệ suốt một đêm.
Ngày hôm sau Dương Tư Vi mang theo đôi mắt phiếm hồng đi bái kiến lão phu nhân, vô tình chọc cho Chu lão phu nhân buồn bực một hồi, Chu lão phu nhân cũng không hiểu, rõ ràng trong quá khứ đối phương là một vị cô nương rất dịu dàng hiền thục, tại sao gả cho Minh Gia xong, lại hiển lộ ra đủ loại khuyết điểm chứ.
Rốt cuộc không xứng vẫn là không xứng, trong lòng Chu lão phu nhân thở dài một hơi, coi như vì tôn nhi, cố gắng dạy dỗ bồi dưỡng tôn tức này vậy.
Sau khi Dương thị biết chuyện, vừa cực kỳ bất mãn, vừa lo lắng Vi Nhi sẽ chịu khổ ở chỗ của lão phu nhân. Gia tộc của phu quân hạ mã uy[28] với tức phụ mới gả, tuy Dương thị chưa từng trải qua, nhưng cũng không phải không nghe nói, vốn tưởng rằng chỉ cần Vi Nhi gả cho Minh Gia, trở thành tức phụ của nàng thì sẽ không phải chịu khổ nữa, ai ngờ bây giờ lại phải đến chỗ của lão phu nhân để học tập quy củ.
Nàng hy vọng phu quân của mình là Chu Duyên có thể hỗ trợ, nhưng Chu Duyên căn bản là mặc kệ việc nội trạch, tình nguyện làm việc cả ngày cả đêm ở nha môn, cũng không muốn hồi phủ gặp mặt nàng.
Phu quân không quan tâm, Dương thị liền đi tìm nhi tử Minh Gia, chẳng qua trong lòng nàng vẫn có chút oán trách nhi tử, đang yên đang lành tự nhiên để Vi Nhi tới chỗ của lão phu nhân học tập quy củ làm cái gì, lỡ như lão phu nhân tra tấn Vi Nhi thì làm sao bây giờ?
Chu Minh Gia nghe xong, khuôn mặt tuấn tú trắng nõn lập tức trở nên nghiêm túc, "Mẫu thân hãy cẩn trọng lời nói, tổ mẫu nhân từ phúc hậu, đối xử với các hậu bối thập phần tử tế. Người nguyện ý dạy dỗ lễ nghi cho Vi Nhi, đó là phúc phận của Vi Nhi, sau này mẫu thân đừng quản chuyện của Vi Nhi nữa."
Nội tâm của hắn vừa buồn bực vừa bất đắc dĩ, rốt cuộc mẫu thân bị làm sao vậy, càng ngày càng hồ đồ, đến tổ mẫu mà người cũng dám vọng ngôn phê bình.
Nhìn thấy nhi tử nghiêm khắc nhắc nhở nàng, sau đó kính cẩn khuất thân thi lễ rồi cáo lui, đáy lòng Dương thị đột nhiên cảm thấy lạnh lẽo.
Tác giả có lời muốn nói:
Chương này chủ yếu là kết cục của Chu gia, kỳ thực trong việc này người chân chính xui xẻo chỉ có một mình Chu Minh Gia.
Vẫn là câu nói đó, ngược ai cũng sẽ không ngược nữ chủ nhà ta, đương nhiên nữ chủ nhà ta cũng không ngốc đâu.
[1] Tận tâm tận lực: Dốc lòng, dốc sức làm một việc gì đó.
[2] Dương dương tự đắc (揚揚自得): Kiêu căng tự phụ, phách lối kiêu ngạo.
[3] Tan thành mây khói: Tan biến hoàn toàn, không còn lại chút gì.
[4] Xuất đầu lộ diện: Xuất hiện công khai.
[5] Của hồi môn: Cụm từ mang ý nghĩa chỉ về món quà mà con gái sẽ được ba mẹ tặng khi lập gia đình.
[6] Bách niên hảo hợp (百年好合): Là một lời chúc phúc cho những đôi vợ chồng mới cưới, cầu mong tình cảm lâu dài tốt đẹp. 'Bách niên hảo hợp' còn được gọi tắt là 'bách hợp' một tên gọi khác của loài hoa Lily – loài hoa tượng trưng cho hạnh phúc và sơ tâm. Người Trung Quốc tin rằng hoa Bách hợp mang đến sự may mắn, bởi vì cái tên 'Bách niên hảo hợp' mà hoa Bách hợp thường được dùng trong các đám cưới Trung Quốc.
[7] Gió chiều nào theo chiều ấy: Nói về người không tôn trọng lẽ phải, chỉ sống vì lợi ích ích kỉ của cá nhân mình, nghĩa là ai nói gì cũng đồng ý không biết đúng hay sai.
[8] Thập lý hồng trang: Trang sức đỏ trải dài mười dặm, trích trong câu "Lương điền thiên mẫu, Thập lý hồng trang" là câu nói ngụ cho hình ảnh thành hôn, một đời mỹ mãn.
Thập lý hồng trang là một truyền thống xưa cũ, câu này là dành cho nữ nhi, tục truyền rằng, ngày xưa trước đại lễ thành hôn một ngày, ngoại trừ các vật dụng cần thiết như giường, chăn, gối, giá y đỏ, hài, hòm trang điểm và một số nữ trang được tặng khi đi kèm kiệu hoa ra để bên phía nhà nữ, thì toàn bộ gia dụng, trang sức đựng trong hòm gỗ lim đỏ, giường chiếu, gối chăn đỏ, vâng vâng đều được người gọi là phù dâu sắp sếp ở nhà trai, tục gọi là "Phô sàng" (trải giường động phòng).
Lễ rước dâu, người trước người sau, tay khiêng tay vác, kiệu hoa, vật dụng, gia cụ....toàn bộ đều được phủ khăn đỏ, nối đuôi nhau di chuyển náo nhiệt, kéo dài, rực đỏ cả con phố mấy dặm, xuyên suốt từ gia đình nhà gái đến nhà trai, lả lướt như một tấm áo choàng đỏ ánh đầy sắc tiền tài, cát tường hoan hỉ khắp mọi nơi, khoe được gia sản giàu có của tân lang tân nương, tục xưng "Thập lý hồng trang".
[9] Cô ai nữ: Cách tự xưng của người con gái đã mất đi cả cha lẫn mẹ.
[10] Đồng tâm nhất trí: Chung một lòng, chung một ý chí.
[11] Nhàn ngôn toái ngữ: Lời nói không có căn cứ.
[12] Bới lông tìm vết: Chỉ những người có tính soi mói, cố tìm điểm yếu của người khác để phê phán, công kích bằng thái độ và dụng ý xấu.
[13] Khắc phụ khắc mẫu: Khắc cha khắc mẹ.
[14] Ăn nhờ ở đậu: Ám chỉ việc bản thân ăn ở nhà người khác miễn phí và không tốn tiền, đôi khi còn được hầu hạ thoải mái nữa.
[15] Hợp tình hợp lý: Thoả đáng cả về mặt tình cảm lẫn về mặt lí lẽ.
[16] Đích trưởng tử: Con trai trưởng do chính thất sinh ra.
[17] Danh chính ngôn thuận: Đủ tư cách, khả năng để đảm trách công việc nào đó; được pháp luật hoặc mọi người thừa nhận, có danh nghĩa đàng hoàng thì lời nói mới có trọng lượng.
[18] Thêm mắm thêm muối: Thêm thắt gì đó vào trong câu chuyện để câu chuyện bé xé ra to, từ đó dần dà dẫn đến việc lệch lạc và méo mó tư tưởng của đôi bên và tiếp theo đó sẽ là những cuộc xung đột – cãi vã với nhau.
[19] Thanh mai trúc mã: Chỉ cặp đôi cùng lớn lên bên nhau ngay từ khi mới chập chững biết đi.
[20] Thuận buồm xuôi gió: Luôn nhận được sự tác động thuận lợi từ bên ngoài, sự may mắn để tiến tới được mong muốn, ước nguyện hay mục tiêu đặt ra trong công việc và trong cuộc sống.
[21] Quang minh chính đại: Ngay thẳng, rõ ràng, không chút mờ ám.
[22] Thanh giả tự thanh: Có nghĩa là những người trong sạch, dù họ không nói những lời thanh minh cho mình. Thì họ vẫn là những người trong sạch.
[23] Đại kinh thất sắc (大驚失色): Chỉ sự kinh ngạc, sợ hãi, hoảng loạn đến mất mật.
[24] Nhân chi thường tình (人之常情): Chỉ tình cảm thông thường.
[25] Dụng tâm lương khổ (用心良苦): Dùng nhiều tâm tư trí lực để suy đi tính lại.
[26] Khiêm khiêm quân tử: Câu đầy đủ là "Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục dã", ý nói người quân tử lấy thái độ khiêm tốn để giữ mình, tu dưỡng mình, cho mình là thấp hơn người khác.
[27] Thân bất do kỷ: Người sống trên đời, nhiều khi phải làm những chuyện không theo ý muốn, không điều khiển được tâm trí mà phải nghe theo sự sắp đặt, ý muốn của người khác - hoàn cảnh đẩy đưa.
[28] Hạ mã uy (下马威): Câu trong Hán thư, nguyên để chỉ quan lại mới đến nhậm chức giương uy đối với thuộc hạ, sau để chỉ giương uy đối với đối phương nói chung, cũng để chỉ hạ uy phong của đối phương. Câu nguyên gốc là Hạ xa tác uy (下车作威), người xưa hay dùng hạ xa, hạ mã – xuống ngựa, xuống xe để chỉ thói quen của quan lại đến nhiệm sở, sau nói rút gọn thành hạ mã uy.
==========
Lão phu nhân mà nghe có khi lại tra tấn thật bây giờ:)
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...