Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

Phần II: Ấn Độ - Nepal
19. Chào mừng đến với Ấn Độ
Để tiết kiệm tiền, tôi không bay thẳng từ Myanmar qua Ấn Độ, mà quá cảnh ở Kuala Lumpur. Mười lăm tiếng quá cảnh đủ để tôi kết bạn với Tom, một anh chàng người Bỉ đang trên đường về lại châu u. Anh là người đi cùng chuyến xe bus với tôi từ Bagan về Yangon, là người nhặt được vé máy bay tôi làm rơi trên sân bay Yangon, cũng là người ngồi cạnh tôi trên chuyến bay từ Yangon đến Kuala Lumpur và rồi lại có cùng thời gian quá cảnh với tôi ở sân bay này. Đôi khi có những sự trùng hợp ngẫu nhiên thật thú vị. Tom và tôi đến giờ vẫn còn giữ liên lạc. Chúng tôi đã bàn nhau sẽ mua một chiếc Minivan để tham gia đoàn caravan hàng năm từ Bỉ xuống Nam Phi, nhưng đáng tiếc là Tom tìm được công việc mới ở Philippines không đi được. Tôi biết chắc rằng nếu tình cờ gặp lại nhau ở đâu, chắc chắn chúng tôi sẽ trở thành bạn tốt.
Quay trở lại Ấn Độ. Tôi thích Ấn Độ ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội. Lúc đấy tôi mới đổi hộ chiếu, hộ chiếu mới còn trắng tinh không một con dấu. Tôi không có cả chứng minh tài chính, vé máy bay khứ hồi hay đặt phòng khách sạn. ấy vậy mà bác phụ trách visa vẫn chiếu cố cấp visa khẩn cấp cho tôi. Hôm nay nộp, hôm sau tôi đã lấy được. Bác chúc tôi đi may mắn, còn khuyên tôi sau này xin visa ở các nước khác thì đừng có nhắc gì đến chuyện viết lách bởi nhiều nước rất cảnh giác với những người làm truyền thông.
Ngồi cạnh tôi trên máy bay là một cặp vợ chồng người Ấn Độ, Asenla và Temsu, vừa trở về từ chuyến đi thăm con trai ở Singapore kết hợp với chuyến du lịch ở Malaysia. Cả hai đều hết sức ngạc nhiên khi thấy tôi đi một mình mà không có người thân đi kèm. Asenla nói rằng con trai cô năm nay hai mươi hai tuổi, đi du học ở Singapore mà cô cũng đã lo cuống lên, ngày nào cũng phải lên mạng nói chuyện hỏi han. Con gái cô mà đi một mình như tôi chắc cô đau tim quá.
Asenla hỏi tôi có sách hướng dẫn du lịch không, tôi lắc đầu. Cô hỏi tôi có biết gì về Ấn Độ không, tôi lắc đầu. Cô hỏi tôi xuống Kolkata(*) thì đến đâu, tôi cũng lắc đầu không biết. Sau một loạt những câu cảm thán với chồng. Asenla quay lại bảo tôi đừng sợ, hai người sẽ giúp tôi tìm một nhà nghỉ rẻ và an toàn ở Kolkata. Tôi rất cảm kích nhưng nghĩ thầm: “Cháu có sợ đâu, cô chú mới là người sợ đấy chứ”.

(*) Cố đô của Ấn Độ
Sân bay Kolkata nhỏ và xấu, lại bị bao trùm bởi một không khí rất ảm đạm. Ở đây không có cầu thang cuốn hay thang máy mà chỉ có cầu thang bộ ngổn ngang giàn dáo, tôi không biết là họ đang tu sửa hay chỉ là để chống cho mái sân bay khỏi đổ. Bảng điện tử hiển thị thông tin chuyến bay nhìn không khác gì những bảng thông báo kết quả xổ số ở Việt Nam những năm 90.
Tôi đổi tạm một ít tiền ở một trong vài quầy đổi tiền nhỏ xíu ở sân bay (Mẹo cho các bạn đi du lịch: nếu có thể thì tránh đổi tiền ở sân bay bởi vì tỷ giá ở đây luôn thấp hơn tỷ giá trong thành phố). Asenla và Temsu cho tôi đi cùng taxi về thành phố. Hai người cảnh báo tôi trước:
“Giao thông ở Kolkata kinh khủng lắm, đừng sốc nhé”.
“Cháu đến từ Việt Nam, không sốc được đâu ạ”.
Tôi cười khì khì. Quả thực giao thông Việt Nam không ít lần được bình chọn, cả chính thức lẫn không chính thức, là giao thông khủng khiếp nhất thế giới.

Ấy vậy mà tôi phải thừa nhận rằng, lần đầu tiên đi trên đường phố Kolkata, tôi không khỏi choáng váng. Xe cộ nhiều như nêm. Đường đầy ổi voi, ổ gà. Lái xe thì bạt mạng. Không biết bao nhiêu lần chúng tôi phải kêu rú lên vì cứ tưởng sắp gặp tai nạn. Nếu xe không có cửa thì chắc tôi bị ném văng ra khỏi xe từ lâu rồi.
Nếu mỗi thành phố có một màu đặc trưng, thì Kolkata sẽ là màu vàng. Những ngôi nhà quét vôi vàng. Những chiếc auto rickshaw(**) nửa xanh nửa vàng. Những chiếc taxi nhỏ xíu màu vàng chóe. Ở Kolkata có rất nhiều taxi. Những chiếc taxi nhỏ này là nguồn cảm hứng cho những lời than vãn bất tận của khách du lịch phương Tây. To cao như họ thì không có cách nào nhét chân vào cho thoải mái được, ngồi trong xe đầu cứ đụng trần.
(**) Phương tiện giao thông phổ biến ở Ấn Độ, dạng xe ba bánh có mui che, chở được ba người, thường sơn hai màu xanh và vàng.
Từ sân bay về thành phố chỉ hai mươi kilomet mà chúng tôi đi mất hai tiếng. Trong suốt thời gian này, tôi cứ há hộc miệng bởi những gì mắt thấy tai nghe. Kolkata có một nền văn hóa vỉa hè, mọi thứ đều diễn ra trên vỉa hè: ăn uống trên vỉa hè, mua bán trên vỉa hè, thậm chí đi vệ sinh cũng trên vỉa hè, và không ít người dựng lều trải chiếu sống ngay trên vỉa hè. Mà đường phố ở đây nào có sạch sẽ gì đâu, nếu không muốn nói là bẩn, rất bẩn.
“Chào mừng đến với Ấn Độ”. Người lái xe cười toe toét.
Khách sạn Asenla và Temsu ở dĩ nhiên là ngoài khả năng của tôi, nhưng tôi đến đấy nghỉ nhờ một chút và tranh thủ lên mạng. Thật may, tôi nhận được tin rằng Antoreep, một CouchSurfer ở Kolkata mà tôi gửi yêu cầu xin ở nhờ, đã nhận lời. Asenla và Temsu nhìn tôi đầy nghi ngại khi tôi giải thích khái niệm CouchSurfer. Hai người bắt tôi mua một sim điện thoại để tiện liên lạc trong trường hợp tôi gặp chuyện không may.

Nhưng mua sim điện thoại ở Kolkata không phải chuyện đơn giản. Để mua sim điện thoại ở đây, bạn cần một bức ảnh chân dung, chứng minh thư, chứng minh địa chỉ cố định bằng hóa đơn điện nước hay giấy tờ tương tự. Bán sim điện thoại trước khi thu thập đủ những giấy tờ trên là phạm pháp. Tôi có thể dùng hộ chiếu, nhưng không thể chứng minh được địa chỉ của mình nên Asenla phải đứng tên mua hộ tôi.
Trời lúc đó đã bắt đầu tối. Tôi gọi điện cho Antoreep, anh bảo tôi đến Pantaloons – một siêu thị lớn ở đấy, chờ anh đến đón. Asenla và Temsu đứng chờ cùng tôi để đảm bảo rằng Antoreep có thể tin được. Tôi chia tay hai người, cảm ơn rối rít, và hứa sẽ lên thăm gia đình họ ở Nagaland(***).
(***) Nằm ở Đông Bắc Ấn Độ, Thủ phủ bang là Kohima và thành phố lớn nhất là Dimapur.
20. Người mẹ Kolkata
Antoreep hơn tôi bốn tuổi, đang học thạc sĩ ngành văn học Anh. Văn học Anh là một ngành học cực kì phổ biến ở đây. Hầu hết những người tôi gặp ở đây đều đã và đang học ngành này. Có lẽ vì thế mà người Bengal(*) nói tiếng Anh rất chuẩn, không bị giọng khó nghe như người các vùng khác của Ấn Độ. Mặc dù nghèo đến thế, bang Tây Bengal lại có quá nhiều trí thức. Bang Tây Bengal có tới bốn người từng đoạt giải Nobel. Trong số đó, nhà thơ Tangore được coi như một vị thánh mà tất cả người dân Bengal đều yêu mến. Đường phố tràn ngập băng rôn quảng cáo các buổi đọc thơ Tangore. Nhà nào cũng có ít nhất một bức ảnh của Tangore treo trên tường.
(*) Thuộc Đông Bắc của Tiểu lục địa Ấn Độ. Ngày nay thuộc Cộng Hòa Nhân Dân Bangladesh và bang Tây Bengal của Ấn Độ.
Gia đình Antoreep sống trong một căn hộ nhỏ ở tầng hai khu chung cư kiểu cũ từ thời thực dân.

Antoreep sống với mẹ, dì Ramita, em trai Dep năm nay mới mười lăm tuổi và ông nội ốm nằm liệt giường. Bố Antoreep qua đời năm ngoái. Ban ngày, ở nhà còn có chị giúp việc. Căn hộ có một phòng khách nhỏ xíu, một nhà bếp với bếp ga để nấu các món ăn nhanh cùng bếp củi để nấu các món ăn truyền thống khi cần và ba phòng ngủ. Phòng ngủ của Antoreep có hai giường đơn, tôi đoán bình thường chắc để cho hai anh em Antoreep ngủ, nhưng khi tôi đến, một giường để dành cho tôi. Dep ra ngủ ngoài phòng khách.
Thời gian ở cùng gia đình Antoreep, tôi đặc biệt thân với dì Ramita. Nhờ dì mà tôi có cơ hội khám phá nền ẩm thực vô cùng phong phú và tinh tế của người Bengal. Tôi chưa bao giờ thấy căn bếp nào có nhiều loại gia vị đến thế. Ngoài những gia vị như hành, tỏi, hạt tiêu thấy ở Việt Nam, dì Ramita còn có đến mấy chục hộp đủ các loại hạt, các loại lá mà tôi chịu không nhớ được tên. Mỗi loại gia vị lại có một hương vị riêng, hầu hết trong số đó tôi chưa từng được nếm.
Dì Ramita tận tình giải thích cho tôi về ẩm thực Bengal. Dì cho biết, một bữa ăn Belgal chuẩn phải có sáu bước. Bước một là cái gì đó hơi cay hoặc hơi đắng để khai vị. Bước hai là đậu hay đỗ dạng súp, ăn với đồ rán để cung cấp chất đạm. Bước ba là rau quả theo mùa để bổ sung vitamin và khoáng chất. Bước bốn bao gồm thịt cá dành cho trẻ em đang trong độ tuổi phát triển và người già, có thể bỏ qua. Bước năm là cái gì đó chua chua (như sữa chua) để giúp tiêu hóa. Bước sáu là các món ngọt để tráng miệng.
Thông thường chị giúp việc sẽ nấu ăn. Nhưng khi tôi tới đây, dì Ramita đích thân nấu cho tôi. Có những món ăn đặc biệt chỉ được nấu trong dịp lễ tết, nhưng vì tôi không đợi được tới lúc đó, dì cũng nấu cho tôi ăn. Món Payesh là món dành cho những dịp vui: khi một em bé sinh ra, bà mẹ sẽ ăn Payesh và không một bữa tiệc sinh nhật nào có thể thiếu Payesh. Dì bảo, nếu trong khi chuẩn bị Payesh mà có chuyện xui xảy ra như sữa bị đổ hay cháy thì đó là một điềm rất xấu, không bà mẹ nào có thể chấp nhận được. Tôi thích nhất món Amsatta làm từ xoài. Tôi cũng chẳng biết làm sao họ làm cho xoài trở nên trong suốt, ngọt mịn như vậy được. Đặc sản của Bengal là cá. Dì Ramita bảo rằng muốn mua cá phải ra chợ từ rất sớm, bởi hàng cá luôn là hàng hết trước tiên. Khi tôi ở đấy dì nấu cho tôi món cá. Người Bengal có thói quen ăn sáng khá lạ. Họ ăn cơm nóng trộn Ghee (bơ sữa bò lỏng) và muối đá. Muối đá là những viên muối nhỏ lấy từ trong tự nhiên, rât giàu khoáng chất, ăn có vị như lòng đỏ trứng luộc.
Một buổi sáng khi chỉ có tôi với dì Ramita ở nhà, tôi đã hiểu tại sao dì lại quý tôi đến thế. Dì mang ra cho xem hai cuốn sách ảnh: một cuốn sách nói về các điểm du lịch trên thế giới. Ramita nói rằng dì và chồng đã từng có rất nhiều mơ ước, một trong số đó là xây một ngôi nhà thật đẹp, một mơ ước khác là sau khi nghỉ hưu sẽ cùng nhau đi du lịch. Nhưng rồi cuộc sống với những lo toan bộn bề, hai người không bao giờ có đủ tiền để xây cho mình một ngôi nhà xinh xắn. ước mơ du lịch cũng chưa kịp thực hiện thì chồng dì lại qua đời. Bây giờ nhìn thấy tôi đi như thế này, dì như được sống lại những mơ ước thời còn trẻ. Vậy nên, dì muốn làm hết sức mình để giúp tôi thực hiện ước mơ của mình. Tôi ngồi nghe dì kể mà mắt ngân ngấn nước, tự nhủ rằng nếu sau này nếu có điều kiện, nhất định tôi sẽ quay trở lại đưa dì đi du lịch.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui