15. Đổi tiền ở Myanmar
Tôi ở Thái Lan hai tuần, sau đó bay từ Bangkok qua Yangon(*). Tôi muốn đi đường bộ qua Myanmar, nhưng tất cả các đường bộ vào Myanmar đều bị đóng do những bất ổn về chính trị.
(*) Trước đây gọi là Rangoon – cố đô cũng là thành phố lớn nhất Myanmar
Lúc ngồi trên máy bay, tôi rất lo, không biết Hải quan có cho mình nhập cảnh không. Myanmar là nước duy nhất ở Đông Nam Á yêu cầu visa dành cho người Việt. Tuy nhiên, chính sách visa của nước này thay đổi liên tục tùy theo những biến động trong nước. Tôi có đọc trên mạng rằng để xin visa ở sân bay, mình cần vé máy bay khứ hồi, đặt phòng khách sạn, hai bức ảnh hộ chiếu, ít nhất 300 USD mang theo người. Tôi lúc ấy trong người cũng có 300 USD, có vé máy bay ra khỏi Myanmar nhưng không có đặt phòng khách sạn. Người dân địa phương bị cấm cho khách nước ngoài ở, nên tôi không thể mang CouchSurfing ra làm chỗ ở được. Cô bạn Kay Thi người Myanmar tôi gặp trong một khóa học truyền thông ngắn hạn ở Thái Lan cùng bay với tôi trong chuyến bay ngày hôm đó. Cô bảo chúng tôi không nên đi cùng nhau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh bởi cô không muốn bị nhìn thấy đi cùng với người nước ngoài. Và tôi làm gì cũng không được nhắc đến khóa học truyền thông tôi mới tham gia ở Thái Lan “Chính phủ Myanmar ghét truyền thông lắm”, cô nói thế tôi càng thêm lo.
Nhưng xuống sân bay hóa ra mọi chuyện đơn giản lắm. Chính quyền Myanmar đang cần tiền từ khách du lịch nên mình chỉ cần trả 30 USD làm phí visa là họ làm cho luôn. Chẳng ai hỏi tôi vé khứ hồi hay đặt phòng khách sạn gì cả. Sau này tôi mới biết số tôi rất may, bởi tôi vào Myanmar đúng lúc thủ tục nhập cảnh đơn giản. Sau đó không lâu, tôi có đọc trên mạng rằng chính phủ Myanmar lại thay đổi chính sách không cấp visa tại sân bay nữa rồi. Bạn nào đi Myanmar thì cố gắng tìm hiểu thông tin cập nhật mới nhất nhé, tốt nhất là gọi điện lên đại sứ quán Myanmar mà hỏi.
Bạn trai Kay Thi đến đón chúng tôi tại sân bay, đưa tôi về căn hộ của Kenneth – CouchSurfing host của tôi. Kenneth là chuyên gia người Philippines đang sinh sống và làm việc ở Myanmar. Anh được công ty cấp một căn hộ ở Grand Mee Ya – một trong những khu khách sạn, nhà ở sang trọng bậc nhất ở Yangon.
Grand Mee Ya này có bể bơi, nhà hàng, trung tâm mua sắm, wifi miễn phí khắp sảnh. “Tư bản ở Myanmar”, tôi nói đùa với Kenneth. Lúc ấy, anh cũng đang host một cô bạn người Nga, nhưng hôm ấy là đêm cuối cùng cô ở đây. Cô để lại cho tôi cuốn Lonely Planet Myanmar cô không dùng nữa.
Việc đầu tiên tôi cần làm là đi đổi tiền. Lúc đấy đã sáu giờ tối, chỗ đổi tiền mà Kenneth biết đã đóng cửa, Kenneth đã bảo rằng anh sẽ nấu cơm ăn ở nhà nên tôi không phải tiêu tiền. Ăn xong, chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố. Tôi tranh thủ chụp ảnh, nhưng phải cảnh giác nhìn trước nhìn sau sợ chú công an mặc thường phục nào phát hiện. Đúng lúc ấy người đàn ông Ấn Độ tiếp cận hỏi tôi có muốn bán USD với giá 1 USD: 1000 Kyat (**) không. Tôi chưa biết tỉ giá nên muốn đi kiểm tra xem thế nào. Một người khác chào giá 1 USD: 950 Kyat, chúng tôi quay lại người ban đầu hỏi bán $100. Ông bảo là thế thì chì có 970 Kyat thôi, 1000 nếu như tôi muốn bán $200 hoặc hơn. Tôi không thích cách làm ăn lật lọng kiểu này nên bỏ đi. Ông gọi với theo nói 980 nhưng tôi cũng mặc kệ.
(**) Tiền Myanmar
Ở Yangon, nếu bạn nhìn giống khách du lịch, chắc chắn bạn sẽ bị rất nhiều người tiếp cận hỏi mua USD. Hầu hết họ là người Ấn Độ. Tôi không biết họ không có quốc tịch ở đây hay họ liều hơn những người khác, bởi theo luật người dân Myanmar bị cấm giao dịch bằng ngoại tệ. Phần lớn những người này là trung gian giữa khách du lịch và ông chủ chợ đen. Bởi bản thân họ không phải là người quyết định giá, nên nhiều khi họ chỉ nói bừa một giá hy vọng dẫn được khách đến ông chủ để ăn hoa hồng. Sáng hôm sau, khi chúng tôi bước ra khỏi Grand Mee Ya, một cò mồi đến đưa ra giá 1000 Kyat nếu tôi đổi $100. Kenneth hỏi anh ta có chắc chắn, anh bảo anh phải hỏi lại ông chủ và bảo chúng tôi đi theo. Chúng tôi đi theo anh ta khoảng hai mươi phút, qua cầu băng qua đường ray đến một khu tràn ngập những cửa hàng đổi tiền và đại lý xe bus. Người chủ cho tôi giá 1020 Kyat cho $200, nhưng từ chối chấp nhận $100. Một cò mồi khác đi qua đưa ra giá 980 Kyat. Lúc ấy tôi bắt đầu thấy cáu với những người trung gian này lắm rồi. Tôi tặc lưỡi, thôi về Central Hotel để đổi tiền vậy.
Tỷ giá ở khách sạn này là 1:970. Tôi đưa cho cô lễ tân $100 nhưng cô không đưa lại Kyat cho tôi. Chúng tôi ngồi chờ mười lăm phút vẫn không thấy tiền đâu. Kenneth hỏi thì cô đỏ bừng mặt, lấm lét nhìn người đàn ông đứng bên cạnh. Hóa ra cô đổi tiền bất hợp pháp, ông chủ ở đấy thì cô không được phép đổi.
Khi nhận tiền, tôi bị sốc. Tôi chưa bao giờ cầm nhiều tiền đến thế! Ở đây tờ tiền giá trị cao nhất là 5000 Kyat, nhưng nó không phổ biến và hầu hết mọi người chỉ dùng đến 1000 Kyat, tức là khoảng $1. Tờ tiền ở đây to và dày, lại mềm và cũ nát. Tôi nhận về một cục 97 tờ 100 Kyat. Cục tiền nặng phải đến 100 gam, dày phải đến 2 centimet.
Số tôi vẫn còn may, bởi tôi chỉ có $100 tiền Kyat. Ở Myanmar hệ thống thẻ ngân hàng không hoạt động, nên tất cả mọi người đều nhận lương bằng tiền mặt. Thử tưởng tưởng bạn làm cho công ty nước ngoài và nhận lương không đếm theo tờ mà đếm theo kilogam? Bây giờ thì tôi đã hiểu khi Preetam nói lúc rời Myanmar, anh với bạn không biết làm gì với Kyat nên cả hội ngồi gấp máy bay. Kyat chỉ có giá trị trong Myanmar.
16. Gặp sư phụ ở “Manday” (*)
(*) Cố đô Myanmar
Có một số người được trời phú cho ngoại hình mà đi đâu cũng có thể giả làm người dân địa phương, Antonio là một trong số đó. Anh có nước da rám nắng, mắt nâu, tóc đen, râu ria xồm xoàm. Ở Trung Đông, ai cũng sẽ nghĩ anh là người Ả Rập. Ở Châu Mỹ Latin, anh trở thành một người da đỏ. Ở Ấn Độ, nếu nói anh ta từ Kamir, ai cũng sẽ tin sái cổ. Hồi anh ở Việt Nam, ai cũng nghĩ anh người dân tộc thiểu số mới xuống núi. Châu u thì là quê nhà của anh rồi.
Nhưng đấy không phải là lý do tôi viết về anh trong cuốn sách này. Tôi nhớ đến anh bởi anh là người đã dạy cho tôi nhiều bài học hết sức quan trọng, những bài học đã giúp tôi đi được đến tận ngày hôm nay. Antonio là sư biên trái phép. Anh mới có hai mươi ba tuổi nhưng đã đi gần tám mươi nước. Anh từng đi bộ qua rừng từ Trung Quốc vào Tây Tạng, đóng giả làm con trai một người dân địa phương để đi từ Kasmir(**) Ấn Độ, sang Kasmir Pakistan mà không cần trình hộ chiếu. Anh đi vòng quanh thế giới với cái ba lô vỏn vẹn chưa đầy năm kilogam đựng: một quyển sách, một cái áo khoác, hai cái quần, ba cái áo phông, ba đôi tất, ba cái quần lót, một cái bàn chải đánh răng. Tôi hỏi sao anh mang ít thế, anh tròn mắt lên hỏi: “Thế cần mang gì khác?”. Tôi mới giật mình, quả thực mình đi bụi thường mang theo nhiều đồ không cần thiết. Cô bạn Marsha tôi gặp ở Kota Kanabalu mang theo mình đến mười lăm kilogam hành lý: thuốc thang, đồ trang điểm, thậm chí cả hai đôi giày mới vì sợ không tìm mua được giày đúng ý mình trên đường đi.
(**) Vùng đất phía bắc của Nam Á và là phần phía nam của Trung Á.
Tôi gặp Antonio khi đang ngồi chờ xe buýt đi Mandayla ở Yangon. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh chàng này là anh nhìn… bẩn bẩn đã vậy còn liên tục cắn móng tay. Chúng tôi là hai người nước ngoài duy nhất trên xe bus, bởi có lẽ chúng tôi là hai “Khách du lịch” duy nhất đủ nghèo và đủ dũng cảm để đi xe bus địa phương (Myanmar có xe bus dành riêng cho khách du lịch. Tôi phải nhờ một người dân địa phương mua hộ vé xe bus này cho tôi).
Chúng tôi đến Mandalay lúc sáng sớm. Từ bến xe vào thành phố khoảng bảy kilomet, hai đứa quyết định đi bộ. Bình minh Myanmar thật yên bình. Đi bộ được khoảng một tiếng thì cái ba lô của tôi bắt đầu nặng trĩu. Đúng lúc đấy một chiếc pickup đi qua, chúng tôi nhảy lên luôn. Pickup là phương tiện di chuyển chính trong thành phố của người dân địa phương. Đây là một dạng xe tải hạng nhẹ với thân mở để chở hàng hóa, nhưng đã được bao bọc xung quanh bởi thanh kim loại để chở khách. Hành khách hoặc đứng hoặc ngồi hoặc quỳ phía trước, phía sau, phía trên, phía dưới. Tôi là con gái được ưu tiên một ghế ngồi phía sau với ít nhất hai đôi chân lủng lẳng ngay trước mặt. Xe thả chúng tôi tại tháp đồng hồ. Chúng tôi vào trung tâm thành phố đúng lúc cao điểm của phiên chợ sáng. Cả đường phố biến thành một khu chợ vô cùng tấp nập với đủ loại rau quả chất thành từng đống hai bên đường. Thấy chúng tôi là người nước ngoài, ai cũng đon đả chào mời. Tôi cũng không hiểu sao mọi người biết tôi là người nước ngoài, bởi người Việt Nam và người Myanmar nhìn không giống nhau.
Chúng tôi đến mấy nhà nghỉ giá rẻ được giới thiệu trong cuốn Lonely Planet, nhưng với Antonio vẫn là đắt. Chúng tôi đi bộ khắp thành phố tìm cho bằng được chỗ ngủ rẻ nhất có thể. Điểm dừng chân là một nhà nghỉ hết sức tồi tàn cách không xa cổng phía Đông vào cố đô Mandayla với giá 4USD/đêm. Mỗi phòng rộng khoảng mét rưỡi, dài khoảng hai mét, chỉ đủ kê đúng một cái giường đơn. Nghỉ ngơi một lát, chúng tôi đi bộ vòng quanh thành phố. Mandayla là một thành phố rất đẹp: mặt hồ xanh biếc, đường rộng thênh thang soi bóng hai hàng cây, nhiều khu dân cư hiện đại không thua kém gì những nước phát triển. Chúng tôi leo lên ngôi chùa trên đỉnh đồi Mandayla, lên tận trên cùng nơi mà không có khách du lịch nào trèo lên. Nền lát gạch ngập… phân chim. Nhưng mà lên đến nơi rồi mới thấy bõ công leo. Từ trên cao, chúng tôi có thể nhìn xuống toàn bộ Mandayla, nhìn ra tận cố đô hoành tráng xây dựng giữa lòng hồ. Bây giờ đang là mùa du lịch của dân Châu u, đặc biệt là Tây Ban Nha. Đi đâu cũng nghe thấy người ta nói tiếng Tây Ban Nha. Từ trên đỉnh đồi đi xuống, chúng tôi gặp một đôi uyên ương người Tây Ban Nha. Họ định thuê taxi ngày mai đi thăm các khu đền chùa cổ xung quanh Mandayla: Ava, Amarapura, Sagaing và cây cầu U Bein nổi tiếng. Giá cả cũng phải chăng nên chúng tôi đi cùng.
Đi rồi mới thấy Antonio là bậc thầy của trốn vé như thế nào.
Đáng lẽ chúng tôi phải mua vé giá $10 vào thăm cả khu chùa cổ. Nhưng chúng tôi không ai mua vé. Lý do không chỉ bởi chúng tôi muốn thử xem trốn vé như thế nào, mà còn bởi mọi người không muốn trả tiền cho Nhà nước Myanmar.
Antonio rất giỏi nói chuyện. Anh luôn luôn thuyết phục được người soát vé cho chúng tôi vào. Lần thì anh giả bộ chúng tôi quên vé ở khách sạn, và yêu cầu người soát vé gọi lên trung tâm bán vé để kiểm tra. Người soát vé không muốn gọi nên cho chúng tôi vào.
“Nói thật, chúng tôi không ai có đủ tiền để trả cả $10 cho một cái vé cả. Giả sử chúng tôi mỗi người trả $5, liệu anh có thể cho chúng tôi vào mà không cần vé không?”
“Ừ, thế cũng được”.
(Giả bộ kiểm tra ví)
“Chết rồi, bây giờ $5 tôi cũng không có. Như anh nói thì quyền cho vào hay không đều nằm cả trong tay anh. Liệu anh có thể thông cảm cho chúng tôi vào mà không cần tiền đút lót không?”.
Người soát vé bó tay cho chúng tôi vào. Một lần khác, chúng tôi nói chuyện với người lái xe, ông dẫn chúng tôi vào qua cổng sau mà không cần phải đi qua người soát vé. Thế là chúng tôi đi thăm cả buổi ngày hôm đó mà không phải trả một xu tiền vé. Tất cả chi phí nằm trọn trong việc thuê taxi (taxi ba bánh giống xe tuk tuk của Thái Lan, không có đồng hồ kilomet, chỉ tính theo đoạn đường, mỗi kilomet chừng một ngàn Kyat).
Có một chuyện xảy ra làm chúng tôi thấy rất khó chịu. Đấy là khi về thành phố, taxi của chúng tôi bị một người mặc áo cà sa chặn lại xin tiền. Ông xin mười ngàn Kyat (khoảng mười đô Mỹ). Chúng tôi cho ông một ngàn Kyat. Ông xé tiền ngay trước mặt chúng tôi chửi bới loạn lên rồi bỏ đi. Người dân xung quanh mới túm tụm vào, họ xin lỗi chúng tôi, đồng thời cảnh báo ở Myanmar có rất nhiều người giả sư để xin tiền du khách.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...