69. Nắng gió và biển Israel
Chuyến xe bus đêm nào cũng dài và buồn tẻ. Chuyện duy nhất khiến mọi người xôn xao là anh chàng Do Thái đơn độc trên xe cứ liên tục bị yêu cầu xuống xe để khám xét. Ôi người Do Thái trên đất Ai Cập!
Có những con người tôi yêu ngay từ khi chưa gặp mặt. Có những mảnh đất tôi yêu ngay từ trước khi đặt chân đến. Israel là một mảnh đất như vậy. Tôi không hiểu tại sao mình lại dành tình cảm cho Israel đến thế. Khoan nói đến chính trị, tôi không hoàn toàn đồng ý với chính sách của Chính phủ nước này. Tôi yêu Israel vì tôi bị cuốn hút bởi lịch sử của Israel và của dân Do Thái, kinh ngạc vì sự phát triển vượt bậc của đất nước vừa trẻ vừa nhỏ bé này. Đọc Kinh Thánh từ nhỏ, tôi đã quá quen thuộc với những địa danh của Israel và chỉ mong một ngày được đặt chân đến những nơi này.
Nghe quá nhiều về Hải quan Israel, tôi hơi run khi đi qua Hải quan vào nước này. Người đi trước tôi bị Hải quan giữ lại, yêu cầu mở túi kiểm tra từng li từng tí. Tôi cũng ngoan ngoãn xếp cái ba lô của mình vào góc chờ đến lượt. Chờ khoảng mười lăm phút vẫn chẳng thấy ai bảo sao. Chú Hải quan nhướn mắt lên hỏi:
“Cháu còn đứng đó làm gì?”.
“Ủa, không ai kiếm tra hành lý cháu ạ?”“Không. Đi đi”.
Sau cả đêm vượt sa mạc toàn cát là cát, tôi lập tức bị choáng ngợp bởi biển mênh mông lộng gió khi vừa bước chân ra khỏi trạm kiểm soát. Những cô nàng tung tăng đi dạo trong bikini trên bãi biển. Những chàng trai thoải mái chơi bóng. Những gia đình thong thả cắm trại trên bãi biển. Bầu không khí phóng khoáng khác hẳn Ai Cập. Tôi hít căng lồng ngực, thở ra thật chậm. Tôi dụi mắt mấy lần vẫn không tin rằng mình đang ở trên đất Israel. Đây là biển Đỏ. Đây là biển Chết. Đây là Jerusalem. Đây là miền đất hứa.
“Heeeyy”. Một gia đình đang cắm trại trên bãi biển vẫy tay về phía tôi rối rít. Những người khác trên bãi biển cũng nhìn tôi mỉm cười thân thiện. Chưa bao giờ tôi đến một đất nước mà lại được chào đón nhiệt tình như thế.
“Chào mừng đến với Israel”.
“Shalom”. Tôi hét lên chào lại. “Đường nào lên Tel Aviv hả bác?”.
“Xe bus vừa đi mất rồi. Một tiếng nữa mới có xe cơ. Xuống đây chơi đã”.
Các bác có khu lều to nhất mà tôi từng thấy. Lều có khu sinh hoạt chung cho mọi người, có bếp nấu ăn, có lều riêng cho mỗi cá nhân, đệm bơm hơi êm ái, ghế gấp gọn gàng, lại có nhà vệ sinh cơ động. Nhà vệ sinh này quây kín bằng vải, có bồn cầu không đáy, mỗi khi sử dụng bạn phải trùm túi nilon vào, rồi vứt túi nilon đó vất vào thùng rác. Tất cả những cái đấy đều có thể gấp lại cho hết lên xe.
“Các bác có đồ cắm trại chuyên nghiệp quá”.
“Chuyện, dân Do Thái là một dân tộc đi mà. Cháu chưa nghe câu từ ngày xưa, Mô-sê đã đi trong hoang mạc bốn mươi năm à?”.
Bác ấy đang cắm trại với khoảng năm người đàn ông trung niên khác và gia đình của họ. Người đàn ông nào cũng bặm trợn, hình xăm đầy mình, nhưng mặt thì hiền khô. Ai cũng tỏ ra hết sức thích thú khi thấy tôi đi một mình, tranh nhau hỏi chuyện tôi.
“Tụi này là môt motorcycle gang (nhóm đi xe máy), chơi với nhau từ hồi trẻ”.
“Cháu đói không, ăn sandwich đi”.
“Cháu từ đâu đến? Đi những nước nào rồi?”
“Sao cháu lại sang Israel?”.
“Cháu nói được tiếng Hebrew không?”.
Tôi hỏi các bác cách đếm từ 1 đến 10. Mọi người ồ lên kinh ngạc vì chỉ cần nghe một lần là tôi lặp lại được ngay.
“Tại vì nó giống tiếng Ả rập”.
“Cháu nói được tiếng Ả rập à?”.
“Cháu học được một ít ở Ai Cập ạ”.
“Giỏi quá. Thế thì bây giờ cháu cũng phải học tiếng Hebrew”.
Thế là các bác bắt đầu dạy tiếng Hebrew cho tôi.
“Gạo là aroz. Không, “r” không rung ở lưỡi mà phải rung từ trong cuống họng. Đúng rồi. Hành là batzal. Không “tz” chứ không phải “ch”. Cháu phải đặt lưỡi ở răng. Ôi, con bé này không nói được âm “tz”.
Sau một lúc nói chuyện, có lẽ quý tôi, các bác bảo.
“Ngày mai các bác về lại Tel Aviv, nếu cháu ở lại đêm nay thì ngày mai các bác cho đi nhờ”.
Thế là tôi ở lại. Buổi tối, đứng trên bờ, các bác chỉ ra những cụm đèn ngoài khơi: “Đấy là Jordan. Đấy là Ả rập Saudi”. Tim tôi đập rộn ràng khi nghe những địa danh đấy. Các bác kể cho tôi nghe về cuộc đời của các bác.
“Bác sinh ra ở Nga, sang Nam Phi những năm 70 với gia đình, về lại Israel đầu những năm 90”.
“Khi Nelson Mandela chuẩn bị lên nắm quyền đúng không ạ?”. Lúc đấy, những gì tôi nghe về Nam Phi chỉ là những tiêu đề đọc trên báo, nhưng có đọc cũng chỉ đọc qua loa vì thấy nó quá xa với mình. Đây là lần đầu tiên những gì diễn ra ở đầu cuối của bán cầu bên kia lại gần gũi với tôi đến như vậy.
“Có thể cháu sẽ cho rằng bác là người phân biệt chủng tộc thế này thế kia. Nhưng quả thực, cuộc sống trước thời Nelson sướng hơn nhiều, an toàn hơn nhiều. Từ khi ông ta lên, người bản địa mới lộng hành, gây ra nhiều tội ác, nhiều tệ nạn.” Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe được một ý kiến trái chiều như thế, ý kiến từ một người ở phía bên kia của chiến tuyến.
Tôi không có túi ngủ, tôi kê ba lô làm gối ngủ ngay trên bãi biển. Ban đầu, gió mát hây hây, sóng biển dập dìu, cát mềm gối lưng, tôi nằm ngửa vừa ngắm bầu trời đầy sao, vừa mỉm cười đầy mãn nguyện. Nhưng đấy là do tôi chưa lường hết được thời tiết biển Đỏ. Bao quanh bởi sa mạc, ban ngày hơi nóng, ban đêm lại lạnh thấu xương. Đến khoảng hai giờ sáng tay chân tôi bắt đầu tê cứng lại. Tôi lôi hết quần áo của mình ra mặc vào mà vẫn lạnh. Tôi mở mắt thao láo nhìn sang ánh đèn lấp lánh phía bên Jordan, tự hỏi nếu mình bơi lặn giỏi thì có thể lẻn vào bên Jordan mà không phải qua xuất nhập cảnh hay không. Hay là sang Ả rập Saudi? Đây là một quốc gia mà tôi luôn muốn sang để thăm Mecca - thánh địa đạo Hồi. Nhưng họ không cấp visa du lịch cho con gái không theo đạo Hồi. Hay là tôi cải sang đạo Hồi để đi nhỉ? Tôi đọc trong cuốn Among the Dervishes tác giả cũng nói dối mình theo đạo Hồi để đi Mecca, nhưng họ không tin anh. Anh sau này cũng phải đi thuyền vào Ả rập Saudi bất hợp pháp. Tôi vừa nằm nghĩ miên man vừa thấp thỏm chờ mặt trời lên. Khoảng sáu giờ sáng, mặt trời lên ấm dần, tôi lại ngủ thiếp đi.
70. Lên Petah Tiqwa đúng ngày Shabbat
Trong suốt chuyến đi của mình, tôi đã làm nhiều chuyện dại dột. Nhưng có một chuyện dại dột tôi hoàn toàn tránh được nếu tôi chịu tìm hiểu kỹ hơn, nhưng tôi đã không làm điều đó. Đó là lên thành phố Israel đúng ngày thứ bảy.
Chủ nhà Couchsurfing không cho tôi địa chỉ cụ thể, mà chỉ bảo tôi đến một quảng trường ở Petah Tiqwa, một thành phố vệ tinh cách Tel Aviv hai mươi phút lái xe, rồi gọi cho anh. Nhưng tôi phát hiện ra rằng mình chỉ có số anh gửi vào email cho mình mà quên chưa lưu vào trong điện thoại. Mấy hôm nay ở sa mạc với biển, chẳng có cách nào vào mạng được. Tôi đi vòng vòng quanh quảng trường mà chỉ thấy chỗ này vắng tanh vắng ngắt, các cửa hàng đóng cửa im ỉm. Ngạc nhiên quá, tôi túm một bác gái ngồi nghỉ gần đó hỏi. Bác nhìn tôi ngạc nhiên không kém:
“Ngày Shabbat ai làm việc hả cháu?”. Tôi hồi nhỏ đọc Kinh Thánh được biết ngày Shabbat là ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi nên loài người không ai được phép làm việc. Nhưng trong đạo Thiên Chúa, ngày Shabbat các cửa hàng vẫn mở cửa như thường. Tôi đâu có ngờ mọi người ở đây lại giữ ngày Shabbat nghiêm thế.
“Bác biết ở đâu có quán Internet vẫn mở cửa không ạ? Cháu cần vào mạng có việc gấp”.
“Tel Aviv thì chắc là vẫn có”.
“Có xe bus lên Tel Aviv không hả bác?”.
“Có, nhưng Shabbat xe nghỉ chạy rồi”.
Tôi tiu nghỉu ngồi bệt ngay xuống đất, dựa lưng vào cột. Không có việc gì làm, tôi mở con netbook lởm của mình ra. Trước sự ngỡ ngàng và sung sướng của mình, tôi phát hiện ra mấy wifi không có password. Ở Ai Cập lâu quá, tôi quên khuấy đi mất Israel là một quốc gia công nghệ phát triển, wifi ngoài đường là chuyện hiển nhiên. Tôi tìm được số của Amir, rồi mượn điện thoại một người ngoài đường gọi cho anh. Trái tim tôi tan nát ra từng mảnh khi anh nói rằng anh đang ở rất xa, phải vài tiếng nữa mới quay trở lại, khi nào quay trở lại anh sẽ gọi cho tôi. Nhưng tôi làm gì có số đâu mà anh gọi? Hôm nay cũng đâu có chỗ nào bán SIM mở cửa đâu mà tôi mua. Tôi hẹn anh rằng hai tiếng nữa tôi sẽ gọi lại cho anh.
Đói hoa cả mắt, tôi đi tìm chỗ nào ăn nhưng hiển nhiên là cũng chẳng có chỗ nào mở cửa. Tôi cố gắng nhìn vào mặt sáng của vấn đề. Cũng may hôm nay là shabbat mà tôi có cơ hội nhìn Petah Tiqwa với bộ mặt nguyên sơ nhất của mình: không ồn ào, không huyên náo, chỉ có những con phố rộng thênh thang rợp bóng cây xanh, những con ngõ nhỏ đầy hoa và những ngôi nhà im lìm với bãi cỏ trước mặt, những cây điện thoại sơn đỏ rực như ở Anh. Israel là một sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa Trung Đông và kinh tế châu u, giữa tôn giáo và khoa học, giữa lịch sử đau thương và tuổi trẻ lạc quan vào tương lai tươi sáng. Sáng nay đi xe từ Eilat lên đây, tôi cứ liên tục phải há hốc mồm kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của đất nước này.
“Cháu có tin được là cách đây sáu mươi năm, tất cả chỗ này chỉ là sa mạc khô cằn không ai thèm lấy. Vậy mà người Do Thái đã xây dựng nó thành một quốc gia công nghệ phát triển bậc nhất thế giới”. Bác cho tôi đi nhờ xe tự hào khoe. Tôi ước gì một ngày nào đó, tôi cũng có thể tự hào khoe như thế về đất nước của mình.
Sau ba tiếng làm đủ trò ngớ ngẩn, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy cái mặt cười tươi rạng rỡ của Amir và bạn gái của anh Dana. Anh chị vừa cho tôi ăn vừa bảo:
“Shabbat ở đây còn đỡ đấy em ạ. Em còn may có người cho đi nhờ xe đấy. Nhiều người ngày Shabbat còn chẳng lái xe cơ. Bật điện họ cũng không dám bật. Em muốn biết Shabbat thực sự thế nào thì phải xuống Jerusalem cơ”. Dana bảo.
“Hôm nay vẫn còn nhiều người phá lệ đấy. Em mà đến đúng ngày Yom Hazikaron thì anh chị cũng chẳng ra đón em”.
“Yom Hazikaron là ngày gì ạ?”.
“Em chờ đến ngày thứ ba sẽ biết”.
Israel 101
Israel là một đất nước đặc biệt. Người Israel là một dân tộc đặc biệt. Để sống sót được và hòa nhập ở nơi đây, bạn cần nắm rõ một số quy ước hành xử ở nơi này.
“Ani lo frayer” - “Tôi không phải là một frayer”
Đây là câu đầu tiên bạn bè dạy tôi khi biết tôi muốn ở lại Israel. Muốn sống sót ở đất nước này, bạn phải biết đấu tranh. Nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm của người Do Thái, từ khi Mô-sê dẫn dắt người Israel ra khỏi kiếp nô lệ trên đất Ai Cập, cho đến khi dân Do Thái phải chống trả lại cuộc diệt chủng khiến nửa số người Do Thái diệt vong, cho đến ngày nay khi mà người Do Thái vẫn phải vẫn phải đấu tranh cho đất nước của chính mình, tất cả những gì họ làm đều là để không biến mình thành một “frayer”, dịch đại loại ra là thằng hèn, kẻ thua cuộc, kẻ bị lợi dụng. Họ sẽ không để người ta chà đạp lên mình, họ sẽ không để người ta lợi dụng mình, họ sẽ không để người ta tước đi quyền của mình. Trong đời sống thường ngày, họ sẽ không để ai đó cắt lên trước mình khi xếp hàng, không để cho ai đó chém giá cắt cổ cho mình, không để cho ai đó sỉ vả mình mà không có lý do. Chính vì thế, người Israel ra nước ngoài thường bị một số người ghét vì “khôn” quá.
Người Israel rất “dugri”
Simon Cowell có gốc Do Thái và ông ấy rất “dugri”. Amir là người Do Thái và anh ấy rất “dugri”. Khi tôi mới bước chân vào nhà anh, anh đã nhăn mũi.
“Eww, có mùi gì ấy nhỉ?”.
“Mùi giày của em đấy ạ”. Tôi đỏ mặt.
“Em đi giặt giày đi. Xà phòng ở trong nhà tắm”.
Dana mới cười an ủi: “Em nên quen đi đừng ngại. Người Israel rất dugri”.
“Dugri” là tiếng lóng cho “nói thẳng, nói thật”. Người Israel thẳng thắn đến mức thô lỗ. Họ không ngại nói thẳng vào mặt bạn khi bạn làm gì đó quá dở. Họ không ngại nói rõ ràng cái gì họ muốn, cái gì họ không muốn. Với họ, như thế là để tiết kiệm thời gian mò mẫm đoán ẩn ý. Với nhiều người, như thế là thô lỗ. Với tôi, tôi thích như thế bởi tôi có thể thoái mái nói những gì mình nghĩ mà không sợ ai phật lòng.
Không ai được kể chuyện đùa holocaust, trừ người Do Thái.
Người Do Thái có khiếu hài hước đỉnh cao có từ thời kinh Torah. Từ trước khi sang Israel, tôi đã hâm mộ sự hài hước của Woody Allen, Groucho Marx, Jerry Seinfeld và cả Howard Wolowitz trong Big Bang Theory. Và khi sang đến Israel, tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi khả năng nói đùa một cách rất ngẫu nhiên nhưng có thể khiến bạn cười cho đến khi có bụng sáu múi.
Vốn sống lạc quan, người Do Thái có thể cười về bất kỳ chuyện gì, kể cả cuộc diệt chủng. Ronan đã từng bảo với tôi: “Cuộc nói chuyện nào cũng kết thúc bởi hoặc là cuộc diệt chủng, hoặc là người Đức, hoặc là Hitler”. Tuy nhiên, họ có ranh giới. Không ái được nói đùa về cuộc diệt chủng, trừ người Do Thái.
Israel rất đắt.
Đừng thấy Israel ở châu Á mà cho rằng nó rẻ. Tiêu chuẩn sống và giá cả ở đây cao tương đương châu u, trong khi lương lại thấp hơn nhiều. Một con cá chỉ bằng bàn tay giá cũng phải 51NIS (khoảng $15, lúc bấy giờ 1USD khoảng 3,5NIS), một gói bim bim cũng phải 3-4USD. Không thể tin được, chỉ cần đi qua biên giới ra khỏi Ai Cập một cái là giá cả cái gì cũng tăng lên gấp mười.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...