Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

67. Đi nhờ xe lên Aswan
Abdel làm nghề lái taxi du lịch. Anh vừa chở khách từ Aswan lên Luxor, nên xe về Aswan còn trống. Anh là một anh chàng Nubia đặc sệt từ đầu đến chân: to cao, da đen ánh nâu đỏ, môi dầy. Anh có điệu cười vang vô âu vô lo, như thể tiếng cười là thứ duy nhất anh cần để phân biệt anh với tất cả những người xung quanh vậy. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe ai cười như thế trong đời sống thực.
“Cô bé dũng cảm. Anh nghe bạn anh kể thì em học tiếng nhanh lắm. Bây giờ anh sẽ dạy em tiếng Nubian”.
“Ặc, em còn đang học tiếng Ả rập, giờ học tiếng khác vào nữa sẽ bị lẫn ngay anh ạ”.
“Ha ha ha ha, không được. Em không thể học tiếng Ả rập mà lạ không chịu học tiếng Nubian được. Anh giận đấy”.
Lòng tự tôn Nubian thật là đáng sợ.
Đường từ Luxor xuống Aswan toàn là sa mạc. Nhưng sa mạc ở đây khác sa mạc ở Siwa. Cát ở đây nhiều cung bậc màu sắc hơn ở Siwa. Chỗ thì cát xếp thành từng dải cong cong như giường trải lụa bị ai đó làm rối. Chỗ thì xếp cát cao thành đụn, lẫn vào với đá, màu hơi đen như mai rùa. Chỗ thì vệt cát trải dài với những vết cắt tua tủa như đuôi rồng. Tôi vừa nhìn cát vừa tưởng tượng ra đủ hình thù như thể đang ngắm mây vậy. Anh chàng Nubian cười vang mỗi khi tôi chỉ cho anh một hình nào đó quái dị. Càng đi xuống phía Nam trời càng nắng. Càng đi xuống phía Nam đường càng vắng. Hai bên đường tuyệt nhiên không có làng mạc gì. Bỗng nhiên, từ giữa sa mạc, một cột khói bay lên cao ngút. Những đốm trắng lấm tấm như cả đàn cò trắng trên nền cát nâu nóng bỏng. Tôi dụi mắt cứ ngỡ mình bị ảo giác.

“Để lại đấy xem là cái gì”.
Abdel bẻ tay lái đi về hướng cột khói đấy cho tôi xem. Đàn có trắng hóa ra là cả trăm tấm lều được dựng lên giữa sa mạc hoang vu. Hàng ngàn người đầu quấn khăn, thân khoác áo chùng trắng chẳng biết từ đâu đến đang đi, đứng, ngồi, nằm ung dung trên cát. Những người bán hàng rong cũng xuất hiện với chủ yếu là bánh mía. Tuyệt nhiên chẳng thấy ai bán nước. Tiếng nói chuyện ồn ào huyên náo. Cột khói hóa ra là cát bay mù mịt. Tôi đang đứng ăn bánh mía thì bất chợt mấy người xung quanh tôi chạy tán loạn. Ai đó kéo áo tôi chạy dạt sang một bên. Quay lại nơi tôi vừa đứng, một chú ngựa đang phi nước kiệu tới, cưỡi trên lưng là một kỵ sĩ mới khoảng trên dưới chục tuổi. Vài chú ngựa khác theo sát phía sau. Tiếng người reo hò vang dội, vọng vào trong nắng, lắng đọng trong cát, chìm hẳn vào trong không gian mênh mông bất tận. Hóa ra nơi đây đang diễn ra cuộc thi đua ngựa. Phần thi vừa rồi là phần thi dành cho trẻ em. Tôi tiếc hùi hụi mình không có máy quay để ghi lại quang cảnh có một không hai này.
Tôi thích Aswan ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ở Aswan có cái gì đó chân chất, thật thà chứ không con buôn thành thị như kiểu Luxor. Xe dừng lại ở nhà một người bà con của Abdel. Mọi người nhìn tôi tò mò. Mấy người còn đến sờ chân sờ tay tôi cứ như thể để kiểm tra xem tôi có được làm từ xương từ thịt không vậy, rồi tỏ ra hết sức thích thú khi phát hiện ra là có. Mọi người cười ré lên khi tôi bập bẹ vài từ tiếng Nubian vừa học trên xe. Tôi ở với em gái của Abdel trong ngôi nhà đất của gia đình anh, trong ngôi làng ven sông đúng như những gì tôi thấy trên tranh. Tôi yêu Aswan không phải vì đây có những địa điểm tham quan đẹp, cũng không phải vì ở đây có những món ăn ngon. Tôi yêu Aswan đơn giản vì yêu cái tình làng nghĩa xóm ấm áp nơi đây, yêu cái phong cảnh bình yên đến lạ, yêu cái phóng khoáng ăn sóng nói gió của con người sông nước.
68. Lỡ xe bus
Ai cũng phạm phải sai lầm gì đó khi đi bụi. Có những sai lầm rất buồn cười, ví dụ như khi tôi ngủ quên khi đi nhờ xe, tỉnh dậy đã thấy mình quá điểm tôi muốn đến tới hơn hai trăm cây số, thế là tự nhiên phát hiện ra một thị trấn cực kỳ hay ho mà chưa bao giờ tôi nghe thấy. Có những sai lầm lại rất là ngớ ngẩn, ví dụ như sai lầm sau đây. Tôi kể ra để bạn nào đi như tôi thì biết mà tránh.
Kế hoạch tươi đẹp của tôi là tôi sẽ đi xe bus từ Cairo đến Sinai, dừng lại ở tu viện St.Catherine lúc sáu giờ tối, leo lên đỉnh núi Sinai nơi Mô-sê nhận mười điều răn từ Thiên Chúa, ngủ qua đêm trên đấy chờ mặt trời mọc, rồi sẽ xuống thăm tu viện vào buổi sáng. Tôi cẩn thận đặt vé xe bus từ trước. Sau khi mua vé xe và mua quà cho bà của Amr, tôi chỉ còn đúng 100LE. Tôi nghĩ số tiền này đủ cho tôi đi nhờ xe từ tu viện St.Catherine đến biên giới và ra khỏi Ai Cập trước khi visa của tôi hết hạn. Sang bên kia Israel, tôi có $20 để đi nhờ xe lên Tel Aviv, gặp Abramson - chủ của trang Walyou trước giờ tôi vẫn viết cho - để lĩnh lương và tôi sẽ giàu trở lại. Mọi thứ được tính toán từng li từng tí, chỉ duy nhất có một điều tôi quên: giao thông. Quá quen với giao thông ở Việt Nam và Nepal rồi, tôi bị hoang tưởng rằng ngày có vài lần tắc đường như Cairo là thiên đường.

Sáng hôm đấy thức dậy, tôi thong thả ăn sáng, tắm rửa, đọc sách, thậm chí còn có thời gian lên Facebook. Bến xe bus chỉ cách chỗ tôi ở mười phút đi taxi, nên tôi lao ra khỏi nhà mười lăm phút trước giờ xe (định) chạy. Xe ở Ai Cập không bao giờ chạy đúng giờ cả. Lần trước tôi đi, tôi phải đợi ở bến xe hai tiếng.
Tôi không ngờ được rằng phải mất một tiếng, taxi mới đi hết quãng đường 5,5 kilomet.
Và chuyến xe bus của tôi, ngạc nhiên thay, đã đi mất rồi.
Phải mất một lúc lâu tôi mới nhận ra mình thảm hại đến mức nào. Tôi vẫn không thể nào tin được rằng mình lại bị trễ xe bus, mà lại là xe bus ở Ai Cập. Một ngày chỉ có một xe đi St.Catherine. Bởi vì visa của tôi sắp hết hạn, tôi không thể chờ đến ngày mai được.
Kế hoạch ban đầu của tôi là thuê một xe taxi đuổi theo xe bus, nhưng nhanh chóng nhận ra đua xe là một điều không tưởng với tình trạng tắc đường thế này.
Kế hoạch thứ hai của tôi là đi nhờ xe lên Sinai. Trước hết, tôi cần phải ra đến đường cao tốc. Một taxi dừng lại trước mặt tôi ở bến xe bus. Tôi bảo: “No money, no taxi” và người lái xe nói: “No money, no problem”. Tôi ngây người ra vì ngạc nhiên.
“Bác đang đi đâu ạ?” Tôi hỏi bằng tiếng Ả rập bồi.

“Cháu muốn đi đâu?”.
“Sinai”.
“OK”.
Tôi lặp đi lặp lại: “Sinai. Siinaiiiii. Xa lắm”. Tôi bối rối không hiểu bác có đi Sinai thật không. Trời thì nóng, tôi thì mệt. Ba lô to đùng sau lưng, ba lô nhỏ nhỏ trước ngực. Mồ hôi ướt đẫm người. Não của tôi tan chảy. Tôi bước lên xe, gọi điện cho Amr nhờ Amr giải thích cho ông là tôi cần ra đến đường cao tốc. Ông gật đầu. Tôi thở dài nhìn ra ngoài khi bất chợt tôi thấy bàn tay ông sờ soạng đùi tôi.
“Bác làm gì thế?”.
“Friend”. Ông ta chỉ vào tôi rồi chỉ vào mình. “You. My friend”.
“Shit”. Tôi đập tay lên cửa kính.

“No friend?”. Ông nhìn tôi với con mắt ti hí. Quá ghê tởm, tôi yêu cầu ông dừng xe cho tôi xuống ngay tức khắc. Chưa được mười phút tôi đã bị sàm sỡ thế này. Không hiểu nếu tôi đi nhờ xe đến Sinai thì sẽ còn bệnh hoạn thế nào. Tôi đến một chiếc xe minibus, đưa cái vé đi Sinai hoàn toàn vô dụng của mình ra giải thích rằng tôi cần tìm xe bus chợ đi Sinai. Anh chàng soát vé bảo tôi đi lên, rồi thả tôi lại bến xe ngay cạnh nhà Amr. Hóa ra xe bus ban đầu đi từ cái bến mà tôi vừa bị lỡ, đến cái bến này rồi mới đến Sinai. Nếu biết trước đi thẳng ra đây có phải tôi đỡ bị lỡ xe không.
Tôi đành ngậm ngùi bỏ qua núi Sinai bởi không có cách nào tôi có thể đến đấy rồi đi Israel trước khi visa của tôi hết hạn cả. Tôi mua vé đi thẳng đến Taba tối hôm đấy với 80LE, rồi phóng tay đi taxi về nhà Amr vì quá mệt để đi xe bus. Bà của Amr nghe tôi kể thì cứ xuýt xoa tội nghiệp con bé. Buổi tối hôm đấy, không biết vì thương tôi hay vì sợ tôi lại quay lạimà bà bình thường không bao giờ ra ngoài, phá lệ ra tận bến xeđể đưa tôi đi, với cô của Amr cầm lái. Bà và cô dẫn tôi đi một vòng cuối cùng quanh thành phố, rồi còn mua đồ ăn cho tôi mang lên xe. Ra gần đến bến xe rồi, bất chợt cô bảo:
“Chip này, hay con đừng đi nữa, ở lại đây luôn với gia đình nhà cô đi. Nhà cô có mấy cửa hàng quần áo còn thiếu người quản lý, con ở lại quản lý một cửa hàng cho cô. Vợ chồng cô cũng già rồi không đi xa được nữa, con ở lại lo luôn việc nhập khẩu hàng từ Trung Quốc cho mấy cửa hàng này”.
Cô của Amr rất quý tôi vì tôi học tiếng Ả rập nhanh. Tôi lại hay ở nhà chăm sóc bà vì Amr đi học cả ngày.
“Dạ, con phải đi cô ạ”. Tôi phân vân lắm. Ở lại Ai Cập học tiếng Ả rập mấy năm cũng hay. Giờ tôi đi là bao nhiêu vốn liếng học cả tháng nay thế nào cũng bay sạch cho xem.
“Ừ, cô biết. Nhưng nếu khi nào con mệt muốn dừng lại, thì hãy luôn nhớ rằng con có một gia đình ở Cairo nhé”.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui