Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

Phần III: Trung Đông
Ai Cập, Israel, Palestine
61. Salam Ai Cập
Mối duyên nợ của tôi với Ai Cập diễn ra không được tốt đẹp cho lắm. Thứ nhất, một trong những lý do tôi bỏ qua Pakistan, Iran để đến thẳng Ai Cập là vì tôi đã quá mệt mỏi với chuyện chạy vạy visa và nghĩ rằng Ai Cập sẽ cho tôi visa tại cửa khẩu. Tôi phát hiện ra điều đó hoàn toàn là hoang tưởng chỉ mười ngày trước ngày bay. Rồi tôi cũng phát hiện ra rằng thủ tục xin visa Ai Cập cho người Việt Nam ở Nepal là vô cùng phức tạp. Thế rồi sau hàng trăm cuộc điện thoại, thư mời từ Ấn Độ,thư bảo lãnh từ Việt Nam, hai cuộc phỏng vấn, ba lần lặn lội lên đại sứ quán (cách chỗ tôi ở hai tiếng đi xe bus cộng xe bộ), hàng giờ ngồi chờ ở đấy, lại còn bị sàm sỡ bởi nhân viên sứ quán, cuối cùng tôi cũng lấy được visa một lần vào, trong khi tôi nộp đơn xin nhiều lần vào, đúng một ngày trước chuyến bay.
Mừng khôn kể xiết, mọi người tưng bừng tổ chức tiệc chia tay cho tôi. Ấy vậy mà khi tiệc tàn, nước mắt đã cạn, tôi vào trang FlyDubai lần cuối trước khi ra sân bay thì phát hiện ra rằng chuyến bay của mình đã bị hoãn sang ngày hôm sau mà không ai thèm thông báo với tôi. Khi Asher gọi điện đến văn phòng đại diện của FlyDubai ở Nepal, họ còn khăng khăng rằng tôi có vấn đề về thần kinh đặt vé ngày mai mà cứ tưởng ngày hôm nay. Tôi quay trở lại khách sạn để ở thêm một ngày nữa thì phát hiện ra rằng tất cả các phòng đã kín. Chắc thấy tôi tội nghiệp quá, HR thu xếp cho tôi một cái nệm ở trong phòng chứa đồ và cho một đêm miễn phí.

Ngày hôm sau, tôi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh thì phát hiện ra rằng visa Nepal của tôi đã hết từ hôm trước, bởi tôi đặt vé căn đúng ngày visa mình hết hạn. Sau cả nửa tiếng đồng hồ giải thích cho bác ấy rằng đây là lỗi của hãng hàng không chứ không phải lỗi của cháu, bác cuối cùng cũng cho tôi qua mà không phải nộp phạt. Điểm sáng duy nhất trong chuyến đi lần này là thuế xuất cảnh đã được bao gồm cả trong vé máy bay nên tôi dùng hết số tiền rupees còn thừa mua một gói kẹo to đùng. Tôi không ăn kẹo, nhưng tôi thích có kẹo trong người dành khi nào gặp trẻ con.
Chuyến bay tôi dừng ở Dubai. Tôi biết mình đã bay xa ra khỏi khu an toàn của mình khi tôi nhận ra ở đây có rất nhiều người mà nhìn kỹ đến đâu tôi cũng không thể đoán ra đến từ nước nào, nghe kỹ đến đâu tôi cũng không thể đoán được ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ gì. Mấy đứa trẻ da đen nhìn thấy tôi thì cười ngặt nghẽo không thể dừng được, như thể tôi nhìn buồn cười lắm vậy. Tôi có lẽ người Việt Nam đầu tiên mà chúng từng nhìn thấy. Tôi mỉm cười đưa cho mỗi bé mấy cái kẹo. Mấy đứa bóc ra ăn rồi ném vỏ ngay xuống mặt đất. Tôi nhặt lên cho vào thùng rác. Ban đầu tụi nó không nhận ra, nhưng sau khi tôi làm thế vài lần, chúng dường như hiểu và không xả rác nữa.
Tôi hạ cánh xuống sân bay Alexandria đúng nửa đêm, trễ hơn giờ dự tính cả tiếng đồng hồ. Sân bay cách thành phố cả bảy mươi kilomet nên tôi dự tính ra sớm để tìm ai chia tiền taxi. Nhưng vì lý do gì đó, cán bộ Hải quan lại cho rằng hộ chiếu của tôi là giả. Hộ chiếu Việt Nam khổ thế đấy, ít người được cấp visa quá nên đến khi mình được cấp visa rồi lại bị nghi ngờ. Thế là tôi bị giữ lại để họ làm đủ thủ tục kiểm tra và tôi chỉ được thả ra khi tất cả mọi người đã đi hết. Tôi là người cuối cùng ở sân bay, thậm chí cả quầy đổi tiền cũng đóng cửa rồi. Bác lái taxi tận dụng cơ hội đòi $25, trong khi giá thực tế tôi đã hỏi trước trên mạng chỉ khoảng $10. Cũng may bác tốt bụng còn tôi thì khéo nói nên cuối cùng bác cũng đồng ý cho tôi trả $15.
Tôi đến thành phố khoảng ba giờ sáng. Lúc đấy khoảng bảy giờ sáng ở Nepal. Người tôi thì mệt lử nhưng tâm trí tôi thì nhất định không chịu nghỉ. Đây là Ai Cập. Đây là Châu Phi. Đây là Địa Trung Hải. Đây là kim tự tháp. Để đến được đây không đơn giản tí nào, nhưng tôi đã làm được. Tôi nằm thao thức chờ trời sáng để ra ngoài xem mặt mũi đất nước mà tôi đã mong ngóng bao nhiêu năm nay như thế nào.

62. Những người đi bộ ở Alexandria
Nhờ vào công dụng tẩy não của truyền thông, Ai Cập khác xa những gì tôi vẫn luôn tưởng tượng. Trong tâm trí của tôi, Ai Cập là một đất nước Hồi giáo với sa mạc, lạc đà và kim tự tháp. Chưa bao giờ tôi được nghe nói về một Ai Cập với những bãi biển tuyệt đẹp, những đường cao tốc trải nhựa láng boong, những chiếc xe mới coóng và những cửa hàng đồ ăn nhanh nhộn nhịp. Tôi đã sốc khi lần đầu tiên đến Alexandria. Thành phố này khiến tôi liên tưởng đến Kuala Lumpur. Chỉ khác là Kuala Lumpur lớn hơn với nhiều tòa nhà chọc trời hơn và không có biển.
Hồi hộp quá không ngủ được, sáng hôm sau tôi dậy rõ sớm khi chủ nhà Emmanuel vẫn còn đang ngủ. Tôi nhón chân ra ngoài đi dạo mà không hề có tí khái niệm nào về phương hướng. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi ở bất cứ quốc gia nào là: Tìm ATM của HSBC để rút tiền và mua một SIM điện thoại. Tôi đi bộ ngược ra trung tâm Green Plaza gần nhà nơi mà mấy bác bảo vệ đang đứng ăn sáng. Thấy tôi, các bác ấy chỉ vào eish (một loại bánh mỳ nhìn giống ro-ti của Ấn Độ) và ful (đỗ đen xay nhuyễn ra nấu lên như súp), mời tôi ăn. Thật lòng mà nói, tôi thấy ful nhìn đen đen, lõng bõng cũng hơi ghê ghê, nhưng lại tò mò cái gì cũng muốn thử, tôi bẻ một ít eish nhúng vào ful ăn cho biết. Các bác không ai nói được tiếng Anh, tôi hỏi HSBC thì chỉ nhận được những câu trả lời dài ngoằng ngoẵng bằng tiếng Ả Rập. Một bác đi qua thấy tôi vật lộn với đủ loại cử chỉ kỳ quái liền dừng lại chỉ đường cho tôi. Bác bảo HSBC nằm trên đường ra bãi biển, cách đây khá xa. Không có tiền Ai Cập trong túi, tôi quyết định ra đường chính đi nhờ xe. Ra đến nơi rồi, tôi mới nhận ra thử thách Alexandria của mình mới chỉ bắt đầu.
Nếu chỉ có một điều duy nhất tôi nhớ về Alexandria, thì đó chính là sang đường. Nếu bạn nghĩ dân Việt Nam coi thường mạng sống ở ngoài đường, sang đây bạn sẽ thấy người dân Alexandria còn liều lĩnh hơn gấp bội. Alexandria nhiều đường cao tốc mà lại ít cầu vắt ngang. Ô tô toàn phóng trên dưới 100km/h mà người dân cứ ngang nhiên cắt mũi xe mà sang. Tôi đứng xem có chục phút mà phải bị ít nhất dăm pha thót tim. Không thể tin được là một đứa sinh ra và lớn lên ở Việt Nam như tôi lại có lúc phải tần ngần đi lên đi xuống cả cây số mà vẫn chưa tìm được chỗ thỏa đáng nào sang đường, phải núp sau một bác đang dắt em bé đi ké. Đi đến nửa đường, bác ấy bỗng chốc bế xốc em bé lên chạy vì một cái xe đang lao đến với vận tốc chóng mặt.

Tôi bắt được xe đi nhờ với một nhóm thanh niên Ai Cập không nói nửa chữ tiếng Anh. Họ chẳng hiểu tôi muốn đi đến đâu, không hiểu ngay cả khi tôi đánh vần HSBC nên thả tôi lại ngã tư. Lang thang một hồi cuối cùng tôi cũng tìm được cái máy ATM, rồi đi thẳng đến cửa hàng dịch vụ của Vodafone. Người Ai Cập thật là thảo, đi đâu gặp ai đang ăn người ta cũng mời mình. Bác bán hàng ở đây mời tôi ăn falafel cùng bác. Tôi mời bác ăn kẹo. Một tiệm bánh trên đường ra bãi biển thấy mặt tôi dễ thương cho tôi thử mỗi loại bánh quy một cái mengher flus (miễn phí). Bắt đầu thích đồ ăn Ai Cập rồi, thấy người ta bán đồ ăn gì tôi cũng mua một ít. Ở đây có những hạt đậu to như đốt ngón tay gọi là hummus, người ta luộc rồi bóc vỏ ra ăn; có nước mía nấu khô lên, ép cứng lại bán thành từng cục hình nón như kem cốc, có nước me bỏ ít muối, có kabab hay còn gọi là kofta: Đây là thịt lam xay nhuyễn, trộn gia vị, nướng lên thành từng viên – một món mà mức độ phổ biến đã vượt ra ngoài cả thế giới Ả Rập. Ở đây còn một thứ cực kỳ quái gọi là Hummus esham. Đây không hẳn là đồ uống cũng không hẳn là canh. Nó là hummus luộc với nước, muối, tiêu và đủ các loại gia vị masala khác, bán theo từng cốc với thìa và ống hút. Món tôi thích nhất là kebda (gan nướng) – đặc sản của Alexandria. Một tình cờ khá thú vị là hôm đấy lang thang thế nào, tôi vào được một quán kebda rất ngon. Ban đầu tôi chỉ gọi thử một cái bánh mỳ kebda, ăn xong ngon quá lại gọi thêm luôn hai cái nữa. Mấy hôm sau một CouchSurfer biết tôi thích ăn kebda liền bảo sẽ dẫn tôi đi ăn ở quán kebda ngon nhất Ai Cập, rồi lại cũng dẫn tôi đến chính cái quán này. Mấy bác bán hàng cứ nhìn tôi cười tủm tỉm, kể với bạn tôi rằng họ nhận ra tôi: Cô bé Trung Quốc đến đây ăn một phát ba cái bánh mỳ.
Tôi đến được bãi biển mà chẳng thấy có điểm du lịch nào thú vị. Mấy người tôi gặp trên đường cũng chẳng ai nói được tiếng Anh. Đúng lúc đấy, một chiếc xe dừng lại và anh chàng lái xe vẫy tay về phía tôi. Nghĩ rằng đó là CouchSurfer mà tôi liên hệ từ trước, tôi bước đến hỏi: “Em có biết anh không nhỉ?”.
“Chưa biết. Anh cũng không biết tại sao, nhưng nhìn em rất dễ thương”.
Haizz. Bình thường chắc tôi đã bỏ đi luôn rồi đấy, nhưng lần này không hiểu sao tôi lại nấn ná lại. Có lẽ một phần vì anh nói được tiếng Anh, một phần vì anh nhìn cũng có vẻ tử tế, một phần vì Nepal và Ấn Độ đã làm cho tôi trở nên miễn dịch với các thể loại thô bỉ. Tôi hỏi anh đường vào trung tâm thành phố, anh đề nghị cho tôi đi nhờ. Hussein hóa ra một anh chàng rất tốt bụng. Anh chỉ cho tôi Bibliotheca Alexandria – một thư viện khổng lồ và hết sức hiện đại được xây dựng trên nền của thư viện Alexandria nổi tiếng ngày xưa, những nhà thờ tuyệt đẹp, nhà hát thành phố, một con phố mà anh tự nhận rằng đây là đường phố cổ nhất thế giới. Anh bảo, Alexandria được xây dựng theo mô hình một thành phố cổ ở Hy Lạp, thảo nào kiến trúc ở đây mang đậm phong cách châu u. Hôm đấy là thứ sáu nên anh phải tham gia lễ cầu nguyện buổi trưa. Các cửa hàng cũng dáo dác đóng cửa để tham gia buổi cầu nguyện này. Hàng trăm người trải chiếu ra ngay giữa đường phố để cầu nguyện, hàng ngàn người khác đi vào các mosque (đền thờ Hồi giáo).
Sau một thời gian dài ở một đất nước lạnh lẽo trên đỉnh núi, đi bộ dọc theo một bãi biển tuyệt đẹp dưới ánh nắng vàng rực rỡ và gió biển mơn man đùa nghịch trên tóc thế này là một sự xa hoa thực sự. Tôi cứ đi mải đi miết mà không thấy mệt. Người dân ở đây thân thiện đến bất ngờ. Tôi nói “As-Salaama Alaykum”(*) với tất cả những người tôi nhìn thấy, tất cả mọi người mỉm cười chào lại với một tràng dài tiếng Ả Rập. Tôi đứng câu cá với mấy đứa trẻ ở đấy, rồi ngồi xuống với một cặp vợ chồng có cô con gái tóc vàng óng, mắt xanh miên man đang có một buổi picnic trên bãi biển. Trước khi tôi kịp nhận ra, tôi đã thấy mình ở Citadel of Qaitbay – pháo đài cổ nguy nga ở tận cùng của thành phố. Tôi phải quay ngược trở lại.

(*) Câu chào của người Hồi giáo, có nghĩa là: Chúc bạn bình an
Tôi bắt đầu thấy mệt. Bây giờ tôi mới nhận ra mình đã đi bộ xa đến mức nào. Tôi chọn đường đi trong thành phố thay vì đường bờ biển. Alexandria là một thành phố lớn và sôi động. Tôi thấy khoảng nửa tá các khu chợ đông đúc và nhộn nhịp, vài cuộc biểu tình nho nhỏ và một vụ đánh nhau giữa hai người lái xe vì va chạm gì đó. Đi được nửa đường thì mệt quá, tôi quyết định chi 1LE (khoảng 3.000 VND) để đi xe bus về nhà.
Tôi gặp hai CouchSurfer cũng đang ở cùng host của tôi lần đầu tiên. Đêm qua khi tôi đến, họ đã đi ngủ và sáng nay khi tôi thức dậy, họ vẫn còn đang ngủ. Đây là một cặp người Pháp phải nói là cực kỳ đi điên khùng: Họ đi bộ từ Nam Phi đến Ai Cập, đi hết quãng đường mười bốn ngàn kilomet trong hai năm với ngân sách chỉ 2 Euro/ngày. Họ đi bộ qua cả Sudan, và điều hay ho nhất là họ lấy được visa Sudan chỉ với $20, trong khi giá bình thường là $151. “Xin visa cũng như mua hàng vậy, em phải mặc cả”, họ bảo. Tôi cũng muốn sang Sudan lắm, nhưng với visa Israel trong hộ chiếu thế này thì cứ mơ đi.
Buổi tối, tôi đi gặp Tarek và vài người bạn khác của anh ở một quán café cực kỳ đẹp với cả một thác nước ở bên trong. Bạn anh là một chàng trai vui tính hiện đang trong quân ngũ. Tất cả thanh niên Ai Cập đều phải đăng ký dự tuyển quân đội, anh chàng này không may nên bị chọn. Cũng may, nhờ có bằng đại học, anh chỉ phải phục vụ một năm. Những ai không học đại học sẽ phải phục vụ ba năm. Đây là một nhóm bạn rất hay ho nhưng tôi mệt quá chẳng buồn nói. Hai đêm không ngủ và hơn ba chục kilomet đi bộ đã vắt kiệt năng lượng trong tôi. Tôi về nhà ngủ như chết. Chúc ngủ ngon, Alexandria. Tôi nghĩ tôi yêu thành phố này mất rồi.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui