Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

59. Holi màu sắc
Chúng tôi về Kathmandu chỉ một đêm trước Holi. Trước khi đi, chúng tôi đã nghĩ dù sống dù chết cũng phải lê xác về Kathmandu cho lễ hội này. Holi được chúng tôi mong đợi còn hơn cả lễ hội Maha Shivaratri. Đây là lễ hội sắc màu, ngày mà tất cả mọi người đều ra đường, bôi màu lên người mình và lên người của bất kỳ ai mình gặp. Không chỉ màu, mọi người còn được nghịch nước. Đại loại, Holi giống lễ hội té nước ở Thái Lan và Lào, nhưng nhiều màu sắc và nhiều trò nghịch hơn.
Lúc bấy giờ, tôi đang ở khách sạn Visit Nepal. Trong thời gian tôi du hí với nhóm Burning Snails, Asher đã bị đuổi ra khỏi nhà vì tiệc tùng nhiều quá. Hôm đấy tôi có hẹn ăn sáng với Asher. Sáng ra còn đang ngái ngủ, tôi chưa kịp nhớ ra hôm nay là ngày gì thì “Bụp”, một bịch nước lạnh từ đâu bay thẳng vào mặt. Mọi người xung quanh cười ré lên. Thủ phạm là một anh chàng tầm tuổi tôi, tay cầm cả chục bịch nước. Tôi cười hiền lành: “Vui thế, cho em một bịch để em chơi với”. Anh chàng cả tin cũng cho tôi một bịch. Tôi ném thẳng vào người cậu ta, cười như nắc nẻ rồi chạy thật nhanh trước khi cậu trả thù. Đi có trăm mét mà tôi bị tấn công mấy lần. Đến được quán ăn thì tôi đã ướt như chuột lột từ đầu đến chân. Anh chàng phục vụ nhìn tôi cười toe toét: “Happy Holi”.
Asher đến cùng bạn gái của mình là một cô bạn Nepal dáng người cao ráo, khuôn mặt trái xoan, tóc dài, răng khểnh, cười rất có duyên. Asher là một người rất đào hoa. Anh tuy không “nghiêng nước nghiêng thành” gì nhưng mấy bạn anh quen cô nào cũng xinh. Chúng tôi ngồi ở cái bàn yêu thích của mình. Bàn ở tầng hai, cạnh cửa sổ, nhìn thẳng xuống ngã tư nơi mà mọi chuyện kỳ quặc của Thamel phơi bày ra trước mặt. Mọi khi Thamel tràn ngập các cửa hàng lưu niệm, cửa hàng quần áo. Hôm nay các cửa hàng đóng cử để bảo toàn tài sản. Đường phố vắng hơn hẳn ngày thường. Những kẻ lang thang đường phố sáng sớm thế này cũng phải là kẻ cực kỳ máu chiến. Mấy nhóm Tây cao to mặc quần sóc Hawaii, đội tóc xù đầy màu sắc, tay cầm súng bắn nước, gặp ai cũng bắn. Mấy anh chàng thanh niên bản địa thì vẽ sơn kín mặt kín người người cầm bịch màu, kẻ cầm bịch nước, đi đến đâu là ầm ĩ đến đó. Mấy bạn gái thì bẽn lẽn hơn, chỉ bám vào tay nhau cười khúc khích. Một vài người sợ ướt, trời tạnh ráo mà trùm áo mưa từ đầu đến chân.
“Chiến đấu thì phải có vũ khí và đồng đội”.

“Sang nhà Anders đi. Đội Burning Snails ở đó sẵn rồi”.
Nhà Anders ở tầng ba một khu chung cư cạnh một trong những con đường chính. Sáng hôm đấy, chúng tôi tụ tập ở ban công nhà anh, lôi hết xô, chậu, ca, cốc trong nhà ra làm vũ khí. Ý tưởng là để tấn công người ngoài, nhưng thấy nước là cả bọn hứng lên té vào nhau tung tóe. Đứng trên ban công, cứ thấy ai đi qua là “Afoooo”, chúng tôi đổ cả chậu nước xuống. Ai hiền lành thì chỉ… né, ai sung lên thì ném trả bẳng bịch nước. Đường phố mỗi lúc một đông, người qua lại mỗi lúc một nhộn nhịp, tiếng la hét, cười đùa mỗi lúc một to. Mặt đường mỗi lúc này đã nhuộm đủ màu xanh đỏ tím vàng. Mặt ai cũng be bét màu sắc. Quần áo rỏ tong tong.
“Bây giờ mới là lúc ra trận thực sự”. Sushil bảo.
Anh dẫn chúng tôi đến quảng trường Durbar, nơi mà hàng chục ngàn người đang tụ tập. Một xe tải lớn với sân khấu lưu động đang mở nhạc to hết cỡ. Biển người reo hò, nhảy múa. Mặt ai cũng chi chít sơn. Xung quanh tôi nào là Joker, nào là người nhện, nào là đầu lâu, nào là ác quỷ. Ai cũng nhìn nhau cười rạng rỡ như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi. Sáng giờ tôi tránh sơn nên mặt còn sạch bong, một anh chàng chạy lại quệt cho tôi một phát. Mọi người xung quanh cũng lao vào quệt sơn lên mặt tôi túi bụi, sơn cả vào tóc, cả miệng. Chưa bao giờ tôi ăn nhiều sơn đến thế. Thấy tôi hò hét hăng quá, mấy người xung quanh cũng hăng lên kiệu tôi lên vai chạy toán loạn. Lúc bấy giờ, trên sân khấu có một anh chàng ca sĩ đang hát. Không cam lòng để mặt anh sạch sẽ như vậy, tôi nhảy lên sân khấu quệt cho anh mấy vệt. Khán giả ở dưới reo hò cổ vũ tôi còn to hơn cả cổ vũ anh ta hát.
Nhưng càng về sau, mọi chuyện càng trở nên hỗn loạn. Một đám thanh niên lúc bôi sơn lên mặt tôi tranh thủ sờ soạng, liền bị Burning Snails của tôi dần cho một trận. Tôi nhận ra rằng đây là cơ hội lý tưởng cho đám thanh niên sàm sỡ chị em phụ nữ. Thỉnh thoảng lại có những kẻ xấu bụng, ném bịch nước mạnh đến bỏng rát. Cũng có không ít kẻ nghịch dại cho nước bẩn vào túi. Đến đầu giờ chiều, khi mọi chuyện đã quá tầm kiểm soát chúng tôi bỏ chạy về nhà.

60. Tạm biệt Nepal
Holi kết thúc cũng là lúc chúng tôi mỗi người một ngả. Emilies về lại Thổ Nhĩ Kỳ. Kralis sang Malaysia vì anh nhận được một vai diễn ở đấy. Etiene và Paxton cùng nhau đi xe mày vòng quanh Ấn Độ. Tôi thì sang Ai Cập. Tôi đã định sang Iran, nhưng sau khi kiểm tra lại thủ tục xin visa tôi nhận ra rằng tôi chỉ được phép chọn hoặc là Israel, hoặc là phần còn lại của Trung Đông. Hộ chiếu Việt Nam cần phải xin Visa từ trước khi đến Isarel. Nhưng một khi đã có visa này rồi, Iran và các quốc gia Hồi giáo khác sẽ không đời nào chịu cấp visa cho tôi. Vậy nên tôi quyết định sang Ai Cập rồi sang Israel. Đêm trước khi Etienne và Paxton bay, chúng tôi ngồi uống bia định chờ đến năm giờ sáng đưa hai người ra sân bay luôn. Nhưng đến bốn rưỡi thì tôi ngủ gật, định chui xuống phòng ngủ nửa tiếng thôi nhưng rồi ngủ quên đi mất. Paxton lẻn vào phòng tôi, lấy trộm cặp kính râm, rồi còn tốt bụng để lại tin nhắn: “Chip ơi, anh lấy kính của em đấy. Anh giữ làm tin, khi nào gặp lại anh sẽ trả”. Sau này anh gửi cho tôi tấm ảnh anh chụp đeo kính của tôi ở Basecamp Everest. Kính tôi kính con gái, mặt anh vuông vức nam tính, nhìn buồn cười không chịu được. Một năm sau, tôi nói chuyện lại với mọi người thì phát hiện ra năm người chúng tôi mỗi đứa một châu lục. Paxton đang du ngoạn ở Nam Mỹ. ATN thì ở Úc vừa du lịch vừa làm việc với cô bạn gái người Ý. Emilies ở đâu đó Châu u.Tôi ở Châu Phi. Kralis thì đã ở Đài Loan dạy học. Thực sự tôi không tin vào mắt mình khi đọc được thông tin này nữa. Anh chàng điên rồ ngày nào bây giờ cũng đã có một cái nghề, đã chịu thuê một ngôi nhà tử tế và rồi cũng có một cô bạn gái như ai.
Jehad cũng lên đường về lại Palestine. Jehad là một cậu bé tội nghiệp. Sinh ra trong khu vực chiến sự, gia đình cậu đã phải hy sinh rất nhiều để cậu có thể đi du học, nhưng rồi cậu lại bị đuổi học. Cậu rất sợ phải về nhà gặp bố, nhưng cậu không còn cách nào khác. Cậu là một cậu bé rất ngoan. Lúc chia tay, cậu còn phá lệ ôm tôi và dặn:
“Mày hứa đến thăm tao ở Palestine đấy nhé”.
Tôi cười cười, gật đầu: “Ừ”, mà lòng sắt lại. Palestine ở đâu? Người ta có cho tôi vào không? Liệu tôi có bao giờ gặp lại Jehad không?

Ander thì vẫn cố sống cố chết bám trụ ở đây với đống sách chống động đất và mục tiêu kiếm thật nhiều tiền rồi mua một hòn đảo nhỏ ở Philippines an dưỡng tuổi già. Chỉ có Asher là vẫn chưa chắc rằng mình sẽ làm gì tiếp theo ở Nepal.
“Asher này, sao tự nhiên mày đi đâu không đi lại sang Nepal?”.
“Cách đây ba năm, tao sang đây lần đầu thì vui lắm, nên mới quyết định quay lại đây ở hắn. Ai ngờ nó tẻ nhạt thế này đâu”. “You could not step twice into the same river”, tôi chợt nghĩ đến câu nói của Heraclitus.
“Tẻ nhạt sao mày còn ở đây làm gì?”.
“Tao đã đầu tư một đống tiền vào đây: nghiên cứu thị trường, học tiếng. Giờ tao bỏ đi thì đi đâu? Về Mỹ thì tao không thích. Đến nước khác thì tao cũng lại phải đầu tư từ đầu”.

“Israel thì sao? Mày có quốc tịch Israel nữa mà”.
“Hừm, Israel à?”. Anh chàng hơi sững lại, có vẻ như cậu ta chưa bao giờ thực sự nghĩ đến cái điều này. “Tao cũng muốn học tiếng Hebrew, vì dù sao đây cũng là tiếng mẹ đẻ của tao”.
“Ừ, tao cũng sắp sang Israel, mày sang luôn đi. Dân Do Thái mà không biết tiếng Hebrew thì hơi nhục”.
Thế là chúng tôi hẹn gặp lại nhau ở Israel.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui