Xách Ba Lô Lên Và Đi (Tập 1)

57. Tai nạn đầu tiên
Lần đầu tiên ngồi sau tay lái của Kralis, tôi đã nghĩ rằng đây là sai lầm lớn nhất của đời mình. Anh phóng xe nhanh hơn bất cứ xe nào gặp trên đường. Hai xe tải đang đi sát cạnh nhau anh cũng sẵn sàng lạng lách phóng vượt lên trên. Dừng xe anh không chịu dừng xe như người ta, mà mỗi khi chuẩn bị dừng, anh quay đầu xe, bóp phanh trước để bánh sau sượt một đường dài như mình hay xem trong phim hành động. Xuống xe, anh bảo tôi:
“Chip à, em có thể không lái xe giỏi, nhưng em là một hành khách giỏi đấy. Anh rất ghét bọn ngồi sau mà cứ luôn miệng bảo mình phải đi xe thế này thế kia như thể mình là người cầm lái vậy”.
“Trời, em sợ quá cứng lưỡi lại không nói được đấy”.
Emilies, ATN và Paxton mặt trắng bệch sau buổi tập đầu tiên. Paxton uống nước mà tay run run. Emilies thì đi khập khiễng vì bị xe đổ vào chân. ATN vừa vo thuốc vừa bình luận đâu đâu:
“Đường sá ở Nepal thật là dã man. Mọi khi đi bộ đã thấy ghê, giờ cầm lái còn thấy ghê hơn nữa”.
Tôi nhìn Karlis lo lắng:
“Nhìn mọi người thảm hại thế này liệu có đi được không hả Kralis?”.
“Tụi này đi trong sân thì tốt rồi, chỉ có ra đường thấy xe nhiều nên mọi người hơi choáng thôi”.
“Đi trong sân cũng đã ngã rồi”.
“Buổi đầu tiên ai mà chẳng thế”.
Tôi biết Kralis chỉ làm ra vẻ cứng rắn thế thôi chứ thực ra trong lòng anh cũng như lửa đốt. Mọi người cũng xin một đêm để suy nghĩ xem có dám liều mình đi chuyến này hay không. Tôi cũng phải xem lại xem mình có thể tin tưởng giao mạng sống mình vào tay tái lụa Kralis hay không.
“Anh có tin vào tay lái của mình không?”. Tôi hỏi.
“Có”.
“Vậy thì em cũng tin vào tay lái của anh. Em sẽ không bắt anh chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xảy ra, nhưng nếu hứng lên làm chuyện gì dại dột, em mong anh sẽ nghĩ đến chuyện còn một người khác ngồi sau xe anh. Một cô bé cực kỳ dễ thương mà lại chưa chồng. Em không muốn chết khi chưa lấy chồng đâu”.
Sáng hôm sau chúng tôi gặp nhau, tinh thần mọi người đã phấn chấn hơn hẳn.
“Đi chứ. Chẳng mấy khi có cơ hội đi như thế này”. Tất cả cười toe toét. “Tụi này quyết định sẽ kiếm mũ bảo hiểm thật xịn, bảo vệ từ răng đến tóc”.
Chúng tôi thuê bốn con xe Engine, ba cái lều, năm mũ bảo hiểm xịn, năm túi ngủ, năm kính râm chắn bụi, năm khăn quàng quanh miệng che bụi. Kralis tự bầu mình là trưởng nhóm, nên từ đó về sau anh được biết đến như là Dictator. Paxton vì rất ghét bị gọi là người Trung Quốc nên chúng tôi gọi anh là Chinaman. Emilies vì một lý do nhạy cảm bị gọi là Smallboob. ATN vì chất giọng đặc Pháp của mình nên bị gọi là Frenchie. Còn tôi vì khuôn mặt trẻ con và mỗi khi trúng tủ thì nói rất nhanh không ai hiểu được nên bị gọi là Lingling. Giống như tất cả mọi người trong nhóm, tôi cực kỳ ghét cái tên của mình. Đêm trước khi đi, chúng tôi đốt lửa trại trên mái nhà cho nó không khí. Kralis cao hứng lên liền lấy đà nhảy qua ngọn lửa cao gần mét rưỡi. Asher thấy bọn tôi rục rịch chuẩn bị thì thèm lắm, nhưng bạn gái nhất định không cho đi. Có bạn gái nó khổ thế đấy.
Ngày đầu tiên.
Roẹt… Rầmmmm

Paxton vừa ra khỏi ngõ đã đâm thẳng vào cột điện. Một nửa lòng bàn tay anh da trầy trụa, máu nhỏ từ ngón giữa tong tong. Anh lồm cồm bò dậy, mặt nhăn nhó, tay phủi bụi ở quần, quay vào bảo lũ chúng tôi đang dừng xe xung quanh.
“Không sao. Cho anh năm phút anh lấy lại tinh thần rồi đi tiếp”.
Asher chạy từ trong nhà mang theo một hộp gì đó. Đồ đạc của chúng tôi có bổ sung mới: bông băng và thuốc sát trùng.
“Em có linh cảm chẳng lành”. Tôi bảo Kralis.
“Nói linh tinh. Em bám chắc vào không bay đi bây giờ”. Kralis rú ga phóng đi. Càng ra khỏi Kathmandu đường càng xấu, càng tắc. Khói bụi mù mịt. Kralis hét lên:
“Lên đi. Trái, phải vượt hết. Phải máu lên. Đi chậm thì không biết bao giờ mới ra được khỏi đoạn này”.
Emilies tìm được một chỗ trống ở mép đường. Đá dăm trơn, đường dốc nên chân chị không chống được. “Xoẹt”, chị ngã sõng xoài, chị vẫn không chùn bước. ATN lúc lách giữa hai xe tải bị trượt bánh. Tôi với Kralis đi phía sau nhìn cảnh đấy mà hết hồn, nhưng may anh đứng dậy kịp trước khi bị xe tải phía sau cán qua. Ra khỏi cái đoạn nguy hiểm rồi, Kralis ra hiệu cho mọi người dừng lại bên đường để nghỉ.
“Mọi người thấy sao?”.
“Đường xá thật là kinh khủng”. ATN bảo.
“Nếu không bị ngã thì mình đã là đứa chạy nhanh nhất”. Emilie rất máu.
“Thấy mình cũng tài năng phết”. Paxton hỉ hả.
Người ta nói Kathmandu thật sự bắt đầu khi ra khỏi Thamel và Nepal. Bắt đầu từ đây, đường xá vắng hơn hẳn. Không khí trong lành. Đồi núi hai bên cũng trùng điệp nên thơ đến lạ. Đường đèo ngoắt ngoéo không làm run tay Kralis. Anh rồ ga, phóng hết tốc độ vượt qua tất cả những xe tải, ô tô, xe máy gặp trên đường đi. Gió quất vào mặt rát cháy. Bụi bay vào mắt đỏ nhừ. Thật lạ, đứng một chỗ thì lạnh, nhưng càng phóng nhanh da tôi càng trơ với cái lạnh. Paxton và Emilies thay phiên nhau theo sát phía sau. ATN đi cuối cùng nhưng cũng không thua kém về độ vượt rào.
“112”. Kralis hỉ hả khoe. Ý anh là tốc độ tối đa anh đạt được trên quãng đường vừa rồi.
“108”. Emilies báo cáo.
“109”. Paxton.
“105”. ATN.
Tôi nghe mọi người đọc số mà ghen tị. Tôi thèm được lái xe quá. Thèm được tự mình rồ ga,thèm được tự mình bắt lái, thèm được tự mình điều khiển chiếc xe của chính mình. Tôi ghét cái chân của mình quá.
Chiều tối, chúng tôi dừng chân ở một thị trấn mua gần chục lít nước, mấy gói mỳ tôm, mấy cái bánh mì, một hộp mứt quả để ăn tối và ăn sáng hôm sau. Khi hỏi mấy người ở đây về chỗ cắm trại, chúng tôi được chi lên một ngọn đồi cách đây hai chục cây số. Trời mỗi lúc một tối. Đường đèo khúc khuỷu quanh co. Trăng ban đầu lấp ló sau hàng cây, trăng lên cao bằng đỉnh núi, rồi trăng lại bị khuất vào trong đám mây. Chúng tôi leo mãi, leo mãi, cho đến khi Kralis phát hiện ra bãi cỏ phía sau một ngôi nhà năm gian. Cửa nhà đóng im thin thít, chúng tôi gọi mãi không thấy ai trả lời, nhìn xung quanh thấy không có vẻ như có hàng xóm quanh đây, chúng tôi yên trí chọn đây là nơi tá túc qua đêm. Chỗ này có bãi cỏ, có vòi nước ở ngoài, lại có đường đi vào bụi cây trong rừng để giải quyết nỗi buồn, thật là địa điểm cắm trại lý tưởng.
Chúng tôi dựng một chiếc xe ở ngoài, bật đèn lên để chờ Paxton đến rồi vào trong dọn chỗ cắm trại. Nhưng chúng tôi chờ năm phút, mười phút, rồi hai mươi phút vẫn không thấy Paxton đâu. Gọi điện cũng không thấy bắt máy.

“Hình như đèn của Paxton bị hỏng”. ATN cố gắng nhớ lại. “Lúc mình đi qua thấy anh chàng đứng lại sửa đèn nhưng rồi bảo mình cứ đi trước đi”.
“Bỏ mẹ”. Kralis la lên rồi nhảy lên xe. “Để anh quay lại xem sao”.
Chúng tôi ở lại chờ mà đứng ngồi không yên. Trong đầu ai cũng nghĩ đến đủ các trường hợp xấu nhưng không ai dám nói ra. ATN lại lẳng lặng lấy thuốc ra vo, rồi buông một câu lãng xẹt.
“Lạnh nhỉ”.
Chờ khoảng nửa tiếng, chúng tôi mừng húm khi thấy Kralis và Paxton quay lại.
“Đèn hỏng, phanh hỏng, phải mò mãi mới lên được đến đây.”
“Xe thuê nó khổ thế đấy. Nghỉ ở đây đêmnày đã, mai tìm chỗ sửa”.
“Ở đây có rắn không nhỉ?”.
“Không”.
“Sao biết”.
“Đoán vậy”.
ATN là dân đi bụi chuyên nghiệp. Anh có loại bếp ga nhỏ xíu với bình ga chỉ to bằng quả dừa. Chúng tôi cũng mang theo một cái xong, đổ vào ít nước lọc vừa mua để nấu mỳ. Phải tội năm người mà chỉ có một cái thìa và một cái dĩa, chúng tôi phải chuyề n tay nhau ăn. Cứ mỗi lần thấy tiếng xe đi qua là chúng tôi tắt vội đèn pin, sợ bị người ta tưởng nhầm là ăn trộm. Ăn xong không có việc gì làm, chúng tôi ngồi nói chuyện nhảm nhí. Paxton kể cho chúng tôi chuyện anh ở Trung Quốc.
“Ở Trung Quốc, nếu mình nhìn giống người Trung Quốc mà không nói tiếng Trung, người ta không bảo giờ nghĩ mình là người nước ngoài, mà họ chỉ cho rằng mình bị thiểu năng. Khi họ nói với mình mà mình không hiểu, họ không chuyển sang tiếng Anh đâu nhưng sẽ lặp lại y hệt nhưng thật chậm. Nếu như mình vẫn không hiểu nữa thì họ không cần mình hiểu luôn. Họ sẽ mặc định ngay rằng mình chỉ cần một trong hai thứ: ăn hoặc đi vệ sinh. Một lần anh đang vội ra sân bay, anh hỏi người ta sân bay ở đâu thì họ lại dẫn anh vào nhà vệ sinh. Anh cáu lên: “Tôi không cần nhà vệ sinh, tôi cần ra sân bay cơ”. Họ gật đầu ra vẻ hiểu, rồi lại dẫn anh vào nhà hàng”.
Trời mỗi lúc một lạnh. Gió mỗi lúc một to. Lều của ATN vừa dựng lên đã bị gió quật cho lật ngửa, gẫy luôn cả thanh chống. Không ai chịu ngủ cùng Kralis nên bốn chúng tôi phải ngủ chung một lều.
“Ai muốn vào đây ngủ phải đi rửa chân đấy nhé”. Paxton nhăn mũi khi ngửi mùi giày của chính mình. “Giày muốn bỏ vào trong lều thì phải được bọc túi nilon”.
Chúng tôi mỗi đứa chui vào một túi ngủ. Đất cứng, lều chật nhưng vì mệt nên tôi ngủ như chết. Sáng dậy tôi không thấy Paxton đâu. Ra ngoài tìm thì thấy anh đang gấp túi ngủ của mình ở ngoài hiên trường học.
“Đứa nào đêm ngủ xì hơi hôi quá”. Anh càu nhàu.
Chúng tôi ôm bụng cười tưởng chết.
Mặt trời lên chúng tôi mới nhận ra mình chọn vị trí cắm trại đẹp đến mức nào. Phía trước là bãi cỏ nằm chênh vênh ngay lưng chừng đồi, bên tay phải là những ruộng bậc thang trải dài như sóng vỗ, bên tay trái là cánh rừng với những hàng bạch dương rì rào trong gió.

“Thật không thể tin được có người lại đánh đổi cái này để lấy cuộc sống tù túng bụi bặm ở Kathmandu”. Kralis bảo.
58. Tai nạn thực sự
Chúng tôi nhìn thấy bản đồ mày mò đường đến Bandipur, thành phố cổ nổi tiếng ở miền Trung nước này. Đường phố lát gạch rộng thênh thang chỉ dành cho người đi bộ. Hai bên đường là những ngôi nhà hai tầng xinh xinh tường lát gạch, mái lợp gỗ, cửa sổ cong cong, ban công đầy hoa. Thành phố du lịch nên đầy những khách sạn lịch lãm. Chúng tôi chọn cho mình một quán café hết sức dễ thương ở phía sau một khách sạn cũng hết sức dễ thương.
Quán mở ra một ngôi vườn, mở xuống ruộng bậc thang, mở ra cảnh đồi núi trùng điệp. Sau mấy ngày lăn lộn trên đường, người đứa nào cũng phủ mấy centimet bụi. Chúng tôi tranh thủ vào nhà vệ sinh của khách sạn tắm cho sạch sẽ. Ngồi cao hứng, chúng tôi đặt tên cho nhóm là Burning Snails. Sên chạy nhanh đến mức tóe lửa.
Rồi chúng tôi lại lái xe đi. Đường cứ mở dần ra như thế một cuộn tranh phong cảnh đang lăn tròn trước mặt. Những gì mình biết lùi dần về sau còn những gì mình chưa biết mở dần ra trước mặt. Chúng tôi cứ lái xe mải miết không biết chán. Càng đi, càng nghiện.
Chúng tôi đến Pokhara khi trời tối. Pokhara là một trong những thành phố tôi rất rất muốn đến, bởi đây là thành phố tôi đọc trên mạng “được nhiều người đánh giá là nơi đẹp nhất trên thế giới” và được nhiều bạn bè tôi nhiệt tình giới thiệu. Pokhara có hồ rộng, cónúi cao, có thác nước hùng vĩ, có rừng xanh miên man. Những ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa trên nền trời xanhngắt, hay lẫn trong những đám mây đỏ ửng của hoàng hôn. Được bao phủ bởi nhiều đỉnh núi cao của dãy Himalaya, thành phố này trở thành cửa ngõ để leo Annapura. Bạn có thể leo từ một tuần cho đến cả tháng tùy bạn lựa chọn.
Đã từng đến đây, Kralis biết rõ nơi này như lòng bàn tay. Chúng tôi tìm đường lên đỉnh Sarangkot cắm trại trên đấy. Đường đất đỏ dốc, trơn, gập ghềnh. Tay lái lụa như Kralis mà cũng bị trượt bánh mấy lần. Emilie cứ đi một đoạn lại ngã, ai đó lại phải chạy đến đỡ xe chị lên rồi đi tiếp. Paxton và ATN cũng không khá khẩm gì hơn. Tôi nhảy xuống đi bộ cho lành. Trên đường đi, tôi gặp một bà cụ già ơi là già, già đến mức tôi không đoán được tuổi. Do vất vả, người dân Nepal già rất sớm nên cực kỳ khó đoán tuổi. Có những người nhìn như tá mươi ở mình nhưng thực ra mới chỉ khoảng năm mươi. Da cụ đã nhăn nheo hết cả, lưng còng của cụ càng còng hơn khi cụ phải cúi rạp mình xuống để gánh củi. Thương cụ, tôi đề nghị giúp cụ, nhưng vừa nhấc bó củi lên tôi đã suýt vẹo xương sống. Trời ạ, hai mươi tuổi bẻ gãy sừng trâu như tôi còn thấy nặng vậy mà cụ già thế này rồi vẫn phải ngày ngày vác củi từ dưới núi vác lên. Tôi thương cụ vô cùng.
Chỗ cắm trại của chúng tôi là một mảnh đất bằng phẳng ngay trên đỉnh đồi. Muốn lên đây, chúng tôi phải đi qua nhà một người quen của Kralis. Tôi nghĩ nếu coi điểm cắm trại hôm trước là đẹp, thì điểm cắm trại này phải nói là hoàn hảo. Trên đỉnh đồi tự nhiên lại có một bãi đất bằng phẳng rộng thênh thang. Đi ra trước mặt khoảng chục bước lại là một vách đá thẳng đứng, sâu đến dựng tóc gáy. Bao phủ quanh thung lũng là nhưng đỉnh núi cao nhất thế giới, thấp cũng trên 7.000m, cao nhất là 8.091 m, chỉ thua Everest vài trăm mét thôi. Buổi đêm, nằm trên bãi cỏ, ngửa mặt lên trời, bạn có thể thấy mặt trời đỏ rực như hòn lửa ngang tầm mặt. Cả một dãy núi phủ tuyết ánh lên long lanh dưới ánh nắng mặt trời. Những chiếc dù lượn bay qua bay lại như những chú đại bàng trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Chúng tôi ngồi khoanh chân trên đất, vừa uống trà vừa chết lặng đi ngắm cảnh. Hơi trà ấm ấm trong tay, hơi lạnh trên núi ran rát mặt, sương đọng trên cỏ thơm nức mũi. Uống trà trên đỉnh Himalaya, đời có mấy khi thú được như thế.
Ở lại đây mấy ngày, no đủ khí trời rồi, chúng tôi lại rong ruổi trên con ngựa sắt. Kỷ lục của Kralis đã lên đến 122km/h. Emilies và Paxton vẫn tranh nhau vị trí thứ hai. ATN vẫn ở vị trí cuối cùng.
“ATN đàn bà quá, chậm hơn cả Emilies.”Kralis chọc.
“Chả sao cả. Tao thấy chẳng có gì phải xấu hổ. Ở Nepal này, tao chỉ chậm hơn mỗi ba đứa bọn mày thôi chứ còn nhanh hơn tất cả những người Nepal khác”. ATN lại vo thuốc tỉnh bơ.
Chúng tôi đi hết đồi núi xuống đến đồng bằng. Đường đèo quanh co đã thay bằng đường to thẳng tắp. Rừng cây lá kim đã được thay bằng rừng nhiệt đới. Không khí lành lạnh miềnnúi đã thay bằng cái nắng cháy đồng bằng. Chúng tôi đang đến gần tiến đến rừng quốc gia Chitwan, nơi mà mới cách đây mấy tuần Asher đã lẻn vào viện bảo tàng ăn trộm một đầu lâu tê giác chỉ để đặt lên tàu dọa khách du lịch một phen hết vía.
Tôi nhảy lên xe đi cùng ATN. Say cảnh, chúng tôi đi mà chẳng để ý đến mấy người khác. Đến tầm trưa, chúng tôi mới phát hiện ra mình đã để lạc mất mọi người. Cuống cuồng gọi điện cho Kralis thì nhận được tin sét đánh:
“Paxton bị tai nạn rồi”.
“Ở đâu? Để bọn em quay lại”.
“Không cần. Quay lại xa lắm. Tìm chỗ nào ngồi nghỉ đi. Giờ đang không nói chuyện được. Lát nữa gặp sẽ giải thích”.
“Để xem đã”.
Chúng tôi vào một quán ven đường nơi người ta bán đủ loại đồ ăn vặt địa phương: samosa (bánh rán khô hình tam giác nhân thịt hay nhân rau), momo (bánh bao nhỏ xíu), pakoda (bột trộn các loại rau rán lên thành từng búi). Chúng tôi gọi mỗi loại một ít nhưng chẳng có bụng dạ nào mà ăn. Chúng tôi nói chuyện phiếm để giết thời gian.
“Anh vừa nhận ra rằng mình không biết gì về bất kỳ ai trong nhóm: làm gì, gia đình như thế nào. Thế mà vẫn cảm thấy thân thiết như quen từ lâu lắm rồi”.
“Ừ, thế có khi lại hay. Em chỉ hỏi về những thông tin đấy khi hết chuyện để nói thôi. Đi nhiều, gặp nhiều người, có người chỉ nói chuyện một vài phút, hỏi mấy thông tin đấy làm gì cho mệt. Có nhớ được đâu”.
“Thế em hay nói về chuyện như thế nào?”
“Như thế này này, chia sẻ cách suy nghĩ nhiều hơn là khai thác thông tin”.

Sau hai tiếng dài như hai thế kỷ, cuối cùng chúng tôi cũng thấy Emilies, Kralis và Paxton.
“Có gãy xương không?”.
“Không. Chỉ bị xây xước với vài vết cắn thôi. Chị đi xe đạp Paxton đâm vào may mà cũng không bị sao”. Kralis trả lời. Paxton mặt tái mét không nói được gì.
Ở trên núi thưa dân tìm chỗ cắm trại còn dễ, ở đồng bằng thì đi đâu cũng đụng người. Chúng tôi tìm vào làng, men theo con sông. Đi đến hết cánh đồng, chúng tôi tìm được một bãi đất bồi cỏ xanh mơn mởn. Paxton mặt vẫn căng thẳng. Anh bảo mọi người ở lại đây đi, anh phải vào khách sạn một đêm để bình tĩnh lại.
Đấy là một đêm yên tĩnh. Chúng tôi chỉ ngồi nhìn nhau mà không nói gì nhiều, ai cũng suy nghĩ. Hoa lục bình trôi bập bềnh trôi sông, cá rỉa dưới làn phù sa đỏ nặng. Lần lượt điện thoại chúng tôi rung. Paxton gửi cho mỗi đứa chúng tôi một tin nhắn rất dài, đại loại là như thế này:
Đây là lần đầu tiên anh đi du lịch xa đến thế và cũng lần đầu tiên làm một việc dại dột đến vậy (ý anh ám chỉ việc đi xe máy) và rồi cũng lần đầu tiên bị tai nạn. Nhưng anh nghĩ, đây là lần đầu tiên anh thấy mình được thực sự sống. Anh xin lỗi đã cư xử như một ông già khó tính không kiềm chế được cảm xúc của mình. Đừng giận anh nhé. Anh đang ở trong khách sạn một mình nhớ mọingười lắm. Hẹn gặp lại mọi người sáng mai.
Chúng tôi bật cười. Ôi Paxton ơi là Paxton. Với chúng tôi, đây chỉ là một lần cao hứng. Nhưng với Paxton, đây là chuyến đi làm thay đổi cuộc đời mình.
Chúng tôi phát hiện ra là Paxton đi mang theo căn lều to nhất. Không đủ lều, đêm hôm đấy chúng tôi ngủ ngoài trời. Văng vẳng từ đâu đó xung quanh, tiếng chó sói hú vang làm chúng tôi sởn hết gai ốc.
“Có chó sói quanh đây à?”.
“Không sao đâu. Sói trong rừng quốc gia đấy, tụi nó không ra đây đâu”.
“Sao biết chắc vậy được?”. “Đoán vậy”.
Chúng tôi lại cuộn túi ngủ ngủ tiếp. Tôi không sợchó sói bằng sợ có con gì đó chui vào tai, vào người. Tiếng dế kêu rả rích, tiếng ếch kêu ộp oạp, tiếng cá đớp bèo tí tách. Cỏ cứa vào má ran rát, sương đọng trên mi lành lạnh. Bầu trời đầy sao lấp lánh. Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Tỉnh dậy, chúng tôi giật mình khi thấy hàng chục cặp mặt tò mò của người dân vây quanh mình. Người lớn thì chỉ trỏ xì xào. Trẻ con thì cười khúc khích. Một người đàn ông tự cho rằng mình nói được tiếng Anh hùng hổ tiến đến chỗ chúng tôi. Giọng tiếng Anh giật cục của ông bọn tôi phải vận dụng tối đa óc sáng tạo của mình mới hiểu được.
“Mấy đứa làm gì ở đây?”.
“Bọn cháu đang đi xe máy (chúng tôi chỉ vào mấy cái xe đang dựng ở đấy), vòng quanh Nepal (nhấn mạnh chữ Nepal rồi đưa tay ra làm vòng tròn). Không có chỗ ngủ (đưa hai tay lên má như em bé ngủ), ngủ tạm ở đây (chỉ tay xuống đất)”.
“À, thế mấy đứa cứ nghỉ ở đây đi. Đêm qua có thấy cá sấu không?”.
“Hả? là sao ạ?”.
“Ở ngay bên kia bờ sông là trang trại nuôi cá sấu, thỉnh thoảng bọn nó xổng ra ngoài. Nhưng đừng sợ, nếu thấy cá sấu cứ chạy thật nhanh là không sao đâu”.
Chúng tôi không biết cá sấu ở đây có chậm đến mức đấy không, nhưng không ai muốn ở lại kiểm tra xem thế nào.
Paxton gặp chúng tôi ở đường chính, cười toe toét. Cả nhóm đoàn tụ, tinh thần chúng tôi phấn chấn hơn bao giờ hết. Chúng tôi đi qua cánh đồng, khi đi qua vách đá, đi qua cánh rừng, đi qua con sông, đi qua không biết bao nhiêu là ngôi đền, bao nhiêu làng mạc. Xe Paxton càng ngày càng cà tàng, hết hỏng phanh đến lủng lốp, gần về đến Kathmandu thì hỏng hẳn. Chúng tôi phải nhờ một xe tải đưa xe về thành phố, còn Kralis đèo anh.
Về đến nơi, chúng tôi vẫn không tin là mình còn sống sót.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui