55. Cậu bé phật của Nepal
Asher là một người không bình thường, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nói thế để cho mọi người thấy Asher không bình thường thế nào, chứ tôi cũng chẳng biết nghĩa bóng của “không bình thường” là gì. Anh là người Mỹ gốc Do Thái. Đang học dở đại học, bỏ sang Nepal vừa học tính chuyện làm kinh doanh. Nhưng sau sáu tháng ở đây, anh đã bỏ học. Không được ở trong ký túc xá nữa, anh ở một khách sạn gần đấy. Sau một thời gian tìm kiếm, anh được người quen giới thiệu cho một ngôi nhà ở gần Monkey Temple (đây là tên nhiều người gọi Swayambhunath vì ở đây có rất nhiều khỉ. Nhưng tôi được biết người địa phương, nhất là những người sùng đạo, rất ghét tên gọi này). Hôm tôi đi cùng Asher đến thăm nhà, tôi thích mê luôn. Thế là tôi quyết định chuyển đến ở ngôi nhà này.
Quả thực, gọi là ngôi nhà có lẽ khiêm tốn quá, mà phải gọi là biệt thự thì đúng hơn. Nhà gồm ba tầng. Tầng trệt là phòng khách rộng mênh mông với hai bộ salon: bộ to đặt giữa làm phòng khách chính mà chúng tôi ít ngồi vì rộng quá, bộ nhỏ đặt ở phía hơi nhô lên của căn phòng. Khu nấu ăn cũng rộng rãi không kém với bàn nấu ăn kéo dài suốt ba mặt tường, trang bị đầy đủ bếp ga, lò nướng, lò vi sóng cho Asher tha hồ trổ tài nấu ăn. Tầng trệt có một căn phòng được chúng tôi bố trí thành phòng chiếu phim với máy chiếu chiếu thẳng lên tường, bộ loa năm chiếc và một bộ ghế salon cực kỳ êm ái. Tầng trên là hai phòng ngủ cho tôi và Asher. Cạnh đó là phòng chơi poker. Tầng trên cùng chúng tôi dọn dẹp hết đồ đạc ra ngoài, bạn bè quyên góp một bộ loa xịn và lắp đèn xoay vào làm thành sàn nhảy. Bên ngoài là ban công rộng phải đến năm mươi mét vuông, chúng tôi kê bàn ghế làm chỗ uống cà phê và thỉnh thoảng đốt lửa trại. Có cầu thang cuốn đi lên mái nhà, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ sử dụng đến vì ban công đã quá rộng rồi. Nhà rộng rãi nên chúng tôi hay host CouchSurfer. Một người trong số đó là Frank. Frank là người Mỹ gốc Đài Loan. Cậu bằng tuổi tôi, đang học đại học Yale, khoa tâm lý học. Cậu là bậc thầy của việc áp dụng những gì mình học vào điều khiển tâm lý người khác. Một lần, cậu về nhà với một đôi giày mới cóng và khoe rằng mua được với giá rẻ bất ngờ. Tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu, chỉ nhớ là rẻ chỉ bằng một nửa giá chúng tôi biết.
“Bí quyết để mua đồ giá rẻ là để người bán hàng đầu tư về mặt thời gian và tình cảm vào mình. Mình càng thử đồ lâu, càng hỏi người bán hàng nhiều về sản phẩm thì càng khiến cho họ muốn bán cho mình vì họ đã đầu tư quá nhiều công sức vào mình rồi. Đến một mức nào đó, họ sắn sàng bán cho mình giá cực kỳ rẻ. Ví dụ đôi này, họ bán cho tớ giá chỉ bằng 1/3 giá họ nói ban đầu và tớ chắc chắn rằng họ chịu lỗ để bán”.
“Ấy nói thế nào chứ lỗ thì sao họ bán?”.
“Sao không bán? Nếu họ giữ đôi giày đó lại thì biết bao giờ mới có khách thích nó? Nếu họ bán ngay, chịu lỗ một tí nhưng vẫn là có tiền. Họ có thể ngay lập tức về nhà mua thịt cho vợ, mua kẹo cho con. Mình phải biết họ muốn gì để đánh vào đó”.
Tôi và Asher không thích kiểu cò kè mặc cả như vậy lắm. Với mình, vài đô có lẽ chẳng đáng là bao, nhưng với những người bán hàng ở đây, đó có thể là tiền ăn mấy ngày của cả gia đình họ. tuy vậy, chúng tôi cũng không nói gì. Cách sống của người ta thế nào thì mặc kệ người ta thôi.
Lúc bấy giờ, qua một người bạn tên là Max, tôi được biết anh chuẩn bị theo thầy của mình đi gặp cậu bé Phật của Nepal. Bàng tuổi tôi, cậu bé này từng nổi tiếng đình đám trước giới truyền thông quốc tế khi cậu có thể ngồi thiền hàng tháng trời trong rừng mà không cần ăn uống gì. Cậu bắt đầu ngồi thiền từ tháng 5 năm 2005. Cậu nói rằng cứ đà này khoảng chục năm nữa cậu sẽ đắc đạo. Vì con đường cậu chọn rất giống Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngày xưa nên mọi người bắt đầu gọi cậu là cậu bé Phật. Tìm gặp cậu bé Phật rất khó, bởi cậu toàn ngồi thiền sâu trong rừng. Cứ mỗi khi bị người khác phát hiện ra chỗ cậu thiền, cậu lại tìm chỗ khác, bởi có quá nhiều người muốn đến gặp cậu để xin ban phép lành nên cậu không yên tĩnh để thiền được. Chỉ có lần này cậu mới ra mặt để tổ chức buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Những người có tâm từ khắp nơi trên thế giới đều được mời đến tham gia. Tò mò, tôi cũng xin đi theo. Frank cũng không bỏ lỡ cơ hội, lùi ngày chuyến bay của mình để được tận mắt nhìn thấy cậu bé Phật.
Max đi cùng các thầy tu người Nhật nên tôi và Frank phải tự bắt xe đi. Anh cho tôi tên một cái làng ở đâu đó phía nam Nepal. Tôi bị mất cuốn sổ tay ghi chép lại mọi chuyện trên đường nên tôi chẳng nhớ chính xác địa điểm đấy là gì hay ở đâu. Tôi chỉ nhớ rằng khi đấy tôi và Frank cảm thấy nó gần như là phép màu khi chúng tôi tìm được đúng đến cái làng đấy. Chúng tôi phải hỏi không biết bao nhiêu là người, bắt ba cái xe khách, đi hai ngày mới tới nơi. Đến làng rồi mà chúng tôi vẫn không biết đây có phải đúng địa điểm hay không. Làng nhỏ xíu, trơ trọi chỉ vài túp lều tranh ở mặt đường với mấy cửa hàng bán lơ thơ ít bánh quy, ít rau, ít dal bhat. Dal bhat là đồ ăn truyền thống của người Nepal, truyền thống đến mức ngày nào họ cũng ăn ba bữa món này không biết chán. Nó gồm dal: súp đỗ và bhat: cơm, đi kèm một ít rau hay một ít thịt. Trông không khí trong làng chẳng có vẻ gì là sắp có buổi gặp mặt cầu nguyện cho hàng ngàn người cả. Người dân nơi đây không nói ai được tiếng Anh. Chúng tôi nói “Buddha boy” cũng không ai biết. Cũng may, tôi nhớ là khi trên xe bus nói chuyện với mấy người địa phương, tôi biết được ở đây họ gọi cậu bé Phật là “Ram Bomjon”. Nghe đến cụm từ này, người dân làng mắt sáng lên, gật gù: “Yes, yes” (Yes có lẽ là từ tiếng Anh duy nhất mà họ biết). Họ chỉ cho cúng tôi đi lên một xe bus. Xe thả chúng tôi đến một con sông đã khô chỉ còn trơ cát với đá cuội. Bạn phụ xe chỉ đường cho chúng tôi đi xuống lòng sông, rồi quay đầu xe trở lại.
Thời tiết miền Nam khác hẳn thời tiết ở Kathmandu. Trời nắng và nóng. Chúng tôi cởi áo khoác ra vắt lên vai, vừa đi vừa lau mồ hôi, mắt nheo lại vì nắng. Chúng tôi nhận ra rằng càng đi, chúng càng tiến sâu vào trong rừng. Hai bên bờ sông cây cao, cây thấp, cây thân mềm đan kín đặc vào nhau. Ở dưới lòng sông cỏ mỗi lúc một dầy, cứ vài mét lại có một bụi cây rậm rạp. Tôi nhặt cho mình một cái que dài để chẳng may có gặp rắn. Đi khoảng mười lăm phút mà vẫn chưa gặp ai, Frank và tôi đang bắt đầu thắc mắc không biết có bị bạn phụ xe chỉ đường nhầm không thì bất chợt một chiếc xe Jeep từ đâu tiến tới. Chúng tôi đưa tay ra vẫy rối rít. Mừng nhất là bạn lái xe nói tiếng Anh trơn tru. Bạn bảo là chỗ cầu nguyện ở trong rừng, cách đấy khoảng ba cây. Bạn cho chúng tôi đi nhờ đến tận cái cổng chăng đầy vải màu sắc rực rỡ, trang trí họa tiết Phật giáo phương Đông, chi chít chữ Nepal. Đi qua cổng, chúng tôi đã thấy người người cắm trại la liệt. Có người chẳng cần chăn chiếu gì ngủ ngay dưới đất. Họ chắc là đã đến đây từ mấy hôm trước mong được diện kiến cậu bé Phật.
Những bảng hiệu với khuôn mặt cậu bé Phật cắm hai bên đường chỉ lối đi vào khu bên trong. Một ảnh cậu đang đốt nến với dòng chữ: “Nếu cả thế giới chấp nhận sự thật, ta có thể thắp cây nến hòa bình”. Một ảnh cậu ngồi thiền lại có dòng chữ: “Vì không từ bỏ ham muốn, con người chịu khổ suốt đời”. Những câu đại loại như thế bạn có thể bắt gặp trong giáo lý của hầu hết các tôn giáo.
Khu bên trong bao gồm mấy ngôi nhà tranh, rõ ràng mới được dựng để phục vụ riêng cho dịp này. Trong này đông nghịt người: các sư thầy, ni cô đến từ đủ các nước, người hành hương Ấn Độ, Nepal; đoàn phóng viên quốc tế; quân đội đến để đảm bảo an ninh trật tự. Một bức ảnh cậu bé Phật ngồi thiền cao phải đến hai mét dựng trước hiên, phía trước đấy là một anh chàng da trắng tóc vàng đang cúi đầu chuẩn bị được xuống tóc. Tôi gặp lại Max thì phát hiện ra khuôn mặt anh đã bắt đầu có vẻ mơ màng của những người thiền nhiều quá. Gặp tôi anh cũng chẳng cười nói như mọi khi mà chỉ gật đầu chào, trả lời xã giao vài câu rồi quay trở lại với những thầy tu Nhật Bản của mình. Tôi gặp một cô người Mỹ gốc Á. Cô bảo đi cùng cô lần này cũng có khá nhiều tín đồ của cậu bé Phật từ Mỹ sang. Nói chuyện một hồi, tôi phát hiện ra cô là người gốc Việt.
Số chúng tôi quả thực rất rất may. Đến muộn một tiếng nữa là có khi chúng tôi không được gặp cậu bé Phật rồi. Vừa đến nơi được một lúc, chúng tôi thấy mọi người rục rịch xếp hàng vào rừng. Chúng tôi được nhắc nhở phải đi vào hàng lối cẩn thận, bởi cách đây không lâu người ta phát hiện ra dấu chân hổ ở gần nơi cậu bé Phật ngồi thiền.
Từ cách chỗ cậu ngồi thiền cả cây số, chúng tôi đã phải bỏ dép ra đi chân đất để giữ “cho chỗ ngài thiền trong sạch”.
Đường đi không biết đã được ai dọn thành một con đường mòn nho nhỏ khoảng vài chục phân. Cách một đoạn lại có một sư thầy cầm trầm hương khói nghi ngút không ai được phép nói chuyện, không ai được phép chỉ trỏ. Không gian im lặng như tờ, chỉ có tiếng là kêu sột soạt, tiếng đọc kinh lầm rầm. Thấy mọi người nghiêm trang quá, tự nhiên tôi cũng thấy hồi hộp. Tôi nhớ như in mình cũng nín thở khi lần đầu tiên nhìn thấy tán cây bồ đề, khi ai đó phía trước tôi run run thì thầm: “Tán cây Ngài ngồi đấy”. Cây to, cao phải ba, bốn chục mét, rộng cũng phải chục mét, hàng trăm rễ cây to như bắp chân đánh đu từ tua tủa các nhánh cây xuống cắm sâu vào trong đất. Cậu bé Phật ngồi khoanh chân trên một bệ hoa sen xây bằng bê tông. Nhìn cậu giống hệt như những bức ảnh tôi tìm thấy trên mạng: cậu mặc áo chùng nâu, vắt chéo hở một vai như thầy tu, tóc dài hơi xoăn che khuất một nửa khuôn mặt, mắt đen láy, sáng rực, râu lấm tấm ở cằm. Hai mươi tuổi bẻ gẫy sừng châu, cậu nhìn có vẻ khá cơ bắp cho một người chỉ ngồi thiền mấy năm liền không làm gì. Xung quanh cậu đứng một vài thầy tu áo choàng nâu đỏ, một vài người đàn ông mặc áo vest trịnh trọng.
Những người hành hương ngồi thành từng hàng phía trước. Mọi người được ra lệnh vái cậu bé ba vái. Cả buổi chỉ có một thầy tu tuổi đã trung niên đứng lên cầm mic nói; còn cậu bé Phật chỉ ngồi yên đưa ánh mắt lơ đãng ra nhìn khắp lượt. Anh chàng vừa nãy xuống tóc bây giờ lên để cậu bé Phật ban phước lành. Mọi người cũng nối đuôi nhau mang vật phẩm lên để cúng tặng. Cuối buổi, mọi người được xếp hàng lên để cậu bé Phật ban phước lành. Bình thường, mọi người sẽ cúi đầu để cậu chạm tay lên. Đến lượt tôi, vì tò mò muốn nhìn rõ khuôn mặt cậu mà tôi quên không cúi. Chỉ đến lúc nhìn khuôn mặt lúng túng không biết làm thế nào của cậu tôi mới chợt nhận ra cúi đầu xuống.
Có một số người nói cậu bé Phật thực ra chỉ là chiêu bài PR để lừa gạt những người cả tin, có một người thì nói cậu bé Phật là Phật sống thật. Tôi là dân ngoại đạo không dám bình phẩm gì nhiều, chỉ hơi thất vọng là không được nghe cậu bé Phật nói một câu để xem cậu ăn nói như thế nào. Tất cả ý nghĩ của cậu đều được truyền đến đám đông thông qua vị thầy tuổi trung niên kia, nên những kẻ đa nghi cũng có thể dựa vào đó mà đưa ra nhiều suy đoán. Khi tôi đi về, mọi người hỏi tôi cậu bé Phật thế nào, tôi chỉ biết trả lời rằng:
“Cũng dễ thương lắm”.
Có lẽ cũng vì báng bổ mà tôi bị trời phạt. Vừa về đến Kathmandu, sang đường cái là tôi bị một cái xe máy đi với tốc độ gần 100km/h đâm thẳng vào chân, gãy luôn cả ống đồng.
56. Burning Snails
Chuyển đến nhà mới được khoảng một tuần thì chúng tôi có người đến ở cùng, đó là Jehad, bạn học cùng trường của Asher. Tôi chẳng biết tình hình chiến sự ở Trung Đông thế nào chứ ở đây, Asher người Do Thái và Jehad người Palestine vẫn thân thiết với nhau lắm. Jehad thi không qua nên bị đuổi học. Asher nghỉ học trước khi bị đuổi. Lý do thì cũng như nhau.
“Trường quảng cáo rất hoành tráng trên mạng nhưng mà hoạt động cứ như băng đảng mafia. Quảng cáo thì giáo trình tiếng Anh nhưng dạy thì toàn bằng tiếng Nepal, nghe còn chả hiểu thì thi thế quái nào được. Kêu lên trường thì bị dọa đuổi học. Muốn nghỉ học thì họ không chịu trả lệ phí. Tao phải dọa là đưa lên báo thì mới lấy lại được tiền”. Asher kể về trường.
Không quen biết ai, Jehad sang ở cùng chúng tôi. Jehad da hơi nâu, tóc đen hơi xoăn, mắt đen lông mày rậm. Râu cậu để dài chắc cũng rậm nhưng cậu rất hay cạo, chỉ để lại vệt đen lấm tấm quanh mặt và dưới cằm. Cậu cao hơn một mét tám và rất hay nổi quạu khi tôi gọi cậu là bé, bởi cậu thua tôi một tuổi. Nói chung nhìn kỹ cậu cũng đẹp trai, phải tội rất sợ con gái. Có một chuyện mà đến giờ chúng tôi vẫn còn trêu cậu. Asher là đứa thích tiệc tùng, nên cuối tuần nào cũng tổ chức tiệc rồi đưa thông tin lên CouchSurfing, mở cho tất cả mọi người tham gia. Nói chung chỉ cần bật nhạc lên, rồi ai đến thì tự mang đồ uống cho mình đến. Ngoài một số bạn bè của chúng tôi ở đây ra thì người đến đa số là người nước ngoài sinh sống và làm việc ở đây, hoặc là khách du lịch ghé qua. Nhà chúng tôi rộng nên nhảy nhót hát hò thoải mái, nhiều khi mọi người tiệc tùng qua đêm. Thỉnh thoảng tôi ngủ dậy xuống nhà thấy người lạ nằm la liệt. Một lần, chúng tôi đang nói chuyện vui vẻ thì cậu đến, mặt hầm hầm hầm hầm.
“Bọn con gái ở đây hư hỏng quá”.
“Hả? Bé nói vậy là sao?”. Tôi giật mình hỏi.
“Bọn con gái phương Tây thật là hư hỏng. Cái chị kia kìa,” Jehad chỉ tay vào một bạn tóc vàng, chân dài, rất xinh “đang nói chuyện tự nhiên cầm tay em”.
Ôi trời ạ, đúng là con trai Hồi giáo không quen bị con gái tấn công. Mới có vậy thôi mà cậu đã đùng đùng bỏ đi như phải bỏng.
Trong số đám bạn chúng tôi ở đây còn có Anders, mà cả tôi và Asher đều công nhận là anh cũng không bình thường. Anh xuất khẩu phần mềm, khách hàng của anh chủ yếu là ở Đan Mạch. Thu nhập châu u mà tiêu tiền Nepal nên cuộc sống của anh đáng lẽ cũng thoải mái. Nói “đáng lẽ” vì từng học lập trình nên tôi biết viết code căng thẳng như thế nào. Lúc bình thường còn đỡ, nhưng code thì kiểu gì cũng có lỗi. Lúc nào phải đọc lại cả ngàn dòng code dòng nào cũng giống dòng nào chỉ để tìm ra một dấu chấm, dấu phẩy sai thì dễ phát điên lắm. Kathmandu lại chẳng phải thành phố sôi động gì cho cam. Ngoài ra Thamel uống bia ở mấy quán quen ra thì ở đây chẳng còn việc gì làm. Anh ngày ngày chỉ biết ngồi cắm đầu vào máy tính, có ngày làm việc đến mười sáu tiếng. Đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn, tóc tai bù xù, người ngợm yếu xìu. Nghe chúng tôi khuyên, anh sáng sáng dậy sớm để chạy. Nhưng anh không chạy như người ta. Sợ bị tai nạn, anh phải mua cái áo vàng chóe mà cảnh sát giao thông hay mặc khi làm việc ngoài đường để chắc ăn rằng xe cộ nào cũng nhìn thấy anh mà tránh ra.
Tuy có vẻ hơi cực đoan, anh lại là người cực kỳ tốt bụng. Bằng chứng là anh cho Karlis ở nhờ nhà anh hàng tháng trời. Karlis cũng là một anh chàng quái (thật ra nhìn đi nhìn lại, tôi chẳng thấy bạn bè nào của tôi là bình thường cả). Anh là người Latvia, một quốc gia nhỏ xíu với chỉ hai triệu dân ở Bắc u. Học múa từ nhỏ, anh từng là một vũ công khá có tiếng ở Latvia cho đến khi anh quyết định từ bỏ tất cả để chọn cuộc sống nay đây mai đó. Anh lăn lộn qua mấy nước châu u, qua Ấn Độ và giờ ở Nepal, chơi poker để kiếm sống. Tôi đã nghĩ là mình hoang dã, nhưng anh mới thực sự hoang dại. Anh sẵn lòng hất tung mọi thứ nhảy lên bàn nhảy tưng tưng, hay cởi trần mặc quần đùi phóng xe máy tốc độ tối đa ngoài đường. Anh lại cực kỳ mê gái. Kiểu lăng nhăng của anh lại không có chọn lọc. Vốn là vũ công, anh bị ám ảnh rằng con gái phải có bụng phẳng và cứ bạn gái nào có bụng phẳng là anh mê. Anh khá đẹp trai, tóc vàng, mắt xanh, người cũng rất đẹp nên cũng nhiều cô chết. Mặc dù khá là dễ thương, anh là đứa hay bị chửi nhất trong nhóm. Vì hoang dại, anh hay có hành động nông nổi mà không để ý đến người xung quanh. Ví dụ, có lần sang nhà chúng tôi chơi, sáu giờ sáng anh còn bật loa to hết cỡ hát karaoke khiến cho hàng xóm mắng cho chúng tôi một trận. Rồi gặp bạn gái nào bụng phẳng là anh cũng cưa cẩm, không thèm để ý người ta có bạn trai hay có chồng chưa, nên mấy lần tôi điên tiết quạu cho một trận. Nhưng ngoài những lúc như thế ra, tôi vẫn rất quý Karlis.
Lúc bấy giờ, chân cẳng của tôi đã đỡ rồi. Trời đã ấm lên nên tôi cũng không còn ho ra máu. Người khỏe lên một tí là tôi bắt đầu thấy cuồng chân.
“Lúc tao mới gặp mày, sáng sáng mày còn dậy lúc năm giờ đi tập kickboxing. Giờ thì ngày nào mày cũng ngồi ở nhà dùng máy tính bảo sao mày không chán”. Asher mắng tôi.
“Tao muốn đi xe máy vòng quanh Nepal mày ạ”.
“Chân cẳng thế kia thì đi thế nào?”.
Tôi chợt nhớ đến Karlis, liền rủ Karlis đi cùng làm xe ôm cho tôi. Trong đám bạn của tôi ở đây, có mỗi Karlis là biết đi xe máy. Và cũng chỉ anh mới điên rồ đến mức lái xe vòng quanh một đất nước mà tỷ lệ tử vong trên đường cao nhất nhì thế giới này (chỉ cạnh tranh với Việt Nam mình). Asher cũng muốn đi lắm, nhưng lại có hẹn đi chơi đâu đó với bạn gái. Khi chúng tôi đang bàn chuyện thì mấy bạn CouchSurfer đang ở nhờ nhà chúng tôi cũng nhao nhao lên:
“Cho bọn tớ đi với”.
Lúc bấy giờ, tôi và Asher đang host ba người: một cặp người Pháp và một anh chàng người Úc. Paxton là người Úc nhưng bố mẹ gốc Singapore nên anh nhìn giống người châu Á. Anh hạ cánh xuống Kathmandu lúc hai giờ sáng, tự mày mò đi taxi đến nhà chúng tôi (không phải dễ tìm gì cho cam bởi ở Nepal toàn nhà không số, phố không tên), rồi gọi điện cho Asher đưa lên nhà mà không báo cho tôi biết. Sáng tôi dậy, mắt nhắm mắt mở xuống nhà thấy một anh chàng tóc đen nằm với một tư thế vô cùng quái đản trên sàn, tôi hết hồn cứ tưởng anh chàng Nepal nào nửa đêm mò vào nhà tôi ăn trộm rồi ngủ quên mất. Anh đang trong tour đi vòng quanh thế giới với round the world ticket. Round the world ticket là một dạng vé máy bay cho phép bạn đi vòng quanh thế giới trong khoảng thời gian giới hạn từ mấy tháng đến tối đa là mười tám tháng, tùy hãng máy bay. Các chặng dừng là cố định, nhưng ngày cụ thể đến và đi ở từng chặng là có thể thay đổi được. Round the world ticket thường rẻ hơn rất nhiều so với mua từng vé nhỏ lẻ. Tuy nhiên, mua vé này cũng tùy bạn mua ở đâu. Trước tôi có xem thử thì mua vé từ Hàn Quốc sẽ rẻ hơn hẳn mua từ Việt Nam. Vé Paxton mua nếu tôi nhớ không nhầm chỉ là 4000 USD và cho phép anh đi được 17 nước. Anh đến Nepal, máu me đi xe máy quá, anh đổi lại ngày rời Nepal để đi cùng chúng tôi.
Cuộc đầu tiên của chúng tôi với anh chàng người Pháp diễn ra như sau.
“Anh tên là gì?”
“Ê-Ti-En”.
“Hả, ATN á?”.
Thế là từ đó chúng tôi gọi Etienna là ATN. Mối quan hệ giữa ATN và Emilie khá phức tạp. ATN cũng đang đi một chuyến đi dài ngày, vòng quanh thế giới hay không thì cũng không rõ. Anh đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và gặp Emilie ở đó. Vì rất quý ATN, Emilie sang Nepal để du lịch cùng anh. Nhưng hai người không phải là bạn trai bạn gái, vì ATN đã có bạn gái đang chờ mình ở Ý. Nói chung, ngoại trừ thỉnh thoảng hai người có căng thẳng ra, phần lớn thời gian chúng tôi chơi với hai người khá là thoải mái.
“Bọn mày có ai lái xe được không?”. Karlis hỏi.
“Không. Nhưng học được không?”.
“Được. Trước tao dạy cho mấy đúa ở Latvia cũng chỉ một ngày là bọn nó phóng xe vù vù ngoài đường”.
Thế là mọi người hẹn ngày mai thuê xe rồi tập luôn. Emilie kêu ATN chở nhưng anh không chắc chắn về tay lái của mình vì chưa đi bao giờ nên chị cũng thuê xe tự đi. Emilie khỏe như con trai vậy, lại có một phong cách mạnh mẽ đến mức nhiều khi con trai cũng phải ngả mũ bái phục. Xe máy ở Nepal to, cao và rất nặng. Tôi nghĩ nếu chân tôi có khỏe hẳn rồi thì tôi cũng không đi được. Thứ nhất, tôi quá lùn không chống được chân. Thứ hai, xe có đổ thì tôi sẽ bị đè ngay lập tức chứ không đủ khỏe để đỡ nó lên. Nhưng Emilie thì chẳng ngại gì. Tôi phục chị lắm.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...