29. Những người bạn cùng nhà
Khi viết Blog về sinh nhật ngày hôm đó, tôi có kết thúc bằng một phút dành cho quảng cáo thế này: “Mình có ba anh bạn cùng nhà (nếu nhìn kĩ thì cũng) đẹp trai, được giáo dục tốt (đặc biệt sau khi ở với tôi), công việc ổn định (không bao giờ sợ mất việc vì chẳng ai thèm công việc của họ). Vì một số lý do ai cũng biết những không tiện nói ra ở đây, họ đều chưa có bạn gái. Vậy nên, đàn bà con gái trong lứa tuổi 18-28, xinh xắn, độc thân, tuyệt vọng và muốn có bạn trai, làm ơn liên hệ với mình ngay nhé. Mình rất mong muốn được tống khứ mấy anh chàng này đi”.
Ba anh chàng cùng nhà này là Ashwin (mà chúng tôi hay gọi là Ash), Allen và Titus. Khi tôi đến xem nhà, theo kế hoạch thì sau khi Ashwin chuyển về Bangalore tháng tới tôi sẽ chuyển vào phòng anh. Nhưng vì tôi đang cần nhà gấp, Allen và Titus chuyển vào ở cùng một phòng để phòng trống cho tôi ở. Để tôi khỏi phải cảm thấy khó xử, hai người giải thích rằng vì cả hai cùng làm ở Call Center, giờ giấc không trùng nhau nên chẳng mấy khi dùng phòng cùng lúc. Nhưng tôi hiểu rằng lý do gì đi chăng nữa, ai mà không muốn có sự riêng tư cá nhân. Họ cho tôi ở nhờ vì muốn giúp tôi mà thôi.
Ash làmquản lý marketing cho Nike, một công việc mà tất cả chúng tôi đều ghen tị. Ngoài lương và thưởng, cứ ba tháng anh lại được cho $2000 để đi mua đồ Nike với lý do là anh cần nhìn “Nike” hoàn toàn khi gặp gỡ khách hàng. Đấy là chưa kể khi Nike có sản phẩm mới hay ra đồ khuyến mại, anh lại được nhận đồ miễn phí. Tất cả những thứ anh dùng đều Nike: từ mũ lưỡi trai, áo phông, đồ thể thao, tất, túi xách, đến cả quần lót cũng Nike. Giày thì thôi khỏi nói. Ở căn hộ mà chúng tôi ở, anh có khoảng ba mươi đôi. Còn ở nhà anh ở Bangalore anh có hẳn một phòng riêng chuyên để chứa giày, phải tám mươi đôi là ít. Lúc đấy tôi đang đi giày Adidas. Anh nhìn tôi rồi nhíu mày: “Chip muốn có giày mới không? Anh mua tặng cho một đôi Nike”. Hóa ra anh có nhiều tiền để mua đồ Nike quá anh không biết để làm gì nên cứ thỉnh thoảng lại dẫn bạn bè đi theo. Vấn đề duy nhất là anh không được phép mặc bất kỳ đồ của hãng thời trang thể thao nào ngoài Nike. Giả sử khi nào anh chán việc thì anh không cần viết đơn xin nghỉ việc, chỉ cần mặc cái gì đó của Adidas tới là sẽ được cho nghỉ ngay lập tức.
Titus tính trẻ con nhất nhà. Allen có một chú chó giống Đức daschund mới sáu tháng tuổi tên là Scratch. Chú cún này nhỏ xíu, chân ngắn tũn những cái lưng dài ngoằng, tai to, lông đen mượt. Tối nào Titus cũng phải ôm Scratch mới ngủ được. Anh cũng là người có giờ giấc làm việc quái đản nhất, lịch làm việc lại thay đổi liên tục, có lẽ vì thế mà ít khi chúng tôi nói chuyện, mà nếu có gặp thì chúng tôi cũng chỉ phùng mang trợn mắt lên dọa nạt nhau hay giả vờ đánh nhau như trong phim chưởng. Titus là người dễ dãi trong chuyện ăn uống nhất. Anh là người duy nhất luôn sẵn lòng ra đường ăn đồ vỉa hè với tôi mà không cằn nhằn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hồi đấy tôi chết mê chết mệt món Pani puri. Pani là viên bánh tròn như bánh rán, rỗng ruột bên trong, Puri nghĩa là nước. Pani sẽ được nhồi với đậu xanh xay nhuyễn, thêm nước gia vị chua cay mặn ngọt, rồi đút cả vào miệng. Món bánh ngon những nhiều người không dám ăn bởi người bán thường hay nhúng cả bàn tay vào thùng nước gia vị.
Titus cùng làm việc với Allen ở Call Center. Allen có chức vụ quản lý khá cao nên được nhiều nhân viên nữ nhòm ngó. Một buổi tối anh về nhà kể với chúng tôi về một cô nhân viên thuộc bộ phận khác đến phỏng vấn xin chuyển sang bộ phận anh. Anh bảo, trong suốt buổi phỏng vấn, cô nàng cứ liên tục hỏi han anh chuyện riêng tư. Allen có một hình xăm ở tay, nàng cầm tay anh lên hỏi, rồi sau đó bảo: “Em cũng có một hình xăm ở hông, anh có muốn xem không?”. Anh chàng sợ quá phải kết thúc buổi phỏng vấn sớm. Lần khác anh lại bị cảm nắng một cô nàng nhưng không dám nói. Nghe chúng tôi thuyết phục mãi anh mới đi chơi với cô nàng. Muốn cho chàng và nàng có sự riêng tư, tôi sang nhà Swapnil chơi. Khoảng mười giờ, Allen nhắn tin cho tôi: “Này, em bao giờ về mua cho anh một bao thuốc lá nhé”. Tôi nhắn lại hỏi: “Hẹn hò thế nào rồi?”. Anh nhắn lại ngay lập tức: “Vui thì đã chả phải nhắn tin với cô thế này”. Nhưng nói chung Allen rất sát gái, hầu như lúc nào cũng có con gái vây quanh. Có lẽ vì thế Allen bị nhiễm bệnh con gái là bệnh nghiện mua sắm. Mỗi lần đi đến trung tâm mua sắm là anh bị mất kiềm chế, tiêu tiền như điên. Nặng đến mức anh phải nhờ một bà chị cũng là quản lý ở công ty anh làm mà anh rất thân giữ hộ thẻ tín dụng. Mỗi khi đi mua sắm anh đều phải đi cùng bà chị này để chị quản lý mực độ chi tiêu của anh. Tôi đi cùng anh một buổi. Đại loại là buổi mua sắm của anh diễn ra thế này.
“Em mua chiếc áo phông Batman này nhé?”.
“Không. Mới tháng trước cậu mua ba cái áo phông Batman rồi”.
“Ba cái đấy khác, cái này khác. Chip, áo này đẹp mà đúng không?”. Anh quay sang tôi cầu cứu “Họ chỉ có limited edition, không mua nhanh là sẽ hết”.
Tôi nhanh chân chuồn đi mất giả vờ không nghe anh nói gì. Anh đứng tần ngần ngắm chiếc áo chán chê rồi khi đã chắc chắn là không thể làm gì được mới đi sang bộ sưu tập quần áo khác. Cuộc hội thoại lại được bắt đầu lại từ đầu.
Trong nhà Allen là người thân với tôi nhất. Thỉnh thoảng hai đứa lại ra ban công ngồi uống bia, tán dóc đủ chuyện trên trời dưới bể. Allen muốn trở thành DJ chuyên nghiệp, lúc bấy giờ anh mới hoàn thành xong khóa học DJ và đang tìm kiếm những gig đầu tiên. Anh loại nói rằng tôi là người bạn ở cùng nhà tốt nhất mà anh từng có. Bất kể anh đi làm về muộn đến đâu, tôi cũng thức đợi mở cửa cho anh mà không một lời cằn nhằn. Trời ạ, bức thư xúc động đến thế mà chẳng lẽ tôi lại nói ra sự thật phũ phàng là tôi có thói quen thức khuya dùng mạng cho nhanh chứ chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện anh sẽ về sớm hay muộn à? Tôi tỉnh queo gửi email lại cho anh: “A, anh biết là em quý anh lắm mà”.
30. Những con người lập dị của Mumbai
Trong số những người bạn thân thiết nhất của tôi ở Mumbai còn có Swapnil và đồng bọn: em gái anh Sweetie, hai người bạn thân của anh: Gary và Gaurang. Sweetie mới mười bảy tuổi nên chúng tôi không lôi bé vào những trò dại dột, nhưng những người còn lại đều là khùng không có thuốc chữa (khùng theo nghĩa tốt hay xấu thì tùy cảm nhận mỗi người).
Khi mới quen Swapnil, anh khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Một lần lúc nửa đêm, anh gọi điện cho tôi cầu cứu: “Chip ơi, bạn gái anh muốn anh dẫn đi sàn nhảy bây giờ mà anh muốn ở nhà xem buổi ra mắt sản phẩm mới của Apple, phải giải thích với cô ấy thế nào?”. Tôi há hốc miệng: “Anh có bạn gái cơ à?”. Biết là mình vô duyên nhưng tôi không đừng được. Như ấn tượng lần đầu tiên gặp anh của tôi: Dáng vẻ không khác gì ma cà bông, tính tình bẽn lẽn, suốt ngày chỉ thích nói về công nghệ, game ghiếc, tôi không khi nào nghĩ rằng anh lại có bạn gái. Một buổi tối khác, anh gọi điện rủ tôi lái xe vòng quanh thành phố với đám bạn anh, tôi hỏi ngay: “Xe ở đâu ra?”. Tôi vẫn cứ nghĩ là anh nghèo xơ nghèo xác như tôi vậy, ngờ đâu anh cũng có nhà, có xe. Rồi một hôm khác, anh than vãn rằng ngày mai phải đến trường đi thi, tôi lại được một phen hết hồn: “Anh là sinh viên à?”. Tôi suốt ngày thấy anh ở nhà ôm máy tính chứ chưa bao giờ thấy anh đến trường hay nhắc gì đến chuyện bài vở. Anh mới giải thích là ở Ấn Độ đại học cho phép sinh viên học ở nhà, chỉ cuối kỳ mới phải có mặt để tham dự thi. “Trông mặt mà bắt hình dong” thế này thì hỏng bét.
Sweetie là một cô bé rất ngoan và dễ thương. Tuy nhiên, anh em nhà này có một hoàn cảnh gia đình rất buồn, buồn đến mức Swapnil đã không dưới một lần khóc khi tâm sự với tôi. Khóc vì đau đớn thể xác thì ít, mà vì cảm giác bất lực thì nhiều. Swapnil và Sweetie nạn nhân của bạo hành gia đình, một điều không phải là hiếm ở đất nước Ấn Độ này. Swapnil đủ lớn để tránh xa người bố nhẫn tâm, nhưng Sweetie còn quá nhỏ để có thể bảo vệ mình. Swapnil thương em nhưng không thể làm được gì. Anh bắt tôi hứa với anh sẽ thường xuyên nói chuyện với Sweetie để giúp cô bé trở nên cứng cỏi. Tôi cảm thấy xấu hổ khi mình luôn miệng than vãn rằng không có gia đình ở bên cạnh, trong khi chính bản thân là người dứt áo ra đi. Thương thay những đứa trẻ bị hành hạ bởi gia đình mà không chạy trốn đi đâu được.
Chơi với Swapnil từ nhỏ, cả Gary và Gaurang đều lập dị không kém. Tất cả chúng tôi đều thích nhạc Rock, nhưng hai anh chàng này không chỉ nghe mà còn mặc cả Rock lên người: đi xe máy phân khối lớn, dây chuyền sắt, bấm khuyên tai, áo phông đen với logo của Metallica, Scorpions, Iron Maiden… Gary còn chơi cho một ban nhạc Underground tên là Krazy Electronic. Ban nhạc này thỉnh thoảng được người quen mời đến biểu diễn ở trường đại học hay quán café, nhưng hầu hết thì chưa ai nghe đến tên này bao giờ. Mỗi lần tụ tập, Gary thường mang theo cây đàn ghi ta chơi nhạc theo yêu cầu, chúng tôi gân cổ lên hát theo, đập bàn đập ghế loạn xạ. Lần đầu tiên nghe Gary chơi tôi đã bị sốc vì kỹ năng chơi đàn và chất giọng quá tuyệt vời của anh. Tôi nói thế này không phải vì tôi là bạn anh, mà là vì anh tài năng thực sự. Cái tôi khâm phục nhất ở anh là đam mê. Ngay cả khi chỉ có chúng tôi là khán giả, anh vẫn chơi hết mình với cảm xúc bốc lửa như thể đang biểu diễn cho cả ngàn khán giả vậy.
Ồn ào như vậy nên chúng tôi luôn bị đuổi ra khỏi các nơi công cộng. Tìm được vị trí cho phép chúng tôi vừa uống đồ uống có cồn vừa có thể gào thét khàn giọng ở Mumbai là điều không đơn giản tí nào. Cái khó ló cái dại, chúng tôi nhớ ra rằng mẹ Gary sở hữu một phòng trưng bày tranh. Gary lấy trộm chìa khóa của mẹ, kế hoạch là chúng tôi sẽ lẻn vào đây, hò hét một hồi sẽ lẳng lặng lẻn ra không để lại dấu vết gì. Nhưng rồi cao hứng thế nào, tất cả đều say tá lả. Swapnil trượt chân ngã làm vỡ hai chai bia, mảnh sành bắn tứ tung, bia tràn lênh láng. Gary nôn thốc nôn tháo. Phòng trưng bày tranh nhìn không khác gì cảnh đập đá tan hoang trong phim Hollywood. Tôi và Gaurang, hai người duy nhất còn tỉnh táo, phải dành cả đêm hôm đấy lau dọn bãi chiến trường, đến tận sáu giờ sáng mới xong. May mắn thay, không bức tranh nào bị ảnh hưởng gì. Gary đô con nhất nhưng lại dễ bị say nhất và cái sự thiếu kiểm soát của anh đã gây ra không ít bi hài. Một buổi tối sau khi tụ tập trên sân thượng nhà Swapnil, Gary đáng lẽ sẽ đưa tôi về nhà nhưng nhìn thấy anh say ngây say ngất, tôi lắc đầu: “Đời nào mình lại để cho Gary đưa mình về nhà”. Gary tức giận nói: “Em không tin anh à?”. “Em không tin người say lái xe”. Thế Gaurang đưa tôi về. Như để chứng tỏ sự tỉnh táo của mình, Gary lấy xe bám theo chúng tôi. Linh tính chuyện chẳng lành, Swapnil cũng đi theo. Về nhà được khoảng năm phút, tôi nhận được điện thoại của Swapnil:
“Em về đến nhà chưa?”.
“Rồi”.
“Tốt. Đừng xuống đây. Gary đang ở dưới sân chung cư. Trần truồng”.
Đến giờ tôi vẫn không hiểu điều gì khiến anh chàng cởi bỏ quần áo lái xe giữa đêm như vậy.
Sinh nhật Swapnil và Gary cách nhau đúng một ngày vào đầu tháng mười nên hai người thường tổ chức sinh nhật chung. Năm đấy là sinh nhật hai mốt tuổi của Swapnil, anh chàng quyết định đánh dấu ngày trọng đại này bằng một thứ mà chỉ nghe nói đến tên thôi đã khiến dân trong nghề khiếp đảm: Absinthe. Absinthe là loại rượu mạnh nhất trong số tất cả các loại rượu, với độ cồn có khi lên đến 98%. Loại chúng tôi uống ngày hôm đấy chỉ có 89% cồn. Absinthe bị cấm ở Ấn Độ, tôi không biết mấy anh chàng này kiếm ở đâu ra, chỉ biết là giá không rẻ tí nào: $200 cho hai chai 500ml.
Ngày trọng đại được bắt đầu lúc tám giờ tối ở nhà Gary. Gary ở cùng bố mẹ và bà nội. Theo truyền thống của Ấn Độ, nghi lễ sinh nhật được bắt đầu bằng việc bà nội Gary đặt tay lên trán chúc phúc cho cả Gary và Swapnil. Xong rồi, bà sẽ nhét kẹo vào miệng hai anh chàng này, cử chỉ được cho rằng sẽ mang lại may mắn. Sau đó, Gary nhét kẹo vào miệng Swapnil, Swapnil nhét kẹo vào miệng tôi, tôi nhét kẹo vào miệng Sweetie, Sweetie nhét kẹo vào miệng Gaurang… cứ như thế cho đến khi tất cả mọi người đều được ăn kẹo. Đây là loại kẹo chuyên được sử dụng trong dịp lễ tết. Tôi không nhớ chính xác tên của loại kẹo này là gì vì Ấn Độ có cả ngàn loại kẹo, loại nào nghe cũng giống loại nào và ăn cũng giống loại nào. Sau khi cắt bánh sinh nhật, tất cả hồi hộp chờ đến món quan trọng nhất: Absinthe.
Gary tỉ mỉ chế biến cocktail như dân chuyên nghiệp vậy. Anh hơ thìa đường trên một ngọn nến cho đường nóng chảy rồi cho rượu chảy qua đấy xuống ly để ở dưới, sau đó vắt chanh vào. Được làm từ hạt cây tiểu hồi cần (anise trong tiếng Anh), Absinthe có vị giống viên ngậm làm thơm miệng của Ấn Độ. Rượu mạnh, uống vào đến đâu biết đến đấy, cổ họng nóng như đang nuốt lửa vậy. Hôm đấy cả bà nội của Gary cũng thử và xấu hổ thay, bà còn uống được nhiều hơn tôi. Tôi chỉ nhấp miệng vài ngụm rồi phải đưa cho Swapnil uống hộ.
Sau đó chúng tôi leo lên sân thượng khu chung cư Swapnil ở nơi mà nửa tá người bạn khác của cả hai đang đứng đợi họ. Họ mang theo một dàn loa để chơi nhạc. Chúng tôi nhảy nhót hát hò đến khi mặt trời lên. Trời nắng chang chang, cả bọn rủ nhau ra bãi biển hóng gió. Tôi kiệt sức bỏ về trước. Hôm sau tôi nghe kể rằng sau khi ra biển, buổi tối tất cả lại đi nhảy ở một câu lạc bộ đêm. Bữa tiệc kéo dài đúng ba mươi sáu giờ. Swapnil nhìn như người sắp chết nhưng hết sức mãn nguyện vì có bữa tiệc sinh nhật hai mốt tuổi trở thành huyền thoại trong trí nhớ của tất cả đám bạn. May mà đời người chỉ có một lần hai mốt
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...