21. Lạc bước ở Kolkata
Tôi ở Kolkata một tuần. Thời gian ở đấy, tôi kết thân khá nhanh với Antoreep, bạn gái anh Shila và những người bạn học cùng anh. Mọi người ai cũng bất ngờ về cô bé khùng dám sang Ấn Độ một mình nên quý tôi lắm. Ngày cuối tuần, mọi người dẫn tôi đi một tour vòng quanh Kolkata để xem một Kolkata thực sự, không phải Kolkata trong sách hướng dẫn du lịch.
Buổi sáng Antoreep và tôi bắt taxi đến nhà Shila, nơi mà hai người bạn khác của Shila và Antoreep đang đợi sẵn, rồi năm người chúng tôi lại bắt taxi ra bến cảng. Có lẽ chỉ ở Ấn Độ tôi mới dám chơi sang thế. Taxi ở Kolkata rẻ như bèo. Nếu không tính đến tắc đường và nguy cơ tai nạn, không ở đâu đi lại dễ dàng và rẻ như ở Kolkata. Ở đây có những phuơng tiện mà bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ thành phố nào như taxi và xe bus. Taxi chạy theo công-tơ mét, nhưng giá hiển thị trên công-tơ mét không phải là giá chính thức. Bạn phải nhân đôi con số đó lên rồi cộng với hai. Lái xe taxi nào cũng có bảng chuyển đổi cho những người sợ nhầm lẫn. Xe bus ở đây phân chia nam nữ rõ ràng: nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên; giá đi một chuyến thông thường là 10 Rupee (1 Rupee ~ 400VND). Nhìn giống xe bus nhưng chạy trên đường ray cố định là tàu điện. Calcutta Tramways là hệ thống tàu điện duy nhất ở Ấn Độ và là hệ thống lâu đời nhất của châu Á. Tàu điện này chạy chậm, hỏng hóc nhiều nhưng được cái thân thiện với môi trường. Không biết người dân ở đây có quan tâm đến môi trường khônghay chỉ dùng tàu điện vì nó đỡ đông hơn xe bus. Phương tiện đi lại phổ biến nhất ở đây lại là auto rickshaw, xe ba bánh chạy bằng mô tơ mà mọi người gọi tắt là auto. Bạn có thể thuê auto để đi riêng như taxi, nhưng rẻ bằng nửa taxi. Có những auto chạy tuyến cố định như xe bus. Sức chứa auto là ba hành khách, nhưng những lái xe auto tài tình có thể chở được năm, sáu người. Tôi đi từ bến xe bus về Lake Garden, khu nhà Antoreep bằng auto dạng này tốn bốn Rupee. Những người đi gần thì thích rickshaw người kéo. Tôi xót lắm những người kéo xe này, chạy hùng hục một, hai cây số mà chỉ kiếm được mười Rupee. Tôi bảo với Antoreep rằng tôi không muốn đi thế này vì không đành lòng ngồi chễm chệ trên xe nhìn xuống những người đàn ông gầy gò, đáng tuổi ông mình gò lưng kéo. Nhưng Antoreep bảo rằng nếu tôi không đi thì họ sẽ không kiếm được tiền để mua thức ăn. Vậy nên, lần nào đi tôi cũng đưa thêm cho họ một ít tiền lẻ. Năm 2006, chính phủ dự định ban luật cấm toàn bộ những người kéo rickshaw thế này, nhưng không được thông qua vì nguy cơ sẽ khiến ba mươi lăm nghìn người mất kế mưu sinh. Hiện đại hơn nhiều thành phố ở Ấn Độ, Kolkata còn có cả metro, hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở Ấn Độ được xây dựng từ năm 1984.
Nếu tính quãng đường và thời gian, metro là phương tiện đi lại rẻ nhất và nhanh nhất bởi không lo tắc đường. Nhưng đây cũng là phương tiện đi lại đông nhất, đông một cách đáng sợ. Ban đầu tôi cười khẩy khi mọi người khuyên tôi là con gái thì không nên đi metro, nhưng đi rồi mới thấy mọi người đúng. Đứng một chân trên metro tầm mười phút, tôi cảm thấy có một bàn tay sờ soạng mông tôi, trong khi một bàn tay khác đang len lỏi tìm đường vào túi quần tôi. Tôi cựa mình phản ứng, hai bàn tay biến mất. Metro đông đến mức mặc dù biết rằng cả hai đều là người đứng ngay cạnh, tôi cũng không tài nào nhìn thấy được đấy là ai trong số hàng chục “hàng xóm” lân cận. Và tôi bị lỡ bến không phải vì tôi không biết bến mà vì tôi không thể chen ra kịp.
Phương tiện mà Antoreep chọn để giới thiệu Kolkata với tôi là phà. Phà ở đây tuy chậm, nhưng không bị tắc đường nên được người dân Kolkata khá ưa thích. Giới trẻ ở đây đi phà không chỉ bởi họ cần đến một điểm nào đó ven sông, mà còn bởi vì lênh đênh sông nước, về mặt lý thuyết, luôn là cơ hội “lãng mạn” để ngắm bộ mặt ít khi được thấy của thành phố. Lãng mạn để trong nháy nháy bởi vì có lẽ do sống ở một thành phố của quá nhiều cực đoan và quá ít không gian yên tĩnh, định nghĩa về lãng mạn của giới trẻ nơi đây khá là khiêm tốn. Giống như tất cả những điểm đầu mối phương tiện đi lại của Kolkata, bến phà là một điểm mua bán tấp nập với những người bán rong chào bán đủ loại hàng hóa. Sông Hooghly, nhánh sông Hằng chảy dọc thành phố, giống như hầu hết các dòng sông khác ở Ấn Độ, lấm chấm với rác và xác động vật. Điểm tụ tập ưa thích của những vật trang điểm này là xung quanh chân cầu cạnh bến cảng. Chạm vào nước ở đây tôi cũng đã thấy sợ, vậy mà người dân ở đây nhảy xuống tắm hàng ngày. Khi tôi ở đấy, khoảng chục bé trai đang bơi lội tung tăng, đùa nhau té nước ầm ĩ.
Khác với kinh nghiệm của tôi về giao thông công cộng ở Ấn Độ, chuyến phà hôm đấy chúng tôi đi khá vắng. Chúng tôi không chỉ có ghế ngồi, mà còn có thể luồn lách từ đầu này sang đầu kia của phà. Ra khỏi bến, quang cảnh cải thiện một cách đáng kể. Tôi có cảm giác như đang nhìn vào mặt sau của thành phố vậy, một bộ mặt và Kolkata, không biết vì thẹn thùng hay ích kỷ, giấu đi không cho người ngoài thấy: mặt sau những tòa nhà cao tầng, mặt sau những ngôi nhà gạch cổ kính, mặt sau những tấm biển quảng cáo, dường như cả mặt trời cũng quay lưng về phía chúng tôi vậy. Trái ngược với Kolkata nóng và bụi, dòng sông lúc nào cũng gió lồng lộng. Lần đầu tiên kể từ khi đến thành phố này, tôi có thể hít thở sâu một cách thoải mái mà không lo ngại viêm phổi. Antoreep và Shila âu yếm nắm tay nhau, một điều hiếm thấy trên đất liền. Ấn Độ cũng giống như Việt Nam ngày trước vậy: nam nữ thụ thụ bất thân. Trai gái nắm tay nhau nơi công cộng là điều cấm kỵ tuyệt đối. Con trai nắm tay nhau lại là chuyện bình thường. Nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch phương Tây, hay nhầm lẫn rằng ở đây có nhiều người đồng tính. Những bạn nam ở đây mới cười giải thích rằng do văn hóa Ấn Độ dạy đàn ông nơi đây giữ khoảng cách với nữ giới, họ lớn lên thân thiết với nhau, và không ngại ngần thể hiện tình huynh đệ nơi công cộng bằng cách nắm tay nhau.
Phà dừng cũng là lúc tôi bị ném ngược trở về hiện tại với hàng trăm người chen lấn va đập để xuống bến. Bến phà nằm đối diện ga tàu hỏa và ga tàu hỏa luôn là nhà vô địch của sự hỗn loạn ở đất nước vốn đang giữ ngôi vị quán quân thế giới về sự hỗn loạn này. Người chen với bò, ô tô chen với rickshaw, xe đạp chen với xe máy, khách xem hàng này đua với khách xem hàng kia, người bán hàng này giành khách với người bán hàng kia, rồi tất cả chen lấn với nhau cố gắng thoát ra khỏi cái không gian hỗn loạn này. Dường như ruồi bọ nơi đây cũng ý thức được sự hỗn loạn xung quanh và nỗ lực hết mình để đóng góp vào bản hợp xướng đó. Ruồi bâu kín những gánh hàng rong, bọ bay vòng vòng quanh đống rác ven đường, hàng triệu tiếng đập cánh vo ve bị hòa tan vào tiếng động cơ, tiếng còi tàu, tiếng cãi vã, tiếng mặc cả, tiếng nói chuyện, tiếng gào khóc, tiếng chó sủa, tiếng bò kêu…
Nằm cạnh bến tàu là một khu ổ chuột, đặc sản Ấn Độ đem ra giới thiệu với cả thế giới qua bộ phim đoạt giải Oscar “Triệu phú khu ổ chuột”. Những người đồng hành với tôi không muốn tiến sâu thêm nữa vào khu này, nhưng vì tò mò, tôi thuyết phục được mọi người đổi ý. Mặt đường không còn trải nhựa mà đã được thay thế bởi một hỗn hợp với màu đỏ của đất, màu đen của nước thải, màu nâu của xác động vật, và bảy sắc cầu vồng của đủ loại rác thải. Trái ngược với giao thông kinh khủng của Kolkata, hiếm hoi lắm tôi mới gặp một chiếc ô tô phóng rất nhanh qua con đường này.
Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tụi trẻ con đùa nghịch với rác như chơi đồ chơi. Một người đàn ông ngủ ngon lành ngay giữa đường, tóc trôi bồng bềnh trên vũng nước đọng. Một dãy các cửa hàng thịt treo lủng lẳng nào lợn, nào dê. Những người phụ nữ ngồi chồm hỗm bán hàng rau củ quả. Một nhóm đàn ông trung niên ngồi gác chân lên ghế đánh cờ. Một toán thanh niên đánh nhau ngay giữa chợ. Tất cả nhìn chúng tôi với ánh mắt hằn học, như thể chúng tôi đang xâm phạm lãnh địa linh thiêng của họ vây. Antoreep thì thầm vào tai tôi đừng có dại dột gì mà chụp ảnh. Đi được khoảng trăm mét, không chịu nổi cảm giác tội lỗi và sợ hãi của kẻ xâm phạm, chúng tôi quay ngược về thành phố.
22. Chuyến đi tình cờ đến Sundarbans
Tôi gặp được Anuradha âu cũng là duyên trời định. Một nhà báo người Đức khi ấy đang làm việc ở Việt Nam tình cờ đọc được thông tin về chuyến đi của tôi trên một tờ báo tiếng Anh (mà đến giờ tôi vẫn chưa rõ là tờ báo nào). Đoán rằng lúc đấy tôi đang ở Ấn Độ, anh gửi link Blog của tôi cho bạn anh ở Kolkata, chính là Anu. Duyên số thế nào, nhà Anu lại ngay gần nhà dì Ramita, đi bộ chỉ khoảng mười lăm phút. Ấn tượng đầu tiên của tôi về Anu là chị rất đẹp, một vẻ đẹp pha trộn giữa phương Đông và Ấn Độ: mặt trái xoan, mắt đen sâu thẳm, tóc đen dài, nước da sáng, gò má duyên và nụ cười rạng rỡ. Và khi chị cầm tay tôi hỏi với một giọng quan tâm thực sự: “Em đến đây lâu chưa? Chỗ này đông người chen chúc thế em có sợ không?”, tôi biết mình đã yêu người phụ nữ dịu dàng mà vô cùng mạnh mẽ này. Và quả thực, cho đến tận bây giờ, chị vẫn như một người chị của tôi vậy. Mỗi lần đọc Facebook hay Blog đầy tâm trạng của tôi, chị đều tìm số điện thoại của tôi gọi điện an ủi, bất kể tôi đang ở nước nào. Anu viết bài cho tờ The Times of India – tờ báo lớn nhất Ấn Độ và cũng là tờ báo tiếng Anh có lượng xuất bản cao nhất thế giới. Nói vậy để biết trình độ tiếng Anh của người Ấn Độ cao thế nào. Chị rất quảng giao, quen biết nhiều nhân vật có tiếng ở Kolkata.
Lúc bấy giờ, Kolkata đang diễn ra Hội chợ du lịch. Nghĩ tôi quan tâm, Anu dẫn tôi đi xem và giới thiệu tôi với Asanth, chủ một công ty du lịch ở Bengal. Tình cờ thế nào, Asanth lúc đấy đang tổ chức chuyến đi thăm quan truy tìm dấu vết loài hổ trắng Sundarbans cho một vị khách quý, anh đề nghị tôi và Anu đi cùng. Sundarbans là vùng châu thổ lớn nhất thế giới với một phần thuộc Ấn Độ và một phần lớn hơn thuộc Bangladesh. Không dám tin vào vận may của mình, tôi cứ nghĩ Asanth nói đùa, chỉ đến khi Anu gọi điện nhắc tôi chuẩn bị đi tôi mới tin là thật.
Xe đón chúng tôi lúc sáng sớm tại nhà Anu, không kịp ăn sáng, dì Ramita cẩn thận làm bánh mì kẹp cho tôi và Anu mang theo. Chúng tôi không ngờ rằng chuyến đi này được công ty của Asanth chuẩn bị chu đáo, bao gồm cả ăn sáng. Xe dừng lại ở một quán ăn địa phương ngay ngoài khu phát triển công nghệ - một khu vực tương đương Sillicon Valley của Kolkata. Người Ấn Độ rất thích Curd (sữa đông, ăn như sữa chua), nhưng họ không ăn Curd như quà vặt hay tráng miệng mà ăn hoặc là như một món ăn, hoặc là như một món gia vị thêm cho bữa ăn. Quán ăn hôm đấy có Curd được trình bày cực kỳ đẹp, đẹp đến mức tôi chỉ nhớ Curd đấy nhìn như thế nào chứ không nhớ nổi hương vị ra sao. Curd trắng muốt, mịn như nhung, cảm giác như có thể soi gương, đựng trong một chiếc cốc nhỏ nhỏ xinh xinh làm bằng đất sét. Cao khoảng ngón tay, bề rộng tương đương, những chiếc cốc này bầu bĩnh ở giữa những lại thắt vào ở gần miệng hết sức duyên dáng. Đây là một thứ xa xỉ chỉ có ở Ấn Độ: người dân chỉ dùng những chiếc cốc này một lần. Mua café hay trà ngoài vỉa hè, trà chỉ khoảng 3R (khoảng 700 đồng), bạn không chỉ có trà mà còn có cả cốc. Người dân ở đây dùng xong thoải mái quăng cốc đi, không phải nghĩ đến chuyện rửa cốc. Lao động địa phương quá rẻ mạt đến mức công lấy đất sét làm cốc còn rẻ hơn nước rửa cốc.
Khách quý mà Asanth nói là Taufiq – Phó chủ tịch Liên hiệp các công ty du lịch của Bangladesh. Ông sang đây tìm hiểu cơ hội hợp tác với các công ty tổ chức tour du lịch bên này. Người còn lại trong đoàn là Prasanth, hướng dẫn viên du lịch lão làng từ công ty của Asanth.
Chúng tôi lái xe về phía tây, thẳng hướng Sundarbans. Thoát khỏi đoàn xe chen chúc hướng vào thành phố, tôi lập tức bị sốc bởi tốc độ thay đổi chóng mặt của cảnh vật xung quanh. Thay vì thành phố ồn ào, những ngôi nhà san sát xấu xí, giao thông ngột ngạt, khói xe bụi mù là những cánh đồng trải rộng bất tận, lơ thơ những túp lều tranh, con đường vắng tanh, không khí trong lành. Nơi đây mới mùa thu hoạch nên cánh đồng không có lúa mà chỉ xâm xấp nước, như một tấm gương khổng lồ phản chiếu mây núi, đất trời. Nếu như ở Kolkata, tôi không bao giờ nhìn xa được quá vài chục mét vì tầm nhìn bị chắn nào bởi nhà cửa, nào là xe cộ thì ở đây, tôi có thể phóng tầm mắt ra xa tận chân trời. Hiếm hoi lắm tôi mới bắt gặp một ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà vách đất trộn rơm, mái lợp lá. Nếu ở thành phố, đàn ông chiếm đến 90% dân số ngoài đường thì phụ nữ chiếm 90% số người chúng tôi nhìn thấy ở đây. Anu giải thích rằng ở Ấn Độ, chỉ con trai mới được lên thành phố học hành, tìm việc, con gái ở nhà lo ruộng vườn, nhà cửa. Chuyến đi này ươm mầm cho một câu hỏi mà sau này suốt thời gian ở Ấn Độ tôi luôn dằn vặt tìm câu trả lời: “Người Ấn Độ, đất đai làng quê bạt ngàn như thế sao không ở mà cứ phải đổ xô vào thành phố làm gì, không khí không có mà thở như thế này?” (Nhưng sau này về lại Việt Nam tôi mới ngộ ra rằng Việt Nam có khác gì đâu).
Sau khoảng một tiếng rưỡi lái xe đều đều với tốc độ trong mơ, chúng tôi dừng lại ở một ngôi làng nhỏ ven sông để lên thuyền. Những người phụ nữ mặc sà-ri (saree) buôn bán ven sông nhìn tôi dè dặt, ánh nhìn mà tôi đã học để hiểu rằng tôi trông khác quá, tôi không thuộc về nơi đây. Tôi nhe răng cười cầu tài và nhận lại vài nụ cười thưa thớt. Asanth đã bố trí cho chúng tôi một chiếc thuyền riêng. Thuyền tuy nhỏ nhưng tiện nghi quá đầy đủ so với tiêu chuẩn của Ấn Độ. Thuyền có hai tầng, tầng trên là boong có mái che để ngồi uống trà tán dóc, tầng dưới là phòng ngủ và nhà vệ sinh.
Chúng tôi dành phần lớn thời gian ngồi trên boong ngắm cảnh. Hai bên sông lơ thơ mái chòi, đâu đó lại thấy một đền thờ Hồi giáo mái vòm cung. Parasanth kể cho chúng tôi lịch sử vùng đất này. Vì hiểu biết của tôi là zero, mọi người phải kiên nhẫn giải thích cho tôi từ điều nhỏ nhất. Sundarbans trong tiếng Bengal có nghĩa là “khu rừng đẹp”, nhưng “sundar” trong cái tên này cũng có nghĩa là cây đước. Rừng thiêng sông nước nơi đây đã là cảm hứng của bao nhiêu nhà văn nhà thơ đất Bengal, trong đó có nhà thơ huyền thoại Tagore, người đã nhận giải Nobel văn học năm 1913 để trở thành người châu Á đầu tiên đạt được giải thưởng cao quý này. Đây cũng là bản địa của loài hổ trắng Bengal, loài hổ khét tiếng hung dữ nhất trong số tất cả giống loài của mình.
Dòng sông mở mỗi lúc một rộng, nhà mỗi lúc một thưa, bụi đước hai bên mỗi lúc một rậm rạp, cho đến khi chúng biến thành một cánh rừng. Thuyền cập bến vào một ngôi làng nhỏ với vài túp lều thưa thớt. Chúng tôi ven theo bờ ruộng, đi lên một con đường nhỏ xíu lát gạch rất xinh, rẽ phải vào “Sundarbans Camp”, nơi chúng tôi sẽ ngủ qua đêm. Tại camp này mà lần đầu tiên tôi có khái niệm về “responsible tourism” – du lịch trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
Camp này có khoảng chục bungalow(*)với những nét trang trí đậm chất Á Đông, trước cửa là một bãi đất nhỏ trồng hoa, mái lắp kính nạp năng lượng mặt trời. Bây giờ tôi mới biết rằng bungalow có xuất phát từ khu vực Bengal này. Bungalow vốn có nghĩa là nhà của người Bengal. Giữa camp là một cái ao đầy cá, vắt ngang bởi một cây cầu xinh xinh. Cây cầu dẫn vào một nhà ăn lát sàn gỗ, lợp mái gỗ, nhô hẳn ra ngoài ao, khách có thể vừa ăn vừa ngắm cá bơi lội tung tăng, chỉ biết là rất đắt. Đây là một trong những khu nhà nghỉ cao cấp nhất ở Sundarbans.
(*)Bungalow là kiểu nhà có diện tích nhỏ, một tầng duy nhất và mái hiên rộng.
Hai ngày ở đây, chúng tôi dành phần lớn thời gian trên thuyền, lang thang từ trung tâm bảo tồn thiên nhiên này đến trung tâm bảo tồn thiên nhiên kia với hy vọng được nhìn tận mắt loài mãnh thú Bengal. Tuy không tìm được, bởi như Prasanth nói thì loài thú này rất hiếm, phải chầu chực hàng tuần liền may ra mới có cơ hội nhìn thấy, chúng tôi đã có những kỷ niệm tuyệt vời lênh đênh giữa sông nước Sundarbans và lắng nghe những giai thoại của con người nơi đây. Anu kể cho chúng tôi câu chuyện về làng bà góa nơi này. Do quá nhiều người bị hổ và cá sấu ăn thịt, mỗi khi người đàn ông trong gia đình ra khỏi nhà đi đánh cá, mọi người coi như là ông đã chết. Người vợ sẽ tự coi mình như bà góa và chuyển đến ở làng bà góa. Nếu người chồng trở về, ông sẽ đến tìm vợ ở làng này. Nếu ông không trở về, người vợ sẽ tiếp tục sống với những bà góa khác. Sinh ra và lớn lên nơi rừng thiêng nước độc, người dân nơi đây chấp nhận cái chết như một phần của cuộc sống. Tôi hỏi tại sao họ không chuyển đi nơi khác làm ăn, Prasanth cười: “Vì đây là quê hương”. Trên suốt quãng đường, chúng tôi nhìn thấy những miếu thờ nữ thần Banbibi rải rác hai bên bờ sông. Người dân nơi đây tin rằng loài hổ trắng thực ra là ác thần Dakkhin Rai trá hình để hại người, và nữ thần Banbibi chính là người được Allah sai xuống để bảo vệ người dân nơi đây. Có lẽ Banbibi là một vị thần hiếm hoi được cả người theo đạo Hindu và người theo đạo Hồi thờ cúng. Trước khi vào rừng, người dân đều đến miếu Banbibi xin được che chở khỏi bị loài mãnh thú ăn thịt.
Cuộc sống luôn là một chuỗi những bất ngờ, chuyện này lại dẫn đến chuyện kia mà không bao giờ chúng ta có thể lường trước được. Khi tôi kể cho mọi người nghe những câu chuyện tôi lượm lặt trên đường, Taufiq lắng nghe một cách thích thú, rồi bất chợt hỏi:
“Em đã sang Bangladesh bao giờ chưa?”
“Chưa ạ”.
“Sundarbans ở phía Bangladesh đẹp hơn nhiều. Em biết đặc sản của Bangladesh là gì không? Là sông. Công ty anh xin được mời em sang thăm Bangladesh mười ngày, thăm thú tất cả những điểm thú vị của Bangladesh. Bù lại, em hứa sẽ viết một số bài cho tờ báo của bên anh”.
Dĩ nhiên là tôi nhận lời.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...