Xa Gần Cao Thấp

Chị muốn ăn gì

......

Chuyến khảo sát thực tế đến Tùng Dương phải tranh thủ trong mùa xuân khi cây trà đâm chồi nảy lộc, Ấn Tú mua một chiếc xe điện khác, lái đến đón Du Nhậm, sau đó đi đường vòng đón Viên Liễu và Túc Hải. Du Nhậm nói thực ra hai đứa trẻ này không có nhiều cơ hội ra ngoài chơi, du xuân là chuyện của cấp tiểu học, nhân dịp cuối tuần này chúng ta cùng nhau đi teambuilding nhé. Mão Sinh bận biểu diễn, lần tới chúng ta đưa cậu ấy đi sau.

Địa điểm teambuilding là nhà ông bà ở Du Trang, Hồ Trạch Phân đã chuẩn bị trước vài ngày, dọn dẹp sạch sẽ hai phòng cho khách ở. Gia đình đã lâu chưa thấy không khí náo nhiệt, ngay cả Du Văn Chiêu cũng vui vẻ chuẩn bị đặc sản tươi ngon miền núi.

Xe Ấn Tú dừng trong bãi đỗ xe trên sườn núi, họ vừa xuống xe, Du Nhậm không ngờ người đầu tiên cô gặp là bí thư chi bộ thôn, và cũng là người anh họ xa của mình - Du Thiên Kỳ.

"Lãnh đạo khảo sát, sao anh có thể không đi cùng?" Sự lém lỉnh của anh khiến Du Nhậm hơi cau mày: "Anh họ, em không phải lãnh đạo gì cả, em chỉ viết tài liệu thôi."

Du Thiên Kỳ nói em chính là lãnh đạo, ai mà không biết Thái Thái bây giờ là thư ký của phó thị trưởng Hạ? Lời nói của anh khiến Du Nhậm tỏ rõ quan điểm: "Anh họ, em xin trình bày trước, việc này không liên quan đến công việc của em."

Nhưng có người quen dẫn đi dạo quanh Du Trang vẫn tiện hơn, cô gọi điện cho ông bà, nói lát nữa cháu sẽ về.

Vậy là họ đi theo Du Thiên Kỳ xem các xưởng trà hiện có trong thôn. Quy mô đều không to, nhưng rất náo nhiệt. Du Thiên Kỳ cho biết năm nay trà Minh Thiên được mùa, nhiều người dân thôn gửi lá trà đến xưởng, âm thanh máy sao trà kêu "xào xạc", toả ra mùi thơm của trà xanh khiến cả nhóm không khỏi hít một hơi thật sâu.

"Đồi trà của ông đã mở rộng gấp đôi, nhưng hai ông bà vẫn sao khô thủ công, mệt lắm." Du Thiên Kỳ nói ông cựu bí thư có thành kiến với sao trà bằng máy, cảm thấy hương vị nhạt hơn so với làm thủ công, khăng khăng không chịu mang lá trà đến xưởng chế biến.

Anh vừa nói vừa liếc nhìn Ấn Tú cúi lưng xuống nhặt lá trà lên ngửi, không giống dân văn phòng như Du Nhậm, cô gái này trông lanh lợi và điềm tĩnh, ánh mắt vững vàng và e dè, có vẻ là một doanh nhân.

Ấn Tú bỏ lá trà xuống, gật đầu: "Sao bằng máy hay sao thủ công ngon hơn, vẫn phải so sánh mới biết."

Du Thiên Kỳ nói trong xưởng có phòng trà, để anh bảo ông chủ pha hai loại trà, mọi người ngồi xuống nếm thử.

Thấy anh nhiệt tình, Du Nhậm biết ngay ở đây sẽ có thu hoạch, cô trao đổi ánh mắt với Ấn Tú, Ấn Tú hỏi: "Vậy thử xem?"

Người lớn bận chính sự, Túc Hải không ngồi yên nổi, cô từng đến Du Trang một lần nhưng chỉ ở lại hơn một tiếng, phạm vi hoạt động chỉ giới hạn trong sân nhà Du Khai Minh. Hôm nay đến với mục đích du xuân, Tiểu Liễu nói có thể câu cá trong suối đồi trà Du Trang, chỉ tiếc đến quá sớm, dâu tằm vẫn chưa chín.

Túc Hải kéo Tiểu Liễu đi câu cá trước, cho rằng bạn từng sống ở đây nên biết rõ đường đi. Nhưng Viên Liễu đưa tay lên miệng ra hiệu đừng nóng vội, sau đó ngồi yên bên cạnh chị Du Nhậm, cũng bắt chước nhìn chằm chằm lá trà trong ly thuỷ tinh.

"Tiểu Liễu, em cũng thử xem?" Du Nhậm nhìn Viên Liễu.


Cô gái nhỏ cầm tách trà có màu sắc sẫm hơn lên thử một ngụm, cẩn thận nhấm nháp hương vị: "Vị ngọt của tách này đến muộn, vị chát trong miệng hơi nồng."

Du Thiên Kỳ nói cô gái nhỏ biết uống trà, nào, em thử một tách khác đi.

Viên Liễu thử một tách có màu xanh hơn: "Em thấy tách trà này hơi nhạt hơn một chút." Cô gặp ánh mắt Du Nhậm, thoáng qua vẻ ngượng ngùng: "Em không hiểu trà."

Du Nhậm khen Tiểu Liễu nói rất hay, cô và Ấn Tú cũng bắt đầu nếm thử, chỉ Túc Hải là không đụng vào mà lấy từ trong cặp ra chiếc cốc giữ nhiệt uống trà kỷ tử, động tác rất nhẹ nhàng mềm mại như bị ảnh hưởng bởi những người thưởng trà trong phòng, sợ làm kinh động đến những lá trà trôi trong tách.

Du Thiên Kỳ nhân dịp uống trà trò chuyện: "Xưởng này là của nhà anh cả của anh, Du Trang là một ngôi làng giàu có tiếng từ bao đời nay nhưng chỉ huy hoành được đến những năm 2000. Do trước đây họ làm ăn dựa vào nghề tơ lụa và chăn nuôi, thời nay lợi thuận từ những nghề đó càng ngày càng mỏng. Người dân Du Trang chỉ còn cách dựa vào điều kiện tự thân của gia đình, hoặc nghĩ con đường khác."

Du Nhậm biết rất rõ những điều này: "Một mánh chỉ có thể ăn một thời, quả thực cần không ngừng mở ra những con đường mới."

"Có vài người may mắn mua được vài căn nhà khi giá còn thấp. Có vài người lười, con đường mới là tập trung vốn và cho vay, cách này giàu lên rất nhanh nhưng nếu có chuyện thì xoay xở không nổi." Du Thiên Kỳ nói thêm về vài người cuốn vào vòng xoáy vay vốn trong thôn: "Ba người bị vào tù, người lâu nhất bị kết án năm năm. Đừng tưởng cuộc sống trong đó dễ dàng, thằng đó bị đánh gãy cả hai chân." Mặt anh tức tối, vì anh cũng bị lừa mất hàng chục vạn.

Nghe vậy, Ấn Tú cúi đầu không nói gì, Du Nhậm vội vàng kết thúc chủ đề: "Anh họ, chúng em đi dạo một lát, khi về sẽ bàn bạc. Nếu cần trà ở đây, chúng em sẽ liên lạc lại sau."

Hồ Trạch Phân đã cơm nước xong xuôi đợi các cháu, nhìn thấy Túc Hải và Viên Liễu, bà sốc, hai tay duỗi ra so chiều cao: "Lớn cao đến thế này cơ à?"

Nhưng có thể thấy, bà cũng có ấn tượng rất tốt về Ấn Tú, liên tục nói cô gái này tốt bụng, vừa nhìn đã biết tính tình dịu dàng điềm đạm. Bà quay sang giả vờ tức giận với cháu gái: "Bao nhiêu ngày không về, về cũng không dẫn theo bạn trai!"

Bữa ăn này cuối cùng cũng khiến Túc Hải phấn chấn hơn, cô bé chạy tới chạy lui bưng bát đĩa, càng ăn vui, Hồ Trạch Phân càng mãn nguyện. Du Văn Chiêu chỉ thở dài: "Nhiều cô gái tốt như vậy, sao không mang một chàng trai về đây?" Du Nhậm và Ấn Tú nghe vậy cùng nhìn nhau mỉm cười.

Ăn xong, hai người trò chuyện ngoài sân, Ấn Tú cho cá vàng trong ao ăn: "Nếu thả chúng xuống sông, xuống suối, không biết có sống nổi không, được con người nuôi quen rồi."

Du Nhậm nói, cá và người giống nhau, cũng có loại này loại kia. Có vài người nhất định phải kéo theo người khác xuống cả đời, có vài người như cỏ dại, đốt không hết, cắt không xong.

Trong bữa ăn, cô nghe bà ngoại kể về chuyện gia đình Du Khai Minh: "Đi đâu cũng vay tiền mua nhà cho con trai, không vay được ai nên đã chuyển nhượng vườn trà." Bây giờ hai vợ chồng và con gái đều làm việc ở Bách Châu kiếm tiền mua nhà, để nhà họ trống không ở đấy. Thằng con trai đang học cấp 2 tại Bách Châu: "Vô tích sự, học không vào, suốt ngày chơi game và đánh nhau. Mẹ nó không mua Iphone cho nó, thế là phát cáu, đập phá đồ đạc trong nhà."

"Không có Mão Sinh đi cùng, cảm giác tự ra ngoài như thế nào?" Du Nhậm lại hỏi Ấn Tú.

Cũng khá ổn. Ấn Tú nói Mão Sinh ngay từ đầu đã đối xử với chị như một đứa trẻ, mọi thứ trong cuộc sống đều do Mão Sinh sắp xếp, sau đó dần dần để cho chị tự làm: "Sau đó chị nói, chị chỉ ở trong đó vài năm, tay chân và khối óc đều không tàn phế." Chỉ khi đó Mão Sinh mới ngỡ ngàng tỉnh ngộ, ngày hôm sau dẫn chị đi mua ô tô: "Không đắt, nhưng cũng là Mão Sinh mua cho chị." Ấn Tú cười: "Chị phải dùng tiền của Mão Sinh trước, để Mão Sinh có thể yên tâm sống trong nhà mới của chị."


"Sự bầu bạn của Mão Sinh giờ đây đã khác trước kia." Ấn Tú hồi tưởng quá khứ: "Lúc đó cả hai đều còn quá trẻ, cảm thấy ở cùng nhau là tiết kiệm tiền theo cách khô khan và dính lấy nhau mỗi khi tan làm." Nói đến đây, cô có chút áy náy: "Những thứ này lẽ ra... phải là của em."

"Không rơi vào tay em thì không phải là của em." Du Nhậm nói em hiểu, tâm hai người bất định, dù nỗ lực đến đâu cũng cảm thấy vô ích.

"Phải, sự bầu bạn trước kia phải gắng rất nhiều sức, nhưng giờ đây là trạng thái tự nhiên thoải mái. Giống như lúc này, Mão Sinh không đến Tùng Dương cùng chị, chị cũng rất nhớ Mão Sinh... Nhưng chị cảm thấy Mão Sinh vẫn luôn ở bên chị." Du Nhậm, chị hiểu ra rằng cuộc sống không phải là dốc đủ loại hạt đường, mật ong và nước hoa quả vào trong chai, mà phải cho phép nó cay, đắng, chua, bùi và thậm chí có mùi hôi khó ngửi tại vài góc khuất. Chỉ khi đổ gia vị đầy màu sắc vào trong tim, mới nhận ra giá trị của vị ngọt.

"Chị cay đắng từ nhỏ nên vô cùng nâng niu vị ngọt. Nhưng ngược lại, làm vậy không thể nắm bắt được vị ngọt, bởi chị không tin rằng mình luôn có thể nếm được loại vị đó, thế nên lại nghĩ đủ cách cố gắng sở hữu cho mình. Chị nói vậy, không biết em có hiểu không?" Ấn Tú nói chị không đọc nhiều sách, không biết nên diễn tả như thế nào.

"Chị nói rất hay." Du Nhậm mang một tách trà cho Ấn Tú từ chiếc bàn nhỏ phía sau: "Đây là trà bà ngoại em sao, chị thử không?"

Ấn Tú nhấp một ngụm, giãn đôi lông mày rồi cười: "Chính là hương vị này." Cô hỏi, tại sao hương thơm nồng nàn nhưng lại không chát? Không phải người ta nói sao thủ công có mùi vị đậm đà hơn sao?

"Phải kiểm soát lửa tốt, sao, vò và sàng, để làm ra một nồi phải mất hơn hai tiếng đồng hồ. Trước đó còn những công đoạn như hái và rửa sạch lá trà, tất cả đều được ông bà em đeo kính viễn thị đọc sách làm từng chút một. Hơn nữa họ có kinh nghiệm hơn mười năm, lại vô cùng cẩn thận mới có thể tạo ra tách trà này." Du Nhậm nói chúng ta đều đã nếm thử trà trong xưởng sản xuất, Tiểu Liễu không rành uống cũng có thể nhận ra, trà sao bằng máy nhạt hơn nhiều.

Thời nay chúng ta làm gì cũng vội vàng, luôn toan tính đi đường tắt, luôn muốn cơ giới hóa sản xuất hàng loạt, như vậy không đúng. Du Nhậm nói em có viết trong báo cáo nghiên cứu, tuy trà sao bằng máy đã trở thành xu hướng chủ đạo của ngành công nghiệp địa phương, nhưng phải ý thức được rằng sản xuất thủ công đã được truyền lại hàng trăm năm qua, cũng đóng vai trò như một tài sản vô hình của lá trà địa phương.

"Ý em không phải cho rằng đích thị thủ công tốt hơn máy móc. Chúng ta làm việc phải chú trọng quy luật khách quan." Du Nhậm nâng tách trà lên nhìn dưới ánh mặt trời: "Nhìn xem, lá trà được ông bà em sao thủ công dài và mảnh, tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc một búp một lá khi hái, nếu dùng máy sẽ dễ bị gãy."

Nhưng sao bằng máy có thể tiết kiệm lượng người và sức người, kiểm soát nhiệt độ tiện lợi hơn. Ấn Tú nói.

"Đúng vậy, đây chính lời khuyên em muốn dành cho chị, Ấn Tú. Nếu chị muốn có chỗ đứng trong nghề này, không được bảo sao hay vậy, chị nên phân biệt bằng trái tim mình và thiết lập tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ngành này thoạt nhìn có tiêu chuẩn thấp, nhưng chị phải tìm ra tiêu chuẩn nhập ngành phù hợp với bản thân, người khác không thể dễ dàng bước vào." Du Nhậm nói em muốn nghe suy nghĩ của chị, em đi cùng lần này không phải để thúc đẩy doanh thu trà của nhà ông bà em.

Ấn Tú cười, chị phải cảm ơn em rất nhiều vì đã dẫn chị sâu hơn vào nghề này. Thành thật mà nói, Du Nhậm, chị vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng và chi tiết cho tương lai, nhưng chị có một ý tưởng: "Em có thể giúp chị đi nói với ông già em không, chị muốn ở lại Du Trang vài tháng, học hỏi trồng trà và sao trà từ họ." Lần này chị không còn vội nữa, chị rất chậm, chị có kiên nhẫn tìm hiểu sâu và làm mọi việc.

Du Nhậm cụng vào tách trà của Ấn Tú: "Họ cầu còn không được nữa là, chỉ mong có người bầu bạn thôi."

Trong khi hai người lớn trò chuyện vui vẻ ngoài sân, hai đứa trẻ nằm bò trên lan can trên tầng, một đứa thở dài vì buồn chán, một đứa thở dài vì bất lực.

Túc Hải nói thế còn du xuân thì sao? Viên Liễu hỏi tại sao họ nói mãi chưa xong thế?

Du Nhậm và Ấn Tú cùng lúc ngẩng đầu lên: "Xuống đây đi, dẫn mấy đứa đi câu cá." Túc Hải hoan hô lao xuống, Viên Liễu thì ngốc nghếch nhìn chị, cười rộ: "Vâng!"


Ấn Tú nói bé Tiểu Liễu từ nhỏ đã hiểu chuyện, lớn lên vẫn ngoan như vậy.

Ngoan? Du Nhậm nhướng mày: "Chị chưa thấy cảnh con bé tát người ta vì em đấy thôi, ngày nào cũng đòi đến đón em tan làm." Du Nhậm kể về chuyện Chúc Triều Dương, nhận xét về Viên Liễu với Ấn Tú: "Cô bé vẫn chỉ là một đứa trẻ con."

"Trẻ con không phân biệt dựa trên tuổi tác." Ấn Tú uống xong ngụm trà cuối cùng: "Cô bé cũng như chị, đều bị ép phải lớn lên." Trong đôi mắt thanh tú của cô khắc hoạ một nụ cười.

Bốn người đội mũ xếp hàng ngang hai đầu suối câu cá, Ấn Tú và Túc Hải không có kinh nghiệm sống ở nông thôn, câu mãi vẫn chưa thấy có con cá nào, Túc Hải sốt ruột, mặc kệ nước lạnh, cởi giày và tất ra nhúng xuống xem sao.

Du Nhậm đang cầm cần câu của ông nội, trên đầu gối là đầu của Viên Liễu dựa lên.

Đây là đứa trẻ bị ép trưởng thành, Du Nhậm cúi đầu nhìn Viên Liễu, cô bé đang ngủ say, lông mày đen bóng và dài, đuôi lông mày mọc vài sợi lông, khiến khuôn mặt tô thêm vẻ hiên ngang mạnh mẽ.

Tay phải của Viên Liễu đặt lên chân trái của Du Nhậm, trong lúc buồn chán chờ cá cắn câu, Du Nhậm cẩn thận quan sát năm ngón tay của cô bé. Cô từng nghe Mão Sinh nói đau lòng cho đôi bàn tay của Ấn Tú, bởi Ấn Tú bị cuộc sống dày vò khi còn rất trẻ, dấu vết không chỉ in trong mắt và trong trái tim, mà còn trực quan ghi lại trên bàn tay.

Viên Liễu từ nhỏ đã làm việc nhà, rửa bát và rửa rau, bây giờ kiên trì mát-xa cho Viên Huệ Phương mỗi ngày, tuy ngón tay cô bé trắng nhưng giữa các đốt ngón tay đã chai sạn. Vết chai của những người học hành chủ yếu mọc cạnh ngón trỏ bên phải, vậy mà vết chai của "cán bút" không thể ngoan cố bắt mắt bằng của Viên Liễu. Du Nhậm mím môi dưới, tay trái nhẹ nhàng vuốt ve trán Viên Liễu.

Lông mi cô bé khẽ động đậy, đầu trượt xuống phần bụng Du Nhậm. Du Nhậm lập tức hóp bụng lại, xấu hổ nhìn Túc Hải và Ấn Tú phía đối diện, một người đang bắt cá, một người đang xâu mồi.

Du Nhậm không dám lên tiếng, chỉ đành nhìn chằm chằm cần câu, nghĩ ngày mai sắp đi thắp hương cho Du Quyên, đã đến lúc để đứa ba gặp chị cả. Hơn mười năm qua, đã có Du Quyên, Mão Sinh, Phong Niên và Tề Dịch Quả đi qua cuộc đời cô, hóa ra bạn đồng hành cùng cô trong suốt quãng thời gian đó chính là Viên Liễu. Viên bánh trôi nhỏ ngày ấy giờ đây đang dựa vào mình, đánh một giấc ngon lành bên bờ suối Du Trang.

Nghĩ đến đây, Du Nhậm cởi áo khoác dày của mình đắp lên người cho Viên Liễu. Giữ mãi một tư thế câu cá cũng mệt, Du Nhậm nằm úp trên lưng Viên Liễu, vén đuôi ngựa của Viên Liễu khỏi vai, tựa cằm lên xương bả vai của cô bé, tận hưởng cảm giác thư giãn hiếm có suốt mấy năm qua.

Cuối cùng, chính đôi chân của Du Nhậm phải hứng chịu tư thế gấp lạ lùng, Du Nhậm không bắt được cá, chân thì tê. Cô gọi Viên Liễu: "Tiểu Liễu?" Đứa trẻ vốn rất ít khi ngủ trưa không thể gọi dậy được.

"Chị... chân chị tê." Du Nhậm khó xử.

Viên Liễu lập tức tỉnh lại, nói chị tê ở đâu, để em xoa cho. Đôi mắt trong veo đó chứng tỏ cô bé đã dậy từ lâu, Du Nhậm ngơ ngác: "Nít ranh, em đè chị lâu như vậy."

Viên Liễu chỉ cười: "Vì thoải mái quá." Cô bé liếm môi dưới, đôi môi mỏng được thấm ướt đỏ lên tức thì, cô bé nói xin lỗi chị, hôm qua em đã thức cả đêm làm đủ bài kiểm tra để hôm nay được yên tâm đi chơi.

"Chị muốn ăn gì? Để em câu." Viên Liễu trả lại áo cho Du Nhậm, khoác lên vai chị, cầm lấy cần câu thành thục thả xuống: "Cá trê nhé?" Mặt trời điểm vàng óng ánh khuôn mặt của em, Du Nhậm nhận ra đứa bé ngọng líu ngọng lô năm xưa đã thực sự trưởng thành. ít nhất, trong mắt cô là thế.

Viên Liễu quay lại nhìn Du Nhậm, trong mắt thoáng qua vẻ láu cá, thông minh và thuần khiết, khi em nhìn mình, em không còn ngây thơ như hồi nhỏ nữa, cũng không vẩn đục, mà ngưng tụ đầy sắc thái nóng hầm hập.

Trong đôi mắt ấy có tia sáng tựa như đã từng quen, cô đã nhìn thấy điều đó từ Mão Sinh, khi họ mười lăm hoặc mười sáu tuổi, khi Mão Sinh tặng cô món trang sức thạch anh đeo trên cổ này. Khi cô khóc ở Thạch Phố đêm đó, đôi mắt của Tề Dịch Quả cũng sáng ngời như vậy, lúc đó Tiểu Tề nói: "Em bảo chị phải làm sao đây?"

Sóng nước khẽ nổi, Viên Liễu vững vàng thu dây, tốc độ vừa phải, con cá trê há miệng lao lên mặt nước, cuối cùng cũng bắt được con cá nhỏ đuôi vàng: "Haha, cá trê!" Hồi nhỏ em đến đây, em câu được nhiều loại cá này nhất.


Viên Liễu đắc chí bắt con cá đưa đến trước mắt Du Nhậm, nụ cười của chị như được lập trình nặn ra, Du Nhậm nói: "Giỏi đấy." Cô tiện thể đứng dậy đi ra xa vài bước: "Em cứ câu đi, chị di dạo dọc theo suối."

Du Nhậm bước được hai bước, quay đầu lại, tay Viên Liễu cầm con cá trê vùng vẫy muốn thoát, cô gái nhỏ có chút ngạc nhiên, nhưng vừa thấy Du Nhậm quay đầu nhìn là lại cười ngay, tạo điệu bộ chụp ảnh đáng yêu, giả vờ định hôn bé cá: "Cá nhỏ, chị hôn em nhé!"

"Hôn cái đầu em!" Du Nhậm nhận ra mình vừa hiểu lầm "Cá Nhỏ*", cô nhức đầu, vung tay bỏ đi thật xa: "Mới được một con."

*Cá nhỏ (小鱼) và Tiểu Du (小俞) phát âm giống nhau

"Chị muốn bao nhiêu, em đều câu cho chị!" Viên Liễu gọi từ phía sau, ánh mắt tối sầm lại: "Chị không ở đây, em câu chán lắm."

"Chán cũng phải câu chậm lại, cá ở đây, lanh lợi lắm đấy." Giọng Ấn Tú truyền đến từ bên cạnh, cô mỉm cười nhìn cô gái nhỏ: "Cho chị mượn ít mồi, đều bị Tiểu Hải làm hỏng rồi."

......

Lời của Phy (góc đọc thêm):

Hình ảnh đồi trà xuyên suốt từ chap đầu cho tới cuối tác phẩm, do đó tui cũng muốn viết một chút về trà.

"Sao trà" nói trên, hay còn gọi là "sao chè", là giai đoạn dùng nhiệt độ cao để khóa quá trình lên men của lá chè, nhờ vậy các tế bào diệp lục trong lá chè không bị enzym phá hủy, chè khi pha vẫn giữ được màu xanh tự nhiên mà không bị đỏ nâu khi pha.

Nhưng, rốt cuộc nên gọi là "chè" hay là "trà"? Vấn đề này trên mạng cũng có đề cập rất nhiều, có nhiều nguồn ý kiến cho rằng ở phía Bắc, người ta gọi chung là "chè", ở miền Nam thì gọi cây trồng là "chè" và gọi sản phẩm chế biến là "trà". Cũng có quan điểm cho rằng miền Nam dùng thống nhất là "trà", chỉ có người miền Bắc là dùng lẫn lộn cả "trà" và "chè". Và cũng có thể nói, chè là lá tươi nấu lên uống, còn trà là loại nước uống nấu từ chè đã sao khô. Vậy khác biệt nằm ở đâu?

Theo tui, cái này còn phải dựa vào ngôn ngữ học và quốc gia, ngôn ngữ Mường gọi thứ cây mà chúng ta đang bàn đến là "che", là nguồn gốc cho từ "chè" mà người Việt hay dùng, đi vào sử dụng trước thời Đường và qua con đường khẩu ngữ, mang cảm giác mộc mạc và bình dân.

Còn "trà" (茶, chá) ở đây chính xác là từ Hán Việt, du nhập vào tiếng Việt từ thời nhà Đường. Có lẽ từ trà đến sau nên nó thường được gán cho những bối cảnh rất sang trọng như "tiệc trà chiều" của Anh, nghệ thuật "thưởng trà" của Trung Quốc, "trà đạo" của Nhật Bản, chứ ít ai nói tiệc chè chiều, chè đạo hay thưởng chè, bởi như thế nghe... dân dã quá!

"Chè" đối với người Việt không chỉ là thức uống để giải khát, cho tỉnh táo mỗi khi đi làm ruộng về, khi chúng ta du nhập nhiều hơn và khi điều kiện kha khá hơn, người Việt cũng có "thưởng trà". Hẳn những ai yêu thích thưởng trà cũng biết câu: "Nhất thủy, Nhì trà, Tam pha, Tứ ấm, Ngũ quần anh", trong đó, "ngũ quần anh (uống trà cùng bạn bè)" là yếu tố mang đậm bản sắc người Việt nhất, người Việt uống trà với tâm thế cởi mở, "khách đến nhà không trà cũng bánh".

Do đó nói trắng ra, "chè" mới đúng là từ bản địa của người Việt, nhưng cần tuỳ thuộc vào quốc gia và văn hoá để biến đổi khôn lường, như trong tác phẩm này, bối cảnh ở đây là Trung Quốc nên dùng "trà" phần nào vẫn thích hợp hơn.

Tui làm việc với người Trung Quốc nên cũng hay được tham gia vào cái thú thưởng trà, tuy không biết thưởng gì cả, chỉ biết pha trà và uống thôi (phải pha ở nhiệt độ 75 độ C, làm nóng ấm chén và hãm trà trong 40 giây). Đúc kết được một điều là trà Trung Quốc rất nhạt nhưng rất thơm, nghe giá chỉ muốn ngất. Có hỏi ra mới biết trà càng đắt tiền thì càng nhạt, bởi trà đắt tiền có hàm lượng theanine cao, nghĩa là độ ngọt, độ tươi và độ mịn cao hơn, vị đắng chát thấp, sở dĩ nó đắt vì có hàm lượng phong phú và tốc độ ra trà chậm, tuy không gây cảm giác mạnh nhưng rất thơm, đem lại hậu vị ngọt ngào, tính bền nước khó phai trong miệng.

Mình đọc "Xa Gần Cao Thấp" với cảm giác y hệt như thưởng thức một tách trà, ban đầu đắng chát, sau lại êm dịu khó phai, để lại những chiêm nghiệm khó quên, phải đọc đi đọc lại để hiểu những chi tiết mình vô tình bỏ qua và phải đàm đạo cùng nhiều người để mở rộng góc nhìn, để biến mình từ "nhìn trăng qua kẽ lá" cho đến "ngắm trăng ngoài sân nhà", để mà có thể đồng cảm hơn với các nhân vật trong tâm thái của Du Nhậm.

Tui lại rảnh rỗi hoá lan man:v hẹn gặp lại các bạn vào chap mới nhé.

......


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui