Vương Mệnh


Thần đô Nguyên Thành.
Sau khi thu xếp xong xuôi hết mọi sự, Giang Phong chuẩn bị lên đường.

Đến lúc ấy, Giang Phong mới phát hiện theo ý triều thần, chất lượng “cao một chút” là thế nào.

Phụ trách bảo hộ Giang Phong là Thạch Khê Thủ hộ thần.

Y đóng vai quản gia, lấy tên là Giang Thạch Khê (y là Thạch Khê Thủ hộ thần, nên lấy Thạch Khê làm hiệu, sau này sẽ gọi y là Giang Thạch Khê cho tiện).

Lần trước y theo hộ giá, rồi theo Giang Phong thám hiểm Địa cung, thu hoạch phong hậu, nên lần này quyết định đi theo nữa.

Ngoài ra còn có một đội Thần Miếu Cấm vệ đóng vai hộ vệ, với hộ vệ trưởng là một vị Tướng quân, tên gọi Giang Hưng, cũng là Cấm vệ trưởng của Thần Miếu Cấm vệ, lần này đích thân hộ giá.
Để khỏi tiết lộ thân phận, lần này vi hành, Giang Phong thay Thần sư trang bị thành Bạch Long trang bị vẫn dùng trước đó.

Chỉ riêng nhẫn, giày là những thứ không gây chú ý thì vẫn tiếp tục sử dụng.

Sau đó mọi người khởi trình, xuôi xuống vùng Hành Sơn ở phương nam.
Hành Sơn, hay còn gọi Hoành Sơn (tùy cách phiên âm), là một trong Ngũ đại danh sơn thời cổ, hiệu xưng Nam Nhạc, tọa lạc tại phía nam đất Hồ Nam.

Từ Động Đình Hồ theo dòng Tương Giang về phía nam sẽ đến Hành Dương.

Thành phố Hành Dương ngày nay nằm về phía nam tỉnh Hồ Nam, trong thành phố Hành Dương có các huyện Hành Dương, Hành Sơn, Hành Đông, Hành Nam.

Nam Nhạc Hành Sơn nằm giữa địa bàn các huyện này.
Phân cấp hành chính ở Trung Quốc gồm Tỉnh; Thành phố; Quận, huyện; Hương, trấn.

Cách phân cấp này tương ứng với Tỉnh, phủ, huyện, thôn thời cổ.

Tỉnh Hồ Nam gồm có 13 Thành phố và 1 châu tự trị là : Trường Sa, Hành Dương, Trương Gia Giới, Thường Đức, Ích Dương, Nhạc Dương, Chu Châu, Tương Đàm, Sâm Châu, Dĩnh Châu, Thiệu Dương, Hoài Hóa, Lâu Để, Châu tự trị dân tộc Thổ Gia và dân tộc Miêu Tương Tây.

Thành phố Hành Dương nằm ở phía nam tỉnh Hồ Nam, gồm có 5 quận (Châu Huy, Chưng Tương, Nhạn Phong, Nam Nhạc, Thạch Cổ), 2 thành phố cấp huyện (Lỗi Dương, Thường Ninh) và 5 huyện (Hành Dương, Hành Đông, Hành Nam, Hành Sơn, Kì Đông).
Đến Hành Dương Trấn, bọn Giang Phong theo địa đồ tiến vào vùng rừng núi, thuận theo mật đạo đi về phía đông.


Vùng Hành Sơn núi rừng hùng vĩ, không có địa đồ quả thật khó thể vượt qua.

Mà đường đi vẽ trên địa đồ toàn là những đường mòn quanh co nhỏ hẹp, địa thế hiểm trở.

Cũng may bọn Giang Phong đều là những người có thực lực, trèo đèo lội suối không vấn đề gì, nhất là những người có khả năng phi hành như Giang Phong và Giang Thạch Khê, tức Thạch Khê Thủ Hộ Thần.
Giang Phong chỉ có ý vừa thám hiểm vừa du ngoạn, nên dọc đường du sơn ngoạn thủy, hành trình cứ thong thả không gấp, cứ thuận theo địa đồ mà đi.

Một hôm, bọn Giang Phong rời khỏi vùng rừng núi, đến một bờ sông.

Nhìn dòng sông rộng lớn trước mặt, Giang Phong án chiếu bản đồ, xác định đây chính là bờ đông sông Chương, một nhánh sông chảy theo hướng bắc – nam, đến gần Nam Xương thì hợp lưu với sông Cống ở phía đông, trở thành sông Cám, rồi đổ vào Phiên Dương Hồ, sau đó thông ra sông Giang.

Ở đây cũng là vùng giáp giới giữa Tương Việt và Đông Việt.
Tương Việt là lãnh thổ trực tiếp cai trị của Kinh triều, còn Đông Việt là vùng bán độc lập, chỉ phụ thuộc Kinh triều trên danh nghĩa, thậm chí còn có rất nhiều vùng đất hoang vu, dân phong hãn dũng, tặc khấu hoành hành, không ai quản lý.

Nhìn dòng sông rộng, Giang Phong hỏi Giang Thạch Khê :
- Có cách nào để chúng ta an toàn qua sông không ?
Giang Phong và y đều có thể phi hành, dễ dàng vượt sông, nhưng chúng hộ vệ thì không thể.

Giang Thạch Khê nhìn ngắm dòng sông, ước lượng một lúc, rồi nói :
- Đóng bè hay bắc cầu, cách nào cũng được.

Công tử muốn cách nào ?
Khi vi hành, Giang Phong là công tử, còn y là quản gia nên mới xưng hô như vậy.

Giang Phong ngạc nhiên hỏi :
- Sông rộng như thế mà có thể bắc cầu được sao ?
Giang Thạch Khê cười nói :
- Phàm nhân thì không thể, nhưng chúng ta không phải là phàm nhân nha.
Giang Phong quên rằng y dù sao cũng là hạ vị thần, thần thông quảng đại.

Trầm ngâm giây lát, Giang Phong mới nói :
- Để thuận tiện đi lại sau này, vậy hãy bắc cầu đi.
Giang Thạch Khê tuân mệnh, nói :
- Muốn sử dụng lâu dài thì phải sử dụng gỗ tốt mới được.


Cũng may nơi đây là vùng rừng núi, không thiếu gì gỗ tốt.
Nói đoạn y phi thân bay đi.

Chỉ một lát sau, Giang Phong nghe xa gần có nhiều tiếng động ầm ầm long trời lở đất, chấn động cả một vùng rừng núi.

Giang Thạch Khê đang thi triển thần thông đốn gỗ bắc cầu.

Hồi lâu sau, y lần lượt vận chuyển về mấy chục cây gỗ lớn, mỗi cây gỗ đều lớn một người ôm không xuể, chiều dài đến hơn 40 mét (rừng quốc gia Cúc Phương ở Việt Nam hiện vẫn có nhiều cây gỗ cao trên 40 mét, nên chiều cao trên không có gì là lạ).
Xong đâu đấy, y quát lớn một tiếng, hai tay liên tục chộp lấy từng cây gỗ ném ra.

Chỉ sau một thoáng, hàng loạt cây cọc gỗ lớn được cắm xuống sông, thẳng đều tăm tắp.

Tiếp đó, y bay đến trên đỉnh từng cây cọc gỗ, giẫm mạnh chân áp xuống, phân biệt từ thấp đến cao, càng ra giữa sông càng cao dần lên.

Khi chân cầu đã hoàn thành, y lại bay vào bờ, mang những cây gỗ còn lại ra sắp lên trên, tạo thành những nhịp cầu.

Một cây cầu gỗ thật dài cứ thế hoàn thành.
Nhìn cây cầu mới, Giang Phong thầm thán phục Giang Thạch Khê thần thông quảng đại.

Giang Phong hiện giờ tuy giai vị tương đương trung vị thần, nhưng thực lực thua cả y nữa.

Ai ! Giai vị và thực lực không tương xứng a.

Giang Phong chỉ có thể than thầm, chứ cũng không biết làm cách nào để cải thiện nữa.
Giang Thạch Khê bay lại chỗ bọn Giang Phong, phủi phủi hai tay, tươi cười nói :
- Công tử.

Xong rồi.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Chưa xong.
Giang Thạch Khê nhìn cây cầu, ngơ ngác hỏi :

- Còn gì nữa vậy công tử ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Cần thêm hai tấm bia đá đề tên cầu, đặt ở hai đầu cầu.
Giang Thạch Khê gật đầu nói :
- Phải phải.

Cầu cần phải có tên chứ.

Xin công tử đặt tên cho nó.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Hãy đặt tên là “Thạch Khê kiều” đi.
Giang Thạch Khê cả mừng vâng dạ, lại phi thân bay đi.

Sau một lúc thì mang về hai tấm bia đá lớn vuông vắn, bên trên khắc sâu mấy chữ “Thạch Khê kiều”, rồi đặt ngay ngắn hai bên đầu cầu.

Xong đâu đấy, mọi người qua sông, tiếp tục hành trình.

Giang Phong không biết rằng chính cây cầu này đã tạo nên một con đường thông thương quan trọng giữa Tương Việt và Đông Việt, thậm chí cả Nam Việt sau này.
Vượt sông, vừa đặt chân sang bờ bên kia, Giang Phong chợt kinh ngạc khi nhìn thấy hơn chục thôn dân đang quỳ phục dưới đất, toàn thân run rẩy, vừa kinh vừa sợ.

Thấy bọn Giang Phong đi đến, cả bọn kính cẩn hô :
- Thiên thần đại nhân.

Khẩn thỉnh thiên thần đại nhân cứu mạng.
Giang Phong thoáng ngẩn người, rồi chợt nghĩ đến việc Giang Thạch Khê vừa làm.

Có lẽ bọn họ nhìn thấy rồi liên tưởng đến thiên thần.

Phàm nhân làm sao có thể thần thông quảng đại như thế được.

Giang Phong nghiêm giọng hỏi :
- Các ngươi có việc gì ?
Bọn thôn dân đều là thợ săn, trong đó thủ lĩnh là một lão nhân.

Cả bọn đều y phục rách nát, thân thể gầy yếu cho thấy cuộc sống nghèo khổ khó khăn.

Hoàn cảnh của bọn họ còn thê thảm hơn cả thôn dân của các thôn nghèo bên bờ Nguyên Giang trước đây.

Qua lời kể lể của bọn họ, Giang Phong mới biết rằng do vùng này thú dữ hoành hành, lại nhiều cường sơn thảo khấu, nên cuộc sống của thôn dân lắm cơ cực gian nan.


Nhiều người bị hại, nhiều kẻ lại lên núi làm giặc cướp, một số bỏ xứ ra đi.

Dân số các thôn làng ở đây cứ ngày một giảm dần.

Nếu tình trạng này cứ kéo dài, có lẽ vùng này chỉ còn lại thú dữ và giặc cướp.
Kể lể xong, lão già phục lạy khẩn cầu :
- Thiên thần đại nhân.

Xin hãy cứu chúng con.
Liền đó, Giang Phong nghe thấy hệ thống thông báo :
- Đinh.

Chúc mừng Thiếu Quân khai khải đặc thù nhiệm vụ “Tín ngưỡng”.

Xin hỏi có tiếp nhận hay không ?
- Tiếp nhận.
Cứu lấy bọn họ chỉ là chuyện nhỏ, không có gì đáng kể.

Có lẽ phải làm sao để
bọn họ có cuộc sống no đủ yên lành thì mới có thể xem là hoàn thành nhiệm vụ.

Hơn nữa, tên nhiệm vụ là “Tín ngưỡng” cũng rất đáng suy nghĩ.

Việc bắc cầu qua sông khi nãy có thể xem là thần tích.

Vì thế chúng thôn dân mới xem bọn Giang Phong là thiên thần.

Có lẽ sắp tới phải thi triển thêm vài lần thần tích nữa chăng.

Giang Phong suy tính thật nhanh, rồi nói với bọn thôn dân :
- Hãy về chỗ các ngươi trước đã.
Lão già kia cùng chúng thôn dân kính cẩn vâng dạ, hân hoan phấn khởi đưa bọn Giang Phong về thôn.

Thôn của bọn họ gọi là Kiến Uy thôn, trước đây từng là Kiến Uy trại, nhưng vì dân số giảm dần, đến lúc này chỉ còn lại 82 người, nên đã bị giáng cấp xuống thành thôn.

Lão già chính là thôn trưởng, hôm nay dẫn chúng trai tráng trong thôn đi săn kiếm ít thức ăn, rồi gặp bọn Giang Phong.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui