Vườn cúc mùa thu

ĐANG TRÙNG TU
(FUSHINCHU)
Viên tham tán Watanabe xuống xe điện trước rạp Kabuki-za.
Tránh mấy vũng nước còn đọng đây đó trên con đường vừa mới ngớt mưa, ông men theo bờ kênh qua xóm Kobiki hướng về công thự Bộ Viễn Thông, vừa đi vừa dáo dác nhìn, thử dò xem góc phố nào có để tấm bảng cửa hiệu mà nhất định mình có lần trông thấy. Con đường ít ai qua lại dù có năm sáu người mặc lối Âu giống như đám công chức vừa tan sở ra đang nói chuyện hơi ồn ào. Một cô gái mặc kimono choàng thêm cái áo ngắn sặc sỡ, chắc là dân làm ở một trà đình đang chạy công việc sang bên hàng xóm, hấp tấp suýt đâm vào ông. Chiếc xe kéo nào đó cứ buông mui sùm sụp từ đằng sau bỗng vượt lên trước.
Rốt cuộc Watanabe cũng tìm ra được cái bảng, hơi nhỏ một chút, có kẻ theo chiều ngang mấy chữ “O-ten Seiyokan”. Mặt trước của khách sạn nhìn về hướng con đường dọc bờ kinh được che bằng những thanh ván. Lối vào bên hông nằm trên con đường vắng. Hai bên tả hữu là hai cầu thang châu đầu với nhau, tạo thành khung tam giác.Cuối hai bậc thang có cửa kính chắn lối. Sau khi lưỡng lự không biết nên vào từ phía nào, Watanabe thử bước lên cầu thang thì thấy trên cánh cửa bên trái có ghi chữ “Cửa Vào”.
Watanabe cẩn thận chùi đôi giày khá lấm bùn rồi mở cánh cửa kính. Bên trong, ông thấy ở bên hành lang rộng lát ván, người ta có để cái cọ lau giày trải thêm tấm thảm chùi chân giống như ngoài cửa. Watanabe nghĩ thầm ngoài mình ra hãy còn có những người khác mang giày bẩn vào đây nên lại chùi chân thêm lần nữa.  .
Bốn bề vắng vẻ, chẳng một bóng người. Chỉ có tiếng động ồn ào ở nơi nào cách đó không xa vọng tới.Hình như là tiếng thợ đang sửa nhà.Nhớ lại mấy thanh ván che vòng quanh bên ngoài khi ngoài khi nãy, mới thấy đúng là người ta đang làm công việc trùng tu.
Vì không thấy ai ra đón mình, Watanabe tiếp tục đi thẳng vào trong nhưng đến cuối hành lang, lúc còn không biết nên quẹo phải hay trái thì mới thấy có người ra vẻ bồi bàn đang lửng thửng tới nơi.
-Dạ hôm qua tôi có gọi điện thoại giữ chỗ…
-Vâng, cho hai người phải không ạ. Xin mời ông lên lầu hai.
Anh ta chỉ cho Watanabe lối bên tay mặt nơi có cái thang dẫn lên gác. Sở dĩ anh ta biết là người khách mới đến đã đặt bàn hai chỗ bởi vì trong thời gian đang trùng tu, khách sạn hầu như đóng cửa. Bước đến khu vực này, dần dần mới nghe rõ tiếng búa đang đóng đinh.
Lên hết cầu thang đã thấy người bồi bước theo ngay. Chưa biết họ sắp ình phòng nào, Watanabe mới quay lại sau lưng hỏi thăm: -Ở đây coi bộ khá ồn đó nghe!
-Thưa không sao đâu. Năm giờ thợ họ về rồi. Lúc quý khách dùng cơm là đã hết ồn. Xin vui lòng đợi ở đây một chút.
Anh ta rảo bước ra đằng trước, mở cánh cửa phòng nhìn về hướng Đông. Nhìn vào mới thấy đó là một cái xa-lông hơi rộng nếu chỉ chứa hai người khách. Họ đã đặt đó đây ba cái bàn nhỏ, mỗi bàn đều có bốn năm chiếc ghế vây quanh. Dưới cánh cửa sổ trổ ra hướng Đông có một chiếc ghế xô-pha. Bên cạnh là chậu nho kiểng cao độ ba tấc buông lơi chùm quả màu xanh trong căn phòng ấm cúng.
Watanabe nhìn ngang nhìn dọc một vòng thì người bồi bàn đang đứng chờ bên cánh cửa đã mở của căn buồng bên tay trái và bảo “Thưa đây là chỗ ông dùng cơm”. Căn buồng này mới thật vừa vặn. Bàn ăn đã bày biện sẵn sàng, một lẵng hoa kết bằng hoa lệ quyên và hoa đỗ quyên rất mỹ thuật được đặt ở giữa. Trên bàn có hai cu-ve đối mặt nhau. Phòng mới đúng là dành cho hai thực khách, nếu đặt sáu người vào đây thì hơi chật.
Watanabe ra chiều vừa ý, quay lại xa-lông.Người bồi bàn đã rời phòng ăn để đi về phía nhà bếp ngay nên bây giờ là lần đầu tiên Watanabe ngồi một mình. Bỗng tiếng búa lớn búa con đột nhiên im bặt. Ông lấy đồng hồ ra xem mới biết đã năm giờ chiều. Nghĩ thầm từ đây đến giờ hẹn hãy còn được nửa tiếng, Watanabe cắt giấy niêm phong hộp thuốc để trên chiếc bàn nhỏ, lấy một điếu xì gà, cắt đầu và châm lửa
Có điều lạ là Watanabe không có tâm lý mình đang chờ đợi chút nào cả. Ông còn như không cần nhớ cái người mình đang đợi là ai nữa. Cho dầu một khuôn mặt nào xuất hiện từ đằng sau cái lẵng hoa, có lẽ ông cũng chẳng buồn biết đến. Và cũng tự hỏi tại sao mình trở thành hững hờ đến vậy.

Watanabe vừa phì phà điếu xì gà, đến mở cánh cửa sổ bên góc phòng có đặt chiếc xô-pha để ngắm phong cảnh bên ngoài. Ngay dưới của sổ, ông thấy rất nhiều thanh gỗ chất lên bên nhau. Đây mới đúng là mặt tiền khách sạn. Bên kia bờ con kênh đầy ắp nước và hầu như ngừng chảy là mấy ngôi nhà dân, có lẽ chỗ người ta dùng để hẹn hò. Trên đường không có bóng người, ngoại trừ một thiếu phụ đang địu con đứng lơ đãng trước cửa một trong những ngôi nhà ấy. Xa hơn nữa về phía tay mặt, ngôi dinh thự đồ sộ dùng làm Sở Tư Liệu của Bộ Hải Quân với màu gạch đỏ vươn cao lên choán hết tầm mắt.
Watanabe ngả lưng tựa ghế xô-pha, đảo mắt nhìn quanh xa-lông. Ở một đôi chỗ trên tường có treo vài cuốn tranh Nhật. Chúng được xếp đặt một cách tùy tiện, không ăn khớp với nhau chút nào: bên cạnh bức có chim oanh đậu trên cành mơ là tranh vẽ sự tích chàng ngư phủ Urashima và tranh chim ưng. Ông thấy bức nào khổ cũng hẹp mà không đủ dài, lại treo từ chỗ thật cao trên tường nên tưởng chừng chúng bị xén mất khúc dưới. Trên cánh của lối dẫn vào phòng khách lại có lồng khung một bản kinh văn do vị giáo chủ nào đó viết bằng lối chữ cổ. Nhật Bản thật không phải là một quốc gia có óc nghệ thuật!
Trong một chốc, đầu óc trống rỗng, Watanabe không nghe không nhìn gì cả, chỉ hút thuốc và để mặc thân thể lâng lâng trong khoái cảm.
Từ phía hành lang có tiếng chân và tiếng nói chuyện vọng tới. Cánh cửa mở. Người mà Watanabe chờ đợi đã đến. Thiếu phụ đội một cái mũ dạ rộng vành kiểu Anne-Marie có đính chuỗi hạt. Nàng mặc chiếc áo dài tay màu xám mà từ phía ngực trở xuống là một tấm áo nịt bằng vải ba-tít trắng có đường thêu. Chiếc váy cũng cùng màu xám. Thiếu phụ cầm trên tay cái dù Tây bé có viền tua, trông như món đồ chơi. Mặt Watanabe bất giác điểm một nụ cười. Ông bật dậy khỏi chiếc xô pha và ném điếu xì gà vào cái gạt tàn. Người đàn bà vừa đến quay đầu ngó người bồi bàn đi theo còn đang đứng khựng ở chỗ cửa vào, xong đưa mắt nhìn Watanabe. Hai con mắt to màu hạt dẻ của những cô nàng tóc nâu. Đó là đôi mắt ngày xưa Watanabe đã được nhìn nhiều lần nhưng bây giờ trên đường viền quanh mắt còn đánh thêm quầng màu hoa cà bề ngang bằng một lóng tay, cái mà ngày xưa không thấy có.
-Xin lỗi đã bắt anh đợi lâu.
Nàng nói bằng tiếng Đức. Lời lẽ hững hờ, và với một cử chỉ cũng không hợp tình hợp cảnh, nàng chuyền chiếc dù qua bàn tay trái, bình thản đưa bàn tay phải có đeo găng cho ông bắt. Watanabe nghĩ thầm nàng đang đóng kịch trước mặt người bồi bàn nhưng ông vẫn lịch sự nắm lấy mấy ngón tay thiếu phụ chìa ra và quay lại bảo anh bồi:
-Khi nào cơm nước sẵn sàng thì cho biết nhé.
Người bồi bàn quay ra và đi khuất.
Thiếu phụ ném bừa cái dù lên mặt xô-pha, buông người xuống ra chiều mệt mỏi. Nàng cứ chống hai khuỷu tay lên thành bàn, nàng nhìn khuôn mặt Watanabe và không nói năng gì. Watanabe kéo ghế lại sát bên bàn rồi ngồi xuống. Mãi một lúc sau thiếu phụ mới lên tiếng:
-      Ở đây vắng vẻ quá anh nhỉ? -      Họ đang trùng tu mà. Mới hồi nãy còn làm việc ồn ào kinh khủng.
-      Thế hở anh. Không biết sao không khí chỗ này làm em bồn chồn quá. Bề gì cái số em không bao giờ ở yên một nơi.
-      Sang đây từ hồi nào?
-      Em vừa đến hôm kia thì ngày hôm qua tình cờ gặp anh giữa đường đó.
-      Đi công việc gì thế?
-      Em có mặt ở Vladivostok từ cuối năm cơ.
-      Thế vẫn trình diễn trên sân khấu trong cái ô-ten ấy à?
-      Vâng, phải.

-      Chắc không đi một mình đâu nhỉ? Hai mình à?
Nàng hơi ngập ngừng:
-      Có một mình hai mình gì đâu anh. Em đi với người mà anh đã biết đó!
-      Vẫn cái anh chàng Ba-Lan? Thế thì em thành Kojinskaya rồi hở?
-      Ghét anh quá! Kojinsky chỉ đệm đàn cho em hát thôi chớ có gì đâu!
-      Làm gì chỉ có chừng đó!
-      Thật ra hai người đi đường chung với nhau, có chuyện muốn tránh cũng không được. Bảo hoàn toàn không thì đâu có lý.
-      Anh biết thừa đi. Thế em dắt hắn theo qua Tokyo đấy?
-      Vâng. Bọn em trọ ở Atagoyama.
-      Thế hắn chịu thả cho em đi gặp anh à.
-      Ảnh chỉ theo đệm đàn lúc em hát thôi.
Nàng dùng chữ Begleiten, có nghĩa đệm đàn nhưng cũng có nghĩa là đi kèm vào những dịp khác.
-   Khi em nói có thấy anh ở Ginza thì ảnh bảo thế nào cũng xin gặp anh.
-      Thôi thôi, cô cho tôi xin!
-      Anh đừng lo, ảnh còn nhiều tiền, không vay mượn anh đâu!

-      Nhiều thì nhiều nhưng nếu ở lại đây thì rồi cũng tiêu hết. Mai mốt hai người còn tính đi đâu?
-      Bọn em định sang Mỹ. Mọi người bảo đừng trông mong gì ở Nhật nên em không hy vọng tìm ra việc làm ở đây.
-      Em nghĩ đúng. Ngoài Nga, Mỹ là nước đáng đi đấy. Nhật Bản hãy còn chậm tiến. Em thấy không, đang trùng tu đầy ra kìa!
-      Eo ơi, nếu anh nói như thế thì khi qua Mỹ em sẽ mách với họ đó là ý kiến của một người trí thức Nhật Bản cho coi. Của một người thuộc giới cầm quyền nữa kia chứ. Có phải anh ở trong chính quyền không nào?
-      Phải, trong chính quyền.
-      Cung cách lại đàng hoàng?
-      Khá đàng hoàng! Có thể nói là đang trở thành kẻ sống giả dối nữa. Hôm nay hẹn ăn cơm tối với em là ngoại lệ đó!
-      Cảm ơn nhiều nghe anh.
Nàng chìa bàn tay qua khỏi mặt bàn. Bàn tay ấy nãy giờ đã cởi ra khỏi cái găng có đơm cúc bấm. Watanabe trang trọng nắm chặt lấy nó. Bàn tay lạnh giá. Rồi cái bàn tay lạnh giá ấy vẫn để nguyên không chịu buông tay ông ra và đôi mắt vì có đánh quầng nên to hẳn, nhìn như chiếu thẳng vào mặt ông:
-      Có muốn em hôn cái không?
Watanabe làm bộ nhăn mặt:
-      Đây là xứ Nhật mà!
Người bồi bàn không gõ trước mà cứ tự tiện mở cửa bước vào:
-Thưa, dọn cơm được chưa ạ?
-      Đây là xứ Nhật mà! Vừa nhắc lại câu nói một lần nữa, Watanabe đứng dậy, chỉ đường cho thiếu phụ lối vào phòng ăn. Cùng lúc, ngọn đèn điện cũng bật sáng.
Thiếu phụ nhìn quanh căn phòng, vừa ngồi xuống cái ghế đối diện, vui vẻ nói:
-  Họ ình buồng riêng!
Rồi hình như muốn xem phản ứng của Watanabe, nàng mới nhón vai lên để thử nhìn ông ta vì lẵng hoa đặt giữa bàn làm ngáng mắt.
-      Tình cờ may mắn thế thôi.

Watanabe trả lời như không có gì.
Người rót rượu sherry, người cắt dưa melon. Để tiếp có hai vị khách mà những ba bồi bàn nên hơi thừa. Watanabe phê bình:
-      Thấy mấy anh bồi này lăng xăng chưa?
-      Họ không để ý để tứ gì cả hở anh. Trên khách sạn Atagoyama cũng giống y hệt.
Thiếu phụ hơi khuỳnh tay cắt một miếng dưa đưa lên miệng vừa nói như thế.
-      Ở Atagoyama, hai ông bà bị họ phiền nhiễu lắm chứ gì?
-      Coi kìa, anh lại hiểu ra đằng khác.Thôi, cũng được đi. Dưa này ngon đấy chứ, anh!
-      Bây giờ mà qua Mỹ thì thứ này sáng nào người ta cũng dọn đầy bàn.
Hai người vừa ăn cơm vừa nói với nhau toàn những chuyện không đâu.Cuối cùng, bồi bàn dọn món xà-lách trái cây thập cẩm ra rồi rót xâm banh vào cốc.
Thiếu phụ chợt lên tiếng hỏi:
-Thế anh không thấy ghen chút nào sao hở anh?
Nàng nhớ lại ngày xưa sau khi ở Nhà Hát Trung Ương ra, họ vẫn thường ngồi đối diện như thế này bên bàn ăn của cái quán nằm trên vĩa hè Bruhlsche Terrasse, lúc thì giận dỗi, lúc lại làm lành…Cho nên dầu đang nói với nhau những câu chuyện vô nghĩa như bây giờ, nàng không làm sao ngăn được dòng hồi tưởng. Định bụng sẽ nói chuyện một cách vui vẻ bông đùa nhưng không hiểu sao giọng của nàng bất chợt trở thành trang nghiêm và trong lòng không khỏi cảm thấy có gì tiếc hận.
Watanabe vẫn ngồi y nguyên, tay nâng cốc xâm banh cao khỏi lẵng hoa, ông nói bằng một giọng rất rõ ràng:
-Kosinsky soll leben! (Chúc cho Kosinsky nhiều sức khỏe!)
Với một nụ cười thoáng hiện trên gương mặt như đông cứng lại, thiếu phụ lẳng lặng nâng cốc theo. Bàn tay của nàng còn run rẩy nhiều hơn là người ta tưởng.
 *
Lúc đó vừa mới tám giờ tối. Một chiếc xe hơi lặng lẽ băng qua đại lộ Ginza bây giờ đã sáng lóa như một biển đèn đuốc để đi về hướng Shiba. Trên xe có một người đàn bà đang dấu kín mặt mình sau tấm voan đen.
 Tháng 6 năm Minh Trị 13 (1910)
 Nguyễn Nam Trân dịch


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui