Ăn xong bữa cơm trưa cùng vợ chồng bà Cung và ông cụ Trầm, Minh Khánh lại tiếp tục tìm đường trở về huyện Tân Phúc.
May thay, hắn tìm được một chiếc xe ngựa trong làng.
Ông chủ chiếc xe cũng muốn chở đồ ra huyện Tân Phúc bán nên cho hắn và bà Mun thuê một chỗ.
Vì xe ngựa nhiều đồ nên tốc độ không nhanh lắm.
Minh Khánh ôm bà Mun ngồi lắc lư lắc lư rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Gió mát thổi lồng lộng khiến ông chủ xe ngựa cũng gật gà gật gù liên tục.
Ông không nhận ra chiếc xe ngựa đã đi vào địa phần cầu Bùn từ lúc nào.
Bóng tối, tiếng chim cú mèo và những tiếng ộp oạp của lũ ếch đến rất nhanh.
*************
Cầu Bùn đây là một địa danh nổi tiếng, là giao điểm giữa huyện Diễn Châu và huyện Tân Phúc.
Ba trăm năm trước, nơi đây nổi tiếng là một cây cầu ma quái.
Có vô số người mất tích khi đi lại những vùng gần cây cầu này.
Mãi đến khi các môn phái trừ ma nổi tiếng giới tu đạo đến, người ta mới biết rằng cây cầu này nằm trên một vùng đất bị nguyền rủa.
Trong trận chiến của người tu đạo năm trăm năm về trước, nơi đây là cả một ngôi làng lớn với cả ngàn người sinh sống.
Nhưng rồi nó vô tình bị cuốn vào, và những lời nguyền tìm đến.
Những người trong làng không thể thoát đi đâu cả, họ ở trong ngôi làng và chìm sâu cùng bùn đất.
Qua nhiều năm sau nó biến thành một vùng bãi lấy lớn mà người ta phải làm cầu mới đi qua nổi.
Những lời nguyền rủa đã đi vào dĩ vàng theo ngôi làng, nhưng những oan hồn trong đó thì không bao giờ biến mất.
Hàng đêm chúng vẫn rít gào bằng những lời ca du dương thảm thiết để dẫn những kẻ lạc lối vào vùng đầm lầy, sau đó khiến bùn đất nuốt trọn những kẻ xấu số.
Các môn phái trừ tà đã đào núi, đắp đất để tạo nên năm ngọn đồi xung quanh, rồi dùng trận pháp phong ấn những hồn ma đó lại.
Từ đó không còn ai bị mất tích khi đi qua đây nữa.
Thế nhưng cái tên Bùn được gắn liền với cây cầu vì những ký ức đáng sợ trong quá khứ.
Lúc này cách cầu Ma không xa, trong bãi lầy, có vài bóng người đang đốt đuốc lội bì bõm.
Người đi trước là một gã thanh niên trẻ tuổi.
Y dong dỏng cao và có nước da ngăm ngăm đen.
Nếu như Minh Khánh ở đây, hẳn sẽ nhận ra y chính là thằng Ca, con của ông chủ quán ăn bên đường mà từng được hắn cứu ở làng Ma.
Đó là trận chiến kinh hoàng khiến Minh Khánh suýt mất mạng, nếu Thiên Nhãn không mở ra đúng lúc.
Thằng Ca lúc này không biết kiếm đâu được một bộ đồ đạo sĩ rộng thùng thình và đôi ủng da, dẫn đầu mấy gã thanh niên khác lùng sục trong các bụi cây rậm rạp.
Thế rồi dường như mệt mỏi, có một gã thanh niên kêu lên: “Ca huynh, chúng ta trở về thôi.
Đệ mệt quá rồi.” Thế rồi gã ngồi xổm xuống một bụi cỏ rậm, thở hổn hển.
Thằng Ca không nói gì, cũng không để ý đến đàn em, vẫn hăm hở tìm kiếm.
Dường như y biết được thứ mình muốn tìm đang ở đây.
Thi thoảng y lại tự lẩm nhẩm điều gì một mình.
Sự hưng phấn khiến cánh mũi y cứ phập phà phập phồng.
Đôi mắt hơi nheo lại vì mồ hôi.
Y vung tay gạt hết mồ hôi trên mặt, mặc cho bụi bẩn bám hết lên, thế rồi tiếp tục vung mạnh con dao quắm vào những bụi cây gần đó.
Bỗng nhiên, “A” gã thanh niên vừa ngồi nghỉ kêu lên.
Gã bỗng bật dậy, hai tay xoa xoa mông.
Cả đám nhìn lại thì thấy mông y đang chảy máu, ướt đẫm một vạt quần.
Cả bọn bắt đầu cười ầm lên, cười rũ cười rượi, có đứa còn lăn ra cỏ mà cười.
Chỉ có thằng Ca là không cười.
Mắt y sáng lên, nhìn chằm chằm vào chỗ gã thanh niên vừa ngồi.
Thằng Ca tiến lại, bắt đầu phủi đi đất và cỏ bên trên, lộ ra một cây kim nhỏ dính máu.
Không biết đã qua bao nhiêu năm nhưng cây kim vẫn sáng bóng loáng như vừa mới chôn hôm qua.
Thằng Ca bắt đầu bới đất xung quanh lên.
Đám đàn em thấy thế cũng biết ý hùa vào giúp, cuối cùng món đồ mà thằng Ca tìm kiếm mấy ngày nay cũng hiện ra trước mắt mọi người.
Đó là một con hình nhân bằng vải, lớn bằng hai con bò.
Con hình nhân rất đẹp, màu đỏ chót, được thêu hoa bằng những mũi kim tuyến thành những đường cong huyền ảo.
Phía trên mặt chỉ có cái miệng được khâu lại.
Xung quanh đó là ba mươi sáu điểm nút được khâu lại bằng ba mươi sáu mũi kim theo hình xoắn ốc.
Thằng Ca đào con hình nhân lên mừng lắm, nói với đám đàn em: “Ngon rồi, tối nay tao sẽ thết chúng mày một bữa thịt cầy nhớ đời.
Đi, đi về.” Cả đám đàn em reo hò.
Thế rồi cả lũ hăm hở đi về.
Con hình nhân to lớn nhưng nhẹ nhàng được hai gã đàn em xỏ đòn gánh khiêng lên.
Thằng Ca đi ngay bên cạnh, ánh mắt nóng bỏng không rời con hình nhân.
Cũng phải thôi, nó là món đồ khởi nghiệp của gã mà.
Nhớ cái ngày đi vào làng Ma suýt mất mạng, đúng như các cụ nói : “Tái ông thất mã, nhân họa đắc phúc”, thằng Ca gặp được một cơ duyên lớn.
Chuyện là gã thợ nuôi quỷ Lê Tấn sau khi bị con ác quỷ trong làng giết chết, ba hồn bảy vía không tan biến đi.
Ngược lại gã dùng âm khí được tích lũy cả trăm năm trong làng để tự cô đọng mình, sau đó biến thành một con bướm ma.
Đêm hôm đó trong lúc chạy khỏi ngôi làng, con bướm vô tình gặp được thằng Ca.
Thằng Ca lúc đấy cũng đang sợ chết khiếp làm con bướm dễ dàng tiếp cận được.
Đêm hôm đấy con bướm ma báo mộng cho thằng Ca, bắt đầu lừa gạt y đi lên con đường thợ nuôi quỷ.
Thằng Ca một phần vì thèm khát sức mạnh siêu nhiên, một phần không muốn nối nghiệp cha làm một gã chủ quán ăn bên đường, quyết tâm trở thành thợ nuôi quỷ.
Y trở lại ngôi làng Ma – lúc này đã không còn con ác quỷ nữa, và tìm được di hài của Lê Tấn.
Thực ra thì xác Lê Tấn đã bị đốt trụi bởi lửa địa ngục trong lúc ngôi nhà cháy, thế nhưng cái xương sọ tinh hoa nhiều năm tu luyện của gã vẫn còn lại một ít.
Thằng Ca lấy được mấy mảnh xương và chiếc chìa khóa đến căn hầm bí mật của Lê Tấn trong làng.
Bằng một loại bí pháp kì dị, thằng Ca đã nhét được con bướm ma vào trong mấy mảnh xương sọ và mở được căn hầm đã phong ấn kỹ.
Thế rồi y lấy được quyển “Nuôi quỷ bí truyền” và bắt đầu nuôi nấng quỷ.
Nhờ Lê Tấn, thằng Ca lúc này mới bắt đầu hiểu biết về lịch sử của nghề nuôi quỷ.
Nghề nuôi quỷ được bắt nguồn từ cả ngàn năm trước, vào thời hoàng kim của giới tu đạo.
Thời đó giới tu đạo được mô tả là trăm hoa đua nở, mỗi năm lại có không ít môn phái và bí kíp ra đời.
Cứ mỗi độ xuân về, lại có thêm hàng chục người được phong làm Chân nhân, hàng chục môn đạo pháp được phong thành Thần thông.
Thậm chí những người chuyên nghiên cứu lịch sử giới tu đạo còn gọi những thời kỳ sau đó là “Mạt pháp” khi so sánh với thời hoàng kim bấy giờ.
Và nhắc đến thời hoàng kim, có một người mà bất cứ chuyên gia lịch sử nào trong suốt hơn ngàn năm cũng không thể không nhắc tới.
Người đó là “Quỷ đạo nhân”.
Ông được biết đến như một kẻ điên, nhưng cũng là một trong những người uyên bác và lỗi lạc bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử.
Người ta nói đến ông là nói đến một kẻ say mê quỷ đạo, yêu thích những linh hồn đã chết, đam mê với lệ quỷ, ác quỷ, ngạ quỷ, thậm chí tự tay nuôi dưỡng không ít quỷ vương.
Ông cũng là người đặt nền móng cho Ngự Quỷ Phái, môn phái hùng mạnh nhất giới tu đạo.
Thậm chí thời đầu chiến tranh của người tu đạo, Ngự Quỷ Phái một mình chống lại tất cả những môn phái khác mà không hề thua kém bao nhiêu.
Và đã nhắc tới Quỷ đạo nhân, không thể không nhắc tới tất cả tinh hoa trí tuệ, mồ hôi xương máu mà ông để lại cho những đời sau – bí kíp “ Thiên Quỷ Bí Truyền” - một cuốn sách độc nhất vô nhị trong suốt chiều dài phát triển của giới tu đạo.
Người ta đánh giá rằng chưa từng có một quyển bí kíp nào có ảnh hưởng mạnh như nó.
Tám trăm năm sau ngày nó sinh ra, tất cả những môn phái, những phép thần thông, đạo pháp có liên quan đến quỷ và trừ tà đều được bắt nguồn hoặc lấy cảm hứng từ nó.
Thậm chí người được xem là ông tổ của nghề trừ tà sau chiến tranh tu đạo là Kim Thiền chân nhân cũng thừa nhận rằng ông có thể được như vậy là do thừa hưởng một số trang sách của cuốn “Thiên Quỷ Bí Truyền”.
Cuốn nuôi quỷ bí truyền trong tay thằng Ca chỉ là một phần rất nhỏ được ứng dụng từ cuốn sách trứ danh đó.
Sau chiến tranh, Ngự Quỷ Phái bị chia cắt thành nhiều phái nhỏ và sống dưới bóng tối của thời đại, trong đó chủ yếu chia làm hai dòng chính: “Dưỡng Quỷ Đạo” và “Nhập Quỷ Đạo”.
Lực lượng chủ yếu của Dưỡng Quỷ Đạo là thợ nuôi quỷ còn Nhập Quỷ Đạo là thợ săn quỷ.
Vì cả hai dòng đều bị người tu đạo đuổi giết chí tử nên số lượng của bọn họ cũng hao dần đi theo thời gian.
Nuôi quỷ bí truyền cũng dần ít được biết đến.
Đến thời của Lê Tấn, những kẻ đích truyền của dòng dưỡng quỷ đã chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Từ ngày lấy được cuốn sách, thằng Ca bắt đầu mê mẩn trong sự huyền bí lớn lao của nó.
Y trở thành một thợ nuôi quỷ rất nhanh.
Thế nhưng những con quỷ trong vùng mà y đang sống quá yếu ớt để có thể giúp y thu thập được nhiều công đức hơn.
Y cần những con quỷ hùng mạnh.
Lúc này hồn ma Lê Tấn đang ngụ trong mấy mảnh xương bắt đầu chỉ dẫn cho thằng Ca đến cầu Bùn.
Lê Tấn biết nơi đó còn tồn tại một số lượng quỷ rất lớn đang bị phong ấn, thỏa sức cho thằng Ca nuôi dưỡng.
Thằng Ca bắt đầu dung đám quỷ lâu la đang nuôi đi lừa bịp tiền của đám người giàu trong những ngôi làng xung quanh.
Sau khi thu được một khoản kha khá, y liền khăn gói lên đường đi đến cầu Bùn.
Nhưng vùng đó quá rộng để một mình hắn có thể tìm kiếm.
Vì thế thằng Ca rủ them đám đàn em trong làng đi cùng.
Đến vùng cầu Bùn thằng Ca mua tạm một căn nhà hoang gần đấy cho đám đàn em tá túc, còn mình thì bắt đầu sắm sửa các loại nguyên liệu để thực hiện pháp thuật.
Dưới sự chỉ đạo của Lê Tấn, phép thuật quả nhiên thành công dễ dàng, nó chỉ dẫn cho thằng Ca tìm đến nơi có nhiều lệ khí nhất trong vùng đất chết.
Quả nhiên thằng Ca cuối cùng cũng tìm được con hình nhân khổng lồ.
Mặc dù đã bị phong ấn nhưng cả thằng Ca và Lê Tấn vẫn có thể cảm nhận được nguồn sức mạnh khủng khiếp bên trong con hình nhân bằng vải.
Thằng Ca cũng không biết mô tả như thế nào, nhưng từ khi tiếp xúc với con hình nhân, máu của y cứ như muốn đông lại.
Trái tim đập thùng thùng khiến y nghe rõ ràng từng nhịp một.
Thằng Ca nhận ra Lê Tấn cũng không hề muốn đến gần con hình nhân.
Có vẻ như y cũng đang sợ hãi nó.
Thậm chí từ vùng đất chết cho đến lúc về tới nhà, cả hai không hề nói chuyện với nhau một câu nào.
.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...