CHƯƠNG 4 – NĂM NĂM BINH XUẤT VŨ UY MẤY LẦN[1].
Mặt trời gắt gay như hong sấy, thậm chí cả không khí phía dưới cũng không dám lưu chuyển, tất cả đều hanh hao lại bất an khó tả.
Chu Kỳ tận lực nghiêm mặt đứng phía sau Tĩnh tây vương, mạnh mẽ đậy lại nỗi thấp thỏm sâu trong tâm khảm.
Bên dưới đài cao nơi hai người đang đứng là một thao trường vô cùng rộng lớn, lúc này đây tuy chưa có lấy một bóng người, nhưng chỉ dựa vào tiếng hô quát đồng đều như phô thiên cái địa phía ngoài lấn át cả tiếng gió khô nóng cuồn cuộn nơi Tái bắc cũng có thể thấy được lượng quân số khổng lồ tới mức nào, pháp luật kỷ cương nghiêm ngặt tới bao nhiêu.
Tĩnh tây vương chắp tay đứng giữa đài, môi mím chặt, sườn mặt vốn đã lãnh ngạnh lại càng thêm phần lương bạc. Dường như chú ý tới nét mặt cứng ngắc của Chu Kỳ, gã kiêu ngạo nhếch mép, tay phải giơ lên, sau đó mạnh mẽ mà dứt khoát hạ xuống.
Sau đó, có một binh sĩ chạy ra giữa thao trường, giương cao một mặt đại kỳ, Chu Kỳ nheo mắt nhìn, nền cờ đen tuyền phần phật nổi bật chữ “Tĩnh” vàng kim, dài chừng cả trượng, đúng là quân kỳ, có lẽ đại diện cho chủ soái.
“Thùng thùng thùng…”
Hai sườn không ngừng vang vọng tiếng trống giã liên hồi, một toán sĩ binh dần xuất hiện từ phía sườn đông bắc tiến ra thao trường, hàng trăm người đều bước như một, tiếng bước chân hòa vào tiếng kèn lệnh giữa cái yên tĩnh càng phá lệ chói tai, sau đó là tới toán thứ hai, toán thứ ba…
Chu Kỳ sững sờ trông theo, chỉ vỏn vẹn một nén nhang, chừng bốn năm nghìn người đã tập kết chỉnh tề giữa thao trường, từ xa trông lại chỉ thấy vô số điểm đen hàng lối ngay ngắn trật tự lấp kín cả thao trường, hệt như những quân cờ đen nhánh trên bàn cờ.
Chu Kỳ cũng rõ, những quân cờ này, đều mang theo nanh vuốt sắc nhọn, sát nhân kiến huyết.
Lại có mấy giáo úy bước lên trước, quỳ gối hành lễ với Tĩnh tây vương.
Tĩnh tây vương gật đầu, dõng dạc: “Bắt đầu đi.”
Mấy giáo úy đứng thành một hàng trước toán sĩ binh, sau đó mỗi người rút trong người ra một chiếc cờ con.
Chu Kỳ đếm được có tổng cộng năm màu xanh, đỏ, trắng, đen và vàng. Trước khi tới Bắc Cương, Chu Kỳ cũng từng nghiên cứu sơ qua binh pháp, y biết xanh là trực trận, trắng là phương trận, đỏ là duệ trận, đen là khúc trận, vàng là hoàn trận. Vốn cũng không lấy làm ngạc nhiêu nhiều lắm, chẳng qua những bố trận trong dĩ vãng chỉ có một người cầm cờ, đằng này có tới năm người, nội tâm không khỏi âm thầm suy đoán.
Trống trận lại dồn vang, năm người lúc thì đồng loạt khi lại chỉ có một hai người phất cờ. Binh sĩ đang đứng yên bỗng chốc di chuyển nhanh như điện, chưa đầy một nén nhang đã phục hồi vẻ trang nghiêm bất động nguyên sơ.
Vẻ mặt ai nấy đều bình thản, có lẽ vì thường được chứng kiến cảnh tượng này, nhưng Chu Kỳ thì khác, nhịp tim y đập dồn như trống trận, hàng ngàn con người biến đổi trận hình, mà trừ tiếng quân trang loạt soạt chạm nhau thì không còn bất cứ một tạp âm nào khác.
Tĩnh tây vương thấy y sững người mà tự phụ cười, vẫy vẫy tay với y ý bảo tới bên cạnh gã. Chu Kỳ đang phi thường hiếu kỳ, cũng không chối từ, tiến lên nhìn cho rõ.
Mấy nghìn người bị chia thành năm, sáu toán nhỏ, trùng trùng điệp điệp, Chu Kỳ chú ý thấy quân kỳ được vây tại hậu phương, từ ngoài vào trong, càng lúc càng hẹp.
“Đây là trận Ngư lân[2].” – Tĩnh tây vương nói – “Ngươi thấy sao?”
Chu Kỳ khiêm tốn: “Hạ quan là quan văn, không am hiểu binh pháp.”
Con mắt Tĩnh tây vương sâu kín khóa trên mặt y: “Làm phụ tá của Bản vương, phải dám nói dám làm, không phải e dè múa rìu qua mắt thợ.”
Chu Kỳ cân nhắc nhận xét: “Trận hình này, nhìn chung là tương đối vững chắc, khi nghênh địch, chủ soái đứng vị trí sau cùng, vừa lợi cho việc chỉ huy vừa không bị phân tán, song có duy nhất một vấn đề, đó là nền tảng không vững, hậu phương vô cùng bạc nhược. Nếu như quân địch đánh lén từ phía sau thì chủ soái sẽ rất nguy hiểm.”
Tĩnh tây vương có đôi chút kinh ngạc với câu trả lời của y, gã quay ra phân phó gì đó với Trương Khuê đứng bên. Một lúc sau, Chu Kỳ mẫn cảm nhận ra tiết tấu trống trận đột nhiên gấp hơn trước, tựa chừng như ngay cả mặt đài dưới gang bàn chân cũng khẽ rung lên. Mấy giáo úy tay cầm cờ cũng giương đủ loại tư thế, chớp mắt, trận hình đã đổi hình thay dạng, chẳng rõ từ đâu xuất hiện một toán cung thủ vây quanh chủ soái, mà song song với đó, từ hai bên thao trường cũng vọt ra mấy đội kỵ binh bảo hộ hai cánh.
Tĩnh tây vương thì thầm bên tai y: “Đây là trận Hạc dực[3], so với trận Ngư lân khi nãy thì thế nào?”
Hai người dựa vào nhau thật gần, hơi thở nóng nực cũng chực phả bên cổ y, Chu Kỳ không được tự nhiên mà khẽ nhích ra xa: “Thêm cung thủ và kỵ binh tất nhiên là mạnh hơn nhiều, nhưng cũng lộ rõ vẻ cồng kềnh.”
Trên mặt vị Tĩnh tây vương vẽ lên ý cười như có như không, gã không hỏi thêm gì nữa mà nhàn nhã thưởng thức binh sĩ của mình thao luyện.
Vì thế, Chu Kỳ may mắn được chứng kiến trận Trường xà[4], trận Linh quy, trận Thất tinh và nhiều trận thế khác. Một ngày hạ xuống, y chỉ thấy đầu óc váng vất quay cuồng, không rõ là vì ánh nắng chói chang nướng chín hay bởi sức uy hiếp của quân đội Lũng Tây.
Trời chiều ngả về tây, khói bếp chờn vờn.
Trước không thôn xóm không khách ***, Châu gần nhất cũng cách mấy trăm dặm, Tĩnh tây vương hạ lệnh hạ trại ngay tại chỗ.
Lính cấp dưỡng lấy ra một chiếc chảo cỡ lớn, nhặt chút củi lửa, kiếm chút thú hoang, nướng qua loa cũng thành một bữa.
Chu Kỳ chọn một tảng đá sạch sẽ ngồi xuống, hứng thú quan sát mấy sĩ tốt trẻ tuổi vung quyền uống rượu.
“A, huynh đệ, mới tới hả? Ta chưa từng thấy huynh trước đây.”
Chu Kỳ nhìn lại, phát hiện ra đó là một thiếu niên hoạt bát, tuổi đời nhiều lắm mới chỉ chừng mười bảy, mười tám tuổi.
Y nhỏm dậy, ngồi xuống bên cạnh họ: “Ừ, ta là lục sự mới tới.”
Thiếu niên thật thà cười: “Tụi này đều là quân Uy Nhung, huynh thì sao, cũng tòng quân hả?”
Chu Kỳ sửng sốt, sau đó thì minh bạch, thiếu niên xuất thân nông gia, với loại quan chức lục sự này cũng không hiểu, y khoan dung cười: “Ừm, cũng xem như là tòng quân, cứ coi như là một tú tài tòng quân đi.”
Thiếu niên trợn tròn mắt: “Tú tài? Là người tri thức đó nha. Nào, ta mời huynh một chén.”
Chu Kỳ nhận chén rượu trong tay thiếu niên, nhìn về phía những người còn lại: “Mọi người thủ vệ khổ cực, ta cũng kính mọi người một chén.” – ngừng lại một lúc, sửa lời: “Ta mời mọi người một chén.”
Đều là hán tử hảo sảng, ai nấy đồng loạt uống cạn một hơi.
Thiếu niên nhoẻn cười: “Ta là Vu Tiểu Hổ, còn huynh?”
Chu Kỳ có chút men, nói: “Tại hạ Chu Kỳ, đứng hàng thứ ba, bằng không gọi ta là Chu tam cũng được.”
Vu Tiểu Hổ hỉ hả: “Vậy gọi ngươi là tam lang đi.”
Chén rượu nối nhau, không rõ là ai cất lên làn điệu gia hương trước, cũng không biết là ai nhắc về cha mẹ đầu tiên.
Trước mắt là thiên không mênh mang vạn trượng, thấp thoáng ngân hà le lói.
Hương rượu trong miệng không phải loại thuần hương liệt tửu, bên tai cũng không phải giọng oanh ca tiểu khúc hồi hương, tình cảnh này cách hưởng thụ xa lắm, vậy mà không biết vì sao, bao gút thắt nhớ nhung gia hương quẩn quanh trong lòng dần dần lắng xuống, Chu Kỳ khóe miệng ngậm ý cười, vừa trông mấy tiểu tử cười đùa vừa đút thêm củi vào đống lửa bập bùng.
“Chu lục sự.” – dường như Trương Khuê luôn xuất hiện vào những lúc không được hoan nghênh nhất, bốn phía lập tức im bặt như tờ.
Chu Kỳ cau mày: “Có chuyện gì?”
Trương Khuê, vẫn cái vẻ ngông nghênh ngạo mạn đó, kiêu ngạo: “Vương gia triệu ngươi qua.”
Đám người Vu Tiểu Hổ đều rít mạnh một ngụm , Chu Kỳ từ tốn đứng dậy, cười: “Hôm nay có thể quen biết cũng là cái duyên, chẳng biết bao giờ mới được cùng nâng chén sướng ẩm lần nữa. Ta đây có chút rượu nhạt từ gia hương, để lại cho các ngươi nếm thử.”
Dứt lời, Chu Kỳ rút từ trong lòng ra một bầu rượu lục biếc thon nhỏ, nhẹ nhàng đặt xuống mặt đất, xoay người đi.
Vu Tiểu Hổ đón lấy, gõ mấy cái đinh đinh đang đang lên thành bầu, rồi ngạc nhiên kêu lên: “Ôi, cái này làm bằng gì đây, nào có đá nào đẹp thế này, không phải ngọc thiệt đó chứ?”
Cả đám châu đầu vào xem, ngươi sờ một cái ta vuốt một cái, tới khi ngẩng đầu lên, bóng dáng Chu Kỳ đang sớm biến mất giữa màn đêm u tối.
____________
1. Tần niên xuất Uy Vũ: Trích “Tái hạ khúc” của Quách Chấn do Phanlang dịch.
Nguồn: Tái hạ vũ
2. Trận Ngư lân (trận vảy cá): Đại tướng nằm phía sau đội hình, binh lực tập trung chủ yếu ở giữa. Trận Ngư Lân chia quân lực thành 5 – 6 cụm, tầng này xen kẽ tầng kia, phân phối theo bậc thang. Là loại trận hình tấn công.
3. Trận Hạc dực (trận cánh Hạc): Đại tướng nằm trong đội hình, chủ yếu dùng binh tướng bao vây xung quanh, hai cánh quân trái phải tạo thành hình vòng cung như cánh chim. Là trận hình vừa công vừa thủ.
4. Trận Trường xà: Là một trận pháp cổ, dàn quân đội thành trận thế dài và hẹp. Trận Trường Xà căn cứ vào tập tính của xà mà có 3 loại biến hóa:
– Tấn công bằng đầu xà, đuôi di chuyển, cuốn.
– Tấn công bằng đuôi xà, đầu di chuyển, cắn.
– Thân xà giáp lá cà, đầu đuôi di chuyển, siết.
Nhờ có 3 loại biến hòa này mà trận Trường Xà di chuyển tựa như cự mãng xuất kích, công kích sắc bén vô cùng! Đăng bởi: admin
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...