CHƯƠNG 29 – TIẾNG AI KHẮC KHOẢI TRONG THINH LẶNG.
Từ ngày Thái Từ rời đi, cuộc sống của Chu Kỳ đột nhiên thanh tĩnh hơn hẳn.
Dù vẫn bị cấm túc như trước kia, song tầng tầng lớp lớp binh sĩ canh ngoài cửa viện đã dần giảm bớt, thậm chí nếu Chu Kỳ kiên quyết mong muốn còn có thể ra khỏi biệt uyển đi dạo chung quanh.
Hiên Viên Phù vẫn thường xuyên ghé qua, không rõ khi trước Thái Tử đã nói gì với gã mà tính tình gã biến đổi hẳn.
Không còn những câu châm chọc lạnh lùng, lời nào lời ấy tổn thương người như mọi khi nữa, gã trở nên kiệm lời, nhất là khi ở bên y.
Im lặng ẩm trà, lặng lẽ nghe đàn, trầm mặc giao hoan.
Ngày dài vô ngữ, đối diện vô ngôn.
Chu Kỳ biết, cuộc mật đàm giữa Thái Tử và Hiên Viên Phù đơn giản là giúp y làm sáng tỏ vụ việc Giang Ước ám sát không thành, về phần Hiên Viên Phù có tin hay không, gã không nói, y cũng chẳng hỏi.
Nhưng, có lẽ kết quả là thế nào đi chăng nữa thì y cũng chẳng thể rời khỏi Lương Châu.
*
Mồng sáu, tháng năm, Vĩnh Gia năm thứ tư, lập hạ, Hiên Viên Phù dẫn theo quan viên Lương Châu tới miếu Long vương tại Cô Tang làm lễ cầu mưa, Chu Kỳ không đi theo.
Biệt uyển khoác lên bộ cánh biếc xanh của cỏ cây hoa lá. Chu Kỳ vừa nhai đậu tằm luộc vừa viết thư, được một lúc mỏi mệt, y giương mắt nhìn ra, trời trong gió hòa, thiên cao vân đạm.
*
Mười lăm tháng bảy, lễ cô hồn, Hiên Viên Phù ngủ lại biệt uyển.
Nửa đêm Chu Kỳ khoác áo nhỏm dậy, y lôi ra một xấp giấy tiền, lại gấp mấy con thuyền giấy, vài nén bạc giấy.
Tìm một khoảng đất trống, tùy tay vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất, bên trong có đề — Giang Ước, Lý Đại Ngưu, Trịnh tổng quản, Mạt Húc, các cô nương trong Việt Khê lâu…
Tất cả đều đã ngủ say, mình Chu Kỳ yên lặng dùng gậy trúc gảy giấy tiền, nhìn theo tàn tro mang từng bụi lửa chầm chậm bay xa.
Rành là tam phục thử thiên[1](thời kỳ nóng nhất trong năm), giấy đốt xong, tay chân cũng là lạnh lẽo.
Nghiệt hỏa tam thiên có thiêu cháy cả thiên địa, há lại có thể đốt sạch được nghiệp chướng nghiệt oan?
*
Rằm tháng tám, Trung thu.
Hiên Viên Phù phái người đưa tới một thanh cầm, dù không giống danh cầm tiêu vĩ nhưng cũng được xưng là thượng cầm thuộc hàng xuất chúng.
Chu Kỳ thử gảy một đoạn, lại chẳng nên điệu nên vần.
Cùng theo thanh cầm còn có một chiếc bánh Trung Thu, có lẽ được mang tới từ Trung Nguyên nên trông đã chẳng còn sắc mới. Chu Kỳ bẻ thành mấy miếng con, chia cho Trung thúc và Tố Huyền.
Ăn miếng bánh, thưởng trăng rằm, vốn nên tức cảnh sinh tình, đâu lại bỗng nhoẻn cười không đâu.
Y chợt thèm cháo.
*
Mồng chín tháng chín, Hiên Viên Phù dẫn già trẻ trong phủ ra ngoại thành leo núi thưởng ngoạn, Chu Kỳ lười nhác, không đặt chân lên đỉnh mà đón gió giữa lưng chừng.
Chiều tối trở về phủ, Chu Kỳ ăn ba miếng bánh Trùng dương, nhâm nhi ba chén rượu hoa cúc, viết ba phong thư.
Giờ hợi canh ba, Hiên Viên Phù tới, ôm Chu Kỳ ngủ mấy canh giờ, trời chưa sáng đã rời đi.
Sau đó Chu Kỳ nghe được từ Thanh Thương, Đột Quyết nổi loạn, Tả hiền vương bị thuộc hạ hại chết, con hắn là A Sử Na Ô Mộc lên kế vị.
*
Trừ tịch, Hiên Viên Phù tổ chức đại yến quần thần tại Vũ Đức điện, tiếng pháo trắng đêm vang, Chu Kỳ lủi trong tiểu viện, bị quấy nhiễu trằn trọc, một đêm không ngủ.
Rút dưới gối ra một hộp gấm, tỉ mỉ lật xem.
Tới Lũng Tây gần hai năm, nhận được thư nhà bảy phong, Cố Bỉnh năm phong.
Chẳng có việc gì làm, Chu Kỳ liền ngồi trước án, sao chép mỗi phong thư hai lần, cho tới khi từng nét đều nằm trọn trong tim, hạ bút thành văn.
Lối viết thế bút của phụ thân khoáng đạt, cuối nét mượt mà, kết cấu không câu nệ gò bó, đạt tới cảnh giới siêu phàm; còn nhị ca thì phóng túng mà lưu động, mạnh mẽ mà phóng thoáng, càng chứng tỏ công sự bộn bề hơn khi đôi chỗ viết ẩu, thư sau so với thư trước lại càng thêm rõ ràng; lối viết chữ Khải[2] của Cố Bỉnh thì xinh xắn mượt mà, duyên dáng mảnh mai, từ đầu tới cuối không một nét sửa sai, đều tăm tắp như một cây thước đo.
Chu Kỳ mỉm cười một lúc, dù sao cũng không buồn ngủ, y liền bắt chước bút tích của từng người, cũng tự viết thư gửi nhà.
Bên viết bên cười, cho tới khi phương đông dần rạng.
*
Mười lăm tháng Giêng, Vĩnh Gia năm thứ năm, tết hoa đăng.
Dù Lương Châu không náo nhiệt được như trong kinh thành, nhưng cũng giăng đèn kết hoa khắp nơi khắp chốn.
Chu Kỳ theo Hiên Viên Phù đi lên cổng thành, đã có hạ nhân đứng trực sẵn điểm đèn trời cung kính mời Vương gia viết câu cầu phúc. Hiên Viên Phù nhìn Chu Kỳ, đưa cho y một cái.
Hiên Viên Phù sột soát vài nét bút chẳng buồn đắn đo, một lần là xong, Chu Kỳ lại ngẩn ngơ một lúc lâu, sau cùng mới qua loa vài chữ.
Giữa biển trời đêm mênh mang bất tận điểm xuyến vô vàn ngọn đèn trời được gió đẩy đưa, hệt như những vì tinh tú.
Dường như Hiên Viên Phù đã nói gì đó với y giữa đêm tối, nhưng rồi gió lớn đã cuốn phăng chúng đi trong chớp mắt.
*
Mồng hai tháng hai, Long sĩ đầu[3].
Chu Kỳ đếm, một năm đi qua y đã viết được hơn trăm phong thư.
Phân loại từng phong từng phong vào hộp gấm, Chu Kỳ nhoẻn cười vui.
Có lẽ đã tới lúc…
_______________
1. Tam phục thử thiên: chỉ thời kì nóng nhất trong năm, sơ phục: 10 ngày, tính từ canh thứ ba sau Hạ Chỉ; trung phục: 20 ngày, tính từ canh thứ tư sau Hạ Chỉ; mạt phục: 10 ngày, tính từ canh thứ nhất sau Lập Thu.
2. Chữ Khải: Một trong số những cách viết cơ bản của chữ Hán.
3. Long sĩ đầu: ngày hội truyền thống của Trung Quốc vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm, dân gian gọi là lễ Thanh Long, tương truyền là ngày ‘rồng ngẩng đầu’. Người dân chào mừng lễ “Long đầu” với lòng thành cầu rồng cho mưa, cầu trời phù hộ cho mùa thu hoạch tốt tươi. Đăng bởi: admin
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...