Vọng Giang Nam - Trúc Hạ Tự Trung Nhất Lão Ông

CHƯƠNG 2 – NGƯỜI LẠ SỐNG NƠI ĐẤT KHÁCH.
Thu dọn xong xuôi, Chu Kỳ dẫn theo Tố Huyền đi dạo trên đường phố Lương Châu.
Không thể không công nhận, tình hình ở đây khá hơn y dự đoán rất nhiều. Bố cục thành trấn Lương Châu có phần na ná Trường An, đường rộng thông thoáng, chia thành Nha thành, Tử thành và La thành. Nha thành là nội thành, lấy phủ Tĩnh tây vương làm trung tâm, làm nền móng cho nha môn của quan lại địa phương. Tử thành có nét tương đồng với phố phường Trung Nguyên, tam giáo cửu lưu[1], thương nhân và bình dân tụ tập chung sống. Mà La thành ở rìa ngoài cùng, chia làm hai ngả, đông tây đôi chợ, nam bắc tạp hóa.
Tất cả đều làm y nhớ tới Trung Nguyên, duy chỉ có bức tường thành cao ngất sừng sững kia cùng binh sĩ tuần sát và thương khách vãng lai nhắc nhở y rằng đây không còn là Lạc kinh của Thiên tử, mà là Lương Châu của Tĩnh tây vương.
Đã gần tới giữa trưa, Chu Kỳ chọn một tửu quán có vẻ sạch sẽ nhất, vừa ngồi, tiểu nhị đã niềm nở chạy ra đón tiếp.
“Khách quan, ngài muốn dùng gì ạ?”
Tố Huyền liếc nhìn Chu Kỳ, nhận được ý ngầm ưng thuận thì nói: “Một lư ngư[2] xắt lát, một vịt quay, một kim long phượng giải, thêm một phần anh đào tất la[3].”
Tiểu nhị lăng lăng nhìn hai người: “Khách quan, chỗ chúng tôi không có mấy thứ đó.”
Chu Kỳ nhíu mày, cười khổ: “Suy cho cùng đây là Bắc cương mà. Thôi vậy, tiểu nhị, ngươi chọn mấy món dân bản xứ thường dùng mang ra đây, gì cũng được.”
Tiểu nhị vâng dạ đáp, hỏi thêm: “Khách quan muốn dùng trà gì?”
Chu Kỳ suy nghĩ chốc lát liền nói: “Có Kỳ Thương[4] không? Tước Thiệt[5] cũng được.”
Tiểu nhị tựa chừng như có chút ấm ức: “Khách quan muốn chế giễu chỗ chúng tôi quê mùa hay sao? Chỉ có thô trà, mạt trà thôi, có uống hay không.”
Tố Huyền vừa chực phát tác thì chợt nghe phía sau có người nói: “Được rồi, được rồi, chỗ ta đây có ít Kỳ Thương, đem đi pha, coi như ta mời vị công tử này.”

Tiểu nhị quay ra nhìn người nọ, mặt lập tức đổi thành vẻ nịnh nọt, vâng vâng dạ dạ đáp lời liền cầm đi.
Lúc này Chu Kỳ mới tỉ mỉ đánh giá người vừa cất tiếng, tuổi độ qua năm mươi, hai bên tóc mai hoa râm, khóe mắt nông hoa vân mảnh, chắc hẳn khi trẻ cũng là một trang tuấn lãng.
“Tại hạ Chu Kỳ Tô Châu, xin hỏi quý tính đại danh?”
Người nọ mỉm cười: “Tại hạ Lô Ngang, người Lạc Kinh.”
Chu Kỳ vui vẻ mời: “Nếu Lô huynh cũng đang độc ẩm, không bằng cộng ẩm cùng tiểu đệ?”
Lô Ngang đứng dậy: “Vậy cung kính không bằng tuân mệnh.”
Thức ăn lần lượt được bê ra, Chu Kỳ nhìn lướt qua, khẩu vị nhạt đi ba phần.
“Làm sao vậy?” – Lô Ngang cười nhìn y.
Chu Kỳ lúng túng: “Huynh biết đấy, thịt cũng không phải là món ăn đặc biệt gì ở Trung Nguyên, lại thêm bệ hạ chú trọng cần kiệm, vậy nên…”
Lô Ngang ha ha cười: “Nói như vậy là Lư ngư với vịt quay đều là thức ăn chay hả? Trách không được, Chu công tử xuất thân thế gia lại tiết kiệm như vậy, thật sự là bái phục, bái phục…”
Sắc mặt Chu Kỳ đột nhiên lạnh xuống: “Sao ngươi biết lai lịch của ta?”
Lô Ngang không vơi tiếu ý: “Có lẽ ngu huynh chưa giới thiệu qua thì phải, ngu huynh cũng được xem như là phụ tá dưới trướng Vương gia tại Lương Châu không dưới hai mươi năm.”
Chu Kỳ gắp một miếng thịt dê vào miệng, lập tức cảm giác một thứ vị tanh tưởi xâm nhập thẳng phế tạng, thiếu chút nữa thì nôn, Lô Ngang thấy thế liền ngã cho y chén rượu.

Thường ngày ẩm rượu đều là loại thuần hương thanh đạm, chưa từng nếm qua Thiêu Đao Tử[6]của người Hồ nơi Bắc Cương. Nôn thì công nhận ngừng thật, nhưng từ họng trải xuống ngũ tạng lại bỏng rát như thiêu như đốt, khóe mắt đuôi mày ửng đỏ bừng, cặp mắt hoa đào nhộn nhạo sắc thủy quang.
Lô Ngang thầm than nhẹ, ngoài miệng vẫn đều đều: “Vừa tới Bắc Cương, có thể có chút khó thích ứng. Qua mấy năm nữa là ổn thôi.”
Chu Kỳ bình phục trở lại, uống vội chén trà: “Lô đại nhân vì sao lại tới đây làm quan, là vì chưa tìm được cơ hội trở về ư?”
Lô Ngang bẻ cho y miếng mã lạc[7]: “Sau họa nguyên hữu[8], Mẫn đế lệnh tiên vương gia[9] tới Bắc cương trấn thủ biên cương, khi đó ta là phụ tá tại Vương phủ, cũng liền đi theo. Sau này thì thành gia sinh tử tại đây, tới giờ vẫn chưa có ý định quay về.”
Chu Kỳ nhai thứ thức ăn nhạt thếch trong miệng, thật khó để có thể nuốt trôi xuống, vì thế lại càng thêm bị quan trước viễn cảnh sinh sống tại Bắc cương.
“Lô đại nhân quả là trung thần của Vương gia, hạ quan tự thẹn không sánh kịp.”
Lô Ngang lẳng lặng nhìn y, thản nhiên nói: “Vương gia là chủ tử tốt nhất trong thiên hạ, chỉ cần ngươi không phụ hắn, vinh hoa phú quý, hắn cũng không quên ngươi.”
Chu Kỳ cười đáp: “Đó là tất nhiên, ngay từ thời khắc hạ quan tới Bắc cương đã chuẩn bị sẵn tinh thần tận trung kiệt lực vì Vương gia rồi. Sau này, mong được Lô đại nhân dìu dắt nhiều.”
*
Trở lại thiên viện trong Vương phủ, Chu Kỳ mặt mày ủ dột, không nói không rằng.
“Thiếu gia.” – Trung thúc lo lắng nhìn y.

Chu Kỳ xốc lại tinh thần, mỉm cười: “Không có việc gì, Trung thúc,” – y ngừng một chút mới hỏi: “Có thư?”
Trung thúc gật đầu: “Có thư của lão gia từ Giang Nam, nhị thiếu gia từ kinh thành, thêm cả một vị thiếu gia đồng khoa với thiếu gia cũng từ kinh thành.”
Chu Kỳ tiếp nhận, nhìn tiểu viện trống không quạng quẽ, nói: “Cầm mười lượng đi mua ít cây, đào mận hạnh, gì cũng được.” – bước được hai bước y lại quay đầu: “Tốt nhất là mua mấy loại rau củ nữa, không thì chỉ có nước chết đói ở đây.”
Mê mệt ngủ qua mấy canh giờ, khi tỉnh lại, mặt trời đã ngủ phía sau núi.
Hơn mươi ngày ngựa xe mệt nhọc, cả người đau nhức khó chịu khôn tả, Chu Kỳ nằm ỳ trên tháp không chịu dậy, chỉ thấy dĩ vãng tại Cô Tô[10] có huân hương thú đỉnh hay giường cao gối ấm cũng chẳng ngủ say được như thế bao giờ.
“Thiếu gia, dùng bữa tối chưa ạ?” – Tố Huyền đứng bên ngoài khe khẽ hỏi.
Nhắc tới ăn làm Chu Kỳ nhớ về bữa trưa thịt xắt với mã lạc là ý muốn ăn uống lại hóa hư vô, chán nản nói vọng ra: “Các ngươi ăn đi, không cần để ý tới ta.”
Rút dưới gối ra ba phong thư, Chu Kỳ mở phong thư của phụ thân ra trước, hàng mày khẽ nhíu.
Gần đây sức khỏe đại ca ngày một sa sút, theo cách nói của phụ thân là “Triền miên giường bệnh, qua bữa hôm lo bữa mai.”
Đột nhiên dòng kí ức chợt ùa về, thuở thơ ấu thường được đại ca mang bao của ngon vật lạ từ khắp nơi về cho y; khi nô đùa, mỗi khi nhị ca chiếm thượng phong là lúc nào cũng có đại ca đứng bên bênh vực tương trợ; sau đó thì lớn thêm một chút, đại ca nhị ca lần lượt rời khỏi Giang Nam tiến thân quan trường, còn mình y ở lại Tô Châu, vào thư viện học tập.
Sáng sớm rời giường, đối diện khuôn viên sân ngát bích thụ lan thảo, sau đó tới thư viện gà gật nghe phu tử giảng bài, chiều chiều cùng đồng học trong thư viện quần ba tụ bốn luận bàn học vấn. Hương sen thoảng mặt Thái hồ, lúc nào cũng có một hai chiếc thuyền hoa chở ca kỹ, hoặc thuyền nương trong những ghe đánh cá lác đác, để chàng thiếu niên lang chớm yêu xấu hổ ráng đỏ mặt dưới ánh tà dương.
Là phụ thân của Truất trí sứ, mỗi khi rảnh rỗi phụ tử hai người lại thảnh thơi giữa mái đình phương hoa mà phẩm trà hạ cờ. Trà là trà Tước Thiệt thượng hảo, được ngắt khi tia nắng mai mới nhú, trên mặt còn lấm tấm sương đêm; lửa pha trà cũng phải được chú ý cẩn thận, không thể dùng thứ củi lửa tầm thường dùng trong trù phòng mà phải là loại nhã mộc không mỡ; nước, không thể dùng nước xiết hay nước tù, mà phải là nước mưa, nước suối trong vắt mát lạnh; trà bánh[11], không được ngoài chín trong sống, trà mạt phải nghiền vừa mịn vừa đều…
Chu Kỳ đứng dậy, trán dán lên vách tường băng lạnh, đè nén xuống sự mềm yếu vừa chực trào dâng trong nháy mắt.
Hít thật sâu một hơi, mở phong thư của Chu Quyết và Cố Bỉnh. Thư của Cố Bỉnh hệt như con người hắn, dông dài cằn nhằn, lại chu đáo tỉ mỉ. Mà của Chu Quyết thì hầu như đều đề cập tới chính sự, không ngoài tình huống đại thể trong Tĩnh tây vương phủ, mặt lợi mặt hại liên quan, sau cùng mới không mặn không nhạt vụn vặt đôi câu chuyện nhà – nếu tình trạng của đại ca xấu hơn thì hắn sẽ đem nhi tử của đại ca thành con thừa tự cho y, để y an tâm tại Bắc cương, không cần lo nghĩ nhiều, nếu thực sự không quen sống tại Bắc cương thì hắn sẽ nghĩ biện pháp kéo y về Lạc Kinh, trăm triệu lần không cần miễn cưỡng bản thân, và vân vân khác nữa.
Rõ ràng chỉ là mấy bức thư nhà đầy vặt vãnh, nhưng lại khiến ngực y chua xót, tựa chừng như có thứ gì đó, mặc ý tràn lan.

__________________
1. Tam giáo cửu lưu: Ba giáo phái là Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và 9 học phái lớn thời Chiến quốc là: Nho gia, Đạo gia, âm Dương gia, Phật gia, Danh gia và Mặc gia, Tung Hoành gia, Tạp gia, Nông gia.
Từ này dùng chỉ đủ mọi hạng người trong xã hội.
2. Lư ngư: Cá Lư (cổ nhân gọi là Ngân Lư hay Ngọc Hoa Lư), là một giống cá rất ngon)
3. Tất la: Một món ăn vạch trứ danh khắp miền Nam Bắc từ thời nhà Đường, cũng có người nói rằng đây là một loại bánh bao từ Ba Tư truyền vào.
4. Kỳ Thương: một trong những giống trà đặc sản của tỉnh Chiết Giang. Trà được pha trong nước sôi nở ra, lá có hình quân cờ, mầm tựa cây thương, tên cổ.
5. Tước Thiệt (lưỡi chim sẻ): Danh trà Giang Tô, là loại trà búp, sau chế biến khô quăn thành nhỏ như lưỡi chim sẻ.
6. Thiên Đao Tử: Vị nồng cực mạnh, vào miệng như lưỡi dao bị nung đỏ, nuốt vào bụng giống như ngọn lửa nóng bỏng tựa như tên. Rượu lưu hành chủ yếu ở vùng Liêu Đông xưa (nay là miền đông của Liêu Ninh). Thiên Đao Tử vẫn giữ được vị tinh túy của thuật nhưỡng rượu tỉ mỉ cẩn thận xa xưa, được xưng tụng là Vua của rượu liệt, là mỹ tửu trứ danh của vùng Đông Bắc.
7. Mã lạc: một thành phẩm dạng đặc từ sữa ngựa (có lẽ là bánh sữa, mình đoán thế =_=)
8. Nguyên hữu: ý chỉ những thành viên thuộc đảng cũ.
9. Tiên vương gia: Vương gia đời trước (đã mất) – hay trong tp là cha của Tĩnh tây vương.
10. Cô Tô: cách gọi khác của Tô Châu – một thành phố với một lịch sử lâu đời nằm ở hạ lưu sông Dương Tử và trên bờ Thái Hồ thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
11. Trà bánh (bính trà): là loại trà sau khi đã phơi, sấy, được nghiền nhỏ cho vào khuôn đóng thành bánh, mỗi bánh đều có lỗ có thể xâu lại được. Khi uống thì thái thành từng phiến mỏng, đánh tơi ra như bột, bỏ vào bát rồi châm nước sôi vào. Đăng bởi: admin


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui