Từ khóe mắt ông chỉ vừa vặn thấy màn hình. Màn hình màu bạc đen lẹt xẹt, trái tim trông giống như một bóng ma gờn gợn, những cái đinh và kẹp dùng để nút các mạch máu nổi rõ lên như những cái vỏ đạn đen sì trong ngực ông.
“Gần xong rồi,” một giọng nói.
Giọng đó thốt lên từ sau tai phải ông. Bonnie Fox. Lúc nào cũng điềm tĩnh, chuyên nghiệp, khiến người ta yên lòng. Chẳng mấy chốc ông nhìn thấy nét lượn ngoằn ngoèo như rắn của kính nội soi di động vào trong trường tia X của màn hình, men theo tĩnh mạch vào trong tim. Ông nhắm mắt lại. Ông ghét cái cảm giác bị giật thốc đó, cảm giác mà họ nói ta sẽ không cảm thấy nhưng rồi ta luôn luôn cảm thấy.
“Được rồi, anh không nên cảm thấy thế này,” chị ta nói.
“Phải.”
“Đừng nói chuyện.”
Rồi thì, nó đấy. Giống như cái giật rất nhẹ nơi đầu mút sợi dây câu, một con cá nhép đang nẫng nhẹ mồi câu của ta. Ông mở mắt thì thấy đường viền ống kính nội soi, mảnh như sợi dây câu, vẫn nằm sâu trong trái tim.
“OK, được rồi,” chị nói. “Sắp xong rồi. Anh cừ lắm, Terry.”
Ông cảm thấy chị vỗ vai ông, mặc dù ông không thể ngoái đầu lại nhìn chị. Người ta rút kính nội soi ra, và chị dán miếng gạc lên chỗ rạch trên cổ ông. Cái ngàm nãy giờ giữ chặt đầu ông ở một góc độ đến là khó chịu giờ được gỡ ra, và ông chầm chậm vươn thẳng cổ, giơ bàn tay lên để co duỗi những cơ bắp cứng đờ. Khuôn mặt tươi cười của bác sĩ Bonnie Fox lại treo lơ lửng trên đầu ông.
“Anh thấy thế nào?”
“Không thể kêu ca gì. Giờ mọi chuyện xong rồi.”
“Tí nữa tôi sẽ đến khám cho anh. Tôi cần kiểm tra kết quả xét nhiệm máu và đem mô tới phòng thí nghiệm.”
“Tôi có chuyện muốn nói với chị.”
“Được rồi. Hẹn anh lát nữa.”
Vài phút sau hai cô y tá đẩy giường của McCaleb ra khỏi phòng chụp mạch máu, đưa vào thang máy. Ông không ưa bị người ta đối xử như một kẻ tàn phế. Lẽ ra ông có thể tự đi được, nhưng làm thế là trái nội quy. Sau một ca sinh thiết tim, bệnh nhân phải luôn được giữ ở thế nằm ngang. Các bệnh viện luôn luôn có nội quy này nọ. Cedars-Sinai xem ra có nhiều nội quy hơn bất cứ bệnh viện nào.
Người ta đưa ông xuống khoa tim mạch ở tầng sáu. Trong khi được hai cô y tá đẩy trên giường có bánh xe dọc theo hành lang phía Đông, ông tiến ngang qua phòng của những người may mắn và những người đang đợi - các bệnh nhân đã nhận được tim mới hoặc vẫn đang phải đợi. Họ băng qua một phòng nọ, McCaleb liếc vào qua cửa mở thì thấy một cậu bé nằm trên giường, toàn thân được nối bằng ống vào máy tim-phổi nhân tạo. Một người đàn ông vận com lê ngồi trên ghế phía bên kia giường, mắt nhìn đăm đăm vào cậu bé nhưng lại đang thấy một cái gì khác. McCaleb ngoảnh đi. Ông biết sự tình. Cậu bé không còn sống bao lâu nữa. Cái máy sẽ chỉ giúp cậu trụ được đến thế thôi. Rồi thì người đàn ông mặc com lê - là cha cậu, McCaleb đoán thế - sẽ nhìn đăm đăm một cái quan tài cũng với cái nhìn ấy.
Giờ thì họ đã tới chỗ phòng ông. Người ta chuyển ông từ băng ca lên giường rồi để ông lại một mình. Ông chuẩn bị tinh thần chờ đợi. Qua kinh nghiệm ông biết rằng có thể phải sáu tiếng nữa Fox mới tới, tùy theo ở phòng thí nghiệm người ta xét nghiệm mẫu máu lâu hay chóng và bao lâu nữa thì chị mới ghé chỗ đó để lấy kết quả.
Ông đã sẵn sàng. Cái túi da cũ ông từng dùng để đựng máy vi tính và vô số hồ sơ các vụ ông từng xử lý giờ đây ních cứng những số tạp chí cũ mà ông dành sẵn cho những ngày làm sinh thiết.
Hai tiếng rưỡi sau, Bonnie Fox bước qua ngưỡng cửa. McCaleb đặt cuốn Sửa chữa tàu thuyền đang đọc dở xuống.
“Chà, nhanh thế.”
“Hôm nay ở phòng thí nghiệm có ít ca. Anh thấy thế nào?”
“Cổ tôi nghe như bị chân ai giẫm lên suốt hai ba giờ liền ấy. Chị đến phòng thí nghiệm rồi à?”
“Ừ.”
“Kết quả ra sao?”
“Xem ra thì ổn cả. Không bị thải, mọi cấp độ đều có vẻ ổn. Tôi hài lòng lắm. Một tuần nữa chúng tôi có thể hạ mức prednisone xuống cho anh.”
Chị vừa nói vừa trải kết quả xét nghiệm lên bàn để đồ ăn của cái giường rồi xem lại lần nữa các kết quả tốt. Chị đang nói tới những hỗn hợp gồm nhiều thứ thuốc được trù liệu kỹ lưỡng mà McCaleb uống mỗi sáng và mỗi tối. Lần cuối đếm, ông đã nuốt mười tám viên thuốc vào buổi sáng, tối lại thêm mười sáu viên. Cái tủ thuốc trên thuyền chẳng đủ to để đựng hết đống hộp thuốc. Ông phải dùng một trong mấy hộc trữ đồ ở khoang phía trước.
“Tốt,” ông nói. “Tôi chán phải cạo râu ba lần một ngày lắm rồi.”
Fox gấp kết quả xét nghiệm lại rồi nhấc cái kẹp hồ sơ ra khỏi chiếc bàn con gắn vào giường. Mắt chị nhanh chóng lướt qua phần đánh dấu các câu hỏi mà ông phải trả lời mỗi lần khám.
“Hoàn toàn không sốt à?”
“Hoàn toàn không.”
“Cũng không tiêu chảy.”
“Chả tí nào.”
Qua sự soi đi soi lại hỏi tới hỏi lui không ngừng của chị, ông biết rằng sốt và tiêu chảy là hai triệu chứng báo hiệu cơ quan mới ghép bị đào thải. Ông cặp nhiệt độ ít nhất hai lần một ngày, cùng với đo huyết áp và nhịp tim.
“Các chỉ số chủ chốt xem chừng tốt lắm. Anh cúi tới trước một chút đi nào.”
Chị đặt tấm bảng xuống. Cầm cái ống nghe, trước tiên chị thổi phù phù cho nó ấm lên, đoạn chị nghe tim ở ba điểm khác nhau sau lưng ông. Rồi ông nằm xuống lại và chị nghe qua ngực ông. Chị tự đo mạch của ông bằng cách vừa đặt hai ngón tay lên cổ ông vừa nhìn đồng hồ. Trong khi làm vậy chị ở sát cạnh ông. Chị xức nước hoa mùi hoa cam, mùi mà McCaleb vẫn luôn cho rằng chỉ có ở các bà trọng tuổi. Thế nhưng Bonnie Fox không phải là một bà trọng tuổi. Ông nhìn lên chị, dò xét khuôn mặt chị trong khi chị nhìn đồng hồ.
“Có khi nào chị tự hỏi liệu chúng ta có nên làm thế này không?” ông hỏi.
“Đừng nói chuyện.”
Cuối cùng, chị dịch mấy ngón tay sang cổ tay ông để đo mạch ở đó.
Rồi thì chị rút vòng đo huyết áp ra khỏi tường, đặt lên tay ông để lấy số đo huyết áp, trong khi làm ngần ấy việc chị cứ im lặng suốt. “Tốt,” chị nói khi đã xong xuôi.
“Tốt,” ông nói.
“Liệu chúng ta có nên làm cái gì nào?”
Chị vẫn có cái lối bất thần nối lại một mẩu chuyện trò bị ngắt nửa chừng hoặc bỏ quên. Chị hiếm khi quên bất cứ điều gì McCaleb nói với chị. Bonnie Fox là một phụ nữ nhỏ nhắn trạc tuổi McCaleb, tóc cắt ngắn sớm bị chớm bạc. Áo khoác trắng của chị dài gần như chấm mắt cá chân vì nó vốn được may dành cho người cao hơn. Thêu trên túi ngực là đường viền một hệ tuần hoàn-hô hấp, chuyên ngành phẫu thuật của chị. Mỗi lần họ gặp nhau là chị luôn có vẻ bận rộn, sự vụ. Chị có dáng vẻ tự tin và ân cần, một thể kết hợp mà McCaleb luôn luôn thấy thật hiếm gặp ở đám bác sĩ - mà trong những năm gần đây thì có lắm bác sĩ. Ông đáp lại sự tự tin và ân cần đó. Ông thích chị và tin cậy ở chị. Trong suy nghĩ thầm kín nhất của mình từng có một lúc ông phân vân tự hỏi liệu một ngày kia ông có nên đặt tính mạng vào tay người đàn bà này hay không. Nhưng sự phân vân đó nhanh chóng qua đi và chỉ khiến ông thấy mình có lỗi. Khi đến lúc thay tim, chính khuôn mặt tươi cười của chị là thứ cuối cùng ông thấy khi người ta cho ông ngủ khi chuẩn bị mổ. Đến lúc đó thì trong ông chẳng còn chút phân vân nào nữa. Và chính khuôn mặt tươi cười của chị đã đón ông về lại thế giới, với một trái tim mới và cuộc đời mới.
McCaleb chấp nhận cái thực tế rằng trong suốt tám tuần kể từ khi thay tim đến giờ chưa hề có một trở ngại nào trong quá trình hồi phục của ông, ấy là minh chứng cho thấy lòng tin cậy của ông đặt vào chị là chính đáng. Trong suốt ba năm từ khi ông bước vào phòng làm việc của chị lần đầu tiên, một sự gắn bó đã hình thành giữa hai người, sự gắn bó vượt xa quan hệ chuyên môn đơn thuần. Giờ đây họ là bạn tốt của nhau, hoặc giả McCaleb tin như vậy. Họ đã đi ăn cùng nhau hàng chục lần, đã sôi nổi thảo luận với nhau vô số lần về mọi thứ, từ việc nhân bản di truyền vô tính cho tới phiên tòa xử O. J. Simpson - McCaleb đã thắng của chị hàng trăm đô khi tòa ra phán quyết đầu tiên, ông dễ dàng nhận thấy rằng niềm tin không thể lung lay của chị vào hệ thống tư pháp đã khiến chị mù quáng không thấy được cái thực tế rằng vụ này đậm mùi phân biệt chủng tộc. Chị không còn dám cá với ông về phán quyết thứ hai.
Dù chủ đề có là gì đi nữa thì, đôi khi, McCaleb thấy mình khăng khăng giữ ý kiến trái ngược với chị chỉ vì ông thích giao đấu với chị. Giờ thì, tiếp theo câu hỏi đó, Fox nhìn ông như muốn nói chị đã sẵn sàng cho một cuộc thư hùng tay đôi nữa.
“Liệu ta có nên làm chuyện này không,” ông vừa nói vừa vung một tay lên như muốn bao quát toàn bệnh viện. “Lấy phủ tạng ra, thay phủ tạng mới vào. Đôi khi tôi thấy mình như quái vật Frankenstein thời hiện đại ấy, mang phủ tạng của người khác ở trong người mình.”
“Một người khác, một bộ phận khác. Ta đừng trầm trọng hóa thế đi nào.”
“Nhưng đấy chính là bộ phận quan trọng, chả phải sao? Chị biết đó, hồi tôi còn làm ở Cục, chúng tôi năm nào cũng phải sát hạch bắn súng. Bắn bia ấy mà. Và cách tốt nhất để qua kỳ sát hạch là bắn vào tim. Bắn trúng vòng tròn bao quanh hồng tâm trên mấy tấm bia đó thì được nhiều điểm hơn là bắn vào đầu. Nó gọi là vòng mười. Điểm cao nhất.”
“Thôi nào, nếu lại bàn cãi theo cái kiểu ‘phải chăng chúng ta đang hành động như Chúa trời’ thì tôi nghĩ chúng ta đã qua khỏi cái thời đó lâu rồi.”
Chị lắc đầu, mỉm cười nhìn ông trong mấy giây. Cuối cùng nụ cười tan biến.
“Có gì không ổn vậy?”
“Tôi không biết. Chắc là tôi cảm thấy mình có lỗi.”
“Gì cơ, có lỗi vì mình còn sống sao?”
“Tôi chẳng biết nữa.”
“Đừng lố bịch đi. Chuyện đó ta cũng giải quyết xong rồi. Tôi không có thời gian cho ba cái vụ tội với lỗi của người sống sót. Nhìn xem, ở đây ta có những lựa chọn nào. Đơn giản lắm. Một đằng anh được sống, bằng không anh chết. Quyết định trọng đại đấy. Có tội lỗi gì nào?”
Ông giơ hai tay lên đầu hàng. Chị luôn nêu ra mọi vật trong ngữ cảnh sáng rõ nhất.
“Điển hình thôi,” chị nói, không chịu để ông rút lui. “Anh phải chầu chực hầu suốt hai năm ròng để chờ có tim, chờ dài cổ đến gần như không còn kiên nhẫn thêm được nữa, thế mà bây giờ anh tự hỏi liệu chúng tôi lẽ ra có nên cho anh trái tim đó không. Thật ra điều gì khiến anh day dứt vậy hở, Terry? Tôi không có thời gian nói chuyện nhảm với anh đâu.”
Ông nhìn lại chị. Chị dần dần có được kỹ năng đọc vị được ông. Đó là cái mà tất cả đặc vụ và cảnh sát giỏi nhất ông từng biết đều có. Ông do dự, rồi quyết định nói ra điều ông nghĩ trong tâm trí.
“Chắc là tôi muốn biết vì sao chị không cho tôi hay người đàn bà cho tôi quả tim đã bị ám sát.” Rõ là chị giật thót người. Cú sốc do câu nói của ông gây ra lộ rõ trên mặt chị.
“Ám sát? Anh nói gì vậy hả?”
“Cô ấy bị ám sát.”
“Ra làm sao?”
“Tôi không biết chắc. Cô ấy tình cờ có mặt trong vụ cướp ở cửa hàng bách hóa nào đó ở khu Valley. Bị bắn vào đầu. Cô ấy chết, rồi thì tôi được quả tim cô ấy.”
“Đáng ra anh không được biết bất cứ điều gì về người cho tim. Làm sao anh biết chuyện đó?”
“Vì hôm thứ Bảy vừa rồi chị gái cô ấy đến gặp tôi. Cô ấy kể tôi nghe tất cả... Điều ấy có phần làm thay đổi mọi chuyện, chị hiểu chứ?”
Fox ngồi xuống giường bệnh, tựa người vào ông. Một vẻ nghiêm khắc hiện lên trên mặt chị.
“Trước hết, tôi hoàn toàn không biết tim của anh từ đâu ra. Chúng tôi chẳng bao giờ biết. Nó đến là qua CMN. Chúng tôi chỉ được người ta cho biết có một quả tim mang nhóm máu khớp với người nhận mà chúng tôi đã báo trước và đứng đầu trong danh sách của chúng tôi. Đó là anh. Anh biết cách làm việc của CMN rồi mà. Anh đã xem phim trong quá trình hướng dẫn còn gì. Chúng tôi không biết nhiều thông tin lắm, nhưng cứ vậy là hơn. Chúng tôi biết gì thì tôi nói tất với anh rồi. Phụ nữ, hai mươi sáu tuổi, tôi còn nhớ. Sức khỏe hoàn hảo, nhóm máu hoàn toàn khớp, một người hiến hoàn hảo. Vậy thôi.”
“Thế thì tôi xin lỗi. Tôi cứ ngỡ chị biết nhưng chỉ là không chịu nói.”
“Tôi không biết. Chúng tôi không biết. Thành thử nếu chúng tôi không biết nó là của ai và từ đâu tới thì làm sao bà chị kia biết trái tim được chuyển cho ai, ở đâu? Làm sao cô ấy tìm ra anh được? Đây có thể là cô ta đang giở trò gì đây...”
“Không. Chính là cô ta. Tôi biết.”
“Làm sao anh biết?”
“Bài báo hôm Chủ nhật rồi, chuyên mục ‘Chuyện gì đang xảy ra với...’ ở phần Metro của tờ Thời báo ấy. Nó nói là tôi nhận tim vào ngày chín tháng Hai và tôi đã phải chờ một thời gian dài vì nhóm máu của tôi hiếm. Cô chị đọc được bài ấy và chắp nối mọi chuyện với nhau. Cô ấy rõ ràng là biết em gái mình chết khi nào, biết rằng tim cô em được mang hiến, và cũng biết cô em có nhóm máu hiếm. Cô ấy là y tá phòng cấp cứu ở bệnh viện Holy Cross nên nghĩ ra ngay rằng đó là tôi.”
“Thế vẫn chưa có nghĩa là anh đang mang tim của cô...”
“Cô ta còn có lá thư tôi viết nữa.”
“Thư nào?”
“Lá thư mà sau đó ai cũng viết ấy. Lá thư không ký tên, để cảm ơn gia đình người hiến. Lá thư mà bệnh viện gửi đi ấy. Cô ta có lá thư của tôi. Tôi nhìn qua là nhận ra ngay thư của tôi. Tôi nhớ mình đã viết gì mà.”
“Chuyện này không thể xảy ra được, Terry. Cô ta muốn gì? Tiền à?”
“Không, không phải tiền. Chị không hiểu ư? Cô ấy muốn tôi tìm cho ra ai làm chuyện đó. Ai giết em cô ấy. Cảnh sát chưa hề kết thúc được vụ ấy. Đã hai tháng rồi mà chẳng thấy bắt ai. Cô ấy biết là họ chịu thua rồi. Thế rồi cô ấy đọc được bài viết về tôi ở trên báo, về chuyện hồi trước tôi hay làm gì ở Cục Điều tra Liên bang. Cô ấy đoán ra tôi đã được ghép tim của em cô ấy và cho rằng biết đâu tôi làm được điều cảnh sát không làm được. Phá vụ án này. Hôm thứ Bảy cô ấy loanh quanh suốt một tiếng đồng hồ ở vũng neo thuyền để tìm thuyền của tôi. Cô ấy chỉ biết mỗi cái tên chiếc thuyền nhờ đọc trong bài báo. Cô ấy đến để tìm tôi.”
“Thật điên rồ. Cho tôi tên của cô ta đi, rồi tôi sẽ...”
“Không. Tôi không muốn chị làm gì cô ấy hết. Cứ thử hình dung nếu chị là cô ấy và chị rất yêu em gái chị. Chị cũng sẽ làm như cô ấy thôi.”
Fox đứng dậy khỏi giường, chăm chăm nhìn ông.
“Anh không thực sự định làm chuyện này đâu.”
Chị nói như thể một lời phán, một mệnh lệnh của bác sĩ. Ông không đáp, và bản thân việc đó là một lời đáp. Ông có thể thấy một lần nữa nỗi tức giận trào lên mặt Fox.
“Nghe tôi đây. Với tình trạng anh hiện giờ thì anh không thể làm việc gì như thế được. Anh đang trong thời kỳ sáu mươi ngày sau thay tim, thế mà anh lại muốn chạy lông nhông chơi trò thám tử à?”
“Tôi chỉ đang nghĩ tới chuyện đó thôi, được chưa? Tôi bảo cô ấy là tôi sẽ cân nhắc. Tôi biết những rủi ro có thể xảy ra mà. Tôi cũng biết tôi không còn là nhân viên FBI. Đó là chuyện hoàn toàn khác nữa.”
Fox giận dữ khoanh đôi tay mảnh khảnh trước ngực.
“Ngay cả nghĩ tới anh cũng không nên nghĩ. Với tư cách bác sĩ của anh, tôi bảo anh không được nghĩ. Lệnh bác sĩ đấy.”
Sau đó giọng chị thay đổi âm sắc, dịu hẳn đi.
“Anh phải trân trọng món quà anh được tặng, Terry ạ. Cơ hội thứ hai này.”
“Nhưng sự trân trọng đó có đi có lại. Nếu tôi không nhận được tim cô ấy thì lúc này tôi đã chết rồi. Tôi mắc nợ cô ấy. Chính đó...”
“Anh không nợ cô ta hay gia đình cô ta cái gì khác ngoài bức thư anh đã gửi cho họ. Thế đấy. Đằng nào thì cô ta cũng chết, dù anh hay ai khác nhận tim cô ta. Về điểm này thì anh sai rồi.”
Ông gật đầu tỏ ra hiểu ý chị, nhưng chừng đó chưa đủ với ông. Ông biết, nào phải chỉ vì một điều gì đó là hợp lẽ ở cấp độ tri thức mà người ta cảm thấy dễ chịu hơn với những cơn quặn thắt trong cật ruột mình. Chị đọc được ý nghĩ ông.
“Nhưng sao?”
“Tôi không biết. Chỉ là tôi nghĩ, nếu tôi đi tìm mà biết được chuyện gì đã xảy ra thì hẳn tôi sẽ biết được đó chỉ là tai nạn. Tôi chuẩn bị bản thân mình là để cho điều đó. Khi tiến hành hướng dẫn sơ bộ người ta bảo chị thế, và ngay cả chị cũng bảo tôi thế khi chúng ta bắt tay vào việc. Rằng trăm phần thì có tới chín mươi chín phần đấy là một tai nạn dẫn tới thương tích ở đầu gây tử vong. Tai nạn ô tô, hoặc ai đó ngã cầu thang, ngã xe máy. Nhưng vụ này thì khác. Nó làm thay đổi mọi chuyện.”
“Anh cứ nói thế. Làm sao mà khác kia chứ? Trái tim chỉ là một cơ quan nội tạng, một cái bơm sinh học. Dù chủ nhân ban đầu của nó là ai thì cũng thế thôi.”
“Nếu là tai nạn thì tôi có thể yên tâm. Suốt thời gian tôi chờ đợi, biết rằng ai đó phải chết để tôi được sống, tôi đã dần dần chuẩn bị để chấp nhận việc ấy như một tai nạn. Nếu đúng là tai nạn thì nó giống như số trời đã định hay gì đó. Nhưng còn án mạng... chừng đó thì lại có mưu đồ thủ ác kèm theo. Đó không phải là tình cờ nữa. Thế có nghĩa rằng tôi là kẻ hưởng lợi từ một hành vi ác, bác sĩ ạ, chính vì vậy mà bây giờ chuyện đã khác.”
Fox im lặng một hồi. Chị thọc hai bàn tay vào hai túi bên chiếc áo bác sĩ. McCaleb nghĩ rằng rốt cuộc chị đang bắt đầu thấu hiểu điều ông muốn nói.
“Lâu nay cuộc đời tôi là như vậy,” ông nhẹ nhàng nói thêm. “Tôi luôn truy lùng cái ác. Đó là việc tôi làm. Và tôi từng làm việc đó cừ, nhưng về lâu dài thì nó đã thắng tôi. Nó đã đoạt mất phần tốt nhất của tôi. Tôi nghĩ - không, tôi biết - đó chính là cái đã cướp mất tim tôi. Song giờ đây dường như điều đó chẳng còn ý nghĩa gì bởi tôi đang sống đây, tôi có trái tim mới này, một cuộc đời mới, cái cơ hội thứ hai này mà chị vẫn hay nhắc tới, và lý do duy nhất khiến tôi có nó là bởi cái hành vi tàn ác, ghê tởm này mà ai đó đã làm.”
Ông thở ra một hơi dài trước khi nói tiếp.
“Cô ấy vào cửa hàng ấy để mua một phong kẹo cho thằng nhỏ, thế là cô ấy xong đời - ấy, khác thế thôi. Tôi không thể giải thích được.”
“Anh nói năng chẳng ra nghĩa lý gì sất.”
“Thật khó cho tôi nói hết thành lời như tôi muốn. Tôi chỉ biết tôi đang cảm thấy gì thôi. Với tôi thì có nghĩa lý đấy.”
Khuôn mặt Fox lộ vẻ nhẫn nhục.
“Được rồi, tôi biết rồi anh sẽ muốn làm gì. Anh sẽ muốn giúp cô này. Nhưng anh chưa sẵn sàng. Về mặt thể chất thì hoàn toàn chưa. Còn về mặt cảm xúc, sau khi nghe những gì anh vừa nói, tôi cho rằng để điều tra ngay cả một vụ tai nạn ô tô anh cũng còn chưa sẵn sàng nữa kìa. Có nhớ tôi đã nói gì với anh về sự cân bằng giữa sức khỏe thể chất với sức khỏe tâm thần không? Cái này bổ trợ cái kia. Mà tôi e những gì anh đang nghĩ lui nghĩ tới trong đầu rồi sẽ ảnh hưởng tới sự phục hồi về thể chất của anh thôi.”
“Tôi hiểu.”
“Không, tôi cho rằng anh không hiểu. Anh đang đánh bạc bằng chính sinh mạng anh đó. Nếu mọi chuyện xấu đi, nếu anh bắt đầu bị nhiễm độc hay cơ thể đào thải thì chúng tôi không cứu được anh đâu, Terry ạ. Chúng tôi đã phải chờ suốt hai mươi bốn tháng mới có được trái tim mà anh đang mang. Anh nghĩ rằng nếu anh làm hỏng trái tim này thì đùng một cái từ đâu đó sẽ tòi ra một trái tim khác khớp nhóm máu hay sao? Không đâu. Hiện tôi đang có một bệnh nhân dưới kia phải chạy tim nhân tạo. Ông ta đang chờ tim nhưng chẳng biết bao giờ mới có. Rồi anh có thể cũng thành ra như thế, Terry. Đây là cơ hội duy nhất của anh. Đừng làm nó tiêu tán mất!”
Chị rướn người qua giường, đặt tay lên ngực ông. Nó khiến ông nhớ lại hành động Graciela Rivers đã làm. Ông cảm thấy hơi ấm của nó ở đó.
“Bảo cô ta là không. Hãy tự cứu mình và bảo cô ấy là không.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...