Vì Lẽ Gì Hai Đời Không Về Đến FULL


Hôm sau, trong am Vong Sân, một đứa “bé trai” ăn vận kiểu thư đồng vác theo tay quải xuống núi một mình, xem cái tướng nhảy chân sáo thích chí kia thì quả là Bất Quy không sai.

Trước khi xuống núi cô còn phải nghe mẫu thân dò dặn năm lần bảy lượt chuyện phải làm gì, không phải làm gì.
Vừa xuống chân núi, Bất Quy đã thấy một thiếu niên nhỏ trạc tuổi mình, y phục chỉnh tề đang cố gắng trèo cây, Bất Quy thấy thú vị, bèn tiến đến hỏi: “Ta trèo chung với huynh nhé?”
Câu này khiến thiếu niên nọ sợ đến mức giật bắn người, rơi cái oạch xuống đất, tay vẫn lăm lăm giữ một chú chim nhỏ vẫn còn chưa mở mắt.
“Hóa ra huynh đến đây để trộm chim!”
“Không, không phải mà! Ta đang muốn đưa nó về.” Cậu chàng này vừa thẹn vừa tức, đỏ bừng cả mặt vì lời “buộc tội” của Bất Quy.
“Huynh, huynh cũng vô dụng quá đấy! Đến trèo cây cũng làm không xong.” Bất Quy nhìn nhóc kia đầy khinh thường, giật chú chim nhỏ từ tay cậu chàng rồi dịu dàng ôm vào lòng, sau đó trèo cây thoăn thoắt, nhanh nhẹn đặt chim vào lại tổ của nó.
Bất Quy ngồi lên cành canh, vừa đung đưa chân vừa cười cười: “Hầy dà vị công tử nhỏ này, chẳng hay huynh đã bao tuổi rồi, quê quán nơi nào?”
Dưới tàng cây, người thiếu niên kia vẫn đứng đấy, chút quẫn bách xấu hổ ban nãy đã biến sạch sành sanh, cậu ta ngẩng đầu bảo: “Ngươi chớ có nói bậy nói bạ về chuyện ban nãy đấy nhé.” Nói rồi thì xoay người định đi luôn.
Bất Quy nhanh nhẹn trèo xuống, níu ống tay áo rồi đáp: “Sao lại bảo là nói bậy, chuyện huynh không biết trèo cây là chuyện thật cơ mà.”
Thiếu niên không thèm để ý tới cô bé, nhanh chân bước đi.
“Ta là Bất Quy, chắc huynh cũng biết đường vào kinh mà đúng không? Ta muốn đến phủ An Viễn hầu.” Nói xong cũng tự mình đi theo.
Dọc đường đi, dẫu Bất Quy có thao thao bất tuyệt đến nhường nào thì thiếu niên kia vẫn im thin thít, Bất Quy bắt đầu thấy chán, bèn giơ chân đá đám cỏ bên đường, còn chỉ dâu mắng hòe: “Trông thế mà lại là một nhóc câm.”
Người thiếu niên nọ đột nhiên dừng bước, Bất Quy không để ý, đâm sầm vào người cậu ta.
“Ngươi đến phủ An Viễn hầu trong kinh làm chi?”
“Tất nhiên là đến để báo ân.”
“Báo ân? Báo với ai?”

“Canh Thần đó.”
“Hầu phủ không có người này, ngươi tìm nhầm chỗ rồi, không cần đi theo ta nữa.”
“Sao huynh chắc thế? Huynh quen người trong phủ An Viễn hầu ư? Mang ta theo với?”

Bất Quy lải nhải cả một đường, cuối cùng vẫn không được đáp lại chữ nào.
Đi đến chiều hôm, hai người mới vào cổng thành, một chiếc xe ngựa dừng ngoài cổng, bên cạnh xe còn có một người đang đứng chờ, trông rất nôn nóng, thấy hai người đi đến từ xa thì tiến ngay đến: “Tiểu hầu gia à, cuối cùng thiếu gia cũng về rồi, hầu gia và phu nhân bên kia đã sốt ruột lắm rồi, thiếu gia còn không cho bọn tiểu nhân đi đón, mau lên xe đi thôi.” Nói rồi, gã tiến lên đỡ thiếu niên nọ lên xe ngựa.
“Phủ An Viễn Hầu không có người ngươi muốn tìm, không cần đi theo.” Người ngồi trên xe ngựa nói nhanh một câu như thế, xe ngựa đã bắt đầu chạy, vó ngựa làm cát bụi chung quanh phất phới mịt mù.
Bất Quy ôm một bụng tức giận lang thang trong kinh, đi suốt cả chặng đường dài, bụng cô nàng đã sớm đói móc đói meo, Bất Quy đi đến một tiệm cơm nhỏ: “Chưởng quầy, còn đồ ăn không?”
Ông chưởng quầy bước ra, nhìn thấy người hỏi là một đứa nhóc thì nói ngay: “Nhóc này, đã trễ vầy rồi sao còn lang thang ở đây, mau về nhà đi.”
Bất Quy đáp: “Ta đến đây mình ên thôi, không có người nhà.”
“Hóa ra là đi lạc à, vậy trên người ngươi làm gì có bạc trả tiền cơm, mau đi đi, tuổi còn nhỏ mà đã thế rồi, đáng thương thật.

Hôm nay tiểu hầu gia của phủ An Viễn hầu về phủ, người trong phủ đang định mua cho y một gã thư đồng, nếu ngươi được mua thì từ nay về sau khỏi cần phải lo chuyện cơm áo gạo tiền.” Chưởng quầy kia vừa nói vậy vừa xua Bất Quy ra khỏi quán cơm.
“Thật thế à? Ông có thể nói ta biết phủ An Viễn hầu nằm đâu không?”
“Cứ đi thẳng một đường từ đây, chừng một khắc sau là đến rồi, nhanh đi đi thôi.”
Quả là đi mòn gót sắt mà chả thấy, đến khi gặp được chẳng tốn công(*).

Bất Quy đứng dậy rồi đi về hướng chưởng quầy đã chỉ.
(*) đạp phá thiết hài vô mịch xứ, đắc lai toàn bất phí công phu: Ý nói có những thứ, những chuyện lúc tốn công tìm cho thành thì không được, đến lúc nào đó lại tự dưng được “sung rụng”, câu này có ý sâu hơn là khuyên con người ta đừng nên cưỡng cầu, việc cần viên thành tự khắc sẽ viên thành.

Sáng sớm hôm sau, Bất Quy cùng với ba tên nhóc khác được quản sự hầu phủ đưa đến chỗ tiểu hầu gia.

Từ đằng xa, Bất Quy đã thấy một bóng dáng quen thuộc đang cúi đầu viết chữ, đúng là người thiếu niên hôm qua gặp chẳng sai.
“Ủa? Sao huynh lại ở đây.” Bất Quy vừa vào đã bước tới kéo ống tay áo người thiếu niên.
“Hỗn xược, đây là tiểu hầu gia nhà chúng ta, mi còn không mau lui ra.” Quản sự lập tức tiến lên quát lớn, toan gọi gia đinh lôi Bất Quy đi khỏi đó.
“Không sao.” Thiếu niên vẫy tay cho mọi người lui, “Sau này ngươi cứ ở đây làm thư đồng cho ta đi.”
Bất Quy đứng trước án thư, hơi bối rối: “Huynh, huynh…Thật sự là tiểu hầu gia của nhà này hả?”
“Tên ta là Vô Tư, ngươi gọi thiếu gia cũng được, ta không quan tâm chuyện ngươi đến hầu phủ với mục đích gì, về sau cứ thành thật ngây ngốc ở đây là được, nếu ta mà phát hiện ngươi làm bất cứ chuyện gì, hoặc có bất cứ ý định xằng bậy nào, ắt sẽ nghiêm trị.” Bất Quy vừa nghe vừa đứng gật đầu liên hồi như gà con mổ thóc.
“Vậy năm nay huynh bao tuổi rồi?”
….
“Vô Tư, huynh lớn bao nhiêu rồi?”
….
“Thiếu gia ơi, huynh bao nhiêu tuổi vậy?”
….
“Thúc phát(*)” Vô Tư đáp bằng giọng đầy vẻ phiền chán.
(*): 束发之年: Tuổi vấn lại tóc của con trai thời xưa, rơi vào độ 15 tuổi.
“Là huynh thật này, hay là huynh gọi Bất Quy cho ta nghe chút đi.”


Vô Tư day trán, đứng dậy đi ra ngoài, “Hôm nay không cần theo ta, ngươi cứ đến tìm quản sự học quy tắc trong phủ đi, sáng sớm ngày mai đến đây là được.”
Sáng ngày kế, Bất Quy đứng chờ trước cửa phòng Vô Tư, đợi tầm một nén hương sau Vô Tư mới bước ra: “Đến nhà ăn dùng bữa sáng nhanh chút rồi đi theo ta đến chỗ lão sư.”
Nghe thấy thế, Bất Quy như được đại xá, từ hôm qua cô nàng đã không có gì vào bụng, sáng sớm hôm nay thì bị quản sự bắt đứng đây chờ.
Sau khi ngấu nghiến một đống đồ ăn, Bất Quy bước ra khỏi hầu phủ, vừa ra cửa đã thấy xe ngựa đỗ sẵn ở đấy, Vô Tư mặc áo gấm thêu đã vén rèm bước xuống, làm Bất Quy trông mà hoa cả mắt.
“Vô Tư ơi, hôm nay huynh đẹp lắm đấy, còn đẹp hơn cả mấy tên công tử trong câu chuyện xưa xửa xừa xưa mà các cô tiểu thư ưa khóc kể lại nhiều.” Nghe lời khen tặng vô cùng chân thành đột nhiên nhảy ra từ miệng Bất Quy, huyệt thái dương Vô Tư giần giật đến mức nổi cả gân xanh, lập tức xoay người bước trở vào trong xe.
“Bộp” một tiếng giòn giã, tiếp sau đó là giọng của bà lão nọ vọng đến.

“Tên nhóc này cũng tùy tiện quá rồi đấy, tên húy của tiểu hầu gia nào phải thứ mi có thể bô bô mãi như thế?”
Bất Quy bị người ta đánh thì hơi ngẩn người, lớn chừng này rồi, đến cả mẫu thân cũng chưa từng đánh cô nàng bao giờ, Bất Quy tủi thân đến mức hốc mắt đỏ lự, nước mắt lưng tròng.
“Lên đây.” Lúc Bất Quy còn đang đứng tần ngần ở đó đã nghe thấy tiếng Vô Tư vọng ra từ trong xe, bà lão kia bước đến gần xe ngựa rồi bảo: “Tiểu hầu gia à, thế này là trái quy tắc, mấy gã gia đinh không được ngồi chung với chủ, thiếu gia không thể dung túng tên thư đồng này như thế được.”
“Triệu nhũ mẫu, bà nói câu này mới là trái quy tắc đấy.” Giọng Vô Tư bắt đầu lộ ra vẻ thiếu kiên nhẫn, Triệu nhũ mẫu nghe thế bèn lùi sang một bên ngay, không nói thêm câu nào nữa.
“Bất Quy, lẽ nào ngươi còn đợi ta nhắc lại à? Lên đây.” 
Hoá ra là kêu mình lên xe ngựa, Bất Quy vỡ lẽ, leo vào xe rồi ngồi thu lu một góc.
“Sau này lúc ở ngoài, đừng gọi tên huý của ta.”
“Biết rồi.” Miệng Bất Quy thì đáp qua loa như thế song trong lòng đã bắt đầu “thăm hỏi” mười tám đời tổ tông của bà nhũ mẫu họ Triệu kia rồi, đợi ta về lại địa phủ, nhất định sẽ tìm tên tiểu quỷ chuyên rút lưỡi yêu ma rút cái lưỡi của bà ra rồi bỏ vào chảo dầu chiên cho bỏ ghét.
Xe ngựa lăn bánh băng băng cỡ một khắc sau thì dừng trước một cái viện nhỏ, gạch xanh ngói biếc, trong viện ấy còn trồng một gốc đào, dưới tàng cây có một ông lão đầu râu tóc bạc phơ đang ngồi phơi nắng, trông có vẻ hưởng thụ lắm.

Ông lão này là vị học giả được mọi người kính trọng gọi bằng ba chữ Cốc tiên sinh.
Vô Tư xuống xe, bước nhanh vào viện: “Lão sư, gần đây người có an khang chăng?”
“Ta còn tưởng ai, hoá ra là Vô Tư trở về rồi đấy à, lão tử xưa giờ vẫn luôn khoẻ phăng phăng đấy thôi.


Nào, mau đến đây, chơi với vi sư ván cờ.” Ông lão thấy rõ người đến thì vui mừng lắm.
Thế cờ này giằng co không dứt, cả nửa canh giờ sau mà thắng bại vẫn chưa phân, Bất Quy ngồi xem chán đến mức sắp mốc lên rồi, bèn nói: “Thiếu gia này, nếu huynh không cần người hầu hạ thì có thể cho Bất Quy ra bờ sông đằng kia dạo một lát được không?” Cô nàng còn không đợi Vô Tư gật đầu mà nhanh chân chạy biến đi luôn.
“Thư đồng này của con thú vị ra phết.”
“Lão sư, người thua rồi.”
“Ôi trời, sơ xuất sơ xuất, con đây là đang dùng nhóc thư đồng nhỏ này làm vi sư mất tập trung đây mà, ván này không tính, chơi lại.”
Cứ thế, mặt trời lên cao hơn mấy sào, đã vào trưa, một ván cờ cũng vừa kịp kết thúc.
“Chán chết, nhất định là con nhường ta, không chơi nữa.” Cốc tiên sinh chắp tay ra sau lưng, vừa đi về phía nhà bếp vừa lầm bầm.
“Nhóc thư đồng kia có biết nấu ăn không ta?”
Vô Tư nhíu mày, nhắc đến nhóc kia, chạy ra bờ sông chơi đã lâu vậy rồi mà vẫn chưa về, ắt không gặp bất trắc gì đâu nhỉ, nghĩ thế, chàng nhấc chân bước ra ngoài.
Còn ngoài bờ sông, Bất Quy đang tập trung tinh thần bắt cá.

Lúc ở am Vong Sân luôn phải ăn chay, nhũ mẫu sợ nàng gầy sọp đi nên vẫn luôn lén lút dẫn nàng ra bờ sông bắt cá, dầu sao cá dưới sông nhỏ này đều lớn ơi là lớn, không chụp mấy con mang về thì thật có lỗi với bản thân.
“Bất Quy!” Bất Quy đang muốn khom người bắt một con cá lớn thì chợt nghe thấy có người gọi mình, quay đầu nhìn lại nhưng chưa kịp thấy gì đã bất cẩn trượt chân ngã vào sông.

Vừa giãy giụa được vài bận đã có người đỡ nàng lên bờ.

“Khụ khụ.” Bất Quy phun nước trong miệng ra rồi hít vào một hơi sâu.

Còn đang muốn mắng cái người hại mình thì đã nghe thấy một giọng nói quá đỗi thân quen: “Ta thấy ngươi không phải là người u uất nhiều tâm tư, sao lại nghĩ quẩn thế hả?”
Hết 02..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui