Sáng sớm hôm sau, con gà trống lông đỏ nuôi để gây giống hăng hái vỗ cách phành phạch. Mới có năm giờ mà nó đã trèo lên tường lao* gáy ò ó o. Kim kéo chăn chùm lên đầu ngủ cố thêm lúc nữa. Trời sáng bảnh, thằng cu con lạch bạch chạy sang phòng chị, tắt điều hòa, kéo chăn ra. Kim cố nhắm mắt nhưng bị cu em lôi dậy. Mẹ đi chợ từ tinh mơ, vừa thấy tiếng xe ngoài ngõ thằng em nó biết ngay mẹ về. Kim ra gọi ba, từ sớm ba đã tỉa tót chăm bẵm hàng cây cảnh trước sân:
– Ba ơi, ba vào ăn sáng.
Mẹ mua cho cả nhà đủ loại bánh trái: Nào bánh giò, bánh đúc, bánh xèo. Hôm nay là chợ phiên, năm hôm chợ mới họp một lần, lâu lắm Kim không được đi chợ phiên. Trên phố người ta họp chợ suốt ngày đêm không có cảm giác được đi chợ như ở quê. Đi chợ phiên thích nhất là dịp Tết, mọi người bán đủ thứ, lá dong, bòng bưởi, bóng bay.. thấy chợ là thấy mùi Tết. Ăn sáng xong hai chị em rủ nhau ra chợ, nó lượn một vòng, mùi ổi găng, mùi thị thơm nức một góc chợ. Nó ghé qua hàng thị nhặt mấy quả, bà bán hàng xởi lởi:
– Con mẹ Hương, bố Tùng hả?
– Vâng bác.
– Lớn tướng rồi nhỉ, đây bà cho thêm, để cho thơm nhà.
Kim nhớ hồi bé, nhà bác Lợi hàng xóm có cây thị to lắm, đến mùa thị thơm nức mũi, mà ngày ấy không ai bán, trẻ con toàn xúm đến xin. Kim hay đi cùng Tú, nhà Tú ngay kế bên. Tú hay làm bậc cho Kim trèo lên trước, rồi Tú bám cành đu lên sau, trưa nào hai đứa cũng vắt vẻo trên cây. Ba mẹ sợ ngã, lần nào về cũng bị ăn đòn. Đến năm học cấp hai, nhà Tú chuyển lên thành phố, Tú với nó khóc như mưa. Bay giờ không biết Tú lớn cỡ nào rồi?
Đi chợ về hai chị em tạt ngang nhà bà nội, bà ở với chú út, nhà chú út có hai thằng em sinh đôi cách Kim mấy tuổi, vẫn đang học phổ thông. Chúng nó thấy Kim về thì hân hoan lắm. Thằng Thịnh kéo Kim ra cái giếng, chỉ đống lá găng* trong cái chậu nhôm bảo:
– Chị Kim rửa lá đi, để nội làm thạch cho.
– Khôn thế à?
Hai thằng nó cười khúc khích dẫn luôn cả cu con chạy tót vào nhà chơi. Kim bê cái thau nhôm ra vòi nước rửa. Chú út thấy thế bảo:
– Để đấy lát thím mày rửa cho, hai cái thằng, chỉ thế là nhanh.
– Thôi, con rửa tí ấy chú.
Kim rửa xong đống lá găng, bà nội cũng vừa đi chợ về. Bà đã ngoài bảy mươi dù vẫn còn nhanh nhẹn minh mẫn nhưng mắt không còn tinh tường lắm. Thấy bà Kim hỏi to:
– Nội đi chợ về muộn thế?
Bà nội nheo mắt, một hồi nhìn kĩ, bà mới cất tiếng:
– Cái Hĩm mới mới về hả? Làm gì loay hoay ngoài đấy.
Tiếng thằng Thịnh eo éo nói với từ trong nhà:
– Nội đừng gọi là cái Hĩm, chị Hĩm dỗi bây giờ. Há há há. – Hĩm là tên thuở nhỏ của Kim, lúc choai choai Kim bắt mọi người gọi bằng tên thật không gọi biệt danh nữa, ai mà nhỡ gọi là nó dỗi. Giờ thì qua cái thời ấy rồi. Hai thằng sinh đôi được thể chọc Kim, cười như địa chủ được mùa. Kim mặc kệ chúng, ngẩng lên trả lời bà nội.
– Con rửa lá găng nội ạ.
– Thế hở, xong mang ra đây nội phơi cho ráo.
– Vâng ạ.
Bà nội phơi lá một lúc cho ráo hết nước. Kim chuẩn bị một cái nồi, lá găng tươi đã được nhặt sạch gai. Bà vò nát chắt lấy nước, lọc bớt bã rồi cho thêm ít nước vôi và đường vào. Hai bà cháu bắc lên bếp đun và khuấy đều, khi nước sôi lăn tăn là bắc xuống, để một hai tiếng cho thạch nguội và đông lại thì cho vào ngăn mát tủ lạnh. Lúc ăn, lấy dao cắt nhỏ hình hạt lựu, cho thêm đá bào và ít nước cốt dừa. Thạch găng có màu xanh ngọc trong veo như màu ngọc bích, nước cốt dừa trắng thơm, hòa vào nhau mát mắt như màu cỏ non trong sương sớm. Xúc một miếng bỏ vào miệng, miếng thạch nhỏ ngọt thanh, chứ không khé cổ như thứ thạch công nghiệp mua ngoài hàng quán, giòn sật sật, thơm mùi lá găng tự nhiên, đá bào mát lạnh tan trong miệng. Ôi chao, cái nóng cùa mùa hè cũng chẳng xá gì.
Hai chị em ăn xong bà nội còn cho thêm một bát mang về, mỗi lần về quê với bà là mấy chị em lại được thưởng thức đủ món. Bà nội còn một cô con gái nữa, trên chú út và dưới bố Kim, cô lấy chồng ngoài miền biển, cứ đến hè cô lại cho hai đứa con về chơi. Năm nay không biết chúng nó có về không? Kim đèo thằng cu em về đến nhà thì đã quá trưa. Ba mẹ đã dọn cơm sẵn. Ăn xong nó đánh một giấc đến chiều.
Tỉnh dậy, Kim mới bắt đầu cất dọn đồ đạc vào tủ, tối qua về muộn ăn uống xong cũng chỉ kịp lên giường. Treo hết quần áo lên móc, con gấu Hải Anh tặng, nó vô thức mang theo như thói quen vẫn nằm ở góc vali. Nó nhấc lên đặt xuống một lát rồi ném vào góc va li, đóng sập lại, đặt cả va li lên nóc cái tủ gỗ. Tâm trạng nguôi nguôi được một lát lại ùa về. Những hình ảnh về Hải Anh và cô gái đó lại chập chờn trong đầu, nó không muốn khóc mà nước mắt chảy ra không ngăn được. Hóa ra tình cảm lạ lùng thế, dù ta không muốn cố chấp nghĩ về nó nhưng chẳng thể nào kiểm soát được. Có những tổn thương như vết dao cùn, cứ nhay mãi vào một vết thương đã đau. Đau nhất là không thể nói với nhau rõ ràng được, cứ thế im lặng mà coi như mọi chuyện đã xong. Kim nhấc điện thoại, tìm tên Hải Anh, như một thói quen. Nó suy nghĩ một hồi rồi xóa số, nhưng dù xóa rồi nó vẫn thuộc như in trong đầu. Kì thực Kim có quá nhiều câu hỏi cho Hải Anh, nhưng lại cảm thấy lòng tự trọng của nó không cho phép.
Đã ba tuần trôi qua, lịch sinh hoạt của Kim vẫn đều đều như thế, sáng dậy ăn uống rồi dẫn thằng cu em đi vòng vòng, tiện thể trông nó luôn để ba mẹ đi làm. Ba Kim làm trên bệnh viện huyện, mẹ làm giáo viên, mẹ cũng nghỉ hè nhưng thỉnh thoảng vẫn phải đến trường làm những việc linh tinh. Chẳng hiểu thằng cu con lấy đâu ra năng lượng mà nó chạy nhảy suốt ngày Kim theo nó cũng đủ bận rộn, nhờ thế mà không còn thời gian nghĩ ngợi nhiều.
Suốt quãng thời gian từ lúc chia tay, Hải Anh và nó không hề liên lạc dù lúc trước đó ngày nào hai đứa cũng nhắn tin, gọi điện có khi hàng tiếng đồng hồ. Từ bỏ một thói quen lâu dài thật không dễ dàng gì. Cảm giác hụt hẫng ban đầu đã bắt đầu nguôi ngoai. Kim cũng bắt đầu quen cuộc sống không có Hải Anh, nhưng trong tâm vẫn có cái gì lấn cấn, bứt rứt, khó chịu.
Chiều nay, Kim đèo cu em đi vòng vòng quanh xóm, bọn trẻ lít nhít lại xúm đen xúm đỏ trên cây thị nhà bác Lợi. Thằng cu em cũng háo hức, Kim chiều nó cũng tạt vào. Bọn trẻ bên dưới nháo nhác:
– Em một quả.
– Em, em nữa.
– Bên này, bên này anh ơi.
Kim tò mò ngẩng mặt lên nhìn, trong đám lá lùm xùm, một anh chàng đang nghiêng ngó dướn người hái thị cho bọn trẻ con nhoi nhoi dưới gốc. Anh chàng ném quả thị xuống, thoáng thấy Kim anh chàng chỉnh lại cặp kính, nhìn ngó một lúc rồi hỏi:
– Hĩm à?
Chú thích:
Tường lao: Hàng rào bằng gạch xây xung quanh sân, vườn.
Lá găng: Lá cây găng nếp sống trong môi trường tự nhiên, trong những cánh rừng già, thân cây có nhiều gai, lá thuôn hình trứng, hoa màu tím, quả to màu xanh thẫm. Khác với lá găng trồng làm hàng rào ở nông thôn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...