Tôi tên gọi Lâm Gia Bảo, có lẽ trước kia cũng từng là bảo bối cưng yêu của cả nhà, ai biết được. Cho dù là có, cũng là chuyện xa xưa không còn nhớ nổi nữa.
Hiện tại? Tôi chẳng khác một người thừa.
Giờ phút này nhìn thấy trong phòng ăn một gia đình ba người hòa thuận vui vẻ, tôi cũng chẳng nỡ phá vỡ sự ấm áp.
“Ba, con đến trường” – tôi dùng ngữ điệu đầy lễ phép nói.
Chuỗi cười giòn giã như bị nhát kéo lạnh lùng cắt ngang, đứt tung, thậm chí cả dư âm cũng chẳng còn. Ba thoáng chốc cứng người, quyền uy “Ừ” một tiếng. Gia Minh có phần sợ anh trai, chỉ biết mở to đôi mắt nhìn nhìn. Duy có dì Lâm, không thay đổi vẻ dịu dàng hiền lành, bảo: “Gia Bảo, ăn tạm món gì đã, bữa sáng không ăn sẽ không tốt cho sức khỏe”.
“Cảm ơn dì, con muộn giờ, đến trường học sẽ ăn”, vẫn ngữ khí cung kính, tôi đáp. Đương nhiên phải là lễ phép, còn lễ phép hơn cả với ba vì người phụ nữ có vẻ ngoài xinh đẹp hiền hậu này chính là người nắm giữ tài chính của tôi. Cần phải ngoan vì nếu ngoan tôi tuyệt đối không cần mở miệng xin sinh hoạt phí, mỗi tháng dì đều chủ động đưa cho. Trong mắt người khác, Lâm công tử chắc chắn là đại thiếu gia cơm no áo ấm, ai biết thực chất tôi cũng chỉ là phường bán thân.
Ra khỏi nhà, tôi lập tức phải thở phào nhẹ nhõm.
Cũng chẳng thể hiểu vì lẽ gì mỗi khi tôi xuất hiện trong nhà lại có không khí đáng sợ đến thế? Nói không chừng bản thân có oai phong tự nhiên, tôi tự giễu nghĩ nghĩ, lạ lùng mà, người khác mong con trai lễ phép cung kính còn chẳng được, ba tôi vừa thấy trưởng tử mở miệng thưa gửi đã muốn nổi giận? Chẳng lẽ ông mong tôi giống Gia Minh, suốt ngày quấn quít nũng nịu bên cạnh? hay phải làm thế nào, kiểu gì mới hợp ý người? Tôi chịu. Trong mắt tôi, ba cũng chẳng khác một người xa lạ, nếu có khác chỉ là ông cho tôi tiền ăn – học, chỉ hơn người qua đường ở mỗi điểm ấy. Có điều, mỗi tháng cho vài đồng tiền rồi đòi hỏi tôi đủ điều, hừ, ông cũng tính toán chặt chẽ quá đáng.
Dẫu sao, mối quan hệ bị tồi tệ hóa đến mức này cũng chẳng trách được ai, trách chăng là tại tôi cả thôi. Ai bảo tôi không chịu khó dậy sớm đứng ngoài cửa chờ ba rời giường mà chào hỏi cho đúng phép tắc.
***
Trường học vẫn như cũ, kiến trúc cổ điển, từng viên gạch cũng nhuốm màu thời gian. Hôm nay là khai giảng nhưng tôi không thấy có gì đặc biệt. Hơn chăng ở đây tôi không cần giả vờ như mình chỉ là cái bóng, cố gắng ẩn mình càng nhiều càng tốt như những kì nghỉ.
Ở trường, thành tích học tập bình thường, diện mạo bình thường, mấy môn thể thao không tham dự môn nào cho nên thể thao cũng bình thường, tôi nghĩ muốn nổi bật cũng khó. Ấy là nếu như tôi không gặp phải tên ôn thần ngu như heo – Lục Tử Kiện.
Tựa như bây giờ, từ xa nhìn thấy hình dáng quen thuộc, đầu tôi đã theo phản xạ có điều kiện mà nhức bưng bưng: “Tiểu Bảo Bảo! Bảo Bảo ơi…”, từ xa thật xa nó đã gào toáng lên, khiến cho vài bà tám gần đó lén bấm nhau cười hinh hích. Hừ!!!!! Làm sao mấy bà lại biết nó đang gọi tôi nhỉ? >.<
Tôi làm bộ không nghe, không thấy, cúi đầu bước nhanh đi, trong lòng không ngừng lôi mười tám đại tổ tông nhà nó lên phân tích.
Cái tên Lục Tử Kiện này đúng là ma ám cuộc sống đại học của tôi. Ngay từ ngày đầu tiên nhập học, vừa đụng mặt nó làm như Columbus phát hiện ra đại lục mới, nhảy tới bên cạnh thét chói lói: “Bảo Bảo! Cậu đúng là Tiểu Bảo rồi! Tớ là Tiểu Kiện này!”, sau đó bắt đầu bịa ra chuyện hoang đường rằng nó chính là bạn học cùng tôi từ thời… nhà trẻ. Ôi, trời đất ơi, chẳng lẽ nó nghĩ tôi cũng là đứa não phẳng lì như nó? Ai có thể nhớ được thằng bạn học cùng từ thời mông còn đóng bỉm, miệng còn mút tay, lại chỉ học chung một năm sau đó xa cách hàng mười mấy năm không gặp? Đừng nói với tôi nó là thiên tài nhá, nghe đã rùng hết cả mình.
Kinh khủng nhất là nó đã tạo thành ‘ác mộng bảo bảo’ của tôi. Từ đó bất kì ai trong khoa biết tôi hễ mở miệng là dùng cái giọng nhão nhoét, phát buồn nôn mà eo éo: Tiểu Bảo Bảo – Cmn chứ, gọi thế khác gì bảo tôi là con chúng nó??? Dựa vào sát khí toát ra từ ánh mắt sắc lạnh như dao lam, cơn bão này cuối cùng cũng bị tôi dẹp tan, chỉ chừa lại duy nhất một tên họ Trư không biết sống chết này.
“Bảo Bảo, cậu định đi đến kí túc xá à? tớ đã quét sạch sẽ rồi nhé, không còn gì cần dọn đâu. À, Tiểu Bảo ăn sáng chưa? Chưa ăn đúng không! đi, hôm nay tớ mời…”, Kiện heo một mình lải nhải rồi rất tự nhiên khoác tay lên vai tôi, may mà tôi né kịp. Tôi ghét nhất trên đời bị người khác đụng vào, nó không biết, hoặc có biết nhưng rất thích trêu ngươi. Từ lúc biết nó đến nay, mỗi ngày tên tôi không dưới trăm lần bị nó biến tấu, gào đi gọi lại, chả hiểu nó có thấy mỏi miệng không nữa?
Mà làm sao tôi biết nó nghĩ gì, tôi đâu có ngớ ngẩn như nó. Xét toàn diện mặc dù tôi chẳng có ưu điểm nào tốt, cái duy nhất may mắn đó là tôi khá thông minh. Tôi thường đau xót cảm khái: Người thông minh chỉ có một kiểu còn kẻ ngu si trăm đường. Tôi nghĩ Lục Tử Kiện trăm phần thích tôi nhưng mà nó ngốc đến nỗi không hiểu thế nào là thích. Thứ nhất nó ăn nói ngớ ngẩn, thường thích tự lẩm bẩm, có lẽ không đủ ngôn ngữ chính quy để biểu đạt tư tưởng. Thứ hai, tôi cũng chẳng rảnh để ngồi tìm hiểu nó. Nó thích hay ghét liên quan gì đến tôi? Đâu phải tôi ưa gì nó, từ đầu đến cuối đều là nó tự làm tự chịu. Cho nên đôi khi tôi cũng lợi dụng nó thật, có điều chưa bao giờ áy náy.
Loanh quanh trong trường một ngày, nhận thời khóa biểu kì này đồng thời gõ đầu chỉnh cho họ Trư vài trận. Chờ thêm giờ cơm chiều qua, tôi quay về nhà. Tôi không ở lại ký túc xá. Ngày nhập học người ba yêu dấu đã ra lệnh rõ ràng: Có thể đăng ký phòng ký túc nhưng phải học ngoại trú.
Có lẽ ông sợ tôi “ngựa quen đường cũ”. Hừ, ông cũng quá coi thường con trai. Tôi đã từng sống hippi, hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, bỏ nhà đi hoang, trừ mỗi hít cocain điều gì cũng từng thử qua. Nhưng đã là quá khứ, nhanh chóng sau đó tôi phát hiện mấy trò đó thật nhảm cho nên đã trình diễn một màn “lãng tử hồi đầu” đẹp như phim điện ảnh Hollywood. Đáng tiếc gia đình không phối hợp nhịp nhàng để diễn màn mở rộng vòng tay đón cánh chim mỏi, cảm động thấu tim gan hàng xóm. Xét cho cùng, cuộc sống thôi, làm gì có chuyện hoàn mỹ như thế cho nên tôi cũng đành chấp nhận mà sống tiếp thôi.
Về đến nhà thì đèn đóm đã tắt tối om, tôi rón rén bước qua phòng ngủ chính, bên trong hình như vẫn có tiếng chuyện trò. Nhiều năm như thế mà hai người đó còn anh anh em em, tình cảm cũng tạm cho là sâu đậm nhỉ?.
Bước vào gian phòng riêng, mới cảm thấy thật sự về nhà, tôi nhanh chóng tắm rửa qua loa, thu dọn đi ngủ. Nhớ lời bà ngoại dặn, quỳ gối trước giường cầu nguyện. Bà ngoại đã mất cách đây rất nhiều năm, chỉ có thói quen này mỗi ngày nhắc nhở tôi về quãng thời gian tôi được sống bên người:
“Lạy Đức Cha chúng con ở trên trời, con đã nguyện ước rất nhiều điều, nếu không được tất cả, xin Cha cho con nhiều nhiều tiền là được.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...