Vấp ngã tuổi hai mươi


Chương 18: Sống thử
Những ngày đầu tiên của chúng tôi,
Tôi đi học vào buổi sáng rồi đến thẳng chỗ làm thêm. Nam đi học, về nhà và nấu cơm đợi sẵn. Tôi bắt đầu làm quen với bữa ăn:“ cơm không lành, canh cũng chẳng ngọt”, nhưng ít nhất tôi cũng không còn phải ăn mì tôm vì tội lười biếng vào bếp nấu cơm sau khi đi làm khuya về. Hôm thì Nam nấu cơm khô, hôm thì gần như cháo, ngoài trứng luộc hoặc chiên thì chỉ có thịt luộc, ngoài ra Nam không chịu mua cá. Nam bảo: cá chiên thì cháy xém vỏ bên ngoài, mà bên trong thì vẫn sống nguyên; còn cá nấu, cho dù tôi đã ghi sẵn ra giấy nhưng cậu ấy cũng không thể làm được. Cậu ấy đề nghị:
- Hãy cho Nam thời gian, nhất định Nam sẽ thành người đàn ông nội trợ đảm đang nhất khu trọ này”.
- Nam nấu sao thì Đan ăn nấy, nhưng đừng để hai đứa phải dìu nhau vào bệnh viện và nằm đợi bác sĩ tới cấp cứu là được rồi”. Tôi bật cười trước câu nói nịnh nọt của Nam.
- Đan chờ rồi mà xem, Nam không có nói suông bao giờ.
Nam cười tít mắt rồi gắp miếng thịt luộc vào bát cơm của tôi:” Thịt luộc chín rồi, đừng lo”.
Tuần thứ ba,
Nam vẫn chưa chịu đi tìm phòng trọ với lí do đang là tháng chín, sinh viên từ các tỉnh ồ ạt vào Sài Gòn để nhập học, nên việc tìm phòng là rất khó khăn. Mà Nam thì không thích phải ở ghép, cậu ấy càng không thích va chạm hay luôn cảm thấy khó khăn trong việc hòa hợp với các bạn ở dưới quê lên vì cách sống, suy nghĩ lối sống gần như là trái ngược hoàn toàn.
Nam bảo muốn đi làm thêm, nhưng tôi chẳng thấy công việc nào hợp với cậu ấy cả. Buổi đầu tiên đi làm chung ở nhà hàng tiệc cưới, được hơn một tiếng đồng hồ, Nam đã bỏ về với lí do là mệt, đứng mỏi chân quá nên không quen. Phải một lúc sau, tôi mới biết Nam nói dối mình. Tôi bắt gặp anh Hải và Linh cùng đến dự buổi tiệc trong những bộ đồ đẹp, trau chuốt, và tay trong tay nói cười hạnh phúc. Tôi vừa định lẩn trốn để tránh sự hiểu lầm như hôm ở sân đá bóng thì đã nghe thấy tiếng gọi của anh Hải.
Anh Hải hỏi tôi về chuyện của Nam, tôi chỉ biết hứa sẽ động viên cậu ấy để sớm trở về nhà. Anh Hải cười nửa miệng:”Cái thằng công tử bột như nó ra ngoài được vài bữa nữa là chịu hết nổi thôi, anh lạ gì cái tánh trẻ con của nó. Làm phiền Di Đan giúp anh nha”. Tôi gật đầu rồi quay sang ngắm chị Tấm Linh “công chúa”. Linh đẹp như nàng Bạch Tuyết trong chiếc đầm trắng đính pha lê, môi tô son màu hồng cánh sen. Khuôn mặt Linh toát lên một vẻ đẹp dịu dàng và thuần khiết. Chiếc váy ôm ngang ngực để lộ bờ vai trần không tì vết càng khiến Linh mong manh như cánh hoa trong gió và quyến rũ hơn tất cả những cô gái khác trong buổi tiệc sang trọng. Bước sang tuổi hai mươi, nụ cười tỏa nắng của Linh như đóa hoa trong thời kì nở rộ, đẹp đẽ, đầy sức sống tuổi thanh xuân. Họ mỉm cười với họ:” Hôm nay, anh chị đều rất đẹp. Quả là trai tài, gái sắc”.

Tuần thứ tư,
Nam đề nghị với tôi rằng, cậu ấy muốn ở chung phòng. Tôi giật thót khi đang đưa miếng thức ăn đầu tiên của bữa cơm tối vào miệng.
- “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, biết không Nam?
- Nam hiểu. Nam biết Nam chẳng làm được việc gì, nhưng Nam sẽ cố gắng. Nam hứa sẽ học nấu ăn, giặt quần áo lẫn cả lau nhà. Đan đi học rồi đi làm hẳn là rất mệt, Nam sẽ dọn cơm nóng, nấu canh ngọt và bật quạt mát khi Đan về. Tiền mẹ gửi vào hàng tháng, Nam đưa Đan cất giữ tất cả để chi tiêu hàng ngày. Nam không giữ một đồng nào luôn.
- Eo ôi, chỉ có thế thôi đấy hả? – Tôi cười thầm trong bụng vì sự trẻ con lẫn ngốc nghếch này.
- Nam biết điều này là không hay, ráng đến Tết, mọi người trả phòng về quê rồi Nam đi kiếm tiếp. Chứ bây giờ…Đan biết rồi đấy.
- Để Đan suy nghĩ đã. Nam ăn tối đi.
Ăn tối xong, Nam không để tôi đụng tay vào bất cứ việc gì, từ rửa bát, lau bàn ăn cho đến cầm cây chổi để quét nhà. Cái dáng vẻ tất bật của Nam càng khiến tôi suy nghĩ về lời đề nghị của cậu ấy. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới chuyện hai đứa sẽ sống chung. Chưa bao giờ tôi dám kì vọng, sau mỗi ngày đi làm về tôi sẽ có cơm nóng hay canh ngọt đang đợi chờ sẵn. Tôi càng không dám đặt ra một giả thiết rằng, sau khi sống chung thì tình cảm của chúng tôi dành cho nhau sẽ còn lại là bao nhiêu ngày tháng, những gì chúng tôi nhớ về nhau là những rung động tuổi đầu đời hay chỉ là hơi thở hoặc da thịt quyện hòa vào nhau sau mỗi đêm.
Có rất nhiều cô gái, họ luôn có một suy nghĩ tiêu cực rằng, khi bản thân đã đánh mất đi cái ngàn vàng mà Chúa trời ban tặng, khi mà họ đã trải qua cơn đau đớn tột cùng của lần đầu tiên, họ thường buông xuôi và phó mặc số phận về sau này. Như chiếc lá đến ngày vàng cuống để mặc gió cuốn đi và chịu vùi mình dưới màu nâu của đất mẹ, mà trong giây lát họ bỗng quên mất O’Henry từng viết lên câu chuyện để đời:” Chiếc là cuối cùng” đấy thôi. Tôi cũng thế, dù xuất thân từ một làng quê nghèo, được nhà trường và gia đình giáo dục, chỉ bảo kĩ lưỡng về học vấn, kinh nghiệm sống, cách ứng xử… nhưng tôi vẫn trượt chân và vấp ngã khi mới sống ở thành phố được một thời gian rất ngắn. Nhưng điều quan trọng là, tôi đã rất thành công trong việc tự đánh lừa bản thân, tự an ủi cái tôi vốn ích kỉ và sợ sệt của mình, để đôi chân được thêm vững bước hơn trên con đường lắm chông chênh của cuộc sống.
Tôi vừa ngồi ở bàn học vừa nhìn vào phòng tắm. Dáng dấp Nam đang co người để giặt giũ những chiếc quần jean cứng nhắc và ra màu đen đục.
- Nam không thấy mệt à? Ăn được có một bát cơm mà từ tối đến giờ chẳng để cho chân tay được nghỉ ngơi. Nhỡ xỉu ra đấy thì sao?
Nam nhìn tôi, mặt mũi mướt mồ hôi, nhưng vẫn tươi cười vui vẻ. Chiếc răng khểnh lấp ló dưới đôi môi ngọt ngào làm tôi khựng lại vài giây.

- Mệt gì đâu? Sức trai tráng thế này cơ mà. Nam có thể bẻ gãy sừng trâu đấy Đan à.
- Thế sao tuần trước mới đi làm được hơn một tiếng đã bỏ về?
- Ừ thì … - Nam lấp lửng rồi nở nụ cười trừ.
- Thì mệt, Nam nhỉ! Ha ha – Tôi cười khanh khách nhìn cái vẻ mặt bí xị của Nam đang gượng gạo và hai bên gò má ửng lên một màu hồng như con gái.
Có lẽ Nam đã quen với chỗ ngủ mới và một buổi tối lao động công ích không ngừng nghỉ khiến cậu ấy vừa nằm xuống đã chìm vào giấc ngủ ngay. Tôi cảm nhận rõ được hơi thở đều đều phả vào màn đêm từ phía cậu. Khẽ đưa tay lướt dọc khuôn mặt đẹp tựa như tượng khắc, từ vầng trán cao thông minh chẳng có vết nhăn nào, đến chiếc mũi tây thẳng và thon dài, đến đôi môi đỏ chín màu cà chua như con gái và chiếc cằm lún phún một chút râu mới nhô. Tay tôi run lên và bờ vai thanh mảnh của mình cũng rung rung theo tiếng đập lỗi nhịp của tim mềm. Cái ham muốn mãnh liệt dấy lên trong lòng như đêm mưa của ngày trước làm tôi hoảng hốt quay đi, nhưng vẫn không kịp tránh ánh mắt da diết từ phía Nam vừa hướng đến. Bàn tay Nam đã vịn vào bờ vai tôi kéo lại, giọng dịu dàng:
- Đan lạnh à?
Rồi bàn tay cậu ấy siết chặt bàn tay tôi, rất ấm áp và mềm mại.
- Thực ra, Đan cảm thấy rất sợ. Những gì đã xảy ra luôn khiến Đan lo lắng và nghĩ ngợi. Đan từng nghĩ và luôn tự hào về bản thân mình rằng, Di Đan là một cô gái ngoan hiền, không yêu đương sớm, chỉ biết cặm cụi cắp sách tới trường và về nhà giúp bố mẹ nấu cơm, nhặt rau hay phơi thóc. Tất cả những gì đã xảy ra giữa hai chúng ta như một giấc mộng, Đan sợ phải chìm sâu vào vũng bùn của dục vọng khi tuổi đời cả hai còn quá non nớt. Nhưng khi đã đặt chân vào rồi, Đan lại không đủ can đảm để bước ra. Bởi vì…
- Nam sẽ không bao giờ rời bỏ Đan. Nam càng không hề có ý lợi dụng Đan. Kể cả việc Nam đề nghị chúng ta sẽ sống chung với nhau một vài tháng ở phòng trọ này. Nam biết, bản thân mình được chiều chuộng từ bé. Còn Đan lại lớn lên và sống trong một môi trường gần như là khác hoàn toàn. Nam chỉ muốn được ở bên cạnh, để hiểu nhau hơn, chăm sóc cho nhau tốt hơn, và nhất định sẽ đối xử tốt với Đan.
Câu nói này của Nam thực sự khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến thứ tình cảm chớp nhoáng được bắt đầu từ một vụ va chạm xe cộ vào ngày Tết, lại trở thành hạt giống được ươm mầm từ lâu và mỗi ngày nhú thêm một trồi xanh mơn mởn. Chúng tôi nằm ôm nhau cả đêm, ôm rất chặt, chặt đến nỗi tôi có thể cảm nhân được cơ thể mình và cơ thể cậu ấy đang đan lồng vào nhau. Tôi cảm nhận rõ từng nhịp đập trái tim, từng hơi thở ấm nóng có phần gấp gáp phả đang phả ra từ phía cậu ấy.
Ánh sáng của những vì sao đêm hắt xuống không gian, len lỏi vào từng cành cây, kẽ lá, lùa qua khe cửa sổ rồi tràn vào căn phòng nhỏ. Ánh mắt cậu ấy sáng ngời và đôi môi khẽ mỉm cười đặt nụ hôn nhẹ nhàng lên vầng trán tôi. Tôi đưa cánh ra mình ra, vòng lấy eo cậu ấy. Nam cũng nhẹ nhàng kéo tôi lại phía mình, đầu tôi ép sát vào lồng ngực đang lên xuống và lỗi nhịp kia.

Tôi gối đầu lên cánh tay của Nam và bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Trong mơ màng, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay cậu ấy vẫn nắm giữ tay tôi, xoa xoa nhẹ, rất buồn. Tôi từ từ tỉnh dậy và ngước nhìn khuôn mặt Nam. Đôi mắt Nam đã khép lại nhưng ngón tay cậu ấy vẫn day đi day lại vào vết chai ở bàn tay tôi…
Từ nhỏ, tôi đã ra đồng gặt lúa hay đi cấy cùng cả nhà. Việc cầm chắc lưỡi liềm để cắt lúa hay dùng con dao sắc lẻm thái chuối, băm nhỏ những cọng khoai lang già làm đồ ăn cho lợn, gà là điều mà cô gái thôn quê nào cũng phải biết đến. Ngày trước, tôi thường hay dùng dao sắc gọt bớt lớp chai đó đi, nhưng sau một thời gian nó lại dày lên như cũ. Tôi vô tư hỏi mẹ về lớp da sần sùi màu vàng ố, mẹ vuốt mái tóc đen dài và trơn mượt bởi nước đun từ quả bồ kết thơm và lá bưởi quê nhà:
- Mẹ xin lỗi. Từ ngày mai trở đi, con dành thời gian đấy để làm bài tập ở trường và học thêm. Con còn nhỏ, việc học mới là quan trọng. Hiểu không?
Tôi vô tư nghĩ về thời gian rảnh rỗi bắt đầu từ ngày hôm sau: có thể ngồi bệt hàng giờ ở ngoài ngõ chơi chuyền cùng đám bạn mà hát to:” Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện chăng tơ, quả mơ có hạt…”, hay những buổi đi học về có thể la cà rong chơi thay vì phải co chân chạy nhanh về nhà và hì hục nhóm bếp củi để nấu cơm mà hai mắt ầng ậc nước vì khói bụi…
Lần đầu tiên, tôi bị bố đánh vì tội đi học về muộn. Sau này lớn hơn một chút, tôi mới hiểu:” đi học về muộn” không phải là lí do chính khiến bố nổi giận nhiều đến vậy. Lần đầu tiên, bố khen:” Con gái rượu của bố cười đẹp lắm” khi tôi đang chơi chuyền cùng đám trẻ làng và nở nụ cười giòn tan…
Lần đầu tiên, chị Di Vân phải nằm ở trạm xá để truyền đạm vì kiệt sức. Chị thức khuya để ôn thi đại học. Chị dậy sớm để học thuộc bài rồi lên lớp. Chị còn phải thay tôi nấu cơm hay thái chuối, băm rau khoai lang già. Cho đến tận bây giờ, gần mu bàn tay của chị vẫn in hằn một vết thẹo dài hơn năm centimet do một lần vừa tranh thủ học bài vừa làm công việc nhà.
Lần đầu tiên, tôi xà vào lòng mẹ và biết yêu gia đình nghèo khó của mình hơn hơn bao giờ hết.
- Lạnh lắm. Con muốn ngồi nhóm bếp củi. Mẹ ơi.
- Ngồi xuống đây là ấm rồi. Con hơ tay vào gần bếp như thế này này. Đừng có đụng vào biết không. Ngón tay con sẽ lại bị chai sần đấy. Nào! Ngồi xuống đây…
- …
- Nhanh lên không lạnh. Di Đan? Con sao thế?
- Con không sao. Ngón tay con chai sần một chút đâu bằng cảnh bố mẹ phải lam lũ sớm chiều ngoài mương máng, ruộng đồng. Ngón tay con có một chút ố vàng đâu bằng vết thẹo dài không bao giờ biến mất trên bàn tay chị Di Vân…
Năm đó, bố mẹ tôi đều bước sang tuổi bốn mươi và xây xong căn nhà từ chính những viên gạch mà cả gia đình phải đổ mồ hôi chẳng kể ngày nhào nặn hay đêm về giăng bạt che chắn gió mưa.
Năm đó, chị Di Vân thi đỗ vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội và người gậy sọp hẳn. Cứ mùa đông đến, vết thẹo dài ở cạnh bàn tay chị lại sưng tấy và tím thâm lại.

Năm đó, tôi tròn mười hai tuổi, biết điệu đà, biết ngắm mình trước gương và cũng dành được một giải thưởng lớn trong cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện.
Tôi lại chìm mình vào giấc ngủ.
Nếu chúng tôi sống chung với nhau là vì tình yêu chân thành, thì quả là điều vĩ đại. Bởi việc sống chung trước hôn nhân thì phần thiệt thòi luôn là về phận nữ. Những cô gái của chúng ta phải làm tròn nghĩa vụ của một người phụ nữ trong gia đình trong khi xã hội, và pháp luật đều chưa ai thừa nhận cả.
Chúng tôi bắt đầu rủ nhau cùng tới nhà sách vào dịp cuối tuần. Hai đứa ngồi bệt xuống ngay chân giá đựng và ôm khư khư một vài cuốn tiểu thuyết hay sách tham khảo chuyên ngành, chăm chú đọc. Sắp đến ngày kiểm tra môn học thuộc nào đó, chúng tôi lại tự kiểm tra bài cho nhau, ai đọc sai sẽ bị phạt bằng một cái búng vào mũi, đau ran rát. Thỉnh thoảng Nam lại cười trêu:” Mũi Đan hơi thấp, búng một thời gian sẽ sưng và nhô cao như ngọn núi. Mũi Nam cao, búng riết rồi bị mòn và bành ra như quả đồi trọc …”
Nhà bếp ở phòng trọ tôi cực nhỏ. Những hôm đi làm về sớm, tôi lại vào bếp nấu ăn, nhưng cái giấc mơ được người mình yêu đứng từ phía sau nhẹ nhàng ôm lấy lại chẳng bao giờ thành sự thật. Một mình tôi đứng nấu ăn và loay hoay tìm dụng cụ ở dưới, hay những chiếc hộp nhựa nhỏ xinh đựng gia vị nêm, mắm, muối… đến cả việc di chuyển ra vào cũng rất khó khăn thì tìm đâu ra sự lãng mạn cơ chứ. Nam như hiểu ý, cậu ấy lại vội rót mật ngọt vào tai tôi:” Sau này, tớ sẽ không để cậu phải chịu khổ đâu”… Tôi xoa xoa hai bàn tay vào nhau:” Chỉ cần cậu đừng bao giờ rời xa tớ”.
Trong tích tắc vài giây đồng hồ, tôi bỗng phát hiện ra những vết chai sần màu vàng ố ở lòng bàn tay ngày càng dày cộm lên. Tôi lặng thinh ngay sau đó. Vì người con trai mà tôi yêu thương, tôi đâu quản ngại khó khăn hay thiếu thốn. Cũng tại bởi vì, những người con gái khi yêu, họ đều dốc cạn lòng mình, tâm hồn mình cho cuộc tình mà không bao giờ phải ân hận hoặc tiếc nuối. Nhưng cũng có những đôi tình nhân, họ cùng vượt qua bao nấc thăng trầm của thời gian mà cuối cùng vẫn phải chia đôi đường dang dở, để người con gái ngồi lại thẫn thờ bên bờ vực chia cắt đầy kỉ niệm, nhìn cánh chim bay:” Người con gái yêu đến cạn lòng mà vẫn cô đơn…”
Nam kéo cánh tay tôi lại phía mình, và nghịch từng ngón
- Nam từng nghĩ, Nam sẽ thương một cô gái với tính cách tiểu thư. Nam đã từng rất sợ, Nam không biết phải làm gì để bàn tay người con gái đó mãi trắng, mềm và nhỏ gọn.
- Tớ xin lỗi. Nam thấy đấy, đôi tay của mình…
- Nhưng khi nghe những câu chuyện về thời thơ ấu của Đan, Nam…
Khi nhớ lại những chuyện đã xảy ra, tôi ngỡ tưởng mình phải là người bật khóc. Nhưng không, người khóc lại là Nam. Những giọt nước mắt dịu dàng của cậu ấy rơi xuống lòng bàn tay tôi, nóng hổi. Tôi ép ngược bàn tay vào ngực trái mình. Tôi đã tự nhủ thầm:” Người con trai này sẽ không bao giờ phản bội hoặc rời xa tôi”.



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui