Vạn Kiếp Phi Hoa

Có thể nói vì công chúa Thiên Thành và cậu Quốc Tuấn cứ quấn quýt lấy nhau nên ta và Đạm Bạc mới có cơ hội nảy sinh tình cảm.

Đạm Bạc là người chủ động bắt chuyện trước với ta. Nhưng có vẻ hắn không có kinh nghiệm lắm trong việc bắt chuyện với một cô gái.

- Em theo hầu vị vương hầu hay công chúa nào?

- Ta theo hầu công chúa Thiên Thành.

- Còn ta theo hầu cậu Quốc Tuấn. Em hẳn cũng nghe danh cậu ấy rồi. Thực sự cậu ấy là một người rất cừ. Ta mà là nữ nhi cũng sẽ đem lòng yêu cậu ấy.

Hắn nói về cậu Tuấn mà ánh mắt ngập tràn hạnh phúc, thật khiến người ta cảm giác như hắn đang kể về người mình yêu vậy. Ta cũng không rõ đây là sự chân thật, mộc mạc của hắn hay là sự vụng về, ngô nghê trong cách biểu đạt?




Thực ra là do đứng trước em, chân tay ta trở nên luống cuống, tài ăn nói ngày thường cũng chẳng thể phát huy khả năng. Nghĩ lại lần đầu nói chuyện với em, thực sự ta rất xấu hổ.



Nhưng có vẻ cậu Tuấn sẽ rất hài lòng về anh. Cậu ấy có một thuộc hạ "yêu" cậu ấy đến mức ngay cả làm quen với một cô gái cũng lôi cậu ấy vào cơ mà.



Bây giờ thì không thể gọi Đạm Bạc là "hắn" nữa. Hôm ấy, Đạm Bạc bẽn lẽn nhét vào tay ta một đoá hoa hồng. Chỉ nói hai tiếng "Tặng em" rồi lặn mất hút. Ta cúi đầu ngửi, thấy một làn hương thơm ngát.

Công chúa biết chuyện có vẻ đôi chút ghen tị với ta, người ta hay nói chủ nào, tớ đấy nhưng xem ra trường hợp cậu Tuấn với tên Đạm Bạc có vẻ không đúng. Ta nhớ món quà đầu tiên cậu Tuấn tặng cho công chúa chính là ná gỗ. Hôm ấy người vui đến mức bắn mọi đồ vật trong phòng. "Nhàn Hạ nhìn chị bắn này". Người hồn nhiên, thích thú với món đồ ấy còn ta thấp thỏm lo lắng chỉ sợ vỡ bình hoa, rơi đồ đạc trong phòng thôi. Công chúa cứ bắn như vậy cho đến khi hết số sỏi đá mà công chúa mang về.




Cậu Tuấn trông cứ tỏ ra lạnh lùng, vô tình như vậy thôi nhưng thực chất cậu ấy từ bao giờ đã rất để tâm đến công chúa Thiên Thành. Điều ta thấy chỉ nghĩ thôi cũng bật cười đó chính là cậu Tuấn cũng đã biết ghen. Mỗi lần công chúa Thiên Thành đến thăm là cậu Tuấn dặn dò ta hỏi Nhàn Hạ đủ thứ mà không hỏi công chúa trực tiếp, nào là "xem có ai bén mảng đến gần Thiên Thành của ta không", "công chúa có còn hay lui tới phủ nghĩa mẫu không", "Thiên Thành nghĩ gì về ta, em ấy có nhớ ta không". Mỗi lần như vậy ta lại phải đứng báo cáo với cậu Tuấn cả canh giờ. Chẳng biết từ khi nào ta và Nhàn Hạ bị cuốn vào vòng xoáy yêu đương của cậu Tuấn với công chúa Thiên Thành.

- Anh lại muốn hỏi về công chúa Thiên Thành phải không?

- Hỏi rằng công chúa đã có người thương chưa?

- Lần này anh không hỏi thay cho cậu Tuấn nữa, anh muốn hỏi em rằng: "Anh thương em, ý em thì sao?"

- Lỡ em không thương anh thì sao?


- Không thương đã chẳng chấp nhận làm tay trong suốt bao lâu nay.

- Phải rồi, công chúa và cậu Tuấn có bên nhau đôi ta mới có tương lai.

Ta ôm Nhàn Hạ vào lòng. Chuyện giữa ta và Nhàn Hạ chỉ đơn giản, nhẹ nhàng như vậy thôi. Hai người thương nhau, một người lên tiếng, người kia gật đầu đồng ý.



Có lẽ là khi nữ nhi yêu, cô ấy sẽ biểu hiện tình cảm của mình rõ rệt hơn đấng nam nhi. Như là mọi câu chuyện cuối cùng đều nói về người mình thích, hỏi người khác đủ thứ xem mọi người nghĩ thế nào về người ấy. Như là ngày càng nỗ lực khiến bản thân mình trở nên tốt hơn để xứng đáng với đối phương. Ta cảm thấy công chúa không phải là loại nữ nhi mù quáng, vì yêu mà mất hết lí trí. Người yêu và vì người mình yêu khiến bản thân ngày càng tốt lên. Người nói không thể nói rằng đem lòng thương cậu Tuấn mà chẳng hiểu chút gì về cậu ấy, người muốn đặt mình vào địa vị của cậu Tuấn để hiểu cậu nghĩ gì. Yêu là thấu hiểu, yêu là thương, yêu là tin tưởng. Thương ở đây chẳng phải là thương hại, thương đối với công chúa là đồng cảm, là sẻ chia, là thấy người mình yêu đau, trái tim cũng nhói lên.



Cậu Tuấn ấy mà, vì công chúa không gửi thư cho mà hậm hực, ấm ức lắm. Ta viết thư cho Nhàn Hạ mà vẫn phải hỏi thăm tình hình công chúa Thiên Thành như thế nào. Đôi khi còn tranh giành đọc thư của ta, thật không tôn trọng quyền riêng tư cá nhân của ta một chút nào. Nhiều lúc ta giận cậu ấy mà nghĩ rằng đáng đời, ai bảo đi cứu cô Vi Thủy gì đó, rồi còn giả vờ hẹn hò làm công chúa hiểu lầm cho. Việc hô hấp nhân tạo đó, ta chỉ đoán thôi chứ cũng không biết có nụ hôn đó thật hay không, tại lúc ta hỏi cậu ấy cũng chẳng nói rõ, chỉ bảo ta suy nghĩ vớ vẩn. Lần đầu tiên trong suốt mười mấy năm theo hầu, ta thấy cậu Tuấn mất đi vẻ bình tĩnh, điềm đạm đến vậy, cậu ấy phi ngựa cả trăm dặm về kinh thành để gặp công chúa. Đến khi ta hỏi cậu và công chúa đã hóa giải hiểu lầm chưa, cậu ấy bảo chỉ đến nhìn công chúa rồi về thôi. Cậu Tuấn của ta đã bắt đầu trở nên ngốc nghếch như vậy từ khi nào đây? Cậu ấy sợ rằng nếu gặp công chúa, công chúa sẽ chẳng đến phủ Thụy Bà nữa, nếu công chúa muốn gặp và cần tâm sự với cậu thì đã đến thăm, cũng gửi thư cho cậu rồi.




Ta và Đạm Bạc trở thành cầu nối cũng là nơi chút giận của cậu Tuấn và công chúa Thiên Thành, hai người họ đẩy hai bọn ta vào tình thế thực sự rất khó xử. Công chúa suy nghĩ rằng mình không xứng đáng có được hạnh phúc khi mẫu hậu của mình phải chịu khổ, nên kiên quyết cự tuyệt cậu Tuấn. Ta thì nghĩ công chúa đã bị ám ảnh tâm lý, người nói rằng người cảm thấy hoang mang khi đứng trước tình yêu, cảm giác sợ hãi vì thứ tình cảm mong manh ấy. Ai nói năm ấy quan gia không yêu hoàng hậu* (chỉ Lý Chiêu Hoàng). Có thể tình yêu năm ấy là chân thật. Nhưng giờ đây quan gia vẫn có những đứa con khác với một vị hoàng hậu khác, nếu người đã một lòng một dạ phản đối chuyện tráo hoàng hậu thì dù có ép buộc thế nào cũng nhất quyết không đụng vào người phụ nữ khác. Công chúa nói người thương quan gia, cho dù quan gia đối với người chẳng phải một người cha tốt, đối với mẹ của người lại càng không phải một người chồng tốt. Lòng mình với lòng thiên hạ, chẳng qua lại là lòng mình. Con người ta suy cho cùng vẫn vì lợi ích của mình là trên hết, ích kỉ vì bản thân ít nhất họ cũng chẳng có lỗi với bản thân họ. Liệu tình cảm đó có phải chỉ là nhất thời?

Công chúa vẫn đến phủ Thụy Bà, vẫn ngày ngày miệt mài đọc sách, học hỏi rất nhiều từ công chúa Thụy Bà, đường kim mũi chỉ trước kia chuệch choạc giờ đã đều tăm tắp, công chúa vốn không có năng khiếu nhưng nhờ chăm chỉ luyện tập yếu điểm đã trở thành điểm mạnh. Nhưng ta cảm giác dường như người trầm tính đi nhiều, cũng bớt cười đùa, bày trò nghịch ngợm như xưa, thật sự không phải là lớn rồi suy nghĩ khác đi, trưởng thành lên mà là ám ảnh về sự ra đi của mẫu hậu của mình.

Cậu Tuấn gửi thư đến công chúa cũng nhất quyết không đọc, sai ta đem đốt đi. Ta biết người sợ đọc được sẽ lại động lòng, sẽ lại nhớ thương cậu Tuấn. Nhưng ta lại tự hỏi đã bao giờ người thôi thương nhớ cậu ấy đâu.

Lúc ta thấy cậu Tuấn trở về phủ ta thực sự còn chẳng tin vào mắt mình. Cậu Tuấn quan tâm đến công chúa lắm, cậu còn tự mình đi mua thuốc rồi sắc thuốc cho công chúa vì thấy công chúa trông ốm yếu quá. Cậu dặn ta nhớ nhắc nhở công chúa uống thuốc bổ đầy đủ và tuyệt đối không được nói cho công chúa biết cậu về phủ thăm công chúa. Cậu còn nhờ đến cả nghĩa mẫu của mình ra tay giúp để ép công chúa phải uống thuốc vì thuốc đắng công chúa không chịu uống đâu. Ta thực sự muốn nói cho công chúa Thiên Thành lắm nhưng đã lỡ hứa với cậu Tuấn rồi. Lần nào cũng vậy cậu ấy cũng đứng đợi công chúa uống hết bát thuốc mới yên lòng rời đi. Có lẽ là tâm linh tương thông nên công chúa nói với ta người có cảm giác như cậu Tuấn đang ở đâu đây quanh mình vậy. Cuối cùng một ngày công chúa cũng phát hiện ra, hai người lớn tiếng với nhau, cậu Tuấn bỏ ra ngoài, hai mắt đỏ ngầu dặn ta "Chăm sóc Thiên Thành giúp ta". Còn công chúa đang ngồi dưới sàn nhà khóc. Thấy ta chạy lại người ôm lấy ta thút thít "Ta đã lỡ là đuổi anh ấy đi. Là tại ta. Anh ấy đã vượt cả trăm dặm, chẳng quản mưa gió để về thăm ta nhưng ta lại đối xử với anh ấy như vậy". Rồi người lại nghĩ cậu Tuấn không quan tâm đến người nữa cũng tốt, cậu ấy sẽ có thể chú tâm học hành, người cũng sẽ học cách dần quên đi cậu ấy.



Hôm bị công chúa Thiên Thành đuổi về, cậu Tuấn mặt buồn như thất trận vậy. Chẳng nói chẳng rằng bỏ ra sông tắm, đêm thì đi ngắm đom đóm một mình. Chắc là do nghĩ thông suốt nên cậu ấy cũng chẳng hỏi han hay về thăm công chúa nữa mà tập trung dùi mài kinh sử, đánh cờ, bày trận, luyện võ như trước. Thực ra trước tới giờ cậu Tuấn cũng chưa bao giờ lơ là chuyện học hành chỉ là những lúc rảnh rỗi lại nằm vắt vẻo trên cây nghĩ về "nàng thơ của mình" thôi. Nhung nhớ nhiều quá, nàng cũng chẳng đến thăm nên mới lẻn về. Ta cứ tưởng hai người chiến tranh lạnh thế nào nhưng xem ra xa mặt cũng chẳng cách nổi lòng. Nhàn Hạ có kể với ta khi em ấy vờ hỏi công chúa rằng cậu Tuấn đi tắm sông bị chuột rút suýt nữa chết đuối, công chúa đã giật bắn mình, nét mặt lo lắng lắm. Còn cậu Tuấn giận thì giận, vẫn gửi thư cho công chúa, chính xác là gửi thư ép hoa khô. Cậu ấy xem ra cũng tẩn mẩn và giỏi mấy trò hoa lá phết. Công chúa cũng gửi khăn người tự đan cho cậu Tuấn. Ta nghe loáng thoáng cậu Tuấn nói với công chúa Thụy Bà như vậy: "Là Thiên Thành đan nhưng dặn nghĩa mẫu nói rằng do người đan tặng, con chẳng lẽ lại chẳng nhận ra". Hôm ấy cậu Tuấn cứ gọi là vui ra mặt, miệng huýt sáo, sáng dậy quét sân, quét vườn, gánh nước, bổ củi hết cả phần huynh đệ trong chùa. Cậu ấy vui mừng đến thế còn vì sắp đến thời điểm có thể trở về kinh thành rồi. Đương nhiên tâm trạng ta cũng rất giống cậu ấy.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận