Vạn Kiếp Phi Hoa

Đôi khi ta vẫn thường tự hỏi, nhiều năm đã qua, tại sao khi nhắc về những kí ức năm xưa, lần đầu tiên rung động, lần đầu tiên trái tim lạc nhịp, cảm xúc về ngày ấy trong ta vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Có lẽ vì năm ấy chúng ta đều như một tờ giấy trắng, vẽ nguệch ngoạc những nét tình cảm trong sáng, cùng tô nên màu thanh xuân, dẫu đó là màu dang dở hay màu trọn vẹn những kí ức ấy cũng đều được cất vào một góc nhỏ trong lòng mỗi chúng ta, góc nhỏ mà chẳng ai có thể xâm phạm đến.

Lần đầu tiên ta gặp Quốc Tuấn thật đặc biệt, có được gọi là "mỹ nhân cứu anh hùng" không? Anh ấy khi đó ung dung, đạo mạo, tay cầm sách, tay chống cằm suy tư, làm như thế giới sau lưng anh ấy không hề tồn tại. Ta biết Quốc Tuấn rất đơn độc, anh ấy chọn cho mình chiếc bàn đầu tiên, cách biệt với mọi thứ.

"Nó là đứa con của tên phản nghịch, cha nó là An Sinh Vương Trần Liễu đã từng có mưu đồ ám sát quan gia đó. Tên phản nghịch."

"Tránh xa đứa con của tên phản nghịch ra."

Đám trẻ túm tụm lại cố tình to tiếng để Quốc Tuấn nghe thấy. Ta khi đó ngồi cuối dãy trầm tư chăm chú theo dõi nhất cử nhất động của Quốc Tuấn. Quốc Tuấn hoàn toàn không một chút phản ứng, bình thản lật từng trang sách.

Là cuộc binh biến năm đó của bác Liễu, anh trai phụ hoàng ta, vì phụ hoàng cướp vợ của bác, người mà thay thế mẫu hậu ta trở thành hoàng hậu bây giờ - công chúa Thuận Thiên. Từ nhỏ ta cũng như bao vương hầu quý tộc khác luôn được dạy dỗ kẻ phản nghịch chính là bác Trần Liễu còn phụ hoàng ta - Trần Cảnh là người bao dung, độ lượng. Nói đơn giản thế này, bác Trần Liễu là vai ác, là kẻ phản diện, còn phụ hoàng là vai thiện, là vai chính diện. Nhưng ta không quan tâm những chuyện đó, điều ta quan tâm là mẫu hậu của ta - Lý Chiêu Hoàng. Một đứa trẻ khi không có mẹ ở bên sẽ tồn tại như thế nào? Nó sẽ phải trưởng thành hơn những đứa trẻ khác, mạnh mẽ hơn những đứa trẻ khác, nhất là khi nó sống ở hoàng cung nơi mà người ta giẫm đạp lên nhau để đi lên. Ta biết, ta biết hết, chúng tưởng ta là người điếc, chúng nói nhưng chúng nghĩ ta không nghe thấy ư. Chúng nói mẫu hậu của ta là loại đàn bà không biết đẻ, chúng nói nếu ta sinh là con trai, mẫu hậu ta đã không bị đuổi đi trong cay nghiệt đến vậy. Ta biết chúng ngoài mặt dạ vâng, nhưng trong lòng một bồ dao găm. Người ta nói "Tri nhân tri diện bất tri tâm", quả không sai.








Ta không biết ta lấy dũng khí gì, sức mạnh gì mà lấy hai tay đập thật mạnh xuống mặt bàn, ném cho đám trẻ ngông cuồng ấy một cái lườm khinh bỉ. Chắc chúng không thể lý giải nổi hành động của ta đâu, chúng sẽ tự hỏi bản thân đã gây thù chuốc oán gì với ta. Chúng im lặng, không còn dám hé răng nửa lời, phút giây oai phong, lẫm liệt nhất cuộc đời ta đây ư? Ta lặng lẽ tới bàn phía sau Quốc Tuấn, liệu thế giới của anh ấy có giống thế giới của ta không? Sự đơn độc phải chăng đều chung một bản chất. Ta lật sách ra, ngẩng mặt lên, vừa lúc Quốc Tuấn ngoảnh mặt lại, ánh mắt ta chạm ánh mắt anh ấy, như có một lực hút vô hình, lực hút khiến vạn vật, khiến mọi thứ xung quanh như ngưng đọng, chỉ còn một thứ tồn tại duy nhất đó chính là ánh mắt của người đối diện.


Ta còn nhớ như in khi Quốc Tuấn nói về chữ "Nhẫn" như thế này: "Chữ Nhẫn được ghép từ hai chữ: "Đao" ở trên và "Tâm" ở dưới. "Tâm" hay là trái tim mà cứ hoang mang, dao động thì "Đao" hay là con dao sẽ lập tức phập xuống đâm xuyên tim. Hay nói cách khác dù nhát dao đâm vào tim rỉ máu vẫn phải Nhẫn. "Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu" chuyện nhỏ mà không nhẫn nhịn được, thì chuyện lớn ắt gặp hư hoại." Anh ấy khác biệt so với tất cả, là người đáng để ta khâm phục nhất trong đám con quan lại quý tộc.

Câu đầu tiên Quốc Tuấn nói với ta là hai tiếng: "Cám ơn". Anh ấy đi lướt qua, ta bất động trong giây khắc mới như bừng tỉnh: "Ta không nghe rõ." Ta cứ tưởng Quốc Tuấn sẽ cứ thế mà bước đi nhưng anh ấy ngoái lại nhíu mày nhìn ta sau đó mới bước đi tiếp. Ánh mắt đó, cái nhíu mày ấy khiến ta bất giác mỉm cười.








Ta rất nhiều lần chần chừ muốn bắt chuyện với Quốc Tuấn ấy, cứ giơ tay lên định kéo lưng áo, hay chọc anh ấy nhưng chỉ dừng lại trong không trung rồi rụt tay về. Ta cần tìm một cái cớ, cái cớ để có thể phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá thế giới của anh ấy. Có lần ta nhoài mình về phía Quốc Tuấn, can đảm gõ nhẹ lên lưng áo anh ấy: "Ta có thể hỏi anh điều này không?" Quốc Tuấn lạnh lùng đáp: "Không được". Ta rụt tay lại trong hụt hẫng, lần đầu tiếp cận thất bại, nhưng không sao ta sẽ nghĩ cách khác. Ta thấy Quốc Tuấn đọc rất nhiều sách, toàn là binh pháp, võ thuật, rốt cuộc có điều gì quyến rũ ở mấy quyển sách đó? Lục thao tam lược, Binh pháp tôn tử, Binh pháp ngô tử, nghiên cứu thế này chắc cũng đủ để đàm đạo với Quốc Tuấn rồi phải không? Ta ôm chồng sách đuổi theo anh ấy: "Em đang tìm hiểu về binh pháp nhưng thực khó hiểu quá." Quốc Tuấn sẽ sẵn lòng giảng giải cho ta ư, không, anh ấy nhìn ta nghiêm nghị đáp:

- Binh pháp Tôn Tử có nói thế này "Phi lợi bất động, phi đắc bất dụng, phi nguy bất chiến." Em hiểu ý ta chứ, những điều vô ích thì không nên làm.

Anh ấy nói chuyện gì là vô ích, chuyện ta đọc binh pháp hay chuyện ta cứ bám lấy anh ấy. Ta cũng chẳng vừa, hét lớn đối đáp lại Quốc Tuấn: "Vô trung sinh hữu." (Không có mà làm thành có)









Đúng dịp đó, bác Thụy Bà mời ta đến phủ chơi, điều đặc biệt chính là bác là nghĩa mẫu của Quốc Tuấn. Ta háo hức chuẩn bị đến Giảng Võ Đường xem Quốc Tuấn tập luyện sau đó sẽ theo anh ấy về phủ bác. Lần này ta có thể đường đường chính chính mà theo anh ấy rồi, ta thực sự rất háo hức.

Quốc Tuấn chọn cho mình một góc nhỏ ở sân tập, một mình với cây mộc nhân tập luyện, có lẽ anh ấy nghiêm túc tập luyện nên không nhận ra sự xuất hiện của ta. Ta cũng chiếm lấy cho mình một góc nhìn có thể quan sát mọi nhất cử nhất động của anh ấy. Tên Trung Thành Vương thấy sự xuất hiện của ta liền la lên "Công chúa, công chúa", ta đành lườm hắn một cái, hắn dám phá vỡ việc bổn cung ta đang chiêm ngưỡng cực phẩm của đất Đại Việt này. Ta lại lẽo đẽo theo sau lưng Quốc Tuấn, anh ấy như mọi khi vẫn không chịu mở lời trước, cho đến lúc xe ngựa của ta cũng theo tới phủ bác Thụy Bà, anh ấy mới ngạc nhiên hỏi sao ta lại đến đây. Ta có thể đến bất cứ nơi nào ta muốn đến, ta rất đắc ý vì sự ngỡ ngàng của anh ấy. Bác mời ta đến thưởng thức món chè đỗ đen hạt sen do chính tay bác nấu, món chè này vừa thanh nhiệt lại bổ dưỡng khí huyết, bác nói Quốc Tuấn cũng rất thích món chè này.

Ta định đến thư phòng của Quốc Tuấn thì thấy người theo hầu anh ấy đang bưng một chậu nước. Ta hỏi nước gì thì hắn nhanh nhảu thưa: "Thưa công chúa, chậu nước này pha hồng hoa, chỉ xác, ngưu tất, ngũ gia bì, đỗ trọng, thanh bì, thảo ô,... để cậu Tuấn ngâm tay trị thương. Mỗi khi cậu luyện với mộc nhân xong đều phải ngâm tay, xoa thuốc, để tránh xưng bầm, bong gân, trật khớp hay nứt xương, gãy xương". Tên hầu kể tên đủ thứ thuốc, dài như một bài khấn vậy, nhưng ta đâu có xin bài thuốc cơ chứ. Ta cũng không ngờ chỉ luyện võ thôi nhưng lại nghiêm trọng đến vậy. Hóa ra những dải khăn trắng quấn trên tay, đằng sau ấy là những vết thương tím bầm của những ngày tập luyện gian khổ. Người tài giỏi không đáng sợ, đáng sợ là người tài giỏi nhưng vẫn không ngừng nỗ lực. Ta tranh mang chậu nước lên với tên hầu, hắn đâu dám trái lệnh ta cơ chứ.

- Sao lại là em? Tên Đạm Bạc đâu?

- Em thì sao chứ, đưa tay anh đây.

Ta nhẹ nhàng xức nước lên cánh tay anh ấy, cẩn thận xoa bóp.


- Nhẹ quá, em sợ ta gẫy xương à?

- Mạnh quá rồi, tay ta đâu phải sắt đá?

- Phải rồi, như thế là được rồi, rất thoải mái.

Quốc Tuấn đang thử thách sức chịu đựng của ta ư, anh ấy nghĩ làm thế sẽ khiến ta bỏ đi sao, anh ấy lầm to rồi.

- Để ta xoa thuốc cho anh. Thuốc để ở đâu?

- Ta tự làm cũng được mà.

- Em tìm thấy rồi.

- Tên Đạm Bạc chỉ cho em à. Ta phải phạt hắn thôi.

- Ngoan ngoãn đưa tay anh đây nào.

- Em liều nhỉ. - Quốc Tuấn chầm chậm vén sợi tóc mai trên trán ta, phút giây này đối với ta cứ ngỡ như dài cả thập kỉ, ta không dám ngẩng mặt nhìn anh ấy, dù ta rất tò mò biểu cảm khi đó của anh ấy sẽ thế nào. Hay có lẽ đơn giản chỉ là Quốc Tuấn thấy không thuận mắt tiện tay mà vén tóc lên giúp ta thôi.

- Sao anh phải tự hành hạ bản thân mình như vậy? Ta thổi nhẹ vào vết thương anh ấy rồi xuýt xoa. Mộc nhân cứng như vậy, bền bỉ như thế, sức người sao đấu lại được?


- Anh không đấu với khúc gỗ vô tri đó, là đấu với chính mình công chúa ạ. Và anh tập có phương pháp bài bản không phải luyện chơi, tập dần rồi sẽ quen. Làm gì có chuyện không đau, chẳng qua từ đau đã đạt đến trạng thái chai lỳ mà thôi.

- Mà đến lúc em nên về rồi đấy.

Dù cuối cùng vẫn bị Quốc Tuấn đuổi khéo nhưng nó vẫn đáng được ghi vào lịch sử trò chuyện với danh hiệu cuộc hội thoại dài nhất giữa Thiên Thành công chúa và Quốc Tuấn "ngốc nghếch". Quốc Tuấn ngốc lắm, anh ấy chẳng chịu hiểu lòng tốt của ta một chút nào cả.








Trời hôm ấy mưa như chút nước, ta thấy Quốc Tuấn trầm ngâm chắp tay sau lưng đứng trước hiên nhà. Quốc Tuấn cũng biết ngắm mưa ư, ta không tin anh ấy cũng có mặt biết thưởng thức thiên nhiên này. Ta chụm hai tay hứng dòng nước mưa rơi từ mái hiên, nhìn sang phía Quốc Tuấn vui đùa hỏi:

- Anh nghĩ xem con người ta thường bị thấm mưa vì cơn mưa bụi thoáng qua hay cơn mưa rào nặng hạt?

- Vậy em nghĩ xem đứng yên một chỗ hay cứ thế bước đi trong mưa, cách nào sẽ khiến con người ta ít bị ướt nhất? Không phải đằng nào cũng sẽ bị ướt sao, mà ướt thì đâu cần quan tâm ít hay nhiều.

- Vì cơn mưa bụi nhẹ nhàng, làm con người ta cứ nghĩ nó vô hại mà cứ cố đi tiếp để cuối cùng thấm mưa, còn cơn mưa rào ào ào khiến người ta vội vàng tìm chỗ trú nên mới không bị ướt.

Triết lý về mưa hay triết lý về tình yêu. Đứng trước người mình yêu cho dù có đứng yên bất động hay từng bước tiến tới thì trái tim mỗi phút, mỗi giây đều không ngừng rung động.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận