Cát Hồng thích chơi với những người nội trợ, trước đây ở cơ quan không có việc, có thể ôm cái máy điện thoại, gọi cho ai đó. Nói chuyện nhiều nhất là với Tiếu Nhu, nói bên bàn mạt chược, nói qua điện thoại, gặp đâu cũng chuyện trò. Tiếu Nhu rất kiên trì, không bao giờ ngắt lời Cát Hồng. Có thể Cát Hồng không bao giờ biết có lúc Tiếu Nhu không muốn nghe chuyện của chị, cô gác máy lên vai, đọc sách trên tay mình hoặc làm việc khác, thỉnh thoảng lại “ừ” một tiếng, hoặc cười vô cớ với Cát Hồng.
Từ sau ngày mất việc phải ở nhà, Cát Hồng nói chuyện với người khác nhiều hơn, điện thoại ở nhà do mình trả tiền không nói làm gì, cũng chẳng có chuyện gì để nói, chỉ tán chuyện phim truyền hình.
Lâu ngày, Cát Hồng cảm thấy cuộc sống thiếu đi điều gì đó, giống như bị kìm nén không được nói, không được tự do thổ lộ, trong bụng như lửa đốt, chị trút lửa lên người Xuyên Thanh cũng không có tác dụng. Anh như con lợn chết, không sợ nước nóng.
Cát Hồng muốn tìm một người để trút nỗi lòng, tố giác Xuyên Thanh. Nghĩ đi nghĩ lại chỉ có Tiếu Nhu là thích hợp hơn cả. Cát Hồng biết rõ Tiếu Nhu, biết quan hệ giữa cô ta và chồng không tốt, đúng là đồng bệnh tương liên.
Lâu lắm không liên hệ với Tiếu Nhu, bất ngờ thổ lộ chuyện nhà với cô ta có gì đó khó xử, đầu tiên Cát Hồng hỏi lâu nay cô chơi mạt chược có vui không.
Tiếu Nhu cười nói: “Nếu chơi mạt chược mà vui, vậy thì trừ ăn ngủ ra, tất cả thời gian còn lại em có thể ngồi bên bàn mạt chược, mà ván nào cũng thắng thì hay biết chừng nào. Chị bảo đâu có chuyện tốt đẹp như vậy, đâu có chuyện vui vẻ như vậy?”. Tiếu Nhu hỏi có phải Cát Hồng đã hồi tâm chuyển ý, muốn trở về với bàn mạt chược? Cát Hồng trả lời không phải. Tiếu Nhu rất khâm phục, bảo mình không thể có quyết tâm cao như thế được, nếu một hôm nào không chơi, trong bụng cứ như mèo cào.
Cát Hồng nói: “Vậy là cô siêu thoát rồi, trút tất cả những chuyện phiền lòng ra khỏi đầu óc, nếu không cô làm sao ngồi yên?”.
Tiếu Nhu bảo, ở bệnh viện cô vẫn như vậy, không đứng núi này trông núi nọ, tất cả cho qua. Công việc gia đình, chồng làm ăn, chơi bời thế nào cũng mặc, không mang dây buộc mình làm gì.
“Anh ấy có dùng cái ấy để chọc thủng trời thì em cũng mặc, chỉ cần kiếm tiền đem về, em chỉ cần ba ngày hai lần ngồi vào bàn mạt chược”. Tiếu Nhu nói xong lại cười.
Cát Hồng nói với Tiếu Nhu: “Chồng cô có bản lĩnh, không như anh Thanh nhà chị. Anh ấy cứ hùng hục như thợ xây ăn cơm tối… xong rồi tụt xuống. Chị tức chết đi được, tức lắm”.
Nếu Tiếu Nhu không biết gì về Xuyên Thanh, cứ như cách nói chuyện của Cát Hồng trước đây thì cô đã đùa: “Chị em mình đổi cho nhau nhé?”, nhưng lúc này cô nói một câu rất chừng mực: “Đừng xem thường anh Thanh, có gầy thế nào thì cũng là con lạc đà”.
Nghe Tiếu Nhu nói vậy, Cát Hồng lòng dạ nhẹ nhàng, nhưng vẫn thở dài, kể khổ về chồng với Tiếu Nhu như để trút được nỗi lòng.
Tiếu Nhu cười: “Chị cũng đừng thúc ép anh ấy quá, em cảm thấy lúc này anh ấy đang buồn, nghe người ta nói anh ấy hay đến các quán cơm một mình, hai người không có chuyện gì chứ?”.
“Chị với anh ấy có chuyện gì?”. Cát Hồng giật mình, nhưng vẫn làm ra vẻ không có chuyện gì, không dám hỏi thêm Tiếu Nhu.
Hơn chín giờ đêm Xuyên Thanh về với dáng vẻ cơm no rượu say, Cát Hồng hỏi hôm nay anh ăn cơm ở đâu, ai mời?
Xuyên Thanh ngớ ra, hỏi Cát Hồng quan tâm đến chuyện ấy làm gì? Thấy sắc mặt vợ không bình thường, nói dối hôm nay Hội văn nghệ thành phố chiêu đãi ông Tôn, một họa sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh về, chiêu đãi ở khách sạn Kim Tông Các, ông Phùng Xuân nhất định mời anh cùng dự. Họa sĩ Tôn là bạn cũ của anh, ít hôm nữa sẽ cho anh một bức tranh, tranh của ông ấy bây giờ cứ mỗi tấc vuông là năm nghìn đồng.
Cát Hồng đến trước mặt Xuyên Thanh ngửi ngửi, nói: “Anh uống rượu gì thế? Em ngửi thấy mùi rượu nước hai?”.
Xuyên Thanh lắc đầu, lấy làm lạ: “Mình lại phát hiện ra chuyện gì rồi?”.
Anh cố trấn tĩnh, thật sự đã uống một chai “Tiểu nhị”. Buổi tối ăn cơm ở quán, gọi một phần tư con vịt muối, một đĩa dưa chuột, món chính là mì Dương Xuân.
Cát Hồng không nói gì, chị vào nhà vệ sinh, đóng cửa lại, ngồi trong đó ôm mặt khóc.
Một lúc lâu sau chị mới ra, thái độ đối với Xuyên Thanh dịu dàng hơn nhiều. Chị bưng cái li trà của anh, nói: “Đi, đi ngủ!”. Xuyên Thanh ngạc nhiên, không biết chị làm cái trò gì, anh trở nên lúng túng. Thấy anh chưa đứng dậy mà cũng không nổi nóng, bảo nếu anh chưa buồn ngủ thì chị đi ngủ trước.
Xuyên Thanh vội nói: “Anh đi ngủ ngay”. Anh đứng dậy, đi trước vào buồng.
Nằm xuống giường, Xuyên Thanh không biết nên nói gì, làm gì, mắt vẫn nhìn Cát Hồng. Cát Hồng quay lại, hỏi: “Có phải gần đây em làm khó cho anh?”. Xuyên Thanh nói: “Không, không, không có chuyện gì”. Anh nói vậy vì tưởng Cát Hồng sẽ tìm khiếm khuyết gì của anh.
Cát Hồng nói: “Sau này có ai mời, anh từ chối được ai thì cố từ chối, ít ăn uống ở ngoài thôi”. Xuyên Thanh rất thận trọng hỏi lại: “Tại sao?”. Cát Hồng nói tiếp: “Anh không còn như trước đây, làm việc ở Ban lịch sử thành phố chỉ canh suông nước lạnh, anh nợ miệng người khác biết lấy gì để trả?”. Xuyên Thanh hiểu ý vợ, nói theo: “Điều anh nghĩ em đã nghĩ trước, sau này cố không đi ăn uống ở đâu nữa”. Cát Hồng rất thỏa mãn với phản ứng của anh, chị rất nồng nhiệt ôm anh, anh cũng theo nước đẩy thuyền, gục vào người Cát Hồng. Hai cơ thể oằn oại, Cát Hồng thở gấp gấp…
Cát Hồng vẫn chưa đã, xong việc tay chị vẫn còn vuốt ve cơ thể anh. Xuyên Thanh ứng phó một cách hờ hững, đầu óc bị giày vò bởi ý nghĩ tại sao Cát Hồng lại bất ngờ xoay chuyển 180 độ như thế?
Một lúc sau Cát Hồng mới để Xuyên Thanh có phản ứng, chị muốn mượn gió bẻ măng, vừa vuốt ve kích thích anh, vừa nói: “Anh nghĩ đến cái cô gái mà anh chơi mạt chược…”. Xuyên Thanh nói: “Chỉ nói nhảm, lại thế rồi”.
“Anh nghĩ đến cái cô gái lẳng lơ ở tòa soạn đi…”. Xuyên Thanh nói: “Cút đi, người ta làm gì mình?”.
“Anh nghĩ đến cái con hồ li tinh ở trước cửa kia vụng trộm giấu chồng đi…”. Xuyên Thanh nói: “Chỉ vớ vẩn, cẩn thận kẻo người ta đến tận nhà đấy”.
“Hay là anh nghĩ đến cái Nhu, người nó trắng, cặp mông tròn, hai bầu vú núng nính, em cũng muốn sờ…”
Xuyên Thanh đã bị kích thích, lúc này thì bị kích thích mạnh, thần kinh như chùng xuống, người anh mềm nhũn, cặp đùi run run, Cát Hồng sờ mông anh đang toát mồ hôi lạnh, sợ hãi hỏi: “Tại sao người anh lạnh thế?”.
Tiếng Xuyên Thanh yếu ớt: “Hỏng rồi, anh hỏng rồi, không hiểu tại sao…”.
“Không sợ, em giúp anh. Khỏi ngay thôi mà, khỏi ngay mà”. Cát Hồng chỉ còn biết an ủi chồng.
***
Oánh Oánh giúp Hồ Bằng điều chỉnh quan hệ với ông Mâu, chị còn bảo hàng ngày trong Sở có chuyện gì cũng phải nói cho chị biết ngay, để chị phân tích lý lẽ, bảo anh việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Trước đây Văn Hòa cũng nói với chị chuyện ở cơ quan, đấy là do anh chủ động ân cần đối với chị, nhưng bấy giờ chị rất không muốn nghe.
Quan hệ giữa ông Mâu và Hồ Bằng trở nên thân thiết anh em, đồng chí. Hồ Bằng gặp ai cũng nói tốt cho ông, người tâng bốc người không như nhau, ông Mâu đến phòng lưu trữ nói chuyện cờ bạc với những người rỗi việc, lần nào trắc nghiệm ý dân cũng đều thuận. Trước mặt Giám đốc sở ông không quá lời khen Hồ Bằng mà cũng không một lời nói xấu anh.
Điều mà Hồ Bằng sốt ruột đó là cái việc đề bạt ông cứ sấm mãi mà không mưa, anh cảm thấy mình kẹt trong chuyện này, nước không lên thì thuyền cũng không nổi.
Oánh Oánh không nghĩ vậy, lãnh đạo thể nào cũng đề bạt Hồ Bằng, không nhất thiết đề bạt chức chánh văn phòng. “Cho anh làm Giám đốc, chưa chắc anh đã kém hơn họ”.
Hồ Bằng nghe Oánh Oánh nói vậy, anh nghĩ cũng đúng: Trình độ ông Giám đốc rất yếu, trong cuộc họp cán bộ sở, ông nói sai, nói ngọng, đáng lẽ phải nói điểm yếu thì nói yếu điểm, tham quan thì nói là thăm quan, thế nào thì nói thế lào…
Hồ Bằng bảo, nếu anh làm Giám đốc sở sẽ không bao giờ phạm những sai sót tối thiểu ấy. Anh có thể đọc thuộc diện tích đất của từng thôn, từng phường của cả thành phố, báo cáo với thị trưởng, bí thư không hề sai sót về số liệu. Anh còn có thể luân chuyển cán bộ quản lý đất đai trong thành phố, không để họ ở mãi một địa phương dẫn đến tiêu cực.
Oánh Oánh cảnh cáo Hồ Bằng không nên xem thường bất cứ một vị lãnh đạo nào, họ ngồi vào vị trí đó đều có lý do, bản lĩnh này khác. Hồ Bằng không lên được cũng có lý do, ít ra là những năm trước không có chí tiến thủ.
“Bằng phải để mọi người biết mình có chí tiến thủ, ít nhất phải để ông Giám đốc biết”. Oánh Oánh nhắc nhở Hồ Bằng.
Oánh Oánh suy tính giúp Hồ Bằng bám lưng quần, chị nói chiêu này rất hèn, nhưng có thể có hiệu quả. Chị bảo, lỗ tai ông Giám đốc rất mềm, chỉ nghe vợ.
Hồ Bằng hỏi Oánh Oánh phải làm thế nào, chị bảo chơi mạt chược với vợ Giám đốc là một cách. Hồ Bằng nghe nhắc đến mạt chược, anh không nói gì. Oánh Oánh nói: “Oánh biết, Bằng không muốn Oánh đi chơi mạt chược. Thôi, không ép Bằng”. Hồ Bằng vội nói: “Oánh có thể đi chơi, chính sách là tập hợp của tính nguyên tắc và tính linh hoạt. Bằng ủng hộ Oánh chơi mạt chược với vợ ông Giám đốc, Bằng không phải là người không trọng lẽ phải”. Oánh Oánh ngước nhìn: “Oánh không đi đánh đâu, tại sao Oánh phải nghe lời Bằng?”.
Dừng lại một lúc, Oánh Oánh tiếp: “Mạt chược phải đến nhà ta đánh mới có ý nghĩa, để bà ấy chơi thoải mái, ăn ngon, đón nhận tình cảm của chúng ta, về mới tỉ tê với chồng”.
Oánh Oánh bắt tay vào thực hiện ngay, thứ ba hẹn bà Thai, vợ ông Giám đốc đến chơi mạt chược, chơi vào chiều thứ bảy. Oánh Oánh bảo chỉ một mình bà ta, để bà ấy mời thêm hai người nữa, như vậy đối với bà ấy chơi mạt chược tại nhà Hồ Bằng không phải là chuyện bình thường, rõ ràng là đánh với riêng bà ta.
Thứ sáu, bà Thai đến đúng hẹn, đem theo hai người bạn cùng chơi, một người là vợ ông Viện trưởng Viện kiểm sát, một người nữa là vợ ông Cục trưởng Cục nhân sự.
Bà Thai là người phát phúc sớm, sợ béo, bà mặc bộ đồ ôm sát người phình lên như cái trống, tiếng cười như tiếng chuông bạc. Ngồi đánh chưa đầy một ván nghe ba bốn cuộc điện thoại, đều là điện thoại tìm bà chơi mạt chược. Bà ta cười khanh khách, bảo đang chơi, muốn chơi phải hẹn trước mười hôm. Tắt máy, bà ta nhìn Oánh Oánh, mỗi lần như vậy Oánh Oánh đều mỉm cười như bày tỏ cảm ơn với bà ta.
Các bà chơi mạt chược, Hồ Bằng phục vụ, anh liên tiếp đưa những đĩa trái cây đến. Trái cây đã gọt vỏ hoặc đã cắt thành từng miếng, dùng tăm để xiên, bà Thai vừa ăn vừa khen: “Anh Bằng chu đáo quá, không như ông Thai nhà tôi, vụng lắm, chơi mạt chược ở nhà bảo anh ấy gọt mấy trái cây cũng không gọt sạch vỏ. Để chúng tôi phải gọt, tay dính nhựa, quân bài cũng dính nhựa trái cây, làm tôi tháng nào cũng phải dùng rượu cồn để tẩy sạch quân bài, tẩy sạch rồi lại phải dùng máy sấy để sấy khô”.
Hồ Bằng cười: “Sau này các chị đến nhà chúng em chơi bài cũng tiện. Cô Oánh nhà em chơi bài rất kén chọn người, chơi với các chị rất vui”. Oánh Oánh tỏ ra phấn khởi, luôn luôn tươi cười, chị xua tay bảo Hồ Bằng ra chỗ khác: “Anh xuống bếp thổi cơm đi”.
Gần tối, mùi thơm của thức ăn từ trong bếp bay ra, bà Thai không kiềm chế nổi, hỏi: “Làm món gì đấy? Thơm quá!” Oánh Oánh trả lời: “Anh ấy tự biên tự diễn món yến bách cô”. Bà Lý nói: “Anh ấy làm chúng tôi phân tán tinh thần, mùi thơm ngon vây quanh người chúng tôi còn tâm tư nào để chơi bài nữa”. Hồ Bằng từ trong bếp ra thông báo với mọi người cơm đã sẵn sàng, có thể tạm nghỉ để ăn cơm. Bà Thai lại khen Hồ Bằng.
Ăn xong bữa tối lại chơi tiếp, họ định chơi ba hiệp. Mới chơi đến hiệp thứ hai thì bà Thai hắt hơi liên tục, bà không cần biết mọi người có đồng ý không, cứ vậy tuyên bố không đánh nữa.
Trước khi bước ra cửa bà Thai lại hắt hơi, bà ta nói với Oánh Oánh: “Chơi bài ở nhà cô thích lắm. Đáng tiếc, rất muốn chơi tiếp nhưng tinh thần căng thẳng quá, không sao chơi nổi”. Oánh Oánh nói: “Khi nào tinh thần chị thoải mái, chúng ta lại chơi nữa, tùy ý chị”. Bà Thai nói: “Cô nói đấy nhé, nói lời phải giữ lấy lời”. Hồ Bằng đứng sau lưng bà ta, chêm: “Lúc nào cũng hoan nghênh chị”. Tất cả như sợ bà ta không đến chơi nữa.
Chờ cho mọi người về hết, Hồ Bằng vội hỏi Oánh Oánh đánh thế nào. Oánh Oánh nói, chắc chắn bà Thai phấn khởi lắm, được những hơn một nghìn, hai người kia cũng được chút ít, cuộc chơi ấy Oánh Oánh mất hơn hai nghìn. Bà Thai được coi như kế hoạch đã thắng. Hồ Bằng nói: “Thua thì đau lòng, không thả con săn sắt làm sao bắt được con cá sộp, coi như đầu tư”.
Sang tuần thứ hai, bà Thai chủ động gọi điện cho Oánh Oánh, cuộc chơi vẫn ở nơi cũ, vẫn mấy người ấy.
Bà Thai vừa thấy Hồ Bằng liền nói: “Cậu Bằng, tôi chưa kịp khen cậu trước mặt nhà tôi thì ông ấy đã khen cậu rồi, khen cậu giỏi lắm”.
Hồ Bằng cười hì hì, tưởng như vừa được ăn mật ong.
***
Nhà máy bột giấy của thành phố Tứ Phương bị Tổng cục bảo vệ môi trường nhà nước liệt vào danh sách phải đóng cửa vì ô nhiễm, Để giữ nhà máy, các vị lãnh đạo nhà máy chạy đôn chạy đáo giải quyết những vấn đề sau khi đóng cửa, chủ yếu là thu xếp chuyện công nhân mất việc, vấn đề hết sức đau đầu, cần một khoản tiền lớn.
Cùng với việc mở rộng thành phố, khu vực ngoại thành nơi có nhà máy bột giấy nay đã nằm trong bản đồ nội đô, khu đất hơn hai trăm mẫu đã bị công ty kinh doanh bất động sản nhắm nhe. Ông Vũ ra sức chống lại, ông chủ trương nước sông luộc cá sông, dùng tiền bán đất để mua đứt thâm niên của công nhân và lấy tiền chi trả trợ cấp cho người thất nghiệp.
Nghe tin phá nhà máy bán đất, mấy trăm công nhân nhà máy bột giấy kéo nhau đi khiếu kiện tập thể, vây kín cổng cơ quan chính quyền thành phố. Không ít công nhân ở nhà chờ việc từ nhiều ngày nay đã mua xích lô kiếm khách trên đường phố. Họ chịu đựng nắng mưa vô cùng cực khổ, cảm thấy nếu phá nhà máy bán đất đúng là đập vỡ nồi cơm của họ. Mấy chục người liên hiệp lại xếp hàng xích lô rồng rắn lặng lẽ diễu quanh các phố nhằm bày tỏ sự bất bình.
Giám đốc nhà máy bột giấy và Bí thư Đảng ủy được mời lên phòng tiếp dân. Chính quyền thành phố yêu cầu họ làm công tác tư tưởng cho công nhân, yêu cầu họ tìm được người dẫn đầu có tổ chức để thuyết phục công nhân. Giám đốc nhà máy cử cán bộ từ cấp phó phòng đến cổng trụ sở chính quyền để làm công tác tư tưởng cho công nhân. Tiểu Mãn là người duy nhất từ chối mình là cán bộ cấp trung gian, anh có lý do: “Lẽ ra tôi cũng đi kiện, bây giờ không đi nữa”. Tiểu Mãn và Vân Tài đã đăng kí kết hôn, họ định tổ chức lễ cưới nho nhỏ, mời lãnh dạo nhà máy và bạn bè thân cận uống ly rượu nhạt, sẽ là đôi vợ chồng thất nghiệp trong lúc nhà máy bị đóng cửa, cuộc sống có vấn đề, nên họ từ bỏ ý định đó.
Vân Tài không tham gia khiếu kiện tập thể, chị cho rằng đi như vậy cũng chẳng ích gì, liệu có ai dựa vào khiếu kiện ồn ào để giải quyết vấn đề? Hơn nữa chị đang được hoãn thi hành án, không thể đi. Chị bàn với Tiểu Mãn, sau này sẽ tìm việc gì làm. Tiểu Mãn rất buồn, nói công nhân các dây chuyền sản xuất đều rời thiết bị, rồi bỏ công việc cũ của mình liệu có thể làm được việc gì? Xưởng may đóng cửa, chính quyền không bị sức ép lớn, công nhân thất nghiệp có kĩ năng, đến xưởng may khác cũng làm việc đó, ít nhất đến các cửa hàng thời trang giúp việc. Công nhân nhà máy bột giấy thì không thể, các nhà máy bột giấy khác không bị đóng cửa chuyển đổi sản xuất cũng thu hẹp qui mô, không có cách nào giải quyết công ăn việc làm cho họ. Họ mất việc trắng tay, làm gì cũng dở, tất cả đều trái ngành trái nghề.
Tiểu Mãn suy nghĩ tích cực, anh và Vân Tài không cùng lúc mất việc, chỉ cần nhà máy còn một viên gạch, một viên ngói, một cái đinh ốc, phòng bảo vệ vẫn còn việc, chưa thể về nhà. Vân Tài không đồng ý cách nghĩ của Tiểu Mãn, cảm thấy con đường tiếp theo của anh không có ý nghĩa, kiểu gì thì nhà máy cũng đóng cửa, tốt nhất là chuồn sớm tìm việc khác cho xong chuyện. Chị nói, sau cải cách mở cửa người giàu sớm nhất đều là những người không có công việc cố định. Những người có cuộc sống hàng ngày bị dồn xuống đáy cũng có cái tốt, họ bất chấp tất cả quyết tâm đến cùng, rồi sẽ thành công.
Tìm việc làm trở thành bệnh tim của Vân Tài, vì thế mà chị mất ăn mất ngủ. Lúc ăn lúc ngủ, sáng sớm tỉnh dậy chị đều nói:
“Tốt nhất chúng ta mở một quán cơm”.
“Nghe nói tìm vài người, dùng một vài dụng cụ đơn giản là có thể trở thành một công ty vệ sinh…”
“Mở một hiệu sách giáo khoa, kiếm vài đồng của học sinh”.
“Hay là mở một nhà hàng vui chơi giải trí?”
Tiểu Mãn rất lý trí, làm gì cũng phải có vốn, cứ như tình trạng của mình nhất định phải đập nồi bán sắt vụn, nợ nần khắp nơi, không thể để lỗ vốn, nhất thiết phải vững chắc. Vân Tài nghĩ ra không biết bao nhiêu công việc, nhưng anh đứng ở góc độ khác để suy nghĩ, nghĩ từ góc độ xấu nhất. Anh biết sức ép của Vân Tài rất lớn, chị cảm thấy cuộc sống bây giờ giống như trước đây khi Hồ Bằng đưa cho chị một tháng lương đem nướng cả vào mạt chược, sợ hãi không biết sẽ sống bằng cách nào.
Vân Tài nghĩ phải mở một xưởng may nhỏ nhưng Tiểu Mãn vẫn không bằng lòng.
Lần này thì Vân Tài kiên trì suy nghĩ của mình, việc có thể làm là mở một xưởng may nhỏ. Mở xưởng may được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Nhà lợp mái tôn trong Trung tâm thời trang đối với công nhân thất nghiệp thuê, một có thể dùng hai. Tiền trợ cấp thất nghiệp cộng với tiền tiết kiệm của Tiểu Mãn có thể mua hơn một chục máy khâu vẫn thừa, nhiều lắm chỉ cần vay thêm hai ba chục nghìn để ứng tiền thuê xưởng và hai tháng lương của công nhân, hễ máy chạy là có thể thu được tiền về. Chị đưa ra mấy ví dụ của những người mở xưởng may nhỏ. Tiểu Mãn biết chị nói đều là sự thật, nhưng anh nghĩ không đơn giản như thế.
Một sự việc xảy ra sau đấy khiến Tiểu Mãn thêm quyết tâm, anh bỏ không làm trưởng phòng bảo vệ nữa, tính đến chủ trương của Vân Tài. Công nhân nhà máy bột giấy sau khi khiếu kiện, một số người tập trung mâu thuẫn vào ông Vũ, Phó thị trưởng nguyên là Giám đốc nhà máy. Phương án nước sông luộc cá sông của ông về lý thuyết không sai, nhưng vấn đê là rất nhiều cá, sông lại cạn. Tiền bán đất của nhà máy giấy không đủ để mua thâm niên của công nhân, từ lâu nhà máy nợ lớn hơn cả vốn, rất nhiều cơ quan kiện ra tòa đòi bồi thường. Một số thiết bị đáng tiền đã bị tòa án niêm phong, không dán niêm phong là để che mắt công nhân.
Lúc ông Vũ thôi chức Giám đốc nhà máy lên làm Giám đốc Sở Công nghiệp nhẹ đã nói, suốt ba năm kinh doanh ông làm cho thực lực nhà máy trở nên hùng hậu, có tám chục triệu vốn lưu động, hơn năm chục triệu thu nợ, mười triệu hàng còn trong kho, dù nhà máy không sản xuất cũng đủ cho công nhân ăn trong mười năm. Nhưng ông đi chưa đầy hai năm thì xảy ra tình trạng nợ lương công nhân, nhà máy bột giấy thâm hụt một khoản lớn.
Để hóa giải mâu thuẫn, ông Vũ đề nghị ông Đỗ, Giám đốc Sở công nghiệp nhẹ về nhà máy giấy tổ chức họp cán bộ trung gian. Ông cũng đề nghị cán bộ, công nhân nhà máy thông cảm với chính sách bảo vệ môi trường của nhà nước. Nói rõ tính quan trọng của việc duy trì sản xuất lâu dài, mong mọi người có những suy nghĩ của người làm chủ “hy sinh gia đình nhỏ vì quốc gia lớn”. Để giải quyết tư tưởng không ổn định của công nhân thời gian gần đây, cấp trên chuẩn bị làm một đợt công tác tư tưởng. Từ phân tích chính trị tìm ra cách giải quyết đến hướng dẫn công nhân học tập, khơi gợi tình cảm những người cầm đầu gây sự, tốt nhất dùng lý lẽ thuyết phục, bằng không đã có pháp luật.
Ông Vũ nhấp một hụm nước, hắng giọng: “Tình hình ở nhà máy bột giấy tôi hiểu rất rõ, có một số công nhân tố chất kém, trước đây tôi đã nói, họ có hai cái nhiều: đi làm ngủ nhiều, hết giờ chơi mạt chược nhiều. Những công nhân ấy bây giờ chỉ sợ thiên hạ không đại loạn, có người tung tin đồn nhảm, có người dựng chuyện nói xấu, lại có người ác độc đả kích các đồng chí lãnh đạo, phòng bảo vệ phải phát huy tính tích cực, đồng chí Mãn trưởng phòng bảo vệ có đây không?”.
Ông Vũ đưa mắt tìm kiếm trong số những người dự họp, ở dưới có người nói: “Anh Mãn đi nhà vệ sinh rồi”. Cả hội trường cười ồ, Tiểu Mãn vội bước vào, nói anh đứng hút thuốc ở hành lang.
Sau cuộc họp, Tiểu Mãn được gọi lên phòng họp nhỏ, ông Vũ tìm anh để nói chuyện.
Ông bảo anh điều tra xem trong nhà máy ai bịa chuyện về ông, chuyện có liên quan đến phòng bảo vệ. Họ bịa hồi ông còn làm ở nhà máy bột giấy, có một nhân viên bảo vệ thấy ông đưa gái vào phòng làm việc, anh ta đến gõ cửa kêu khó khăn, đòi trợ cấp. Hôm sau anh này được nhận hai trăm đồng tiền trợ cấp. Ông Vũ rất phẫn nộ về chuyện không căn cứ này, chỉ thị cho Tiểu Mãn phải tìm ra người dựng chuyện kia, phải xử lý thật nghiêm khắc.
Tiểu Mãn nói, việc này khó lắm, không làm nổi. Ông Vũ nghe, rất không bằng lòng, hỏi Tiểu Mãn tại sao?
Tiểu Mãn nói: “Vấn đề không phải là ai nói, mà có hay không có sự việc ấy? Bảo tôi điều tra, không điều tra ra thì sao, càng tìm càng không thấy thì sao? Tốt nhất không điều tra, thêm một việc không bằng bớt đi một việc”.
Ông Vũ ngớ ra, ông không ngờ thái độ của Tiểu Mãn lại như thế. Ông tìm Tiểu Mãn là tin ở anh ta, Tiểu Mãn là do ông đề bạt. Lúc ông về nhà máy thì anh đã làm phó trưởng phòng bảo vệ sáu năm rồi.
Điều ông Vũ càng không ngờ là, không đơn thuần ở thái độ của Tiểu Mãn, anh rất không bằng lòng việc ông Vũ làm. Là trưởng phòng bảo vệ, anh biết nhiều chuyện trong nhà máy, nhà máy đến nước này anh đau lòng vô cùng, nhưng tỏ ra bất lực, chỉ có thể tỏ thái độ đối với những việc nào đó.
Không đầy một tuần lễ sau, ông Triệu tìm Tiểu Mãn, điều anh về phụ trách bể ô-xi hóa nước đen, bảo đấy là một việc vô cùng quan trọng.
Tiểu Mãn lặng lẽ một lúc lâu, anh yêu cầu thôi việc, về nhà. Ông Triệu hỏi anh tại sao, thấy anh không nói gì, ông nghĩ anh này đang có vấn đề tư tưởng, hỏi anh: “Anh về nhà làm gì? Tốt nhất vẫn nên đứng vững trên cương vị công tác cuối cùng, cán bộ trong nhà máy rất quí anh”.
Tiểu Mãn nói: “Tôi dẫn đầu thôi việc là thông cảm với khó khăn của nhà máy, tốt nhất nên về tìm việc khác còn hơn ngày nào cũng đeo bám ở đây. Tôi sẽ cùng với mấy người thất nghiệp khác ra mở xưởng sản xuất”.
Thái độ của Tiểu Mãn rất chân tình, ông Triệu nhận ra điều đó.
***
Xuyên Thanh cảm thấy lòng mình có hai việc vướng mắc, cần giải quyết.
Việc thứ nhất nhờ ông Vũ giúp đỡ để được nhận thầu bãi đỗ xe, Cát Hồng có việc làm thì cuộc sống hàng ngày của anh mới yên ổn.
Xuyên Thanh tranh thủ thời gian đến thăm Trung tâm thời trang, một phần khu vực cửa hàng các chủ đã nhận chìa khóa bắt đầu mở cửa tiến hành trang trí. Anh xem qua mấy nhà, có một cô chủ trẻ đẹp nhận ra anh, gọi anh là thầy, anh băn khoăn, mình chưa bao giờ dạy học, làm gì có học sinh? Cô này tên là Hạ Tiểu Huệ, hồi còn làm ở nhà máy phụ trách công tác thông tin, là cộng tác viên đặc biệt của thành phố, toà soạn báo tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên, cô nghe Xuyên Thanh giảng bài. Huệ bảo nhiều người quen mua cửa hàng ở đây, có người tự làm, có người thuê. Cô hỏi Xuyên Thanh có mua một gian không, Xuyên Thanh bảo anh không kịp mua. Cô tiếc cho anh, bảo cửa hàng trong Trung tâm thời trang này chỉ có lên giá. Vậy là anh càng sốt ruột hơn vì chuyện thầu bãi đỗ xe, nhưng chỉ sốt ruột không thể làm gì.
Chuyện khác là vị trí của bản thân, anh tìm Hồ Bằng nhờ Hà Thụy nói với ông Lư, Bí thư thành ủy, làm việc ở Ban Nghiên cứu lịch sử là một cách chôn vùi anh.
Hồ Bằng nói, thư thư rồi sẽ tìm Hà Thụy, đâu có chuyện điều động cán bộ chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Xuyên Thanh bấm đốt ngón tay, anh về Ban Nghiên cứu lịch sử chưa đầy nửa năm, vì chuyện đó mà anh thỉnh thoảng mời Hồ Bằng đến nhà ăn cơm, chơi bài, thêm một bước nữa là đùa vui. Anh cũng thay đổi các mối quan hệ, muốn kiếm một chút chức quyền và lợi lộc trong ngành văn hóa.
Ấn tượng của Cát Hồng đối với Hồ Bằng ngày càng tốt, em trai của chị bị kiện ra tòa vì một vụ việc tranh chấp dân sự, Hồ Bằng đứng ra làm người đại diện để giúp chị giải quyết.
Vụ án không phức tạp, hàng xóm của em trai Cát Hồng không tốt. hai nhà thường cãi nhau vặt, nguyên nhân thì nhiều lắm. Vụ việc lần này vì vợ của bên nguyên cáo phát hiện bị cáo (em trai Cát Hồng) đổ nước tiểu lên tường nhà họ, giận lắm cũng chỉ chửi vài câu, bị cáo cũng tức giận chửi lại. Sự việc nâng cấp lên thành đàn ông hai nhà đánh nhau, trong lúc đánh nhau bên nguyên cáo bị ngã, bị thương vào bệnh viện tốn khá nhiều tiền. Bên bị cáo sẵn sàng gánh chịu mọi khoản chi phí điều trị, hộ lý, bồi dưỡng, bồi thường tiền nghỉ việc và tổn thất về mặt tinh thần.
Hồ Bằng biện hộ cho bị cáo. Anh nói, bắt đầu của sự việc là bên nguyên cáo đặt điều, lúc tìm bằng chứng anh đã hỏi vợ nguyên cáo, chị ta không trông thấy bị cáo đổ nước tiểu lên tường nhà mình, mà cũng không ghé mũi vào ngửi, chủ quan cho rằng bị cáo đổ nước tiểu, không có căn cứ thực tế. Nếu như một chậu nước tiểu đổ lên tường, trên tường sẽ có vết nước, sau đấy xảy ra chuyện cãi nhau và đánh nhau thì trách ai?
Còn việc nguyên cáo ngã dẫn đến tổn thương, Hồ Bằng cho rằng vì cả hai cùng hợp sức cho nên dẫn đến tình trạng ấy. Anh nhấn mạnh hợp sức: “Bên nguyên cáo cố sức quật ngã thân chủ của tôi, bản thân anh dùng sức quá mạnh, rất có thể bị mất đà ngã xuống. Lúc xử lý ở đồn cảnh sát, cảnh sát cũng không thể nhận định nguyên cáo bị ngã là trách nhiệm của thân chủ tôi”.
Về việc bồi thường, Hồ Bằng nói, thân chủ của anh cũng bị tổn thương, cũng mất viện phí. Anh điều tra tình hình điều trị của nguyên cáo, nguyên cáo bệnh nhẹ nhưng điều trị nặng, bị thương ở ngoài nhưng điều trị ở trong, cái gọi là bị thương là một thứ thêm thắt, thân chủ của anh không nên bồi thường một khoản nào.
Cuối cùng vụ án được hòa giải, hai bên nguyên cáo và bị cáo phải tự chi trả viện phí. Về em trai Cát Hồng, bên bị cáo, kết quả không mất mười nghìn chuẩn bị làm tiền bồi thường.
Lúc Xuyên Thanh không có mặt, Cát Hồng hỏi nhỏ Hồ Bằng, liệu có được thầu bãi đỗ xe trong Trung tâm thời trang không?
Hồ Bằng chỉ nói, còn xem chuyện gì ở đằng sau, có thì mới có thể thắng thầu. Cát Hồng không giấu giếm, nói rõ quan hệ đặc biệt giữa ông Vũ và Xuyên Thanh. Hồ Bằng suy nghĩ một lúc rồi nói, chỉ dựa một chỗ ấy không xong, cũng chưa đủ.
Cát Hồng hỏi còn cần gì nữa, Hồ Bằng nói: “Trông giữ xe phải có sức, phải ứng một khoản, phải nộp thuế, phải đối phó với đủ hạng người trong xã hội. Anh Thanh không làm được việc này, không biết khả năng của chị đến đâu?”.
Cát Hồng không sợ, chị nói toạc ra: “Tôi là công nhân thất nghiệp, bãi đỗ xe là bát cơm của tôi, không ai dám đụng, nhiều lắm là liều một phen”. Hồ Bằng không ngờ Cát Hồng lại táo tợn đến vậy, khen: “Chị được, chắc chắn được”.
Được Hồ Bằng cổ vũ, Cát Hồng như lửa đốt giục Xuyên Thanh đi gặp ông Vũ xin thầu bãi đỗ xe. Xuyên Thanh định biếu ông Vũ bức tranh tổ truyền, không biết ông có biết tranh gì hay không. Anh bỏ thời gian đi Bắc Kinh một chuyến, nhờ một họa sĩ nổi tiếng, nhờ họa sĩ Tôn mà lần trước anh nói dối Cát Hồng cùng ông ấy ăn cơm, giám định giúp.
Họa sĩ Tôn nói, để bảo đảm hơn, nên đem đến nhờ Viện bảo tàng cố cung giám định.
Xuyên Thanh mất ít tiền để bức tranh có giá trị, sau khi giám định được biết tranh này có từ thời cuối Minh, đầu Thanh, tranh của một họa sĩ nổi tiếng thời đó, hiện tại có giá chừng một trăm hai chục nghìn.
Thấy giá bức tranh đắt như vậy, Xuyên Thanh không nỡ biếu ông Vũ, định giữ lại truyền cho đời sau. Cát Hồng bảo phải cho, đầu tư coi như vốn đánh bạc, đặt cái lớn thì được lớn. Xuyên Thanh không dám sai lời Cát Hồng, anh đem bức tranh và chứng chỉ giám định cho ông Vũ. Anh chỉ giữ lại một bản sao chụp chứng chỉ giám định.
Ông Vũ nhận bức tranh, cười khà khà, nói: “Tớ biếu cậu bộ quân bài phỉ thúy, cậu biếu tớ bức tranh cổ, là đáp lại tình cảm của tớ hay là để tính nợ với nhau?”.
Xuyên Thanh mặt hơi nóng, nói: “Cái này không thể ăn như cơm, chỉ chơi thôi. Mọi thứ đều không tầm thường, chỉ là quà cáp đi lại”.
Ông Vũ lại cười, bảo Xuyên Thanh từ nay về sau đừng làm thế.
Buổi tối cuối tuần, Xuyên Thanh khó có thể tránh nổi Cát Hồng, anh cùng chị đi xem bãi đỗ xe đang xây dựng. Qui mô bãi đỗ xe rất lớn, kèm theo đó là nhà nghỉ và hàng ăn. Cát Hồng rất phấn khởi, bảo nếu thầu sẽ thầu mười năm hoặc hai mươi năm. Chị đi xem công trình, suy nghĩ rất lâu.
Trên đường về Xuyên Thanh nói với Cát Hồng: “Có được một nơi như thế chúng mình tha hồ trổ tài, anh còn làm lãnh đạo làm gì nữa? Hai ta cùng lập doanh nghiệp tư nhân”.
Cát Hồng đang cưỡi xe đạp, nghe nói vậy chị dừng xe, bực tức nói: “Tại sao anh nghĩ kém như vậy? Chúng ta phải một nhà hai chế độ, anh ở trong nhà nước, em ngoài nhà nước, không tốt hơn hay sao?”
Xuyên Thanh thở dài: “Ở nhà em không còn xem anh là lãnh đạo”. Cát Hồng cười: “Vậy anh lên Ban Tổ chức để phản ánh”. Xuyên Thanh cười lạnh lùng, có một câu nói anh giấu trong bụng đã lâu: “Cô tưởng mình là Đảng viên đấy à?”.
Câu ấy nói ra hai vợ chồng lại cãi nhau, bây giờ anh không dám cãi nhau với vợ, càng ngày càng không dám.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...