Ván bài lật ngửa

Phần 5 - Chương 1
Trời xanh qua kẽ lá
Mái tôn thủng lỗ chỗ, nhiều tấm xô lệch cong queo, mặt trời sắp trưa ném xuống vô số tia châm chọc, luôn cả mấy khối sáng lóa mắt báo ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi đang cận đến những giờ cuối cùng. Ngôi nhà trống hoác, khung cửa sổ ngổn ngang, tường lém khói. Đại tá Phan Cao Tòng - thân hình thực tế tương phản với tên gọi - ngồi sau chiếc bàn sắt màu “ghi” méo mó, trên chiếc ghế xoay mất chỗ dựa, dán mắt vào xấp giấy. Hàng chục sĩ quan đeo quân hàm thiếu tá, trung tá dồn nơi góc phòng, nín thở theo dõi từng cái nhíu mày của đại tá. Không khí im vắng, trang nghiêm đến độ những người có mặt dường như cử hành một lễ truy điệu. Đúng, hai mươi tử thi phủ vải dù loang lổ im lặng nằm trên băng ca xếp hàng ngang ngay phòng bên cạnh. Nhưng, không phải sự mất mát nhân mạng kia gây hốt hoảng mà cái kho vũ khí lồ lộ ngay trước mặt - kho vũ khí chỉ còn nền gạch và giá gỗ - ám ảnh họ.
Ngôi nhà - Sở chỉ huy trung đoàn Lam Sơn - hết còn vẻ hách dịch và trung tá trung đoàn trưởng phiền muộn vì cha mẹ trót sinh anh ta cao lỏng khỏng, thật bất tiện vào lúc như thế này, lúc mà anh ta thấy thừa cả một cái đầu trong số những cái đầu càng cúi thấp càng tốt.
Nói chung, đại tá Tư lệnh sư đoàn đọc là chính, và khi ông liếc về hướng thuộc hạ thì có nghĩa tình thế chưa ổn. Quả đại tá chẳng còn bụng dạ đâu mà lên mặt - ông thích làm như thế để trả thù lũ thuộc hạ từng khinh nhờn ông: Trước khi xảy ra sự cố hãi hùng này chúng gọi ông là “đại tá lái bò” - việc cấp bách số một của ông bây giờ là “bào chế” bản báo cáo trơn tuột để cấp trên có thể ôkê. Chốc chốc, đại tá lau kính. Cặp kính gọng vàng ngày thường dán một chút trí thức trên khuôn mặt bè của ông giờ đây trở chứng, cứ đóng lớp hơi đục, lau mãi vẫn mờ. Lần đầu, thuộc hạ gặp vị chỉ huy sư đoàn không chải đầu và cũng lần đầu ông gặp thuộc hạ nhìn ông với sự mong chờ và đồng lõa. “Tao chứ không phải bất cứ ai trong bọn chúng mày đến hiện trường khi mùi thuốc súng chưa tan… bố tiên sư chúng mày, giỏi thì trêu ông, xem nào!” Đại tá chợt nổi nóng, tay xoa nhẹ má - mảnh băng to tướng quấn vòng ót ông, công trình của cô vợ đã nâng thêm uy thế ông. Tuy vậy, chưa phải lúc… Bộ tư lệnh quân khu và Bộ tổng tham mưu điện liên hồi đòi báo cáo. Ông hứa giữa trưa mai thì có, báo cáo sẽ được gửi bằng một chuyến trực thăng đặc biệt.
Ông lại tiếp tục đọc, quên rít chiếc tẩu đang kéo trệ mép ông, mũi phập phồng. Nếu ngày thường, bọn thuộc hạ đã kháo: Coi kìa, đại tá đang đánh hơi dái bò!
Cô vợ mang cho ông cốc cà phê đặc, rồi kéo ghế ngồi sát ông, ghé đọc. Chẳng ai coi đó là chuyện chướng. Trái lại, ai cũng cầu khẩn cho bà đại tá đủ tài năng giữ nổi hoa mai trên cầu vai họ hoặc chí ít giúp họ khỏi ra tòa án binh như bà biến cái gò cằn cỗi ở Cẩm Giang thành trại bò sung nhất tỉnh. Băng Trinh - tên của cô - thì thầm điều gì với đại tá mà đại tá thoáng cười - cái cười hiếm hoi suốt mấy giờ qua - và mọi người nhìn cô như chiêm ngưỡng Phật Bà Quan Âm, mặc dù, lần đầu tiên họ gặp cô không thoa son, đánh phấn…
Có bốn bản báo cáo. Đại tá tự phát hiện hay cô Băng Trinh phát hiện, không ai rõ, song đại tá rút bút gạch lia lịa.
- Mỗi ông nói một phách như thế này thì chết! - Đại tá gằn giọng - Giờ Việt Cộng nổ súng không thống nhất, ông thì bảo mười một giờ, ông bảo mười hai giờ, ông bảo ba giờ sáng… Sự thật là 1 giờ 2 phút, biết chưa? Giờ mới của Việt Nam Cộng hòa còn giờ Việt Cộng thì đúng giữa khuya…
- Báo cáo thế này lố bịch quá! - Đại tá bảo, rồi lè nhè giọng - Nhân lúc lính đổi gác, một toán Việt Cộng lén lút bò vào bên trong trào trại Sùng định trộm súng. Bị phát hiện, chúng bắn bừa bãi rồi bỏ chạy. Lập tức trung đoàn trưởng trung đoàn Lam Sơn Hà Duy Cường truy kích. Quân ta đuổi kịp chúng tại rìa rừng Trà Vông, phía đông thị xã Tây Ninh 25 kilômét, diệt nhiều tên (Việt Cộng khiêng xác đồng bọn, song dựa vào dấu máu, có thể tính chắc chắn chúng bị hạ không dưới năm mươi tên). Ta thu sáu súng cá nhân, hai súng cộng đồng. Bên ta hai mươi chiến hữu anh dũng đền nợ nước.

- Trung tá dám kí tên vào báo cáo, tôi mời! - Đại tá mỉa mai - Tôi không dám. Một toán Việt Cộng lén lút bò vào doanh trại, bỏ chạy như vịt khi bị phát hiện lại có thể gây cho Quân lực Việt Nam Cộng hòanhững hai mươi tử thương! Xác Việt Cộng thì được khiêng đi sạch, còn xác quốc gia nằm chềnh ềnh kia… Trung tá diệt hết toán Vixi nhỏ mọn đó, lấy đâu chúng đủ người khiêng đồng bọn? Và, trung tá, chạy cách nào mà nhanh thế? Hai mươi lăm kilômét nhé! Bịa…
Đại tá kịp nhận ra mình đã lỡ lời:
- Bịa, tất nhiên… Mà bịa phải hữu lí.
Không ai lên tiếng. Trung tá Hà Duy Cường thở dài.
- Đây là báo cáo của trung tá Tạ Khai, các ông nghe. - Đại tá lườm viên trung tá tham mưu trưởng sư đoàn: anh chàng mang một chiếc bụng cực to - “Vào 0 giờ 27 phút ngày 27 tháng 1, Việt Cộng thuộc các tiểu đoàn 60, 70, 80, 90, 100 của khu ủy Cộng sản Đông Nam Bộ do thiếu tướng Cộng sản Nguyễn Hữu Xuyến tự Tám Kiến Quốc (còn gọi là Tám Dên Dên) chỉ huy, Xứ ủy viên Cộng sản Mai Chí Thọ tự Tám Cao làm chánh ủy, đại tá Nguyễn Nhọn tự Tám Lê Thanh (còn có tên Tám Bằng Lăng) làm tham mưu trưởng, quân số chúng lên đến ba nghìn tên, trang bị sơn pháo, bích kích pháo và đại bác không giật, dùng bộc phá đánh sập cổng trại Sùng, tràn ngập hậu cứ sư đoàn 13 bộ binh tại Tua Hai, cách thị xã Tây Ninh 5 kilômét về hướng Bắc. Trung đoàn Lam Sơn bị tổn thất tương đối nặng. Tham mưu trưởng sư đoàn, trung tá Tạ Khai sử dụng trung đoàn Bãi Sậy phản công. Sau nửa giờ kịch chiến, Việt Cộng bỏ chạy tán loạn. Quân ta truy kích tận bờ sông Vàm Cỏ. Ghi nhận đầu tiên, địch chết và bị thương năm trăm tên. Theo tin dân chúng, thiếu tướng cộng sản Nguyễn Hữu Xuyến và Xứ ủy viên Cộng sản Mai Chí Thọ đã tử thương. Chúng tôi đang phối kiểm và sẽ phúc trình nay mai. Ta thâu tám mươi vũ khí cá nhân, phần lớn sản xuất tại Trung Cộng, mười vũ khí cộng đồng gồm: bốn bích kích pháo 60 li, hai trọng liên 12 li 8.
- Con số địch hơi nhiều! - Đại tá nhếch mép - Trung tá tham mưu trưởng bấy giờ ngủ tại Gò Dầu, nên tưởng tượng quá viển vông. Ông lại cho trung đoàn Bãi Sậy truy kích địch về hướng Tây, ngược hẳn hướng với trung tá Hà Duy Cường… Người ta nhất định không tin báo cáo này bởi người ta biết trung tá không thể hành quân truy kích với cái bụng to như thế. Muốn thêm một hoa mai không có gì xấu, miễn đừng chơi trội người khác…
Ngôi nhà tiếp tục im ắng. Đại tá đay nghiến cay độc bao nhiêu cũng được, nhưng cần có lối thoát trước mười hai giờ… Tạ Khai không có vẻ gì tự ái, ông ta chăm chú lắng nghe, chờ đợi… Báo cáo tiếp của thiếu tá trưởng phòng quân báo sư đoàn. Phần đầu, báo cáo giống phần đầu của tham mưu trưởng, chỉ khác giờ nổ súng và thêm một chỉ huy phó Việt Cộng: đại tá Nguyễn Văn Thượt tự Năm Quốc Đăng. Quân số Việt Cộng ở đây rút xuống còn một nghìn tên, không có vũ khí nặng, hình thức chiến thuật là đặc công “phối hợp với vài tên nội tuyến,” trận đánh nhằm yêu cầu tuyên truyền, thương vong đối phương chưa xác định, vũ khí tịch thu thuộc loại súng cũ. Trung đoàn Yên Thế truy kích về hướng Bắc, hủy hai xe vận tải quân sự hiệu Môlôtôva tại cầu Cần Đăng. Thương vong của ta “không đáng kể”…
- Lộn xộn quá! - Đại tá nhận xét - Gán hai chiếc GMC cho hãng Môlôtôva không ổn… Nhắc làm gì bọn nội tuyến? Không có nội tuyến trong sư đoàn, các ông nhớ cho… Theo tôi, báo cáo của thiếu tá Lê Đạo, trưởng phòng an ninh sư đoàn là khá hơn hết, nếu sửa chữa đôi chút và bổ sung vài chi tiết có ở báo cáo của trung tá tham mưu trưởng và thiếu tá trưởng phòng quân báo.
Thiếu tá Lê Đạo được đại tá cho phép đọc báo cáo viết sẵn. Con người lùn choắt, nói giọng Quảng Bình rất khó nghe phút chốc trở nên “cây đinh” của buổi diễn tập. Bản báo cáo được hối hả đánh máy. Đại tá kí tên xong, chiếc trực thăng quay cánh. Ngôi nhà nhẹ hẳn.

Liền đó, những tiếng nổ của bộc phá, các cỡ súng rộ lên, mấy căn trại khu gia binh bốc cháy trong khi công binh vội vã xây lại cửa kho vũ khí cho nó nguyên vẹn như chưa hề vơi đi dù là vài khẩu súng lẻ…
*
Trong quân đội Liên hiệp Pháp, Phạm Văn Cảm và Phan Cao Tòng được xem như là anh em song sinh. Cảm cao to, Tòng thấp. Cảm quê Sơn Tây, Tòng Nam Định. Cảm lớn hơn Tòng trọn một con giáp. Thế mà hai người vẫn “song sinh.” Cớ sự như sau: Phạm Văn Cảm xuất thân từ lính khố đỏ, sau chuyển sang chăn ngựa cho tướng Alessandri, tư lệnh Bắc Bộ. Cảm thường đánh bạc ở phố Mã Mây, có lần thua cháy túi, nhờ Tòng cho vay. Tòng làm bồi trong một khách sạn. Hai người trở thành bạn. Chủ khách sạn, một cựu sĩ quan Pháp, có cô vợ bé tên là Băng Trinh mà hắn đưa từ Sài Gòn ra, cô này dan díu với Tòng, bị bắt tại trận, Băng Trinh phải vào nhà số, Tòng ra tòa với bản án ăn cắp.
Cảm trả ơn Tòng, xin Alessandri can thiệp hủy bản án và thu nhận Tòng cùng chăn ngựa với anh ta. Đại đội kị binh thành lập, hai người đều được phong chức “thống chế” – Cảm là Maréchal de logis, tương ứng với thượng sĩ bộ binh, còn Tòng Maréchal ferrant tức hạ sĩ chuyên đóng móng ngựa(1). Băng Trinh đưa tiền dành dụm cho Tòng chuộc cô ra khỏi nhà số. Hai người ăn ở chính thức từ đó. Hiệp ước Pháp Việt - gọi là hiệp ước Eliséc 8-3-1949 - ra đời, thiên hạ nháo nhào lo xây dựng quân đội quốc gia. Tổng trấn Bắc phần Nguyễn Hữu Trí đề nghị Alessandri giúp đỡ một số sĩ quan nòng cốt cho Bảo chính đoàn. Phạm Văn Cảm được phong chức phó đốc quân, tương đương hàm thiếu úy. Hai năm sau, Cảm đã là tổng chỉ huy Bảo chính đoàn, hàm đại tá và Tòng chỉ huy Bảo chính đoàn Hà Đông, hàm thiếu tá. Kết thúc chiến tranh, Tòng được thăng trung tá. Di cư vào Nam, Cảm bị bãi chức vì tội lập quân số ma. Tòng lận đận theo. Nhờ vợ vận động, Bộ tổng tham mưu lôi Tòng ra khỏi cảnh “ngồi chơi xơi nước” và dự kiến thăng Tòng lên đại tá trừ bị, giao chỉ huy sư đoàn 13 bộ binh. Đeo lon đại tá thì Phan Cao Tòng thích, nhưng làm sư trưởng cái sư đoàn mang con số 13 hãm tài thì Tòng ngại. Không có sư đoàn nào ở Việt Nam Cộng hòa ghê rợn bằng sư đoàn 13. Kể từ ngày thành lập năm 1956 đến năm 1959 - năm người ta mớm chức sư trưởng cho Tòng - sư đoàn trải qua ba lần lột xác mà nguyên nhân chỉ có một: Việt Cộng thâm nhập hạ tầng. Năm 1957, binh sĩ sư đoàn cùng dân chúng kéo biểu tình đập phá dinh tỉnh trưởng Tây Ninh; đầu năm 1958, phát hiện âm mưu binh biến trong hai trung đoàn, cuối năm lại phát hiện âm mưu binh biến liên quan tới ngót hai trăm binh lính và sĩ quan - cả hai lần đều dính với Hoàng Lệ Kha, Ủy viên ban thường vụ Tỉnh ủy Việt Cộng Tây Ninh phụ trách binh vận. Sư đoàn lại hoạt động trên địa bàn rừng rậm, dọc biên giới đầy dẫy mật khu Cộng sản. Có thể nói, chức sư trưởng sư 13 “ế độ,” ai cũng ê răng.
(1) Tác giả chơi chữ. “Maréchal” cũng có nghĩa là “thống chế”
Băng Trinh suy nghĩ khác Tòng, cô thỏ thẻ bên gối: “Anh sắp năm mươi tuổi đầu, danh thì em không cần nhưng tụi mình cần vốn. Anh nhận chức sư trưởng, em nhơn đó mà buôn bán. Vài năm, hễ hai đứa vững chơn đứng, anh thôi đời lính. Thế nào mình cũng có con… Anh tính cho kĩ.”
Băng Trinh khuất phục Tòng dễ dàng: lính, quan sư đoàn theo ai mặc kệ chúng, sư đoàn tuy đóng gần vùng Việt Cộng mà mình không đụng họ thì mắc mớ gì phải sợ… Để Tòng thật yên tâm, Băng Trinh mời một nhà tướng số nổi tiếng bói một quẻ cho tử vi. Quẻ tử vi vô cùng đẹp: Tòng có số giàu sang, sống lâu và sắp lên cha… Điểm sau cùng lại ứng trước tiên: ngày Tòng nhận hàm đại tá và chức sư trưởng, Băng Trinh mang thai. Đứa con đầu lòng giống hệt Tòng. Tòng nổi tiếng sợ vợ, Băng Trinh lấy Tòng lúc Tòng cù bơ cù bất. Nếu cô ả chỉ ham giàu thì hết me Tây sẽ thành me Mỹ, cớ chi đeo đuổi Tòng. Ngay bây giờ, Tòng không có một chút gì hấp dẫn: dốt nát, xấu mã. Còn Băng Trinh, tuổi ngấp nghé ba mươi, vẫn hơ hớ… Băng Trinh nói sao, Tòng nghe vậy. Trong đêm hãi hùng của sư đoàn, Tòng ngủ tại nhà. Lúc đó, hơn một giờ ít phút. điện thoại dựng Tòng dậy: một chuẩn úy trực ban của trung đoàn Lam Sơn báo trại Sùng bị tấn công. Tòng ra sân nghe ngóng. Tua Hai cách thị xã không xa, thế mà chỉ vọng đến mấy tràng súng nhỏ kèm vài tiếng mọt-ta(2). Tòng gọi trại Sùng. Không ai trả lời. Ông lại gọi đến nhà riêng các trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng sư đoàn, trung đoàn. Im lặng. Đêm hai mươi chín Tết mỗi người vui chơi mỗi ngả… Ông đành gọi Tỉnh đoàn bảo an. Không có trực máy. Công đường của tỉnh trưởng lẫn nhà riêng đều giống vậy. Chẳng lẽ gọi về Sài Gòn? Ông gác máy, ngồi cú rũ. Vào những lúc rối ren này, Băng Trinh tỏ ra hết sức cần đối với ông.
(2) Mortar: súng cối

- Việc gì mà anh rầu rĩ? Nếu quả Việt Cộng tấn công, đâu họ lại không tấn công được… Cứ đợi mọi việc rõ ràng, ta sẽ liệu. Ít ra, anh cũng hơn tất cả sĩ quan trong sư đoàn: anh gọi điện và chỉ có anh có mặt ở Tây Ninh… Bây giờ, anh thay quân phục, cho sửa soạn xe.
Tòng răm rắp theo lệnh vợ. Hai chiếc xe Jeep nổ máy, bật pha, song không lăn bánh.
Ba giờ sáng, thiếu tá Lê Đạo cỡi mô tô tới. Gã bảo là gã theo dõi tình hình tại nhà trong thị xã, song Tòng biết chắc gã ngủ đêm ở nhà một chức sắc cao cấp Cao Đài gần chợ Long Hoa, tay chức sắc này chịu cho con gái làm lẽ Lê Đạo.
Đại tá Phan Cao Tòng không thích Lê Đạo: hắn đồng hương với Tổng thống, phụ trách an ninh quân đội, nghĩa là chuyên nhìn chuyện phòng the của binh sĩ qua lỗ khóa, ai hắn cũng nghi, không Vixi thì giáo phái… Nhưng bây giờ, họ cùng đắm thuyền nên cùng tìm phao để bám. Lê Đạo là con nguời sắc sảo, nhấn mạnh rằng nguy cơ lớn nhất mà họ phải đối phó - tất nhiên không với Việt Cộng mà với thượng cấp: nếu trại Sùng bị hạ thì chỉ có thể bị hạ vì nội tuyến của Cộng sản. Trước thượng cấp, mọi tội đồ đều có thể giảm khinh, trừ tội dung dưỡng nội tuyến Cộng sản. Lê Đạo đã hình dung sẵn bản tường trình bịt kín những cái liên quan đến điều đại kị này.
Vào lối bốn giờ sáng, liên lạc nối được với hậu cứ. Một trung sĩ truyền tin tên Hai nào đó báo với sư trưởng là Việt Cộng đã rút trước đây một giờ rưỡi, dùng hai chiếc GMC chở chiến lợi phẩm ngược quốc lộ 22, thiệt hại chung của căn cứ là nhẹ: chẳng đánh đấm gì, trừ nhóm sĩ quan tình báo sư đoàn trốn vào Sở chỉ huy trung đoàn Lam Sơn kháng cự và bị diệt. Đúng như Lê Đạo đoán, cuộc tấn công của Việt Cộng trót lọt nhờ nội ứng. Viên trung sĩ truyền tin không đủ điều kiện đánh giá bao nhiêu binh sĩ Việt Nam Cộng hòa tiếp tay với Cộng sản, nhưng anh ta cho biết một loạt chi tiết khủng khiếp: cổng chính trại Sùng mở đúng một giờ đêm, thủ kho trao chìa khóa cho Việt Cộng; tài xế của tiểu đoàn tiếp vận mang xe đến như sẵn sàng từ lâu; lính của các trung đoàn hướng dẫn Việt Cộng truy lùng nhân viên tình báo và an ninh quân đội. Theo trung sĩ Hai, số Việt Cộng dự trận chừng hai trăm có cả nữ và phần lớn không vũ khí, nhưng khi rút, có vẻ quân số tăng gấp đôi…
Ra lệnh cho hậu cứ sư đoàn bố trí đón ông dọc đường và nhờ Tỉnh đoàn bảo an cho hai xe hộ tống, Đại tá Phan Cao Tòng cùng Thiếu tá Lê Đạo vào Tua Hai.
“Họa đơn vô chí,” câu nói vớ vẩn ấy mà lại linh nghiệm: Bảo an tỉnh hộ tống đại tá nhè bắn lực lượng sư đoàn đón đại tá. Bảo an vô sự, sư đoàn chết bốn, bị thương cả chục. Một mảnh đạn của sư đoàn sớt má đại tá…
Đại tá đến trại Sùng, cho nổi đèn đóm lên. Lúc sau, Băng Trinh có mặt - cô nghe tin chẳng lành về đại tá, lập tức lên xe phóng vào Sở chỉ huy. Vết thương - thật ra, khó gọi một vết trầy là vết thương - được băng bó và đại tá thêm một bằng chứng hùng hồn nữa về vai trò của cá nhân mình trong sự cố.
Mãi khi trời sáng, các sĩ quan mới lục tục đến trình diện, kèm theo cái tin mà đại tá uất ức, ông bảo: “Sư đoàn 13 vừa bị đánh vừa bị đạp. Một đại đội thuộc trung đoàn Yên Thế tuần tra phía bắc cầu Cần Đăng, khi rút về Trại Bí, đụng Việt Cộng đang đốt hai chiếc GMC, nổ súng ẩu rồi bỏ chạy, gần một trung đội nhảy xuống sông, chết chìm sáu.”
*
… Một ngày nặng nề trôi qua. Đại tá Phan Cao Tòng hi vọng mọi sự trót lọt, ông có thể yên ổn đón Giao Thừa.

Vào chín giờ đêm, điện thoại réo. Phủ Tổng thống lệnh cho ông ngày mai phải có mặt tại Tham mưu biệt bộ dù ngày mai là mồng một Tết. Phan Cao Tòng rụng rời chân tay. Chắc là kẻ nào đó đã thóc mách.
- Mấy thằng ở Tham mưu biệt bộ hay kiếm chuyện lắm! - Tòng than thở - Phen này tù mọt gông.
- Anh thử nghĩ có ai quen biết ở đó không? Ai chịu giúp mình, đền ơn đáp nghĩa bao nhiêu cũng được. - Băng Trinh gợi ý.
- Quen thì có, nhưng thằng chịu ăn lại không quyền hành, thằng quyền hành lại không chịu ăn… Thế mới rối!
Băng Trinh chợt nhớ người anh họ đang làm chỉ huy phó Bảo an tỉnh Tây Ninh. Cô hấp tấp tìm anh ta. Khi trở về, cô bảo chồng:
- Anh biết Trung tá Nguyễn Thành Luân không?
- Biết. Cùng học trên Đà Lạt với anh. Biết mặt chớ không giao du. Thằng đó trước là Việt Minh, sau theo quốc gia, người được ông Diệm, ông Nhu tin cậy…
- Không hối lộ được thằng đó đâu! - Tòng kêu lên - Nó học giỏi, hay nói chính trị… - Tòng không tiện thú nhận: ông ta vừa nể vừa phục Luân.
- Đâu phải chỗ nào cũng hối lộ hết! - Băng Trinh rầy chồng.
Theo lời khuyên của vợ, Tòng quyết định sáng mai gặp Luân. Để thật yên tâm, Tòng rủ vợ cùng đi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui