Ván bài lật ngửa

P4 - Chương 9
Đồn Bình Thành chơ vơ trên một ngã ba đường, án ngữ lối vào chiến khu Đ, xưa kia là một trong những căn cứ kháng chiến chính của Nam Bộ. Quanh đồn, cây cối bị phát quang, từ lồng cu – không cao lắm – có thể nhìn thông suốt phía Bắc quận Tân Uyên ra tới sông Đồng Nai.
Đại đội Bảo an số 245, quân số thiếu, về giữ đồn từ tháng 4-1957. Một phần của đại đội nguyên là lính Bảo chính đoàn Bắc Việt, một phần trước đây thuộc tổng đoàn Kim Sơn - Tiền Hải, một phần vốn tham gia bán lữ đoàn sơn cước vùng Móng Cái.
Chỉ huy đại đội, Đại úy Phùng Quốc Tri, xuất thân từ lính khố đỏ - tên họ có vẻ văn học tương phản hẳn với con người ông ta: rượu thường xuyên hun da một màu đỏ sậm: tượng Chúa lủng lẳng trên cổ - món trang sức hoặc một thứ bùa phép hơn là tín ngưỡng. Người lùn lại rất mập nên khi đi lại giống như một khối tròn di động.
Chính Phùng Quốc Tri tình nguyện tập họp được đại đội 245. Di cư vào Nam mỗi đứa tìm phương sống, mà sống quá khó khăn vì đã quen được cung phụng và quen cướp giật. Khi nghe Tri mộ lính, bọn tàn quân bị Việt Minh đánh cho tan tác ấy lục tục kéo về chợ Ông Tạ. Phùng Quốc Tri chẳng phải nổi tiếng gì nhưng hàm đại úy cho ông ta vốn liếng làm ăn trong thời buổi loạn xà ngầu này.
Lúc đầu, chưa có tên Đại đội 245. Linh mục tuyên úy mang danh sách lên Bộ Tổng tham mưu – Tri khai “ma” vài chục, vị linh mục khai “ma” thêm một ít. Thế là Đại đội bảo an 245 với quân số một trăm hai mươi người ra đời – gần gấp đôi con số thật. Đại đội phiên chế cho tỉnh Bình Dương, nằm trong hệ thống vành đai phòng thủ Sài Gòn. Trung tá Vũ Thành Khuynh – ngày xưa cũng là lính khố đỏ, thông cảm với Tri – tiếp nhận đại đội, đưa tất cả về trại Phú Lợi huấn luyện. Tất nhiên, hai người “thông cảm” luôn về quân số. Thời gian huấn luyện không dài lắm, - nói đúng ra chẳng huấn luyện gì cả.
Phùng Quốc Tri ưng Lái Thiêu – vùng trù phú. Song ông ta không lay chuyển nổi Vũ Thành Khuynh, ông ta không đủ tiền bạc. Mà mụ Yến Thu, vợ Khuynh bao giờ cũng ra một giá biểu kinh khủng. Vả lại, Phùng Quốc Tri thiếu cái mã làm vừa lòng mụ. Thế là đại đội lếch thếch kéo lên Bình Thành, gọi theo công văn nghị định chớ tên cúng cơm của ngọn đồi trọc, toàn đá đỏ nầy là gò Bồ Hót – tức nơi voi đực voi cái tới mùa gặp nhau.
Đồi hoang. Ngoài cây tạp, không có cái gì ăn được. May có con suối dưới chân đồi, lính có chỗ tắm rửa.
Rồi đồn vẫn dựng lên. Cũng dễ thôi. Phùng Quốc Tri cho lính dỡ nhà dân các ấp gần đồn. Đồn chính cột gỗ, lợp ngói. Trại lính cột tròn, lợp tôn. Vòng thành thì lùa nam phụ lão ấu cả mấy làng tới đắp một cái đồn đình huỳnh như ai. Kho đầy gạo, chuồng có đủ gà, vịt, heo. Tri chia với Yến Thu phần xi măng, gạch mà đồn được cấp để xây dựng.
Đến giữa mùa mưa năm 1957, mọi việc xong xuôi. Bây giờ, bắt đầu làm nhiệm vụ bảo an: ngày nào cũng lùng sục và ngày nào cũng có thêm gà vịt.
Tuy lộng như vậy, đại đội 245 vẫn ngán cái ấp nhỏ kêu là Bầu Mây, cách đồn lối 5 cây số. Xóm vỏn vẹn mười hai nhà dân cố cựu nên vườn tược khác, sống bằng nghề tỉa đậu. Nhà nào cũng rào rấp, dựa vào nhau. Bắt một con gà ở xóm nầy không dễ: họ kéo tận đồn đòi lại. Ban đêm, không có trưởng ấp dẫn đường, lính không vô xóm được. Làm hung họ đánh mõ tụ tập dân. Đội chống cướp của xóm gồm nhiều tay thiện xạ bắn ná và súng săn. Nghe đâu trong xóm có người làm việc ở Sài Gòn đăng tin nói xa nói gần về đồn Bình Thành. Yến Thu có lần bảo Phùng Quốc Tri: tai tiếng đại đội anh đã khá rùm, coi chừng Phủ Tổng thống cử người về điều tra. Phùng Quốc Tri đã mệt mỏi. Ông ta định kiếm kha khá rồi xin giải ngũ cho nên chẳng đụng cái xóm cứng đầu đó làm gì. Xóm Bầu Mây đáng lẽ được yên ổn nếu không có mấy người khách một hôm đến đồn Bình Thành, đi trên mấy chiếc xe Jeep.
Đại úy Phùng Quốc Tri đang ngủ trưa sau bữa nhậu thường lệ, lính vào dựng dậy. Lúc đầu, ông ta càu nhàu: khách khứa đâu nhè lúc này mà viếng đồn. Rồi ông ta sợ. Hay là Phủ Tổng thống xuống thiệt? Lính báo: có hai người Tây đi cùng với một ông quan năm. Chết cha phen nầy!
Sửa soạn chỉnh tề - lựa bộ quân phục đàng hoàng nhứt, đeo luôn mấy mề đay – đại úy ra nhà khách. Đại tá Trần Vĩnh Đắt là người quen, nguyên cầm đầu ngành cảnh sát, nay chỉ huy nhà tù Phú Lợi, Phùng Quốc Tri hết sợ. Đại tá bề nào cũng che chở cho em út. Hai người Mỹ - chớ không phải Tây - mặc thường phục nhưng Đắt giới thiệu một là trung tá, một là đại úy tên lằng nhằng quá, Tri không nhớ. Ngoài ra còn một số khách coi bộ hầm hừ: mặc xá xẩu, lãnh đen láng mướt, to bề ngang, da sậm, bít nhiều răng vàng. Hắn ta ngồi bật ngửa trên ghế dựa, mắt ti hí ngó Phùng Quốc Tri mà không chào.
Hai người Mỹ hỏi tình hình trong vùng. Đại úy đồn trưởng biết gì nói nấy. Sau cùng, hai người Mỹ dừng lại khá lâu cái xóm Bầu Mây. Đại úy lại ít biết xóm nầy. Qua người thông ngôn, Phùng Quốc Tri hiểu rằng người Mỹ nghi Bầu Mây là ổ Việt Cộng, đồn Bình Thành cần phải “tảo thanh để lập lại trật tự.” Trần Vĩnh Đắt cắt nghĩa thêm: chỉ có Việt Cộng mới dám tổ chức canh gác như vậy. Phùng Quốc Tri vỡ lẽ. Ông ta hứa sẽ hành quân nay mai.
Hai người Mỹ và Trần Vĩnh Đắt môi giới cho đồn trưởng Bình Thành làm quen với người khách mặc xá xẩu. Vừa nghe tên, Phùng Quốc Tri đã phát hoảng: Phạm Văn Bời đảng trưởng đảng Rừng Xanh... Hèn chi hắn ta bặm trợn dễ sợ.
Đảng Rừng Xanh – tên tự đặt của bọn cướp – nổi tiếng vài năm nay. Thoạt tiên, Rừng Xanh chỉ là đám cướp như mọi đám cướp khác: chận xe giựt dọc hoặc đánh các tiệm buôn, các nhà khá giả lấy của. Lần hồi, Rừng Xanh chuyển đến các vùng hẻo lánh, không chỉ cướp của mà còn hãm hiếp, đốt nhà, giết người. Cái lạ là Rừng Xanh đánh cả những nhà nghèo nếu nhà đó có người đi kháng chiến, đi tập kết hay đang hoạt động cách mạng. Với những nhà đó, đảng Rừng Xanh khủng bố thẳng tay: chặt đầu, mổ bụng, moi gan...
Đại úy Phùng Quốc Tri nhiều lần báo cáo về tỉnh tin tức của Rừng Xanh nhưng tỉnh trưởng lặng im. Bây giờ, tay đầu đảng Rừng Xanh đang dựa ngửa giữa đồn. Hơn nữa, Đại tá Trần Vĩnh Đắt ra về, Phạm Văn Bời cùng hai vệ sĩ ở lại. Xế chiều, Phạm Văn Bời bảo đại úy ột tiểu đội đi với một vệ sĩ của hắn đến xóm Bầu Mây. Bời và Tri nhậu lai rai chờ kết quả. Nghe vài phát súng nổ, Bời rung đùi:
- Mỗi phát súng là một mạng.
Trời gần sụp tối, tiểu đội khiêng về tay vệ sĩ. Té ra tiểu đội không dám xông vô xóm – cửa ngõ đã bế. Tay vệ sĩ làm tàng, đạp cửa. Bị một dao mã tấu, máu phun có vòi. Lính đành bắn chỉ thiên để cứu gã.
Phạm Văn Bời vỗ bàn rầm rầm.
- Lính cái cụt cức! Có mấy nhà lèo tèo mà không dám vô.
Đại úy Phùng Quốc Tri thẹn quá đổ cộc:

- Nếu ông giỏi, xin mời!
Phạm Văn Bời ra xe, phóng lại Bầu Mây, Tri ngại sơ sẩy thì khó lòng với Đại tá Trần Vĩnh Đắt nên phóng theo.
Bời cũng chỉ dám chạy loanh quanh rìa xóm. Hắn quan sát các ngã vào. Rồi, hắn hẹn vài hôm sẽ trở lại.
Đúng ba hôm, Phạm Văn Bời trở lại. Hắn đi xe với vệ sĩ. Một xe Jeep nữa cùng đến, chở khá nhiều rượu, thuốc lá, thịt hộp... Bời bảo Tri kiếm năm ba con chó.
Sụp tối, lính của Bời vào nghẹt đồn. Trên ba mươi tay. Chúng đi bộ từ rừng Khánh Vân để giữ bí mật. Mặt tay nào tay nấy đều có cô hồn. Phùng Quốc Tri ngán quá, hạ thêm một con heo.
*
Chiếc máy phát điện chạy xình xịch, đồn Bình Thành sáng rực. Buổi nhậu đi vào hồi kết thúc. Đại úy đồn trưởng đã ngà ngà say. Đảng trưởng Rừng Xanh Phạm Văn Bời, áo phanh ngực – đầu con cọp xăm xanh lè, đưa cặp mắt đỏ ngầu ngó giáp vòng.
- Anh em! Tới giờ rồi! Ăn uống còn dài, ngày mai ta tiếp. Như tôi đã nói, bữa nay anh em đi mần cỏ xóm Bầu Mây trả thù cho Tư Mẹo bị chém. Kẻ nào dám đụng đến đảng Rừng Xanh thì kẻ đó chết không toàn thây! Lệnh của tôi: đốt hết, giết hết, hãm hiếp hết! Không tha một đứa. Già, trẻ đều không bỏ sót. Để iệt Tân Uyên nầy hễ nghe đến đảng Rừng Xanh là con nít không dám khóc.
- Hoan hô đại ca! – Đám cướp líu lưỡi vì nốc quá nhiều rượu, cố gắng đáp lại hiệu triệu của đảng trưởng.
- Tôi dặn: cứ xưng là đảng Rừng Xanh, còn không được dĩ hơi về đồn Bình Thành. Nghe chưa?
- Nghe rồi!
- Cũng đừng khoe mình là biệt kích Mỹ. Nghe chưa?
- Nghe rồi!
- Vậy, anh em nào thiếu súng.
Chừng chục đứa không có súng.
- Phiền đại úy ượn đỡ. - Bời bảo Tri.
Nếu Bời không nói thật hắn làm việc với sĩ quan Mỹ và đảng Rừng Xanh được xếp vào biệt kích Mỹ, Tri không dám giao súng. Bây giờ, cần cả kho súng, ông ta cũng không chậm trễ. Chính tay Phùng Quốc Tri trao các khẩu súng trường cho từng tên của đảng Rừng Xanh.
- Ông đại úy leo lên chòi canh theo dõi chúng tôi hạ cái xóm Bầu Mây chó chết này!
Phạm Văn Bời vỗ vai Tri, lảo đảo cùng đồng bọn ra khỏi đồn. Chấm thuốc lá của chúng kéo dài giữa đêm tối, lập lòe như ma trơi.
... Mặc dù đông đứa, súng ống đầy đủ, đảng Rừng Xanh không chiếm được trọn xóm Bầu Mây. Chúng chỉ lọt khỏi vòng rào đầu xóm, sau cả giờ tấn công. Dân xóm chống cự quyết liệt. Mấy đứa Rừng Xanh trúng tên, trúng đạn chài. Thiệt hại của xóm là hai nhà bị đốt, sáu người dân bị bắn chết, trong đó có một em gái vị thành niên bị hãm hiếp - chết trước khi bị bắn - cùng một phụ nữ non ngày tháng và một bà già. Phạm Văn Bời ra lệnh rút lui. Mượn xe của đồn, hắn chở thủ hạ bị thương về căn cứ, không ghé đồn nhậu tiếp vì mắc cỡ. Hắn thề sẽ không quên mối thù nầy.
*
Luân đến Bầu Mây lối chín giờ tối. Nhờ trưởng ấp dẫn đường, anh qua rào mà không bị ngăn trở.

Hai ngôi nhà cháy rụi còn ngún mất cây cột, chốc chốc lửa bùng lên, tàn lửa theo gió rải những hạt đỏ lên cái nền đêm đen đặc.
Ánh đèn, ánh lửa chập chờn giữa vùng rừng với cái âm thanh riêng về đêm, tiếng sụt sùi quanh sáu tử thi đắp chiếu xếp trên sân, tất cả ngoại hình đó khuấy động Luân. Anh nôn nao thèm được nói những lời như anh từng nói trước kia. Anh sẽ xin lỗi bà con với tư cách là một cán bộ bộ đội đã không ngăn chặn kịp bọn giết người.
Cả xóm có mặt tại đây. Mọi người lặng lẽ theo dõi Luân, anh đau đớn hiểu rằng những cặp mắt khinh ghét, căm thù nhìn anh qua bộ quân phục, đã đồng hóa anh với bọn gây tai họa cho dân làng. Chưa bao giờ anh cảm giác mùi quần áo anh đang mặc lại có thể tanh tưởi đến thế. Trong khoảnh khắc, Luân muốn trút bỏ cái vỏ nhơ nhớp này, ôm hôn và cùng khóc với bà con Bầu Mây, rồi cầm súng đánh luôn...
Luân tự buông thả tình cảm không biết bao lâu, đến khi người trưởng ấp giới thiệu anh với một ông cụ cao niên nhất trong xóm. Nhìn qua, Luân đoán ông cụ có học thức và chắc là người được dân trong xóm tín nhiệm. Luân đã không lầm. Ông cụ - ông giáo Hai, như trưởng ấp cho biết – thuật rành rọt từ đầu đến cuối diễn biến đêm hôm trước, chốc chốc, ông cụ hỏi chung quanh: “Tôi nói vậy có đúng không bà con?”
Theo ông giáo Hai, đây không phải là đám cướp thông thường, mặc dù ai cũng thấy đảng trưởng Rừng Xanh Phạm Văn Bời chỉ huy đánh Bầu Mây. Ông cũng quả quyết không có lính đồn trong bọn. Còn đồn Bình Thành can dự ra sao? Ông nhắc ba hôm trước đó, xảy ra vụ lính xông vô xóm, một tên bị dân chém và lính bắn chỉ thiên giải vây cho gã. Cái đáng để ý là đồn Bình Thành im ỉm khi bọn cướp hoành hành và khi bọn cướp rút, đồn cũng không mở cửa cho ông và trưởng ấp vô trình báo, cả ngày không héo lánh tới xóm, Ban tề cũng vậy. Ấy mà họ đưa tin Việt Cộng đánh xóm Bầu Mây...
Luân xin mấy nén nhang. Và, trước sự kinh ngạc của tất cả - luôn Thạch và số cùng đi với Luân – Luân quỳ cạnh sáu tử thi, khóc tức tưởi:
- Xin đồng bào chết oan uổng chứng giám: chúng tôi sẽ trả thù cho đồng bào.
Anh khấn trong tiếng nấc. Lời khấn của anh có thể được hiểu nhiều cách.
- Ông biết thủ phạm là ai mà đòi trả thù?!
Ông Hai dường như khẳng định sự khóc lóc của Luân là trò bịp, nên hỏi vặn.
- Bây giờ cháu chưa biết, nhưng thế nào cháu cũng sẽ biết
- Sợ khi biết rồi ông lại tiếc là lỡ hứa, chớ!
Luân không nói gì, đi vòng quanh khu nhà bị cháy. Anh bấm đèn pin rọi các thân cây. Trên thân cây mít, nhiều dấu đạn còn rịn mủ. Luân lại rọi đèn tìm kiếm ở cạnh rào, lượm mấy vỏ đạn súng trường.
- Nếu Chính phủ cho phép đồng bào Bầu Mây tự vệ, bác có dám lãnh súng không? – Luân hỏi ông cụ. Qua tiếp xúc, Luân đoán ông cụ nhất định có quan hệ với cách mạng, ít nhất cũng hồi đánh Pháp.
- Thôi đi ông! – Ông cụ cười khẩy - Giao súng để bắt lính phải không? Ông đừng tính qua mặt dân Bầu Mây!
- Dạ không! Giao súng để bà con giữ gìn xóm làng, tránh cảnh như vừa rồi.
- Nữa! Nữa! Ông thị tôi là trẻ nít sao? Giao súng rồi thế nào cũng biểu đi học bắn, giữ luôn trong trại, chớ gì? Nếu không thì đem cái đồn đặt ngay xóm… phải vậy không?
- Dạ không! Thế nào xóm mình cũng có người biết dùng súng, bà con chỉ cho nhau, chỉ cần lập danh sách đội tự vệ xóm, có đội trưởng. Danh sách đó được ông trưởng ấp đây chứng nhận rồi trình hội đồng hương chính kí tên, chuyển lên tỉnh tôi duyệt. Vậy là xong.
Luân dặn luôn trưởng ấp về thủ tục.
- Té ra, ông đây là chỉ huy trưởng bảo an tỉnh! – Ông Hai ngó Luân trân trối.
- Thiếu tá còn là tư lệnh hành quân nữa, người trên Phủ Tổng thống đó! – Trưởng ấp còn nói thêm.

Luân gạt ngang trưởng ấp:
- Đừng có dài dòng! Chuyện bây giờ là đừng để xảy ra tai họa lần nữa. Trong vụ nầy, làng sở tại có trách nhiệm đó!
Luân quay sang dân trong xóm:
- Bà con nên lo bảo vệ mình. Bọn phá rối trị an là ai, bà con không cần biết mà cần biết kẻ nào đụng đến tánh mạng, tài sản bà con thì bà con chống lại...
Trước khi rời xóm Bầu Mây, Luân chụp hình sáu tử thi...
Luân bảo xe chạy lại đồn Bình Thành.
- Khuya quá, buồn ngủ bỏ bố! – Trung sĩ Toàn càu nhàu.
- Chịu cực một chút, trung sĩ... Mai anh được nghỉ!
- Làng này bị Việt Cộng tàn sát, thiếu tá định truy bọn chúng nội trong đêm này sao?
- Ai bảo anh là Việt Cộng tàn sát họ? – Luân hỏi, hơi bực.
- Nếu không phải thì làng nầy là Việt Cộng, bị tàn sát là đáng, còn oán trách gì nữa.
Thái dương Luân căng phồng. Anh muốn tống vào cái mặt vênh váo của tên tài xế một quả đấm.
Nhưng anh kềm chế được.
“Tay này ba gai đây!”
Đến cổng đồn, Luân phải chờ hơn mười lăm phút. Đồn trưởng Phùng Quốc Tri còn ngái ngủ, mời Luân vào đồn. Có lẽ lần đầu tiên trong đời, Phùng Quốc Tri phải tập họp binh sĩ vào nửa đêm. Chưa gặp Luân nhưng ông ta đã nghe tiếng và chiều nay vừa nhận được công văn cho biết Luân được Tổng thống bổ nhiệm làm Tỉnh đoàn trưởng Bảo an kiêm tư lệnh hành quân liên tỉnh.
Máy phát điện lại nổ xình xịch. Tất cả binh sĩ đồn Bình Thành đứng nghiêm dưới ánh điện.
- Đại úy đồn trưởng! – Luân gọi, giọng nghiêm.
- Có mặt! – Tri chập gót chân, người lắc lư.
- Ra khỏi hàng!
Tri bước hai bước, đưa tay lên vành mũ.
- Lúc xóm Bầu Mây bị đánh, đồn Bình Thành có biết không?
- Thưa, thiếu tá... - Tri chưa tìm được câu trả lời.
- Đại úy nói rõ! Đại úy đã áp dụng những biện pháp nào tiếp cứu dân xóm Bầu Mây?
- Thưa thiếu tá tư lệnh hành quân... Dạ em...
- Trong quân kỉ, không có điều khoản nào quy định xưng “em” với cấp trên!

- Thưa, tôi đã...
Cả hàng quân lặng trang. Tuy binh sĩ thẳng người, song ai cũng liếc viên đại uý.
- Cho tôi liên lạc với sở chỉ huy! - Luân bảo Thạch.
Máy bộ đàm gọi nhau: “Hải vương tinh đâu? Ngân hà đây!”
- Thưa thiếu tá, đã liên lạc được với sở chỉ huy! – Thạch báo.
- Anh truyền mệnh lệnh của tôi: ột trung đội cảnh vệ lên đồn Bình Thành. Tôi đang ở đồn, - Luân xem đồng hồ tay – 1 giờ 15 thì trung đội phải có mặt.
Mệnh lệnh của Luân được thông báo ngay.
- Súng của anh đâu? Của anh? Của anh?... - Luân trỏ một loạt binh sĩ tay không.
- Dạ… - Binh sĩ nào cũng ú ớ.
- Đem sổ vũ khí cho tôi – Luân ra lệnh. Một thiếu úy mang sổ ra. Luân liếc qua.
- Đại úy cắt nghĩa vì sao đồn thiếu mất năm khẩu súng trường?
Tất nhiên đại úy Tri không thể cắt nghĩa nổi. Những khẩu súng cho Phạm Văn Bời mượn và khi Bời trả, Tri không kiểm tra thiếu đủ.
- Khi nãy tôi nói đại úy không làm gì hết là tôi nói sai. Đại úy có làm! Chính đại úy đã chỉ huy cuộc tàn sát ở Bầu Mây... Cái gì đây? – Luân chìa ra mấy cái vỏ đạn.
- Dạ! - Đại úy Tri sợ hết hồn - Dạ... em, dạ, tôi không làm việc đó. Còn súng, dạ, do lệnh của Đại tá Trần Vĩnh Đắt... Dạ mong thiếu tá xét lại.
Tiết lộ của đại úy Tri làm Luân choáng váng. Anh không ngờ Trần Vĩnh Đắt dính vào vụ nầy.
- Đại úy nói láo! - Luân nạt – Đại úy có biết rằng vu cáo cho cấp trên sẽ bị xử theo điều mấy của quân lệnh không?
- Dạ! Tôi nói thật! – Tri quay về phía sau – Thiếu tá hỏi binh sĩ đây thì rõ. Không phải một mình đại tá Đắt mà còn hai sĩ quan Mỹ nữa…
Thế là rõ. Nhưng Luân giả bộ không tin:
- Được! Rồi đại úy sẽ trả lời trước tòa án binh. Một đại úy đồn trưởng cho lính đi cướp của giết người, hiếp dâm, đốt nhà dân...
- Dạ! Không phải... Em chỉ giao súng cho ông Phạm Văn Bời thôi..
À! Vậy thì đảng Rừng Xanh lại liên quan với Đại tá Trần Vĩnh Đắt và hai sĩ quan Mỹ. Trong mấy phút, cái bí ẩn được phanh phui. Khi nghe tin, Luân đinh ninh đồn Bình Thành nhúng tay vào vụ Bầu Mây. Bây giờ, thủ phạm ở tầm cỡ cao hơn một đại úy đồn trưởng và vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Luân bỗng thay đổi thái độ: bảo Thạch liên lạc bộ đàm với xe cảnh vệ và yêu cầu xe quay về sở chỉ huy.
Đại úy Tri thở phào. Không khí đồn Bình Thành nhẹ nhõm. Đại úy Tri và binh sĩ đồn Bình Thành hiểu rằng Luân ngán Trần Vĩnh Đắt, ngán Mỹ và đảng trưởng Phạm Văn Bời.
- Đại úy phải kín miệng vụ này. Dặn tất cả binh sĩ đừng hé cho ai biết đồn Bình Thành trao súng cho đảng Rừng Xanh.
Luân dặn đại úy Tri trước khi lên xe về Thủ Dầu Một.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui