Ván bài lật ngửa

*
Điện mật:
Nơi nhận: Đại sứ M.Taylor – Sài Gòn.
Các diễn biến tình hình ngày hai mươi lăm và hai mươi sáu càng xác định quan điểm cần phải có thêm quân Mỹ ở Nam Việt và cần một bộ máy bản xứ hiệu lực. Tổng thống sẽ trực tiếp chỉ thị cho đại sứ và tướng Westmoreland bằng con đường riêng.
Kí: Dean Rusk.
*
Thông cáo của Hội đồng Quân đội Cách mạng:
Sau hai ngày làm việc, Hội đồng Quân đội Cách mạng đã đi đến quyết định thu hồi Hiến chương ngày 16-8, sẽ tổ chức bầu nguyên thủ quốc gia và nguyên thủ quốc gia sẽ thực hiện một cơ cấu dân chủ. Quân đội trở về nhiệm vụ chính của mình là chiến đấu chống Cộng. Tạm thời, Chính phủ hiện hành xử lí công việc trong một thời gian nữa.
*
Thông cáo của Hội đồng Quân đội Cách mạng:
Hội đồng Quân đội Cách mạng quyết định lập một Ban lãnh đạo lâm thời quốc gia và quân lực các Tướng Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Khánh.
Chính phủ Nguyễn Khánh phải triệu tập trong vòng hai tháng, kể từ hôm nay, Quốc dân đại hội, trong lúc đó, để bảo đảm nguyên tắc dân sự hóa, ủy quyền Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh thừa ủy nhiệm Thủ tướng, quyền Thủ tướng Chính phủ.
*
Hội đồng quân đội họp từ 14 giờ 25, không khí ngột ngạt. Theo đúng thủ tục, chính Tướng Nguyễn Khánh phải khai mạc hội nghị, song người khai mạc hội nghị là Tướng Dương Văn Minh. Tâm trạng tướng Khánh khá phức tạp. Cú điện thoại của Phạm Xuân Chiểu triệu tập hội nghị bất thường khiến anh ta lo lắng. Biết đâu tại cuộc họp; anh ta phải xỏ tay vào còng và nhẹ nhất cũng lên Đà Lạt nghỉ mát một thời gian. Sự lấc cấc và lố lăng của anh ta bây giờ hành hạ anh ta. Khánh điện cho đại sứ Taylor và chỉ được trả lời như điệp khúc quen thuộc: Mỹ không can thiệp vào nội bộ đồng minh.
Một ý nghĩ lóe trong đầu Khánh: Đại tá Nguyễn Thành Luân trong trường hợp này rất hữu ích. Do đó, Khánh mời Luân dự họp, tất nhiên, dự thính. Tướng Trần Thiện Khiêm ngần ngừ một lúc rồi đồng ý. Tướng Lâm Văn Phát đồng ý ngay.
Luân xuất hiện ở Hội nghị gần như không gây một chú ý nào, trừ cái ngó thăm dò và không thiện cảm của hai tướng Nguyễn Chánh Thi và Nguyễn Cao Kỳ. Hình như hai tướng có hỏi Khánh và Khánh trả lời – Luân biết, Khánh úp mở rằng đại sứ Mỹ muốn Luân dự họp.
Khánh ngại tướng Minh, thiếu tá Nhung, cận vệ của tướng Minh chết, các bạn của ông như Đôn, Kim bị lăng nhục, nếu tướng Minh trả thù thì đây là cơ hội tốt nhất.
Song, tuyên bố khai mạc của tướng Minh giúp Khánh lấy lại tư thế.
- Giữa lúc lộn xộn này, tôi xin anh em gác chuyện riêng tư sang một bên, chúng ta cùng nhau tìm cách đối phó với khó khăn của đất nước.
Luân ngồi trên hàng ghế thứ ba, kê sát tường như một thư kí. Anh quan sát các tướng. Những người này, tại Vũng Tàu, đã thông qua bản Hiến chương đang trở thành mục tiêu của mọi mũi tấn công, bây giờ cũng những đó làm ra vẻ bực bội.
- Chuyện ở Vũng Tàu không có lợi, nên tôi xin anh em bỏ nó đi... - Vẫn thái độ điềm đạm, tướng Minh tiếp tục hòa giải.
Luân thấy tội nghiệp cho viên tướng được kính trọng song, luôn luôn bị lợi dụng và luôn luôn chịu nhận sự lợi dụng ấy khá thành thực.
- Đã nghị quyết, đã tuyên cáo bây giờ rút lại, thiên hạ coi chúng ta như con nít!

Tướng Khánh lần lần ổn định tinh thần, mở đợt phản pháo.
- Chính mấy anh đồng lòng, chớ phải tôi ép uổng chi đâu!
Tướng Khánh như được thế, lấn tới.
“Rầm!” Li tách nhảy dựng, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đứng phắt dậy, vỗ bàn thẳng cánh.
- Đồng lòng? Anh lấy sức ép của người Mỹ đặt tất cả trước sự đã rồi... Tình hình xấy hẳn, anh vẫn chưa hiểu sao?
Tướng Khánh không chịu thua, chồm người lên phía trước, nói gần như quát:
- Anh là người nói đầu tiên ở Vũng Tàu. Khi tôi đắn đo, anh còn chê tôi nhát. Loại người trở mặt từng giờ mà không xấu hổ...
- Ai trở mặt như con đĩ? Ngủ với thằng này rồi ngủ với thằng khác mà lúc nào cũng nói: anh là người em yêu đầu tiên... – Kỳ bĩu môi. Lúc trước, người ta chắc cười phá lên vì câu ví von độc địa kia, nhưng không khí cuộc họp không thích hợp với các câu ví von.
- Tôi can các anh… - Tướng Minh rên rỉ.
- Coi như tất cả đều là đĩ! – Tướng Nguyễn Chánh Thi bô bô – Song đừng có tình chuyện làm trùm đĩ! Ông Khánh định mở nhà thổ. Dẹp liền vụ Hiến chương tào lao ngay!
- Tôi là người ủng hộ Hiến chương. – Tướng Đỗ Mậu nói, rất ung dung – Tôi không chối… Chúng ta dự định điều tốt, nhưng tình hình bất lợi, đòi vận dụng chiến thuật khéo…
- Tôi xá dài anh, anh Đỗ Mậu ơi! Miệng lưỡi anh lúc nào cũng ngọt… Tôi đi guốc trong bụng anh. Anh không dự họp nội các mà lòn ngả hậu. Thôi, tôi rút khỏi chức chủ tịch nhường cho anh đó… - Nguyễn Khánh xỉa xói Đỗ Mậu.
- Anh Khánh đánh giá tôi sai rồi. Tôi định xin rút khỏi Hội đồng. Tôi cáng đáng chức chủ tịch thế nào nổi…
Cứ lời qua tiếng lại như thế cho đến bữa ăn tối. Vừa ăn vừa cãi. Ăn xong, họp tiếp. Không ai chịu ai. Lâu lâu, tranh cãi giống hàng tôm hàng cá.
Điều mà Luân lo nhất là những cú điện thoại, khi thì Nguyễn Khánh tiếp điện, khi thì Đỗ Mậu, khi thì Trần Thiện Khiêm, khi thì Nguyễn Văn Thiệu. Mỹ đang theo dõi hội nghị khá khít khao. Luân nghĩ, nếu cứ để các tay này tố nhau thì hội nghị cả tháng không xong. Bầy ngựa giành kéo xe, chẳng ngựa nào chịu thua ngựa nào...
Đã một giờ sáng. Nhiều tiếng ngáp mệt mỏi, vài viên tướng ngủ gật không thèm che giấu, kể luôn tiếng ngáy ầm ĩ.
Một sĩ quan báo với Luân có điện.
Dung gọi anh, hỏi tình hình. Gác máy, Luân chưa trở lại phòng họp thì Jones Stepp gọi Luân.
- Chào đại tá!
- Chào tướng quân!
- Nên tạm ngưng hội nghị, mai sẽ tiếp... Tôi cho rằng như vậy là có lợi nhất...
Luân muốn nắm chắc hơn ý định của Mỹ nên anh nói:
- Thưa tướng quân, dù có họp ngày mai cũng khó đi đến thống nhất...

- Tôi hiểu... Và, tôi tin sau một giấc ngủ thoải mái, mọi người sẽ minh mẫn hơn.
Luân báo lại với tướng Minh ý kiến của Jones Stepp, tướng Minh – mệt mỏi hơn bất kì ai - gật đầu liền. Song, tướng Khánh nhất quyết đòi hội nghị phải đi đến kết luận. Giải pháp tạm thời là hội nghị “xả hơi.” Và, hội nghị “xả hơi” đến tám giờ sáng – mỗi người tìm một chỗ ngả lưng, không ai rời Bộ Tổng tham mưu, không ai chịu bị đâm lén cả.
Ăn sáng xong, hội nghị bắt đầu. Lại cù cưa cù nhầy. Chủ đề là nên duy trì Hội đồng Quân đội hay chuyển sang chính quyền dân sự. Đây là chủ đề bên ngoài. Chủ đề đích thực là ai sẽ đứng đầu guồng máy ở Nam Việt. Mức phân hóa đến đây càng gay gắt. Đa số tướng không thể là chính khách bởi không có khiếu. Cách nào đó, chính tướng Minh sẽ đăng quang và cái gọi là “chỉnh lí” của Khánh vừa công cốc vừa dễ bị kết án. Rải rác đòi coi lại vụ “chỉnh lí.” Nguyễn Chánh Thi, trong vụ này, đứng về phía Khánh.
- Tôi thấy mấy anh em nên công bình... Tôi đã thăng bao nhiêu anh em lên cấp tướng. Tôi đâu có độc tài. Cấp đại tướng dành cho anh Khiêm... - Khánh đổi bài bản, đúng giọng nỉ non.
- Ối! Anh không phong thì người khác phong... - Đỗ Mậu gạt ngang ý của Khánh.
Ăn trưa. Họp tiếp. Luân thủy chung không nói một lời, dù đôi khi một tướng mời anh. Anh lắc đầu: Tôi chỉ xin nghe thôi.
Nguyễn Cao Kỳ ghé vào tai Nguyễn Chánh Thi:
- Tống cái thằng Cộng sản này ra khỏi cuộc họp. Có mặt hắn tôi thấy ớn ớn thế nào...
- Ừ... Đ.M... Đấy là chỗ các tướng trong hội đồng...
Lâm Văn Phát ngồi cạnh nghe rõ, cười khẩy:
- Trước hết, hai ông hãy xin lịnh của tướng Jones Stepp... Va đến đây do cơ quan tình báo quân sự Mỹ phái.
- Để chi?
Phát nhún vai:
- Để coi tụi mình múa giống thứ gì.
Kỳ và Thi xìu hẳn.
*
NHỮNG PHÁT ĐẠI BÁC THEO KIỂU NAPOLÉON
Helen Fanfani (Financial Affairs).
Sài Gòn, tháng 8-1964.
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa nằm trên con đường lớn dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Sài Gòn, trong phút chốc đi vào biên niên sử của xứ sở Việt Nam cực kì rối loạn và tương lai mịt mù này.
Giữa trưa, giờ địa phương, tôi nhận được một cú điện thoại của một người bạn quen – xin tạm giấu tên – vội vã giục Victor, chồng tôi, mang máy quay phim đến trước cổng cơ quan quân sự đầy bí ẩn, như một thâm cung các vua chúa. Cửa Bộ Tổng tham mưu đen đặc người và người. Luớt qua họ, tôi biết liền đây là giáo dân Thiên Chúa từ nhiều vùng khác nhau kéo đến. Khẩu hiệu của họ khá lộn xộn. Dù sao, tôi và Victor cũng hiểu một trận phục thù đang diễn ra. Họ, những người biểu tình, bị truất phế đặc quyền sau cái chết thảm khốc của anh em ông Diệm, đã làm ra cớ đòi nợ. Tất nhiên, không phải Dương Văn Minh hay Tôn Thất Đính phải trả nợ. Chính tướng Nguyễn Khánh, theo họ, phải tỏ ra sòng phẳng. Mấy ngày đêm liền, Sài Gòn sống trong không khí tiền đảo chính và tự các giáo dân kinh nghiệm khơi ngòi nổ.

Lối bốn hoặc năm nghìn, hầu hết trai tráng, nắm trong tay các thứ có thể choảng nhau và cũng có thể giết nhau theo cách đánh giặc thời trung cổ, dao, búa, gậy, thanh sắt. Mặt mũi người nào cũng đầy sát khí. Con đường Lê Văn Duyệt tắc nghẽn. Quân cảnh và cảnh sát gọi bộ đàm liên tục. Cảnh sát dã chiến với mặt nạ phòng hơi cay, chiếc khiên và gậy quen thuộc cùng với một nhóm khác, đủ súng phóng hỏa tiễn, chờ một tín hiệu xanh.
Victor lướt máy. Cái khẩu hiệu đã vào phim. Ủng hộ Hội đồng Quân đội Cách mạng! Đả đảo Cộng sản và Trung lập! Đả đảo bọn phá hoại đoàn kết quốc gia! Đả đảo các hành động côn đồ ở Đài phát thanh và Bộ Thông tin! Yêu cầu được trao kiến nghị quyết tử chống Cộng cho Hội đồng Quân đội...
Khó mà nói rằng đây là những yêu sách chống Chính phủ. Thế nhưng, cổng Bộ Tổng tham mưu vẫn đóng im ỉm. Quân cảnh dùng loa kêu gọi đám đông giải tán. Chẳng những không giải tán, đám dông dùng tiếng “hô ta” lay cánh cửa sắt, mỗi lần mấy chục người lấy đà phóng vào cửa. Đã có những dấu hiệu cánh cửa sẽ đổ. Quân cảnh và cảnh sát dã chiến vung gậy. Thế là một trận hỗn chiến diễn ra. Quân cảnh và cảnh sát ít hơn, bị đánh dạt. Số có hỏa tiễn cũng bỏ chạy.
Mười ba giờ ba phút, một vị tướng được cả một trung đội bảo vệ ra sát cửa, Tướng Nguyễn Ngọc Lễ.
- Yêu cầu không nhượng bộ? Yêu cầu không sửa hiến chương Vũng Tàu! Hoặc tướng Khánh tiếp tục là nguyên thủ quốc gia hoặc phải ra đây chịu tội!
Một người - có vẻ là linh mục – xướng một câu, cả nghìn người phản ứng...
- Tôi yêu cầu đồng bào giải tán! Chúng tôi đang họp... - Tướng Lễ rõ ràng cố dằn cơn nóng, nói ôn tồn mà đầy quyền uy.
- Chả họp gì cả! Phải giải tán!
Đám hưởng ứng ồn ào.
Tướng Lễ quay trở vào.
- Nguyễn Khánh gặp chúng tôi! Hoan hô Tướng Nguyễn Khánh! Treo cổ Tướng Dương Văn Minh!
Tôi bảo Victor: “Họa chăng Chúa mới hiểu được là cái gì!” Victor cười. Anh vốn ít nói song hẳn đây có kinh nghiệm hơn tôi...
Mười phút trôi qua. Đám đông bắt đầu hoạt động.
Khẩu hiệu lại hô vang rền và cánh cửa càng lúc càng long, sắp đổ tới nơi.
Tướng Nguyễn Ngọc Lễ trở ra. Nhưng ông không đi đến cửa. Tôi dụi mắt và đúng như tôi thoạt thấy, bốn khẩu đại bác 75 li – pháo tự hành dính theo các xe chiến đấu – hạ thấp nòng. Victor bảo tôi: Napoléon tái sinh!
Thú thật, tôi không tin Victor, vì nhiều lẽ: đây là tín đồ theo đạo Thiên Chúa, không ai dám đối xử theo kiểu của viên tướng hơi mất thăng bằng về thần kinh trên đường phố Paris cách chúng ta hơn một trăm năm; đây là pháo Mỹ và họ, những người biểu tình, đâu có đòi lật đổ Chính phủ!
Họ dọa già thôi! Tôi đinh ninh vậy. Victor thận trọng lùi xe xa đám đông. Tôi cười anh.
Cổng Bộ Tổng tham mưu mở. Đám đông ùa vào. Và, trong một nháy mắt, họ hoặc tháo chạy, hoặc sẽ không bao giờ còn chay được nữa. Nòng đại bác khạc đạn, khối lửa giã đám đông thành từng mảnh, tiếp sau tiếng nổ đinh tai. Khó mà ước lượng số nạn nhân của các phát đại bác. Từng đống xác nhầy nhụa máu bít lối ra vào Bộ Tổng tham mưu. Đám đông bỏ chạy tán loạn. Cổng Bộ Tổng tham mưu khép lại một cách lạnh lùng. Tướng Nguyễn Ngọc Lễ bình thản đứng trên thềm...
Tôi bảo Victor thoát nhanh. Đã có một số quân cảnh hướng về phía chúng tôi, họ tịch thu máy. Victor lùi xe và trở đầu thật táo bạo. Tôi nghe nhiều tiếng đạn đuổi theo chúng tôi.
Xe chúng tôi lao vào trung tâm thành phố, bắt gặp nhiều toán dân chúng, đều là đạo Thiên Chúa, kéo về hướng đài phát thanh. Victor, theo đề nghị của tôi, vòng đến đài phát thanh. Chúng tôi đến vừa kịp khi một đại biểu của đoàn biểu tình trao cho giám đốc đài phát thanh bản tuyên ngôn: Lực lượng Cộng hòa Công giáo do Linh mục Hoàng Quỳnh, vị thầy tu chống Cộng khét tiếng ở Bắc Việt, yêu cầu giữ Hiến chương Vũng Tàu.
Trong lúc giám đốc đài và đại biểu đoàn biểu tình đang giằng co – viên giám đốc rõ ràng quá sợ hãi, vì hôm kia, đài của ông bị đập phá với lí do ngược lại – chúng tôi nghe nhiều tiếng thét ở đường Phan Đình Phùng, gần đó. Victor ghê rợn. Những điều tôi hỏi cho biết đoàn biểu tình này đã đánh nhau với học sinh trường Nguyễn Trường Tộ. Nghe đâu hai học sinh bị đâm chết và nghe đâu nhiều người biểu tình cũng bị chết.
Trước hai phe chực hầm hầm xông vào xé, hai vị lãnh đạo tinh thần đang nói. Tôi biết Linh mục Hồ Văn Vui và Thượng tọa Thích Tuệ Đăng cố giảng hòa.
Trời tối dần. Khi đường Phan Đình Phùng im ắng tôi xem đồng hồ: mười chín giờ.
Một câu hỏi trong đầu tôi: Ai? Ai chủ mưu?Tôi sẽ điện cho đại sứ quán Mỹ và hẹn bài sau sẽ nói rõ về sự thể li kì này...
*
... Sau các loạt đại bác mà bức tường Bộ Tổng tham mưu ột hồi âm rõ mồn một, hội nghị Hội đồng như có một trọng tài thổi còi, không ai mở mồm. Khó mà để quyết người nào đã ra lệnh bắn, hành động hết sức mạo hiểm. Khi tướng Lễ vào báo cáo, Nguyễn Chánh Thi bô bô đúng kiểu của hắn:

- Bắn mẹ nó! Cho đại bác bắn... Đồ quấy rối.
Nguyễn Ngọc Lễ chờ. Không ai nói. Ông ta quay ra. Cứ coi như ý của Nguyễn Chánh Thi là ý của Hội đồng. Lễ chả thâm thù gì giáo dân Xóm Mới, Hố Nai, chả theo phe nào. Tuy nhiên, ông ta không thích cái trò gây rối khi mà ruột gan ông rối bời bời.
Luân xin nói. Đúng ra, anh cứu hội nghị. Tướng Minh vui vẻ ra mặt:
- Mời đại tá!
Luân nói:
- Thưa các vị tướng lãnh...
Cả cuộc họp dồn vào Luân. Gã đại tá “Cần lao” hoặc “Cộng sản” nổi tiếng suy nghĩ tinh tế...
- Tôi xin trình bày một nguyên tắc để các vị cứu xét. Tôi không phải thành viên của hội đồng, nói ở đây là không đúng chổ, không đúng nguyên tắc.
- Nói đi, đừng dè dặt. – Nguyễn Khánh đốc vô.
- Cám ơn các vị... Nên nghĩ đến tình thế, tình thế đòi một đầu não khả dĩ giải tỏa các xung đột nay đã quá trầm trọng. Tôi đề nghị thành lập một Ban lãnh đạo quốc gia, đồng thời duy trì Chính phủ hiện hữu trong một thời gian ngắn để đưa đất nước vào nề nếp dân chủ. Ban lãnh đạo quốc gia, theo tôi, gồm ba vị: Trung tướng Dương Văn Minh, Đại tướng Trần Thiện Khiêm và Trung tướng Nguyễn Khánh...
Luân ngồi xuống. Tướng Minh trầm ngâm. Tướng Khiêm cố không bộc lộ sự hài lòng. Tướng Khánh thì giống như kẻ chết đuối vớ được cây sào cứu mạng.
- Tôi đồng ý! - Tướng Phạm Xuân Chiểu nói to.
- Tôi thấy nên... - Đỗ Mậu ngập ngừng.
- Vậy là đúng rồi! Cám ơn đại tá Luân! - Tướng Thiệu đưa tay. Lâm Văn Phát không hài lòng, nhưng không nói gì.
Mãi khi rời phòng họp. Phát hỏi riêng Luân:
- Ông Big Minh, thằng Khiêm tạm đươc, còn thằng Khánh?
Luân cười, vỗ vai bạn nói khẽ:
- Anh bỏ ý định của anh rồi sao?
*
Mặc Hội đồng quân đội đã ra quyết định, tình hình các nơi vẫn bên bờ vực xô xát lớn, tổng lực giữa các nhóm cực đoan Công giáo và Phật giáo. Khu Công giáo Phú Nhuận, Trương Minh Giảng báo động, tổ chức canh gác, chực chờ xung trận. Viện Hóa đạo, chợ Bến Thành và các chùa cũng quy tụ hàng trăm hàng nghìn sinh viên.
Thông cáo của Tòa Tổng giám mục và Viện Hóa đạo kêu gọi thông cảm không có tác dụng.
Học sinh, sinh viên hội thảo sôi nổi khắp các trường và thường xuyên tập trung ở các công viên lớn. Cảnh sát bắt bớ. Xung đột xoay qua giữa học sinh, sinh viên và cảnh sát.
Giữa trưa ngày hai mươi tám, Thủ tướng Nguyễn Khánh họp báo tại tòa Đô chính. Như được thêm sinh lực, Khánh đọc một bản soạn sẵn thóa mạ Nguyễn Tôn Hoàn và Hà Thúc Ký không tiếc lời, ghép hai lãnh tụ Đại Việt và Đảng Đại Việt vào trọng tội, tội âm mưu đảo chính. Nhưng, Khánh không nêu được bằng chứng thuyết phục, và gọi là cuộc họp báo mà các báo chỉ nghe Khanh nói, nói xong, Khánh lên xe dông mất.
Trường Nguyễn Bá Tòng bỗng bị một nhóm bao vây. Chẳng rõ nhóm nào đó tông tích ra sao, thật sự họ đến trường Nguyễn Bá Tòng làm gì, nhưng khu phố náo động. Hai phe đánh đấm nhau tơi bời. Báo Xây dựng của người theo đạo Thiên Chúa di cư và nhà in đặt trong trường bị đập phá. Bộ Tổng tham mưu điều quân Dù đến can thiệp. Quân Dù nổ súng...
Những ngày cuối tháng tám thật ảm đạm: đám tang các nạn nhân trước Bộ Tổng tham mưu, ở trường Nguyễn Bá Tòng, ở các công viên... Hàng nghìn người bị bắt, bị dán cho cái nhãn du đãng.
Và, Phó Đại sứ Alexis Johnson nhận được bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ, vỏn vẹn chỉ có một chữ: STOP!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận