Ván bài lật ngửa

- Sau khi thi hành xong chương trình của ngày đầu, trong ấy có cuộc yết kiến Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, sáng thứ Hai 25-10 trong khi hội đàm với ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị Tổng thống phủ, phái đoàn có đề cập một lần nữa về những hoạt động của phái đoàn. Theo lời yêu cầu của phái đoàn, ông Nhu hứa sẽ gửi tất cả những tài liệu mà Chính phủ có được trong vụ Phật giáo cho phái đoàn. Ông cũng hứa để cho phái đoàn đến thăm các trại giam trong ấy có những nhà sư bị bắt trong những vụ lộn xộn mấy tháng trước, và các trại thanh niên trong ấy một số thanh niên được gửi đến để “thảo luận với chính quyền.”
- Chương trình ngày 25-10 gồm có cuộc đi thăm các chùa Xá Lợi, Ấn Quang và Giác Lâm. Đến phút cuối cùng, cuộc viếng thăm chùa Ấn Quang bị bãi bỏ; khi phái đoàn đòi hỏi một sự giải thích về sự thay đổi chương trình ấy, thì người ta bảo rằng các vị tăng ni ở chùa ấy, nhất là bà Diệu Huệ, cũng như Ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết bị mệt trong buổi chiều ấy vì tuổi già. Sự đi thăm chùa Ấn Quang, dự trù vào buổi chiều, đã bị hoãn lại bởi Chính phủ, như thế là Chính phủ đã thay đổi chương trình mà không hỏi ý kiến của phái đoàn. Sau đó, phái đoàn được biết rằng sư bà Diệu Huệ và Ngài Hội chủ Thích Tịnh Khiết, thật ra chiều hôm ấy, có đợi tiếp phái đoàn tại chùa Ấn Quang. Về sau, phái đoàn được chính quyền cam kết rằng phái đoàn có thể đến thăm chùa Ấn Quang bất luận lúc nào, nhưng tốt hơn là về buổi sáng, và hai nhân vật nói trên sẽ có ở đấy.
- Căn cứ vào sự hợp tác của Chính phủ mà ông Nhu, cố vấn chính trị và ông Bộ trưởng ngoại giao đã cam kết trong những cuộc hội kiến, phái đoàn đã trao cho ông Tổng thư kí Bộ Ngoại giao ngày 26-10, một bản tổng lược ghi những điểm chính trong chương trình hoạt động của phái đoàn. Trong bản ấy, phái đoàn ngỏ ý muốn hủy chương trình dự trù cho những ngày từ 27 đến 29 tháng 10, mà Chính phủ đã đề nghị, và phái đoàn mong muốn để dành ba ngày ấy để đi thăm các trại thanh niên, các tăng ni bị giữ trong các nhà giam và chùa Ấn Quang. Phái đoàn cũng mong được đi Huế ngày 30 tháng 10, như Chính phủ đã dự trù trong chương trình, để gặp ông đại biểu Chính phủ và nhân dịp ấy, triệu tập một buổi họp có tính cách thông tin để am tường tình hình của đô thị ấy, thăm chùa Từ Đàm, các chùa khác và hội đàm với một số nhân vật mà phái đoàn sẽ trao danh tánh cho Chính phủ biết rõ. Phái đoàn cũng quyết định hủy bỏ tất cả những cuộc tiếp tân và thăm viếng thắng cảnh tại Huế. Những ngày cuối tuần dành để nghe nhân chứng ở Sài Gòn. Phái đoàn ngỏ ý hi vọng sẽ rời Việt Nam chậm lắm là vào ngày thứ Hai mùng 4 tháng 11.
- Chương trình phác họa trong bản tổng lược ấy đã được Chính phủ thỏa thuận, nhưng Chính phủ đề nghị phái đoàn nên đến thăm vùng Vĩnh Bình là nơi có nhiều Phật giáp đồ gốc Khmer, vì Chính phủ cũng bận tâm đến lời khiếu nại, tại Liên Hợp Quốc và các nơi khác, cho rằng có sự tàn sát dân thiểu số ở vùng ấy. Phái đoàn quyết định trong hiện tại chưa xét đến đề nghị ấy.
- Buổi chiều 26-10, phái đoàn đã thảo một bản công bố mời những ai muốn làm nhân chứng hãy đến gặp phái đoàn hay gởi đến cho phái đoàn một bản khiếu nại. Như đã dự định trước, bản công bố ấy sẽ gửi cho báo chí trong nước và ngoại quốc, và đồng gửi đến cho ông Bộ truỏng Ngoại giao với một bức thư đính theo báo tin cho biết là bản công bố ấy đã được phổ biến. Phái đoàn hành động như thế trong phạm vi của nhiệm vụ mình và yêu cầu sự giúp đỡ của chính quyền để bản công bố kia được phổ biến rộng rãi.
- Bản công bố của phái đoàn, gửi đi ngày 26-10 đã được phổ biến bằng Anh ngữ và Pháp ngữ trong bản tin tức của Việt tấn xã. Những nhật báo Anh ngữ và Pháp ngữ trong nước đã đăng tải đúng nguyên văn trong ngày hôm sau. Theo sự thăm dò trong làng báo Việt ngữ, phái đoàn cũng nhận thấy bản công bố ấy đã được dịch đăng trong một số nhật báo Việt ngữ.
Nhưng vì theo các báo ngoại quốc, thì báo chí Việt Nam không đăng tải trọn vẹn bản công bố nói trên, nên phái đoàn quyết định sẽ xem xét kĩ lưỡng các báo xuất bản tại đây. Chính phủ hứa sẽ giúp đỡ phái đoàn. Tuy thế, phái đoàn ước lượng rằng những phương tiện thông tin địa phương đến một mức độ vừa phải, trong sự phổ biến kêu gọi các nhân chứng và những người khiếu nại nói trên.
- Ngày 31-10, ông trưởng phái đoàn đến gặp Bộ trưởng Ngoại giao để thảo luận về vấn đề có thể thẩm vấn nhà sự Thích Trí Quang, hiện xin tị nạn tại sứ quán Hoa Kỳ hay không.
Ông Bộ trưởng tuyên bố “theo quốc tế công pháp, một cá nhân được hưởng sự tị nạn không có quyền hoạt động gì hết và cũng không được tiếp xúc với người nào, nếu không có sự ưng thuận của Chính phủ xứ ấy. Ông còn nói thêm: Trong trường hợp như thế Chính phủ phản đối mọi sự tiếp xúc của nhà sư Thích Trí Quang với phái đoàn hay với một người nào khác; Chính phủ chỉ có thể chấp nhận một sự gặp gỡ như thế nếu nhà sư này được trao trả cho chính quyền.”
Ông bộ trưởng có phát biểu ý kiến là phái đoàn đã tiếp xúc với các giáo phái Đại thừa tại Việt Nam, thì ít nhất, cũng nên đi viếng thăm một giáo phái của Tiểu thức. Cuộc viếng thăm này có thể trù liệu vào ngày thứ Bảy. Ông trưởng phái đoàn trả lời ông sẽ hỏi ý kiến của phái đoàn về vấn đề này; phần ông, ông không thấy có gì trở ngại.
- Ngày 30-10, báo chí quốc tế có đăng tải một điện tín cho biết rằng một nhân viên của phái đoàn đã đến thăm ông đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Đây là cuộc viếng thăm có tính cách riêng tư và thân hữu, nhưng để đánh tan mọi sự hiểu lầm, phái đoàn nghĩ rằng ông trưởng phái đoàn nên đề cập đến cái điện tín ấy trong buổi hội đàm với ông Bộ Trưởng Ngoại giao. Vì thế ông trưởng phái đoàn cam đoan với ông bộ trưởng rằng buổi viếng thăm trên không liên quan gì đến phái đoàn và có tính cách hoàn toàn riêng tư.
- Ngày 29-10, phái đoàn được ông Bộ trưởng nội vụ cho biết có mười nhà sư định tự thiêu trong dịp phái đoàn sang thăm Việt Nam. Một trong những vị sư ấy đã thi hành dự định trên ngày 27-10. Chính phủ đã bắt được năm vị trước khi họ chưa kịp hành động. Phái đoàn yêu cầu được gặp năm nhà sư ấy, nhưng chỉ gặp được một người vào chiều 30-10. Cũng trong buổi chiều ngày ấy, phái đoàn đến thăm bệnh viện Đô Thành, ở đây có những nạn nhân của những vụ xung đột từ trước đang được điều trị. Phái đoàn có nghe một nhân chứng tự nguyện đến cung khai tại khách sạn Majestic, trụ sở của phái đoàn.

*
* *
Bản tường trình tất nhiên không thể đi sâu vào một số chi tiết chỉ liên quan đến vài thành viên của phái đoàn và bản thân giờ giấc cũng không đúng như văn bản.
Nửa giờ sau khi ngày 24 tháng 10 bắt đầu, phái đoàn đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Họ được đại biểu Chính phủ đón tiếp nồng nhiệt và, vào giờ đó, thành phố đang giới nghiêm, không một dân thường có mặt. Những chiếc xe hơi sang trọng đưa tất cả phái đoàn về khách sạn Majestic, cạnh bờ sông. Phòng tiện nghi cao nhất dành cho từng người. Sau bữa ăn nhẹ, có chút rượu, phái đoàn đi nghỉ. Bấy giờ đã gần ba giờ sáng, trưởng đoàn yêu cầu các thành viên mười một giờ sáng sẽ dùng bữa và họp nội bộ để mười lăm giờ chính thức gặp mặt Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bàn về chương trình hoạt động của phái đoàn.
Khách sạn Majestic được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát dã chiến và gần như bị cô lập.
Tám giờ sáng, đại sứ X. trong phái đoàn đang ngủ say thì cửa phòng hé mở. Ông tỉnh giấc, vươn người một cách thoải mái - năm giờ ngủ liền đã giúp ông sảng khoái.
Một nữ nhân viên rón rén bày khay cà phê ngay trên chiếc bàn con cạnh giường. Đại sứ X. qua ánh sáng hắt từ ngoài vào, nhìn trọn bộ ngực của cô nhân viên. Ông trỗi dậy, vào phòng vệ sinh. Khi ông rửa mặt, tấm kính to in càng nổi hơn cô nhân viên - cô mặc minijupe, như dềnh dàng xếp chăn gối trên giường ông.
Đại sứ X. không kịp cạo râu, ông trở ra, ngồi cạnh khay cà phê.
- Xin mời Ngài... - Cô gái nói tiếng Anh - Có quá sớm và phiền Ngài không?
- Không! Cám ơn...
- Ngài dùng sữa hay đường? - Cô gái, bấy giờ chỉ cách đại sứ X. có vài tấc, cúi người mở hộp đường, dù đại sứ chưa trả lời. Nhưng cô nghe rõ từ cổ họng đại sứ tiếng ấm ứ.

Đại sứ X. giả như ngăn cô gái, ông cầm tay cô. Cô gái để yên. Nhưng, khi đại sứ kéo mạnh cô vào ông thì cô vùng ra, lùi xa mấy bước. Chiếc áo bật nút, một bên vai cô phơi trần cùng phần trên bộ ngực đồ sộ.
- Xin lỗi! - Đại sứ lắp bắp...
Nhưng cô gái nhoẻn cười và trở lại khay cà phê. Cô đã nhìn rõ đôi mắt đờ đẫn và cả gân trên thái dương đại sứ giật. Lần này, đại sứ đứng hẳn dậy. Cô gái lọt vào vòng tay màu nâu của ông. Một cuộc giằng co kéo dài chừng ba bốn phút, cứ mỗi lần thoát ra khỏi tay đại sứ, thân thể cô gái mất đi một chút che đậy. Và sau cùng...
Không chỉ riêng ở phòng đại sứ X. Phòng đại sứ Y, Z... quang cảnh đại khái như vậy.
Mười giờ ba mươi, phái đoàn ngồi vào bàn ăn. Câu chuyện rời rạc. Mười ba giờ, cuộc họp nội bộ chóng vánh.
Đêm hai mươi bốn rạng hai mươi lăm màn hấp dẫn không diễn trong vài tiếng đồng hồ mà bắt đầu từ giữa đêm đến tận sáng.
Theo chương trình, phái đoàn sắp gặp cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Sau bữa ăn, họ nghỉ vài tiếng đồng hồ. Và khi thức dậy, các đại sứ X, Y, Z đều thấy trên bàn một phong bì, các bức ảnh khổ carte postale rơi ra, ảnh màu với những ghi nhận điển hình nhất...
Hội kiến với ông Ngô Đình Nhu, cố vấn chính trị Tổng thống phủ (Biên bản tốc kí của phái đoàn Liên Hợp Quốc).
Ông cố vấn chính trị: - Vấn đề chính yếu đặt ra đúng là một vấn đề chậm tiến chung cho nhiều xứ. Vấn đề Phật giáo chỉ là một khía cạnh của vấn đề chính. Những phong trào chính trị, xã hội và tôn giáo tiến triển khá mạnh từ khi xứ sở vừa mới thu hồi độc lập. Nhưng cán bộ lại thiếu trong các phong trào ấy cũng như trong guồng máy Chính phủ. Chính phủ bắt buộc phải nhờ đến chuyên viên ngoại cuộc trong mọi lĩnh vực (hành chính, giáo dục, v.v...) nhưng họ đều có chủ thuyết riêng và sự hiện diện của họ trong cơ quan mang đến điều lợi và bất lợi, đó là động lực phát sinh sự tranh chấp. Phong trào Phật giáo cũng ở trong tình trạng ấy. Phong trào Phật giáo phát triển mạnh nhưng cán bộ không đủ, do đó có nhiều sự sai lệch không tránh khỏi. Tôi nghĩ rằng đường lối Chính phủ Việt Nam cũng có những lệch lạc. Vấn đề tự do không phải là vấn đề độc nhất mà dân tộc Việt Nam phải giải quyết, vấn đề chính yếu là vấn đề công bằng. Phải động viên các từng lớp dân chúng vào việc kĩ nghệ hóa. Khi nào những đặc quyền chính trị, kinh tế và xã hội chưa loại trừ được thì chưa có thể động viên được dân chúng. Người ta không thể tách rời vấn đề quân sự và kinh tế khỏi vấn đề xã hội. Trong khối thứ ba, đâu đâu cũng thế, xứ nào cũng có vấn đề, đối với bạn cũng như thù. Nếu quý ông có những câu hỏi cần phải nêu ra, tôi sẽ sung sướng trả lời, trong phạm vi có thể.
Ông trưởng phái đoàn: Ông nói rằng vấn đề Phật giáo là vấn đề chậm tiến. Ông quan niệm như thế nào? Như thế phần nào có nghĩa là Phật giáo phát triển không bằng các cộng đồng khác?

Ông cố vấn chính trị: Vấn đề Phật giáo bắt nguồn trong những ngày tàn của thời kì thực dân và có lẽ xa hơn nữa, trước đệ nhị thế chiến không lâu. Không riêng về Phật giáo, những tổ chức chính trị và tôn giáo khác, nhất là Khổng giáo, cũng đều có những vấn đề như thế. Lúc bấy giờ có sự trỗi dậy của tất cả dân tộc châu Á, nguyên nhân vì đường lối chính trị của Nhật Bản. Đường lối của Hitler và chủ nghĩa phát xít đã gây ra sự khủng hoảng tâm lí ở châu Á và đặc biệt là ở Việt Nam. Hầu hết các đảng phái chính trị ở Việt Nam muốn cố gắng bí mật phát triển đều ít nhiều bị chủ nghĩa phát xít chi phối. Vào thời kì ấy cũng có sự phục hưng trên bình diện tôn giáo. Đây là một hiện tượng để xác nhận phẩm giá của Việt Nam về địa vị của mình trên trường quốc tế. Đối với Phật giáo, sự phục hưng không đóng một vai trò quan trọng lắm trong những ngày tàn của thời kì thực dân và sự kiện ấy có nhiều lí do: theo cổ truyền của xứ sở, tinh thần tự trị của chùa chiền đã ăn sâu trong Phật giáo Việt Nam. Mỗi ngôi chùa là một giáo đường riêng biệt. Mỗi vị trụ trì và bổn đạo làm thành một cộng đồng độc lập. Giáo lí nhà Phật và tính tình người Việt Nam đều mang màu sắc cá nhân. Vấn đề tu dưỡng chỉ là việc riêng của mỗi người. Vì thế, những cố gắng bị phân tán, không hợp nhất, tuy lúc đó đã có một phong trào để đi đến thống nhất. Sự suy tưởng nội tâm của Phật giáo và tính tình người Việt tạo nên một hiện tượng li tán. Dù muốn hay không, phải công nhận rằng có nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết và người ta tự hỏi không biết Phật giáo có thể giải quyết nó như thế nào. Thật thế, sự tranh đấu cho độc lập là một sự đấu tranh vũ trang, cần đổ máu, trong khi Phật giáo chủ trương hỉ xả, bất bạo động. Như vậy làm thế nào Phật giáo có thể đại diện ột uy quyền thần bí khả dĩ tập hợp phong trào chống thực dân? Dù muốn hay không, nước Việt Nam phải được kĩ nghệ hóa vào đệ nhị thế chiến khi xứ sở bị Nhật Bản xâm nhập, người ta cảm thấy từ trước nước Việt Nam không sản xuất gì hết, thật là một khoảng trống không trong lãnh vực kĩ nghệ.
Do đó người ta phải tìm ra một uy quyền thần bí để kích động khả năng quốc gia vào công cuộc kĩ nghệ hóa. Vấn đề Phật giáo hiện nay cũng ở trong một hoàn cảnh tương tự. Làm thế nào Phật giáo có thể giải quyết sự cần thiết vừa chống Cộng vừa kĩ nghệ hóa xứ sở? Có những vấn đề thế tục cần đặt ra cho những quốc gia trong khối thứ ba: phải tìm một giải pháp hữu hiệu giữa Đông và Tây. Phật giáo có thể giải quyết nhiệm vụ cấp bách và hiện hữu ấy không? Và chính trong điều kiện ấy, phong trào Phật giáo lại phục hưng. Những vấn đề ấy đã có từ năm 1933. Năm rồi còn ở Balê và vào thời kì đó đã có những vấn đề. Chúng tôi thành lập những câu lạc bộ tập hợp những bạn hữu khác chủng tộc để nghiên cứu những vấn đế cấp bách cho tương lai. Bắt đầu năm 1945, những tư tưởng ấy trải qua nhiều thử thách cay chua. Phong trào Độc lập liền bị đặt dưới quyền kiểm soát của Cộng Sản. Những năng lực nhiệt thành đều bị ảnh hưởng của Cộng Sản. Người ta không thể áp dụng nguyên tắc thống nhất cho nhiều xu hướng dân chủ phức tạp. Người ta không thể hợp nhất các lực lượng chống thực dân. Vào lúc đó phong trào Phật giáo cùng phát khởi. Có những cuộc thảo luận sôi nổi để xem người ta đứng về phía Cộng Sản hay chống lại. Chính lúc bấy giờ phong trào Phật giáo cứu quốc cũng ra đời một lần với phong trào Công giáo cứu quốc. Những tổ chức ấy hoạt động khá mạnh, nhất là ở Bắc và Trung vì được tập hợp dưới quyền chỉ huy của Cộng Sản và nằm trong mặt trận đấu tranh của Cộng Sản. Ở miền Nam cũng có một phong trào tôn giáo cùng một xu hướng như trên, nhưng ở trong hoàn cảnh khác: Giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài được quân đội viễn chinh võ trang để chống Cộng. Phong trào Phật giáo bành trướng mạnh nhờ phong trào tranh thủ Độc lập. Đây là những hiện tượng lịch sử bộc phát vì liên hệ đến sự tồn vong của Việt Nam. Mỗi tổ chức tìm một cách củng cố theo phương thức riêng của mình: Phật giáo, Gia tô giáo cũng như đảng phái chính trị. Nhưng sự củng cố ấy bị lôi kéo giữa Cộng Sản và Đế quốc. Tình hình hiện tại chỉ là sự nối tiếp của tình hình lúc bấy giờ, Phong trào Phật giáo là một phong trào chính đáng của một tổ chức bị thực dân đàn áp và muốn phát triển vào những ngày tàn của thực dân.
Đó là một phong trào chính đáng, nhưng lại phát triển trong những điều kiện không thuận lợi. Phong trào ấy bị lôi kéo giữa Đông và Tây. Mỗi chủ nghĩa đều cố tìm cách lợi dụng phong trào ấy. Những điều vừa trình bày là quan điểm của nhà sử học và xã hội học. Quan điểm của Chính phủ lại khác. Chính phủ đứng ngoài vòng tôn giáo. Sự liên lạc giữa Chính phủ và phong trào tôn giáo đều dựa vào tính chất thế tục. Nước chúng tôi là một nước chậm tiến muốn tối tân hóa và vì thế phải giải quyết một số vấn đề: động viên quần chúng vào sự đòi hỏi của chiến tranh (vì chiến tranh đối với chúng tôi là bắt buộc) và kĩ nghệ hóa là điều cần thiết cho sự tiến hóa. Nhưng không nên quên thực tại: phong trào Phật giáo bị lôi kéo giữa Đông và Tây. Chính phủ không có một đường lối chính trị nào chống Phật giáo hết, nhưng ngay trong Phật giáo cũng có những vấn đề riêng. Trong tất cả các tổ chức đều có công tác ngấm ngầm do bàn tay Đông và Tây điều khiển. Cho đến cơ quan hành chính và quân đội cũng có sự len lỏi của chủ nghĩa ngoại lai. Ấy là một nhu cầu lịch sử do hoàn cảnh chính trị dựa trên địa lí đặc biệt của Việt Nam gây nên. Hoa Kỳ chủ trương phát triển tự do để giải quyết vấn đề chậm tiến. Nhưng tự do không phải là giải phóng. Mà giải phóng theo Cộng Sản chủ trương lại không phải là tự do. Vị cứu tinh không phải là người có tư tưởng tự do, người có tư tưởng tự do không hẳn là vị cứu tinh. Đứng trước hai quan niệm trái ngược ấy, cần phải dứt khoát. Phật tử cũng ở trong tình trạng bối rối như tín đồ tôn giáo khác. Viện trợ Hoa Kỳ rất quý báu đối với chúng tôi, nhưng lại chứa mầm phân hóa: Làm thế nào động viên được quần chúng với một thứ tự do không chịu trút bỏ đặc quyền, trái lại người ta còn đề nghị chúng tôi cứ bảo vệ đặc quyền trên con đường tiến hóa! Thật là một chuyện thần thoại.
Ông trưởng phái đoàn: Ông đã nhắc lại bất bạo động là một nguyên tắc của Phật giáo, nhưng chúng tôi đọc trong nhiều báo chí lại thấy các đoàn thể Phật giáo bị tố cáo là có bạo hành. Ông có thể giải thích cho chúng tôi rõ điều ấy không?
Ông cố vấn chính trị: Trong một cuộc phục hưng nào cũng có sự trở về nguồn. Nếu Phật giáo muốn trở về nguyên thủy thì sự kiện ấy chỉ có thể do một thiểu số ưu tú là những thánh nhân chân chính mà sứ mạng là nói cho chúng ta, những người đang tham gia chiến tranh và góp phần vào công cuộc kĩ nghệ hóa, rằng vật chất không phải là tất cả. Các vị thánh nhân ấy nhắc cho ta, những kẻ đang lao động trong bùn lầy, rằng có một lí tưởng về giá trị tinh thần và sự suy tư, một sức mạnh có thể đập tan sự phản ứng liên tục của thuyết duy vật. Ấy là sứ mạng tôn giáo. Nhưng trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam, phong trào Phật giáo đã đi lạc hướng, đã trở thành công cụ chính trị và đi đến mức muốn lật đổ Chính phủ. Có rất nhiều nguyên nhân tâm lí đã thúc đẩy các nhà Phật giáo có sự lệch lạc trên. Về nội dung, Phật giáo đứng trước hai thực tế trái ngược (tại miền Nam Việt Nam mà thôi) nếu trở thành một lực lượng chính trị thì không còn là Phật giáo thuần túy nữa.
Đó là mâu thuẫn căn bản ở Việt Nam, và Phật tử từng đau khổ vì mâu thuẫn ấy. Họ thấy những phong trào tôn giáo khác phát triển mạnh hơn rồi họ suy luận là bị đàn áp. Những tôn giáo khác như Hồi giáo, Thiên Chúa giáo tự mình giải quyết những vấn đề thế tục. Phật giáo không phải như thế vì là một tôn giáo chủ trương hoàn toàn thoát tục. Phật tử khi thấy các tôn giáo khác phát triển, kết luận là mình bị bắt nạt. Có nơi tổ chức đưa dân cả toàn xã vào Thiên Chúa giáo. Tín đồ Phật giáo khi thấy nhiều xã theo Công giáo thì lại tưởng đó là áp lực của Chính phủ. Nhưng khi đọc các tài liệu, người ta mới thấy Chính phủ rất lo lắng về sự trở về với Chúa từng loạt như thế, Chính phủ không khuyến khích điều ấy vì đó là Cộng sản trá hình. Sự kiện này gây cho chúng tôi thiệt hại nhiều vào năm 1960 khi chiến tranh phá hoại phát khởi. Chính phủ Diệm xích mích với hàng giáo phẩm Gia tô về phong trào rửa tội toàn khối ấy. Lực lượng an ninh phải canh chừng những xã ấy nhiều hơn xã khác, nhất là phong trào di cư. Phật tử lập luận rằng Chính phủ khuyến khích Gia tô giáo hơn Phật giáp vì trong số một triệu dân di cư từ Bắc vào Nam có đến bảy trăm nghìn tín đồ Gia tô. Người ta tưởng đó là vì Tổng thống Việt Nam Cộng hòa là một tín đồ Gia tô. Người ta không thấy đấy là một vấn đề tổ chức. Trên bình diện thế tục, Gia tô giáo được tổ chức chặt chẽ hơn nên có cả giáo khu được tập hợp và chỉ huy để rời quê hương, trong khi ấy Phật tử lại tản mát và không được tổ chức. Lúc bấy giờ Chính phủ Diệm còn yến, ông vừa mới về nước và Chính phủ trước đó đã vơ vét hết tiền bạc. Trong ngân khố quốc gia chỉ còn đủ trả lương cho công chức trong một tháng. Những vị Bộ trưởng đều không có lương, vợ tôi nuôi tất cả mọi người. Chúng tôi sống ở đây như đi “picnic.” Vì Chính phủ yếu và kém tổ chức, nên Tổng thống phải hỏi người Pháp (tướng Salan) có thể giải quyết cho bao nhiêu người di cư vào Nam. Họ trả lời không quá hai mươi lăm nghìn trong khi số di cư có đến hàng triệu. Họ đến Hải Phòng và người Pháp bị tràn ngập. Thật là kinh khủng. Người ta đợi hằng tháng để xuống tàu, bao nhiêu của cải mất sạch. Ông Diệm không có phương tiện gì hết. Người Pháp trở nên bi quan, không ngờ tín đồ công giáo đông như thế. Ông Diệm phải nhờ đến người Mỹ vì không có một cơ quan nào lo việc ấy hết. Vị bộ trưởng của Chính phủ Diệm phụ trách di cư lại chống phong trào ấy. Ông cho rằng về phương diện chính trị, tốt hơn nên để họ ở lại ngoài Bắc vì họ là lực lượng chống đối Cộng sản, nếu đưa vào Nam mà không làm vừa lòng họ, họ sẽ trở thành lực lượng chống Chính phủ. Đó là điều làm cho Phật tử nghĩ rằng Chính phủ ưu đãi tín đồ Công giáo.
Ông trưởng phái đoàn: Theo một bản tuyên bố của Chính phủ, tất cả tổ chức bất hợp pháp đều bị tiêu diệt. Có phải tất cả những tổ chức ấy đềy là của Phật tử không? Và có bao nhiêu tổ chức như thế?
Ông cố vấn chính trị: Âm mưu ấy được tổ chức do Ủy ban liên phái. Ủy bạn này chỉ đại diện ột thiểu số Phật tử Việt Nam thôi. Số còn lại, không đồng ý và về phương diện tình cảm, họ đau khổ trước sự kiện ấy. Những kẻ âm mưu là đạo hữu của họ và đối với những kẻ ấy, họ có một sự liên kết tinh thần. Người ngoại quốc lợi dụng điều ấy. Cuộc âm mưu thành hình được nhờ những kẻ xúi giục ngoại quốc và nhất là báo chí Mỹ đã đưa dư luận quốc tế lên chống Chính phủ. Tất cả những tổ chức ấy đều do Ủy ban liên phải điều khiển.
Ông trưởng phái đoàn: Quân đội và chính quyền đã khám phá nhiều tài liệu. Chúng tôi có thể xem được bao nhiêu?
Ông cố vấn chính trị: Quý ông có thể xem tất cả.
Ông Gunewardene: Có bao nhiêu Phật tử trong Chính phủ?
Ông cố vấn chính trị: Ba phần tư.
Ông Gunewardene: Trong hàng ngũ tướng lãnh?

Ông cố vấn chính trị: Trong mười bảy vị tướng thì có mười bốn vị Phật tử, thuần túy hay không, tôi không được rõ, và ba tín đồ Gia tô trên hình thích.
Ông Gunewardene: Có bao nhiêu Phật tử trong quân đội?
Ông cố vấn chính trị Cúng một tỉ lệ như trong dân chúng. Nhưng đa số thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người quá cố. Họ không đến chùa. Việt Nam không phải là một xứ sùng đạo. Đúng hơn, người Việt Nam không muốn ràng buộc vì giáo điều. Họ đến chùa khi bệnh hoạn hay đau khổ. Ngoài ra, họ không đến làm gì.
Ông Gunewardene: Ai là trưởng chỉ huy Quân đoàn thủ đô? Có phải là một phật tử không?
Ông cố vấn chính trị: Thiếu tướng là một Phật tử. Nhưng cho đến nay, đối với chúng tôi, đó không phải là một điều quan trọng để đánh giá giá trị.
Ông Gunewardene: Nhưng đối với Phật tử điều ấy có làm họ băn khoăn không?
Ông cố vấn chính tr: Chúng tôi không muốn đi sâu vào những nhận xét ấy. Người ta có thể thay đổi tôn giáo. Như tôi chẳng hạn, tôi là tín đồ Gia tô, nhưng chống Giáo hội.
Ông Correa De Costa: Cũng trong vấn đề này, tôi xin đặt câu hỏi sau: Trong điều kiện như thế thì làm sao lại nảy sinh vấn đề đỏi hỏi của Phật giáo?
Ông cố vấn chính trị: Trong hoàn cảnh lịch sử của các nước chậm tiến, Phật tử đã đi lệch con đường giáo lí vì thiếu cán bộ để nghiên cứu. Với tư cách là tín đồ Gia tô, như tôi chẳng hạn, tôi nghĩ rằng, Hội nghị Công đồng thế giới hiện nay chỉ có kết quả tốt đẹp nếu có sự cải cách trong việc nghiên cứu Thần học. Sự tiến triển về hoạt động của Gia tô giáo không đi đôi với phẩm chất của việc nghiên cứu Thần học. Hiện nay những nhà Thần học Gia tô ở đâu? Lẽ dĩ nhiên là không phải trong các vị Hồng y. Họ chỉ là cán bộ.
Ông Amor: Có những trại thanh niên ở Sài Gòn; chúng tôi có thể đi xem được không?
Ông cố vấn chính trị: Có, những trại ấy cách đây vài cây số.
*


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận