Võ Như lắc đầu:
- Hai chữ “nhiệm vụ” mà đại tá dùng, mơ hồ quá!
Luân cười rộ:
- Chẳng lẽ hai anh không tự đặt ình một nhiệm vụ nào cả? Đùa hả? Đùa với sinh mạng Quách Thị Trang hả?
- Nếu theo nghĩa đó, chúng tôi có nhiệm vụ. Nhiệm vụ hoặc lí tưởng... - Tô Lai lấy lại giọng bình tĩnh.
- Tôi không cần đi sâu vào danh từ. - Luân ngó hai người với đôi mắt người lớn - Sau khi lật đổ ông Diệm, cứ giả định như vậy, các anh định làm gì?
- Xây dựng một chế độ tự do thật sự ở Nam Việt. - Võ Như nói như tuyên cáo.
- Nghĩa là mọi người đều được luật pháp bảo vệ? - Luân hỏi.
- Tất nhiên, trừ Việt Cộng! - Võ Như tiếp tục khẳng định.
- Thế thì vấn đề hòa bình sẽ giải quyết như thế nào? Chúng ta đang có chiến tranh và chiến tranh khá khốc liệt.
- Không có cách nào khác hơn phải đánh đổ chế độ Cộng sản Bắc Việt! - Võ Như trả lời thật dứt khoát.
- Bằng cách nào?
- Đại đức Thích Đức Nghiệp đã chủ trương. Chúng tôi sẽ thành lập quân đoàn giải phóng miền Bắc...
- Tiếc quá! - Luân hóm hỉnh - Báo Tự Do có anh kí giả tên Vũ Bắc Tiến. Tôi biết không phải một trong hai anh mang tên đó... Chuyện của hai nhân vật “Ủy ban chỉ đạo” mà trẻ con đến cỡ này sao? - Giọng Luân từ châm biếm sang khinh miệt.
- Ông Diệm và cả ông nữa, các ông không làm nổi sự nghiệp thống nhất giang sơn, chúng tôi làm! - Võ Như câng câng mặt.
- Người Mỹ! Tôi nhắc lại! Người Mỹ cũng chưa dám nghĩ tới chuyện đó mặc dù họ có thể sẽ lên mặt trăng không bao lâu nữa. Các anh chống ông Diệm, tôi không có ý kiến vì nó thuộc về quyền của các anh. Tôi là quân nhân song tôi không biệt những loại chính kiến trong phạm vi những người Quốc gia với nhau. Tôi chỉ khuyên các anh: Làm người lớn phải có cái đầu người lớn. Các anh đừng tự phơi bày mình như một thứ hình nộm ai muốn giật dây cũng được. Tôi nói thật nghiêm chỉnh đó. Cái đầu cạo láng của anh không nâng anh lên một chút nào. Các anh cứ ghi nhớ: các anh sẽ bị xô giạt bên lề và chính các anh hối hận.
Luân nói giọng khô khốc.
- Chúng tôi muốn đại tá làm cố vấn cho Ủy ban chúng tôi! - Tô Lai dịu hẳn giọng.
- Tôi vừa làm cố vấn cho các anh... Không đủ sao? Nếu cần thêm, tôi lưu ý các anh: Đừng làm con két!
Hai người ngượng nghịu bắt tay Luân.
- Tập tễnh làm chính khách! Thế lực không lớn, tìm chỗ dựa. CIA nắm, song không nắm được hạng có ý thức. Các cậu sẽ rơi đài sớm thôi!
Luân trầm ngâm với ý nghĩ riêng cho đến khi Thạch mang vào chiếc phong bì có dấu mật và gắn xi.
*
Điện mật:
Một đoàn đại biểu Phật giáo do Pháp Tri, phái Tiểu Thừa dẫn đầu, bí mật vượt biên giới và đã đến Nam Vang. Họ viết một bức huyết thư gửi ông U Thant, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc và Thái tử Sihanouk đồng thời liên lạc với Nhất Hạnh cùng Cao Thị Phượng đang ở Mỹ và Mẫn Giác ở Ấn Độ. Họ đã gặp cả hai vua sãi Cambot Phanmayut và Manahica.
Kí:
Tổng lãnh sự CH tại Nam Vang.
*
Bản sao điện mật chẳng gợi cho Luân một ý nghĩa nào. Sự thể đã phát triển quá xa. Số mạng của chế độ Ngô Đình Diệm không còn đếm từng ngày mà từng giờ. Kề cái chết, họ giãy giụa nhưng càng giãy giụa, sợi thòng lọng càng thít chặt. Tự nhiên Luân nhớ đến Ngô Đình Thục, nhớ cái hôm chia tay.
Luân mời Giám mục đến nhà ăn cơm và Dung tự nấu. Bữa ăn chung ở Dinh Gia Long thật buồn, bữa ăn ở nhà Luân cũng chẳng hơn. Với Giám mục, ông chỉ linh cảm thôi nhưng chừng ấy điều xảy ra dồn dập cũng cho linh cảm của ông những cơ sở phán đoán.
Thức ăn ngon, hợp khẩu vị Giám mục - thường thì Giám mục vừa ăn vừa khen - nhưng hôm nay, ông lơ đễnh, mắt như ngó đâu.
- Tình hình rối quá, con hỉ? - Ông hỏi.
Luân không biết trình bày sao cho hợp với buổi chia tay - Luân cũng linh cảm Giám mục sẽ không bao giờ về Việt Nam nữa.
- Thưa Đức cha, tuy rối, song cũng còn đường ra...
Mặt Giám mục không hé một chút phấn khởi.
- Cha nghĩ lão linh mục Hoàng có lí. Đặng Sĩ cũng có lí. Giá mà Tổng thống nghe lời thím Nhu, mạnh tay vào, bọn Phật giáo bị triệt từ tháng năm. Sai một nước cờ, hư cả bàn cờ!
Luân càng thấy thương hại người cha nuôi của mình. Cũng không nên trách ông. Ông không thể có cách suy nghĩ khác.
- Cha sẽ trình bày cho dư luận Công giáo thế giới biết sự thật... Cả Đức Thánh cha cũng cần được thông báo các chi tiết. Đức khâm mạng Tòa Thánh cho Cha hay, theo Ngài thì chế độ của chúng ta khó thoát khỏi cơn thử thách định mệnh này. Để tránh hậu quả tai hại cho Công giáo, Ngài thúc Cha đi La Mã sớm dù Công đồng chưa họp. Cha muốn gặp Đức Hồng y Spellman... Nhưng, ra đi như thế này, Cha bứt rứt trong lòng... Chúa vốn công bằng, sao lại đưa Tổng thống và gia đình ta vào thế hiểm nghèo? Đức khâm mạng đã dạy, Cha nghĩ Ngài nghe được cái gì đó...
Ngưng một lúc, Giám mục bảo Luân:
- Con sống với gia đình chúng ta thấm thoát chín năm, bằng thời gian con kháng chiến... Cha, Tổng thống, chú Nhu, mọi người đều xem con và vợ con như ruột thịt. Cha biết con giỏi. So với chú Nhu, con suy tính nhiều việc kĩ, sâu hơn. Cho nên, trước khi ra đi, Cha mong con trước sau như một, hết sức vì gia đình. Con cũng đoán ra, suốt chín năm, nhiều kẻ ghen ghét toan hãm hại con, song Cha, Tổng thống một mực tin con. Đã qua, con xứng đáng lắm. Trên mình con, bao nhiêu vết thương chí mạng là vì họ Ngô. Không ai không nhớ... Con thường thư cho Cha. Công đồng họp khá lâu, Cha cần tin tức ở nhà... Cha sẽ năng thư cho con.
Khi Giám mục và anh ôm nhau, Luân rưng rưng nước mắt. Ngô Đình Thục thuộc gia đình mà cách mạng không thể không triệt hạ - tội ác của họ cao như núi - nhưng, mặt khác, nếu không được Thục che chở, Luân không bị giết thì cũng trút bộ lốt hiện giờ từ lâu, khó thực hiện được gánh nặng mà anh Hai trực tiếp giao, mà A.07 trực tiếp chỉ đạo...
Một cái gì như bất nhẫn dâng lên trong lòng Luân. Dung thông cảm tâm trạng của Luân. Tiễn Giám mục lên xe, còn riêng hai người, Dung ngồi sát Luân:
- Anh cứ buông thả tình cảm, em thấy như vậy không có hại gì. Chúng ta là con người. Vả lại, ông ấy chưa hề có ý định xấu về anh.
Dung cung cấp cho Luân nhiều tin mới, chúng củng cố thêm nhận định của Luân: “Bravo” của Nhu chính là tín hiệu cho phía đảo chánh hành động.
Chuông ngoài cổng reo. Thạch mở cổng. Chiếc xe tải to sầm sơn màu vàng của hãng BGI vào sân. Mấy người khuân các két bia, nước ngọt xuống. Một nhân viên đi vào nhà, với quyển sổ thanh toán trên tay.
Luân sửng sốt một giây.
- Mời ông ngồi! - Luân chỉ ghế cho nhân viên của hãng BGI. Anh nói khẽ vào tai Dung:
- Khi người ta xuống xong các thứ, nhận xong vỏ chai, em bảo Thạch mời tất cả ra chỗ Thạch đãi họ... Lí do? Lấy sinh nhật bé Lý...
Dung hiểu. Cô liếc nhanh “nhân viên” BGI - và cô đoán: Anh Sáu Đăng. “Nhân viên” BGI mỉm cười với cô.
... Mỹ dứt khoát loại Diệm bằng hình thức đảo chính. Đó là điều Mỹ cố tránh song không tránh khỏi. Diệm tuy là tay sai của Mỹ nhưng lại không ngoan ngoãn. Y có mặt “tương đối độc lập” của y. Từ khi lên cầm quyền, Diệm bắt tay xây dựng một triều đại kiểu hoàng đế mà không xưng hoàng đế: “Tổng thống suốt đời.” Y dựa vào thế lực Thiên Chúa giáo phản động cực đoan di cư và dân di cư nói chung, dựa vào các phần tử tư sản thuộc gia đình và vây cánh y thay chân số thân Pháp và dựa vào quân đội, cảnh sát. Nhưng, giữa Mỹ và y có một khoảng cách và khoảng cách đó lớn dần. Y muốn thâu tóm mọi quyền hành, Mỹ muốn chia sẻ quyền hành cho nhiều nhóm để kìm chế lẫn nhau. Từ khi nhân dân miền Nam đồng khởi và Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời, Mỹ - Diệm mất quyền kiểm soát ở nông thôn. Mỹ rút ra kết luận là vì Diệm thực hiện sai lệch chính sách của Mỹ nên Cộng sản mới giành được thắng lợi.
Mỹ buộc phải đưa thêm cố vấn vào miền Nam và đến mức phải thành lập cả một Bộ chỉ huy, thực chất là Bộ chỉ huy viễn chinh hay ít ra cũng là tiền thân của Bộ chỉ huy ấy. Với mấy lần cảnh cáo quân sự không kết quả, Mỹ dùng sức ép chính trị thông qua phong trào Phật giáo. Tiếng là phong trào Phật giáo, kì thực gần như mọi giới, mọi tầng lớp đều chống Diệm, dựa danh nghĩa Phật giáo. Mỹ hiểu được điều đặc biệt ấy; nếu để các nhà sư tiến bộ lãnh đạo thì phong trào sẽ phát triển về phía mở ra khả năng thương lượng với Mặt trận, nghĩa là Mỹ sẽ thất bại. Cho nên Mỹ phải tung tay sai vào lèo lái phong trào Phật giáo, và bây giờ thêm phong trào học sinh, sinh viên. Tất cả màn chính trị sục sôi là giáo đầu ột cú quân sự mà cú quân sự sẽ chớp nhoáng để ta không kịp khai thác. Mỹ nắm được một số tướng và thỏa thuận với Pháp một số tướng vốn là người của Pháp. Yêu sách của Pháp, như De Gaulle tuyên bố ở Nam Vang, đặt Nam Việt trong quy chế trung lập, Mỹ ỡm ờ, nhưng chắc chắn cốt lợi dụng Pháp, không đời nào chịu nhả Nam Việt. Có thể có những khả năng sau đây: Nếu Diệm đổ, một ê kíp tay sai gồm cả thân Mỹ và thân Pháp điều khiển khá cuộc chiến tranh, Mỹ khỏi đưa thêm quân vào mà đẩy lùi chính sách liên minh với Pháp; nếu ê kíp mới tỏ ra kém khả năng, sẽ có thay đổi tay sai, loại những người thân Pháp, chỉ để bọn thân Mỹ độc quyền, trong trường hợp này, đẩy lùi được ta thì Mỹ vẫn giữ mức quân như hiện nay, hoặc tăng thêm chút ít nữa; nếu cả giải pháp đó không thu kết quả thì chiến cuộc sẽ thay đổi quy mô, chưa đoán trước quy mô tới đâu song chắc chắn sẽ là cuộc chiến tranh lớn và chiến tranh của Mỹ.
Về Diệm, hoặc y đề kháng hoặc y đầu hàng. Y đề kháng, có lợi cho phong trào - nhân rối loạn mà quét Ấp chiến lược. Y bị hạ bệ và lưu vong, mâu thuẫn chưa dàn xếp, diễn tiến sẽ còn phức tạp.
Về phong trào Phật giáo, nhất định phân hóa. Số chân tu và số quần chúng yêu nước hiện nay đang say, họ căm ghét Diệm mà chưa thấy cái nguy hiểm của Mỹ, nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ thấy. Về phong trào sinh viên, học sinh, đang phân hóa, đã có một số nhận thức chống Diệm đồng thời phải chống Mỹ - số này còn nhỏ nhưng chắc chắn sẽ lớn nhanh.
Tương quan chung chưa cho phép ta làm cái gì vang dội nếu đảo chánh xảy ra. Đó là thời cơ tập hợp lực lượng, tiến công chính trị, phá Ấp chiến lược, khiến nội bộ Mỹ ngụy không ổn định.
Riêng “Kị sĩ,” phải bám cho được vị trí hợp pháp - nghĩa là vẫn được Mỹ tin dùng. Có thể tham gia đảo chánh đến mức nào đó và tùy tình hình mà xử lí.
Anh Sáu Đăng tranh thủ phổ biến mấy nhận định lớn cho Luân. Luân báo cáo tình hình những ngày qua.
- Anh không được liên lạc với cô Mai và chị Cả, rất nguy hiểm. Từ nay, anh khỏi báo cáo tình hình, chúng tôi có điều kiện nắm khá đủ. Anh chỉ có việc hành động theo phương hướng đã vạch, khi cần, chúng tôi trực tiếp móc liên lạc, không sử dụng điện đài hay hộp thơ. Nghĩa là cắt đứt tất cả. Anh phải dấn thân sâu hơn và càng ít dấu vết liên hệ với cách mạng càng có lợi. Chỉ khi nào thật bức bách thì anh hoặc cô Dung đến chỗ này... - Anh Sáu Đăng chấm nước viết lên mặt bàn.
- Tôi cần một số người trung kiên tiếp tay, - Luân đề xuất - Chẳng hạn các đồng chí cho tôi một lái xe, một thư kí, một nhóm bảo vệ...
- Lái xe thì anh Thạch. Tin cậy được, tuy Thạch không hiểu công việc của anh và cô Dung. Thư kí có lẽ không cần, cô Dung làm tốt hơn. Nhóm bảo vệ thì để xem...
- Xin chọn cho ba Đảng viên thật trung kiên, vào dân vệ hay bảo an ở ba nơi, báo cho tôi biết, tôi sẽ điều...
- Để chúng tôi bàn thêm. Số người tốt anh liên hệ từ trước nên tùy lúc mà sử dụng như Nguyễn Thành Động, Trương Tấn Phụng, thậm chí Phan Cao Tòng, thiếu tướng Lâm. Riêng Lê Khánh Nghĩa thì không được. Nghĩa có việc của anh ta.
Luân báo cáo cho anh Sáu biết Jones Stepp chú ý đến Nghĩa khi hỏi Thạch. Anh Sáu hơi cau mày:
- Vậy là có một lỗ rò nào rồi. Tại sao tình báo Mỹ chú ý đến Nghĩa?
Tất nhiên Luân không biết.
- Tôi sẽ thử tìm nguyên nhân...
- Không cần! - Anh Sáu dứt khoát - Chúng tôi lo chuyện đó. Vợ của Thạch tốt, nhưng hình như binh vận Mỹ Tho định qua chị ta tranh thủ Thạch. Việc này hơi rối. Nếu chúng tôi ngăn thì sẽ lộ anh - anh em Mỹ Tho cũng có người ngờ ngợ về anh, do anh em Bến Tre thông báo. A.07 phê bình dữ lắm... Jones Stepp tin anh, nhưng Williams Porter còn đang thẩm tra thêm anh. Có hai tay mà anh phải hết sức đề phòng, một tay tôi đã nói lúc gặp anh trên Đất Ung, tức John Hing. Tay kia là Mai Hữu Xuân. Chúng tôi vẫn có kế hoạch bảo vệ anh, nhưng anh không cần biết.
Bây giờ, Luân mới nhìn kĩ anh Sáu. So với lúc gặp ở Đất Ung, anh Sáu có vẻ khỏe hơn. “Nó cũng là mặt báo hiệu phong trào mạnh,” Luân nghĩ - và, qua cách nói của anh Sáu, Luân hiểu ta thâm nhập nhiều ngả vào các cấp ngụy quân, ngụy quyền, tình báo của ta phát triển rộng. Nội việc anh Sáu có thể ung dung vào thành, đến nhà Luân bằng một xe của hãng BGI thì đã rõ.
- Nhu nhiều lần ngỏ ý muốn thương lượng với ta. Tôi xin ý kiến anh.
- Chúng tôi biết, qua nước thứ ba. Song, Nhu đánh đòn gió thôi. Bây giờ, còn gì để thương lượng, mặc dù ta biết một sự ủng hộ nào đó của ta giúp Diệm đề kháng lâu hơn... Song, để làm gì? Tôi nghĩ anh nên bắt đầu tính đến sự tồn tại của anh sau thời kì Diệm.
Luân báo cáo về James Casey và John Hing với các trương mục ngân hàng.
- Tốt thôi! - Anh Sáu bảo - Anh đừng vồ vập nhưng cũng đừng từ chối... Cũng là một thử thách nữa.
- Chúng nói nhiều đến vũ khí. Sau Diệm, chiến tranh có thể...
- Đó là một khả năng. Ta đang cố gắng tránh khả năng đó. Nhưng, tránh được hay không, bây giờ chưa thể nói trước. - Anh Sáu Đăng thở dài.
- Chiến tranh có nghĩa là tàn phá! - Luân cũng thở dài - Tôi đã nghiên cứu ở Học viện Fort Brag, đọc nhiều tài liệu về chiến tranh hiện đại. Trong chương trình, học viện giảng cho chúng tôi sử dụng cả bom nguyên tử chiến thuật... Tôi nghĩ không chỉ như là Triều Tiên. Hơn Triều Tiên!
- Vì vậy, trách nhiệm của anh càng nặng...
- Tôi có một thắc mắc: bọn CIA biết rằng tôi không có lực lượng để làm đảo chính, tại sao chúng chi tiền cho tôi. James Casey nói rõ như vậy... - Luân hỏi.
- Đó là cái cớ thôi. Ý định của chúng là tách anh ra khỏi Nhu với hai mục đích: Anh chống lại kế hoạch đảo chính thì kế hoạch sẽ khó thực hiện; khó sửa soạn vai mới cho anh. - Anh Sáu Đăng giải thích.
- Anh có thể cho tôi biết tin các bạn chiến đấu cũ? - Luân chuyển sang chuyện tình cảm.
- Lưu Khánh đã về Nam, đang chỉ huy một đơn vị. Vũ Thượng xuất ngũ rồi, tôi không rõ làm gì... Anh Tư đang làm đại sứ ở Liên Xô.
- Sức khỏe của anh Hai.
- Anh Hai ra Bắc năm 1957, sau nhiều lần suýt bị bắt. Chắc anh biết tin của anh Hai sau đại hội Đảng lần thứ III. Anh Hai khỏe. A.07 cũng khỏe.
- Còn về Francisci, - Anh Sáu như chợt nhớ - Cũng có thể có cái gì hay hay, A.07 được bạn Pathet Lào báo về một vụ đụng độ giữa họ với nhóm phỉ U Ba Thiên và được cánh Francisci hỗ trợ. Bạn hơi lạ vì Francisci không bao giờ hành động kiểu đó. Khi được thư anh, tôi mới vỡ lẽ. Francisci là một tay giang hồ, do giang hồ, gã phục những lối hảo hớn như anh.
Anh Sáu Đăng hơi mỉm cười. Luân thấy má nong nóng.
- Cũng có lúc, phải tỏ ra hảo hớn. Anh khá lắm.
- Sa thế nào rồi?
Anh Sáu không trả lời, chỉ cười.
- Còn Lục?
- Đừng hỏi... Không có cái gì xấu xảy ra với họ, anh biết vậy là đủ... Quyến, tôi đoán thế nào anh cũng hỏi - đang học, ở xa.
- Saroyan rất tốt với anh. Song, anh nên chú ý Jones Stepp... - Anh Sáu trở lại công việc.
- Tôi hiểu. Jones Stepp cũng hiểu lằn mức trong quan hệ giữa chúng tôi.
- Fanfani viết nhiều bài hay... Cả anh chồng, cung cấp các ảnh rất giá trị. A.07 cho rằng anh đã ảnh hưởng đến quan điểm của Fanfani.
- Không hẳn... Cô ta rất độc lập trong nhận định và rất cứng về nghề nghiệp.
- Tình hình ta và Bắc Kinh mỗi ngày mỗi xấu thêm. Đường lối chủ nghĩa của Bắc Kinh dẫn họ vào vũng lầy phản bội. Cho nên, Lâm Sử là một mũi mà anh không thể coi thường.
- Các anh mình đánh giá về tướng Minh thế nào?
- Không khác đánh giá của anh: có tinh thần quốc gia chừng mực nào, tự trọng nhưng kém kinh nghiệm chính trị. Trong các hoạt động trước mắt, Minh là bình phong, người tổ chức là Andre, nhưng người thật lợi hại là Đỗ Mậu.
Tiện thể, Luân báo cáo với anh Sáu về vợ Huỳnh Hữu Hiền mà Luân nghĩ là trò chơi của Nhu.
- Chưa chắc! Chưa biết ai xỏ mũi ai... Andre không quá kém về kinh nghiệm đâu...
Chuyện chung coi như xong.
- Ta cụng một li! - Anh Sáu đột nhiên đề nghị và anh cùng Luân uống cạn cốc bia.
- Tôi được A.07 cho phép thông báo với anh: Do thành tích của anh, của đồng chí Dung, Nhà nước quyết định thăng anh vượt cấp từ trung tá lên đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam và đồng chí Dung là đại úy Công an Nhân dân kể từ ngày 1-1-1963. Anh được tặng Huân chương Quân công hạng nhất, đồng chí Dung, hạng ba...
Luân vừa nghe xong, không tự chủ được nữa, bật khóc...
Đoàn thể, Tổ quốc chăm sóc anh và Dung chu đáo đến mức không ngờ tới. Bao nhiêu hình ảnh cũ bỗng vụt hiện trong đầu anh. Kể từ khi anh hiểu cách mạng - trên chuyến xe lửa vào Nam, bạn học của anh, Quý, soi vài tia sáng - đến nay gần hai mươi năm, trong hai mươi năm đó, số phận chia đều: một nửa trong tư thế một cán bộ công khai đảm đương các chức vụ khác nhau, sống tập thể có anh có em, sinh hoạt Đảng đều đặn, hòa lẫn với đồng bào; một nửa ngược hẳn - anh phải mang bộ quần áo ngụy, phải nghe, phải nhìn, phải nói, phải làm những điều đôi khi tự chúng xỉ vả anh, chen giữa đám nhơ nhuốc, vượt những thử thách kì quặc, luôn giữ vai kịch đến khốn khổ. Từng giây, từng phút anh đặt mình trước bao nhiêu ống kính, bao nhiêu ngọn đèn pha soi anh từ đủ phía. Từng phút, từng giây anh phải đối phó với tráo trở, lừa gạt, lật lọng, gian trá, nham hiểm, láo khoét. Anh từng phát sợ - không phải sợ kẻ thù mà sợ anh: chừng ấy chất độc liệu có len lỏi phần nào vào cơ thể anh không và nếu cuối cùng rồi, anh tìm thấy trong mùi tanh tưởi một chút nước hoa thoang thoảng, thì sao? Không! Không phải những cuộc đọ trí, đọ súng nao núng anh. Sự cám dỗ: Quyền lực, tiền, gái... Anh tự nghĩ, nếu cạnh anh không có Dung. Công lao mà Đảng đánh giá, thật sự thuộc về người anh yêu, vai trò Dung dường khiêm tốn song quyết định, anh hiểu hơn ai hết. Và, xét cho cùng, anh chưa làm được bao nhiêu so với lòng tin cậy của các anh...
Qua nước mắt, Luân nhìn ra ngoài sân. Dung đang tiếp mấy người của BGI. Cô rót bia, dịu dàng mời khách. Ngay việc đó, phải đâu không ý nghĩa gì cả...
Anh Sáu im lặng. Anh muốn Luân vơi đi bao nhiêu dồn nén.
- Tin của ông cụ và ông chú Dung? - Luân hỏi.
- Ông cụ còn khoẻ, rất nhớ Dung... Song chỉ có thể động viên ông cụ thôi, ông cụ tỏ ra người có nghị lực. Còn đồng chí Thuận, chú Dung, cũng khỏe... - Anh Sáu hơi mỉm cười - chỉ mỉm cười thôi Luân cũng đoán ra người cán bộ tình báo già dặn hẳn đang thực hiện một công việc có thể quanh quẩn đâu đây...
Hai người bắt tay nhau thật chặt.
- Vùng giải phóng lan sát ven Sài Gòn, tôi nói để anh hiểu. Nếu thấy không thể tiếp tục đứng được. Anh ra hướng nào cũng an toàn cả.
- Cám ơn anh. - Luân nói - Nhưng sẽ không có việc tôi đào ngũ đâu!
Anh Sáu Đăng nghiêm mặt:
- Sao lại đào ngũ? Tôi ra lệnh cho anh: nếu cảm thấy không an toàn thì lập tức ra khu ngay. Tôi tin anh chấp hành đúng kỉ luật của Đảng...
- Tôi xin hứa!
Hai người không dám ôm hôn nhau...
Khi chiếc BGI ra khỏi cổng, Dung lững thững vào nhà.
Luân bất thần ôm chầm Dung, xốc cô lên. Dung bối rối. Từ khi yêu nhau, chưa bao giờ Luân có cử chỉ sôi nổi như vậy.
- Anh! Coi chừng chị Sáu thấy...
Luân không nói, bế Dung vào phòng ngủ, hôn Dung tới tấp. Dung không hiểu, không thể hiểu, cái đắm say mà Luân trao cho Dung hôm nay - ngay đêm tân hôn cũng không đến thế.
Dung muốn hỏi nhưng đến lượt cô, chỉ còn có thể cắn nhẹ vào vành tai Luân: Anh yêu của em...
*
Nhu gọi Luân vào Dinh Gia Long.
- Ngày mai, tôi gặp phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc. Anh cùng gặp với tôi.
Nhu đẩy cặp hồ sơ dày cộm cho Luân. Luân chưa vội mở cặp. Chẳng có gì bí mật. Và Luân thừa biết vụ Phật giáo đối với Nhu không phải trong hồ sơ này mà ở chỗ khác - ở mẹo của Ngô Trọng Hiếu.
Nói chung, nhà chiến lược, nhà tư tưởng Ngô Đình Nhu sau các biến cố dồn dập, thu hình lại chỉ còn là nhà ảo thuật, một mưu sĩ tầm thường. Về mặt này, Nhu kém xa bất kì một kẻ bẻm mép, ma cô nào của đất Sài Gòn.
- Anh cùng đi với tôi một lúc. - Nhu mời.
Luân ngỡ Nhu muốn thả bách bộ với anh. Nhưng không, Nhu đưa anh vào một phòng nhỏ.
“Anh ta định ình xem một kế hoạch gì đây?” Căn phòng có bậc thềm. Đèn bật sáng. Đến đây thì Luân hiểu: Nhu giới thiệu với anh nhà hầm xây dưới Dinh Gia Long - Luân biết việc đó, tuy không trực tiếp dính líu.
Qua bậc thềm hẹp, hai người xuống một gian hầm rộng hình chữ nhật khoảng trên 20 mét nằm theo chiều từ đường Công Lý qua đường Pasteur, phía sau Dinh Gia Long. Luân ước cách mặt đất khá sâu. Nhu và Luân thường ngồi bên trên và bây giờ thì Luân hiểu: thảm cỏ xanh mượt chính là nóc hầm.
Hầm chỉ có hai cửa, cửa sắt dày. Một cửa thông với bốn lối xuống hầm: từ phòng ngủ của Tổng thống, từ phòng ngủ của Nhu, từ tầng dưới dinh và từ văn phòng của Tổng thống. Một cửa đi lên mặt đất, dùng cho lính bảo vệ, với lỗ thông hơi và một công sự bố trí đại liên. Hầm chia nhiều phòng nhỏ: Tổng thống có phòng khách, phòng ngủ và phòng tắm. Nhu cũng có ba phòng. Một hành lang nối các phòng.
Hầm vừa xây xong, mùi vôi nồng nặc. Chưa trang trí nội thất, ngay quạt và máy điều hòa không khí.
Luân cảm giác đây là một chiến hạm, một thứ hầm trú ẩn. Hình như hầm của Tướng De Castries ở Điện Biên Phủ kiên cố hơn...
Nhu đưa Luân vào một phòng. Phòng đặt đầy máy thu phát vô tuyến điện và điện thoại. Bốn nhân viên - tất cả đều là liên quân của Liên binh phòng vệ, đứng lên chào.
- Cho tôi liên lạc với tướng Huỳnh Văn Cao! - Nhu bảo. Máy phát siêu tần số nhấp nháy đèn.
- Nhu đây!
- Chào ông cố vấn! Cao đây... Xin nghe chỉ thị.
- Không có chỉ thị gì. Tôi cùng Đại tá Nguyễn Thành Luân kiểm tra hệ thống thông tin thôi. Tốt lắm, nghe rõ lắm... Chào thiếu tướng.
- Chúc sức khỏe ông cố vấn và đại tá...
Mặt Nhu thoáng nét thỏa mãn.
- Cho tôi Đại tá Bùi Đình Đạm!
Câu chuyện lặp lại. Nhu gọi Nguyễn Khánh tận Pleiku, gọi Nguyễn Văn Thiệu ở Củ Chi, gọi Tôn Thất Đính, Huỳnh Hữu Hiền, gọi cả Nguyễn Cao Kỳ, gọi Lê Quang Tung và Hồ Tấn Quyền... Đâu cũng răm rắp. Hai đường dây chạy thẳng đài phát thanh quốc gia và quân đội. Riêng tại đây, một đài phát thanh “bỏ túi” với công suất 2.000 Watt.
- Hầm này chịu được bom tấn! - Nhu bảo Luân khi họ theo bậc thang trở lên.
- Anh có đặt đường dây thẳng với sứ quán Mỹ không? - Luân chợt hỏi...
- Chưa... mà cần không?
- Cần... Tôi nghĩ là cần...
- Nội sáng nay, sẽ có đường dây đó...
Hai người thả bách bộ quanh dinh. Khoảng trời bên ngoài quá cao rộng, Luân so sánh với căn hầm. Thế là chế độ Ngô Đình Diệm bằng lòng một căn hầm vào chục thước vuông, trong khi họ từng làm chủ cả 170.000 cây số vuông và tham vọng làm chủ 340.000 cây số vuông của cả nước Việt Nam.
Anh bỗng nhớ Phạm Công Tắc - giáo chủ đòi những 40 cây số vuông kia...
Hai người gặp Diệm, cũng đang thả bách bộ.
- Chú Nhu đưa Luân xem căn hầm chưa? Đẹp, chắc, tiện hỉ?
Họ định dùng căn hầm làm gì? Luân lại bỗng nhớ Hitler, vào những ngày cuối cùng...
Và, cách đây vài tháng, Luân đọc một tin trên báo: một thợ may đường Lê Thánh Tông bị đâm chết giữa đêm. Dung nói riêng với anh: người thợ may tình cờ thấy người ta chở đất lên các xe tải, anh ta không thể sống... Có lẽ là tin thêu dệt. Theo quan sát của Luân, hầm không có lối thông ra ngoài. Một hầm cố thủ hơn là hầm tẩu thoát...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...